Bán hàng đa cấp bất chính và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống hành vi vi phạm pháp luật
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hà
TÓM TẮT
Bán hàng theo phương thức đa cấp được pháp luật Việt Nam cho phép. Tuy nhiên trong những năm qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây tác động không nhỏ đến an ninh trật tự, niềm tin cũng như đời sống của một bộ phận người dân. Bài viết phân tích, nhận diện về hành vi vi phạm bán hàng đa cấp, những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, từ đó đề xuất một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đấu tranh với hành vi vi phạm này.
1. Nhận diện hành vi vi phạm bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Như vậy, bán hàng đa cấp (BHĐC) là một hình thức bán lẻ hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có thể là công ty trực tiếp sản xuất và tiếp thị, bán lẻ sản phẩm hoặc phân phối hàng hóa do các công ty khác sản xuất. Việc bán hàng được thực hiện bởi mạng lưới người tham gia với nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, hàng hóa được các nhà phân phối trực tiếp sử dụng hoặc giới thiệu và bán cho người tiêu dùng. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân được hưởng hoa hồng, tiền thưởng từ kết quả bán hàng của mình và của người khác trong mạng lưới do mình tổ chức.
Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý riêng để quản lý hoạt động BHĐC. Các doanh nghiệp muốn hoạt động BHĐC phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp theo luật định thì có những doanh nghiệp thực hiện các hành vi bị cấm trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với hình thức kinh doanh này. Đó chính là các doanh nghiệp BHĐC bất chính, lợi dụng phương thức kinh doanh này vi phạm pháp luật, trục lợi. Theo đó, doanh nghiệp BHĐC bất chính được nhận diện qua các hành vi sau:
– Yêu cầu đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia. Các doanh nghiệp BHĐC bất chính thường tìm cách dụ dỗ, khiến cho người tham gia phải bỏ ra một số tiền ban đầu để gia nhập vào mạng lưới với các lý do như mua tài liệu đào tạo, tham gia buổi tập huấn; có thể buộc mua một lượng hàng hóa kém chất lượng với giá rất cao với lý do sử dụng thử để trải nghiệm sản phẩm và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm… Cứ như vậy, tiền được nộp vào hệ thống không dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mà chỉ nộp tiền khống, dùng tiền đó chi trả hoa hồng cho người vào trước. Điển hình như vụ lừa đảo người mua bán tiền ảo đa cấp của các đối tượng Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1984, trú tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thiên Rồng Việt và Công ty OTCMAX và các đồng phạm gồm: Nguyễn Hồng Quân, Phạm Việt Sơn, Phạm Thị Phương Thư đã thành lập các Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, Công ty cổ phần OTCMAX, Công ty cổ phần VNCOINS và Công ty cổ phần ALLUNEE. Theo đó, các đối tượng đã thông qua việc sử dụng mạng internet, tạo lập các trang web như “thienrongviet.com, otcmax.vn, vncoin.vn” để quảng bá hình ảnh, in ấn các tạp chí, ấn phẩm, tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đưa ra các thông tin không đúng sự thật về các dự án đầu tư, hứa hẹn trả lãi suất cao, hoa hồng hấp dẫn, tạo dựng lòng tin, huy động nhà đầu tư góp vốn vào công ty theo hình thức đa cấp. Thực chất, Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm đã lấy tiền của các nhà đầu tư sau để trả một phần gốc và lãi cho các nhà đầu tư trước trong thời gian ban đầu. Sau đó, các đối tượng không trả lãi và hoa hồng nữa mà chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm đã lôi kéo được 10.126 nhà đầu tư tham gia, với tổng số tiền đầu tư là hơn 460 tỷ đồng và chiếm hưởng số tiền hơn 40 tỷ đồng .
– Cho người tham gia nhận tiền từ việc tuyển dụng người mới. Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết căn bản đối với hoạt động BHĐC bất chính. Ở những doanh nghiệp này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung tuyển dụng, lôi kéo người mới tham gia. Để khuyến khích tuyển dụng, doanh nghiệp chi trả một khoản hoa hồng cho người tham gia khi người đó tuyển được một người mới.
– Cho người tham gia đầu tư nhiều mã số, ký nhiều hợp đồng. Người tham gia được khuyến khích đầu tư nhiều tiền, thông qua việc một người ký nhiều hợp đồng, tạo lập nhiều mã số trên hệ thống, mỗi mã số nộp một khoản tiền, hệ thống sẽ xếp các mã số để mã số trên được hưởng hoa hồng từ mã số phía dưới. Theo cách này, khi mới gia nhập, người tham gia sẽ được nhận một khoản hoa hồng nhất định, thực chất là từ doanh số của các mã số tuyến dưới của chính mình.
– Cung cấp thông tin gian dối về sản phẩm. Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các doanh nghiệp BHĐC bất chính. Để thu hút được người tham gia và mua hàng, các doanh nghiệp có đưa các thông tin không đúng về công dụng sản phẩm về cơ hội làm giàu khi tham gia kinh doanh với công ty.
– Cung cấp thông tin gian dối về cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp BHĐC quảng bá về cơ hội làm giàu nhanh chóng khi tham gia mạng lưới, đánh vào lòng tham của người tham gia bằng cách vẽ ra các viễn cảnh giàu sang với thu nhập rất cao, với những tài sản lớn và những chuyến du lịch sang trọng. Để tạo lòng tin, các doanh nghiệp này tổ chức các sự kiện hoành tráng, tổ chức trao thưởng hàng trăm triệu đồng hay nhiều tỉ đồng cho các cá nhân. Thực chất, đây là thủ đoạn được doanh nghiệp BHĐC dàn dựng để lôi kéo người khác tham gia đầu tư. Chỉ rất ít người được trao thưởng thật, nhưng bằng tiền do những người tham gia sau nộp vào công ty, không phải lợi nhuận từ việc bán hàng như các doanh nghiệp khác. Điển hình như công ty Công ty Thiên Rồng Việt và Công ty OTCMAX và các đồng phạm đã lôi kéo được 10.126 nhà đầu tư tham gia, với tổng số tiền đầu tư là hơn 460 tỷ đồng .
2. Khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Công tác quản lý, đấu tranh của các cơ quan chức năng với các hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn có những vướng mắc, khó khăn nhất định ảnh hưởg đến việc triển khai các hoạt động này.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp còn có những bất cập nhất định gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như đấu tranh với các tội phạm và các vi phạm trong lĩnh vực này. Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức BHĐC đã quy định chế tài xử lý đối với vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Song, vẫn còn có những lỗ hổng trong quy định của pháp luật cũng như công tác quản lý hoạt động này của các doanh nghiệp. Cụ thể:
Một là, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ số tiền tương đương 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng, để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp . Số tiền này được sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHĐC khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với người tham gia. Để sử dụng số tiền này, cần có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp về các nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, Nghị định 40/2018/NĐ-CP không quy định rõ thế nào là “Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp”. Điều này ảnh hưởng đến việc xác định trường hợp nào được sử dụng tiền ký quỹ.
Hai là, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, tại Khoản 1, Điều 4 quy định: “Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về “trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trong khi thực tế nhiều công ty hoạt động tương tự như phương thức BHĐC thì chưa có chế tài để quản lý và xử lý vi phạm của các công ty này. Ví dụ: Trường hợp công ty TNHH Đầu tư Thương mại dịch vụ Thái Tuấn huy động người tham gia góp vốn tương tự như hệ thống của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó người tham gia trước được hưởng lợi , thực chất thủ đoạn hoạt động của công ty tương tự BHĐC bất chính, tuy nhiên chưa có chế tài cho hành vi này, nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quản lý, cũng như xử lý khi có vi phạm.
Ba là, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức BHĐC tuy đã bổ sung các quy định mới các mức phạt tương ứng cho các hành vi vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, nghị định này chưa có quy định về xử phạt đối với hành vi kinh doanh theo phương thức BHĐC bị cấm như: “huy động vốn, góp vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ “tiền ảo”…” .
Thứ hai, theo quy định của pháp luật các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép hoạt động khi được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BHĐC vẫn hoạt động khi chưa được phép, lợi dụng phương thức kinh doanh BHĐC nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, phát hiện xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính hoạt động tinh vi, phức tạp trên nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, giảm cân, bất động sản, thương mại điện tử… lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số. Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này của các cơ quan chức năng rất khó khăn. Trong khi các đối tượng này hoạt động không phép nên không chịu sự quản lý của Bộ Công Thương, Sở Công thương.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức BHĐC chưa thật sự hiệu quả. Nội dung tuyên truyền chưa chú trọng vào những người mà các doanh nghiệp BHĐC bất chính thường hướng tới như những người dân ở vùng nông thôn, người lao động, sinh viên, người có thu nhập thấp. Đa số người tham gia BHĐC và người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết, nhận thức mơ hồ về phương thức BHĐC, cộng với lòng tham, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã tạo điều kiện cho các công ty BHĐC bất chính lợi dụng để lừa đảo lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặt cọc của người tham gia hoặc tiêu thụ được số sản phẩm bình thường với những giá thành rất cao…Theo khảo sát, có tới 59/100 nạn nhân của vụ công ty Liên kết Việt (chiếm 59%) cho biết đang cư trú tại vùng nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ . Người dân biết và hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này không nhiều, những hệ lụy từ kinh doanh BHĐC bất chính đã đẩy nhiều người dân nghèo thêm nghèo khó, túng quẫn, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Từ những tồn tại, vướng mắc nêu trên tác giả kiến nghị một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp như sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp. Cụ thể:
Một là, cần ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn về nội dung “Các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp” trong Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, để các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ 5% vốn điều lệ, tối thiểu là 10 tỷ đồng của doanh nghiệp BHĐC. Qua đó giúp người tham gia xác định được rõ quyền lợi của mình trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý, hạn chế việc lãng phí thời gian, nguồn lực của cả người dân và chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp và sử dụng tiền ký quỹ.
Hai là, cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định về “trường hợp pháp luật có quy định khác” quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, để thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng đối với quản lý, xử lý hoạt động BHĐC trong các trường hợp này.
Ba là, cần xây dựng, bổ sung các quy định, hướng dẫn trong các nghị định, thông tư về xử lý đối với hành vi kinh doanh theo phương thức BHĐC bị cấm như: “hoạt động huy động vốn, góp vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ “tiền ảo”… ” theo phương thức BHĐC, quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi này để các lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý vi phạm.
Thứ hai, cần có các quy định về thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép. Xác định rõ trách nhiệm quản lý đối với các doanh nghiệp này từ trung ương xuống địa phương, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quản lý, lách luật để trục lợi.
Thứ ba, các cơ quan truyền thông có các hình thức tuyên truyền cho người dân đặc biệt là các đối tượng dễ bị tác động bởi các doanh nghiệp BHĐC bất chính, hướng đến một số đối tượng người dân như người cao tuổi, sinh viên, phụ nữ, nâng cao hiểu biết và nhận biết để không tham gia vào hoạt động BHĐC bất chính này. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cần lập ra một kênh truyền thông đặc thù và tạo các đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện ra các cá nhân, tổ chức BHĐC bất chính.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói của những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, Hiệp hội cần tích cực phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công thương các tỉnh thành và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và báo cáo xử lý các những đối tượng BHĐC bất chính.
Như vậy, để công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được hiệu quả, đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về kinh doanh đa cấp của lực lượng chức năng được thuận lợi, bên cạnh việc hoàn thiện sửa đổi hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHĐC thì cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, cũng như nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các đối tượng BHĐC bất chính. Qua đó góp phần phát huy những mặt tích cực của phương thức kinh doanh BHĐC, giúp tăng cường duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo Thanh Niên, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (2020), Tọa đàm “nhận diện đa cấp bất chính” ngày 14/7/2020, Báo Thanh Niên phối hợp với Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, TP Hồ Chí Minh.
- Cục Cảnh sát kinh tế, Báo cáo tổng kết năm (2015-2020), Hà Nội.
Trả lời