Mục lục
Góp ý hoàn thiện các quy định về quyền định đoạt phần vốn góp của thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
TÓM TẮT
Bài viết phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về quyền định đoạt phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên (TNHH2TV), bao gồm các nội dung: (i) Những vấn đề chung liên quan đến quyền định đoạt phần vốn góp như đối tượng của quyền định đoạt phần vốn góp, phạm vi quyền định đoạt các chủ thể có quyền định đoạt phần vốn góp, chủ thể có quyền định đoạt phần vốn góp và (ii) các quy định cụ thể đối với chuyển nhượng và trả nợ bằng phần vốn góp. Từ đó tác giả đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho Luật Doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan về vấn đề này.
Xem thêm:
- Những hạn chế, bất cập về giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam – ThS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền
- Một số vấn đề pháp lý về quản trị công ty đại chúng ở Việt Nam – TS. Hà Thị Thanh Bình
TỪ KHÓA: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Bất kỳ nhà đầu tư nào khi đóng góp vốn vào một công ty để trở thành chủ sở hữu đều quan tâm đến hai vấn đề cơ bản là họ có quyền gì trong công ty đó và họ có dễ dàng định đoạt phần vốn góp (PVG) thuộc sở hữu của mình khi cần thiết hay không. Khi pháp luật cũng như điều lệ công ty có những quy định phù hợp, rõ ràng, tạo điều kiện cho chủ sở hữu thực hiện một cách tốt nhất những yêu cầu cơ bản đó thì nó sẽ khuyến khích và thúc đẩy nhà đầu tư góp vốn vào công ty. Trong trường hợp ngược lại, nó có thể gây ra những tác động trái chiều, làm nản lòng nhà đầu tư và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Dự thảo lần 3 Luật Doanh nghiệp (LDN) sửa đổi (Dự thảo Luật) đã được xây dựng và lấy ý kiến[1] , bài viết cũng sẽ liên hệ với các nội dung liên quan đến quyền định đoạt PVG trong công ty TNHH2TV của Dự thảo Luật nhằm đưa ra một vài nhận xét, góp ý đối với các nội dung sửa đổi được đề cập trong văn bản này.
2. Phạm vi và đối tượng của quyền định đoạt phần vốn góp trong công ty TNHH2TV
Trước khi phân tích các quy định hiện hành về hành vi định đoạt vốn cụ thể của thành viên công ty TNHH2TV, bài viết phân tích một số vấn đề chung liên quan đến quyền định đoạt PVG trong công ty TNHH2TV bao gồm: (i) phạm vi quyền định đoạt PVG của thành viên; và (ii) đối tượng của quyền định đoạt PVG của thành viên.
2.1. Về phạm vi quyền định đoạt phần vốn góp của thành viên công ty TNHH2TV
PGV trong công ty TNHH2TV là một loại tài sản thuộc sở hữu của thành viên công ty. Bởi vậy, về nguyên tắc, thành viên cũng có các quyền định đoạt đối với nó. Tuy nhiên, không giống như các loại tài sản khác, PVG luôn luôn bao gồm hai yếu tố: giá trị tài sản (giá trị định giá được bằng tiền) và tư cách thành viên (các quyền và nghĩa vụ của thành viên có được tương ứng với số vốn góp). Bởi vậy, khi định đoạt PVG, vấn đề pháp lý không chỉ được giới hạn ở giá trị tài sản chuyển giao mà còn được đặt ra đối với việc chủ sở hữu có đương nhiên được chuyển giao “tư cách thành viên” tương ứng với giá trị vốn góp đó hay không. Với đặc trưng là một loại hình công ty “đóng”, hình thành trên cơ sở sự quen biết, tin cậy của các thành viên và có hạn chế nhất định đối với sự thâm nhập của người ngoài vào công ty, các quy định của LDN 2005 về công ty TNHH2TV cho thấy, quyền định đoạt của thành viên đối với PVG của mình trong một số trường hợp sẽ không chỉ phụ thuộc vào ý chí của riêng họ và họ không đương nhiên được tự định đoạt tư cách thành viên gắn với PVG[2] . Đây là một điểm khác biệt cơ bản trong quyền định đoạt vốn của chủ sở hữu công ty TNHH2TV so với công ty cổ phần – là loại hình công ty đối vốn điển hình.
Cơ sở ghi nhận quyền định đoạt PVG của thành viên công ty TNH2TV trước hết nằm ở quy định về quyền của thành viên, theo đó, thành viên được định đoạt PVG của mình bằng cách chuyển nhượng, để thừa kế, tặng cho và các cách khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty[3] . Với cách quy định này, phạm vi quyền định đoạt PVG của chủ sở hữu công ty TNHH2TV được quy định theo hướng mở, cho phép các thành viên được quyền áp dụng cách thức định đoạt khác mà pháp luật có quy định (được hiểu không nhất thiết phải là quy định trong LDN) hoặc được quy định trong Điều lệ công ty (do các thành viên tự thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật). Như vậy, ngoài những cách thức định đoạt PVG đã được quy định trong LDN 2005, các thành viên còn có thể định đoạt bằng các cách khác như dùng PVG làm tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ dân sự, trao đổi tài sản với người khác bằng PVG hoặc dùng chính PVG thuộc sở hữu của mình để góp vốn vào doanh nghiệp khác…[4] . Đây là cách quy định phù hợp, đảm bảo được quyền lợi của người sở hữu vốn và được kế thừa trong Điều 51 của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ralà nếu thành viên thực hiện các hành vi định đoạt chưa được quy định trong LDN 2005 thì việc xác định tư cách thành viên, thủ tục thực hiện sẽ như thế nào bởi LDN chỉ có các quy định xử lý PVG của thành viên khi họ định đoạt bằng các cách thức chuyển nhượng, yêu cầu công ty mua lại, tặng cho, trả nợ, và để thừa kế mà không có quy định về cách xử lý trong các trường hợp khác. Các văn bản hướng dẫn LDN cũng không có quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan trong trường hợp PVG của thành viên được định đoạt bằng những cách thức chưa được quy định trong LDN mà có thể dẫn đến việc thay đổi thành viên hoặc tỷ lệ vốn góp của thành viên. Điều này trên thực tế sẽ gây khó khăn cho công ty cũng như các thành viên khi thực hiện các thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Về vấn đề này, Dự thảo Luật cũng không có những quy định khác biệt. Vì vậy, nên chăng trong Dự thảo Luật cần có thêm quy định mang tính nguyên tắc về việc cơ quan đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ làm thủ tục thay đổi thành viên và thay đổi tỷ lệ PVG cho thành viên đối với những trường hợp thành viên định đoạt PVG bằng các cách khác thức phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Đây sẽ là cơ sở để thành viên bảo vệ được quyền lợi của mình trong trường hợp bị cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối thực hiện thủ tục với một lý do (khá phổ biến) là không có văn bản hướng dẫn.
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâmlàcơ sở phátsinh quyềnđịnhđoạt PVG trong công ty TNHH2TV. Về nguyên tắc, chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản sẽ có quyền định đoạt tài sản đó. Cơ sở pháp lý phát sinh tư cách chủ sở hữu PVG của cá nhân, tổ chức trong công ty TNHH2TV có thể từ nhiều sự kiện pháp lý khác nhau như tự mình thực hiện hành vi góp vốn vào công ty, nhận tài sản thừa kế là PVG từ thành viên, được thành viên chuyển giao PVG thông qua giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, hoặc trả nợ… Tuy nhiên, những trường hợp này không phải lúc nào cũng đương nhiênlàm phát sinh tư cách thành viên cho người được sở hữu PVG[5] . Do vậy, chủ thể thực hiện hành vi định đoạt PVG trong công ty TNHH2TV sẽ không chỉ là những thành viên của công ty mà còn có thể là những chủ thể khác chưa được hoặc không được xác lập tư cách thành viên công ty. Từ đây có thể có hai vấn đề cần được làm rõ là (i) phạm vi quyền định đoạt PVG của các chủ thể này có giống như thành viên của công ty hay không và (ii) quyền của họ sẽ như thế nào khi họ chưa thực hiện được việc định đoạt đối với PVG mà họ có được.
Về vấn đề (i), quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 45 LDN 2005 cho thấy phạm vi quyền định đoạt của các chủ thể này hẹp hơn rất nhiều. Theo đó, người thừa kế không muốn trở thành thành viên hoặc người được tặng không được chấp thuận làm thành viên thì họ chỉ có quyền yêu cầu công ty mua lại (theo Điều 43 LDN 2005) hoặc chuyển nhượng (theo Điều 44 LDN 2005) đối với PVG mà họ được hưởng. Đây là quy định hợp lý bởi vì với bản chất đóng của công ty TNHH2TV, quy định này là cần thiết để đảm bảo quyền được ưu tiên mua PVG của các thành viên còn lại trong công ty đồng thời hạn chế được sự thâm nhập của người lạ vào công ty khi các thành viên còn lại không mong muốn. Quy định này cũng không “đóng cửa” khả năng thu hồi được giá trị tài sản từ PVG của người được thừa kế, tặng cho bởi vì những người này vẫn có quyền được chuyển nhượng ra bên ngoài trong trường hợp các thành viên còn lại không mua hoặc công ty không mua.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lựa chọn giải pháp chuyển nhượng theo quy định tại Điều 44, nếu những chủ thể này chọn giải pháp yêu cầu công ty mua lại PVG mà không được đáp ứng thì họ có quyền chuyển nhượng vốn mà không phải tuân theo Điều 44 LDN 2005[6] . Điều đó cho thấy, ngoài chuyển nhượng, họ không được lựa chọn các cách thức định đoạt khác như trả nợ, tặng cho… PVG mà họ đã có được, kể cả sau khi đã thực hiện việc yêu cầu công ty mua lại PVG mà không được đáp ứng. Quy định này chưa thực sự hợp lý và không đảm bảo được quyền lợi của chủ thể có được PVG bởi vì công ty hay các thành viên còn lại đã không thể thực hiện được quyền ưu tiên mua của mình thì phải dành cho người sở hữu PVG những khả năng định đoạt rộng hơn. Điều này sẽ rất có ý nghĩa trong trường hợp công ty không mua hoặc không thanh toán được tiền mua PVG cho họ, việc chuyển nhượng PVG không dễ dàng trong khi họ lại có nguyện vọng được tặng cho, hoặc có khoản nợ phải trả mà PVG họ được hưởng có thể là một giải pháp. Bên cạnh đó, LDN 2005 cũng chưa dự liệu đến trường hợp người được tặng cho có quan hệ huyết thống ba đời với thành viên tặng cho PVG nhưng họ không muốn trở thành thành viên thì họ sẽ có quyền định đoạt như thế nào đối với PVG được tặng cho.
Vì vậy, LDN cần mở rộng hơn quyền định đoạt của các chủ thể này theo hướng nếu công ty không mua lại PVG mà họ được hưởng hoặc các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết PVG mà họ đã chào bán thì người được thừa kế, tặng cho PVG… sẽ có quyền tự do định đoạt đối với PVG đó và người được nhận PVG trong trường hợp này sẽ đương nhiên trở thành thành viên mà không cần phải được hội đồng thành viên chấp thuận (tuy nhiên, cũng nên quy định một khả năng cho phép điều lệ công ty được quy định khác về vấn đề này). Đồng thời, cần quy định người được tặng cho PVG trong trường hợp đương nhiên trở thành thành viên nếu họ không muốn trở thành thành viên thì họ cũng có quyền định đoạt vốn giống như người được thừa kế PGV mà không muốn trở thành thành viên.
Về vấn đề (ii), LDN 2005 và cả Dự thảo Luật đều chưa có quy định một cách rõ ràng việc giải quyết quyền lợi của chủ thể được nhận PVG thừa kế, tặng cho, trả nợ… trong trường hợp họ chưa trở thành thành viên công ty và cũng chưa thực hiện được quyền định đoạt PVG đó bằng cách chuyển nhượng hoặc yêu cầu công ty mua lại PVG. Đây là vấn đề quan trọng và hoàn toàn có khả năng xảy ra trong thực tế.
Đối với trường hợp thừa kế PVG hoặc người nhận tặng cho PVG có quan hệ huyết thống ba đời với người tặng cho, vì luật quy định họ đương nhiên trở thành thành viên mà không cần sự chấp thuận của hội đồng thành viên công ty nên có cơ sở để khẳng định dù họ chưa chính thức được xác lập tư cách thành viên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty thì họ vẫn phải có các quyền thành viên tương ứng với PVG mà họ được hưởng ngay từ khi họ có được PVG đó. Tuy nhiên, đối với trường hợp người nhận tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng PVG không đương nhiên trở thành thành viên mà phải được sự chấp thuận của hội đồng thành viên thì vấn đề xác định quyền thành viên trong những trường hợp này cần được quy định cụ thể. Như trong thời gian bao lâu công ty phải trả lời về việc có hay không chấp thuận để họ trở thành thành viên, sự trả lời này phải được thể hiện dưới hình thức như thế nào, sự trả lời này có ý nghĩa xác định thời điểm người được tặng cho được quyền thực hiện hành vi định đoạt đối với PVG được tặng cho hay không?[7] Trong thời gian chờ đợi để được công ty chấp thuận hay không chấp thuận làm thành viên hoặc thời gian chưa định đoạt được PVG được hưởng bằng cách chuyển nhượng hoặc yêu cầu công ty mua lại thì người được tặng cho, trả nợ bằng PVG có được hưởng các quyền thành viên như biểu quyết hoặc hưởng lợi nhuận trên PVG được tặng cho, trả nợ hay không?
LDN 2005 cũng như Dự thảo Luật không có quy định nào liên quan đến vấn đề này. Như đã phân tích, trong hai trường hợp nêutrên, thành viên công ty chỉ có quyền tặng cho hoặc trả nợ bằng giá trị tài sản của PVG chứ không đương nhiên đượcchuyển giao tư cách thành viên cho người được tặng cho hoặc trả nợ. Với lô-gic đó, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ chưa được chấp thuận thì cũng sẽ chưa trở thành thành viên và đương nhiên sẽ không có các quyền thành viên trên PVG được tặng cho, trả nợ đó. Vậy các quyền của thành viên tương ứng với PGV phát sinh trong thời gian này ai sẽ là người thụ hưởng? Dự thảo LDN sửa đổi cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về vấn đề này hoặc cho phép công ty khả năng tự quy định vấn đề đó trong điều lệ của mình.
2.2. Về đối tượng của quyền định đoạt phần vốn góp của thành viên
Theo quy định hiện nay, thành viên công ty TNHH2TV được quyền cam kết góp vào doanh nghiệp và thời hạn góp số vốn mà thành viên cam kết là theo thỏa thuận của các thành viên ghi trong điều lệ công ty nhưng không quá 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên[8] . Điều nàycónghĩa làPVG của thành viêncông ty TNHH sẽ bao gồm phần vốnđãgópvàphần vốn cam kết màchưa góp. Như vậy,một vấn đề rất quan trọng được đặt ra là quyền định đoạt PVG của thành viên công ty được xác định trên phần vốn nào?
Về mặt pháp lý, cho dù thành viên chưa góp vốn thì họ vẫn có thể được xác lập một số quyền cũng như phải gánh chịu nghĩa vụ thanh toán nợ của công ty trên số vốn chưa được góp đó và bồi thường các thiệt hại phát sinh…[9] . Tuy nhiên, các quy định hiện hành của LDN 2005 không thể trả lời thỏa đáng được câu hỏi thành viên được xáclập những quyền gìtrênsố vốn cam kết màchưa góp, cóbao gồm quyềnđịnh đoạt vốn hay không? Bởi vì nhà làm luật chỉ quy định chunglàthành viêncóquyền đoạt định PVG của mình, chuyển nhượng PVG, yêucầu công ty mua lại PVG, xửlýPVG trong cáctrường hợp khác[10] mà không nóirõ làvốn cam kết hay thực góp. Nghị định 102/2010/NĐ-CP tạikhoản 4 Điều 18 chỉquyđịnh “sau thời hạn cam kết lần cuối mà thành viên chưa góp vốn vào công ty không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác”. Như vậy, trong thời hạn cam kết góp vốn vẫn còn mà thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ thì việc họ có thể định đoạt một phần hoặc toàn bộ phần vốn cam kết góp của họ hay không vẫn còn là một “khoảng trống” chưa có quy định.
Trên thực tế, nhu cầu chuyển giao phần vốn đã góp và cả quyền góp phần vốn cam kết mà chưa góp của thành viên công ty TNHH2TV cho người khác khi thời hạn cam kết góp vốn vẫn còn là một nhu cầu có thực. Có những trường hợp thành viên chưa góp hoặc mới góp được một phần số vốn mà họ cam kết ban đầu nhưng vì một lý do nào đóhọ không có khả năng hoặc không có nhu cầu tiếp tục góp vốn. Trong khi đó, vì thời hạn góp vốn vẫn còn nên chưa có cơ sở để công ty sử dụng các cách huy động vốn quy định tại Điều 39 LDN và Điều 18 Nghị định 102/2010/NĐ-CP[11] , còn thành viên thì vẫn phải gánh chịu các trách nhiệm trong phạm vi toàn bộ số vốn cam kết đối với các nghĩa vụ phát sinh trong thời hạn cam kết góp vốn. Đối với những trường hợp này,chúng tôi cho rằng, vẫn có cơ sở để cho phép thành viên định đoạt toàn bộ phần vốn cam kết góp của họ khi thời hạn cam kết vẫn còn theo hướng với phần vốn đã thực góp thành viên có thể thực hiện quyền định đoạt bằng cách chuyển nhượng, tặng cho, trả nợ hoặc cách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với phần vốn cam kết mà chưa góp, luật nên quy định cho phép thành viên có thể chuyển quyền góp vốn của mình cho người khác, trừ khi điều lệ công ty có quy định khác. Trong trường hợp này, người nhận chuyển giao phần vốn cam kết mà chưa góp sẽ tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ PVG còn lại và các nghĩa vụ khác có liên quan, với thời hạn góp vốn là khoảng thời gian còn lại theo cam kết góp vốn ban đầu của thành viên.
Vấn đề này cũng có thể xem là đã được giải quyết một phần khi Dự thảo Luật quy định lại theo hướng không cho phép thành viên công ty TNHH được cam kết góp vốn với thời hạn dài như hiện nay nữa. Theo Dự thảo Luật thì thời hạn mà thành viên công ty TNHH phải thực hiện việc góp số vốn đã đăng ký cũng chỉ có 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tránh trường hợp thành viên cam kết mà không thực hiện việc góp vốn, tạo ra số vốn ảo cho công ty[12] . Với khoảng thời gian góp vốn ngắn như vậy, sự khác biệt giữa vốn thực góp và vốn cam kết góp cũng như những biến động về việc góp vốn trong khoảng thời gian cam kết sẽ ít có khả năng xảy ra. Tuy vậy, dù Dự thảo có được thông qua theo hướng này thì trên thực tế vẫn có thể có nhu cầu định đoạt phần vốn chưa góp hoặc chưa được góp đủ theo cam kết của thành viên trong thời gian 90 ngày như đã phân tích ở trên. Chính vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ việc có những quy định cụ thể về vấn đề này trong Dự thảo Luật vẫn là điều cần thiết.
3. Một số quy định cụ thể về việc định đoạt PVG của thành viên công ty TNHH2TV
Trong phần này, bài viết phân tích một số quy định cụ thể của LDN 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến việc định đoạt PVG của thành viên bằng cách chuyển nhượngPVG và trả nợ bằng PVG – những vấn đề vẫn còn tồn tại một số vướng mắc – để trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo LDN sửa đổi.
3.1. Quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên
Một trong những biện pháp để đảm bảo cơ cấu thành viên mang tính chất “đóng”, hạn chế sự gia nhập của người ngoài vào công ty trong công ty TNHH2TV chính là quy định hạn chế quyền chuyển nhượng PVG của thành viên. Theo đó, thành viên công ty khi muốn chuyển nhượng PVG của mình thì bắt buộc phải dành quyền ưu tiên mua cho các thành viên còn lại của công ty tương ứng với PVG của họ trong công ty. Thành viên chỉ có quyền tự do chuyển nhượng PVG cho người khác trong trường hợp các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành viên chào bán PVG đó. Quy định này tại Điều 44 LDN 2005 có vẻ như đã khá rõ ràng, tuy nhiên, từ thực tiễn vẫn phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết.
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 LDN 2005 thì khi thành viên muốn chuyển nhượng vốn phải chào bán cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với PVG của họ trong công ty với cùng điều kiện. Quy định phải chào bán “cùng điều kiện” giữa các thành viên và trên cơ sở PVG đang sở hữu của họ là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo sự công bằng giữa các thành viên. Tuy nhiên, như thế nào là cùng điều kiện, những điều kiện đó là gì thì không có quy định giải thích rõ ràng. Bên cạnh đó, Điều 44 LDN 2005 chỉ quy định phải chào bán cùng điều kiện giữa các thành viên chứ không quy định phải cùng điều kiện giữa việc chào bán cho thành viên với chào bán cho người khác. Điều này có thể dẫn đến một khả năng hoàn toàn thực tế là thành viên không muốn bán cho các thành viên khác trong công ty nên chào bán với giá “trên trời” để các thành viên còn lại không thể mua được, từ đó có thể dễ dàng bán cho bên thứ ba. Trong trường hợp như vậy, quyền ưu tiên mua của các thành viên trở nên “vô nghĩa” và làm cho mục đích của quy định nàylà nhằm hạn chế sự gia nhập của người ngoài vào công ty nếu các thành viên còn lại không mong muốn không thể đạt được. Để hạn chế bất cập này, có công ty đã quy định trong điều lệ của mình rằng nếu các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết PVG được chào bán thì thành viên được quyền chào bán cho người không phải là thành viên với điều kiện không thấp hơn điều kiện đã chào bán cho thành viên. Ngay cả trong trường hợp này, cũng có một vấn đề quan trọng đặt ra là quy định này liệu có bị coi là trái luật hay không bởi vì điều lệ công ty đã hạn chế quyền của thành viên so với quy định được nêu tại Điều 44 LDN 2005
Thứ hai, về thời điểm thành viên được chào bán PVG cho người không phải là thành viên. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44, thời hạn bảo lưu quyền ưu tiên mua của các thành viên được chào bán vốn là 30 ngày kể từ ngày chào bán. Tuy nhiên, thời hạn này có đồng nghĩa với việc người chào bán bắt buộc phải chờ cho hết 30 ngày rồi mới được bán cho người ngoài dù đã có sự trả lời của các thành viên khác là không mua hoặc mua không hết? Nếu xét về mặt lợi ích thì việc bắt họ phải chờ trong khi các thành viên còn lại đã thể hiện rõ ý chí không mua khi chưa hết thời hạn 30 ngày là điều không hợp lý, có thể làm mất cơ hội chuyển nhượng vốn của thành viên. Vấn đề là ở chỗ xác định căn cứ để khẳng định các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết? Sự im lặng có thể là căn cứ đầu tiên – tức là hết 30 ngày mà thành viên còn lại không trả lời có mua hay không đương nhiên được xem đó là sự từ chối. Tuy nhiên, nếu chưa hết 30 ngày thành viên thể hiện rõ ý chí của mình là không mua, ví dụ thông qua các hình thức có tính xác thực cao như văn bản, email… thì phải nên xem đó là căn cứ xác định các thành viên còn lại không mua để thành viên chào bán có quyền được chuyển nhượng luôn PVG đó. Trên thực tế, quy định về vấn đề này trong điều lệ của một số công ty cũng có sự khác nhau đáng kể. Có công ty quy định trong điều lệ bắt buộc thành viên phải chờ 30 ngày (theo cách hiểu phổ biến). Trong khi đó, cócông ty cho phép thành viên chào bán luôn nếu nhận được sự từ chối bằng văn bản hoặc các hình thức tương đương văn bản khi thời hạn 30 ngày vẫn còn. Về mặt pháp lý, câu hỏi được đặt ra là liệu quy định như vậy trong điều lệ có bị coi là trái với LDN 2005 hay không bởi luật không có những câu có tính chất mở cho phép điều lệ được quy định khác về vấn đề này.
Thứ ba, những trường hợp nào được xem là các thành viên còn lại không mua hoặc mua không hết PVG được chào bán? Giả sử thành viên C chào bán PGV của mình cho thành viên A và B trong công ty.Nếu thành viên A từ chối mua PVG được chào bán cho mình, thành viên B ngoài việc mua PVG thuộc quyền mua của mình lại muốn mua luôn cả phần của thành viên A thì thành viên chào bán có buộc phải bán cho B hay không (nếu việc từ chối của A và yêu cầu mua của B đều được thực hiện khi thời hạn 30 ngày vẫn còn). Quan điểm thứ nhất xuất phát từ tính đóng và quyền ưu tiên mua vốn góp của thành viên công ty TNHH cho rằng vì luật quy định “các thành viên còn lại” không mua hoặc mua không hết nên trường hợp này người chào bán buộc phải bán cho B nếu thời hạn 30 ngày chưa hết. Quan điểm thứ hai xuất phát từ quyền của thành viên thì cho rằng mỗi thành viên chỉ được quyền ưu tiên mua PVG tương ứng với phần của mình. Do đó, với PVG mà A từ chối, B chỉ có quyền mua nếu người bán đồng ý bán cho B.
Thứ tư, về thủ tục chuyển nhượng vốn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp, trong hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH2TV do chuyển nhượng vốn bắt buộc phải có hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của công ty. Quy định phải có xác nhận của công ty về việc hoàn tất chuyển nhượng là không có cơ sở pháp lý. Nếu thành viên có nhu cầu chuyển nhượng vốn thì các thành viên còn lại chỉ có quyền yêu cầu họ phải thực hiện đúng thủ tục luật định. Việc xác nhận của công ty có chăng cũng chỉ là xác nhận thành viên đã thực hiện đúng thủ tục chào bán cho các thành viên còn lại hay chưa để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên còn lại, tránh những tranh chấp về sau. Trong trường hợp thành viên chào bán có cơ sở để chứng minh về sự từ chối của những thành viên khác (nghĩa là họ đã hoàn tất thủ tục này) thì không cần thiết phải có một sự xác nhận từ phía công ty. Và trên thực tế, nếu công ty “cố tình” trì hoãn không xác nhận vào giấy tờ chuyển nhượng của thành viên thì họ sẽ không thể hoàn tất thủ tục chuyển nhượng vốn?
Ngoài ra, trong mẫu hợp đồng chuyển nhượng vốn của thành viên công ty TNHH2TV của cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh[13] (mặc dù ghi là mẫu tham khảo nhưng thường có những nội dung được mặc định như một yêu cầu bắt buộc từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh), việc chuyển nhượng phải được ghi rõ là “thực hiện trước mặt người đại diện hợp pháp của công ty”, và phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của công ty ngay trong chính hợp đồng đó. Thậm chí việc “xác nhận đã hoàn tất chuyển nhượng vốn” còn được hiểu máy móc tới mức là bên bán đã hoàn tất việc thanh toán, bên mua đã hoàn tất việc chuyển giao thì công ty mới xác nhận. Chúng tôi cho rằng cơ quan đăng ký kinh doanh không có bất kỳ cơ sở nào để có thể yêu cầu thành viên và công ty làm như vậy. Chính những yêu cầu thiếu cơ sở pháp lý này dẫn đến một thực trạng đã và đang diễn ra là các bên chuyển nhượng vốn thường ký với nhau hai hợp đồng chuyển nhượng, một hợp đồng ký tại công ty để hoàn thành thủ tục theo quy định và một hợp đồng khác ký riêng giữa họ với mặc định rằng hợp đồng ký riêng mới là hợp đồng chính có giá trị ràng buộc giữa các bên… Việc làm này tất yếu sẽ dẫn đến những rủi ro pháp lý và những khó khăn trong quá trình giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
3.2. Về quyền trả nợ bằng phần vốn góp của thành viên
Với tư cách là một quyền tài sản có thể trị giá được bằng tiền, PVG trong công tyTNHH2TVcó thể được dùng như một “công cụ” thanh toán nợ khi thành viên có một nghĩa vụ tài sản phải thực hiện với chủ thể khác. LDN 2005 đã ghi nhận cho thành viên có quyền này tại khoản 6 Điều 45.Khi thành viên sử dụng cách thức định đoạt này, quyền sở hữu PVG của thành viên sẽ được chuyển giao cho người nhận trả nợ để bù đắp một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ mà thành viên phải thực hiện với bên kia. Như vậy, ngoài việc trả nợ bằng PVG, thành viên cũng có thể sử dụng PVG của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ (thế chấp) trong các quan hệ hợp đồng, giao dịch khác bởi trong trường hợp thành viên không thực hiện nghĩa vụ trả nợ sẽ dẫn đến hệ quả là việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền góp vốn để thu hồi nợ (tức là trả nợ bằng vốn góp). Cách định đoạt bằng thế chấp PVG tuy không được luật quy định cụ thể nhưng, như đã phân tích ở trên, là cách định đoạt tài sản hợp pháp của thành viên công ty đã được pháp luật công nhận thì về nguyên tắc thành viên có thể thực hiện.
Vấn đề đặt ra là khi nghĩa vụ trả nợ bằng PVG phát sinh thì người được trả nợ bằng PVG có được những quyền gì trên PVG đó? Không giống như người được tặng cho (nếu có quan hệ huyết thống bađời với người tặng cho) hoặc nhận thừa kế, người được trả nợ bằng PVG không đương nhiên được trở thành thành viên công ty mà trong mọi trường hợp đều phải được hội đồng thành viên công ty đồng ý. Và nếu không được chấp thuận làm thành viên thì họ chỉ có một lựa chọn là chuyển nhượng PVG đó để thu hồi giá trị tài sản chứ không được yêu cầu công ty mua lại. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng trong trường hợp này cóbắt buộc phải tuântheo quyđịnh chàobántrước cho cácthành viênhay không thìđược quyđịnh không thực sựrõràng trong LDN 2005.
Cách quy định tại Điều 44 LDN 2005 “trừ trường hợp quy định tại khoản 6 điều 45 của Luật này, thành viên công ty TNHH2TV có quyền chuyển nhượng… theo quy định sau đây…”, sẽ được hiểu là việc chuyển nhượng của người nhận trả nợ bằng PVG mà không được chấp thuận làm thành viên không bắt buộc phải dành quyền ưu tiên mua cho các thành viên còn lại thông qua thủ tục chào bán. Nhưng tại khoản 6 Điều 45 LDN 2005 lại quy định người nhận trả nợ “chào bán và chuyển nhượng PVG đó theo quy định tại Điều 44” lại làm cho chúng ta cảm thấy “rối”, không biết quy định nào sẽ được ưu tiên áp dụng. Nếu xét về mặt lô-gic, việc chào bán theo thủ tục tại Điều 44 đã loại trừ trường hợp chào bán của người nhận trả nợ tại Điều 45 thì khoản 6 Điều 45 dẫn chiếu ngược trở lại Điều 44 có lẽ chỉ với hàm ý nhắc lại quyền của thành viên được nêu trong đoạn đầu là “có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác” mà thôi. Nếu ý tưởng là như vậy thì cách diễn đạt “người nhận trả nợ bằng PVG được tự do chuyển nhượng PVG của mình mà không phải tuân theo thủ tục chào bán tại Điều 44” có lẽ sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Rất tiếc là Dự Luật vẫn giữ cách diễn đạt thiếu rõ ràng hiện nay[14] .
Tuy nhiên, với hướng xử lý PVG của người nhận trả nợ trong LDN 2005 cũng như trong Dự thảo là chưa thực sự hợp lý. Thật khó lý giải sự khác nhau về tư cách của người được trả nợ với người được tặng cho, thừa kế khi không muốn trở thành thành viên để có sự phân biệt giữa họ (người được trả nợ thì tự do trong việc chuyển nhượng PVG còn người được tặng cho hoặc thừa kế thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục chào bán theo Điều 44). Với công ty TNHH2TV, quyền được ưu tiên mua PVG của thành viên, hạn chế sự gia nhập của người ngoài vào công ty khi các thành viên còn lại không muốn luôn được coi trọng. Quy định về việc xử lý PVG trong các trường hợp khác đã thể hiện rất rõ quan điểm này. Tuy nhiên, quy định về quyền chuyển nhượng PVG của người nhận trả nợ lại “lấy đi” quyền ưu tiên này của thành viên và có thể dẫn đến khả năng thành viên công ty “lách” thủ tục phải chào bán cho các thành viên còn lại bằng cách trả nợ cho một người khác để người này chuyển nhượng vốn cho đối tượng mà thành viên mong muốn.
Ngoài ra, thủ tục thay đổi thành viên khi trả nợ PVG cũng là vấn đề cần nói đến. Mặc dù đây là một quyền đã được ghi nhận trong LDN nhưng trong quy định về thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH2TV tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT có hướng dẫn cụ thể hồ sơ trong trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế PVG nhưng lại không có trường hợp trả nợ bằng PVG. Để tạo sự thống nhất, văn bản hướng dẫn cần có những quy định cụ thể để thành viên cũng như cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh có cơ sở để thực hiện hoạt động này trên thực tế.
4. Những đề xuất sửa đổi, bổ sung LDN
Trên cơ sở những phân tích đã nêu ở trên, chúng tôi kiến nghị một số nội dung cụ thể cần được bổ sung, sửa đổi như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung quy định về việc người đại diện hợp pháp của công ty và cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trong trường hợp thành viên công ty TNHH2TV trở lên thực hiện việc định đoạt vốn bằng các cách khác phù hợp với pháp luật và điều lệ công ty. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ về quyền khiếu nại của thành viên cũng như trách nhiệm của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nếu cố tình trì hoãn không thực hiện thủ tục đó cho thành viên. Trong trường hợp này, hồ sơ có thể được áp dụng tương tự như với hồ sơ chuyển nhượng hoặc tặng cho PVG.
Thứ hai, cần có quy định rõ ràng về thời điểm xác lập các quyền của người được hưởng PVG từ hành vi định đoạt của thành viên. Theo chúng tôi, thời điểm này là khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, trả nợ… giữa các bên theo điều lệ công ty hoặc quy định trong pháp luật có liên quan chứ không phải kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Quy định này sẽ là cơ sở để bảo vệ quyền của các bên trong trường hợp công ty trì hoãn không thực hiện thủ tục này tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn luật định, làm ảnh hưởng đến quyền của thành viên.
Thứ ba, nên mở rộng khả năng cho phép điều lệ công ty được quy định khác luật về một số vấn đề:
(i) Thời gian và hình thức trả lời của các thành viên công ty đối với chào bán PGV của thành viên khác theo hướng nếu có sự trả lời rõ ràng bằng hình thức cụ thể được quy định trong điều lệ công ty thì thành viên có thể chuyển nhượng vốn mà không nhất thiết phải chờ hết 30 ngày;
(ii) Điều kiện chào bán cho người ngoài khi các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết PGV được chào bán;
(iii) Quyền được tự do định đoạt PGV của người được tặng cho, trả nợ, thừa kế PGV… không trở thành thành viên hoặc không được chấp thuận làm thành viên sau khi đã thực hiện việc yêu cầu công ty mua lại mà không được đáp ứng
Thứ tư, cần quy định rõ hơn về quyền lợi của người được tặng cho, được trả nợ (hoặc bằng cách định đoạt khác của thành viên mà việc xác lập tư cách thành viên cũng phải do hội đồng thành viên công ty chấp thuận quy định trong điều lệ công ty) trong thời gian từ khi họ có được PGV cho đến khi họ được chấp thuận làm thành viên hoặc khi họ chuyển giao được PGV đó cho người khác (hoặc cũng có thể theo hướng cho phép Điều lệ công ty tự quy định về vấn đề này)
Cuối cùng, Dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về đối tượng quyền định đoạt PGV là phần vốn cam kết hay phần vốn thực góp (hoặc theo hướng cho phép Điều lệ công ty tự quy định vấn đề này).
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật, Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Nguồn: http://www.vibonline.com.vn/Duthao/1511/DU-THAO-3-LUAT-DOANH-NGHIEP-SUA-DOI.aspx (truy cập lần cuối ngày 25/4/2014).
[2] Trường hợp thành viên sử dụng PVG để tặng cho chủ thể không có quan hệ huyết thống ba đời với người được tặng cho hoặc trả nợ thì người được tặng cho hoặc trả nợ chỉ trở thành thành viên nếu được hội đồng thành viên chấp thuận. Như vậy, trong trường hợp không được chấp thuận thì họ chỉ có quyền được sở hữu giá trị tài sản tương ứng với PVG mà thôi.
[3] Xem điểm h, khoản 1 Điều 41 LDN 2005.
[4] Xem Điều 197 Bộ luật Dân sự.
[5] Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 5 LDN 2005, người được thành viên công ty tặng cho PVG mà không có quan hệ huyết thống đến thế hệ thứ ba với người tặng cho hoặc người được thành viên công ty trả nợ bằng PVG sẽ chỉ trở thành thành viên công ty nếu được hội đồng thành viên chấp thuận.
[6] Xem Điều 20 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính Phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp (Nghị định 102/2010/NĐ-CP).
[7] Theo quy định tại khoản 3 Điều 45 LDN 2005, người được tặng cho không có quan hệ huyết thống ba đời với người tặng cho được chuyển nhượng hoặc yêu cầu công ty mua lại vốn “khi không được hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên”. Quy định kiểu như vậy có thể được hiểu một cách máy móc rằng hành vi định đoạt vốn của người được tặng cho sẽ chỉ được thực hiện khi đã có căn cứ cho thấy hội đồng thành viên không chấp thuận họ trở thành thành viên (mà căn cứ nào để cho thấy điều đó thì chưa được quy định rõ ràng).
[8] Xem khoản 3 Điều 6.
[9] Theo điểm b khoản 1 Điều 38 LDN 2005 thành viên phải chịu trách nhiệm trong toàn bộ phần vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 102 trong thời hạn chưa góp đủ vốn theo cam kết, thành viên được quyền biểu quyết và được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp điều lệ quy định khác (tức là có thể hưởng trên toàn bộ vốn cam kết mà chưa góp nếu điều lệ công ty có quy định). Tuy nhiên quy định này chỉ đề cập đến quyền hưởng lợi nhuận và quyền biểu quyết mà không quy định về quyền định đoạt PVG.
[10] Xem các Điều 41, Điều 43, Điều 44 và Điều 45 LDN 2005.
[11] Theo quy định tại Điều 39 LDN và Điều 18 Nghị định 102/2010/NĐ-CP, việc huy động vốn này chỉ được thực hiện khi hết thời hạn cam kết góp vốn mà thành viên không góp được vốn như đã cam kết.
[12] Xem khoản 2 Điều 9 Dự thảo LND sửa đổi.
[13] Tham khảo tại “THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI THÀNH VIÊN CỦA CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN” (truy cập lần cuốilúc 11h00 ngày 7/3/2014).
[14] Xem khoản 6 Điều 55 Dự thảo Luật.
- Tác giả: ThS. Bùi Thị Thanh Thảo
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2014 (81)/2014 – 2014, Trang 20-28
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời