Chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT) – Lợi ích nộp đơn đăng ký sáng chế quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam
Tóm tắt:
Nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế quốc tế đang được quan tâm trong các doanh nghiệp nước ta. Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) (Patent Cooperation Treaty) cung cấp một phương tiện có giá trị quản lý, trì hoãn và củng cố chi phí bảo hộ sáng chế quốc tế cho một sáng chế nhất định. Thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà sáng chế Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu về Hiệp ước PCT, nhưng chưa áp dụng triệt để các chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sáng chế mà PCT mang lại. Trong bài nghiên cứu, tác giả không tìm hiểu về PCT mà tập trung vào nội dung chính đánh giá về chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT). Khắc phục những hạn chế trong pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế quốc tế, kiến nghị giải pháp nộp đơn đăng ký quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Xem thêm:
- Quy định về chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng đối với sáng chế và nhập khẩu song song dược phẩm theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ – TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Quy định về sáng chế dược phẩm của hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dược phẩm Việt Nam – TS. Nguyễn Xuân Quang & ThS. Nguyễn Xuân Lý
- Cấp bằng sáng chế cho gene con người – Kinh nghiệm từ một số quốc gia – ThS. Bùi Thị Thu Dung & ThS. Lê Thị Ngọc Hà
- Nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế và cộng đồng trong bảo hộ sáng chế – ThS. Nguyễn Phương Thảo & ThS. Lê Khả Luận
1. Đánh giá chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT)
1.1. Chiến lược trì hoãn chi phí theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế PCT
Để đạt được lợi khi nộp đơn bảo hộ sáng chế theo PCT. Tác giả so sánh các chiến lược trì hoãn chi phí của hai tuyến là nộp đơn theo PCT và nộp đơn theo Công ước Paris 1883 về Sở hữu công nghiệp theo sơ đồ sau.
Sơ đồ so sánh việc nộp đơn xin bảo hộ sáng chế theo Công ước Paris và Hiệp ước PCT
(Nguồn: https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:CTnfXJUBrJIJ; https://www.wipo.int/pct/en/basic_facts/faqs_about_the_pct.pdf+&cd=12&hl=vi&ct=clnk&g 1=v). Truy cập ngày 15/3/2019.
Theo sơ đồ trên, PCT đem lại những chiến lược trì hoãn chi phí trong nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế quốc tế.
Thứ nhất, để được cấp bằng sáng chế theo tuyến PCT, người nộp đơn quốc tế duy nhất dưới sự bảo trợ của PCT. Nộp đơn xin bằng sáng chế PCT về mặt tài chính và chiến lược là cách thuận lợi nhất để quản lý, trì hoãn hoặc củng cố chi phí mua sắm bằng sáng chế quốc tế. Chi phí cho việc nộp đơn quốc tế sẽ được trì hoãn đến khi vào giai đoạn quốc gia là 20 tháng kể từ ngày được hưởng quyền ưu tiên. Tất cả các chi phí mà người nộp đơn nộp để phục vụ cho việc nộp đơn, dịch đơn sẽ được bỏ qua khi vào giai đoạn quốc gia.
Thứ hai, trong giai đoạn quốc tế của Hiệp ước, một đơn PCT đã trải qua một cuộc đánh giá sơ bộ. Sau đó, người nộp đơn có thể chọn các quốc gia là thành viên PCT để chuyển đơn thống nhất và các tài liệu đánh giá kèm theo cho các cơ quan bằng sáng chế quốc gia. Điều này, giảm đáng kể các khoản chi phí trùng lặp của các văn phòng quốc gia tại các nước được chỉ định. Ví dụ, cùng một nội dung trong đơn PCT mà cơ quan tìm kiếm quốc tế (ISA) đã tìm kiếm và đã đưa ra khả năng là có thể được cấp Patent. Khi bước vào giai đoạn quốc gia, cơ quan quốc gia không phải tốn phí cho việc kìm kiếm này.
Do vậy, chi phí trong giai đoạn quốc gia tại nhiều quốc gia mà người nộp đơn theo đuổi sẽ được trì hoãn rất lớn so với việc người nộp đơn nộp trực tiếp tại các quốc gia mà không theo tuyến PCT.
Thứ ba, người nộp đơn có thể sử dụng thông tin thu được trong giai đoạn quốc tế để áp dụng khi gia nhập vào giai đoạn quốc gia. Điều này nhằm giảm thiểu, hoặc tránh được khả năng có cùng một yêu cầu bị từ chối bởi nhiều cơ quan bằng sáng chế của các quốc gia. Các khoản chi phí pháp lý, chi phí hành chính bổ sung khi nộp đơn sửa đổi riêng biệt trong mỗi văn bằng sáng chế quốc gia cũng có thể tránh được. Ở những quốc gia có thu phí bổ sung cho các yêu cầu bồi thường vượt quá số quy định, các phụ phí đó có thể được giảm hoặc tránh. Ví dụ, Mỹ tính khoản phụ phí cho yêu cầu độc lập trong quá ba hoặc tổng số yêu cầu vượt quá 20 trong một ứng dụng rất đáng kể. Thế nhưng, theo PCT không có giới hạn yêu cầu bồi thường hoặc phí tổn đối với các khiếu nại vượt quá.
Thứ tư, giảm tải tình trạng nộp đơn vào cơ quan quốc gia. Khi bước vào giai đoạn quốc gia, PCT đã cho phép người nộp đơn không phải yêu cầu xét nghiệm sơ bộ quốc tế nữa mà kết quả của báo cáo tìm kiếm và báo cáo quốc tế trong giai đoạn quốc tế sẽ được gửi kèm theo mỗi đơn đăng ký đến từng quốc gia. Các công việc như tìm kiếm, tra cứu quốc tế, báo cáo về khả năng có được cấp patent hay không sẽ được các cơ quan quốc gia xem xét và không cần phải tốn các khoản chi phí, công sức cho quá trình này. Điều này làm giảm đáng kể nỗ lực tìm kiếm và kiểm tra yêu cầu đối với từng cơ quan cấp bằng sáng chế quốc gia riêng biệt.
1.2. Tối đa hóa giá trị sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT)
Một là, tuyến PCT tạo tiềm năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sáng chế nhờ vào hồ sơ PCT. Cho phép, người yêu cầu bằng sáng chế xác định được giá trị của sáng chế, nhu cầu thương mại đối với sản phẩm hoặc quy trình; khả năng thành công trên thị trường và việc bảo hộ phải được tìm kiếm ở một quốc gia cụ thể. Các phân tích này cần có một thời gian hợp lý cho hầu hết các chủ đơn. Do đó, nộp đơn đăng ký PCT với thời gian 20 tháng kể từ ngày hưởng quyền ưu tiên trước khi vào giai đoạn quốc gia là cơ hội để công khai một sáng chế có trạng thái đang chờ cấp bằng sáng chế, xác định và đàm phán với các nhà tài trợ, nhà đầu tư.
Hai là, các kết quả trong giai đoạn quốc tế của PCT như kết quả tìm kiếm quốc tế bởi ISAS, kiểm tra sơ bộ quốc tế bởi IPEAs đem lại cho người nộp đơn một đánh giá toàn thế giới về các ứng dụng tương tự đã có. Đây là một lợi thế lớn của PCT giúp các nhà sáng chế tránh các vụ kiện tụng vì xâm phạm quyền sở hữu sáng chế khi bước vào giai đoạn quốc gia. Một cuộc tìm kiếm quốc tế hiệu quả là công việc quan trọng trong quá trình bảo vệ sáng chế trên thế giới. Giá trị của sáng chế được đánh giá về khả năng áp dụng tại các nước ngoài, cũng như thị trường, nhu cầu thương mại để tác giả sáng chế cải tạo sản phẩm phù hợp với điều kiện của từng nước trước khi xâm nhập giai đoạn quốc gia. Từ đó, sáng chế sẽ được khai thác tối ưu giá trị tại các thị trường thương mại trên toàn cầu mà không lo sợ hoặc tốn chi phí cho các sự kiện tụng không đáng có.
Ba là, PCT có thể được sử dụng như là công cụ quản lý danh mục đầu tư chiến lược bằng sáng chế. Hạn chế chi phí và tối đa hóa phân phối, phân loại các quốc gia theo tiềm năng phát triển các tài sản sáng chế. Hệ thống PCT cho phép các tổ chức khu vực, các quốc gia sử dụng hệ thống IP toàn cầu, tìm kiếm thông tin sáng chế một cách dễ dàng, hạn chế thời gian, chi phí mà độ chính xác cao. Người nộp đơn sáng chế nắm bắt được toàn cảnh về bằng sáng chế, thị trường tiêu thụ cho sáng chế. Điển hình của tối ưu hóa sáng chế được thể hiện qua ví dụ sau: Tiến sĩ Milind V. Rane, nhà phát minh Ấn Độ, là một chuyên gia tư vấn tự do khi ông thiết kế và phát triển thiết kế cho Cơ quan Khôi phục Nhiệt Matrix (MHRU). Sáng chế liên quan đến một bộ trao đổi nhiệt – một thiết kế nhỏ gọn sáng tạo để làm nóng các chất lỏng bằng cách sử dụng nhiệt “thải” từ khí thải và có thể được sử dụng để làm nóng nhiều loại chất lỏng. Một bằng sáng cho MHRU đã được nộp ở Ấn Độ vào năm 1999 sau khi trình diễn thành công thành công sáng chế này cho Unidyne. Vì đây là lần đầu tiên nhà phát minh tiếp xúc với hệ thống bằng sáng chế và vì thiếu hướng dẫn ban đầu đầy đủ, sáng chế này đơn đăng ký chỉ được nộp tại Ấn Độ. Thời gian ưu tiên 12 tháng trôi qua mà không nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở nước ngoài (theo hệ thống PCT).
2. Đánh giá ưu, nhược điểm trong áp dụng các chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sáng chế
2.1. Đánh giá những ưu điểm
Thứ nhất, đối với người nộp đơn
Một là, chi phí cho đơn sáng chế ít hơn so với nộp đơn trực tiếp. Nếu như theo phương thức thông thường, người nộp đơn phải chuẩn bị rất nhiều đơn khác nhau đáp ứng các yêu cầu khác nhau về mặt thủ tục tùy theo pháp luật quốc gia của mỗi nước. Nộp đơn theo hệ thống PCT người nộp đơn chỉ phải nộp một đơn quốc tế duy nhất đáp ứng những đòi hỏi về hình thức theo quy định của hệ thống của một quốc gia và theo một ngôn ngữ nhất định.
Hai là, bằng việc sử dụng hệ thống PCT, đơn quốc tế của người nộp sẽ được nghiên cứu và thể hiện thông qua báo cáo nghiên cứu quốc tế. Căn cứ vào báo cáo này, người nộp đơn có thể tự xem xét và đánh giá giá trị sáng chế của mình đối với từng quốc gia để từ đó lựa chọn kỹ hơn quốc gia mà họ mong muốn nhận được sự bảo hộ. Cách thức này cho phép người nộp đơn rút lại yêu cầu đối với quốc gia mà họ không muốn tiếp tục yêu cầu bảo hộ để tiết kiệm một khoản chi phí. Nó cũng sớm giải quyết các vấn đề về tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp giúp người nộp đơn quyết định chiến lược gia nhập quốc gia và có thể có các giải pháp cải thiện nâng cao giá trị của sáng chế.
Ba là, người nộp đơn tinh giảm trong việc lựa chọn quốc gia nào mà họ nên yêu cầu bảo hộ. Theo cách thức của Công ước Paris thì ở hầu hết các nước, đơn yêu cầu bảo hộ bằng sáng chế ở nước ngoài phải được gửi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ưu tiên. Trong khi đó, nếu theo hệ thống PCT thì người nộp đơn có thể kéo dài thời hạn này thành 20 tháng kể từ ngày ưu tiên. Vì vậy, người nộp đơn có thêm thời gian và thông tin để lựa chọn được quốc gia thực thi quyền bảo hộ hợp lý nhất và thu được lợi ích nhiều nhất. Đây là cơ hội để họ phân tích thị trường nhiều hơn, tìm kiếm đối tác kinh doanh hoặc nhà đầu tư cho sáng chế.
Thứ hai, đối với các cơ quan quốc gia
Một là, đối với các cơ quan sáng chế của quốc gia thành viên thì hệ thống PCT sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các cơ quan được chi định mà giúp giảm áp lực làm việc. Hệ thống PCT là hệ thống tự hỗ trợ, tức là hoạt động của nó được duy trì trên cơ sở khoản phí do người nộp đơn chi trả mà không yêu cầu sự đóng góp từ bất kỳ quốc gia thành viên hay các cơ quan nào cả. Việc một số cơ quan sáng chế của các quốc gia được chỉ định thực hiện chính sách cắt giảm phí đối với các đơn quốc tế thông qua hệ thống PCT là nhằm để thu hút người nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại quốc gia mình.
Hai là, giảm bớt các thủ tục hành chính tại các văn phòng đăng ký sáng chế quốc gia nhờ cơ chế hai giai đoạn. Việc nghiên cứu, đánh giá sơ bộ đã được hoàn thành ở giai đoạn quốc tế. Đến giai đoạn quốc gia, các văn phòng chỉ cần căn cứ trên báo cáo để xem xét các vấn đề về hình thức và hoàn tất việc bảo hộ. Nếu theo cách thức truyền thống thì các cơ quan này phải thực hiện toàn bộ các thủ tục để tiến hành bảo hộ mà không có bất kỳ sự hỗ trợ từ hệ thống hay cơ quan nào khác.
Thứ ba, ưu điểm về việc tiếp cận thông tin
Một là, nộp đơn theo PCT, các quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Khi các sáng chế quan trọng được đăng ký theo hệ thống PCT, các nước có thể thông qua giai đoạn công bố các đơn quốc tế của hệ thống để nắm bắt thông tin sáng chế sớm hơn. Cụ thể, các đơn quốc tế sẽ được công bố sau 18 tháng kể từ ngày ưu tiên bằng một trong những ngôn ngữ thông dụng nhất. Nếu ngôn ngữ của đơn quốc tế không phải bằng tiếng Anh thì sẽ có một bản tóm tắt bằng tiếng Anh kèm theo và báo cáo nghiên cứu quốc tế sẽ được công bố cùng lúc.
Hai là, hệ thống PCT còn giúp cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển có cơ hội tiếp cận miễn phí với các sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ trong hệ thống. Từ đó có thể tự do sử dụng sáng chế đó mà không cần xin phép hay trả phí cho chủ sở hữu”.
Chính vì những ưu điểm này mà ngày càng nhiều đơn được nộp theo hệ thống PCT. Sau đây là sơ đồ thể hiện xu hướng các đơn xin cấp bằng độc quyền không cư trú được nộp bằng cách sử dụng hệ thống PCT.
Biểu đồ thể hiện sự vượt trội của đơn nộp tuyển PCT so với đơn nộp tuyến Paris.
Biểu đồ 1. Xu hướng nộp đơn sáng chế theo hệ thống PCT và tuyến Paris
Nguồn: Christine Bonvallet, Senior Legal Officer, PCT Legal Division, PCT Webinar organized by patsnap WIPO, Geneva – October 18, 2017 – 10.00 (BST), The Powerful Benefits of the Patent Cooperation Treaty (PCT), http://www.wipo.int/export/sites/www pct/en/seminar/webinars/18_10_2017.pdf. Truy cập ngày 07/3/2019.
2.2. Đánh giá những nhược điểm
Lợi ích của PCT đối với các chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị là rất lớn nhưng nhìn ở một khía cạnh khác nó vẫn còn một số hạn chế mà chúng ta cần phải phân tích.
Thứ nhất, sáng chế sẽ bị “chết yểu” trong khoảng thời gian quá lâu cho việc chờ bằng sáng chế. Những nước tham gia Hiệp định TRIPS đều quy định pháp luật quốc gia phù hợp với quy định của Hiệp định về thời hạn bảo hộ sáng chế là 20 năm. Nhưng giá trị của sáng chế thông thường đạt giá trị tối đa ở những năm đầu thường từ 4 đến 5 năm trở lại. Trong khi đó, theo đuổi một bằng độc quyền PCT lại mất đến hai, ba năm, có nghĩa là cho đến khi bằng sáng chế được ban hành, sáng chế sẽ không có bất kỳ sự bảo vệ pháp lý có thể cưỡng chế nào. Có thể trong khoảng thời gian đó trình độ khoa học công nghệ ở nhiều nước đã phát triển vượt bậc, liệu sáng chế dự định đăng ký ở những nước đó có còn phù hợp không. Chưa kể hàng loạt những nhà sáng chế, các công ty, doanh nghiệp là các đối thủ cạnh tranh gay gắt, họ đã có những sáng chế phù hợp hơn.
Vì vậy, khi theo nộp đơn PCT chủ đơn đã mất một khoảng thời gian đầu của sáng chế, là điểm hạn chế cho những sáng chế có giá trị ngay tại thời điểm nộp đơn. Do đó, nếu muốn đăng ký sáng chế theo quy trình của PCT chúng ta cần phải cân nhắc cẩn thận với khả năng áp dụng sáng chế tại từng quốc gia.
Thứ hai, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều là thành viên của Hiệp ước PCT, đây là điểm hạn chế khi nộp đơn PCT. Nếu sáng chế có giá trị lợi nhuận cao và chỉ được quyền chỉ định nộp đơn những quốc gia là thành viên PCT. Những quốc gia không phải thành viên PCT buộc phải nộp đơn trực tiếp tại quốc gia đó. Điều này, gây tốn kém thêm một khoản chi phí khi phải nộp đơn theo nhiều tuyến khác nhau để được cấp bằng độc quyền sáng chế.
3. Thực tiễn đơn đăng ký sáng chế đã nộp và bằng sáng chế đã cấp theo PCT tại Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2017
Sơ đồ thể hiện số đơn đăng ký sáng chế và số bằng độc quyền sáng chế đã cấp từ năm 2010 đến năm 2017.
Năm | Số đơn đăng ký sáng chế đã nộp | Số bằng độc quyền sáng chế đã cấp | ||
---|---|---|---|---|
Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | Người nộp đơn Việt Nam | Người nộp đơn nước ngoài | |
2010 | 306 | 3267 | 29 | 793 |
2011 | 301 | 3387 | 40 | 945 |
2012 | 382 | 3365 | 45 | 980 |
2013 | 443 | 3726 | 59 | 1203 |
2014 | 487 | 3960 | 36 | 1332 |
2015 | 583 | 4450 | 63 | 1325 |
2016 | 560 | 4668 | 76 | 1347 |
2017 | 592 | 4790 | 109 | 1636 |
Từ số liệu chúng ta có thể thấy lượng đơn đăng ký trong nước tăng lên đều đặn qua các năm (2010 – 2017), nhưng đơn đăng ký quốc tế theo PCT lại dao động rất bất ổn, không tăng, số lượng đơn đăng ký theo PCT so với lượng đơn đăng ký trong nước, chỉ chiếm khoảng 2 – 3% tổng đơn đăng ký. Chứng tỏ bảo hộ sáng chế quốc tế vẫn chưa được các nhà sáng chế, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký sáng chế ra nước ngoài.
Riêng đơn của nước ngoài nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong những năm gần đây tăng lên rất đáng kể. Từ năm 2010 là 3267 đơn, sau 08 năm đã tăng lên 4790 đơn và tăng khoảng 6 – 7% mỗi năm. Riêng từ năm 2016 đến năm 2019 tăng lên 122 đơn sáng chế. Trong đó, hầu hết những đơn đó đều nộp thông qua hệ thống PCT, chiếm khoảng 70 – 80%.
Như vậy, nhìn vào bảng thống kê trên, chúng ta có thể so sánh đơn nước ngoài nộp vào Việt Nam và đơn trong nước của Việt Nam, có một sự chênh lệnh đáng kể. Tuy có sự gia tăng về số lượng, nhưng tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam trong tổng số đơn rất thấp, hầu hết là đơn đăng ký của người nước ngoài. Trong 08 năm trở lại đây, số lượng đơn trung bình của người Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%, còn số đơn của người nước ngoài chiếm khoảng trên 80% tổng số đơn đăng ký.
Theo số liệu của NOIP, trong vòng 08 năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người nước ngoài là 37.282, còn người nộp đơn Việt Nam chỉ có 3.939. Số lượng văn bằng bảo hộ cấp cho người nước ngoài cũng nhiều hơn so với người Việt Nam, với con số lần lượt là 10.545 so với 494.
Điều này cho thấy trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất hạn chế so với thế giới. Hơn nữa, các cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được hết tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sáng chế, chưa tin tưởng vào cơ chế bảo hộ sáng chế vẫn có tâm lý lo ngại sẽ bị lộ sáng chế khi đăng ký, đặc biệt là nộp đơn theo Hiệp ước PCT chưa được quan tâm chú trọng. Chính vì vậy mà lượng đơn đăng ký bảo hộ trong nước lẫn nước ngoài của Việt Nam còn rất thấp. Với tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế khan hiếm tại các nước thông qua hệ thống PCT thì Việt Nam chúng ta vẫn chưa thật sự tận dụng tốt các lợi ích từ Hiệp ước này.
4. Lợi ích từ việc áp dụng chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa trong nộp đơn đăng ký sáng chế quốc tế cho các doanh nghiệp việt nam
4.1. Về mặt pháp lý
Một là, thời gian trì hoãn 20 tháng của chiến lược PCT mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia như Việt Nam. Sáng chế tại Việt Nam có thể chưa đạt được trình độ cao như các nước phát triển. Do đó, cần có một thời gian hợp lý để đánh giá khả năng áp dụng, phân tích thị trường tiềm năng cho sáng chế để tránh tình trạng nộp đơn tại nhiều quốc gia không đem lại giá trị thương mại.
Hai là, đơn nước ngoài áp dụng chiến lược của PCT, cơ quan sáng chế Việt Nam giảm được áp lực xét nghiệm nội dung đơn sáng chế. Đối với đơn Việt Nam nộp ra nước ngoài, người nộp đơn có thể sử dụng thông tin lấy từ ý kiến bằng văn bản và báo cáo sơ bộ quốc tế về khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế để lên kế hoạch cho những yêu cầu sửa đổi hoặc loại bỏ trước khi gia nhập vào giai đoạn quốc gia.
4.2. Lợi ích về mặt thực tiễn
Về phía tác giả sáng chế. Khi một sáng chế đã được nộp theo PCT, tác giả sáng chế sẽ tìm kiếm được nguồn thu nhập lớn từ việc bán sáng chế của mình, từ đó tạo tiền đề để thúc đẩy, tăng cường sự thành công cho những nghiên cứu tiếp theo.
Điển hình như bác sĩ Phạm Thị Kim Loan đã đăng ký bảo hộ sáng chế cho sản phẩm bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống. Nhờ đó, doanh thu của sản phẩm đã vượt mốc 100 tỷ đồng kể từ năm 2013 và vẫn tăng đều đặn 150% một năm. Không chỉ thế, loại ghế cải tiến từ sáng chế này và các sản phẩm liên quan đã nhận 12 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 25 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại các nước như Singapore, New Zealand, Australia,… cùng với 6 đơn đăng ký sáng chế PCT đã chỉ định và đang được xem xét tại 55 nước khác nhau..
4.3. Lợi ích cho tác giả sáng chế, người nộp đơn
Một là, giảm bớt chi phí trong giai đoạn quốc tế cần có một hợp đồng chuyển giao sáng chế từ tổ chức, doanh nghiệp sang cá nhân. Hiệp ước hợp tác sáng chế cũng đã có quy định giảm phí nộp đơn quốc tế theo PCT cho các đối tượng cụ thể, giảm đến 90%, trong đó công dân Việt Nam có thể đủ tiêu chuẩn mà PCT đưa ra. Một yêu cầu đòi hỏi khi thiết lập hợp đồng chuyển giao là các thỏa thuận phải nghiêm ngặt14. Đây là giải pháp đối với các sáng chế do doanh nghiệp tạo ra, không đủ kinh phí để theo đuổi bằng độc quyền sáng chế trên thế giới.
Hai là, thiết lập một hệ thống tư vấn phân phối và khai thác các sáng chế đã được bảo hộ và thúc đẩy chuyển giao các sáng chế đó. Do vậy, nên thành lập đại lý khai thác và phân phối sáng chế giống như các hàng hóa, dịch vụ khác, chắc chắn số lượng sáng chế yêu cầu được bảo hộ sẽ tăng lên.
4.4. Lợi ích cho doanh nghiệp
Một là, với thông tin sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cần thiết lập một mạng lưới thông tin quốc tế, trong đó có tiện ích tra cứu thông tin sáng chế tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin.
– Mạng này sẽ được kết nối với mạng thông tin toàn cầu WIPONET (kết nối cộng đồng IP toàn cầu) của WIPO.
– Xây dựng thư viện điện tử bằng tiếng Việt, tiếng Anh và thiết kế các công cụ tra cứu tích hợp để người cần thông tin có thể truy cập thông tin thuận tiện, rút ngắn thời gian tra cứu, nâng cao độ chính xác của thông tin.
– Mở rộng các dịch vụ tra cứu theo chủ đề, theo lĩnh vực cho người sử dụng trong việc tìm kiếm thông tin.
– Mở thêm các trung tâm thông tin mới bên cạnh hai trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm phục vụ thông tin sáng chế cho công chúng.
Hai là, Việt Nam nên thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ – Technology Transfer Office (TTO) để bảo vệ và cấp phép quyền sở hữu trí tuệ. Tùy theo điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu của quốc gia về ứng dụng sáng chế tạo ra mà chúng ta nên thành lập TTO cho phù hợp với thực tế.
5. Kết luận
Hiệp ước Hợp tác về sáng chế ra đời là một bước tiến của thế giới trong quá trình bảo hộ sáng chế quốc tế, tạo điều kiện rất lớn về chi phí và thời gian cho người nộp đơn. Việt Nam là một thành viên của Hiệp ước đang trên đà phát triển về khoa học và công nghệ, sáng chế đóng một vai trò quan trọng. Nộp đơn bảo hộ sáng chế trong nước và quốc tế theo hệ thống PCT là yếu tố góp phần tích cực vào các chiến lược trì hoãn chi phí, tối đa hóa giá trị sáng chế cũng như các chiến lược phát triển kinh tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Công ước Paris 1883 về Sở hữu công nghiệp (Paris Convention for the Protection of Industrial Property – Paris Convention). Thông qua ngày 20/3/1883, được sửa đổi tại Brussels ngày 14/12/1900; tại Washington ngày 02/06/1911; tại La Hay ngày 06/11/1925;tại London ngày 02/06/1934; tại Liban ngày 31/10/1958 và tại Stockholm ngày 14/7/1967 và được sửa đổi ngày 28/9/1979. https://thukyluat.vn/vb/cong-uoc-paris-bao-ho-so-huu-cong-nghiep-f4e9.html. Truy cập ngày 12/04/2019.
- Nguyễn Mai Hương (2010), Bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế, Luận án Tiến sĩ Luật học, http://repository.vnu.edu.vn/ViewOnline?bitstid=140543&type=1. Truy cập thứ ba, ngày 16/3/2018.
- Mô hình TTO tại Terry A. Young, Director of Research Development, University of South Dakota, U.S.A. Establishing a Technology Transfer Office. http://www.iphandbook.org /handbook/ch06/p02/index.html. Truy cập chủ nhật, ngày 18/3/2018.
- Anne M. Schneiderman (2007), Nộp đơn đăng ký quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT): Chiến lược trì hoãn chi phí và tối đa hóa giá trị sở hữu trí tuệ của bạn trên toàn thế giới, http://www.iphandbook.org/handbook/ch10/2077. Truy cập thứ tư, ngày 7/02/2019.
- Nguyễn Mai Hương (2010), Bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế, Luận án Tiến sĩ Luật học, http://repository.vnu.edu.vn/ViewOnline?bitstid=140543&type=1. Truy cập thứ ba, ngày 16/3/2018.
- Hội thảo khu vực WIPO về việc sử dụng hiệu quả hệ thống PCT: Kinh nghiệm của các nước châu Á Bangkok, Thái Lan vào ngày 16 và 17/5/2012. Kinh nghiệm và kế hoạch tương lại cho việc sử dụng hệ thống PCT Việt Nam, http://www.wipointedocs/mdocs/aspac/en/wipo_pct_bkk_12/wipo_pct_bkk_12_z_vietnam.pdf. Truy cập thứ sáu, ngày 16/3/2018.
Đỗ Thị Diện – ThS., Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế;
Nguyễn Văn Phúc – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Trả lời