Mục lục
Bình luận bản án – Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Tác giả: ThS. Nguyễn Phương Thảo
TÓM TẮT
Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra phổ biến, mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ đã có những quy định tương đối chặt chẽ. Bài viết bình luận bản án về hành vi xâm phạm quyền tác giả với điểm đặc biệt là các bộ phận trong tác phẩm được bảo hộ có nguồn gốc từ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Những vấn đề bình luận chính bao gồm: loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, căn cứ xác lập quyền và xác định hành vi xâm phạm.
Xem thêm bài viết về “Bình luận bản án”
- Bình luận bản án: Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng
- Bình luận bản án: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Lê Thị Diễm Phương
- Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Bản án số 213/2014/DS-ST ngày 14/8/2014 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình (trích)
XÉT THẤY:
Quan hệ tranh chấp trong vụ án này là quan hệ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả đối với tác phẩm. Nguyên đơn khởi kiện vì cho rằng bị đơn là Công ty Mặt Trời Mọc có hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nên yêu cầu bồi thường và xin lỗi công khai trên báo chí. Do đó, cần phải xem xét có hay không hành vi vi phạm quyền tác giả.
Hội đồng xét xử xét: Có hay không hành vi vi phạm quyền tác giả.
Ông Lộc cho rằng các hình ảnh đăng ký bản quyền kèm theo giấy chứng nhận bản quyền là do ông tự tạo, tự vẽ và vẽ vào năm 2012 nhưng không có gì chứng minh mà ông được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền ngày 07/01/2013; ông xuất trình văn bản số 202/BQTG-QLQTG-QLQ về việc trả lời đơn thư của ông Nguyễn Văn Lộc của Cục bản quyền tác giả ngày 29/7/2014, ông cho rằng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của ông cho dù có các phần riêng biệt của tác phẩm thì được cấp Giấy chứng nhận và bảo hộ tổng thể, ông không cần phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp. Do vậy, ông căn cứ vào khoản 3, 6, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ để cho rằng Công ty Mặt Trời Mọc vi phạm quyền tác giả của ông đối với tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian”, loại hình: Mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013, có kèm theo bản photo hình ảnh đăng ký bản quyền. Căn cứ chứng cứ do ông Lộc cung cấp hình ảnh đã được trang trí tại showroom của Công ty Mặt Trời Mọc tại số 18 Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, Hội đồng xét xử xét thấy tác phẩm của ông Nguyễn Văn Lộc và hình ảnh trang trí tại showroom của Công ty Mặt Trời Mọc có bố cục và hình thức thể hiện là khác nhau, những hình ảnh này do ông chụp bằng điện thoại và không có gì chứng minh là các bức tranh được trang trí tại cửa hàng trưng bày 18 Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình đúng với nguyên bản là các bức tranh của ông.
Theo ông Lộc trình bày, tác phẩm của ông là tập hợp gồm 05 cụm hình ảnh được đặt tên là “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian”, các cụm hình ảnh này có nguồn gốc từ văn hóa dân gian được ông thể hiện theo phong cách riêng để hình thành nên tác phẩm của mình. Theo trình bày của ông Đặng Vĩnh Lộc, người đại diện theo pháp luật của công ty Đăng Viễn, lời trình bày này cũng được ông Nguyễn Văn Lộc thừa nhận là lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, tranh Tết dân gian đã được nhiều tác giả thể hiện, mỗi tác giả có bố cục và hình thức thể hiện riêng của mình.
Xét nguồn gốc của các cụm hình ảnh được thể hiện trong tác phẩm của ông Nguyễn Văn Lộc là những hình ảnh đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời (hình ảnh múa lân, ông địa, liễn chúc Tết, ông đồ viết chữ …) các tác giả chỉ thay đổi một số đường nét và sắp xếp theo một bố cục và hình thức thể hiện để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Do đó, quyền tác giả của các hình ảnh riêng rẽ đã được lưu truyền lâu đời trong văn hóa dân gian không thể xác định là của ai. Quyền tác giả đối với tác phẩm ở đây được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận để xác định quyền tác giả. Mặt khác, ông Nguyễn Văn Lộc cũng trình bày, theo trình tự đăng ký quyền tác giả nếu muốn bảo hộ cho từng cụm hình ảnh ông phải lập từng hồ sơ tương ứng với từng cụm hình ảnh (ở đây là 05 cụm hình ảnh tương ứng với 05 hồ sơ) để đăng ký quyền tác giả. Điều này sẽ mất nhiều thời gian nên ông đã gộp chung cả 05 cụm hình ảnh vào trong một tác phẩm để đăng ký quyền tác giả. Từ đó có thể nhận thấy quyền tác giả của ông Nguyễn Văn Lộc đối với từng cụm hình ảnh riêng rẽ chưa được xác lập. Ngoài ra, theo lời trình bày của Công ty Đăng Viễn thì Công ty Đăng Viễn không sử dụng tác phẩm của ông Lộc để trang trí tại showroom của Công ty Mặt Trời Mọc, mà Công ty Đăng Viễn sưu tầm, mua lại các hình ảnh riêng rẽ tại các website (vectordep.vn, nguyenthehien.com) từ đó thiết kế, sắp xếp, bố cục thành hình thức thể hiện không khí Tết dân gian cho tác phẩm trang trí của mình, Hội đồng xét xử nhận thấy biểu tượng thuộc về văn hóa dân gian được lưu truyền lâu đời (như thầy đồ viết chữ, múa lân, liễn chúc tết, hoa mai, hoa đào, trẻ em vui chơi với pháo ….) thì mỗi người có sự hình dung và thể hiện riêng của mình nhưng bản thân mỗi một biểu tượng riêng rẽ không thể tự thân tạo nên một tác phẩm để thể hiện không khí Tết dân gian mà các biểu tượng này phải được sắp xếp, thể hiện trong những bố cục chỉnh thể thì mới hình thành nên tác phẩm mang thông điệp và nội dung cụ thể. Do đó, việc Công ty Đăng Viễn cho rằng không sử dụng tác phẩm và không vi phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Văn Lộc là có cơ sở để chấp nhận.
Mặt khác tại phiên tòa hôm nay, phía bị đơn trình Biên bản nghiệm thu và thanh lý ngày 05/12/2012 đã nộp cho Tòa án nhân dân quận Tân Bình ngày 17/7/2013 để chứng minh rằng Hợp đồng số 241212/DV-MTM ngày 24/12/2012 thuê Công ty Đăng Viễn thi công, lắp đặt, trang trí tại cửa hàng trưng bày số 18 Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình; Công ty Đăng Viễn đã hoàn thành và hai bên đã nghiệm thu, thanh lý ngày 05/12/2012 ; trước ngày ông Lộc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013, có kèm theo hình ảnh đăng ký bản quyền, do vậy không thể nói Công ty Đăng Viễn hay Công ty Mặt Trời Mọc vi phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Văn Lộc nên không chịu trách nhiệm theo yêu cầu của ông Lộc.
Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có hành vi phạm quyền tác giả trong vụ án này. Do không có hành vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian”, loại hình: mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013 có kèm theo hình ảnh đăng ký bản quyền được duyệt nên yêu cầu của ông Nguyễn Văn Lộc yêu cầu Công ty Mặt Trời Mọc công khai xin lỗi trên 03 tờ báo (Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên và Báo Pháp luật), mỗi tờ 3 kỳ và bồi thường số tiền 20.000.000 đồng không được chấp nhận là hợp lẽ.
Về án phí: […]
Bởi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ khoản 4 Điều 25; Điều 33; Điều 35, khoản 1 Điều 131 và Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Căn cứ khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án; mục 1 Phần I về án phí dân sự không có giá ngạch, và căn cứ điểm a mục 3 phần I Danh mục mức án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009.
Căn cứ Điều 26 Luật Thi hành án dân sự.
Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn Lộc về việc yêu cầu Công ty Mặt Trời Mọc phải công khai xin lỗi trên 03 tờ báo: Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên và Báo Pháp luật và bồi thường cho ông số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng do việc sử dụng hình ảnh trong tác phẩm của ông gây ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm và công việc của ông.
Về án phí dân sự sơ thẩm: […]
BÌNH LUẬN
Quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là những đối tượng dễ bị xâm phạm, tuy nhiên việc xác định hành vi xâm phạm trong một số trường hợp lại gặp khó khăn. Đặc thù tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trong bản án trên liên quan đến tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, do đó khi xem xét sự tồn tại hành vi xâm phạm cần đối chiếu với các đặc trưng riêng biệt của đối tượng này. Thông qua việc bình luận bản án trên, bài viết làm rõ hai vấn đề : (i) Đ?i t??ng b?o h? quy?n t?c gi?; (ii)ối tượng bảo hộ quyền tác giả; (ii) Xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Xem thêm bài viết về “Quyền tác giả”
- Bồi thường chi phí Luật sư trong tranh chấp về hành vi xâm phạm quyền tác giả – ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động của thư viện – TS. Lê Thị Nam Giang
1. Đối tượng bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT), đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Trong đó, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực, thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Luật SHTT công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở cân bằng lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền và lợi ích công cộng. Trong Tác phẩm có nội dung trái đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh sẽ không được bảo hộ.
1.1. Loại hình tác phẩm được bảo hộ
Luật SHTT ghi nhận các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Điều 14 Luật SHTT, tác phẩm phải là thành quả sáng tạo của chính tác giả, không phải là sự sao chép từ tác phẩm của người khác. Pháp luật về quyền tác giả quy định sự bảo hộ và khai thác hình thức thể hiện các ý tưởng dưới dạng vật chất, đòi hỏi tác phẩm phải thỏa mãn hai điều kiện: có tính sáng tạo và sự sáng tạo phải được vật chất hóa. Ban đầu, đối tượng của bảo hộ quyền tác giả là các ấn phẩm văn học hoặc nghệ thuật. Do sự phát triển của công nghệ sao chụp, sự bảo hộ đã được mở rộng đến các bản vẽ kỹ thuật, bản đồ, tranh và cả các tác phẩm ba chiều như các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc, các bức ảnh và tác phẩm điện ảnh. Cụ thể, loại hình tác phẩm được bảo hộ rất đa dạng như: tác phẩm văn học, khoa học, bài giảng, bài phát biểu, tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, chương trình máy tính… Trong đó, bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là một trong những điểm mới của Luật SHTT. Việc bảo hộ này một mặt bảo đảm sự cân bằng giữa việc chống lại những lạm dụng, ngăn cản sự bộc lộ tác phẩm và việc sưu tầm, khai thác làm tổn hại đến giá trị đích thực của nó, mặt khác lại bảo đảm sự tự do sáng tạo, phổ biến tác phẩm lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.[1] Hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển thừa nhận văn hoá dân gian là một phương tiện của sự tự thể hiện, bản sắc xã hội, đồng thời là một truyền thống sống động và không ngừng phát triển.
Trong bản án trên, ông Lộc là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, được bảo hộ quyền với tư cách là tác giả. Đặc trưng trong tác phẩm của ông Lộc là tập hợp những hình ảnh của các nhân vật có nguồn gốc từ dân gian được sắp xếp lại để thể hiện không khí ngày tết của Việt Nam, thuộc loại hình mỹ thuật ứng dụng. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật SHTT là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm (khoản 2 Điều 15 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP).[2] Quyền tác giả đối với tác phẩm của ông Lộc được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận. Như vậy, cần phải hiểu thành quả lao động sáng tạo mà Luật SHTT bảo hộ cho tác phẩm của ông Lộc là bố cục sắp xếp tổng thể các cụm hình ảnh. Cần phải xem xét liệu rằng điều này có đồng nghĩa với việc từng cụm hình ảnh trong tác phẩm của ông Lộc được bảo hộ hay không.
Nguồn gốc của các cụm hình ảnh được thể hiện trong tác phẩm của ông Lộc là những hình ảnh đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời (hình ảnh múa lân, ông địa, liễn chúc Tết, ông đồ viết chữ…), tác giả chỉ thay đổi một số đường nét và sắp xếp theo một bố cục và hình thức thể hiện để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Chính ông Lộc cũng thừa nhận tạo nên bức tranh từ việc lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, tranh Tết dân gian đã được nhiều tác giả thể hiện, mỗi tác giả có bố cục và hình thức thể hiện riêng của mình. Do đó, Tòa án nhận định quyền tác giả của các hình ảnh riêng rẽ đã được lưu truyền lâu đời trong văn hóa dân gian không thể xác định là của ai. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác,[3] mang đặc thù là tính dị bản,[4] được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình. Điều này xuất phát từ đặc trưng phương thức hình thành và lưu truyền tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian thông qua nhiều cách thức khác nhau như bằng ngôn ngữ (lời nói, âm nhạc), hình thể, hành động hoặc biểu đạt thông qua vật thể (bức tranh vẽ, tượng, đồ gốm, trang phục…).[5] Hình thức tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian có thể dưới dạng “sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa”, cụ thể là các hình ảnh trong cụm hình mà ông Lộc sử dụng như ông đồ, ông địa, múa lân ngày Tết… đều xuất phát từ tác phẩm nghệ thuật dân gian. Do đó, ông Lộc không được bảo hộ quyền tác giả đối với từng hình ảnh trong tác phẩm trên mà những hình ảnh này được bảo hộ với vai trò là tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, khi sử dụng những hình ảnh này ông Lộc phải tuân thủ theo quy định về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian của Luật SHTT. Cụ thể, người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải thỏa thuận về việc trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm (khoản 3 Điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP). Thù lao này sẽ góp phần vào việc khuyến khích duy trì, phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.[6] Ông Lộc – người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian vẫn được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình (dưới dạng bố cục tổng thể đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả).
1.2. Căn cứ xác lập quyền tác giả
Khác với một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.[7] Đồng thời, Điều 49 Luật SHTT cũng quy định đăng ký là thủ tục để ghi nhận thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu và không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả. Trong trường hợp không thực hiện thủ tục đăng ký, tác giả có thể gặp khó khăn trong việc chứng minh quyền của mình đối với tác phẩm. Quy định này tương đồng với Công ước Berne và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.[8] Tại các quốc gia đã tham gia Công ước thì việc hưởng và thực hiện các quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật không phải làm bất kỳ thủ tục nào (Điều 5.2 Công ước Berne).
Đối với các loại quyền sở hữu trí tuệ đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng ký và các tài liệu kèm theo. Trong bản án, ông Lộc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, do đó ông không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Tuy nhiên, Tòa án lập luận “quyền tác giả của ông Lộc đối với từng cụm hình riêng rẽ chưa được xác lập” xuất phát từ lý do ông đã gộp chung cả năm cụm hình vào trong một tác phẩm để đăng ký quyền tác giả chứ không đăng ký riêng từng cụm là chưa hợp lý bởi lẽ việc đăng ký hay chưa không phải là căn cứ xác định có bảo hộ hay không. Như đã đề cập, từng hình nhỏ cấu tạo nên tác phẩm của ông Lộc có nguồn gốc từ tác phẩm dân gian, do đó nếu xét riêng từng hình ảnh thì ông Lộc không được bảo hộ quyền tác giả. Việc không bảo hộ không phải xuất phát từ nguyên nhân từng cụm hình này không được ông Lộc đăng ký mà phải xem xét trên cơ sở bản chất của tác phẩm.
2. Xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả
2.1. Quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền tác giả
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật SHTT. Trường hợp người không phải là chủ thể quyền sử dụng bất hợp pháp các quyền này dẫn đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ các trường hợp sử dụng hạn chế. Nguyên tắc độc quyền trong pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng có những ngoại lệ, chủ thể sử dụng tác phẩm được bảo hộ của người khác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, phục vụ trong thư viện công cộng hay những mục đích khác hướng đến cộng đồng thì không bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Một trong những trường hợp đó là quy định về sử dụng hợp lý tác phẩm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ[9] với vai trò là van an toàn truyền thống nhằm cân bằng lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả với lợi ích công cộng trong việc phân phối rộng hơn và sử dụng công trình sáng tạo bằng cách cho phép một số sử dụng hạn chế mà nếu không bị coi là vi phạm. Trong Luật SHTT Việt Nam, nội dung này được ghi nhận tại Điều 25, Điều 26.Trong bản án, bị đơn sử dụng phần hình ảnh có liên quan đến tác phẩm của nguyên đơn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật SHTT.
Tác phẩm bị khai thác, sử dụng bất hợp pháp dẫn đến hành vi xâm phạm quyền tác giả. Mục đích của việc bảo hộ quyền tác giả không chỉ nhằm công nhận nguồn gốc sáng tạo tác phẩm mà còn là sự bù đắp vật chất cho tác giả, chủ sở hữu vì những công sức sáng tạo mà họ đã bỏ ra.[10] Pháp luật quy định xâm phạm quyền tác giả là hành vi xâm phạm bất kỳ một quyền được bảo hộ nào của tác giả và/ hoặc chủ sở hữu tác phẩm đối với tác phẩm được bảo hộ. Xâm phạm quyền tác giả phải là hành vi trái pháp luật. Đối với những quyền thuộc độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thì hành vi trái pháp luật là hành vi sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 28 Luật SHTT. Quy định tại Điều 28 Luật SHTT liệt kê ra 16 nhóm hành vi xâm phạm theo hướng đóng, nhưng trong các văn bản hướng dẫn lại không hướng dẫn chi tiết từng hành vi, dẫn đến trên thực tế việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng: (i) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép; (ii) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép; (iii) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả; (iv) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép; (v) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hóa trái phép. Liên quan đến vụ việc trên, để chứng minh hành vi xâm phạm, cần phải xác định hành vi sử dụng tác phẩm bất hợp pháp của bị đơn, cụ thể là đối tượng được bị đơn sử dụng chính là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả của nguyên đơn nhưng không thực hiện hoạt động xin phép, trả tiền. Tương tự, Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ cũng xác định các độc quyền thuộc về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 106, 107) mà trong trường hợp quyền này do người không được phép sử dụng sẽ dẫn đến hành vi xâm phạm quyền tác giả (Điều 501), trong đó, các quyền tài sản như sao chép, phân phối tác phẩm rất được đề cao.
2.2. So sánh hai đối tượng trong tranh chấp
So sánh đối tượng đang bị xem xét vi phạm và đối tượng được bảo hộ là cơ sở để xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là mối liên kết tác phẩm của nguyên đơn và bị đơn.[11] Theo lời trình bày của Công ty Đăng Viễn, công ty không sử dụng tác phẩm của ông Lộc để trang trí tại showroom của Công ty Mặt Trời Mọc mà đã sưu tầm, mua lại các hình ảnh riêng rẽ tại các website (vectordep.vn, nguyenthehien.com) từ đó thiết kế, sắp xếp, bố cục hình thành hình thức thể hiện không khí Tết dân gian cho tác phẩm trang trí của mình.Trong tranh chấp, bị đơn đã sử dụng những hình ảnh tương đồng với một bộ phận trong cụm hình của ông Lộc, tuy nhiên bộ phận này lại có nguồn gốc từ tác phẩm nghệ thuật dân gian. Mặt khác, đối tượng được bảo hộ đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của nguyên đơn là tổng thể bố cục sắp xếp các cụm hình do đó khó có thể kết luận bị đơn xâm phạm quyền tác giả. Hội đồng xét xử cũng nhận thấy biểu tượng thuộc về văn hóa dân gian được lưu truyền lâu đời thì mỗi người có sự hình dung và thể hiện riêng của mình nhưng bản thân mỗi một biểu tượng riêng rẽ không thể tự thân tạo nên một tác phẩm để thể hiện không khí Tết dân gian mà các biểu tượng này phải được sắp xếp, thể hiện trong những bố cục chỉnh thể thì mới có hình thành nên tác phẩm mang thông điệp và nội dung cụ thể. Do đó, việc Công ty Đăng Viễn cho rằng không sử dụng tác phẩm và không vi phạm quyền tác giả của ông Lộc là có cơ sở để chấp nhận. Việc Công ty Mặt Trời Mọc treo các sản phẩm có nguồn gốc từ tác phẩm nghệ thuật dân gian phải tuân thủ các quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian chứ không có nghĩa vụ pháp lý với ông Lộc.
Giả sử, trong trường hợp tác phẩm của ông Lộc không bắt nguồn từ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian mà hoàn toàn do sự sáng tạo của ông thì việc bị đơn sử dụng một phần tác phẩm để trang trí mà không xin phép, không trả tiền có vi phạm quyền tác giả của ông Lộc hay không? Điều 28 Luật SHTT có quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định…” tuy nhiên không nhấn mạnh việc “sử dụng” này là một phần hay toàn bộ tác phẩm. Theo quan điểm tác giả, không nhất thiết phải sử dụng toàn bộ tác phẩm mà không thực hiện nghĩa vụ mới là hành vi xâm phạm. Việc sử dụng có thể chỉ dừng lại ở một phần của tác phẩm cũng đủ để làm ảnh hưởng đến tính nguyên gốc và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả. Trong tranh chấp Designer Guild v. Williams,[12] nguyên đơn là tác giả của tác phẩm Ixia (1994) phát hiện bị đơn sản xuất và bán tác phẩm tương tự mang tên Marguerite (1995) mặc dù không hoàn toàn giống với tác phẩm của nguyên đơn. Tòa án đã xác định có bảy điểm giống nhau từ hai tác phẩm này và sản phẩm của bị đơn ra đời sau nên việc lấy ý tưởng từ tác phẩm của nguyên đơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới dạng sao chép bất hợp pháp tác phẩm cũng được ghi nhận trong Luật SHTT và Nghị định số 100/2006/NĐ-CP bao gồm cả sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Do đó, trong trường hợp từng cụm hình của tác phẩm không được lấy từ tác phẩm nghệ thuật dân gian thì rất có thể việc sử dụng (dù chỉ một phần) tác phẩm là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Luật Quyền tác giả Nhật Bản cũng ghi nhận “Tác giả có quyền tuyệt đối đối với việc tái bản tác phẩm của mình”, trong đó “tái bản” được hiểu là “một hình thức hữu hình bằng cách in ấn, chụp ảnh, sao chụp, ghi âm, ghi hình hoặc các hình thức khác”[13]. Yếu tố cần cân nhắc khi so sánh hai tác phẩm là liệu sự thể hiện đặc trưng trong tác phẩm nghệ thuật của nguyên đơn có bị lạm dụng không.[14]
2.3. Nghĩa vụ chứng minh
Trong các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề chứng minh hành vi xâm phạm đôi khi rất khó khăn vì tính chất vô hình và trừu tượng của loại tài sản này. Ngay cả khi đã xác định hành vi xâm phạm và thiệt hại xảy ra, trong một số vụ việc Tòa án vẫn phải ấn định mức bồi thường nếu việc xác định chính xác thiệt hại thực tế trở nên khó khăn. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh, trong đó, nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong vụ việc trên, ông Lộc cho rằng tác phẩm mà ông đã đăng ký quyền tác giả là do ông tự tạo, tự vẽ và vẽ vào năm 2012, tuy nhiên, ông không có chứng cứ chứng minh cụ thể, chỉ có thể dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ngày 07/01/2013. Trong khi đó, phía bị đơn trình Biên bản nghiệm thu và thanh lý ngày 05/12/2012 để chứng minh rằng Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Đăng Viễn thi công, lắp đặt, trang trí tại cửa hàng trưng bày số 18 Cộng Hòa, phường 4, Tân Bình đã hoàn thành và hai bên đã nghiệm thu, thanh lý ngày 05/12/2012; trước ngày ông Lộc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Quyền tác giả xác lập khi tác phẩm được sáng tạo ra và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, mặc dù ông Lộc trình bày đã tạo ra tác phẩm năm 2012 nhưng lại không thể chứng minh nên chỉ có thể căn cứ và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả ngày 07/01/2013. Về phía bị đơn và Công ty Đăng Viễn, Biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng dường như chưa đủ sức chứng minh việc đã sử dụng những hình ảnh này trước khi ông Lộc được cấp Giấy chứng nhận.
Đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng, hoạt động chứng minh quyền sở hữu hợp pháp và chứng minh hành vi xâm phạm là rất phức tạp. Mặc dù pháp luật không yêu cầu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng việc đăng ký lại rất có giá trị trong quá trình chứng minh khi có tranh chấp liên quan xảy ra. Do vậy, nên khuyến khích chủ thể quyền đăng ký bảo hộ quyền tác giả để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
CHÚ THÍCH
[1] Vụ Công tác lập pháp, Những nội dung cơ bản của Luật Sở hữu trí tuệ, Nxb. Tư pháp, 2006, tr. 50.
[2] Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan (được sửa đổi theo Nghị định số 85/2011/NĐ-CP).
[3] Điều 23 Luật SHTT.
[4] Phan Tấn Phát và Nguyễn Nho Hoàng, “Quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”, Dân chủ và Pháp luật, số 7, 2012, tr. 20.
[5] Trần Văn Nam (chủ biên), Quyền tác giả ở Việt Nam – Pháp luật và thực thi, Nxb. Tư pháp, 2014, tr. 32.
[6] Nguyễn Thị Triển, “Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học dân gian theo pháp luật Việt Nam”, Tòa án nhân dân, số 11, 2014, tr. 6.
[7] Khoản 1 Điều 6 Luật SHTT.
[8] Điều 408 Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ ; Mục 10 – Điều 75, 76, 77 Luật Quyền tác giả Nhật Bản.
[9] Trong vụ việc Folsom v. Marsh, 9. F.Cas. 342, No. 4,901 (C.C.D. Mass. 1841).
[10] Vũ Thị Phương Lan , “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian theo pháp luật Việt Nam – Một số bất cập về lý luận và giải pháp”, Luật học, số 11, 2006, tr. 28.
[11] Lionel Bently and Brad Sherman, Intellectual property law, Oxford University Press, 2009, 171.
[12] Designers Guild v. Russell Williams [2000] 1 WLR 2416.
[13] Điều 21 và Điều 2(1) Luật Bản quyền Nhật Bản.
[14] Lê Thị Hoàng Thanh và Trương Hồng Quang, “Bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và nhãn hiệu hàng hóa theo pháp luật Nhật Bản và thực tiễn áp dụng”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6, 2011, tr. 20.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 74-80
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời