Nhãn hiệu nổi tiếng, pháp luật và thực tiễn
Tác giả: TS. Lê Xuân Lộc & ThS. Mai Duy Linh
TÓM TẮT
Bài nghiên cứu đề cập chế định nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số hệ thống pháp luật tiêu biểu trên thế giới nhằm phát hiện ra những vấn đề còn tồn tại và chưa tương thích với pháp luật quốc tế trong nội tại pháp luật Việt Nam về nhãn hiệu nổi tiếng. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất những nội dung cần thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN, các cơ quan thực thi cũng như chủ sở hữu nhãn hiệu trong các hoạt động xác lập và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Xem thêm bài viết về “Nhãn hiệu”
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Những thay đổi quan trọng trong quy định pháp luật của liên minh Châu Âu về nhãn hiệu – TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Xung đột quyền trong bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại – TS. Lê Thị Nam Giang
Nhãn hiệu nổi tiếng, như chính bản thân tên gọi của nó đã gợi lên một ấn tượng đầy hấp dẫn, một cấp độ đo lường sự nhận biết bởi người tiêu dùng, khách hàng, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn nhãn hiệu của mình có thể nằm trong số đó. Nhãn hiệu nổi tiếng được coi như là “chứng chỉ” ghi nhận sự thành công của nhãn hiệu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Thậm chí theo một tài liệu nghiên cứu, trên thế giới có những nhãn hiệu nổi tiếng đến mức chúng đã in đậm dấu ấn của mình vào trong trí nhớ của người tiêu dung, ví dụ trường hợp của nhãn hiệu Coca Cola. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Neuron[1] Hoa Kỳ, bằng một thí nghiệm được kiểm tra bởi những máy móc tinh vi các nhà khoa học đã so sánh mức độ nhận biết của nhãn hiệu Coca Cola và Pepsi, theo đó 67 người tình nguyện lần lượt được mời uống Coca Cola và Pepsi và trước khi thưởng thức từng loại nước uống thì nhãn hiệu/logo của Coca Cola và Pepsi lần lượt được trình chiếu, trong quá trình này thông qua máy hình ảnh cộng hưởng từ (IRM) các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cứ mỗi khi hình ảnh của Coca Cola được hiện lên lại kích thích bộ phận não bộ có chức năng ghi nhớ, trong khi đó hiệu ứng này không thấy xuất hiện khi trình chiếu nhãn hiệu/logo của Pepsi.
Vậy xét về mặt pháp lý nhãn hiệu nổi tiếng là gì, điều kiện nào được xem xét để công nhận một nhãn hiệu nào đó có nổi tiếng hay không và ai sẽ là người có thẩm quyền công nhận chúng. Khi nhãn hiệu được coi là nổi tiếng thì sẽ kéo theo những hiệu ứng gì.
Với mong muốn làm sáng tỏ thêm một vài khía cạnh liên quan đến những câu hỏi trên các tác giả của bài viết sẽ lần lượt tìm hiểu các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng trong các điều ước quốc tế và pháp luật một số quốc gia tiêu biểu (I), sau đó sẽ đề cập chế định này trong pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam (II). Cuối cùng chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế định về nhãn hiệu nổi tiếng (III).
I. Nhãn hiệu nổi tiếng trong các Điều ước quốc tế và pháp luật một số quốc gia tiêu biểu
Nhãn hiệu nổi tiếng là đối tượng đã được đề cập từ lâu trong các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ (1) cũng như trong pháp luật của các quốc gia (2).
1. Nhãn hiệu nổi tiếng trong các điều ước quốc tế
Công ước Paris về Sở hữu công nghiệp năm 1883[2] (được sửa đổi lần cuối năm 1967) trong Điều 6bis quy định:
“(1) Một cách mặc nhiên nếu luật quốc gia cho phép điều đó, hoặc theo đề nghị của bên có liên quan, các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước, biên dịch, và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó…” Ngoài Điều 6bis, Công ước Paris không có điều khoản nào quy định rõ hơn về nhãn hiệu nổi tiếng nhất là các điều khoản về điều kiện, nội dung để công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng. Tuy nhiên qua lời văn của Điều 6bis và cũng như nội hàm của điều này đã được hiểu, giải thích, áp dụng từ lâu[3] có thể rút ra một số nhận định sau:
i) Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bảo hộ mà không cần qua thủ tục đăng ký bởi quy định tại Điều 6bis đã chỉ rõ các nước có trách nhiệm từ chối (đối với đơn xin đăng ký nhãn hiệu), hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu (đối với nhãn hiệu đã được đăng ký), ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà các nhãn hiệu này là sự sao chép, bắt chước, biên dịch, và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng;
ii) Công ước Paris dành quyền cho các quốc gia quy định các điều kiện cụ thể về nội dung, hình thức để công nhận một nhãn hiệu thế nào thì được coi là nổi tiếng;
iii) Nhãn hiệu nổi tiếng được coi là có phạm vi bảo hộ rộng hơn nhãn hiệu thông thường xét cả về mặt dấu hiệu lẫn các sản phẩm, dịch vụ mà nó gắn liền.
Tiếp nối quy định trong Công ước Paris, trong một hiệp định đa phương khác về sở hữu trí tuệ là Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs[4]) cũng đã có những quy định cụ thể hơn về nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 16.2, 3, theo đó:
“2. Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ. Để xác định liệu một nhãn hiệu hàng hóa có nổi tiếng hay không, các Thành viên phải chú ý đến sự nhận biết nhãn hiệu hàng hóa đó trong bộ phận công chúng liên quan, bao gồm sự nhận biết đạt được tại nước Thành viên liên quan đó nhờ quảng cáo nhãn hiệu hàng hóa đó.
3. Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ không tương tự với những hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký kèm theo một nhãn hiệu hàng hóa, với điều kiện là việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó cho những hàng hóa dịch vụ nói trên có thể chỉ dẫn đến một mối liên hệ giữa những hàng hóa dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký và có nguy cơ bị việc sử dụng nói trên gây tổn hại.”
So sánh với quy định trong Công ước Paris, Hiệp định TRIPs đã phần nào làm rõ về đặc điểm, điều kiện để công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng khi bổ sung và chỉ rõ những khía cạnh sau:
i) Một nhãn hiệu nổi tiếng phải được xem xét trong mối tương quan về sự nhận biết nhãn hiệu đó với bộ phận công chúng liên quan[5];
ii) Sự nhận biết nhãn hiệu hay sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể có được bằng rất nhiều cách trong đó có cách quảng cáo (điều này giải thích cho việc một nhãn hiệu có thể mới ra đời song do mức độ quảng cáo rộng khắp, dày đặc mà chỉ sau một thời gian ngắn đã trở nên nổi tiếng);
iii) Khi nhãn hiệu được coi là nổi tiếng, ngoài ngoại lệ được hưởng là được bảo hộ mà không cần thông qua thủ tục đăng ký nó còn mở rộng phạm vi sang các nhóm hàng hóa, dịch vụ không tương tự nếu việc đăng ký, sử dụng những nhãn hiệu này có khả năng chỉ dẫn đến một mối liên hệ (trong tâm trí người tiêu dùng) giữa hai chủ nhãn hiệu và gây tổn hại đến nhãn hiệu nổi tiếng.
WIPO[6] và Hội đồng Công ước Paris cũng đã thông qua một khuyến nghị chung về quy chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng năm 1999[7]. Tuy khuyến nghị này không trực tiếp định nghĩa thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng nhưng đã đặt ra những tiêu chí cần xem xét để đánh giá xem một nhãn hiệu có được xem là nổi tiếng hay không, cụ thể là:
– Mức độ nhận biết về nhãn hiệu của một bộ phận công chúng có liên quan;
– Thời gian, mức độ và phạm vi địa lý của việc sử dụng nhãn hiệu;
– Thời gian, mức độ và phạm vi địa lý của việc xúc tiến thương mại liên quan đến nhãn hiệu, bao gồm quảng cáo, hội chợ, triển lãm hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Thời gian, số lượng và khu vực địa lý của các đăng ký và/hoặc đơn nhãn hiệu đó;
– Dữ liệu về các vụ thực thi quyền thành công liên quan đến nhãn hiệu, cụ thể là mức độ mà nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng bởi các cơ quan có thẩm quyền;
– Giá trị của nhãn hiệu.
– Khuyến nghị chung giữa WIPO và Hội đồng Công ước Paris mặc dù chỉ mang tính tư vấn cũng làm rõ hơn nội hàm của khái niệm “công chúng có liên quan”. Theo Điều 2(2) của khuyến nghị chung thì bộ phận công chúng có liên quan bao gồm:
– Người tiêu dùng thực tế hoặc tiềm năng của loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó;
– Những người trực tiếp tham gia vào kênh phân phối và cung cấp hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu; và
– Giới thương nhân kinh doanh hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu.
Khuyến nghị chung cũng khuyến cáo rằng nếu một nhãn hiệu được xem là nổi tiếng ít nhất đối với một bộ phận công chúng có liên quan của một nước thành viên Công ước Paris thì nhãn hiệu đó phải được xem là nổi tiếng tại nước thành viên đó.
Như vậy, có thể thấy WIPO và Hội đồng Công ước Paris đều thống nhất rằng một nhãn hiệu được xem là nổi tiếng không nhất thiết phải nổi tiếng ở tất cả các lĩnh vực và được toàn thể công chúng mọi thành phần biết đến mà chỉ cần nổi tiếng trong một lĩnh vực là có đủ điều kiện để xem xét công nhận nổi tiếng.
Từ những quy định trên có thể thấy mặc dù được quy định từ rất sớm song những quy định về nhãn hiệu nổi tiếng trong các điều ước quốc tế vừa nêu cũng còn ở mức rất chung chung và phần nhiều mang tính nguyên tắc để hướng dẫn các quốc gia thành viên.
Xem thêm bài viết về “Nhãn hiệu nổi tiếng”
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
2. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật một số quốc gia, khu vực tiêu biểu
2.1. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp
Nhãn hiệu nổi tiếng được quy định trong pháp luật Pháp rải rác tại các điều như L711-4; L712-4; L713-5; L714-4 của Bộ Luật Sở hữu trí tuệ[8] (SHTT), tuy nhiên trong pháp luật thành văn cũng không có quy định cụ thể hơn về điều kiện, hình thức và những tiêu chí cần xem xét trong quá trình công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, trong pháp luật Pháp còn có một loại nhãn hiệu nữa là nhãn hiệu có danh tiếng “d’une marque jouissant d’une renommée” được quy định tại Điều L713-5 đoạn 1 của Bộ Luật SHTT. Trên thực tế, cho đến nay tại Pháp vẫn còn có sự tranh luận quyết liệt về sự phân biệt cũng như ý nghĩa của sự phân biệt giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu có danh tiếng, một số đông các nhà nghiên cứu cho rằng hai loại nhãn hiệu này là giống nhau[9] xét về tiêu chí liên quan đến mức độ được người tiêu dùng biết tới và sẽ không cần thiết cũng như làm phức tạp hóa vấn đề nếu chia nhãn hiệu thành ba cấp độ là nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu có danh tiếng và nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó sự khác nhau giữa nhãn hiệu có danh tiếng và nhãn hiệu nổi tiếng chỉ là nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng không được đăng ký còn nhãn hiệu có danh tiếng là nhãn hiệu được đăng ký rồi sau đó qua thời gian được người tiêu dùng biết đến rộng rãi tức là có danh tiếng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu có danh tiếng thực ra hướng tới hai ngoại lệ khác nhau của pháp luật về nhãn hiệu đó là nếu là nhãn hiệu nổi tiếng thì cho phép vượt qua nguyên tắc chỉ khi đăng ký mới được bảo hộ, còn nhãn hiệu có danh tiếng cho phép vượt qua nguyên tắc nhãn hiệu chỉ có hiệu lực và chỉ được bảo hộ đối với nhóm sản phẩm/dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu[10].
Trên thực tế, xác định thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng, điều kiện/chứng cứ nào được xem xét để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thường được các thẩm phán đặt ra và sau đó phải giải quyết trong từng trường hợp cụ thể mà không hẳn có quy tắc chung thống nhất nào[11].
2.2. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật của Liên minh châu Âu và Anh
Tại Liên minh châu Âu, theo Chỉ thị về Nhãn hiệu ngày 21 tháng 12 năm 1988[12] thì khái niệm “nhãn hiệu nổi tiếng” được hiểu theo phạm vi của Điều 6bis Công ước Paris. Đạo luật Nhãn hiệu Anh 1994[13] cũng quy định rằng nhãn hiệu nổi tiếng được hưởng quy chế bảo hộ theo quy định của Công ước Paris. Tuy nhiên, để được hưởng quy chế đó thì nhãn hiệu phải được xem là nổi tiếng tại Anh và chủ sở hữu nhãn hiệu phải là công dân hoặc cư trú tại quốc gia thành viên của Công ước Paris, hoặc có cơ sở kinh doanh thương mại tại nước thành viên của Công ước Paris cho dù chủ sở hữu nhãn hiệu đó có thực hiện hoạt động kinh doanh, hoặc có uy tín tại Anh hay không.
2.3. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Hoa Kỳ
Là thành viên của Công ước Paris và Hiệp định TRIPs, pháp luật nhãn hiệu Hoa Kỳ cũng chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mà không cần phải đăng ký. Mục 43.(c).1 Luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ (Lanham Act)[14] quy định chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có quyền ngăn cấm người khác đăng ký hoặc sử dụng một dấu hiệu hoặc tên thương mại nếu việc sử dụng đó có khả năng làm giảm tính phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc gây ảnh hưởng tới mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu, bất chấp có gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không.
Theo quy định tại Điều 43.(c).2 Luật nhãn hiệu Hoa Kỳ, để được hưởng quy định trên, chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng nhãn hiệu của họ tới mức nhãn hiệu đó được thừa nhận rộng rãi bởi công chúng Hoa Kỳ. Như vậy có thể thấy quy định này nêu rất rõ đối tượng phổ biến của nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ giới hạn ở đối tượng công chúng liên quan nữa mà phải là toàn bộ công chúng.
II. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật và thực tiễn Việt Nam
1. Nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam
Văn bản pháp luật Việt Nam đầu tiên đề cập đến nhãn hiệu nổi tiếng là Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996[15]. Điều 6.1e Nghị định này quy định rằng một trong những điều kiện để dấu hiệu được coi là có khả năng phân biệt là dấu hiệu “e. không trùng hoặc không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác được coi là nổi tiếng (theo Điều 6bis Công ước Paris) hoặc với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi”. Tiếp theo đó định nghĩa chính thức về nhãn hiệu nổi tiếng trong Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001đã nêu rõ “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi”[16]. Trước các văn bản trên, Nghị định số 197-HĐBT ngày 14/12/1982[17] của Hội đồng Bộ trưởng về điều lệ nhãn hiệu hàng hóa cũng gián tiếp đề cập đến vấn đề này khi quy định tại Điều 3.2 (i) rằng “Các dấu hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trước tại Việt Nam hoặc đã được bảo hộ theo một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cho cùng một loại hàng hóa thì sẽ không được chấp nhận làm nhãn hiệu hàng hóa”[18].
Tiếp nối văn bản này, khi Luật SHTT ra đời năm 2005 đã có định nghĩa rõ ràng về nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 4.20 theo đó nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Luật SHTT đã chỉ ra thêm một số đặc điểm của nhãn hiệu nổi tiếng trong phần quy định về khả năng phân biệt của những dấu hiệu xin đăng ký làm nhãn hiệu, cụ thể một dấu hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt nếu dấu hiệu đó “trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng” (Điều 74.2 (i) Luật SHTT).
Liên quan đến ngoại lệ cho phép nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ mà không cần thông qua thủ tục đăng ký Điều 121.2 Luật SHTT quy định “Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.”. Về điều kiện, tiêu chí để xem xét công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng Điều 75 Luật SHTT tuệ đưa ra 8 tiêu chí, cụ thể:
“1- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
2- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa,dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
3- Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
4- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
5- Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
6- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
7- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
8- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.” Tiếp nối quy định trong Luật SHTT, Điều 42.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ (sửa đổi lần cuối bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN) đã liệt kê những thông tin và tài liệu cần thiết để xem xét công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó, khi muốn được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, chủ thể quyền phải chứng minh nhãn hiệu của mình đạt được các tiêu chí để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng những tài liệu như “các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ”.
Nhãn hiệu khi đã được công nhận là nổi tiếng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước về SHTT trong thủ tục xét nghiệm đơn đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu nổi tiếng được coi và được dùng như một dấu hiệu để so sánh, đối chiếu xem một dấu hiệu xin đăng ký có tính phân biệt hay không. Cụ thể một dấu hiệu đăng ký sẽ bị coi là không có tính phân biệt và không được chấp nhận bảo hộ nếu dấu hiệu đó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng cho sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc cho ngay cả đối với nhóm sản phẩm/dịch vụ không tương tự nếu việc này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 74.2(i) Luật SHTT).
Nhãn hiệu nổi tiếng còn mang lại lợi ích to lớn cho chủ thể quyền trong quá trình thực thi quyền đối với nhãn hiệu, giúp cho chủ thể quyền vượt qua trở ngại về nhóm sản phẩm và dịch vụ bởi về nguyên tắc nhãn hiệu chỉ có hiệu lực đối với các sản phẩm, dịch vụ đã được nêu trong đăng ký. Cụ thể, đối với nhãn hiệu thông thường, một hành vi sử dụng dấu hiệu chỉ bị coi là xâm phạm vào độc quyền đối với nhãn hiệu của người khác khi[19]:
i) dấu hiệu được sử dụng trùng với dấu hiệu được đăng ký cho sản phẩm/dịch vụ trùng;
ii) dấu hiệu được sử dụng trùng với nhãn hiệu đã đăng ký cho sản phẩm/dịch vụ tương tự hoặc có liên quan nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ.
iii) dấu hiệu được sử dụng tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký cho sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc có liên quan nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ.
Trong khi đó nếu là nhãn hiệu nổi tiếng, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho ngay cả các hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan cũng có thể bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng[20].
Nhìn chung quy định về nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam phù hợp với nội dung của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước Paris và Hiệp định TRIPs). Tuy nhiên, cơ chế công nhận nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam vẫn còn những điểm gây không ít khó khăn cho chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một số khó khăn có thể kể ra là:
i) Trong khi các điều ước quốc tế (Điều 6bis Công ước Paris và Đoạn 3 Điều 16 Hiệp định TRIPs) quy định nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng trong thị trường liên quan biết đến thì pháp luật Việt Nam lại đặt ra yêu cầu cao hơn đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Điều 4.20 Luật SHTT định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam (tức là có tiêu chí về không gian và không có tiêu chí/giới hạn về nhóm người tiêu dùng). Như vậy có thể hiểu rằng một nhãn hiệu để được công nhận là nổi tiếng thì phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến. Quy định này đã vô hình trung loại bỏ khỏi những đối tượng nhãn hiệu sử dụng cho những sản phẩm đặc thù như máy quét kiểm tra an ninh hay những nhãn hiệu sử dụng rộng rãi trong một lĩnh vực không phổ biến toàn dân như lĩnh vực tài chính ngân hàng.
ii) Có sự không nhất quán trong quy định về nhãn hiệu nổi tiếng. Điều 4.20 Luật SHTT coi nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Điều 75.1 của Luật SHTT lại quy định một trong những tiêu chí được xem xét để đánh giá nhãn hiệu là nổi tiếng là căn cứ vào “số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo”. Nếu để tương thích với quy định tại Điều 4.20 nêu trên thì Điều 75.1 phải đặt ra tiêu chí chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi, không hạn chế bởi một lĩnh vực nào. Tuy nhiên, Điều 75 đã có sự giới hạn về nhóm người tiêu dùng, theo đó chỉ cần nhãn hiệu nổi tiếng trong một lĩnh vực liên quan là nhãn hiệu đó có thể đáp ứng tiêu chuẩn để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Như vậy, rõ ràng là đã có sự vênh nhau trong quy định về nhãn hiệu nổi tiếng trong Luật SHTT.
iii) Điều 42.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ (sửa đổi lần cuối bởi Thông tư 05/2013/TT-BKHCN) quy định việc thiết lập Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục SHTT trong đó ghi nhận tất cả các nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục SHTT. Tuy nhiên, hiện nay theo chúng tôi được biết thì các cơ quan liên quan chưa hề thiết lập một Danh mục như vậy.
iv) Theo các quy định tại Điều 42 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN nêu trên thì có thể hiểu rằng hiện nay, thẩm quyền công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng chỉ do Cục SHTT và cơ quan tư pháp (tòa án) thực hiện. Các cơ quan thực thi khác không có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
v) Việt Nam chưa xây dựng một cơ chế, thủ tục cụ thể hướng dẫn chủ thể quyền cũng như các cơ quan liên quan trong việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
2. Nhãn hiệu nổi tiếng trong thực tiễn Việt Nam
Tại Việt Nam, vấn đề công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thường phát sinh phổ biến nhất trong quá trình Cục SHTT xét nghiệm các đơn đăng ký nhãn hiệu (2.1) và trong quá trình các cơ quan thực thi tiến hành xem xét để xử lý vi phạm trong những trường hợp cụ thể (2.2).
2.1. Nhãn hiệu nổi tiếng trong quá trình xét nghiệm các đơn đăng ký nhãn hiệu
Như đã phân tích ở trên, việc được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ dẫn tới những hệ quả nhất định. Thể hiện cụ thể của điều này là không hiếm trường hợp, Cục SHTT, một cách mặc nhiên và không cần yêu cầu của chủ nhãn hiệu nổi tiếng đã ra các Thông báo từ chối bảo hộ các dấu hiệu xin đăng ký vì lý do các dấu hiệu đó trùng lặp, tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, như dấu hiệu “EUROGO” đã bị từ chối bảo hộ vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “URGO” theo Đăng ký quốc tế số 168396[21] bảo hộ dấu hiệu chữ “URGO” cho các sản phẩm thuộc nhóm 5 như dược phẩm, băng y tế. Cũng tương tự dấu hiệu phần hình dải cong theo đơn số 4-2009-08528 lúc đầu không được coi là có khả năng phân biệt và bị từ chối bảo hộ vì tương tự gây nhầm lẫn so với nhãn hiệu nổi tiếng hình dải cong cách điệu theo các đăng ký số 3441, 29548 đến 29551 của Công ty Nike[22].
Liên kết với phần trên, có một điều cần đặc biệt được lưu ý là trong cả hai trường hợp được viện dẫn, Cục SHTT đều đưa ra căn cứ/nhận định dựa trên các nhãn hiệu nổi tiếng “đã đăng ký” bởi lẽ các nhãn hiệu đối chứng được viện dẫn đều đã được đăng ký từ trước rất lâu so với thời điểm dấu hiệu đăng ký được nộp đơn. Như vậy trong các trường hợp này nhãn hiệu nổi tiếng đã không/chưa cần dùng đến ngoại lệ vốn dĩ dành cho đối tượng này là được bảo hộ mà không cần thông qua thủ tục đăng ký. Theo chúng tôi điều này cũng hoàn toàn hợp logic nếu coi rằng nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được biết đến rất rộng rãi bởi người tiêu dùng và do đó khi nào tiêu chí này được đáp ứng thì nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng, sự chuyển hóa từ nhãn hiệu được đăng ký sang nhãn hiệu được đăng ký và nổi tiếng là sự chuyển hóa theo thời gian dựa trên sự nhận biết nhãn hiệu của người tiêu dùng đến từ việc nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi và các hoạt động đầu tư quảng bá nhãn hiệu.
Trong một số trường hợp khác, chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu đang tiến hành thủ tục đăng ký hoặc đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của người khác trên cơ sở tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng của mình (đã hoặc chưa đăng ký). Khi đó, chủ sở hữu nhãn hiệu cần chứng minh nhãn hiệu của mình đáp ứng các tiêu chí của một nhãn hiệu nổi tiếng. Dựa trên các tài liệu và bằng chứng do chủ sở hữu nhãn hiệu cung cấp, Cục SHTT sẽ đưa ra nhận định nhãn hiệu đó có nổi tiếng hay không và xem xét việc phản đối/hủy bỏ đó trên cơ sở nhận định về sự nổi tiếng của nhãn hiệu.
2.2. Nhãn hiệu nổi tiếng trong quá trình thực thi quyền
Câu hỏi về việc nhãn hiệu có được coi là nổi tiếng hay không cũng rất hay được đặt ra trong quá trình các cơ quan thực thi xem xét các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện. Thông thường tình huống nảy sinh trong các trường hợp mà vấn đề nhãn hiệu có nổi tiếng hay không là điều kiện cần để một vụ kiện, một vụ việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính có căn cứ pháp lý. Như trong vụ kiện giữa Tập đoàn INTERBRAND Anh Quốc đối với công ty cổ phần thương hiệu quốc tế (Interbrand JSC) do Công ty này đã đăng ký thành lập/hoạt động dưới tên “Interbrand JSC” từ thời điểm 21/03/2006, trong khi đó nhãn hiệu “Interbrand” lại chưa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam tại thời điểm đó mặc dù Interbarnd đã hoạt động và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tại Việt Nam. Để vượt qua trở ngại này, Tập đoàn Interbrand đã phải viện dẫn đến các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng cho phép nhãn hiệu được bảo hộ mà không cần thông qua thủ tục đăng ký và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau khi thụ lý vụ việc đã có văn bản đề nghị ý kiến chuyên môn của Cục SHTT về việc có thể coi nhãn hiệu “Interbrand” là nổi tiếng hay không vào thời điểm 21/03/2006. Cục SHTT trong trường hợp này[23] đã coi nhãn hiệu “Interbrand” là nhãn hiệu nổi tiếng và hiệu ứng tiếp theo đã dẫn tới việc khởi kiện của Tập đoàn Interbrand là có cơ sở pháp lý[24].
III. Kiến nghị
Thực tiễn áp dụng các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc sau cần phải được giải quyết để việc áp dụng chế định về nhãn hiệu nổi tiếng được thống nhất, tạo sự minh bạch trong quá trình thẩm tra, giải quyết các vụ việc cũng như giảm thiểu các rủi ro pháp lý:
– Sửa đổi khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng quy định tại Điều 4.20 Luật SHHT cho phù hợp với quy định tại Đoạn 3 Điều 16 Hiệp định TRIPs, theo đó quy định rõ, thống nhất và áp dụng điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng khi nhãn hiệu được người tiêu dùng trong thị trường liên quan biết đến rộng rãi
– Cơ quan Tòa án nên chủ động áp dụng, giải thích pháp luật cho từng trường hợp cụ thể tránh tình trạng luôn phải dựa vào nhận định, ý kiến của các cơ quan khác.
– Mở rộng thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cho các cơ quan thực thi khác ngoài cơ quan tư pháp. Theo quy định hiện hành, chỉ có Tòa án và Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (hiện nay là Cục SHTT) mới có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, trên thực tế, xét ở góc độ thực thi quyền, cơ quan tòa án rất ít khi giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu nổi tiêng nói riêng và nhãn hiệu nói chung. Các tranh chấp này chủ yếu được giải quyết bởi các cơ quan hành chính như Thanh tra khoa học công nghệ, quản lý thị trường… Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác thực thi quyền của các cơ quan hành chính, cần mở rộng thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cho các cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
– Xây dựng danh mục Nhãn hiệu nổi tiếng trong đó tập hợp tất cả những nhãn hiệu đã được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (hiện nay là Cục SHTT) và Tòa án công nhận. Việc xây dựng danh mục này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể quyền bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng của mình một cách kịp thời. Bên cạnh đó, danh mục sẽ giúp cho cơ quan đăng ký cũng như cơ quan thực thi nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trong việc ngăn chặn việc đăng ký xác lập quyền đối với những dấu hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được công nhận nổi tiếng cũng như trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Xét về góc độ pháp lý, việc xây dựng danh mục Nhãn hiệu nổi tiếng sẽ đảm bảo thực hiện quy định tại Điều 42.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Hiện nay, mỗi khi có vụ việc trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra yêu cầu pháp lý trên cơ sở nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu phải chứng minh nhãn hiệu của mình đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, và cơ quan quản lý và thực thi phải tiến hành thẩm định trên cơ sở bằng chứng do chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra trong mỗi vụ việc. Việc này dẫn đến tình trạng là đối với cùng một nhãn hiệu, chủ sở hữu phải chứng minh nhãn hiệu là nổi tiếng nhiều lần và cơ quan chức năng phải tiến hành thẩm định nhiều lần. Để hạn chế tình trang này, nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT, chúng tôi kiến nghị Cục SHTT là cơ quan đầu mối tiến hành việc công bố các nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Việc công bố này có thể được tiến hành theo từng vụ việc cụ thể hoặc được tiến hành theo định kỳ. Khi nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng và được công bố rộng rãi, các quy định liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được tự động áp dụng trong việc bảo hộ nhãn hiệu đó. Khi đó, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chỉ cần chứng minh nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng một lần duy nhất. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như của các cơ quan quản lý và thực thi.
– Quy định chi tiết về thủ tục để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cũng như thủ tục xem xét lại việc từ chối công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Việc quy định thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng sẽ tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhãn hiệu bảo vệ quyền của mình đối với nhãn hiệu cũng như uy tín liên quan đến nhãn hiệu một cách tốt hơn.
Qua nghiên cứu bước đầu ở trên chúng tôi cho rằng việc tìm hiểu sâu hơn nữa về nhãn hiệu nổi tiếng ngày càng có ý nghĩa thực tiễn. Sự phát triển kinh tế sẽ kéo theo sự phát triển của những yếu tố nhận diện thương mại được sử dụng bởi các doanh nghiệp, do đó những tranh chấp, vấn đề nảy sinh từ quá trình đánh giá các yếu tố này mà nhãn hiệu nổi tiếng là một trong số đó sẽ ngày càng nhiều lên, bởi vậy một sự hiểu biết ngày càng sâu sắc, phong phú về đối tượng này sẽ rất cần thiết.
CHÚ THÍCH
* ThS, Luật sư Chi nhánh Công ty Luật Tilleke & Gibbins Consultants Limited tại Hà Nội (tilleke.com).
** Luật sư tập sự Công ty Luật TNHH T&G.
[1] Neuron, Vol. 44, 379–387, October 14, 2004 (tham khảo tại: http://www.librimedia.com/website/content/research/papers/neural_correlates_of_behavioral_preference_for_culturally_familiar_drinks.pdf, cập nhật lần cuối 07/07/2013). Trích dẫn trong: MARTIN Nicolas, Le droit de marque appréhendé à travers sa finalité, Thèse Montpellier 2010, p. 39).
[2] Tham khảo tại : http://www.wipo.int/treaties/fr/ip/paris/trtdocs_wo020.html#P152_23172 (cập nhật lần cuối 07/07/2013).
[3] Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Cẩm nang Sở hữu trí tuệ (đoạn 2.470, tr. 87), Hà Nội 2005 (Bản dịch của Cục Sở hữu trí tuệ).
[4] Tham khảo tại : http://www.wto.org/english/tratop_e/trips_e/t_agm0_e.htm (cập nhật lần cuối 07/07/2013).
[5] Bộ phận này không nhất thiết phải là bộ phận tiêu dùng và/hoặc sử dụng dịch vụ.
[6] Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization).
[7] Tham khảo tại : http://www.wipo.int/about-ip/fr/development_iplaw/pdf/pub833.pdf (cập nhật lần cuối: 11/04/2013)
[8] Bộ Luật SHTT Cộng hòa Pháp năm 1992 (được sửa đổi nhiều lần, tham khảo tại: http://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do?cidTexte=LEGITEXT000006069414&dateTexte=20130407 (cập nhật lần cuối ngày 07/07/2013).
[9] Ví dụ: G. Bonet, La protection des marques notoires dans le Code de la propriété intellectuelle, in Mélanges Foyer, PUF 1997; F. Pollaud-Dulian, Droit de la propriété industrielle, Montchrestien 1999, p. 670, n° 1422.
[10] Pierre Vivant, Marque notoire et marque renommée: une distinction à opérer, La Semaine Juridique Entreprise et Affaires n° 30, 24 Juillet 2008, 1968.
[11] Tòa phúc thẩm Paris, ngày 25/02/2000 (PIBD No. 698 III 259); Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris ngày 11/01/2006, RG No. 04/15317; Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris, 11/01/2006.
[12] Tham khảo tại : http://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=CELEX:31989L0104:fr:HTML (cập nhật lần cuối 07/07/2013)
[13] Tham khảo tại: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1994/26/contents (cập nhật lần cuối 07/07/2013)
[14] Tham khảo : http://codes.lp.findlaw.com/uscode/15/22/III/1125 (cập nhật lần cuối 07/07/2013)
[15] Quan điểm này được chia sẻ trong bài viết mới đây: Hà Thị Nguyệt Thu, Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/hoan-thien-phap-luat-ve-bao-ho-nhan-hieu-noi-tieng-o-viet-nam-trong-111ieu-kien-hoi-nhap-kinh-te-quoc te/?searchterm=nh%C3%A3n%20hi%E1%BB%87u%20n%E1%BB%95i%20ti%E1%BA%BFng (ngày 06/09/2013)
[16] Điều 8B Nghị định số 06/1996 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001.
[17] Tham khảo tại: http://noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?OpenAgent&UNID=CDF1F06E584AB1AA47257834003C8C73 (cập nhật lần cuối ngày 07/07/2013)
[18] Có thể điều này đã giải thích việc Cục Sở hữu công nghiệp tại thời điểm năm 1992 đã từ chối đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “McDolnald” cho một doanh nghiệp Australia do có sự trùng lặp với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng “McDolnald” của McDolnald’s Corporation (Mỹ) (trường hợp được nêu trong chú thích số 14 ở trên)
[19] Điều 129.1 a, b, c Luật SHTT
[20] Điều 129.1d Luật SHTT
[21] Thông báo kết quả thẩm định nội dung số 11278/SHTT-NH2 ngày 18/04/2012.
[22] Thông báo kết quả thẩm định nội dung số 37973/SHTT-NH2 ngày 30/06/2011.
[23] Công văn số 5467/SHTT-TTKN ngày 31/08/2011 của Cục SHTT gửi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
[24] Bản án số 1388/2012/KDTM-ST ngày 13/09/2012./.
- Tác giả: TS. Lê Xuân Lộc & ThS. Mai Duy Linh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2013 (79)/2013 – 2013, Trang 60-68
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời