Mục lục
Một số quy định pháp lý điều chỉnh giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng
TÓM TẮT
Hài hòa hóa pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN được thành lập vào 31/12/2015 vừa là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập trong ASEAN, vừa là đòi hỏi nội tại của chính bản thân Việt Nam nhằm thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trên cơ sở phân tích những lợi ích, thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN, bài viết đề xuất bốn kiến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả tiến trình này.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về bên bảo đảm nghĩa vụ là người thứ ba trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại – ThS. Huỳnh Anh
- Đề thi môn Luật Ngân hàng – TUYỂN TẬP
- Một số vấn đề cần trao đổi về cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” trong BLHS năm 2015 – ThS. Nguyễn Quyết Thắng & ThS. Bùi Trương Ngọc Quỳnh
- Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng – TS.LS. Lương Khải Ân
- Những bất cập của các quy định pháp luật về ví điện tử – ThS. Trần Thanh Bình
TỪ KHÓA: Nhóm công ty,
Việc các bên liên quan trong nhóm công ty ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng (TC – NH) được và không được thực hiện các giao dịch gì với nhau là câu hỏi không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ phân tích những quy phạm pháp luật về một số giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty ở lĩnh vực TC – NH. Cụ thể hơn, những giao dịch này có liên quan đến việc sở hữu cổ phần, phần vốn góp và những giao dịch tín dụng.
Trước tiên, cần làm rõ “các bên liên quan” trong nhóm công ty nói chung bao gồm những chủ thể nào? Luật Doanh nghiệp năm 2014 có đề cập “các bên hợp đồng” (Điều 19), “các bên giao dịch” (Điều 44), “các bên ký kết hợp đồng”, “các bên của hợp đồng” (Điều 86, 199), “các bên có liên quan” (Điều 102, 108), “bên có liên quan” (Điều 202, 203) nhưng chưa làm rõ khái niệm “các bên liên quan” là những bên nào mà chỉ dùng từ “người có liên quan” để chỉ 8 trường hợp tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tình trạng này cũng tương tự như trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 cũng chỉ tập trung giải thích người có liên quan trong 6 trường hợp. Tuy nhiên, Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC, tại chuẩn mực kế toán số 26 đã giải thích: “Các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động” và “Giao dịch giữa các bên liên quan: Là việc chuyển giao các nguồn lực hay các nghĩa vụ giữa các bên liên quan, không xét đến việc có tính giá hay không”. Chuẩn mực này cũng liệt kê các trường hợp không được coi là các bên liên quan như “hai công ty có chung Giám đốc”. Các trường hợp được coi là các bên liên quan gồm: a. Những doanh nghiệp (DN) kiểm soát, hoặc bị kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian, hoặc dưới quyền bị kiểm soát chung với DN báo cáo (bao gồm công ty mẹ, công ty con, các công ty con cùng tập đoàn), b. Các công ty liên kết (quy định tại Chuẩn mực kế toán số 07)…
Từ Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về “người có liên quan”, Chuẩn mực kế toán số 26, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về nhóm công ty, chúng ta có thể rút ra được một điểm chung là “các bên có liên quan” thực ra bao gồm công ty mẹ với công ty con, công ty liên kết, công ty thành viên trong nhóm công ty. Cho đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều phát triển theo xu hướng mô hình tập đoàn tài chính và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Trong đó, ngân hàng (NH) là trụ cột. Theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì công ty con của tổ chức tín dụng (TCTD) là công ty thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. TCTD hoặc TCTD và người có liên quan của TCTD sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết; b. TCTD có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty con; c. TCTD có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con; d. TCTD và người có liên quan của TCTD trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát việc thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của công ty con. Với quy định trên và kết hợp với thực tiễn, chúng ta thấy hiện nay nhiều NH có các công ty con, công ty trực thuộc là công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty quản lý tài sản, thậm chí có những NH còn có công ty trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực phi tài chính như công ty du lịch, tin học (xem bảng 1).
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, các bên có liên quan trong nhóm công ty ở lĩnh vực tài chính NH không được thực hiện các giao dịch được ghi nhận dưới đây.
1. Giao dịch góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ, không sở hữu chéo nhau
Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”. Quy định này được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang tháo gỡ nút thắt sở hữu chéo đang ngày càng phổ biến trong lĩnh vực NH. NH là một lĩnh vực chuyên ngành, có những quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng. Tuy nhiên, do cũng là một DN nên các công ty mẹ, công ty con trong lĩnh vực NH cũng phải chịu sự điều chỉnh chung của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và sắp tới là Luật Doanh nghiệp năm 2014. Quy định ở trên cấm đầu tư góp vốn, mua cổ phần qua lại giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty con của cùng một công ty mẹ. Riêng các “anh chị em” cùng một “mẹ” (DN có ít nhất 65% vốn nhà nước) không được cùng đầu tư vốn vào một DN khác. Trước đây, Nghị định số 69/2014/NĐ-CP[1] cũng đã có quy định tương tự tại Điều 17 như sau “Quy định về hạn chế đầu tư và về ngành nghề kinh doanh trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty: Doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”.
Riêng việc giới hạn mức vốn dùng để đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng thương mại (NHTM) được quy định như sau: “Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại” (khoản 2 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010). Việc quy định này nhằm phân tán rủi ro cho các NHTM, tránh tập trung dồn vốn điều lệ và quỹ dự trữ để đầu tư toàn bộ vào một nơi. Theo khoản 4 Điều 10 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính NH thì loại vi phạm này sẽ bị phạt từ 250 triệu đến 300 triệu đồng và kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả do sự vi phạm đó mang lại.
2. Giao dịch liên quan đến hoạt động ủy thác, nhận ủy thác
– Ủy thác, nhận ủy thác cho vay:
Điều 9 Thông tư số 30/2014/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là Thông tư số 30) quy định những trường hợp không được thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác cho vay với đối tượng ủy thác không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126, Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Cụ thể, những đối tượng đó là pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của TCTD là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn (Điều 126), các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát. Từ trước đến nay, các NH đã lách quy định không được cho vay các tổ chức liên quan bằng cách ủy thác cho các công ty con cho vay DN sân sau, hoặc NH ủy thác cho các công ty con mua cổ phần tại các NH khác nhằm né trách quy định về lợi ích nhóm và sở hữu chéo. Nay, Thông tư số 30 được ban hành như là “liều thuốc” để chữa hành vi “lách luật” trong tình huống trên.
– Ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần:
Theo khoản 3 Điều 9 của Thông tư số 30 thì NHTM không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần đối với các đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 5 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì “Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó”. Bản chất cốt lõi của quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là quan hệ giữa DN và cổ đông, giữa DN và thành viên góp vốn của DN đó. Cho nên, quy định ở khoản 5 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thực ra cũng là để điều chỉnh quan hệ công ty mẹ – công ty con giữa các TCTD và các công ty do TCTD đó bỏ vốn ra thành lập.
3. Giao dịch liên quan đến hoạt động cấp tín dụng
Khoản 5 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng”. Thêm vào đó, khoản 1 Điều 12 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về hạn chế cấp tín dụng đã cấm TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các đối tượng như công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc DN mà TCTD nắm quyền kiểm soát. Kế đến, khoản 4 Điều 12 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và khoản 4 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng đặt ra giới hạn tổng mức cấp tín dụng với một đối tượng này là không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD, đối với tất cả các công ty con, công ty liên kết không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD. Việc vi phạm giới hạn cấp tín dụng ở đây sẽ bị chế tài phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.[2] Tất cả các quy định trên tuy nội dung có liên quan đến từng mảng vấn đề khác nhau nhưng đều xoay quanh mục tiêu là đạt chất lượng và minh bạch trong việc cấp tín dụng.
Riêng đối với hoạt động chứng khoán thì khoản 4 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát”. Như vậy, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD không nắm quyền kiểm soát thì TCTD vẫn được cấp tín dụng. Điều 14 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN lại siết chặt hơn nữa: “Ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng để công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại: a. Đầu tư, kinh doanh cổ phiếu; b. Cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”. Cần lưu ý rằng, trước đây văn bản quy phạm pháp luật có liên quan dùng từ “chứng khoán”, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN dùng từ cổ phiếu. Nội hàm của hai từ này rất khác nhau. Quy định tại hai điều luật trên đã tác động không nhỏ đến việc cấp tín dụng của các NH vì hiện nay rất nhiều NH có công ty chứng khoán trực thuộc (xem bảng tổng hợp cuối bài viết này). Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh thì quan điểm của NHNN là không khuyến khích các NHTM ồ ạt đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực phi sản xuất, nhất là với chứng khoán, bất động sản vì từ đó dễ tạo ra dòng vốn đầu cơ, đầu tư ảo. Trong khi để chứng khoán, bất động sản phát triển bền vững cần thiết có nguồn tiền thực, chứ không phải chỉ trông chờ nguồn vốn tín dụng.[3] Trên thế giới, mô hình NH tách biệt giữa hai ngành NH và chứng khoán được gọi là mô hình NH chuyên doanh. Đây là mô hình ở Mỹ sau năm 1929, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo mô hình này, hoạt động kinh doanh chứng khoán sẽ do các công ty độc lập, chuyên môn hóa trong lĩnh vực chứng khoán đảm nhận. Các NH không được tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh chứng khoán, hay nói cách khác, công ty chứng khoán là công ty chuyên doanh độc lập, không có nghiệp vụ NH. Ưu điểm của mô hình này là sự tách biệt giữa hoạt động kinh doanh tiền tệ và hoạt động kinh doanh chứng khoán, qua đó hạn chế được rủi ro cho hệ thống NH.[4]
Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư số 36/2014/TT-NHNN tạo ra sự lo ngại là đối với công ty con, công ty liên kết của NHTM thì không được nhận tín dụng, nhận ủy thác để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, đế cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Như vậy, có phải các công ty không phải là công ty con, công ty liên kết của NHTM thì không chịu sự tác động của quy định trên? Vậy, ý định của NHNN không muốn các NHTM cấp nhiều vốn vào các lĩnh vực như chứng khoán có đạt được hay không? Các công ty không phải là công ty con, công ty liên kết có thể nhận tín dụng, nhận ủy thác để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, để cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu thông qua một NHTM khác, tức thông qua NHTM không phải là “công ty mẹ” của mình. Trong trường hợp này, NHTM có thể cấp tín dụng đối với tất cả các khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nhưng không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM và chỉ trong trường hợp NHTM có nợ xấu dưới 3%. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, các ngân hàng ở Mỹ không bị khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán trên vốn điều lệ, nhưng phải tuân thủ theo quy định riêng. Ví dụ, cho vay giao dịch ký quỹ (margin) chứng khoán là 50% thị giá chứng khoán niêm yết. Nếu vay đầu tư chứng khoán không sử dụng margin thì có thể được vay tới 80% thị giá. Cho vay tỷ lệ nào tùy theo đánh giá rủi ro của NH cho vay”.[5]
4. Kiến nghị
Trên cơ sở những bất cập đã nêu ở trên, chúng tôi có một số kiến nghị về giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty trong lĩnh vực tài chính NH:
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản như Luật Chứng khoán năm 2006, Chuẩn mực kế toán số 26, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cần làm rõ “các bên có liên quan” và “giao dịch giữa các bên liên quan”. Hiện nay, những văn bản này chưa thống nhất về cách hiểu cũng như cách dùng từ “các bên có liên quan” cũng như “các giao dịch giữa các bên có liên quan”. Điều này tạo nên sự lúng túng trong cách hiểu cũng như khi vận dụng.
Thứ hai, cần tăng cường cơ chế kiểm soát, giám sát và xử lý việc lạm dụng giao dịch giữa các bên có liên quan. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định cấm nêu trên chưa thật sự đủ cho các TCTD. Các mức phạt mấy trăm triệu có khi chưa “thấm đòn” với các bên có liên quan trong nhóm công ty khi lợi nhuận từ những vi phạm mang lại lớn hơn rất nhiều. Theo Phụ lục 1 Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam ký với 66 quốc gia thì mức thuế khấu trừ tại nguồn (thuế nhà thầu) đối với tiền lãi vay là 10% (chỉ có Algeria và Bangladesh là 15%).[6] Trong khi đó, theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì từ năm 2014 mức thuế thu nhập DN là từ 20% đến 22% (mức cụ thể quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC). Như vậy, khi công ty mẹ cho công ty con vay mà chúng ta quản lý không chặt chẽ có thể thất thu thuế đến 12% vì có những khoản vay đáng lẽ bị đánh thuế thu nhập DN nhưng lại kê khai theo kiểu được tính theo mức thuế khấu trừ tại nguồn. Đây là một trong các cách mà DN nói chung dùng để lách luật thuế.
Muốn giám sát hiệu quả, chúng ta cần tham khảo quy định của Ủy ban Basel để giám sát NH. Ví dụ, chúng ta cần nghiên cứu nguyên tắc 24 của Ủy ban này. Theo đó, một yếu tố cần thiết của việc giám sát ngân hàng là phải giám sát tập đoàn ngân hàng trên phương diện hợp nhất, theo dõi đầy đủ và áp dụng với mức độ thích hợp những quy tắc an toàn đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh mà toàn bộ tập đoàn đang tiến hành.[7] Sở dĩ cần tiến hành điều này vì hiện nay chúng ta đang giám sát theo mô hình phân tán, các định chế tài chính chịu sự giám sát của cơ quan giám sát thuộc từng chuyên ngành riêng lẻ: NHNN giám sát các TCTD và các NHTM,[8] Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước thực hiện thanh tra giám sát thị trường chứng khoán,[9] Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thực hiện thanh tra giám sát các công ty bảo hiểm và các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.[10]
Dù Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia được thành lập vào tháng 3 năm 2008 nhưng chức năng chính của Ủy ban này chỉ là “tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia”.[11] Muốn giám sát hiệu quả chúng ta cần có một cơ quan thực hiện chức năng giám sát chung. Như thế, những giao dịch giữa các bên liên quan trong nhóm công ty trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khó có cơ hội được “lọt sổ” khi các cơ quan giám sát nêu trên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc không biết là sẽ do cơ quan cụ thể nào giám sát.
Thứ ba, cần miễn thuế cho một số giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty. Việc đặt ra một số giới hạn và quy định cấm nêu trên không đồng nghĩa với việc không khuyến khích giao dịch hợp pháp giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty. Việc khuyến khích các giao dịch đó chỉ có thể được thực hiện bằng chính sách thuế phù hợp. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Mỹ về vấn đề này. Luật pháp ở Mỹ sẽ miễn trừ thuế thu nhập công ty (trả từ A tới B), tùy theo tỉ lệ sở hữu giữa A và B. Nếu là liên hệ mẹ – con, mà công ty mẹ nắm 80% cổ phần của công ty con, thì việc trả cổ tức (dividends) từ công ty con cho công ty mẹ sẽ được miễn trừ thuế thu nhập. Tỷ lệ miễn trừ sẽ là không nếu tỷ lệ sở hữu chủ dưới 20 %.[12]
Thứ tư, tăng cường công tác phòng chống chuyển giá trong hoạt động của nhóm công ty trong lĩnh vực tài chính NH, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển giá và xây dựng đội ngũ chuyên gia về chuyển giá. Chuyển giá trong hoạt động kinh doanh diễn ra khá phổ biến, kể cả trong lĩnh vực tài chính NH. Nếu việc chuyển giá trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào việc điều chỉnh giá mua bán nguyên liệu, giá thành sản phẩm giữa các công ty mẹ và công ty con ở các quốc gia khác nhau thì việc chuyển giá trong lĩnh vực tài chính NH còn dựa vào sự mất giá của đồng tiền nước sở tại và sự chênh lệch của tỉ giá hối đoái. Tuy nhiên, việc phát hiện chuyển giá trong lĩnh vực tài chính NH là không dễ dàng tại Việt Nam vì nhiều lý do như sau: Một là, Việt Nam chưa có đủ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để theo dõi sát sao hành vi chuyển giá của DN nói chung và giữa các công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, giữa các công ty thành viên trong nhóm công ty trong lĩnh vực tài chính NH với nhau nói riêng. Hai là, đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực tài chính NH có thể nói thường là những “cao thủ” trong lĩnh vực kế toán, tài chính nên cơ quan nhà nước cũng khó mà phát hiện được hành vi của họ. Ba là, Việt Nam chưa có đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát và giảm thiểu hoạt động chuyển giá. Bốn là, hành vi chuyển giá gắn chặt với yếu tố nước ngoài nên việc phòng chống không chỉ là câu chuyện nội bộ trong một nước mà cần có sự phối hợp mang tính quốc tế.
Tóm lại, việc áp dụng một cách đồng bộ các kiến nghị đã nêu sẽ góp phần hạn chế phần nào việc lạm dụng cũng như vi phạm các quy định về giao dịch giữa các bên liên quan trong nhóm công ty ở lĩnh vực tài chính NH, thúc đẩy các giao dịch này diễn ra ngày càng lành mạnh hơn.
CHÚ THÍCH
* ThS, Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, NCS. Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước, ban hành 15/07/2014, có hiệu lực 1/9/2014.
[2] Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
[3] Thùy Vinh, “Phải trích dự phòng đầy đủ trước khi chia lợi tức cho cổ đông”, Đầu tư chứng khoán, ngày 23/1/2015, tr. 22.
[4] PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Định dạng hệ thống ngân hàng Việt Nam sau tái cơ cấu: Thông lệ quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tr. 410, 411.
[5] Nguyễn Trí Hiếu, “Tiền nhàn rỗi phải khuyến khích chảy vào đầu tư”, Đầu tư chứng khoán, ngày 11/3/2015, tr. 9.
[6] Sổ tay thuế Việt Nam năm 2014.
[7] Bùi Huy Thọ, “Tập đoàn tài chính và nhu cầu thực hiện giám sát hợp nhất, thành lập cơ quan thanh tra giám sát hợp nhất tại Việt Nam”, tại Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hiệu lực của hệ thống giám sát tài chính tại Việt Nam, Nxb. Tài chính, 2010, tr. 185
[8] Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010: “Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật”.
[9] Điều 3 Quy chế Giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (Ban hành kèm theo Quyết định số 31/1999/QĐ-UBCK6 ngày 12/10/1999 của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước).
[10] Điều 1 Quyết định số 1313/2014/QĐ-BTC ngày 11/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát bảo hiểm.
[11] Điều 1 Quyết định số 34/2008/QĐ-TT ngày 3/3/2008 về việc thành lập ủy ban giám sát tài chính quốc gia.
[12] Vũ Quang Việt, “Tập đoàn: ý nghĩa kinh tế và nguy hiểm trước mắt”, http://www.diendan.org, tải ngày 10/6/2015.
Tác giả: ThS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(95)/2016 – 2016, Trang 15-20
Nguồn: Fanpage Luật sư Online – iluatsu.com