• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Thương mại » Hoàn thiện quy định điều chỉnh giao dịch giữa nhóm công ty mẹ – Cty con

Hoàn thiện quy định điều chỉnh giao dịch giữa nhóm công ty mẹ – Cty con

05/05/2020 05/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Các quy định pháp luật về tổ chức doanh nghiệp
    • 1.1. Về khái niệm “nhóm công ty”
    • 1.2. Về các tiêu chí xác định “công ty mẹ”
    • 1.3. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa công ty mẹ và công ty con và với bên thứ ba
    • 1.4. Về các giao dịch đầu tư nội nhóm
    • 1.5. Các quy định kiểm soát hợp đồng, giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty
  • 2. Các quy định của pháp luật về kế toán
  • 3. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con

  • Tác giả: Hà Thị Thanh Bình
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(106)/2017 – 2017, Trang 36-45

TÓM TẮT

Việc thực hiện giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con là một trong các cách thức chủ yếu để thực hiện mục tiêu của việc liên kết nhóm. Về mặt nguyên tắc, các công ty trong nhóm có tư cách pháp lý độc lập và có quyền thực hiện các giao dịch với nhau theo các nguyên tắc của thị trường. Tuy nhiên do sự chi phối của quan hệ sở hữu, các giao dịch này có thể được lợi dụng với mục đích đem lại lợi ích cho chủ sở hữu, cho công ty mẹ,và có thể gây thiệt hại cho lợi ích của các thành viên, cổ đông khác của công ty con hoặc những chủ thể khác có giao dịch với công ty con. Bài viết này đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con ở Việt Nam. Các kiến nghị được xây dựng dựa trên nghiên cứu pháp luật và thực tiễn điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Đức, Úc, và một số nước lân cận có quan điểm xây dựng pháp luật cũng như đặc điểm lịch sử và văn hóa tương đối tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và Nhật Bản.

ABSTRACT:

Conducting intra-group transactions is one of the main ways to achieve the aim of forming a corporate group. In principle, each company in a group of companies has separate legal entity status and is entitled to transact with each other in accordance with arm’s length principle. However, the influence of the ownership among companies in a group could result in the abuse of intra-group transactions for the interest of the holding company, to the detriment of the other shareholders or stakeholders of the subsidiaries. This article provides some recommendations to improve regulations on intra-group transactions in Vietnam. The recommendations are constructed from the study of the relevant laws and practical application of such laws in the United Kingdom, the United States of America, Germany, Australia and other neighbour countries having similar historical and cultural developments with Vietnam such as China and Japan.

TỪ KHÓA: giao dịch nội nhóm, nhóm công ty, công ty con, công ty mẹ,

KEYWORDS: subsidiary, cross-ownership, intra-group transactions, group of companies, holding company,

Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ - công ty con

Các kiến nghị trong bài viết này được xây dựng dựa trên nghiên cứu pháp luật và thực tiễn điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Đức, Úc, và một số nước lân cận có quan điểm xây dựng pháp luật cũng như đặc điểm lịch sử và văn hóa tương đối tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và Nhật Bản.[1] Bên cạnh việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia nêu trên, tác giả phân tích, đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam để rút ra những luận cứ khoa học, làm cơ sở cho các kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến chế định pháp lý về nhóm công ty mẹ – công con và kiểm soát các giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con ở Việt Nam. Các đề xuất, kiến nghị được chia làm ba nhóm: (i) Các quy định pháp luật về tổ chức doanh nghiệp; (ii) Các quy định của pháp luật về kế toán; và (iii) Các quy định của pháp luật về thuế.

Bài viết cùng số Tạp chí

  • Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Một số học thuyết phổ biến về nguồn gốc nhà nước và pháp luật
  • Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015
  • Tìm hiểu về các hoạt động nghiệp vụ và hành vi gài bẫy theo Pháp luật Mỹ
  • [BÀI ĐANG XEM] Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con
  • Một số vấn đề pháp lý về kiểm soát ngoại tệ từ giao dịch vãng lai
  • Vai trò của các chủ thể tư trong các tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại WTO và một số kiến nghị
  • Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực biển Đông
  • Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại

1. Các quy định pháp luật về tổ chức doanh nghiệp

1.1. Về khái niệm “nhóm công ty”

Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014 không trực tiếp đưa ra định nghĩa về nhóm công ty nhưng đã gián tiếp phân loại nhóm công ty thành tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Cụ thể, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

  1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật”.

Cách tiếp cận này mang tính mở, không thực sự rõ ràng và quan trọng là việc đưa ra định nghĩa cho các khái niệm này không có ý nghĩa trong việc tạo cơ sở cho các quy định điều chỉnh nhóm công ty nói chung và giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty nói riêng. Cụm từ “tổng công ty” không phù hợp để chỉ nhóm công ty vì thực chất đây là thuật ngữ được dùng để chỉ công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước trước đây. Việc sử dụng thuật ngữ này rất dễ gây nhầm lẫn vì nó không thể hiện một tổ hợp hoặc một nhóm. “Tập đoàn kinh tế” tuy là thuật ngữ chỉ sự liên kết của các công ty nhưng lại mang tính kinh tế – xã hội hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng nhiều quốc gia không đưa ra định nghĩa về nhóm công ty hay tập đoàn kinh tế trong quy định pháp luật[2]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng các quy định pháp luật liên quan đến nhóm công ty hoặc tập đoàn kinh tế chủ yếu là các quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con hoặc giữa các công ty con có cùng một công ty mẹ với nhau.

Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 2014 nói riêng hay pháp luật Việt Nam nói chung không cần đưa ra định nghĩa cho các khái niệm “nhóm công ty”, “tập đoàn kinh tế” hay “tổng công ty” với tư cách là các khái niệm pháp lý mà chỉ cần đưa ra định nghĩa công ty mẹ hoặc công ty con.

1.2. Về các tiêu chí xác định “công ty mẹ”

Các tiêu chí xác định “công ty mẹ” quy định tại khoản 1, Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được sửa đổi.

Cụ thể, khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được sửa đổi như sau:

“Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc nắm giữ đa số phiếu biểu quyết của (i) công ty khác đó hoặc (ii) của công ty mẹ của công ty khác đó”.

Với cách định nghĩa như trên, nhóm công ty mẹ – công ty con sẽ được xác định bao gồm tối đa hai cấp độ. Quy định như vậy sẽ tương đối tương thích với pháp luật của một số quốc gia như Vương quốc Anh hoặc Úc và cũng phù hợp với đặc thù của Việt Nam khi mà quyền biểu quyết trong công ty các loại chủ yếu gắn liền với tỷ lệ sở hữu vốn chủ sở hữu. Việc giới hạn công ty mẹ, công ty con ở hai cấp cũng phù hợp bởi vì ở cấp độ xa hơn (3 hoặc 4 chẳng hạn), sự ảnh hưởng của công ty mẹ gốc đến các công ty ở các cấp độ xa hơn cũng không lớn như chỉ ở cấp độ “bà” và “mẹ”.

Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con ở nước ta hiện nay chỉ nên được xác định dựa vào tiêu chí tỷ lệ sở hữu trên vốn điều lệ (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)) hoặc tỷ lệ nắm giữ phiếu biểu quyết (đối với công ty cổ phần (CTCP)) theo điểm a khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp là đủ. Việc xác định công ty mẹ theo các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là không thực sự cần thiết. Các quy định này khiến cho việc xác định mối quan hệ công ty mẹ – công ty con trở nên rối rắm và không nhất quán vì nếu căn cứ theo các tiêu chí này, mối quan hệ công ty mẹ – công ty con không mang tính ổn định tương đối. Mặc dù pháp luật của một số quốc gia cũng đưa ra các tiêu chí xác định công ty mẹ – công ty con tương tự như quy định của điểm b và điểm c khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014, các quy định như vậy phải được đặt trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác ở các quốc gia này. Ví dụ pháp luật công ty của các nước Anh, Mỹ coi các thỏa thuận cổ đông là một phần của các văn kiện pháp lý của công ty, có giá trị tương đương điều lệ công ty, hoặc pháp luật của Úc quy định cho phép việc biểu quyết bằng cách giơ tay (mỗi cổ đông/ thành viên công ty có một phiếu biểu quyết không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp…).[3]Bên cạnh đó, pháp luật các quốc gia này còn có một hệ thống án lệ bên cạnh hệ thống pháp luật thành văn để vận dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.

Đặt trong bối cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng, căn cứ xác định công ty mẹ theo các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 189 mâu thuẫn với những quy định khác trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Bên cạnh đó, đối chiếu với các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì việc thực hiện các trường hợp nêu tại điểm b và điểm c thực chất cũng đều phải căn cứ vào tỷ lệ sở hữu mang tính chi phối (quá bán). Chỉ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 bổ sung thêm các quy định minh thị thừa nhận giá trị pháp lý của các thoả thuận của cổ đông/ thành viên cho phép các cổ đông/ thành viên sở hữu từ 50% vốn điều lệ/ tổng số phiếu biểu quyết trở xuống được quyền bổ nhiệm đa số thành viên HĐQT công ty hoặc được phép sửa đổi điều lệ công ty thì những căn cứ này mới có thể hợp lý với tư cách là những trường hợp đặc thù bên cạnh căn cứ chính là tỷ lệ sở hữu chi phối. Với các lập luận trên, theo chúng tôi việc xác định công ty mẹ theo các tiêu chí quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được bãi bỏ.

Kiến nghị này dựa trên lập luận cụ thể sau đây:[4]

(i) Điểm b khoản 1, Điều 189 quy định một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu công ty (được coi là công ty mẹ) có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty khác đó. Quy định này có một số điểm bất cập như sau:

  1. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, việc bầu các thành viên HĐQT trong CTCP thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và các quyết định này theo quy định của pháp luật hiện hành phải được xác định dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần nhất định và tỷ lệ này khó có thể thấp hơn 50% trừ trường hợp về mặt lý thuyết, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể có cơ hội quyết định đa số thành viên HĐQT mặc dù không sở hữu quá 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của một công ty.
  2. Cách xác định công ty mẹ – công ty con theo điểm b khoản 1 Điều 189 còn có vẻ mâu thuẫn với điểm đ khoản 2 Điều 5 và điểm i, khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 vì việc bầu/thuê giám đốc công ty TNHH thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên (HĐTV), CTCP thuộc thẩm quyền của HĐQT chứ không thuộc thẩm quyền của thành viên/ cổ đông công ty.
  3. Việc xác định thế nào là “trực tiếp” hoặc “gián tiếp” quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc như quy định này là không dễ dàng vì không được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Điều lệ các công ty khác nhau cũng có thể quy định khác nhau về vấn đề này.

(ii) Điểm (c) khoản 1 Điều 189 quy định một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu công ty đó có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty khác đó. Theo các quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty phải được sự chấp thuận của số thành viên đại diện cho ít nhất 75% vốn góp tham dự cuộc họp đồng ý (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc phải được sự chấp nhận của ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông có mặt tại cuộc họp (đối với CTCP). Các công ty khác nhau có thể có những cách xác định công ty mẹ – công ty con khác nhau vì tỷ lệ phiếu biểu quyết thông qua việc sửa đổi điều lệ còn phụ thuộc vào chính điều lệ của từng công ty. Ngoài ra, việc sửa đổi vấn đề quan trọng của điều lệ còn có thể đòi hỏi một tỷ lệ biểu quyết cao hơn so với việc sửa đổi nội dung ít quan trọng hơn trong điều lệ đó.

(iii) Trong cả hai trường hợp quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc xác định hai công ty có mối quan hệ mẹ con với nhau hay không còn phụ thuộc vào từng thời điểm khi cuộc họp của ĐHĐCĐ và cuộc họp của HĐTV diễn ra. Tỷ lệ số phiếu biểu quyết của cổ đông, thành viên tham gia các cuộc họp nói trên cũng ảnh hưởng đến việc một cổ đông nhất định nào đó có trở thành công ty mẹ của một công ty khác theo cách xác định quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không. Ví dụ như công ty A sở hữu 45% tổng số phiếu có quyền biểu quyết của công ty B. Trong một cuộc họp của ĐHĐCĐ công ty B, có số lượng cổ đông nắm giữ 90% số phiếu có quyền biểu quyết của công B tham dự và bàn bạc về việc thông qua việc sửa đổi điều lệ công ty B (trường hợp 1). Giả sử, Điều lệ công ty B quy định việc sửa đổi Điều lệ công ty chỉ được thông qua khi được thông qua bởi số cổ đông nắm giữ 65% số phiếu có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp. Một mình công ty A sẽ không quyết định được việc này vì công ty A chỉ chiếm 50% số phiếu biểu quyết trong cuộc họp đó. Tuy nhiên, nếu trong cuộc họp đó chỉ có số lượng cổ đông nắm giữ 65% số phiếu có quyền biểu quyết của công B tham dự (vẫn đủ điều kiện để cuộc họp hợp lệ) (trường hợp 2), thì một mình số phiếu của công ty A đã đủ quyết định việc thay đổi điều lệ của công ty B vì đã chiếm trên 69% số phiếu có quyền biểu quyết trong cuộc họp đó. Như vậy, trong trường hợp 1, công ty A sẽ không trở thành công ty mẹ của công ty B nhưng trong trường hợp 2, công ty A sẽ là công ty mẹ của công ty B. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Công ty Úc liên quan đến việc xác định mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con theo tiêu chí “kiểm soát thành phần HĐQT” cũng bị đánh giá là một tiêu chí không mang tính ổn định và có thể làm thay đổi mối quan hệ mẹ con một cách dễ dàng phụ thuộc vào số lượng thành viên tham dự cuộc họp bầu hoặc bãi miễn thành viên HĐQT. Tòa án Úc cũng khẳng định rằng quyền kiểm soát thành phần HĐQT phải được xác định dựa trên các quy định của pháp luật, chứ không phải dựa trên việc kiểm soát trên thực tế.[5]

1.3. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa công ty mẹ và công ty con và với bên thứ ba

Luật Doanh nghiệp hiện nay nên bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của công ty mẹ đối với người thứ ba khi công ty mẹ can thiệp vượt quá thẩm quyền vào công ty con trong những trường hợp nhất định.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên bổ sung thêm Điều 190a như sau:

“Công ty mẹ phải trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại mà công ty con gây ra cho bên này trong các trường hợp sau đây:

  1. Công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh theo ý chí của công ty mẹ;
  2. Công ty mẹ không thực hiện việc tách bạch tài sản giữa công ty mẹ và công ty con, hoặc thực hiện các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con không theo các nguyên tắc giao dịch giữa các chủ thể pháp lý độc lập;
  3. Khi công ty mẹ không góp đủ vốn theo đúng thời hạn cam kết vào công ty con.”

Có hai lý do chính để đưa ra kiến nghị này:

Thứ nhất, các quy định tại khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp hiện hành thiếu tính khả thi vì những lý do sau:

(i) Việc bồi thường theo quy định này chỉ phải thực hiện nếu đáp ứng cả hai điều kiện (a) công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và (b) buộc công ty con phải thực hiện hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý gây thiệt hại cho công ty con. Quy định cần và đủ này khiến cho yêu cầu bồi thường chỉ được đáp ứng khi thoả mãn cả hai điều kiện này. Chưa nói đến sự khó khăn trong việc chứng minh thế nào là hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh, việc chứng minh thế nào là can thiệp ngoài thẩm quyền cũng là một điều không đơn giản vì nhân sự quản lý của công ty con phần lớn là những người do công ty mẹ bổ nhiệm, đặc biệt là đối với các công ty con mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ. Việc các nhân sự này hành động vì lợi ích của người bổ nhiệm mình là điều khó tránh khỏi.

(ii) Bên được bồi thường là công ty con. Như đã phân tích ở trên, việc công ty con có chủ động yêu cầu công ty mẹ bồi thường hay không phụ thuộc vào người quản lý công ty con mà những người quản lý này phần lớn lại do công ty mẹ bổ nhiệm. Chính điều này cũng làm cho quy định về nghĩa vụ bồi thường này có rất ít ý nghĩa thực tiễn.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ đối với bên thứ ba trong trường hợp công ty mẹ can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của công ty con hay lợi dụng công ty con như một bức bình phong để hành động gây thiệt hại cho bên thứ ba. Học tập kinh nghiệm của các nước (Anh, Úc, Mỹ) về học thuyết phá hạn trách nhiệm[6] và các quy định của pháp luật Đức về trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ tác động của chế định liên kết công ty,[7] chúng tôi cho rằng quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong Luật Doanh nghiệp hiện hành nên được chỉnh sửa để thể hiện rằng bất kỳ bên thứ ba nào (bao gồm cổ đông nhỏ của công ty con, chủ nợ của công ty con, đối tác thương mại của công ty con, hay bất kỳ bên thứ ba nào khác) bị thiệt hại bởi các hành vi can thiệp trái pháp luật của công ty mẹ vào hoạt động của công ty con, hoặc trong trường hợp công ty mẹ lợi dụng công ty con để gây thiệt hại cho chủ thể thứ ba đều có quyền yêu cầu công ty mẹ trực tiếp bồi thường thiệt hại.[8]

Một ví dụ có thể đưa ra trong trường hợp này là công ty mẹ sở hữu một bất động sản nằm trong khu đất dự kiến bị thu hồi để phục vụ lợi ích công cộng (ví dụ xây dựng đường giao thông). Khi biết được thông tin này, công ty mẹ có thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản này cho công ty con với giá thị trường. Sau đó công ty con bị thu hồi đất và được bồi thường theo giá thấp hơn giá mà công ty mẹ đã chuyển nhượng cho công ty con. Giao dịch chuyển nhượng bất động sản nói trên từ công ty mẹ sang công ty con sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các cổ đông khác của công ty con và các chủ nợ của công ty con. Trong trường hợp như vậy, các cổ đông khác của công ty con và các chủ nợ của công ty con cần được pháp luật bảo vệ bởi những quy định cụ thể cho phép họ được khởi kiện công ty mẹ một cách trực tiếp để thu hồi lại các lợi ích mà công ty mẹ đáng lẽ sẽ không có được nếu không lợi dụng quyền chi phối của quan hệ mẹ – con. Theo kinh nghiệm từ các quốc gia như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Úc thì sự tách bạch về trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con sẽ không còn nữa (nghĩa là công ty mẹ sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà công ty con gây ra cho bên thứ ba) trong các trường hợp sau đây:[9] (i) Công ty mẹ hoàn toàn kiểm soát công ty con, có nghĩa là công ty con không thực sự có quyền quyết định đối với việc tham gia vào giao dịch với bên thứ ba hoặc nói cách khác, công ty mẹ yêu cầu công ty con tham gia vào giao dịch với bên thứ ba vì lợi ích của công ty mẹ nhưng gây thiệt hại cho công ty con hoặc bên thứ ba đó; (ii) khi Công ty mẹ không thực hiện việc tách bạch tài sản giữa công ty mẹ và công ty con, hoặc thực hiện các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con không theo các nguyên tắc giao dịch giữa các chủ thể pháp lý độc lập; (iii) Công ty mẹ không góp đủ vốn để công ty con hoạt động và (iv) Công ty mẹ có cam kết bảo lãnh cho hoạt động của công ty con.

1.4. Về các giao dịch đầu tư nội nhóm

Khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên được sửa lại như sau: “Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ”. Ngoài ra, nên chuyển khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 sang quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP về Tập đoàn kinh tế Nhà nước và Tổng công ty Nhà nước.

Kiến nghị trên dựa trên lập luận sau: qua nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật các nước, pháp luật và thực tiễn Việt Nam, chúng tôi cho rằng pháp luật vẫn cần duy trì quy định cấm đoán đối với việc công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ để tránh hình thành vốn ảo do khoản vốn mà công ty mẹ được nhân đôi khi công ty con dùng số tiền đó để đầu tư trở lại công ty mẹ. Sở hữu chéo cũng mang đến rủi ro mang tính hệ thống khi một mắt xích gặp trục trặc thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, việc cấm các công ty con đầu tư để sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp hiện hành không thực sự cần thiết vì các công ty con trong cùng một công ty mẹ từ đầu không sở hữu lẫn nhau hoặc có chăng cũng dưới 50%. Trong trường hợp sở hữu chéo giữa hai công ty con vượt quá 50% thì lại chịu sự điều chỉnh của quy định cấm sở hữu chéo giữa công ty mẹ và công ty con. Việc quy định các công ty con cùng có công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu trên 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên chuyển sang các quy định về quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

1.5. Các quy định kiểm soát hợp đồng, giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty

Thứ nhất, cần có các quy định mang tính đặc thù hơn để điều chỉnh các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con và giữa các công ty con có cùng một công ty mẹ nhằm kiểm soát hợp đồng, giao dịch giữa những chủ thể này với nhau vì mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con và giữa các công ty con có cùng một công ty mẹ là mối quan hệ đặc biệt – quan hệ mang tính chi phối. Cụ thể như sau:

Một là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần bổ sung thêm các quy định đề cao trách nhiệm của người quản lý công ty, đặc biệt là những người do công ty mẹ cử tham gia bộ máy quản lý, điều hành công ty con. Kiến nghị này được xây dựng dựa trên các lập luận sau:

(i) Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam, các quy định kiểm soát các hợp đồng, giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty, kể cả giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con được điều chỉnh chung bởi các quy định điều chỉnh các giao dịch có nguy cơ tư lợi, trong đó chú trọng đến cơ chế công bố thông tin và biểu quyết thông qua giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định mang tính đặc thù để giám sát chặt chẽ hơn giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con với nhau.

(ii) Qua nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia mà cụ thể là Vương quốc Anh và Úc, có thể nhận thấy rằng pháp luật của các quốc gia này đề cao trách nhiệm của những người quản lý đối với công ty mà mình thực hiện quyền quản lý.[10] Thành viên HĐQT công ty con (dù do công ty mẹ cử ra để được bầu vào HĐQT) phải hành động vì lợi ích của công ty con, không thể chỉ hành động vì lợi ích của công ty mẹ theo cách gây bất lợi cho các cổ đông khác của công ty con. Người quản lý công ty con phải tuân thủ nghĩa vụ của người quản lý công ty con trong hoạt động quản lý công ty con, hành động vì lợi ích của đại bộ phận cổ đông công ty con khi tham gia vào việc ra các quyết định quản lý công ty con (thuộc thẩm quyền của HĐQT) chứ không phải chỉ vì lợi ích công ty mẹ. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam cần có những quy định cụ thể hơn để tách bạch chức năng, vai trò của người quản lý công ty với chức năng vai trò của chủ sở hữu. Trách nhiệm của người quản lý công ty là phải tập trung bảo vệ quyền lợi cho tất cả các cổ đông (không phân biệt cổ đông lớn hay nhỏ), bảo vệ quyền lợi của tất cả các chủ thể khác có quyền lợi liên quan đến hiệu quả hoạt động của công ty như chủ nợ hoặc người lao động trong công ty. Mặc dù Điều 161 Luật Doanh nghiệp hiện hành đã quy định quyền khởi kiện của cổ đông/ thành viên công ty đối với những hành vi vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty, luật này chưa quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty đối với các thiệt hại do hành vi quản lý công ty gây ra đối với các chủ thể khác.

(iii) Đối với CTCP, hoạt động quản lý công ty được giao cho một cơ quan có chức năng mang tính chuyên trách là HĐQT. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc quyết định giao kết và thực hiện hợp đồng ở công ty. Do sự chi phối về sở hữu vốn của công ty mẹ đối với công ty con mà trong rất nhiều trường hợp, phần lớn thành viên HĐQT trong công ty con đều là “người” của công ty mẹ. Theo quy định tại Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014, đối với những hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người liên quan (trong đó có công ty mẹ) có giá trị đến dưới 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì HĐQT sẽ là cơ quan chấp thuận. Việc chấp thuận này hoàn toàn do HĐQT quyết định, không có điều kiện giá giao dịch phải là giá thị trường khi xem xét chấp thuận, không cần sự tham gia quyết định của kiểm soát viên. Như vậy, nếu HĐQT bao gồm toàn bộ hoặc phần lớn là người đại diện của công ty mẹ thì việc những người này thông đồng để quyết định được thông qua là việc làm “trong tầm tay” và có thể gây thiệt hại cho các cổ đông khác. Bên cạnh đó, quy định hợp đồng vô hiệu khi “ký kết hợp đồng mà chưa được chấp thuận, gây thiệt hại cho công ty”theo chúng tôi sẽ là trở ngại cho chủ thể muốn yêu cầu tuyên bố vô hiệu giao dịch này bởi chứng minh có thiệt hại cho công ty là việc không hề đơn giản. Ngoài ra, cần phải tạo một cơ chế phòng ngừa, tức là hợp đồng chưa thực hiện (chưa gây thiệt hại) nhưng được ký kết không đúng thủ tục cũng có thể bị yêu cầu tuyên vô hiệu để tránh thiệt hại xảy ra.

Hai là, Luật Doanh nghiệp cần có các quy định cụ thể hơn để giám sát các giao dịch có nguy cơ tư lợi giữa các công ty con trong cùng một nhóm công ty với nhau. Cụ thể là cần sửa đổi định nghĩa khái niệm “người có liên quan” theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để bao gồm cả trường hợp các công ty con trong cùng một nhóm công ty là người liên quan của nhau. Kiến nghị này dựa trên các lý do sau:

(i) Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định riêng nhằm kiểm soát giao dịch giữa các công ty con trong cùng một nhóm công ty với nhau mà chỉ dựa vào các quy định về giao dịch giữa các bên có liên quan/ hoặc có lợi ích liên quan để kiểm soát các giao dịch này. Việc dựa vào khái niệm “người có liên quan” theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để xác định liệu giao dịch giữa hai công ty con của cùng một công ty mẹ có phải là người có liên quan hay không không phải là việc dễ dàng vì hai công ty con của cùng một công ty mẹ không sở hữu lẫn nhau và có thể không nằm trong các trường hợp được coi là “người có liên quan” theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.[11]

(ii) Mặc dù các công ty con đều là những pháp nhân độc lập nhưng chúng đều chịu sự chi phối của công ty mẹ. Sở hữu của công ty mẹ trong các công ty con trong cùng một nhóm có thể không đều nhau nên có thể dẫn đến việc công ty mẹ dàn xếp để yêu cầu công ty con xác lập các giao dịch vì lợi ích của công ty mẹ hoặc của công ty con trong đó phần vốn mà công ty mẹ sở hữu lớn hơn. Các giao dịch như vậy nếu không được kiểm soát theo cơ chế giao dịch giữa những người có liên quan hay giao dịch có nguy cơ tư lợi sẽ làm phương hại đến lợi ích của các cổ đông nhỏ hoặc người sở hữu một tỷ lệ vốn thấp trong các công ty con này.

Thứ hai, pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam cần đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với nội dung của các báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hàng năm của công ty mẹ và công ty con và báo cáo tổng hợp công tác, quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con theo quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 Điều 191 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Kiến nghị này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo pháp luật các quốc gia như Anh, Úc. Pháp luật các nước này đặt ra yêu cầu các thành viên HĐQT phải lập báo cáo của HĐQT, đính kèm với báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, trong đó đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên HĐQT trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, trong đó có báo cáo của HĐQT.[12] Đối với các thành viên HĐQT do công ty mẹ đề cử và được bầu đảm nhiệm chức danh thành viên HĐQT của công ty con, cần phải có báo cáo đánh giá xem liệu các thành viên này đã thực hiện trọng trách của mình vì lợi ích tổng thể của công ty con chưa hay chỉ vì lợi ích cục bộ của công ty mẹ.

2. Các quy định của pháp luật về kế toán

Liên quan đến mục tiêu hoàn thiện các quy định pháp luật về kế toán trong mối liên hệ với vấn đề kiểm soát giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty, có thể đưa ra một số đề xuất sau đây:

Thứ nhất, pháp luật kế toán Việt Nam cần quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc và cách thức tính giá trị giao dịch nội nhóm theo các điều kiện thị trường. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng các quy định của pháp luật hiện hành về việc lập báo cáo tài chính hợp nhất và giao dịch giữa các bên có liên quan vẫn còn chưa thật đầy đủ và chi tiết.

Thứ hai, cần thống nhất những quy định của chuẩn mực kế toán số 26 về các phương pháp xác định giá đối với các giao dịch giữa các bên có liên quan và các quy định về xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên liên kết theo quy định của pháp luật về quản lý thuế quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có giao dịch liên kết. Mặc dù chức năng của báo cáo tài chính và chức năng của báo cáo thuế không hoàn toàn giống nhau, việc quy định thống nhất những chuẩn mực để số liệu tài chính của hai báo cáo này giống nhau là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh. Hiện nay việc xác định giá đối với giao dịch giữa các bên có liên quan theo Chuẩn mục kế toán số 26 và việc xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên liên kết theo quy định của pháp luật về thuế được quy định tại hai văn bản khác nhau và không hoàn toàn giống nhau.

Thứ ba, cần thống nhất trong việc định nghĩa/giải thích các thuật ngữ được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và trong các chuẩn mực kế toán. Ví dụ, các khái niệm công ty mẹ hay khái niệm tập đoàn được định nghĩa trong các chuẩn mực kế toán và Luật Doanh nghiệp năm 2014 là khác nhau khiến cho có sự mâu thuẫn trong quy định về nghĩa vụ lập báo cáo tài chính hợp nhất.  Luật Doanh nghiệp chỉ yêu cầu công ty mẹ lập báo cáo tài chính hợp nhất các công ty con trong khi chuẩn mực kế toán yêu cầu công ty mẹ của tập đoàn kinh tế phải lập báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn và khái niệm tập đoàn kinh tế thì không chỉ bao gồm công ty mẹ và các công ty con mà còn cả các công ty liên kết. Chúng tôi cho rằng các thuật ngữ sử dụng trong các chuẩn mực kế toán cần phải tương thích với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trừ các trường hợp ngoại lệ khi về mặt kỹ thuật không thể được định nghĩa giống nhau

Thứ tư, pháp luật kế toán cần có các quy định chi tiết hơn về các thông tin cần được công bố trong các báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, nên có yêu cầu cụ thể về nghĩa vụ công bố các thông tin liên quan đến trách nhiệm của những người quản lý công ty trong việc kiểm soát các giao dịch có nguy cơ tư lợi.

3. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế

Các kiến nghị sau đây cần được xem xét nhằm góp phần hoàn thiện các quy định có liên quan  trong  pháp luật về thuế với mục tiêu nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với các giao dịch giữa các công ty trong nhóm công ty mẹ – công ty con:

Thứ nhất, cần phải quy định rõ cơ chế phối hợp hoặc quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan thuế để hỗ trợ xác minh giá thị trường do quy trình kiểm soát thuế đối với các công ty trong nhóm liên kết thuần túy mang tính kỹ thuật. Hiện nay các cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc kiểm soát và thẩm định các thông tin được thu thập và tiếp nhận về độ tin cậy, tính chính xác và phù hợp với giao dịch. Ngoài ra, pháp luật về quản lý thuế cần quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục điều tra, thanh tra, kiểm tra đối với các hành vi có dấu hiệu chuyển giá để việc giám sát hoạt động chuyển giá được thực hiện hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần có các chế tài chuyên biệt và nghiêm khắc hơn cho các hành vi giao dịch nội nhóm có dấu hiệu chuyển giá ở góc độ thuế. Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó về lợi ích giữa các công ty trong nhóm các công ty mẹ – công ty con, sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể này với nhau có thể không làm thay đổi lợi ích chung của nhóm nhưng lại làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế do nghĩa vụ thuế có thể được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp. Hành vi chuyển giá cần được coi là hành vi trốn thuế. Đối với hành vi đã được xác định là hành vi chuyển giá, ngoài việc truy thu thuế, pháp luật cần quy định thêm hình thức phạt tiền căn cứ vào giá trị thuế bị làm sai lệch bởi giao dịch nội nhóm, tương tự như chế tài áp dụng đối với hành vi trốn thuế. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng mặc dù pháp luật Việt Nam đã có các quy định tương đối chặt chẽ và chi tiết để phòng ngừa và xử lý các hành vi có dấu hiệu chuyển giá, các chế tài áp dụng cho các giao dịch bị xác định chuyển giá chưa đủ sức răn đe vì các quy định hiện hành mới dừng lại ở việc yêu cầu xác định lại giá giao dịch theo giá thị trường và thực hiện việc truy thu thuế trong trường hợp giá giao dịch nội nhóm không phù hợp với giá được xác định theo nguyên tắc thị trường.[13]

Thứ ba, cần chuẩn hóa các quy định nhằm xác định giá thị trường trong giao dịch giữa các bên có liên quan (bao gồm các giao dịch nội nhóm) phù hợp với thực tiễn thương mại và thống nhất việc áp dụng các quy định này khi xác định nghĩa vụ thuế và trong việc lập báo cáo tài chính. Chúng tôi đưa ra kiến nghị này dựa trên thực tế rằng mặc dù Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có giao dịch liên kết đã có quy định tương đối cụ thể về các nguyên tắc xác định giá thị trường song chúng chưa hoàn toàn phù hợp với những diễn biến của thị trường và quan trọng là chưa hoàn toàn tương thích với pháp luật về kế toán.

Thứ tư, pháp luật thuế Việt Nam cần xem xét cho phép nhóm công ty mẹ – công ty con do công ty mẹ sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu đến 75% vốn chủ sở hữu của công ty con (từ kinh nghiệm của pháp luật Vương quốc Anh và Úc)[14] được quyền lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ thuế như một chủ thể duy nhất. Kiến nghị này được đưa ra dựa trên những luận điểm sau:

(i) Có thể thấy rằng hầu hết các quốc gia được nghiên cứu đều xác định mỗi công ty trong nhóm công ty, kể cả các công ty do công ty mẹ sở hữu 100% vốn, đều là các chủ thể pháp lý độc lập. Tuy nhiên, một nguyên tắc được nhiều quốc gia thừa nhận là về mặt kinh tế, nhóm công ty mẹ – công ty con, mà đặc biệt là công ty mẹ và công ty con do công ty mẹ sở hữu 100%, là một chủ thể kinh tế duy nhất.

(iii) Pháp luật về thuế không nên chỉ được xây dựng theo cách làm thế nào để thu được nhiều thuế nhất cho ngân sách mà còn là một công cụ để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Quan trọng hơn, pháp luật về thuế cần có mục tiêu mang lại công bằng cho các đối tượng nộp thuế. Các quy định về thu và quản lý việc thu thuế cần hỗ trợ sự phát triển của tổ hợp nhóm công ty mẹ – công ty con theo cách làm cho các nhà đầu tư đang sử dụng mô hình này để kinh doanh cảm thấy mình được đối xử bình đẳng và công tâm. Từ đó sẽ hạn chế được việc lợi dụng các giao dịch nội nhóm để lẩn tránh nghĩa vụ thuế.

(iii) Khi tổ hợp công ty mẹ – công ty con được lựa chọn để đóng thuế như một chủ thể duy nhất, không chỉ các công ty có liên quan mà chủ thể thu thuế (Nhà nước) cũng sẽ được hưởng những lợi ích như: (a) tránh việc đánh thuế trùng, khi mà các khoản lợi nhuận có được từ hoạt động thương mại thông thường bị đánh thuế một lần nữa khi chuyển từ công ty con về công ty mẹ, rồi sau đó mới chuyển về các nhà đầu tư cuối cùng; (b) loại trừ được việc các khoản lỗ được tính hai lần và tránh được tình trạng các khoản lỗ được xếp tầng – khi mà các công ty trong nhóm (bao gồm các các công ty không được sở hữu 100% trong nhóm) sử dụng một chuỗi các công ty để tạo ra các khoản lỗ được nhân lên từ một khoản lỗ đầu tiên; (c) loại trừ được trình trạng giá trị được chuyển dịch (khi các khoản lỗ nhân tạo được tạo ra mà không phải khoản lỗ thực tế) thông qua việc dịch chuyển giá trị từ các công ty trong nhóm; (d) loại trừ được trường hợp trốn thuế thông qua các giao dịch nội nhóm – ví dụ như các giao dịch thao túng giữa các công ty trong nhóm để giảm hoặc được miễn thuế; và quan trọng hơn cả là (e) giảm bớt chi phí tuân thủ và quản lý thuế.

CHÚ THÍCH

[1]* TS, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Bài viết này tổng hợp các kiến nghị của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật công ty – kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam” do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh thực hiện

[2] Pháp luật của các nước được nghiên cứu bao gồm Vương quốc Anh, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc đều không đưa ra khái niệm nhóm công ty. Xem thêm tại Báo cáo Tổng kết đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ “Điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật công ty – kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”, Mã số: B2014 – 10 – 03, tr. 15-28.

[3] Theo quy định tại Điều 250E và điều 250J Luật Công ty Úc (Corporation Act 2001), việc thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có thể thực hiện bằng cách giơ tay, mỗi người một lá phiếu trừ trường hợp các cổ đông yêu cầu thông qua một nghị quyết bằng việc bỏ phiếu theo tỷ lệ cổ phần sở hữu.

[4] Xem thêm Hà Thị Thanh Bình, “Điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty trong nhóm công ty theo Luật Doanh Nghiệp”, Tạp chí Khoa học pháp lý, 2015, Số 05 (90), tr. 21.

[5] Tham khảo án lệ Mount Edon Gold Mines (Aust) Ltd v Burmine Ltd (1994) 12 ACSR 727

[6] Học thuyết phá hạn trách nhiệm (lifting the corporate veil hoặc piercing the corporate veil) được tòa án các nước theo hệ thống án lệ áp dụng như là một ngoại lệ của nguyên tắc các công ty có tư cách pháp nhân độc lập với các chủ sở hữu của mình. Khi được áp dụng, học thuyết này cho phép tòa án không coi công ty là một chủ thể độc lập để tuyên bố một chủ sở hữu/một cổ đông phải chịu trách nhiệm cho hành vi được thực hiện nhân danh công ty nhưng thực chất là hành vi (vì lợi ích riêng) của chủ sở hữu/ cổ đông đó. Xem án lệ Smith Stone & Knight Ltd v Birminghan Corp[1939] 4 All E.R. 529; án lệ Briggs v James Hardie &Co Pty Ltd. (1989) 7 ACLC 841 Court of Appeal; xem thêm Alexander Daehnert, “Lifting The Company Veil: English and German Perspectives on Group Liability”, International Company and Commercial Law Review, 2007, tr. 394, 395; Rishi Shroff và Shwetank Ginodia, “A Corporate governance perspective on lifting the veil in group companies in Idia and the United Kingdom”, International Company and Commercial Law Review, 2014, tr. 426; H A J Ford et al,Ford’s Principles of Corporations Law, 9th Edition, Butterworths, 1999, tr. 124 – 126; I M Ramsay, “Holding Company Liability for the Debts of an Insolvent Subsidiary: A Law and Economics Perspective”, University of New South Wales Law Journal, số 17, năm1994, tr. 520.

[7] Xem thêm Phan Huy Hồng , “Chế định liên kết công ty trong pháp luật công ty Đức: tham khảo một cách tiếp cận khác”, Tạp chí Khoa học pháp lý, 2016, số 01 (95), tr. 30.

[8] Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có điều khoản nào quy định trách nhiệm của công ty mẹ đối với bên thứ ba khi các chủ thể này có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của công ty con mà chỉ có một số quy định rải rác (không nhất quán đối với tất cả các loại hình công ty liên quan đến trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông công ty) đối với bên thứ ba trong những trường hợp nhất định. Ví dụ chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ (khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2014); hoặc khi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên trực tiếp rút vốn ra khỏi công ty không thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của pháp luật phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty (khoản 5 Điều 76 Luật Doanh nghiệp năm 2014); hoặc cổ đông phảiliên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra nếu trực tiếp rút vốn ra khỏi công ty không thông qua việc chuyển nhượng phần cổ phần theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

[9] Ở Vương quốc Anh, trong án lệ Smith Stone & Knight Ltd v Birminghan Corp [1939] 4 All E.R. 529, Tòa án Vương quốc Anh nhấn mạnh các yếu tố để ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ đối với các nghĩa vụ của công ty con. Xem thêm Alexander Daehnert, “Lifting The Company Veil: English and German Perspectives on Group Liability”, International Company and Commercial Law Review, 2007, tr. 394, 395; Rishi Shroff và Shwetank Ginodia ,“A Corporate governance perspective on lifting the veil in group companies in Idia and the United Kingdom”, International Company and Commercial Law Review, 2014, tr. 426. Ở Úc, xem án lệ Briggs v James Hardie &Co Pty Ltd. (1989) 7 ACLC 841 Court of Appeal. Xem thêm H A J Ford et al, Ford’s Principles of Corporations Law, 9th Edition, Butterworths, 1999, tr. 124 – 126. Ở Hoa Kỳ, xem Kurt A. Strasser, Phillip I. Blumberg, Replacing Misused Limited Liability With Enterprise Analysis  –  Corporate Groups Conference on Corporate Accountability, Limited Liability, and the Future of Globalization, School of Oriental and African Studies, London, UK, 2007, http://www.cisd.soas.ac.uk/Editor/assets/kurtstrasser.pdf, tr. 11 – 14. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2015; Irit Mevorach, Transaction Avoidance In Bankruptcy Of Corporate Groups, European Company and Financial Law Review, 2011, 2, tr. 244.

[10] Xem R Carroll, “Shadow Director and Other Third Party Liability for Corporate Activity” in I M Ramsay (ed), Corporate Governance and the Duties of Companies Directors,Centre for Corporate Law and Securities Securities Regulation, Melbourne, 1997, tr. 162.

[11] Trường hợp người liên quan quy định tại điểm g khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể được xem là một cơ sở để xác định các công ty con của cùng một công ty mẹ là người liên quan của nhau, tuy nhiên những tiêu chí “sở hữu đến mức chi phối” là một tiêu chí rất không rõ ràng và không được giải thích cụ thể.

[12] Ví dụ, Điều 854 Luật Công ty Vương quốc Anh (Company Act 2006) quy định rất chi tiết nội dung của báo cáo này như: thông tin về địa chỉ cỉa công ty, về ngành nghề kinh doanh của công ty, về vốn hoạt động của công ty, về danh sách thành viên HĐQT công ty, danh sách cổ đông hiện hữu của công ty và những thay đổi trong danh sách cổ đông.

[13] Xem Thông tư số 66/2010/TT-BTC, chế tài đối với các hành vi có dấu hiệu chuyển giá mới dừng lại ở việc xác định lại giá và truy thu thuế.

[14] Xem thêm tại Báo cáo Tổng kết đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ “Điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật công ty – kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”, Mã số: B2014 – 10 – 03, tr. 45-47 và 54,55.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Alexander Daehnert, “Lifting The Company Veil: English and German Perspectives on Group Liability”, International Company and Commercial Law Review, 2007
  • Hà Thị Thanh Bình, “Điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty trong nhóm công ty theo Luật Doanh Nghiệp”, Tạp chí Khoa học pháp lý, 2015, Số 05 (90) [trans: Ha Thi Thanh Binh, “Regulating relationship between companies in company group under the Law on Enterprises” , Legal Sciences Journal, 2015, No. 05 (90)]
  • Hà Thị Thanh Bình, Báo cáo Tổng kết đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ “Điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật công ty – kinh nghiệm ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”, Mã số: B2014 – 10 – 03, 2016 [trans: Thi Thanh Binh, “Concluding report of the Ministerial-level Research Project “Regulating transactions between related parties in company group under company law – experiences of some countries and lessons for Vietnam”]
  • H A J Ford et al, Ford’s Principles of Corporations Law, 9th Edition, Butterworths, 1999
  • Kurt A. Strasser, Phillip I. Blumberg, Replacing Misused Limited Liability With Enterprise Analysis –  Corporate Groups Conference on Corporate Accountability, Limited Liability, and the Future of Globalization, School of Oriental and African Studies, London, UK, 2007, http://www.cisd.soas.ac.uk/Editor/assets/kurtstrasser.pdf
  • Irit Mevorach, Transaction Avoidance In Bankruptcy Of Corporate Groups, European Company and Financial Law Review, số 2, 2011
  • I M Ramsay (ed), Corporate Governance and the Duties of Companies Directors,Centre for Corporate Law and Securities Securities Regulation, Melbourne, 1997
  • I M Ramsay, “Holding Company Liability for the Debts of an Insolvent Subsidiary: A Law and Economics Perspective”, University of New South Wales Law Journal, số 17, năm 1994.
  • Phan Huy Hồng, “Chế định liên kết công ty trong pháp luật công ty Đức: tham khảo một cách tiếp cận khác”, Tạp chí Khoa học pháp lý, 2016, số 01 (95) [trans: Phan Huy Hong, Provisions on affiliate company under German Company Law: a reference from another approach, Legal Sciences Journal, 2016, No. 01 (95)]
  • Rishi Shroff và Shwetank Ginodia,“A Corporate governance perspective on lifting the veil in group companies in Idia and the United Kingdom”, International Company and Commercial Law Review, 2014
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Bảo đảm tính thống nhất giữa BLLĐ với pháp luật thanh tra lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Hoàn thiện “Biện pháp khắc phục hậu quả” trong XPVPHC lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Kiến nghị sửa đổi “Kỷ luật lao động” theo dự thảo Bộ luật Lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ

Chuyên mục: Thương mại Từ khóa: Hà Thị Thanh Bình, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2017

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Tìm hiểu về các hoạt động nghiệp vụ và hành vi gài bẫy theo Pháp luật Mỹ
Next Post: Một số vấn đề pháp lý về kiểm soát ngoại tệ từ giao dịch vãng lai »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • hahehe trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • Hà trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • Anh Huy trong [CÓ ĐÁP ÁN] – 216 Câu nhận định môn Luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Ngọc Na trong [EBOOK] ABC về Bầu cử PDF – Tác giả: Lã Khánh Tùng
  • Lê Thanh Tín trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hành chính Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng