Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài – Bất cập và hướng hoàn thiện
- Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài – vụ án dân sự hay việc dân sự
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài và tranh chấp đầu tư quốc tế của Việt Nam
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong Luật Biển quốc tế
- Nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam
- Các thuộc tính của chứng cứ trong khoa học hình sự
- Một số điểm mới về chứng cứ trong BLTTHS năm 2015
- Đánh giá chứng cứ trường hợp các kết luận giám định khác nhau
- Nguồn chứng cứ trong pháp luật hình sự là gì?
- Phân loại chứng cứ và ý nghĩa của việc phân loại chứng cứ
TỪ KHÓA: Phán quyết trọng tài, Trọng tài viên, Chứng cứ, Tố tụng trọng tài, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam.
TÓM TẮT
Điểm d khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định về Luật Trọng tài thương mại ngày 20/3/2014 quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết trọng tài và căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến sự khách quan của Trọng tài viên trong tố tụng trọng tài làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài. Quy định này tuy có chứa đựng một số “nhân tố hợp lý” nhưng lại chưa thật sự toàn diện. Bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hai căn cứ hủy phán quyết trọng tài trên để chỉ ra những bất cập và đưa ra hướng hoàn thiện pháp luật hiện hành của Việt Nam với mục đích góp phần khắc phục những khó khăn còn tồn tại liên quan đến vấn đề này.
Chứng cứ và sự khách quan của Trọng tài viên trong tố tụng trọng tài là hai yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài. Do đó, kế thừa quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 (“Pháp lệnh TTTM năm 2003”), Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (“Luật TTTM năm 2010”) cũng quy định về căn cứ hủy phán quyết này nhưng có những thay đổi nhất định để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đó, căn cứ hủy này được quy định chi tiết tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 và điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định về Luật Trọng tài thương mại ngày 20/3/2014 (“Nghị quyết 01/2014”).
Bài viết này sẽ tập trung phân tích các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hai yếu tố trên để chỉ ra những bất cập và đưa ra hướng hoàn thiện pháp luật hiện hành của Việt Nam với mục đích góp phần khắc phục những khó khăn còn tồn tại liên quan đến vấn đề này.
1. Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết trọng tài
Tương tự như chứng cứ trong tố tụng dân sự,[1] chứng cứ trong tố tụng trọng tài được hiểu là những gì có thật được các chủ thể trong vụ tranh chấp và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Trọng tài hoặc do Trọng tài thu thập được theo trình tự, thủ tục do pháp luật trọng tài quy định mà Trọng tài dùng để xác định yêu cầu hay sự phản đối của các chủ thể là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ tranh chấp. Như vậy, chứng cứ có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án, nhất là với mô hình tố tụng dựa chủ yếu vào “hồ sơ vụ án” như Việt Nam hiện nay. Chính vì vai trò quan trọng nói trên của chứng cứ mà điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 đã quy định nếu “chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo” thì đây sẽ là căn cứ để Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014.
Đây là điểm khác biệt của Luật TTTM năm 2010 so với Pháp lệnh TTTM năm 2003, Luật Mẫu UNCITRAL và pháp luật một số nước trên thế giới như Đức (“Việc cố tình cho lời chứng man trá tại phiên tòa trọng tài không nhất thiết cấu thành tội gian lận”), Nga, Ukraina, Nhật Bản… Thế nhưng, ngoài quốc gia láng giềng là Trung Quốc (Điều 58: “… chứng cứ dựa vào đó để lập phán quyết là giả mạo;…”) thì pháp luật Thụy Sĩ, Áo, Pháp cũng có quy định tương đồng với Việt Nam về căn cứ hủy phán quyết trọng tài này với cách gọi khác là “gian lận” (fraud).[2] Và, “fraud” ở đây thường được sử dụng nhiều nhất trong các vụ kiện liên quan đến những tuyên bố cho rằng có “lời chứng gian trá” hoặc “chứng cứ giả mạo”. Theo pháp luật Thụy Sĩ, có thể hủy bỏ một phán quyết nếu nó đã bị ảnh hưởng bởi các hành vi tội phạm, trong đó bao gồm “lời chứng man trá, giả mạo giấy tờ và đưa hối lộ”.[3] Pháp luật Áo[4] và pháp luật Pháp đều có cách giải thích tương tự. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng “thậm chí trong trường hợp không có sự cho phép rõ rệt bởi quy phạm pháp luật, các Tòa án quốc gia nói chung đều sẵn sàng xem xét các lập luận cho rằng một phán quyết cần phải được hủy bỏ trên cơ sở có hành vi lừa đảo”.[5]
Thực tiễn tại Tòa án cho thấy đã có trường hợp các chủ thể đã yêu cầu hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ này. Chẳng hạn, Công ty Hà Nội đã nộp đơn yêu cầu TAND Tp. Hồ Chí Minh hủy phán quyết trọng tài với một trong những lý do đưa ra là “Công ty Hà Nội đã nộp văn bản của Viện Nghiên cứu cao su – Trung tâm quản lý chất lượng cao su thiên nhiên xác định Giấy chứng nhận kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa giả mạo cho Hội đồng Trọng tài để Hội đồng Trọng tài xem xét xử lý tài liệu giả mạo này, nhưng Hội đồng Trọng tài không tiến hành giám định để xác định Giấy chứng nhận kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa có phải là giả mạo hay không để ra phán quyết Trọng tài là có thiếu sót”[6]. Còn trong vụ tranh chấp giữa các cổ đông công ty với nhau và với công ty về việc góp vốn của Công ty Hồng Loan, các bị đơn Lý Văn Hơn, bà Lê Hồng Loan, ông Nguyễn Vinh Quang và Công ty Hồng Loan đã yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với một trong các lý do đưa ra là “chứng cứ do các bên (nguyên đơn) cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo”.[7]
Có thể thấy, việc pháp luật Việt Nam ghi nhận việc sử dụng chứng cứ giả mạo có thể là một trong những căn cứ để hủy phán quyết trọng tài là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ:
Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, việc thu thập và sử dụng chứng cứ là một bước quan trọng trong tố tụng trọng tài để tìm ra sự thật khách quan của vụ án và trên cơ sở đó mới đưa ra kết quả giải quyết đúng đắn vụ án. Đó là lý do Luật TTTM năm 2010 dành riêng một điều (Điều 46) để ghi nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ.
Thứ hai, thu thập và sử dụng chứng cứ xét cho cùng vẫn là một thủ tục được thực hiện trong tố tụng trọng tài nên vi phạm trong việc thu thập và sử dụng chứng cứ (bao gồm cả việc sử dụng chứng cứ giả mạo) cũng chính là vi phạm thủ tục tố tụng. Trường hợp Hội đồng trọng tài ra phán quyết dựa trên cơ sở chứng cứ giả mạo thì được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và đây cũng là căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010. Tuy cùng thuộc về căn cứ vi phạm thủ tục tố tụng nhưng Luật TTTM năm 2010 lại tách việc sử dụng chứng cứ giả mạo trong tố tụng trọng tài làm một căn cứ riêng để hủy phán quyết trọng tài. Điều này là hợp lý bởi lẽ vi phạm tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 là lỗi xuất phát từ Hội đồng trọng tài. Trường hợp các chủ thể tham gia tố tụng là người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm nhưng Hội đồng trọng tài với trách nhiệm kiểm soát quá trình tố tụng để không xảy ra vi phạm mà vi phạm vẫn xảy ra thì đây cũng được xem là lỗi của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng chứng cứ giả mạo lại khác. Ở đây, có thể xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp 1: Với những chứng cứ được cung cấp, Hội đồng trọng tài có cơ sở và điều kiện để kết luận chứng cứ đó là giả mạo nhưng vẫn sử dụng chứng cứ này để đưa ra phán quyết thì đó là lỗi cố ý của Hội đồng trọng tài. Tức là Hội đồng trọng tài đã “không khách quan, công bằng” nên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng để từ đó xem xét hủy phán quyết trọng tài theo căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010.
Trường hợp 2: Với những chứng cứ được cung cấp, Hội đồng trọng tài “không biết” và “không thể biết” chứng cứ đó là giả mạo nên về mặt ý chí, Hội đồng trọng tài tin rằng đó là thật và dựa vào những chứng cứ này để ra giải quyết vụ tranh chấp.
Trường hợp trên không nên xem đây là lỗi của Hội đồng trọng tài bởi trong thời đại công nghệ ngày càng hiện đại và thủ đoạn, hành vi của con người ngày càng tinh vi thì việc phát hiện chứng cứ là giả mạo tại thời điểm Hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết là điều không thể. Nếu trong hoàn cảnh thực tế đã không có cơ chế để xác định chứng cứ là giả mạo thì đương nhiên khi xem xét hủy phán quyết trọng tài, không thể quy kết đó là lỗi của Hội đồng trọng tài. Do đó, căn cứ hủy phán quyết trọng tài này nên được xem xét theo cơ chế về sử dụng chứng cứ giả mạo trong tố tụng trọng tài (điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010) chứ không phải như trường hợp 1 (điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010) nêu trên bởi căn cứ này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng trọng tài và trách nhiệm nội bộ của họ với Trung tâm trọng tài. Điều khoản về “fraud” của Đạo luật Trọng tài liên bang [FAA] trong nước của Hoa Kỳ cũng được giải thích như là “cách áp dụng cho hành vi cố ý nhằm lừa gạt Trọng tài và bên kia trong những vấn đề quan trọng” và ““fraud” đó chắc chắn không thể phát hiện được bằng sự thận trọng trước hay trong quá trình phân xử của Trọng tài”.[8] Có thể nói, lỗi của các chủ thể trong việc cung cấp chứng cứ giả mạo trong trường hợp này cũng rất có ý nghĩa trong việc hủy phán quyết trọng tài. Chính vì những lý do trên mà thật khó để thuyết phục rằng “tòa án quốc gia sẽ, hoặc nên, làm cho các phán quyết có được do hành vi lừa đảo trở nên có hiệu lực pháp luật”.[9] Thế nên, việc pháp luật trọng tài quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ giả mạo này là hoàn toàn hợp lý.
Về cơ chế hủy phán quyết dựa trên căn cứ, điểm d khoản 2 Luật TTTM năm 2010 chỉ quy định hết sức ngắn gọn: “… chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo”. Tuy nhiên, điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014 đã hướng dẫn cụ thể như sau:“Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật TTTM, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo”.
Từ quy định trên của pháp luật hiện hành, nhận thấy, Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ liên quan đến “chứng cứ giả mạo” nếu có đủ hai điều kiện.
Điều kiện 1: Có “chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó”
Quy định này của pháp luật Việt Nam là tương đồng với quy định trong Đạo luật Trọng tài liên bang [FAA] trong nước của Hoa Kỳ về điều khoản trường hợp ngoại lệ do “fraud”. Theo quy định của quốc gia này, “trước tiên, người đưa đơn phải chứng minh việc xác lập hành vi lừa đảo bằng chứng cứ rõ ràng và thuyết phục. Thứ hai, hành vi lừa đảo đó chắc chắn không thể phát hiện được bằng sự thận trọng trước hay trong quá trình phân xử của trọng tài. Thứ ba, người yêu cầu hủy phán quyết phải chứng minh là hành vi lừa đảo đó về nội dung có liên quan đến một vấn đề đang được phân xử bởi Trọng tài”.[10]
Thực tiễn tại Tòa án Việt Nam đã có trường hợp một bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài dựa vào cơ sở quy định trên nhưng không được Tòa án chấp nhận vì không đưa ra được chứng cứ để chứng minh. Chẳng hạn, liên quan đến yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do “03 tài liệu do Công ty Nước và Môi trường cung cấp cho Hội đồng trọng tài là có dấu hiệu giả tạo”, Tòa án đã xét rằng “phía Công ty Bình Định không xuất trình được chứng cứ chứng minh. Do vậy, Hội đồng xét xử thấy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này của Công ty Bình Định”.[11] Trong vụ việc nêu trên, Tòa án không cho biết rõ các tài liệu mà Công ty Bình Định cho rằng là “giả mạo” có được sử dụng để ra phán quyết hay không nhưng bản thân việc Công ty Bình Định không chứng minh được tài liệu này giả mạo thì cũng đủ để không hủy phán quyết trọng tài.[12]
Điều kiện 2: “Chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết”
Theo điều kiện thứ hai thì dù có sự tồn tại của chứng cứ giả mạo nhưng nếu chứng cứ này không liên quan đến việc ra phán quyết, không có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết thì đây cũng không phải là căn cứ để hủy phán quyết. Quy định trên hoàn toàn phù hợp với thực tế và cũng tương đồng với quy định của pháp luật Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới. Theo đó, “các Tòa án thường bác bỏ các đơn kiện về tội lừa đảo chỉ với lý do có những phát biểu được cho là nhầm lẫn về nội dung sự việc trong phiên tòa Trọng tài, hay những hành vi do bất cẩn không tuân thủ các yêu cầu về việc trình nhân chứng hay thông tin”.[13]
Tuy nhiên, có thể thấy, để chứng cứ đang bị xem xét tính giả mạo có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết thì đương nhiên chứng cứ đó phải “có liên quan đến” việc ra phán quyết. Do đó, ở điều kiện thứ hai này, Nghị quyết 01/2014 không cần thiết phải sử dụng thêm cụm từ “…có liên quan đến việc ra phán quyết…” để làm dài dòng và rắc rối về mặt hành văn của điều luật.
Trong trường hợp trên, căn cứ để Tòa án xác định chứng cứ giả mạo là quy định của Luật TTTM năm 2010, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc.
Tuy rằng việc sử dụng chứng cứ giả mạo để tuyên phán quyết dù là lỗi của chủ thể nào đi chăng nữa thì phán quyết cũng đã được tuyên không phù hợp với sự thật khách quan của vụ tranh chấp nhưng điều đó không có nghĩa là Tòa án nhất định phải hủy phán quyết trọng tài trong mọi trường hợp.
Điều 13 Luật TTTM năm 2010 có quy định về “mất quyền phản đối”. Áp dụng quy định này vào trường hợp đang đề cập thì nếu một bên phát hiện bên còn lại sử dụng chứng cứ giả mạo “mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn” do Luật TTTM năm 2010 quy định và Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết dựa trên chứng cứ này thì mất quyền phản đối yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ này. Pháp luật Hoa Kỳ cũng có quy định tương đồng với với Việt Nam về vấn đề này: “Ngay cả nếu như lời chứng gian trá, hoặc hành vi tương đương, được chứng minh, phán quyết của trọng tài thường không bị hủy vì “fraud” nếu bên khiếu nại “đã từng có cơ hội để phản bác các lời khai của đối phương tại phiên xét xử của trọng tài”[14].
Như vậy, việc ghi nhận trường hợp hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ sử dụng chứng cứ giả mạo của pháp luật Việt Nam là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, quy chế pháp lý cụ thể để xem xét trường hợp này lại chưa thật sự thuyết phục. Theo đó, học hỏi quy định của pháp luật các nước đã phát triển về vấn đề này, Việt Nam cũng cần có các chuẩn mực nghiêm ngặt hơn cho việc hủy bỏ một phán quyết của Trọng tài dựa trên cơ sở của chứng cứ giả mạo nhằm đảm bảo “các lập luận đó không trở thành biện pháp cửa hậu cho việc công kích nội dung lập luận của Trọng tài và phán quyết”.[15]
2. Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến sự khách quan của Trọng tài viên trong tố tụng trọng tài làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài
Một căn cứ khác dẫn đến hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 là “Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài” và Nghị quyết 01/2014 không có hướng dẫn bổ sung. Đây là quy định kế thừa từ khoản 5 Điều 54, khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh TTTM năm 2003.[16]
Căn cứ này cũng được ghi nhận trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Có quốc gia ghi nhận chung (ví dụ: khoản 1 Điều 68 Luật Anh (“Có những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến ủy ban trọng tài, tố tụng trọng tài hoặc phán quyết”), Điều 24 Luật Malaysia, Điều 24 Luật Singapore (“Một trọng tài viên hoặc siêu trọng tài có hành vi sai trái hoặc tiến hành sai thủ tục tố tụng, hoặc việc xét xử hoặc phán quyết đã tuyên không đúng”) nhưng cũng có quốc gia quy định rất cụ thể như Điều 12 (a) Luật Trọng tài thống nhất Hoa Kỳ (“Phán quyết được đưa ra bởi sự hối lộ, gian lận hoặc các phương thức không hợp pháp khác. Có sự thiên vị rõ ràng của một Trọng tài viên được chỉ định làm trung gian hoặc có sự hối lộ bất kỳ Trọng tài viên nào hoặc gây tổn hại các quyền của bất kỳ bên nào”), Điều 58 Luật Trung Quốc (“Trọng tài viên trong quá trình giải quyết tranh chấp đã yêu cầu hoặc nhận hối lộ, thể hiện sự thiên vị, có hành vi gian lận hoặc lập phán quyết trái với Luật”). Ngay cả trong trường hợp quy phạm pháp luật không quy định rõ rệt, hầu hết Tòa án của các quốc gia đều xem việc một Trọng tài viên thiếu sự độc lập hay tính vô tư như trên là một “cơ sở tiềm tàng” để hủy bỏ phán quyết của trọng tài bởi “không thể cho phép những phán quyết của các Trọng tài viên có “tính thiên vị” một bên hoặc có định kiến với bên kia được thi hành”[17].
Như đã biết, một trong năm nguyên tắc quan trọng trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là “Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 4 Luật TTTM năm 2010). Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 Luật TTTM năm 2010 thì “Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp” trong trường hợp “có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan”.[18] Từ những quy định trên của pháp luật hiện hành, đủ thấy, Việt Nam rất quan tâm đến “chất lượng” của phán quyết trọng tài nên mới quy định cơ chế trên để đảm bảo tính khách quan, công bằng của phán quyết này. Và hầu hết các quy phạm pháp luật đương đại về trọng tài của các quốc gia và các quy tắc định chế cũng “đều đòi hỏi rằng các đồng Trọng tài viên phải giữ được tính không thiên vị và tính độc lập (cho dù không có thỏa thuận khác)”.[19] Trong thực tiễn tại Tòa án Việt Nam, căn cứ này cũng từng được bên yêu cầu viện dẫn để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể, trong vụ việc liên quan đến Công ty Bình Định đã từng được đề cập, trong các lý do mà Công ty Bình Định nêu ra để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có lý do liên quan đến căn cứ đang được đề cập. Tuy vậy, TAND Tp. Hồ Chí Minh sau khi xem xét đã không chấp nhận yêu cầu trên. Cụ thể, Tòa án cho rằng “chưa có cơ sở để xác định Trọng tài viên không khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp”.[20]
Có quan điểm cho rằng: “Việc trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp dường như ít có khả năng làm xoay chuyển được tính công bằng của phán quyết trọng tài. Bởi lẽ, đối với một Hội đồng trọng tài gồm ba người, thì họ chỉ có thể “mua chuộc” được một người, như vậy cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến phán quyết của Hội đồng trọng tài”[21]. Tuy nhiên, thiết nghĩ, quan điểm trên không thật sự thuyết phục bởi nếu một bên đã mua chuộc được một Trọng tài viên thì họ cũng có thể mua chuộc những Trọng tài viên còn lại. Do đó, việc pháp luật dự liệu như trên là hoàn toàn hợp lý.
Theo quy định điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 thì căn cứ hủy phán quyết trọng tài này yêu cầu phải đáp ứng đủ 3 điều kiện. Tuy nhiên, ba điều kiện theo quy định trên lại chưa toàn diện.
Điều kiện 1: Đối tượng mà Trọng tài viên nhận từ các bên chỉ là “tiền”, “tài sản” và “lợi ích vật chất khác”.
Theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 thì tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, khi nói đến tài sản là đã bao hàm cả “tiền” và có thể là cả “lợi ích vật chất khác”. Do đó, việc dùng thuật ngữ của Luật TTTM năm 2010 tại đây nên có sự sửa đổi để tạo sự tương đồng với luật gốc là Bộ luật Dân sự.
Mặt khác, đối chiếu với quy định trên thì dường như trường hợp Trọng tài viên nhận các lợi ích ngoài 3 lợi ích trên (ví dụ: lợi ích tinh thần) thì sẽ được loại trừ khỏi điều kiện đầu tiên này. Thế nhưng, trong thực tế, hoàn toàn có khả năng Trọng tài viên nhận các lợi ích tinh thần (ví dụ: đồng ý làm người yêu của Trọng tài viên) để làm ảnh hưởng đến sự khách quan, công bằng của phán quyết. Đặc biệt, hình thức “hối lộ tình dục” đang còn gây tranh cãi là lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần đang được các diễn đàn quan tâm cũng rất có thể xảy ra cả với các Trọng tài viên và việc xác định đó là lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần sẽ dẫn đến hai hệ quả pháp lý hoàn toàn khác nhau là phán quyết có nguy cơ bị hủy hoặc không thể bị hủy vì không có căn cứ. Vì vậy, thiết nghĩ, đối với điều kiện thứ nhất, không nên chỉ giới hạn đối tượng hối lộ chỉ là “tiền”, “tài sản” và “lợi ích vật chất khác” mà nên mở rộng cả đối với trường hợp hối lộ tinh thần miễn là có đủ chứng cứ để chứng minh để hủy phán quyết dựa trên căn cứ này. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến sự thiếu khách quan, công bằng của Trọng tài viên trong việc ra phán quyết (nhận lợi ích vật chất hay tinh thần) không nên là yếu tố quyết định để hệ quả là phán quyết có bị hủy hay không bởi dù với hình thức hối lộ nào thì Trọng tài viên cũng vì nó mà đưa ra phán quyết thiếu khách quan, công bằng, vi phạm nghĩa vụ của một Trọng tài viên.[22] Khi đó, điều kiện thứ nhất chỉ cần quy định chung bằng từ “lợi ích” là đủ.
Điều kiện 2: Chủ thể mang đến các lợi ích trên cho Trọng tài viên là “một bên tranh chấp”
Câu hỏi đặt ra là nếu không phải là một bên tranh chấp mà do một bên thứ ba (có thể có quan hệ với các bên tranh chấp hoặc không) mang đến các lợi ích và yêu cầu Trọng tài viên ra phán quyết trái với sự thật khách quan của vụ tranh chấp thì có đáp ứng được điều kiện thứ hai này không? Điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 đã chỉ rất rõ chủ thể ở đây phải là “một bên tranh chấp”. Trường hợp một bên tranh chấp lợi dụng “kẽ hở” của quy định trên để yêu cầu một bên thứ ba thay mình thực hiện hành vi “hối lộ” cho các Trọng tài viên với mục đích mang lại lợi ích cho mình; nói cách khác, trường hợp này được xem là bên thứ ba nhận ủy quyền của một bên tranh chấp để thực hiện hành vi “hối lộ” nên có thể quy kết đây là hành vi của bên ủy quyền (một bên tranh chấp)[23] để xem xét hủy phán quyết trọng tài dựa trên căn cứ này. Thế nhưng, nếu bên thứ ba thực hiện hành vi “hối lộ” một cách độc lập (không có sự ủy quyền từ một bên tranh chấp) cũng với mục đích tác động đến Trọng tài viên để ra phán quyết trái với sự thật khách quan của vụ tranh chấp thì lại không có căn cứ để hủy phán quyết bởi rõ ràng ở đây không tồn tại sự ủy quyền, không xuất phát từ ý chí của một bên tranh chấp thì không thể quy kết trách nhiệm cho họ. Thế nên, thiết nghĩ, quy định trên của pháp luật hiện hành là chưa hợp lý. Vì vậy, quy định này của Luật TTTM năm 2010 nên có sự mở rộng về chủ thể. Theo đó, không nên giới hạn chủ thể trong điều luật mà chỉ quy định bất kỳ một đối tượng nào thực hiện hành vi hối lộ với mục đích tác động đến việc ra phán quyết là đáp ứng được điều kiện thứ hai này.
Điều kiện 3: Việc thực hiện hành vi hối lộ phải dẫn đến hệ quả là “làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài”
Như vậy, trường hợp Trọng tài viên nhận lợi ích vật chất của một bên tranh chấp nhưng việc làm này không làm ảnh hưởng đến “tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài” thì sẽ không đáp ứng được điều kiện thứ ba này. Quy định trên là hợp lý bởi mục đích cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài là cho ra đời một phán quyết khách quan, công bằng vẫn được thực hiện trên thực tế. Điều đó có nghĩa với vai trò của một Trọng tài viên, họ đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Thế nên, không được hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp này. Giả sử có việc Trọng tài viên “bội tín” với “bên đưa hối lộ” thì lúc này là một mối quan hệ khác và sẽ bị xử lý theo một cơ chế khác không được làm ảnh hưởng đến phán quyết.
Theo quy định tại Điều 39 Luật TTTM năm 2010[24] thì số lượng Trọng tài viên giải quyết một vụ tranh chấp có thể nhiều hơn một. Trường hợp chỉ có một Trọng tài viên trong số các Trọng tài viên đó nhận hối lộ để thực hiện hành vi xét xử không công bằng, không thực hiện nghiêm túc vai trò của mình thì có thuộc trường hợp hủy phán quyết trọng tài hay không? Thiết nghĩ, quy định hiện hành tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 chỉ đề cập “Trọng tài viên” mà không nêu số lượng nên chỉ cần một Trọng tài viên thực hiện hành vi vi phạm là đã đáp ứng điều kiện này. Quy định này là hoàn toàn hợp lý vì vai trò của Trọng tài viên trong giải quyết vụ tranh chấp là vô cùng quan trọng. Theo khoản 1 Điều 60 Luật TTTM năm 2001 thì “Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số”. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm 03 Trọng tài viên, nếu một Trọng tài viên nhận “hối lộ” để ra phán quyết không khách quan, công bằng nhưng phiếu biểu quyết của Trọng tài viên này thuộc về bên thiểu số nên không có khả năng làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết thì điều kiện 3 xem như chưa được đáp ứng nên phán quyết không thể bị hủy trong trường hợp này.
Từ những vấn đề đã phân tích ở trên, thiết nghĩ, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010 nên được sửa đổi như sau: “Trọng tài viên nhận lợi ích làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài”
Trong một số hệ thống pháp luật (ví dụ: Hoa Kỳ), các bên tranh chấp được phép đồng ý với các đồng Trọng tài viên có “tính thiên vị”; nếu tồn tại sự đồng ý đó, thì việc thiếu sự vô tư của một đồng Trọng tài viên không còn là cơ sở để hủy bỏ phán quyết của Trọng tài tại các Tòa án của quốc gia đó. Trong những hệ thống pháp luật khác (ví dụ: Nước Anh), “người ta e ngại rằng các bên có thể làm thay đổi các yêu cầu của quy phạm pháp luật về tính không thiên vị”[25]. Tại nhiều quốc gia (bao gồm những nước theo Luật Mẫu UNCITRAL), việc một Trọng tài viên bị cho là “không vô tư, khách quan” được đưa ra tại Tòa án quốc gia trong thời gian thủ tục xét xử của Trọng tài đang diễn ra mà không cần phải đợi đến khi có một phán quyết cuối cùng[26]. Hành động này có thể dẫn đến hệ quả là “một Trọng tài viên có thể bị bãi miễn chức vụ do thiếu sự độc lập hay tính vô tư”. Đây là quy định tương đồng với điểm c khoản 1 Điều 42 Luật TTTM năm 2010[27] của Việt Nam. Có thể nói đây là một quy định rất tiến bộ của pháp luật thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhằm tránh làm kéo dài quá trình tố tụng bởi trường hợp này nếu có tiếp tục tiến hành tố tụng thì phán quyết cũng không có giá trị mà còn gây tốn kém thời gian và chi phí tố tụng.
Hơn thế nữa, pháp luật Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Anh và một số hệ thống pháp luật khác còn quy định về việc mất quyền phản đối với căn cứ trên. Theo đó, “nếu một bên không đặt vấn đề về tính vô tư hay sự độc lập của Trọng tài viên theo cơ chế khiếu nại của pháp luật hoặc của định chế Trọng tài, cho dù có thông báo về cơ sở nội dung cho việc phản đối Trọng tài viên, Tòa vẫn thường cho rằng bên đó đã từ bỏ quyền yêu cầu hủy bỏ phán quyết trên các cơ sở này. Một bên không có quyền chấp nhận lối suy nghĩ cho rằng “chắc chắn tôi sẽ thắng” bằng cách vẫn không phản đối một Trọng tài viên cho tới khi một phán quyết được tuyên”[28]. Tương đồng với pháp luật các nước, Điều 13 Luật TTTM năm 2010 cũng được vận dụng trong trường hợp này để loại trừ căn cứ hủy phán quyết trọng tài, tránh được sự lạm dụng của các bên bởi việc Trọng tài viên không độc lập, khách quan, vô tư là vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTM năm 2010[29] và đây là một “vi phạm” theo quy định tại Điều 13 Luật TTTM năm 2010.
Kết luận: Quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến việc sử dụng chứng cứ và sự khách quan của Trọng tài viên trong tố tụng trọng tài của pháp luật trọng tài hiện hành mặc dù có chứa đựng một số “nhân tố hợp lý” nhưng lại chưa thật sự toàn diện. Điều này đã dẫn đến tình trạng không ít trường hợp các chủ thể viện dẫn quy định này để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Do đó, một vài hướng hoàn thiện được đề cập trong bài viết này sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý hiện hành về căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
[1]* ThS, Luật sư Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh.
1Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
[2] Gary B. Born (2009), International commercial arbitration, Volume II, Nxb. Wolters Kluwer, 2009, tr. 2633.
[3] Gary B. Born (2009), International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2636.
[4].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009,tr. 2633.
[5].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2633.
[6] Quyết định số 1598/2012/KDTM-QĐ về việc Hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp của Công ty Hà Nội ngày 31/10/2012 của TAND Tp. Hồ Chí Minh.
[7] Quyết định số 01/2013/QĐ – HĐQTT về việc Hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông Lý Văn Hơn, bà Lê Hồng Loan, ông Nguyễn Vinh Quang, Công ty Hồng Loan ngày 26/03/2013 của TAND Tp. Cần Thơ.
[8].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2635.
[9].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2633.
[10].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2634.
[11] Quyết định số 07/2012/QĐST-TTTM về việc Hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty Bình Định và Công ty Nước và Môi trường ngày 13/12/2012 của TAND Tp. Hà Nội.
[12] Đỗ Văn Đại,“Hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam: bất cập và hướng hoàn thiện”, Kỷ yếu tọa đàm Hủy phán quyết trọng tài ngày 20 tháng 01 năm 2015 do Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cùng Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, 2005.
[13].Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2636.
[14] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2635.
[15] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr, 2633.
[16] Quy định về căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến Trọng tài viên của Pháp lệnh TTTM năm 2003 là rất rộng. Cụ thể, khoản 5 Điều 54 Pháp lệnh TTTM năm 2003 quy định: “Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh này”. Khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh TTTM năm 2003: “2. Trọng tài viên có các nghĩa vụ sau đây:a) Tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này; b) Vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp; c) Từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh này; d) Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết; đ) Không được nhận hối lộ hoặc có hành vi khác vi phạm đạo đức Trọng tài viên”. Như vậy, sự “vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp” của Trọng tài viên chỉ là một trong những căn cứ để hủy phán quyết trọng tài theo quy định này.
[17] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr . 2613.
[18] Ngoài ra, khoản 2 Điều 42 Luật TTTM năm 2010 còn quy định: “Kể từ khi được chọn hoặc được chỉ định, Trọng tài viên phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình”.
[19] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2614.
[20] Quyết định số 07/2012/QĐST-TTTM về việc hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty Bình Định và Công ty Nước và Môi trường ngày 13/12/2012 của TAND Tp. Hà Nội.
[21] David Nguyễn, “Cơ sở hủy phán quyết trọng tài đã thực sự chặt chẽ?”, [http://bnb-legal.com/en/home/item/download/3_6eaf9accfee4b82202f1237a4052bf20.html], truy cập lần cuối 15h39’ ngày 01/09/2015.
[22] Khoản 6, 7 Điều 21 Luật TTTM năm 2010.
[23] Khoản 1 Điều 139; khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[24] Điều 39 Luật TTTM năm 2010: “1. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.2. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên”.
[25] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2614.
[26] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2614.
[27] Điều 42 Luật TTTM năm 2010: “1. Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây: … c) Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan”.
[28] Gary B. Born, International commercial arbitration, tlđd, 2009, tr. 2615.
[29] Điều 4 Luật TTTM 2010: “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài: … 2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật”.
Tác giả: Phan Thông Anh* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2015 (91) – 2015, Trang 57-64
Trả lời