Mục lục
Hết quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính từ thực tiễn của EU và Hoa Kỳ, kinh nghiệm cho Việt Nam
TÓM TẮT
Hết quyền sở hữu trí tuệ thường được xác định theo học thuyết bán lần đầu. Nhưng quyền sở hữu trí tuệ có hết trong trường hợp hợp đồng mua bán hay chuyển giao quyền sử dụng chương trình máy tính có giới hạn quyền bán lại của người mua? Sau khi phân tích quan điểm pháp lý của EU và Hoa Kỳ qua các vụ việc liên quan, bài viết đề xuất các hướng hoàn thiện pháp luật về vấn đề này ở Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Quyền sở hữu trí tuệ”
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính – ThS. Nguyễn Trọng Luận
- Bồi thường thiệt hại do giảm sút thu nhập, lợi nhuận khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thanh Thư & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Thực thi cam kết trong khuôn khổ hiệp định CPTPP về xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Quy định về quyền sở hữu trí tuệ từ Điều 60 Hiến pháp 1992 đến Điều 43 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp – TS. Nguyễn Thị Hải Vân
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, khách hàng (người tiêu dùng) có thể mua hay nhận chuyển giao quyền sử dụng một chương trình (phần mềm) máy tính (CTMT) [1] được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) thông qua việc: (i) mua một thiết bị lưu trữ như đĩa DVD hay CD, thẻ nhớ USB… chứa đựng CTMT đó; hoặc (ii) tải (download) CTMT đó từ một trang điện tử (website) hợp pháp, hay nhận qua thư điện tử (email). Trong hợp đồng mua bán hay chuyển giao quyền sử dụng (hoặc trong quá trình cài đặt) CTMT, khách hàng có thể được yêu cầu không được phép bán hay chuyển giao quyền sử dụng bản (copy) này của CTMT cho bên thứ ba dù không còn nhu cầu sử dụng. Tuy bị giới hạn như vậy nhưng một số khách hàng vẫn thực hiện hoạt động này trên thực tế. Câu hỏi pháp lý đặt ra là khách hàng đó và những người mua kế tiếp trong trường hợp này có vi phạm pháp luật SHTT hoặc pháp luật hợp đồng hay không.
Cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong thương mại điện tử, đây là vấn đề pháp lý mới không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí ở các nước (khu vực) phát triển như Liên minh châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ. Tòa án Tư pháp của EU (CJEU) trong phán quyết UsedSoft v. Oracle trong năm 2012[2] và Tòa án phúc thẩm số 9 của Hoa Kỳ trong phán quyết Vernor v. Autodesk (năm 2010), Apple v. Psystar (năm 2011)[3] cũng chỉ mới trả lời một phần câu hỏi trên. Tuy nhiên, quan điểm pháp lý của EU và Hoa Kỳ trong các trường hợp này, như phân tích dưới đây, đang khác nhau. Ở Việt Nam, tranh chấp tương tự chưa phát sinh trên thực tế nhưng có thể diễn ra trong tương lai. Việc nghiên cứu thực tiễn của EU và Hoa Kỳ, sau đó so sánh với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam nhằm đề xuất hướng giải quyết vụ việc tương tự khi phát sinh ở Việt Nam là hết sức cần thiết.
Về nguyên tắc, mặc dù đáp án cho câu hỏi pháp lý nêu trên có thể khác nhau tùy theo pháp luật từng quốc gia, tất cả đều phải xuất phát từ quan điểm về hết quyền SHTT (exhaustion), trong trường hợp CTMT thường là hết quyền đối với quyền tác giả. Hết quyền SHTT có nghĩa là việc tiêu thụ (consumption) quyền gắn với đối tượng SHTT phát sinh từ việc chuyển giao hợp pháp quyền đối với sản phẩm (vật) cụ thể có chứa đựng đối tượng SHTT liên quan. Hết quyền SHTT theo học thuyết bán lần đầu (first sale doctrine) là việc chủ sở hữu quyền (hay đối tượng) SHTT không còn quyền, đặc biệt là quyền phân phối hay bán lại, đối với một sản phẩm cụ thể chứa đựng đối tượng SHTT của mình khi: (i) sản phẩm đó đã được đưa ra (bán lần đầu trên) thị trường (ii) bởi chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này.[4]
Cần phải thấy rằng hết quyền SHTT không phải là tuyệt đối. Mặc dù thừa nhận việc hết quyền sau khi chủ sở hữu quyền SHTT cho phép bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu lần đầu tiên bản gốc hoặc bản sao chứa đựng đối tượng SHTT, khoản 2 Điều 6 Hiệp định về quyền tác giả của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WCT) quy định các quốc gia tham gia Hiệp định này có thể xác định các điều kiện về hết quyền, và nếu các điều kiện đó không đáp ứng được thì chủ sở hữu quyền SHTT này vẫn còn quyền độc quyền phân phối sau khi đã bán hay cho phép bán (lần đầu) sản phẩm cụ thể chứa đựng quyền SHTT đó.[5] Điều 6 Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT của Tổ chức thương mại thế giới (Hiệp định TRIPS) trao cho các thành viên quyền tự quyết định vấn đề hết quyền SHTT, miễn là phù hợp với nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT) và tối huệ quốc (MFN). Do đó, các quốc gia có thể giới hạn phạm vi của hết quyền SHTT. Nếu giới hạn phạm vi địa lý của hết quyền SHTT, việc hết quyền như vậy có thể được xác định trong phạm vi quốc gia, khu vực hay cả quốc tế.
Xem thêm bài viết về “Chương trình máy tính”
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính – ThS. Nguyễn Trọng Luận
2. Thực tiễn của EU
2.1. Giới thiệu chung
Nhằm xác lập và bảo vệ một thị trường chung thống nhất, không bị chia cắt, cho phép tự do di chuyển hàng hóa nội khối theo yêu cầu của Hiệp định thành lập Cộng đồng châu Âu (TEC), nay là Hiệp định về hoạt động của EU (TFEU), Tòa án Tư pháp của EU (CJEU, trước đây là ECJ) đã thiết lập học thuyết hết quyền khu vực trong phạm vi EU. Học thuyết này lần đầu tiên được nêu ra trong một vụ việc liên quan đến quyền tác giả: Deutsche Grammophon.[6] Nội dung cơ bản của học thuyết hết quyền này là khi một sản phẩm chứa đựng đối tượng SHTT được bán ra thị trường của bất kỳ quốc gia thành viên nào của EU bởi chính chủ sở hữu quyền SHTT hay với sự đồng ý của người này, về nguyên tắc quyền SHTT gắn liền với sản phẩm đó chấm dứt; tức chủ sở hữu quyền SHTT không còn có thể dựa vào quyền SHTT của mình để ngăn chặn việc nhập khẩu và/hoặc phân phối (bán lại) sản phẩm đó ở một quốc gia thành viên khác. Học thuyết hết quyền của EU từng bước được pháp điển hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật của EU.[7]
Về nguyên tắc, quyền SHTT sẽ hết trong phạm vi EU nếu hai điều kiện sau cùng được thỏa mãn: (i) sản phẩm chứa đựng đối tượng SHTT được bán ra (đưa ra) thị trường bởi chủ sở hữu quyền SHTT hay với sự đồng ý của người này; và (ii) thị trường ở đây là trong phạm vi EU.[8] Điều kiện thứ nhất có thể được chia thành hai điều kiện nhỏ: sản phẩm được đưa ra thị trường và hành động này phải do chủ sở hữu quyền SHTT thực hiện hay đồng ý. Đối với điều kiện thứ hai, CJEU giới hạn phạm vi địa lý hết quyền ở đây là thị trường EU, tức hết quyền trong phạm vi khu vực chứ không phải là quốc gia (hẹp) hay quốc tế (rộng).
2.2. Phán quyết UsedSoft v. Oracle
Usedsoft là một công ty mang quốc tịch Đức, chuyên mua bán CTMT đã qua sử dụng. Trong khi đó, Oracle là công ty phát triển và kinh doanh CTMT có trụ sở chính ở Hoa Kỳ. Trong vụ việc Usedsoft v. Oracle, khách hàng tải CTMT từ website của Oracle và cài đặt vào máy tính chủ (server) của mình; sau đó, nhân viên (người sử dụng) của khách hàng đó dùng máy tính cá nhân kết nối với máy tính chủ này để sử dụng CTMT của Oracle. Tuy nhiên, để sử dụng được CTMT đó của Oracle, khách hàng trước hết phải ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng (license agreement) với Oracle và thanh toán phí một lần để nhận được mã số kích hoạt một bản của CTMT. Sau đó, khách hàng có thể cập nhật miễn phí phiên bản mới nhất của chương trình đó. Tuy nhiên, với một giấy phép sử dụng CTMT (trên cơ sở hợp đồng) như vậy của Oracle, khách hàng chỉ có thể có tối đa 25 người sử dụng CTMT; nếu khách hàng có 27 người sử dụng thì phải mua hai giấy phép sử dụng CTMT. Hợp đồng này có điều khoản quy định khách hàng chỉ được phép sử dụng CTMT phục vụ mục đích kinh doanh của riêng mình, không độc quyền và không được phép chuyển giao cho bên thứ ba.
Sau khi ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng CTMT với Oracle, một số khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chương trình đó đã bán quyền sử dụng (thông qua việc bán mã số kích hoạt sản phẩm- product key) CTMT cho Usedsoft; sau đó Usedsoft bán lại cho khách hàng của mình. Khách hàng của Usedsoft tải CTMT từ website của Oracle, rồi cài đặt vào máy tính chủ của mình và sử dụng mã số kích hoạt CTMT do Usedsoft cung cấp để sử dụng chương trình bình thường như khách hàng trực tiếp của Oracle.
Oracle đã khởi kiện Usedsoft tại tòa án của Đức với lý do là Usedsoft vi phạm quyền tác giả của Oracle trong việc việc mua và bán lại CTMT “đã qua sử dụng” như đã nêu. Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm của Đức đều công nhận lập luận của Oracle rằng hành vi của Usedsoft và khách hàng của Usedsoft vi phạm quyền độc quyền tái sản xuất (reproduction) CTMT theo pháp luật SHTT của EU và Đức (cụ thể là Chỉ thị 2001/29/EC về quyền tác giả của Quốc hội và Hội đồng EU năm 2001 và đã được chuyển hóa thành luật của Đức). Sau đó, Usedsoft đã kháng cáo việc giải thích và áp dụng luật như vậy lên Tòa án Tư pháp Liên bang Đức (Bundesgerichtshof). Mặc dù đồng ý với lập luận của các tòa án cấp dưới, Tòa án Tư pháp Liên bang Đức còn chưa chắc chắn rằng Oracle có hết quyền SHTT khi chuyển giao quyền sử dụng CTMT cho khách hàng của mình hay chưa trong vụ việc này; và nếu có sự hết quyền như vậy thì khách hàng của Usedsoft có phải là người mua hợp pháp (legal acquirer) CTMT đó theo quy định của Chỉ thị 2009/24/EC về bảo vệ CTMT của Quốc hội và Hội đồng EU năm 2009 hay không. Do đó, Tòa án này đã tạm hoãn giải quyết vụ việc và xin phán quyết sơ bộ (preliminary ruling) của Tòa án Tư pháp EU.[9]
Theo quy định của Điều 4(2) Chỉ thị 2009/24/EC, việc bán lần đầu (first sale) một bản (copy) của CTMT trong EU bởi chủ sở hữu quyền tác giả CTMT đó hay với sự cho phép của người này làm hết quyền phân phối của chủ sở hữu quyền trong phạm vi EU đối với bản đó của CTMT. Theo CJEU, việc bán (sale) ở đây được hiểu thống nhất trong EU là một thỏa thuận giữa hai bên trong đó bên chuyển giao sẽ chuyển giao cho bên kia quyền sở hữu (ownership) gắn với một tài sản hữu hình hay vô hình của bên chuyển giao để đổi lại việc nhận một khoản lợi ích (tiền) nhất định từ bên được chuyển giao. Như vậy, trong vụ việc này giao dịch thương mại giữa Oracle và khách hàng của Oracle sẽ dẫn đến việc hết quyền đối với bản (copy) của CTMT khi có sự chuyển giao quyền sở hữu gắn với bản đó.
Oracle cho rằng Oracle không bán các bản của CTMT trong vụ việc này vì bất kỳ ai cũng có thể tải miễn phí một bản của CTMT như vậy từ website của công ty. Tuy nhiên, khách hàng không thể sử dụng bản đó nếu không giao kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng với Oracle. Việc cấp phép sử dụng trên cơ sở hợp đồng chuyển giao đó chỉ trao cho khách hàng quyền sử dụng chương trình không độc quyền, không chuyển giao; điều đó không có nghĩa là Oracle bán miễn phí một bản của CTMT của mình hay giao kết hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối với bản đó của CTMT.
Tuy nhiên, CJEU lập luận rằng việc tải một bản của CTMT và việc ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với bản đó là một hành vi không thể tách rời. Việc Oracle sẵn sàng cung cấp một bản của CTMT (trực tiếp qua một thiết bị lưu trữ cụ thể hay gián tiếp qua việc khách hàng tải từ website của Oracle) và giao kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với bản đó nhằm để khách hàng sử dụng bản này nhưng không giới hạn về thời gian sử dụng để đổi lại một khoản phí nhằm cho phép chủ sở hữu quyền tác giả nhận được một khoản bù đắp tương xứng với giá trị kinh tế của một bản của CTMT. Trong trường hợp như vậy, cả hai hoạt động này trên bình diện tổng thể chung liên quan đến việc chuyển giao quyền sử dụng một bản cụ thể của CTMT và cấu thành hành vi bán lần đầu bản đó theo quy định của Điều 4(2) Chỉ thị 2009/24/EC. Nếu việc “bán” không bao hàm việc “chuyển giao sử dụng” (license) như vậy thì chủ sở hữu quyền tác giả chỉ đơn thuần gọi hợp đồng giao dịch là “chuyển giao sử dụng” thay vì “bán” nhằm lách nguyên tắc hết quyền tác giả. Không những thế, CJEU khẳng định việc hết quyền tác giả không chỉ áp dụng đối với một bản hữu hình (phương tiện lưu trữ cụ thể) của CTMT mà còn áp dụng đối với bản vô hình, tức bản được tải từ internet xuống máy tính của người mua đầu tiên; vì về bản chất kinh tế, việc bán một bản của CTMT chứa đựng trong một đĩa CD hay DVD và việc bán một bản của CTMT đó thông qua việc tải từ internet là tương tự. Bên cạnh đó, mặc dù bản của CTMT được khách hàng của Usesoft tải về sau là phiên bản cập nhật so với bản của chương trình đó được tải bởi người mua lần đầu (khách hàng của Oracle), CJEU lập luận rằng phần cập nhật đó là một bộ phận cấu thành của bản của CTMT được tải bởi người mua lần đầu và người mua đó có quyền sử dụng nó trong khoảng thời gian không giới hạn, nên thực chất hai bản đó là một.
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, CJEU khẳng định chủ sở hữu quyền tác giả đối với một bản của CTMT sẽ hết quyền (cụ thể là quyền phân phối) nếu người đó đã (i) cho phép (dù miễn phí hay không) việc tải bản đó từ internet và (ii) cho phép sử dụng bản đó trong một khoảng thời gian không hạn chế (iii) với điều kiện người sử dụng trả cho chủ sở hữu một khoản phí tương xứng với giá trị kinh tế của bản CTMT này. Khi đó, người mua đầu tiên có quyền bán lại (tức phân phối) bản CTMT này cho bên thứ ba với điều kiện bản CTMT mà mình đã tải về máy tính không còn sử dụng nữa (chủ sở hữu quyền SHTT có thể dùng các biện pháp kỹ thuật để giám sát và bảo đảm việc này); bên thứ ba đó có quyền tải một bản của CTMT từ internet về và dùng mã số kích hoạt sản phẩm mà người mua đầu tiên cung cấp để sử dụng CTMT.
Tuy nhiên, CJEU cũng lưu ý nếu người mua đầu tiên được cấp phép một số lượng người sử dụng nhiều hơn nhu cầu thực tế (như ví dụ đã đề cập ở trên là 2 giấy phép cho 50 người sử dụng trong khi nhu cầu chỉ là 27 người), người đó không được phép bán lại phần số lượng người sử dụng dư ra (23 người sử dụng). Nói cách khác, người mua đầu tiên trong trường hợp này chỉ có quyền bán lại cả gói cấp phép mà thôi (hoặc 25 hoặc cả 50 người sử dụng, tức nguyên 1 hoặc 2 giấy phép).
2.3. Nhận xét
Phán quyết của CJEU trong vụ việc Usedsoft v. Oracle như đã trình bày ở trên cho thấy CJEU đã có bước phát triển mới trong việc xác định hết quyền tác giả nói riêng và quyền SHTT nói chung trong môi trường kỹ thuật số: hết quyền sau lần bán đầu tiên đã được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả hết quyền sau lần tải (download) từ internet đầu tiên, và vấn đề sản phẩm hữu hình cụ thể đã mở rộng sang cả sản phẩm vô hình cụ thể. CJEU cũng xác định người mua lần đầu tiên chỉ có quyền bán lại cả gói (package) sản phẩm, chứ không thể bán lại một phần.
Tuy nhiên, phán quyết Usedsoft v. Oracle vẫn chưa làm rõ quyền của người mua (nhận chuyển giao) đầu tiên quyền tác giả theo hợp đồng khi chủ sở hữu quyền tác giả có các giới hạn theo hợp đồng đối với người mua đầu tiên đó. Trong vụ việc này, theo hợp đồng (license agreement) giữa Oracle và khách hàng, khách hàng không được phép chuyển giao sản phẩm cho bên thứ ba. Khi khách hàng này chuyển giao cho bên thứ ba (cụ thể là cho Usedsoft cũng như khách hàng của Usedsoft), mặc dù việc chuyển giao đó là hợp pháp theo pháp luật về quyền tác giả vì chủ sở hữu quyền tác giả đã hết quyền như CJEU lập luận, việc xử lý nghĩa vụ của khách hàng của Oracle (người mua đầu tiên) theo pháp luật hợp đồng chưa được CJEU đề cập tới. Có thể có quan điểm cho rằng quy định không cho phép người mua đầu tiên chuyển giao trong hợp đồng như vậy là trái với nguyên tắc hết quyền SHTT nên không có giá trị, hay vô hiệu. Tuy nhiên, quan điểm này trong chừng mực nhất định là quá cứng nhắc, chưa tính đến quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên, nhất là khi hợp đồng chỉ cho phép người mua sử dụng bản đó trong một khoảng thời gian xác định, chứ không phải không hạn chế như trong vụ việc Usedsoft v. Oracle.
Trong trường hợp muốn tránh sự lạm dụng của chủ sở hữu quyền tác giả nói riêng và SHTT nói chung trong việc hạn chế quyền của người mua sản phẩm chứa đựng đối tượng STTT thông qua các hạn chế quy định trong hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể xem xét các hạn chế theo hợp đồng đó dưới góc độ pháp luật cạnh tranh.[10] Nói cách khác, nếu xem xét các hạn chế theo hợp đồng đó không chỉ ở góc độ pháp luật SHTT đơn thuần (tức có hết quyền SHTT hay không) mà còn tính đến cả pháp luật hợp đồng (tức có đảm bảo nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng hay không) và pháp luật cạnh tranh (tức hạn chế theo hợp đồng đó dù: (i) vẫn không ngăn cản việc hết quyền SHTT hay (ii) vẫn phù hợp với pháp luật hợp đồng có cấu thành hành vi hạn chế cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh hay không) thì mới có thể đảm bảo tính toàn diện của việc áp dụng và thực thi pháp luật nằm đảm bảo công lý.
Xem thêm bài viết về “Liên minh Châu Âu – EU”
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay – Bài học từ nghiên cứu lịch sử và so sánh kinh nghiệm một số quốc gia Châu Âu – ThS. Đào Bảo Ngọc
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và việc thực thi tại các nước Bắc Âu – GS. Per Ole Traskman
- Bàn về vấn đề tự do chọn luật áp dụng điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng trong pháp luật Liên minh Châu Âu – TS. Nguyễn Đức Vinh
- Vấn đề gia nhập Công ước Hague năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án của Liên minh Châu Âu – Một số kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
3. Thực tiễn của Hoa Kỳ
3.1. Giới thiệu chung
Ở Hoa Kỳ, việc hết quyền SHTT theo học thuyết bán lần đầu đã được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thiết lập trong phán quyết Bobbs-Merrill[11] vào năm 1908. Trong vụ việc này, chủ sở hữu quyền tác giả đã bán sách của mình cho các nhà bán lẻ với thông báo bằng văn bản rằng sách đó không được phép bán lại với giá dưới 1 đô la Mỹ; và một nhà bán lẻ đã bị kiện vì bán lại sách dưới giá quy định. Tuy nhiên Tòa án Tối cao cho rằng pháp luật SHTT không cho phép chủ sở hữu quyền tác giả khống chế giá bán lại. Sau đó, Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1909 đã ghi nhận việc hết quyền tác giả theo học thuyết bán lần đầu trong Luật về quyền tác giả, theo đó chủ sở hữu hợp pháp một sản phẩm (một bản – copy) chứa đựng quyền tác giả có quyền bán lại (phân phối) hay định đoạt sản phẩm đó mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả; tuy nhiên người nắm giữ sản phẩm đó qua việc thuê, mượn hay tương tự mà không sở hữu sản phẩm này thì không có quyền bán hay định đoạt nêu trên.[12]
Tòa án Tối cao đã từng bước làm rõ hơn việc hết quyền tác giả theo học thuyết bán lần đầu này. Trong vụ việc Quality King,[13] chủ sở hữu quyền tác giả sản xuất sản phẩm chứa đựng quyền tác giả ở Hoa Kỳ, sau đó xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; người mua sản phẩm đó ở thị trường nước ngoài đã nhập khẩu ngược sản phẩm đó vào thị trường Hoa Kỳ. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ kết luận hành vi nhập khẩu sản phẩm đó là hợp pháp vì chủ sở hữu quyền tác giả đã hết quyền theo học thuyết bán đầu tiên. Trong phán quyết Kirtsaeng[14] vào tháng 3/2013, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ còn đi xa hơn qua việc khẳng định hành vi mua một sản phẩm chứa đựng quyền tác giả (sách giáo khoa) được sản xuất và bán hợp pháp ở nước ngoài (Thái Lan) bởi chính chủ sở hữu quyền tác giả (cả ở Hoa Kỳ và Thái Lan), sau đó nhập khẩu vào Hoa Kỳ và bán sản phẩm đó ở thị trường Hoa Kỳ là hợp pháp vì chủ sở hữu quyền tác giả đó đã hết quyền sau khi bán sản phẩm đó ở thị trường nước ngoài. Như vậy, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đang thừa nhận việc hết quyền tác giả trong phạm vi quốc tế.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng từng lưu ý nếu chủ sở hữu quyền tác giả chỉ chuyển giao quyền sử dụng đơn thuần (license) chứ không phải là bán (sale) thì việc hết quyền không xảy ra; và các giới hạn theo hợp đồng có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật khác ngoài pháp luật SHTT.[15]
3.2. Phán quyết Vernor v. Autodesk và Apple v. Psystar
Trong vụ việc Vernor v. Autodesk,[16] Autodesk là doanh nghiệp sản xuất và bán CTMT vẽ kỹ thuật (AutoCAD). Autodesk chỉ bán CTMT này cho khách hàng với điều kiện khách hàng phải chấp nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng CTMT (SLA) khi cài đặt chương trình này vào máy tính của mình. Nếu khách hàng không đồng ý với hợp đồng này, khách hàng có thể trả lại CTMT đó cho Autodesk và được Autodesk hoàn trả lại tiền. Hợp đồng SLA ghi rõ Autodesk giữ các quyền đối với bản chứa CTMT; quyền sử dụng CTMT mà khách hàng được trao chỉ là quyền sử dụng không độc quyền và không được chuyển giao; khách hàng không được phép chuyển giao CTMT đó cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý trước của Autodesk, nếu khách hàng cập nhật phiên bản mới của CTMT thì phải hủy phiên bản CTMT cũ…
Venor là người thường mua các bản đã qua sử dụng của CTMT vẽ kỹ thuật của Autodesk và bán các bản đó qua mạng e-Bay trên internet chứ không mở hộp đựng đĩa CD hay DVD chứa đựng chương trình, không cài đặt chương trình, và tất nhiên không đồng ý với các điều khoản của hợp đồng SLA. Khi biết được hành vi của Venor, Autodesk đã yêu cầu eBay đóng tài khoản mua bán của Venor trên e-Bay theo quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) của Đạo luật về quyền tác giả trong kỷ nguyên số (DMCA). Vì vậy, eBay đã đóng tài khoản của Venor. Venor đã khiếu nại việc này; sau đó khởi kiện Autodesk và yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết khẳng định (declaratory judgment) việc mua và bán các bản đã qua sử dụng của CTMT vẽ kỹ thuật của Autodesk như trên là hợp pháp vì phù hợp với nguyên tắc hết quyền tác giả sau lần bán đầu tiên, hoàn toàn không vi phạm quyền tác giả của Autodesk.
Tòa án sơ thẩm kết luận khách hàng của Autodesk (người bán các bản đã qua sử dụng của CTMT) và Venor (người mua các bản này để bán lại) là chủ sở hữu (owner) của các bản đó và Autodesk đã hết quyền sau lần bán đầu tiên dù có điều khoản hạn chế người mua chuyển giao cho bên thứ ba như trong hợp đồng SLA. Tuy nhiên Tòa án phúc thẩm số 9 đã có kết luận ngược lại. Tòa án này lập luận rằng người sử dụng CTMT (software user) chỉ là người nhận chuyển giao quyền sử dụng CTMT (licensee) chứ không phải là chủ sở hữu một bản của CTMT nếu chủ sở hữu quyền tác giả của CTMT: (i) quy định rõ người sử dụng chỉ được cấp quyền sử dụng; (ii) hạn chế rõ ràng khả năng chuyển giao CTMT của người sử dụng đó; và (iii) áp đặt các hạn chế sử dụng đối với người đó. So sánh ba điều kiện này với các điều khoản của hợp đồng SLA mà Autodesk yêu cầu khách hàng của mình chấp thuận khi cài đặt CTMT, Tòa án phúc thẩm số 9 khẳng định khách hàng của Autodesk khi chấp nhận hợp đồng SLA với Autodesk chỉ là người được chuyển giao quyền sử dụng CTMT của Autodesk chứ không phải là người sở hữu một bản cụ thể của CTMT theo quy định của pháp luật về quyền tác giả của Hoa Kỳ. Do đó, người này (cũng như Venor và khách hàng của Venor) không thể viện dẫn nguyên tắc hết quyền tác giả để mua bán lại (phân phối) CTMT đó mà không có sự cho phép của Autodesk.
Trong vụ việc Apple v. Psystar,[17] Apple là doanh nghiệp sản xuất, bán cả máy tính và CTMT, trong đó có hệ điều hành máy tính Mac OS X; Psystar là doanh nghiệp chỉ sản xuất, bán máy tính. Theo quy định của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng CTMT (SLA), khách hàng của Apple khi mua hệ điều hành Mac OS X chỉ được phép cài hệ điều hành này cho máy tính của Apple mà thôi. Tuy nhiên, Psystar đã mua hệ điều hành Mac OS X của Apple và sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cài đặt hệ điều hành đó vào máy tính của mình để bán cho khách hàng hoặc cho phép khách hàng mua máy tính của Psystar rồi tự cài đặt từ đĩa DVD gốc có chứa đựng hệ điều hành Mac OS X (được bán kèm theo máy tính) mà Psystar đã mua của Apple.
Sau khi tranh chấp phát sinh giữa Apple và Psystar được đưa lên đến Tòa án phúc thẩm số 9, tòa án này một lần nữa khẳng định có sự khác biệt giữa hành vi “bán” và “chuyển giao quyền sử dụng”, theo đó việc “chuyển giao quyền sử dụng” thỏa mãn 3 điều kiện như đã đề cập trong phán quyết Vernor v. Autodesk nêu trên không làm hết quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Hợp đồng SLA giữa Apple và Psystar (cũng như giữa Apple và khách hàng của Psystar) với các hạn chế đối với người nhận chuyển giao quyền sử dụng (trong đó bao gồm việc không cho phép cài đặt hệ điều hành Mac OS X của Apple cho máy tính không phải của Apple) đã đáp ứng 3 điều kiện nêu trên. Vì vậy, quyền tác giả của Apple sau khi chuyển giao quyền sử dụng hệ điều hành Mac OS X không mất đi và hành vi của Psystar vi phạm quyền tác giả của Apple.
Sau khi không thể thuyết phục tòa án chấp nhận lập luận về việc Apple đã hết quyền tác giả đối với hệ điều hành Mac OS X, Psystar cho rằng việc Apple không cho phép cài đặt hệ điều hành Mac này cho máy tính không phải của Apple như vậy là lạm dụng (misuse) quyền tác giả, thậm chí là hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên dựa vào các phán quyết trước đây của mình cũng như của các tòa án phúc thẩm liên bang khác, Tòa án phúc thẩm số 9 bác bỏ lập luận của Psystar và khẳng định hành vi lạm dụng quyền tác giả hay hạn chế cạnh tranh thường chỉ xảy ra khi hợp đồng SLA ngăn chặn bên nhận chuyển giao phát triển một sản phẩm cạnh tranh mới hay không được phép sử dụng sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm của Apple; và điều này không tồn tại trong vụ việc Apple v. Psystar.
3.3. Nhận xét
Quan điểm của Tòa án phúc thẩm số 9 trong hai phán quyết nêu trên chưa được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phản bác nên sẽ được các tòa án của Hoa Kỳ viện dẫn. Mặc dù CJEU, như trong phán quyết Usedsoft v. Oracle, không phân biệt giữa hành vi “bán” và “chuyển giao quyền sử dụng” khi xem xét vấn đề hết quyền tác giả, Tòa án phúc thẩm số 9 đã phân biệt quá rõ hai hành vi này khiến cho chủ sở hữu quyền tác giả có thể dễ dàng lợi dụng để “lách” việc hết quyền tác giả thông qua việc áp đặt các điều kiện hạn chế người mua hay nhận chuyển giao quyền tác giả đó. Cần phải thấy rằng nguyên tắc hết quyền SHTT chỉ nhằm hạn chế việc lợi dụng (hay thậm chí là lạm dụng) quyền SHTT; nguyên tắc hết quyền này không ngắn cấm việc chủ sở hữu quyền SHTT áp đặt các hạn chế đối với người mua hay nhận chuyển giao quyền sử dụng quyền SHTT. Các hạn chế như vậy sẽ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật SHTT mà chịu sự điều chỉnh của pháp luật hợp đồng (và cạnh tranh).[18]
Xem thêm bài viết về “Pháp luật Hoa Kỳ“, “Châu Âu”
- Lược sử luật hóa “Hôn nhân đồng tính” tại Hoa Kỳ và định hướng cho Việt Nam – ThS. Hồ Minh Thành
- Tìm hiểu về các hoạt động nghiệp vụ và hành vi gài bẫy theo Pháp luật Hoa Kỳ – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – PGS.TS. The John Marshall
- Kiểm soát giao dịch giữa các bên có liên quan trong nhóm công ty theo pháp luật Hoa Kỳ – ThS. Nguyễn Hoàng Thùy Trang
4. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật SHTT Việt Nam hiện chưa có quy định rõ ràng và nhất quán về vấn đề hết quyền SHTT nói chung và hết quyền tác giả nói riêng. Điều 123 và 124 Luật SHTT năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 trao cho chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong đó bao gồm cả quyền lưu thông và nhập khẩu. Nhưng Điểm b khoản 2 Điều 125 Luật này quy định chủ sở hữu đó “không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi… lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài, một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”. Đối với giống cây trồng, khoản 2 Điều 190 Luật này còn quy định rõ ràng hơn rằng “quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài”. Điều đó có nghĩa đối với đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng, Luật SHTT có thể được giải thích theo hướng áp dụng nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên với phạm vi địa lý của hết quyền này là trên toàn thế giới (quốc tế), tức không chỉ thị trường Việt Nam mà cả thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 125 có thêm cụm từ “trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài” khiến cho quy định về hết quyền sau lần bán đầu tiên của Điểm này có thể được hiểu chỉ áp dụng đối với nhãn hiệu chứ không phải tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp và chỉ áp dụng đối với nhập khẩu song song mà thôi.
Bên cạnh đó, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (khoản 2 Điều 28) và Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 (Điều 10) của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định này khẳng định thêm nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên trong phạm vi quốc tế khi quy định hàng nhập khẩu song song chứa đựng đối tượng sở hữu công nghiệp không phải là hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.[19] Trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đã xem xét một số vụ việc liên quan đến việc hết quyền đối với nhãn hiệu trong nhập khẩu song song, như vụ việc Kingmax, SKF, Lambretta.[20]
Tuy nhiên đối với quyền tác giả, nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên chưa được ghi nhận trong Luật SHTT. Điểm d khoản 1 Điều 20 Luật SHTT quy định một trong những quyền tài sản của quyền tác giả là quyền “phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm”. Trong khi đó, chế định về quyền tác giả trong Luật SHTT không có một quy định nào tương tự như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 hay khoản 2 Điều 190 Luật này liên quan đến quyền nhập khẩu và/hoặc phân phối (bán lại) của người mua hợp pháp sản phẩm chứa đựng quyền tác giả sau lần bán đầu tiên của chủ sở hữu quyền tác giả hay người được chủ sở hữu quyền này cho phép. Điểm k khoản 1 Điều 25 Luật này chỉ quy định “nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng” là một trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút. Không những thế, Điều 20 và 21 Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan quy định hành vi: (i) phân phối dưới hình thức bán tác phẩm; hay (ii) nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền này cho phép thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Quy định như vậy có thể được giải thích theo hướng bất kỳ hành vi nhập khẩu và/hoặc phân phối sản phẩm chứa đựng quyền tác giả mà không có sự đồng ý hay cho phép của chủ sở hữu quyền là vi phạm pháp luật chứ không có ngoại lệ đối với hành vi nhập khẩu và/hoặc phân phối sản phẩm chứa đựng quyền tác giả sau lần bán hợp pháp đầu tiên.
Việc Luật SHTT chưa có quy định về hết quyền tác giả sau lần bán đầu tiên như đã phân tích nếu được đặt trong bối cảnh chủ sở hữu quyền tác giả áp đặt các hạn chế đối với người mua hay người nhận chuyển giao quyền sử dụng như trong vụ việc UsedSoft v. Oracle ở EU hay vụ việc Vernor v. Autodesk và Apple v. Psystar ở Hoa Kỳ sẽ khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam rất khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp tương tự. Các cơ quan này chỉ có thể đưa ra một quyết định có thể được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành nhưng hoàn toàn không hợp lý, đó là hành vi bán lại sản phẩm chứa đựng CTMT nói riêng và quyền tác giả nói chung như hành vi của Usedsoft, Venor hay Psystar là hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam vì chủ sở hữu quyền tác giả đó chưa hết quyền. Điều này sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người mua sản phẩm chứa đựng quyền tác giả hay người nhận chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả được bảo hộ ở Việt Nam.
Để khắc phục bất cập nêu trên, pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả nói riêng (và về quyền SHTT nói chung) cần phải:
Thứ nhất, chính thức thừa nhận nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên như pháp luật của EU và Hoa Kỳ ngay trong Luật SHTT được sửa đổi trong thời gian tới; phạm vi hết quyền ở đây nên là phạm vi quốc tế như trong phán quyết Kirtsaeng của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế, nguyên tắc hết quyền như vậy phải được hướng dẫn chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, không nên có sự phân biệt cứng nhắc giữa hành vi “bán” và “chuyển giao quyền sử dụng” sản phẩm chứa đựng quyền tác giả (nhất là CTMT) như Tòa án phúc thẩm số 9 của Hoa Kỳ mà nên theo quan điểm của CJEU. Điều đó có nghĩa việc bán dưới góc độ hết quyền tác giả cần được hiểu là sự đồng ý giữa hai bên trong đó một bên sẽ chuyển giao cho bên kia quyền sở hữu gắn với một tài sản hữu hình hay vô hình của bên chuyển giao để đổi lại việc nhận một khoản lợi ích (tiền) nhất định từ bên được chuyển giao. Như vậy, việc hết quyền tác giả sẽ áp dụng ngay cả trong thương mại điện tử và môi trường kỹ thuật số.
Thứ ba, nếu quyền tác giả của chủ sở hữu quyền đã hết sau lần bán đầu tiên, các hạn chế mà chủ sở hữu quyền tác giả áp đặt đối với người mua sản phẩm chứa đựng quyền tác giả đó cần phải được xem xét dưới góc độ pháp luật hợp đồng và pháp luật cạnh tranh theo cách tiếp cận của các tòa án Hoa Kỳ như đã phân tích. Điều này sẽ cân bằng được quyền và lợi ích hợp pháp của cả chủ sở hữu quyền tác giả và người mua, đồng thời góp phần xóa bỏ các quan ngại (nếu có) trong việc áp dụng nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên trên phạm vi quốc tế như đã đề xuất cho Việt Nam.
Nếu thực hiện tốt được cả 3 đề xuất nêu trên, quy định pháp luật về quyền tác giả cũng như việc áp dụng chúng trong thực tế, nhất là trong thương mại điện tử của thời đại kỹ thuật số, ở Việt Nam sẽ rõ ràng, nhất quán, dễ áp dụng đồng thời có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền và chủ thể sử dụng quyền. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc quy định và áp dụng trên thực tế các đề xuất này không phải dễ dàng và cần thời gian.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp. Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.
[1] Về khái niệm chương trình máy tính, xem: khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[2] C-128/11, UsedSoft v. Oracle, phán quyết ngày 03/7/2012.
[3] Vernor v. Autodesk, 621 F.3d 1102 (9th Circuit 2010), cert. denied, 132 S.Ct. 105 (2011); Apple v. Psystar, 658 F.3d 1150 (9th Circuit 2011).
[4] WIPO, “Interface between Exhaustion of Intellectual Property Rights and Competition Law”, CDIP/8/INF/5 REV., 17/4/2012, tr. 3.
[5] Khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 12 Hiệp định WIPO về ghi âm và trình diễn (WPPT) cũng quy định tương tự.
[6] Case 78/70, Deutsche Grammophon v. Metro, [1971] ECR 487, đoạn 11-3.
[7] Xem: Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS: Kinh nghiệm cho Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 281-290.
[8] Case C-479/04, Laserdisken v. Kulturministeriet, [2006] ECR I-8089, đoạn 21.
[9] Điều 267 TFEU (Điều 234 TEC) cho phép CJEU đưa ra phán quyết sơ bộ (preliminary ruling) về giá trị pháp lý của các văn bản pháp luật của các thiết chế của EU cũng như trả lời câu hỏi liên quan của tòa án quốc gia thành viên EU. Tòa án quốc gia thành viên phải tuân thủ phán quyết sơ bộ của CJEU.
[10] Nguyễn Thanh Tú, “Các hạn chế đối với người mua theo hợp đồng trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng và cạnh tranh”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3(275), 2011, tr. 20-33.
[11] Bobbs-Merrill Co. v. Straus, 210 U.S. 339 (1908).
[12] 17 U.S.C. §109(a), 17 U.S.C. §109 (d).
[13] Quality King Distributors Inc. v L’anza Research International Inc., 523 US 135 (1998).
[14] Kirtsaeng v. John Wiley & Son, 133 S.Ct. 1351 (2013).
[15] Quality King, chú thích số 13, tr. 147; Bobbs-Merrill, chú thích số 11, tr. 350.
[16] Vernor v. Autodesk, chú thích số 3.
[17] Apple v. Psystar, chú thích số 3.
[18] Clark D. Asay, “Kirtsaeng and the First-Sale Doctrine’s Digital Problem”, 66 Stan. L. Rev. Online 17, 7/5/2013, tr. 19.
[19] Việc Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN quy định hành vi nhập khẩu song song là hợp pháp đối với cả sản phẩm được sản xuất theo “chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc” có thể chưa hợp lý theo nguyên tắc hết quyền sau lần bán đầu tiên của EU và Hoa Kỳ.
[20] Xem: Nguyễn Như Quỳnh, Hết quyền đối với nhãn hiệu trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012 (Mục III.5 Chương II và Mục I.5 và II.5 Chương III).
- Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Tú*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2013 (77)/2013 – 2013, Trang 37-46
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời