Thương mại điện tử ngày càng phát triển và là xu hướng tất yếu khách quan của hoạt động thương mại toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động thương mại, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử đã được Nhà nước Việt Nam ban hành tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam3 tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với quy mô và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú4. Hiện nay, đại dịch Covid – 19 đang diễn ra trên toàn cầu như một động lực mạnh thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Trong khi đó hành lang pháp lý đối với thương mại điện tử đã không theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử, vẫn còn nhiều điểm trong hoạt động kinh doanh này mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa bao quát hết, điều này đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử nhằm thiết lập một hành lang pháp lý minh bạch, lành mạnh cho các giao dịch điện tử góp phần xây dựng một tập quán thương mại hiện đại ở Việt Nam. Bài viết đánh giá thực trạng hành lang pháp lý về thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử.
Thương mại
Giải quyết tranh chấp chống bán phá giá theo pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ
Tranh chấp về chống bán phá giá là một trong những loại tranh chấp thương mại ngày càng trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tích cực tiến hành các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu trong đó có hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều quyết định mà cơ quan có thẩm quyền về chống bán phá giá của Hoa Kỳ đưa ra đã không nhận được sự chấp thuận của các bên liên quan, gây ra các tranh chấp về cuộc điều tra chống bán phá giá. Việc giải quyết các tranh chấp về chống bán phá giá đã trở thành nhu cầu cấp thiết để các bên liên quan bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Pháp luật Hoa Kỳ cũng đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp chống bán phá giá dựa trên quy định khung của WTO. Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích và làm rõ các phương thức giải quyết tranh chấp chống bán phá giá theo pháp luật Hoa Kỳ dựa trên các cơ sở pháp lý và qua thực tiễn áp dụng theo thủ tục giải quyết tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tòa án Hoa Kỳ, và tại WTO.
Ngành nghề đầu tư kinh doanh – Tính thống nhất giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020
Ngày 17/6/2020, Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Luật đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới tạo hành lang pháp lý mở rộng hơn quyền tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy hoạt động thành lập, phát triển của các doanh nghiệp. Bài viết phân tích một số điểm mới trong quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh từ góc tiếp cận so sánh những sửa đổi, bổ sung trong Luật đầu tư năm 2020 và Luật doanh nghiệp năm 2020 nhằm tìm sự tương thích, đồng thời luận giải những quy định đặc thù được ghi nhận ở hai luật chuyên ngành có liên quan này.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải trực tuyến ở EU
Trên thế giới hiện nay, Liên minh Châu Âu có những bước đi mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution) (sau đây gọi là ODR) từ những năm đầu tiên của thập niên 2000. Do đó, việc nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu là vô cùng cần thiết để xây dựng khuôn khổ pháp luật và mô hình nền tảng ODR cho Việt Nam. Bài viết này phân tích thực trạng quy định pháp luật của Liên minh Châu Âu về điều chỉnh phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến và đánh giá thực tiễn vận hành phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến tại Liên minh Châu Âu, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc xây dựng nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng theo Công ước viên năm 1980 và giải pháp sửa đổi Luật Thương mại của Việt Nam
Công ước của Liên hợp quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), tên gọi khác là Công ước Viên năm 1980, bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ 01/01/2017. Việc áp dụng CISG có tác động tích cực tới việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực mua bán hàng hóa. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích các quy định của CISG về quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng, bài viết chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành và định hướng khắc phục những bất cập đó.
Kiểm soát hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ trong thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở Việt Nam
Kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) là hoạt động đặc thù của cơ quan hải quan tại các cửa khẩu và khu vực biên giới. Việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bởi hải quan được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các chủ thể quyền, thông qua các hoạt động, quy trình nghiệp vụ cả trong quy trình và ngoài quy trình thông quan hàng hóa nhằm ngăn chăn và xử lý kịp thời hành vi XNK hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ tai biên giới. Bài viêt đề cập đến một số đặc điểm, nội dung và phương thức kiểm soát hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ của hải quan Việt Nam.
Giải quyết tranh chấp Hợp đồng xây dựng quốc tế bằng phương thức hòa giải thương mại tại Việt Nam
Trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói chung, phương thức hòa giải thường được các bên tranh chấp đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp như một phương thức mang tính khuyến khích các bên sử dụng trước khi mang tranh chấp ra trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, trong giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng quốc tế, sử dụng phương thức hòa giải mang lại hiệu quả cao hơn so với phương thức trọng tài bởi vì đây là một phương thức giải quyết tranh chấp không tranh tụng, chi phí tiết kiệm, thủ tục đơn giản và kết quả của quá trình hòa giải được công nhận bởi thủ tục trong nước và quốc tế. Bài viết sẽ làm rõ bản chất của hợp đồng xây dựng quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải tại Việt Nam.
Pháp luật về Tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ – Thực trạng và hướng hoàn thiện
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành ngày 24/02/2017 (NĐ số 22/2017/NĐ-CP) đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam. Các quy định của Nghị định này đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức hòa giải thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường hòa giải. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích các quy định về tổ chức hòa giải thương mại trong NĐ số 22/2017/NĐ-CP, bài viết chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành và định hướng khắc phục những bất cập đó.
Thực hiện cam kết về các lĩnh vực phi thương mại theo Hiệp định CPTPP và EVFTA tại Việt Nam và một số khuyến nghị
Tính đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác . Việc triển khai thực hiện các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên là nghĩa vụ nhưng cũng chính là cơ hội để nước ta thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam. Bài viếtnày lựa chọn đánh giá thực trạng thực hiện cam kết trong các lĩnh vực phi thương mại theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) , từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các cam kết này ở Việt Nam.
Bán hàng đa cấp bất chính và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống hành vi vi phạm pháp luật
Bán hàng theo phương thức đa cấp được pháp luật Việt Nam cho phép. Tuy nhiên trong những năm qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây tác động không nhỏ đến an ninh trật tự, niềm tin cũng như đời sống của một bộ phận người dân. Bài viết phân tích, nhận diện về hành vi vi phạm bán hàng đa cấp, những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, từ đó đề xuất một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đấu tranh với hành vi vi phạm này.