Mục lục
Những hạn chế, bất cập về giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam
Tác giả: ThS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền
TÓM TẮT
Từ trước đến nay, những quy định về giải thể doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các học giả và những người hoạch định chính sách. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về những quy định này, tác giả thông qua bài viết đưa ra phân tích về những hạn chế, bất cập của quy định hiện nay tại Việt Nam về giải thể và nêu lên những gợi ý về hướng khắc phục ở các khía cạnh sau: giải quyết nợ, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi giải thể, các trường hợp giải thể doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết giải thể và giải thể doanh nghiệp tư nhân.
Xem thêm:
- Tổng thuật hội thảo khoa học Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 – Những đổi mới nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh – ThS. Từ Thanh Thảo & ThS. Bùi Thị Thanh Thảo
- Nhận diện tổ chức nước ngoài là đối tượng nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Hoài Thu
- Cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo pháp luật Liên Bang Nga – TS. Morozov Pavel
- Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) – ThS. Đoàn Công Yên
- Vấn đề bảo lãnh của công ty mẹ đối với việc vay vốn của công ty con trong nhóm công ty là tổng công ty nhà nước – ThS. Trần Nguyễn Thùy Dương
TỪ KHÓA: Bất cập, Giải thể, Doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Dẫn nhập
Cho đến nay, việc cho ra đời một doanh nghiệp (DN) đã được đơn giản hóa theo thời gian với các điều kiện và thủ tục liên quan như: đăng ký kinh doanh (ĐKKD), xin giấy phép và các thủ tục cần thiết khác. Sau một thời gian hoạt động, một số DN lại phải đương đầu với một vấn đề khá phức tạp là thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hoạt động cho chính DN mình. Theo kết quả điều tra chọn mẫu 9331 DN trên cả nước về thực trạng DN và tình hình khó khăn của khu vực DN, từ thời điểm 01/01/2011 đến 01/4/2012, số DN thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%; số DN phá sản, giải thể và DN ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%, trong đó số DN đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số DN nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, DN chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%[1] . Như vậy, số DN đang chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể còn lớn hơn số DN đã hoàn thành thủ tục là 0,2%. Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2012 cho thấy Việt Nam đứng thứ 142 ở tiêu chí giải thể DN (bị tụt 12 hạng so với năm 2011) (Xem “Kết quả xếp hạng môi trường KD của Việt Nam” ở cuối bài này). Trong khi cũng ở tiêu chí này, Việt Nam đứng thứ 119 vào năm 2006[2] , 121 vào năm 2007[3] và 127 vào năm 2009[4] .
Những số liệu trên phần nào cho thấy khó khăn trong việc kết thúc DN có nguyên nhân từ việc những quy định về giải thể DN còn bất cập. Do đó, bài viết này tập trung đi vào phân tích những hạn chế, bất cập của quy định hiện nay ở Việt Nam về giải thể DN cũng như nêu lên những gợi ý về hướng khắc phục.
2. Một số vướng mắc trong thủ tục giải thể DN ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất,việc giải thể DN được quy định tại Điều 157 đến Điều 159 Luật DN 2005. Những quy định này được áp dụng cho DN nói chung. Theo đó, khoản 2 Điều 157 Luật DN 2005 quy định rằng: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”. Trong khi đó Điều 40 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN (Nghị định 102) lại yêu cầu trong hồ sơ giải thể DN phải có “Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội”. Quy định đó có nghĩa là DN phải thực sự đã thanh toán hết nợ, chính điều này đã cản trở nhiều DN không thể giải thể để chấm dứt hoạt động của DN một cách danh chính ngôn thuận được.
Trên thực tế, trường hợp DN muốn giải thể mà vẫn có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác là không nhiều. Số còn lại là rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Nhưng nếu khó khăn về tài chính mà chưa đến mức bị lâm vào tình trạng phá sản thì cũng không thể tiến hành mở thủ tục phá sản được. Như vậy, với hướng dẫn tại Nghị định 102 nêu trên sẽ có một số lớn các DN bị rơi vào tình trạng ở giữa, tức là muốn giải thể cũng không được mà muốn phá sản cũng không xong. Trên thực tế, đó là tình huống mà nhiều DN trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay đang gặp phải[5] .
Xét ở khía cạnh giá trị pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thì nghị định không được trái với luật mà nghị định đó hướng dẫn. Tuy nhiên, ở đây Nghị định 102 lại yêu cầu phải thanh toán hết nợ trong khi Luật DN 2005 chỉ yêu cầu “đảm bảo thanh toán”. Để giải quyết vấn đề này, tác giả cho rằng nên sửa lại Điều 40 Nghị định 102 cho phù hợp với quy định của Luật DN 2005 hoặc bổ sung quy định trong Luật DN 2005 thủ tục giải thể áp dụng riêng cho một số DN kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù (ví dụ như lĩnh vực chứng khoán) hoặc cho các trường hợp đặc thù (DN gặp khó khăn tài chính đến mức không thanh toán hết nợ nhưng có nhu cầu giải thể hoặc chủ DN bỏ trốn, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài) trong đó người tiến hành lập hồ sơ giải thể DN chỉ cần chứng minh khả năng thanh toán hết nợ sau này. Nếu sau khi DN đã giải thể xong mà vẫn không trả được nợ đã cam kết thanh toán khi tiến hành giải thể thì chủ nợ sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến khoản tiền chưa trả đó bằng cách truy đòi từ chính người đã “cam kết”, người đã “bảo đảm thanh toán”, hoặc người đã “chứng minh có thể thanh toán hết nợ”.
Thứ hai, về các trường hợp giải thể DN, khoản 1 Điều 157 Luật DN 2005 chỉ quy định có 4 trường hợp:
(1) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
(2) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
(3) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục; hoặc
(4) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, ngoài 4 trường hợp giải thể DN như trên, Điều 40 Nghị định 102 còn quy định thêm 2 trường hợp giải thể DN nữa, bao gồm: bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại Điều 68 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, hoặc bị Tòa án tuyên bố giải thể.Trên thực tế cho thấy còn có một số trường hợp chấm dứt hoạt động DN nữa được quy định tại những văn bản QPPL khác, như: bị thu hồi giấy phép thành lập hoạt động của Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm[6] , bị thu hồi giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng[7] .Chính vì vậy, tác giả cho rằng nên bổ sung thêm trong Luật DN 2005 trường hợp thứ 5 là “doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc giấy phép thành lập và hoạt động” hoặc sửa điểm d khoản 1 Điều 157 Luật DN 2005 thành “Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoặc giấy phép thành lập và hoạt động”.
Đề nghị sửa đổi này xuất phát từ quy định tại Mục 2 Điều 3 Nghị định 102/2010/NĐ-CP rằng nếu có sự khác nhau giữa các quy định của Luật DN và các luật khác (đã được liệt kê rõ) về giải thể DN thì áp dụng theo quy định của luật đó. Trên thực tế, một số luật chuyên ngành yêu cầu DN phải có giấy phép đặc thù để được xem là đủ điều kiện đi vào hoạt động. Chẳng hạn, với loại DN đặc biệt như các Tổ chức tín dụng thì đã có quy định là “Sau khi được cấp Giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.”[8] . Như vậy, tùy theo lĩnh vực hoạt động có DN chỉ cần đăng ký kinh doanh (ĐKKD) là đủ điều kiện hoạt động, có DN thì giấy phép đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD, có DN thì phải có giấy phép thì mới được ĐKKD. Trong các trường hợp phải xin giấy phép, nếu DN bị thu hồi giấy phép thì vẫn bị xem là đã không còn đủ điều kiện để tham gia vào kinh doanh và phải bị giải thể. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Dung còn đề nghị bổ sung thêm trường hợp “bị hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” vào khoản 1 Điều 157 Luật DN 2005, bởi vì loại giấy tờ này có thể bị tòa án hủy nếu như được cấp trái pháp luật.[9]
Thứ ba,từ trước đến nay, giải thể luôn được xem là một thủ tục hành chính chứ không phải là thủ tục tư pháp do nó chỉ liên quan đến cơ quan ĐKKD mà không liên quan đến tòa án. Cho nên các văn bản luật liên quan là Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002[10] , Luật Tố tụng dân sự 2004[11] và Luật DN 2005 đều không đề cập đến việc tòa án có thẩm quyền tuyên bố giải thể DN. Tuy nhiên, tại Điều 40 Nghị định 102, việc giải thể lại có liên quan đến thủ tục tư pháp vì doanh nghiệp có thể rơi vào trường hợp bị tòa án tuyên bố giải thể.Một lần nữa, Nghị định 102 lại có quy định trái với Luật DN 2005. Ngoài ra, Thông tư 210/2012/TT-BTC ban hành ngày 30/11/2012, hiệu lực 15/1/2013 (Thông tư 210) khi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 79 về Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty chứng khoán có đề cập đến trường hợp công ty chứng khoán giải thể hoặc chấm dứt hoạt động khi: “bị UBCK thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc bị tòa án tuyên bố giải thể”. Như vậy, quy định này của Thông tư 210 cũng không phù hợp với các luật kể trên. Trong khi đó, một văn bản luật khác là Luật Hợp tác xã 2012 khi quy định các trường hợp giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã và liên minh hợp tác xã đã có đề cập đến trường hợp giải thể “theo quyết định của tòa án”.
Như vậy, để những quy định của pháp luật về giải thể DN hoặc tổ chức kinh tế được thống nhất và đảm bảo tính hệ thống, tác giả kiến nghị nên bỏ cụm từ “bị tòa án tuyên bố giải thể”ở các văn bản quy phạm pháp luật nào đang đề cập đến giải thể DN và cụm từ “theo quyết định của tòa án” đối với các quy định hiện hành của pháp luật về giải thể các tổ chức kinh tế. Việc bỏ quy định này không chỉ đơn thuần là loại bỏ đi một quy định không phù hợp mà còn có tác động lớn đến việc thực thi chức năng của tòa án. Việc quy định thêm cho tòa án chức năng tuyên bố giải thể DN, Hợp tác xã bên cạnh chức năng xét xử và chức năng tuyên bố phá sản DN, Hợp tác xã sẽ phần nào đó làm tăng khối lượng công việc cho ngành tòa án, vì trên thực tế, con số DN bị giải thể mỗi năm là không hề ít. Đơn cử, Cục Quản lý ĐKKD cho biết số DN giải thể trong quý 1/2013 là 2.272 DN (đã hoàn thành các thủ tục giải thể DN) và các địa bàn có nhiều DN giải thể là TP.HCM, Hà Nội, Thái Bình, Khánh Hòa…[12] . Trong trường hợp DN bị tòa án “hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” cấp trái pháp luật, để vừa đảm bảo tính “tư pháp” trong hoạt động của tòa án, vừa đảm bảo tính “hành chính” trong việc giải quyết giải thể DN, tòa án nên chuyển hồ sơ sang cho cơ quan ĐKKD để cơ quan này buộc DN tiến hành thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật[13] .
Thứ tư,khoản 1 Điều 157 Luật DN 2005 cho thấy đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ có 2 trường hợp giải thể: theo quyết định của chủ DNTN hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD. Các trường hợp giải thể do “kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn” hoặc “công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu quy định của luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục” không được áp dụng cho DNTN vì DNTN không có điều lệ hoạt động và chỉ do một cá nhân làm chủ. Như vậy, khi chủ DNTN chết mà những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc vì lý do nào đó không tiếp quản DNTN để tiếp tục KD (như không đủ điều kiện để thành lập và quản lý DN, không muốn tiếp tục duy trì DNTN đó, hoặc từ chối nhận di sản, v.v…) thì chúng ta dựa vào quy định nào để tiến hành giải thể DNTN? Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do một cá nhân làm chủ có thể dựa vào quy định “công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu quy định của luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục” để tiến hành giải thể nếu chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là cá nhân chết đi và những người thừa kế không tiếp quản công ty để tiếp tục KD vì nhiều lý do nêu trên.
Rõ ràng là tình huống tương tự nhau nhưng vấn đề giải thể của DNTN trong trường hợp chủ DNTN chết lại không có hướng giải quyết rõ ràng về mặt pháp lý như trường hợp tương tự đối với công ty TNHH một thành viên. Do vậy, tác giả đề nghị sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 157 Luật DN 2005 thành “Doanh nghiệp không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục”. Như vậy, chỉ cần thay đổi một từ “công ty” thành “doanh nghiệp” thì quy định trên sẽ trở nên bao quát hơn và bao gồm luôn cả trường hợp chủ DNTN chết như đã nêu trên.
Thứ năm, hiện nay, trong khi yêu cầu về phát triển bền vững của nền kinh tế ngày càng được đề cao thì yếu tố môi trường càng được quan tâm. Luật của Đức quy định về việc chấm dứt hoạt động của DN còn có yêu cầu DN phải có nghĩa vụ xử lý phế thải và phòng tránh nguy cơ về ô nhiễm môi trường có thể xảy ra[14] . Tại Việt Nam, Luật DN 2005 chỉ có 3 điều quy định về giải thể DN, trong đó, Điều 157 quy định về các trường hợp và điều kiện để giải thể DN, Điều 158 quy định về thủ tục giải thể DN và Điều 159 quy định các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể DN. Nghị định 102 chỉ có duy nhất Điều 40 về giải thể DN quy định thêm về các trường hợp giải thể DN ngoài các trường hợp quy định tại Luật DN 2005 và hồ sơ giải thể. Một cách khái quát, luật DN 2005 và Nghị định 102 chủ yếu chỉ quan tâm đến nghĩa vụ trả nợ của DN mà không lưu tâm đến các nghĩa vụ khác của DN khi giải thể. Thiết nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu và quy định thêm trong luật hoặc các nghị định hướng dẫn một số nghĩa vụ khác của các DN đặc thù, ví dụ nghĩa vụ liên quan đến môi trường của những DN hoạt động có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường đối với các DN trong lĩnh vực y tế, dầu khí, hay xử lý chất thải, v.v….
Thứ sáu, Điều 158 Luật DN 2005 quy định “Đối với trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp”. Từ quy định này chúng ta hiểu rằng không phải DN nào khi giải thể cũng phải đăng báo. Nghị định 05/2013/NĐ-CP được ban hành ngày 9/1/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký DN (Nghị định 05) cũng không giải thích thêm về trường hợp giải thể DN nào phải tiến hành đăng báo. Nghị định 05 chỉ quy định tại mục 8c “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 158 Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp: phải sao gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải niêm yết công khai quyết định giải thể doanh nghiệp tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp và đăng quyết định này trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”. Cần lưu ý rằng, Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia không thể được xem là báo điện tử vì đây chỉ là “trang thông tin điện tử để các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng, truy cập thông tin về đăng ký doanh nghiệp và phục vụ cho công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh”[15] . Tương tự, Nghị định 102/2010/NĐ-CP tại Điều 40 cũng không nói rõ trường hợp giải thể nào DN buộc phải đăng báo.
Thiết nghĩ quy định thiếu chặt chẽ như vậy là chưa hợp lý vì sẽ không đảm bảo được mục đích của việc đăng báo quyết định giải thể DN là để các chủ nợ, đối tác, người lao động của DN đó biết để tiến hành giải quyết các khoản nợ, thanh lý hợp đồng và đòi quyền lợi của mình để việc tiến hành giải thể sớm được hoàn tất, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan trước khi DN giải thể. Do đó, nếu không quy định rõ trường hợp nào DN khi giải thể phải đăng báo thì quyền lợi của các bên liên quan như chủ nợ, đối tác và người lao động của DN giải thể sẽ không được bảo vệ một cách thỏa đáng.
Có thể quy định tại Điều 158 của Luật DN 2005 xuất phát từ ý chí ban đầu của nhà làm luật là việc đăng báo chỉ áp dụng đối với những DN có quy mô lớn và (hoặc) có nhiều đối tác, chủ nợ, người lao động hoặc DN rơi vào những trường hợp giải thể phức tạp. Tuy nhiên, như đã phân tích bên trên cách quy định như hiện nay lại chưa bộc lộ được rõ ý tứ này. Do đó, tác giả cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về các trường hợp buộc phải đăng báo quyết định giải thể DN để việc áp dụng pháp luật có căn cứ rõ ràng và thống nhất.
Trên cơ sở đó, khi sửa đổi Luật DN 2005, ban soạn thảo có thể cân nhắc đến quy định sau đây “Trong trường hợp đối tác của doanh nghiệp, chủ nợ của doanh nghiệp, người lao động của doanh nghiệp nhiều hơn con số 100 (hoặc một con số khác) hoặc doanh nghiệp không thể liên hệ được đối tác, chủ nợ, người lao động cũ của doanh nghiệp hoặc đối tác, chủ nợ, người lao động cũ của doanh nghiệp không còn ở Việt Nam thì bắt buộc phải đăng báo về quyết định giải thể doanh nghiệp”. Quy định như trên góp phần đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, người lao động, đối tác của DN. Theo lời của luật sư Nguyễn Vân Quỳnh thì cơ quan ĐKKD không thể quản lý được chính xác danh sách chủ nợ của DN hay xác nhận được DN có thực sự thanh toán hết nợ hay không16nên việc đăng báo về quyết định giải thể của DN sẽ là cơ hội giúp cho cộng đồng nói chung, cho các chủ nợ, các đối tác nói riêng tự kiểm tra lại những thông tin có liên quan đến quyền lợi của mình, tránh việc DN giải thể bỏ sót các nghĩa vụ đối với chủ nợ, đối tác, người lao động của DN trước khi hoàn thành việc giải thể.
3. Kết luận
Việc cân nhắc và khắc phục những vấn đề trên sẽ giúp cho việc giải thể DN được nhanh chóng, rõ ràng, hợp lý, tránh được những hệ lụy không đáng có. Các kiến nghị trong bài viết này chỉ mang tính chất gợi ý để chúng ta cùng chọn lọc và cần được nghiên cứu sâu hơn khi cần áp dụng và thực thi trên thực tế. Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 đã định hướng là chúng ta phải “xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Nghiên cứu trong bài viết này được thực hiện cũng không nằm ngoài mục đích đó.
CHÚ THÍCH
*ThS, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Tổng cục thống kê, “Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm năm 2012”, http://www.gso.gov.vn, đăng ngày 29-6-2012, tải lúc 4h38pm ngày 1-9-2013.
[2] Nguyễn Quang A (Viện nghiên cứu phát triển IDS), “Có cần con dấu?”, http://www.tuoitre.com.vn, đăng ngày 11-11-2007, tải lúc 5h33pm ngày 1-9-2013.
[3] Tlđd.
[4] Trí Minh, “Việt Nam xếp thứ 93 về mức độ thuận lợi trong kinh doanh”, http://www.baomoi.com, đăng ngày 10-9-2009, tải lúc 4h53pm ngày 1-9-2013.
[5] Trần Việt, ‘Sẽ có hàng loạt công ty chứng khoán giải thể phá sản: Nguy cơ và hy vọng’, http://www.anninhthudo.vn, đăng ngày 27-1-2013, tải lúc 4h57pm ngày 1-9-2013.
[6] Điều 154 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
[7] Điều 82 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000.
[8] Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
[9] TS. Nguyễn Thị Dung, “Thực trạng pháp luật về giải thể doanh nghiệp một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Luật học số 10/2012, tr. 16.
[10] Điều 1 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002.
[11] Điều 30 Luật tố tụng dân sự 2004.
[12] Cầm Văn Kình, “Hơn 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động”, http://phapluattp.vn, đăng ngày 10-4-2013, tải lúc 5pm ngày 1-9-2013.
[13] Nguyễn Thị Dung, Tlđd, tr. 16.
[14] Tham luận của GS.-TS. Roland Fritz tại hội thảo ngày 3 tháng 4 năm 2013 về “Các khía cạnh của Quản trị công ty: Kinh nghiệm của CHLB Đức và Việt Nam”.
[15] Mục Điều 4 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 30-35
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời