• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay

Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay

15/05/2020 23/05/2021 TS. Bùi Xuân Hải Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn chưa rõ ràng, bất hợp lý
  • 2. Việc nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khá dễ dàng
  • 3. Một số thẩm phán giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có năng lực còn hạn chế và thiếu khách quan, chưa thiện chí
  • 4. Không có thủ tục giám đốc thẩm quyết định của Tòa án về hủy phán quyết trọng tài
  • 5. Nguyên nhân từ phía trọng tài
  • Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay

TÓM TẮT

Trong thời gian gần đây, nhiều phán quyết trọng tài đã bị Tòa án tuyên hủy, chiếm tỷ lệ cao trong số đơn yêu cầu; tình trạng này đã tác động tiêu cực đến hoạt động của trọng tài thương mại ở Việt Nam và quyền lợi của các doanh nghiệp. Bài viết luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay

Xem thêm:

  • Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài – Bất cập và hướng hoàn thiện – ThS. Phan Thông Anh
  • Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
  • Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
  • Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài – Vụ án dân sự hay việc dân sự – ThS. Huỳnh Quang Thuận

TỪ KHÓA: Phán quyết trọng tài

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài - Bất cập và hướng hoàn thiện
  • Bàn về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài
  • Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài - Vụ án dân sự hay việc dân sự
  • Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin môi trường
  • Thực tiễn công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật
  • Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
  • Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc
  • Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam
  • Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
  • Buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam, thực trạng và hướng hoàn thiện

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2014, theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), có 46 quyết định/ phán quyết trọng tài của VIAC đã bị yêu cầu Tòa án xem xét hủy, trong số đó có 19 phán quyết trọng tài đã bị Tòa án tuyên hủy (14 phán quyết trọng tài bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên hủy và 5 phán quyết trọng tài bị Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tuyên hủy)[1]. Nhưng, chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2014, khi mà Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM năm 2010) có hiệu lực thi hành, có đến 50% số đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đã được Tòa án chấp nhận (hủy 10 phán quyết trọng tài trong số 20 vụ yêu cầu). Đây là một tình trạng đáng báo động vì tỷ lệ phán quyết trọng tài bị hủy trong tổng số bị yêu cầu cao một cách không bình thường, chưa thấy ở nước ngoài.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định chủ trương “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”[2]. Tuy nhiên, tình trạng hủy phán quyết trọng tài như hiện nay không phải là sự khuyến khích giải quyết bằng trọng tài và Tòa án chưa hỗ trợ trọng tài. Thực trạng hủy phán quyết trọng tài ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều tác động rất tiêu cực. Hủy phán quyết trọng tài tùy tiện sẽ “giết chết” trọng tài thương mại non trẻ của Việt Nam; làm giảm lòng tin của các nhà kinh doanh đối với trọng tài, giảm lòng tin của các trọng tài viên, luật sư, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan vào hệ thống Tòa án. Nếu các nhà kinh doanh e ngại lựa chọn trọng tài thì trọng tài sẽ không thể chia sẻ gánh nặng giải quyết tranh chấp kinh doanh với Tòa án như mục đích ban hành Luật TTTM năm  2010[3]. Nếu trọng tài thương mại không thể phát triển thì sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam khi họ phải chọn trọng tài nước ngoài và ra nước ngoài giải quyết tranh chấp. Việc Tòa án nhân dân hủy phán quyết trọng tài tùy tiện sẽ làm tốn kém thời gian và chi phí cho các bên, có thể làm mất cơ hội kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp, làm xấu môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài trong thời gian vừa qua? Xin thử luận bàn về một số nguyên nhân cơ bản dưới đây.

1. Các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn chưa rõ ràng, bất hợp lý

Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật TTTM năm 2010 thì phán quyết trọng tài bị hủy nếu: (a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; (b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này; (c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy; (d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; (đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trong các trường hợp hủy phán quyết trọng tài nói trên thì căn cứ tại điểm a, b và đ thường được viện dẫn khi yêu cầu hủy phán quyết, đặc biệt là điểm đ.

Việc phân tích các căn cứ hủy phán quyết trọng tài cần những nghiên cứu khác mà không thể trình bày đầy đủ trong bài viết này. Nhưng, trong các trường hợp hủy phán quyết thì điểm đ là mơ hồ nhất, dễ bị lạm dụng nhất. Cho đến nay chẳng ai có thể trả lời câu hỏi “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là những nguyên tắc nào. Trong thực tế, bên yêu cầu và thẩm phán, kiểm sát viên… thường coi các nguyên tắc được ghi trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật  Thương mại năm 2005 và thậm chí một số đạo luật khác là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Có những vụ việc, thẩm phán lập luận thiếu khoa học, không logic về cái gọi là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để hủy phán quyết trọng tài. Chẳng hạn có Tòa án đã lập luận rằng việc Hội đồng trọng tài bác đơn kiện của nguyên đơn là vi phạm khoản 1 Điều 292 và Điều 297 của Luật Thương mại năm 2005; do đó đã vi phạm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại quy định tại Điều 11 của Luật Thương mại năm 2005 (Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại), đồng thời trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại các Điều 4, 5, 7, 9, 11 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, Nguyên tắc tuân thủ pháp luật).

Theo Điều 14 Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài khi đã chứng minh được rằng: (1) phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, và (2) phán quyết trọng tài đó đã xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba. Trong hai điều kiện nói trên thì điều kiện thứ 2 không khó để chứng minh bởi vì phán quyết trọng tài phân xử về tranh chấp giữa hai bên thì chắc chắn lợi ích của ít nhất một trong hai bên luôn bị ảnh hưởng. Chỉ có điều kiện thứ 1 là còn mơ hồ trong việc chứng minh và áp dụng mặc dù Nghị quyết 01/2014 đã hướng dẫn rằng nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam phải là nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam – một hướng dẫn có giá trị tích cực để ngăn chặn việc coi các nguyên tắc của các đạo luật chuyên ngành là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Song, giải thích của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam trong Nghị quyết 01/2014 cũng chưa minh thị và còn thể hiện sự lúng túng. Nó hầu như không giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nói một cách công bằng, nếu một cơ quan đặc biệt quan trọng của nền tư pháp nước ta như Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà cũng không xác định được hiện nay những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những nguyên tắc nào thì không thể đòi hỏi các trọng tài viên và thẩm phán cũng như các bên tranh chấp và luật sư của họ phải tự biết các nguyên tắc này!

Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế (UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration) và pháp luật trọng tài của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Hong Kong, Ấn Độ… không có quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài do “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật” như Việt Nam[4]. Một trong các căn cứ hủy phán quyết trọng tài theo Luật mẫu của UNCITRAL và của rất nhiều nước là phán quyết “mâu thuẫn với chính sách công (in conflict with the public policy) của quốc gia đó”.[5] Nhưng public policy (chính sách công) đều được giải thích và áp dụng theo nghĩa hẹp và hạn chế xem xét nó làm cơ sở để hủy phán quyết trọng tài. Trong vụ Parsons and Whittemore Overseas Co., Inc. v. RAKTA (1974), Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 2 cho rằng, khái niệm chính sách công (public policy) trong Công ước New York cần phải được hiểu một cách rất hẹp; việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối chỉ khi việc thi hành đó sẽ vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất về đạo đức và công lý của quốc gia (violate the forum State’s most basic notions of morality and justice)[6]. Tòa án ở Đức cũng đã khẳng định rằng, đối với các phán quyết trọng tài nước ngoài, thì không phải mọi vi phạm điều cấm của pháp luật Đức đều bị coi là vi phạm trật tự công cộng; rằng ở Đức, khái niệm vi phạm trật tự công cộng được viện dẫn chỉ trong những trường hợp vô cùng đặc biệt mà thôi[7].

Hơn nữa, các án lệ cũng như thực tiễn thi hành Công ước New York năm 1958 ở các nước thành viên của Công ước đã cho thấy rằng: Tòa án các nước, về cơ bản đều giải thích điều khoản về chính sách công (public policy) theo nghĩa rất hẹp, và hạn chế từ chối thi hành phán quyết trọng tài, chỉ trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu mà thôi; điều này có nghĩa là, trong cách hiểu và giải thích điều khoản chính sách công, các Tòa án đã thể hiện quan điểm ủng hộ tinh thần của Công ước, là tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài[8].

Ở nước ta, bên yêu cầu và thẩm phán thường có xu hướng hiểu nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam theo nghĩa rộng, dễ vận dụng để hủy phán quyết trọng tài. Trong khi quy định về hủy phán quyết trọng tài theo Luật mẫu của UNCITRAL (Article 34.2.b.(ii)) và về không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài của Công ước New York 1958 (Article V.2.(b)) có trường hợp do trái chính sách công (public policy) của quốc gia đó, thì Luật TTTM năm  2010 của Việt Nam không có quy định về trường hợp trái chính sách công mà có quy định về “trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Đây có thể là một việc làm thiếu khôn ngoan và đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều phán quyết trọng tài bị hủy[9].

Một căn cứ khác cũng dễ bị áp dụng tùy tiện là trường hợp quy định tại Điểm b, khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010. Nếu đọc lời văn của căn cứ này thì không thấy có sự khác nhau với quy định tương tự tại Luật mẫu của UNCITRAL[10], là “Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này”. Như vậy trường hợp này có 2 khả năng là thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài: (i) không phù hợp với thỏa thuận của các bên; hoặc (ii) trái với các quy định của Luật TTTM năm  2010. Khả năng thứ 2 rất rộng vì Luật TTTM năm  2010 quy định tất cả các vấn đề về trọng tài, cho nên nếu Hội đồng trọng tài có hành vi tố tụng không đúng quy định của Luật TTTM thì có thể bị coi là “trái với các quy định của Luật TTTM” và bị Tòa án tuyên hủy. Cho nên quy định này rất cần phải được làm rõ.

Theo Nghị quyết 01/2014 thì trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật TTTM năm  2010 mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án[11]. Như vậy, để hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp này thì cần phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau đây: (i) có sự vi phạm quy định của Luật TTTM năm  2010,  (ii) vi phạm đó phải là vi phạm nghiêm trọng[12]; và (iii) trọng tài không thể khắc phục được vi phạm này hoặc trọng tài không khắc phục các sai sót theo đúng yêu cầu của Tòa án.

Tuy nhiên, một số Tòa án đã nhận định không đúng đắn về hành vi bị coi là vi phạm pháp luật trọng tài và nếu có là nhận định không đúng mức độ vi phạm và tính nghiêm trọng, cho nên hủy phán quyết trọng tài khá tùy tiện. Ví dụ, trong khi Luật TTTM năm  2010 không có quy định nào về sự tham gia tố tụng của người thứ 3 thì có Tòa án cho rằng việc trọng tài đưa bên thứ 3 vào tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải là vi phạm Luật TTTM năm  2010, không phải là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài[13]. Hơn nữa, có Tòa án đã cho rằng việc trọng tài không đưa một tổ chức khác tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật trọng tài. Như vậy, Tòa án đã áp dụng tư duy tố tụng dân sự vào tố tụng trọng tài, đã không hiểu đúng bản chất của trọng tài và pháp luật trọng tài.

Điều 71 Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết 01/2014 đều có quy định việc Tòa án tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài; nếu trọng tài không khắc phục sai sót tố tụng thì Tòa án tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Để thực hiện quy định này có 2 điều kiện; (1) phải có yêu cầu của một bên, và (2) Tòa án xét thấy phù hợp. Điều kiện thứ nhất có thể một bên biết và yêu cầu Tòa án, song nếu họ không hiểu biết pháp luật để yêu cầu thì cũng không thực hiện việc này. Điều kiện thứ hai lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí, quan điểm của Tòa án. Có nghĩa là nếu có một bên yêu cầu, nhưng Tòa án cho rằng việc cho trọng tài khắc phục sai sót là không phù hợp thì có quyền không cho trọng tài khắc phục. “Phù hợp” hay “không phù hợp” lại là phạm trù khá trừu tượng, phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề và năng lực, thiện chí của thẩm phán. Đáng tiếc rằng, các Tòa án rất hiếm khi áp dụng quy định này. Cho đến nay, thống kê cho thấy chỉ có một trường hợp được Tòa án tạo điều kiện cho trọng tài khắc phục sai sót. Như vậy, một điểm rất tiến bộ, rất tích cực của Luật TTTM năm  2010 đã không phát huy được trên thực tế và thêm nguy cơ phán quyết trọng tài bị hủy.

Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn rõ ràng thêm các căn cứ hủy phán quyết trọng tài. Đối với điểm b, khoản 2 Điều 68 thì chỉ nên hủy phán quyết nếu: (i) vi phạm của trọng tài rõ ràng làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết tranh chấp, và (ii) Tòa án đã yêu cầu trọng tài khắc phục sai sót theo khoản 7 Điều 71 nhưng không khắc phục được hoặc sai sót đó là không thể khắc phục được. Đối với điểm đ khoản 2 Điều 68 thì kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao liệt kê các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn cách vận dụng.

2. Việc nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khá dễ dàng

Khoản 1 Điều 69 của Luật TTTM năm  2010 quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Như vậy, điều kiện để yêu cầu là: (i) về thời gian phải trong 30 ngày tính từ khi nhận được phán quyết trọng tài và (ii) phải có đủ căn cứ chứng minh phán quyết trọng tài thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm  2010.

Tâm lý của bên thua kiện thường muốn “lật lại” tình thế cho nên tìm mọi cách để hủy phán quyết trọng tài hoặc ít nhất thì họ cũng có thể lợi dụng để kéo dài thời gian phải thực thi phán quyết khi phán quyết trọng tài không bị hủy. Như vậy, nếu một bên hiểu rõ là phán quyết trọng tài sẽ không bị hủy thì họ vẫn thành công trong việc trì hoãn thi hành phán quyết mà trong thực tế có thể kéo dài đến cả năm do thời hạn tố tụng kéo dài.

Trong các căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trường hợp phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam rất dễ bị lấy làm cơ sở xin hủy phán quyết trọng tài, và thực tế rất nhiều vụ yêu cầu đã viện dẫn lý do này. Hơn nữa, Luật TTTM năm 2010 quy định trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài do trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam lại thuộc về Tòa án chứ không phải bên yêu cầu[14]. Trong thực tế, khả năng thành công nếu yêu cầu hủy phán quyết dựa vào căn cứ này là khá cao bởi những lý do như đã trình bày ở phần trên của bài viết này.

Một lý do khác dẫn đến việc nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khá dễ dàng là Tòa án thường không xem xét kỹ lý do xin hủy trước khi thụ lý. Như đã phân tích, theo khoản 1 Điều 69 thì một bên phải “có đủ căn cứ để chứng minh” thì mới có quyền nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài[15]. Đáng tiếc rằng trong thực tế, một phần vì năng lực hạn chế, một phần vì e ngại, các Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khá dễ dàng và ít cân nhắc xem xét phần trình bày của bên yêu cầu về căn cứ xin hủy phán quyết có thuyết phục hay không; người thụ lý thường cho rằng việc kết luận có căn cứ hủy hay không sẽ thuộc trách nhiệm của Hội đồng xét đơn sau này.

Để hạn chế tình trạng nộp đơn yêu cầu quá dễ dàng, cần (i) bổ sung quy định buộc bên yêu cầu hủy phán quyết phải chịu mọi chi phí phát sinh và bồi thường thiệt hại cho bên kia nếu Tòa án không hủy; và (ii) yêu cầu các Tòa án phải xem xét kỹ đơn yêu cầu hủy phán quyết để đánh giá tính nghiêm túc của người nộp đơn và trình bày về lý do xin hủy rõ ràng.

3. Một số thẩm phán giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có năng lực còn hạn chế và thiếu khách quan, chưa thiện chí

Thực tế cho thấy một số thẩm phán khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có năng lực còn hạn chế, chưa hiểu đúng bản chất của trọng tài, hiểu không đúng quy định của pháp luật cho nên đã vận dụng sai lầm rồi hủy phán quyết trọng tài. Ví dụ, thẩm phán đã mang tư duy của pháp luật tố tụng dân sự để cho rằng trọng tài cần phải đưa một bên thứ 3 vào vụ kiện với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan[16]. Có trường hợp thẩm phán cho rằng trọng tài không “tống đạt” các giấy tờ trong tố tụng trọng tài theo kiểu của Tòa án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng và hủy phán quyết trọng tài.

Sự thiếu khách quan và thiện chí của thẩm phán thể hiện ở việc không tạo điều kiện cho trọng tài sửa chữa, khắc phục sai sót về tố tụng theo Điều 71 Luật TTTM năm  2010 và Nghị quyết 01/2014. Như đã trình bày, cho đến nay chỉ có một trường hợp Tòa án tạo điều kiện cho trọng tài khắc phục sai sót. Bên cạnh đó, hầu hết các vụ việc giải quyết liên quan đến trọng tài của Tòa án đều có thời gian kéo dài hơn rất nhiều so với thời hạn tố tụng theo luật định (ví dụ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ 28/09 của VIAC kéo dài tới 21 tháng, vụ 21/13HCM của VIAC cũng kéo dài khoảng 6 tháng[17], trong khi thời hạn tố tụng theo luật định chỉ kéo dài không quá 2 tháng kể từ khi thụ lý…). Những phân tích trên đã phần nào khẳng định Tòa án vi phạm thời hạn tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các bên và thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Tòa án.

Theo Luật TTTM năm  2010 thì khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp[18]. Trên thực tế, một số Tòa án lại nhận định, đánh giá kết luận lại nội dung của vụ tranh chấp như xét xử phúc thẩm. Về nguyên tắc, Tòa án không có quyền kết luận đúng sai về nội dung phán quyết của Trọng tài đối với vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp mà chỉ có quyền xem xét căn cứ để ra quyết định hủy bỏ hoặc giữ nguyên phán quyết trọng tài[19]. Một số thẩm phán đã xét lại nội dung của vụ việc tranh chấp và gắn kết nó với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để hủy phán quyết trọng tài[20]. Có thể không loại trừ khả năng có thẩm phán tiêu cực để hủy phán quyết trọng tài với sự vận dụng tùy tiện, sai lầm các trường hợp tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm  2010

Vì thế, cần phải bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn về trọng tài cho các thẩm phán chuyên giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, để hiểu đúng pháp luật trọng tài, không được coi phán quyết trọng tài chỉ như bản án sơ thẩm. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực của thẩm phán trong tố tụng cũng rất quan trọng nhằm củng cố niềm tin của người dân với nền tư pháp nước nhà.

Cũng cần có thêm quy định về sự hợp tác giữa Tòa án và trọng tài, nếu có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì Tòa án nên thông báo và gửi ngay bản sao hồ sơ yêu cầu cho trọng tài và trọng tài nên có văn bản giải trình, phân tích, trình bày quan điểm về vụ việc. Cũng nên cân nhắc khả năng mời đại diện trọng tài tham dự phiên họp xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài để trọng tài được có cơ hội trình bày rõ hơn về việc ra phán quyết. Mặc dù trọng tài không phải là một bên tranh chấp, không phải là cấp dưới của Tòa án, song việc trọng tài được tham dự và trình bày ý kiến của mình cũng là một yếu tố tích cực giúp Tòa án phán xử một cách đúng đắn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

4. Không có thủ tục giám đốc thẩm quyết định của Tòa án về hủy phán quyết trọng tài

Pháp luật trọng tài và pháp luật tố tụng dân sự đều không có quy định về giám đốc thẩm để khắc phục tình trạng quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án rõ ràng là sai trái, vi phạm pháp luật. Việc Tòa án hủy phán quyết trọng tài tùy tiện, sai luật sẽ gây tác động xấu, bất công cho các tổ chức, cá nhân liên quan, làm tổn hại uy tín, danh dự của ngành Tòa án và trọng tài. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 thì yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là yêu cầu về kinh doanh, thương mại và giải quyết theo quy trình giải quyết việc dân sự. Như vậy, chỉ có thủ tục phúc thẩm cho các quyết định về hủy phán quyết trọng tài chứ không có thủ tục giám đốc thẩm. Kinh nghiệm cho thấy nhiều nước trên thế giới (như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ…) cũng có thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Tòa án về phán quyết trọng tài[21]. Phán quyết trọng tài thực chất là quyết định giải quyết vụ việc tranh chấp, tương tự như bản án của Tòa án. Nếu phán quyết trọng tài bị hủy thì cũng có ý nghĩa tương tự như bản án bị hủy, do vậy, nếu việc hủy này rõ ràng là sai lầm trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng nên cho áp dụng thủ tục giám đốc thẩm như các vụ án dân sự. Việc không chấp nhận giám đốc thẩm đối với các quyết định của Tòa án về hủy phán quyết trọng tài cũng là một nguyên nhân làm cho pháp luật trọng tài không được áp dụng thống nhất ở Việt Nam[22], và thiếu cơ chế răn đe việc hủy phán quyết tùy tiện cũng như thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.

5. Nguyên nhân từ phía trọng tài

Không phải tất cả các vụ phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy đều là tùy tiện, đều bất hợp lý. Có một số phán quyết trọng tài bị hủy là hoàn toàn đúng, do những sai lầm trong tố tụng và ra phán quyết. Chẳng hạn trọng tài đã nhầm lẫn một thỏa thuận trọng tài vô hiệu là có hiệu lực và thực hiện được hoặc bỏ qua những bước tố tụng chắc chắn phải làm. Vẫn còn hiện tượng tổ chức trọng tài cố tình khẳng định thẩm quyền của mình trong khi một bên phản đối thẩm quyền với lý do đúng luật. Vì thế, để hạn chế phán quyết trọng tài bị hủy thì các tổ chức trọng tài cũng cần phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho các trọng tài viên, đồng thời ban hành các bộ qui tắc, các hướng dẫn có liên quan đến tố tụng trọng tài và kiểm tra, giám sát việc thực thi.

Kết luận

Trong thời gian vừa qua, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phán quyết trọng tài bị hủy với tỷ lệ cao; trong đó có nguyên nhân từ các quy định pháp luật và có nguyên nhân từ phía những người xét xử của Tòa án và trọng tài. Vì vậy, còn nhiều việc cần phải làm để hạn chế tình trạng hủy phán quyết trọng tài tùy tiện, nâng cao hơn nữa hoạt động của trọng tài và Tòa án, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

CHÚ THÍCH

* PGS-TS Luật học, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh; Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

[1] Theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 thì quyết định giải quyết vụ kiện được gọi là quyết định trọng tài. Tuy nhiên, Luật TTTM năm 2010 đã có sự phân tách giữa phán quyết trọng tài và quyết định trọng tài. Theo đó, “Quyết định trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp” còn “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài” (xem Điều 3) . Phán quyết trọng tài theo pháp luật hiện hành có nghĩa tương tự  “arbitral award” theo Công ước New York 1958 về Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

[2] Mục 2.1 Phần II Nghị quyết 49- NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

[3] “Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài sẽ góp phần làm giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án”, xem Hội Luật gia Việt Nam, Tờ trình Về Dự án Luật Trọng tài thương mại (số 10/TTr-HLGVN), Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2009, tr. 3.

[4] Ví dụ, xem Điều 81 Pháp lệnh Trọng tài năm 2011 của Hong Kong (Hong Kong Arbitration Ordinance có hiệu lực ngày 01/06/2011). Pháp lệnh này cơ bản dựa trên Luật mẫu của UNCITRAL.

[5] Từ “Public policy” được quy định trong Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL và Công ước của Liên hợp quốc về Công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 có thể được dịch sang tiếng Việt là “chính sách công” hay “trật tự công cộng”. Trong bài viết này, tác giả quan niệm “public policy” là chính sách công.

Ví dụ, xem điểm b khoản 2 Điều 34 Luật mẫu về Trọng tài Thương mại quốc tế của UNCITRAL (the award is in conflict with the public policy of this State)

[6] Nguyên văn: “the Convention’s public policy defense should be construed narrowly. Enforcement of foreign arbitral awards may be denied on this basis only where enforcement would violate the forum state’s most basic notions of morality and justice”. [508 F.2d 969] Parsons & Whittemore Overseas Co., Inc v. Societe Generale De L’industrie Du Papier (RAKTA).

Xem thêm: James H. Carter và John Fellas, International Commercial Arbitration in New York, Oxford University Press, 2010, tr. 394.

[7] Xem thêm Đặng Hoàng Oanh, Hủy quyết định trọng tài: Chế định còn nhiều bất cập trong pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, trích lại từ mạng Diễn đàn Doanh nghiệp, http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2311.

[8] Đặng Hoàng Oanh, tlđd.

[9] Chẳng hạn Tòa án đã hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp giữa Tisco và Agc do phán quyết này “vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam” quy định tại Điều 9 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Xem Quyết định số 06/2014 ngày 29/8/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[10] Điểm a khoản 2 điều 34 Luật mẫu của UNCITRAL cũng có quy định căn cứ hủy phán quyết trọng tài: “Thành phần của hội đồng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận giữa các bên trừ trường hợp thỏa thuận này trái với điều khoản trong luật này mà các bên không thể vi phạm được, hoặc nếu không có thỏa thuận đó, không phù hợp với luật này”.

[11] Điểm b, khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết 01/2014.

[12] Tuy nhiên Nghị quyết 01/2014 không hướng dẫn cụ thể thêm thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” ngoài việc đưa ra 2 ví dụ ít có ý nghĩa giải thích luật và ít giá trị tham khảo.

[13] Xem Quyết định số 1655/2012/QĐST-KDTM ngày 15/11/2012 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

[14] Điểm b, khoản 2 Điều 68 của Luật TTTM năm  2010.

[15] Khoản 3 Điều 68 quy định bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó.

[16] Ví dụ có Tòa án kết luận Hội đồng trọng tài đã không đưa Công ty trách nhiệm hữu hạn C.T.P với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tố tụng là bỏ sót người tham gia tố tụng theo Điều 56 và 201 của Bộ luật Tố tụng dân sự… Do đó vi phạm quy định về thủ tục tố tụng trọng tài (Quyết định số 2611/2009/QĐST – KDTM).

[17] Xem Vũ Ánh Dương, Thực trạng hủy phán quyết trọng tài tại VIAC, tham luận tại Tọa đàm khoa học “Hủy phán quyết trọng tài” tổ chức tại Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 01 năm 2015.

[18] Khoản 4, Điều 71 Luật TTTM năm  2010 và khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 01/2014 cũng quy định tương tự rằng khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm  2010 hay không.

[19] Đào Trí Úc, Những vấn đề cơ bản của Luật Trọng tài, 2006, có tại http://vibonline.com.vn/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2178.

[20] Ví dụ, xem và đánh giá các Quyết định số 10/2013 ngày 30/5/2013 và Quyết định số 06/2014 của Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội; Quyết định số 1252/2014/KDTM-QĐ của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

[21] Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 375.

[22] Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải, tlđd, tr. 376.

Tác giả: TS. Bùi Xuân Hải*

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2015 (88) – 2015, Trang 19-25

Nguồn: Fanpage Luật sư Online

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Bàn về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài
Bàn về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài
Thực tiễn công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật
Thực tiễn công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật
Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc
Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị

Chuyên mục: Quốc tế/ Thương mại/ Thương mại quốc tế Từ khóa: Phán quyết trọng tài/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam

Previous Post: « Hoàn thiện pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính theo tinh thần Hiến pháp 2013
Next Post: Thu hút doanh nghiệp nước ngoài niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam – Nhìn từ các quy định về điều kiện niêm yết »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng