Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Tác giả: TS. Lê Thị Nam Giang
TÓM TẮT
Vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) được quy định tại Chương 18 của Hiệp định TPP với 83 điều khoản và trong các phụ lục và được đánh giá là sẽ mang lại nhiều thách thức đối với Việt Nam, cả dưới góc độ pháp luật và góc độ thực thi quyền SHTT. Nhìn một cách khái quát nhất, pháp luật SHTT Việt Nam hiện hành đã đáp ứng được phần lớn các quy định về SHTT trong Hiệp định TPP. Tuy nhiên, có một số quy định của Hiệp định TPP chưa được điều chỉnh trong pháp luật Việt Nam hoặc được pháp luật Việt Nam quy định chưa hoàn toàn tương thích. Bài viết dưới đây phân tích một số các nội dung của Hiệp định có tác động lớn đến hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam.
Xem thêm:
- Quy định về sáng chế dược phẩm của hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dược phẩm Việt Nam – TS. Nguyễn Xuân Quang & ThS. Nguyễn Xuân Lý
- Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những thách thức với Việt Nam khi thực thi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ – ThS. Hồ Thúy Ngọc
- Thực thi cam kết trong khuôn khổ hiệp định CPTPP về xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính – ThS. Nguyễn Trọng Luận
- Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại vật chất do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
TỪ KHÓA: Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, Quyền sở hữu trí tuệ, TPP
1. Khái quát quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) chính thức được kýkếtvào ngày 04/02/2016 bởi 12 nước, bao gồm: Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Úc vàViệt Namsau hơn 20vòngđàmphán.[1]
Hiệp định TPP là một trong những hiệp định thương mại tự do điều chỉnh các vấn đề thương mại một cách toàn diện, trong đó có nhiều vấn đề mà các hiệp định thương mại tự do trước đó không quy định. Hiệp định TPP có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầuvàđược xemlà một hiệp định thương mại tựdo thế hệ mới được – kỳvọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.[2]
Vấn đề SHTT được quy định tại Chương 18 của Hiệp định TPP với 83 điều khoản và trong các phụ lục. Hiệp định TPP được ký kết trong bối cảnh các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển đẩy mạnh việc bảo hộ quyền SHTT trong hoạt động thương mại quốc tế và trên thực tế đã tồn tại khoảng 30 điều ước quốc tế đa phương về quyền SHTT trong đó có Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).[3] Các thành viên tham gia đàm phán Hiệpđịnh TPP đều đã là thành viên của Hiệpđịnh TRIPS và của các điều ước quốc tế quan trọng về SHTT như Côngước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, Công ước Paris về sở hữu công nghiệp. Vì vậy, Hiệp định TPP không quy định một cách chi tiết và đầyđủ các nội dung trong bảo hộ từng đối tượng SHTT như Hiệp định TRIPS mà quy định theo hướng một mặt đưa ra cáctiêu chuẩn bảo hộ cao hơn quy định của Hiệp định TRIPS, mặt khác bổ sung một số nội dung chưa được quy định hoặc được quy định chưa cụ thể trong Hiệp định TRIPS. Do đó, có thể khẳng định, các cam kết về SHTT trong Hiệp định TPP là cao hơn các cam kết trong Hiệp định TRIPS.
Với 83 điều khoản, các quy định về SHTT trong Hiệp định TPP được thiết kế thành 11 mục, bao gồm: (i) Những quy định chung; (ii) Hợp tác; (iii) Nhãn hiệu; (iv) Tên quốc gia; (v) Chỉ dẫn địa lý; (vi) Sáng chế và dữ liệu bí mật hoặc các dữ liệu khác; (vii) Kiểu dáng công nghiệp; (viii) Quyền tác giả và quyền liên quan; (ix) Thực thi; (x) Các nhà cung cấp dịch vụ Internet; (xi) điều khoản cuối cùng.
Bên cạnh việc quy định các nguyên tắc chung trong bảo hộ quyền SHTT như nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyêntắc minh bạch, nguyên tắc cạn quyền, Hiệp định TPP còn có các quy định cụ thể về một số đối tượng của quyền SHTT. Ví dụ, đối với nhãn hiệu, Hiệp định TPP quy định:(i) các dấu hiệu có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu; (ii) về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; (iii) về quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký trong việc ngăn cản không cho các bên thứ ba sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự trong hoạt động thương mại nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu cho hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến những hàng hóa hoặc dịch vụ của nhãn hiệu đã đăng ký của chủ sở hữu, nếu việc sử dụng đó có khả năng gây ra nhầm lẫn; (iv) về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng; (v) về thiết lập một hệ thống cho việc thẩm định và đăng ký các nhãn hiệu; (vi) về thiết lập hệ thống quản lý nhãn hiệu điện tử; (vii) về việc thông qua hoặc duy trì một hệ thống phân loại nhãn hiệu phù hợp với Hiệp ước Nice về Phân loại hàng hoá và dịch vụ quốc tế phục vụ đăng ký nhãn hiệu; (viii) về thời hạn bảo hộ nhãn hiệu; (ix) về nghĩa vụ không được quy định đăng ký hợp đồng li xăng nhãn hiệu như điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Hiệp định TPP chú trọng vào vấn đề thực thi quyền SHTT, trong đó có một số quy định cao hơn các quy định về thực thi quyền SHTT trong hiệp định TRIPS và trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt quy định về áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, quy định về kiểm soát quyền SHTT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Nhìn một cách tổng quát nhất, trên cơ sở so sánh đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể khẳng định, phần lớn các quy định trong Hiệp định TPP đã được điều chỉnh trong pháp luật SHTT Việt Nam ở mức độ khá tương thích. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định của Hiệp định TPP chưa được pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoặc được pháp luật Việt Nam quy định nhưng chưa hoàn toàn tương thích với Hiệp định TPP, đòi hỏi pháp luật Việt Nam phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời vấn đề này cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và cơ quan thực thi quyền SHTT phải có sự chuẩn bị về nhân lực và kỹ thuật nhằm đảm bảo thực thi cóhiệu quả các quy định của Hiệp định TPP.
Trong phạm vi một bài nghiên cứu, chúng tôi không tham vọng có thể giới thiệu tất cả các nội dung về SHTT trong Hiệp định TPP mà chỉ phân tích một số thách thức đối vớihệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định TPP, tập trung vào các vấn đề: (i) nghĩa vụ tham gia một số điều ước quốc tế về SHTT; (ii) thực hiện nguyên tắc minh bạch trong công bố thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN); (iii) sự mở rộng phạm vi bảo hộ, tiêu chuẩn bảo hộ, thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng SHTT; (iv) vấn đề kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế.
2. Một số thách thức đối với Việt Namkhi thực hiện các cam kết trong Hiệp định TPP
2.1. Nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ
Tiếp nối cách tiếp cận của Hiệp định TRIPS,[4] Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên phải gia nhập hoặc phê chuẩn một số điềuước quốc tế quan trọng về SHTT. Nếu căn cứ vào thời điểm mà các thành viên phải thực hiện nghĩa vụ này thì có thể chia cácđiều ước quốc tế được liệt kê trong Hiệp định TPP quy định thành hai nhóm.[5] Thứ nhất,các điều ước quốc tế mà các thành viên phải đảm bảo làđã phê chuẩn hoặc gia nhập ngay trong quá trình đàm phán, bao gồm: (i) Hiệp ước Hợp tác về bằng sáng chế (Hiệp ước PCT – 1979); (ii) Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu công nghiệp (1967); và (ii) Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (1971). Thực ra, ngay từ Hiệp định TRIPSđã cóquyđịnh về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của WTO phải tuân thủ các quy định của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.[6] Tuy nhiên, Hiệp định TRIPS không yêu cầu các thành viên phải gia nhập các điều ước quốc tế này mà chỉ yêu cầu phải tuân thủ các nội dung kinh tế của các điều ước quốc tế trên. Hiệp định TPP yêu cầu ở mức độ cao hơn Hiệp định TRIPS khi quy định các quốc gia thành viên phải gia nhập các điềuước quốc tế này. Đối với trường hợp của Việt Nam, quy định này không đặt cho chúng ta bất cứ thách thức nào vì Việt Nam đã là thành viên của các điều ước quốc tế nêu trên từ trước thời điểm tham gia đàm phán Hiệp định TPP.[7] Nhóm thứ hai, các điều ước quốc tế mà các thành viên phải phê chuẩn hoặc gia nhập không muộn hơn ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với thành viên, có tính đến thời hạn chuyển tiếp đối với một số thành viên, bao gồm:
Nghị định thư liên quan đến Hiệp định Madrid về Đăng ký nhãn hiệu quốc tế (1989);
Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế về việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm phục vụ thủ tục về bằng sáng chế(1977),sửa đổi năm 1980 (sau đây gọi tắt là Hiệp ước Budapest);
Công ước quốc tế với các quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (1991);
Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu (2006);
Hiệp ướcWIPO về Quyền tác giả (1996) (sau đây gọi tắt là Hiệp ước WCT); và
Hiệp ướcWIPO về Biểu diễn và bản ghi âm (1996) (sau đây gọi tắt là WPPT).
Trong số các điều ước quốc tế nêu trên, hiện nay Việt Nam chưa tham gia bốn điều ước quốc tế là: (i) Hiệp ước Budapest; (ii) Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu; (iii) Hiệp ước WCT; (iv) Hiệp ước WPPT. Thời hạn cho Việt Nam gia nhập Hiệp ước Budapest là hai năm, đối với Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT là ba năm. Trong số các điều ước quốc tế trên, Hiệp ước WCT quy định bổ sung cho Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet, Hiệp ước WPPT là sự quy định bổ sung cho Công ước Rome (1961)[8] về bảo hộ quyền của người biểu diễn và người ghi âm trong môi trường Internet. Việc gia nhập các điều ước quốc tế nêu trên chắc chắn sẽ tác động đến pháp luật SHTT Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ không đi vào phân tích các tác động của các điều ước quốc tế trên đến hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam.
2.2. Các yêu cầu về tính minh bạch trong công bố thông tin sở hữu trí tuệ
Trong lĩnh vực SHTT, yêucầu vềtính minh bạchđược quyđịnh tạiĐiều 18.9 và tại một số điều khoản khác của Hiệp định TPP, ví dụ như điều 18.73, Điều 18.45. Theo đó, Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên phải nỗ lực để đăng tải các văn bản pháp luật, các quy định, thủ tục và quy định hành chính áp dụng chung liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình trên Internet.CácThành viên, tùy thuộc vào pháp luật của mình, phải nỗ lực đăng tải các thông tin được công bố về đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và quyền đối với giống cây trồng trên Internet. Các Thành viên cũng phải nỗ lực đăng tải các thông tin được công bố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và quyền đối với giống cây trồng đã được đăng ký hoặc cấp văn bằng bảo hộ trên Internet một cách đầy đủ nhằm thông tin đến công chúng các đối tượng đã được đăng ký hoặc bảo hộ đó.
Pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của TPP về việc công bố các văn bản pháp luật trên mạng Internet. Điều150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về việc đăng Công báo(Công báo in và Công báo điện tử) toàn văn bản quy phạm pháp luật, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Điều 157Luật này quy định về việc đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. LuậtCông nghệ thông tin năm 2006 cũng quy định tại Điều 28(2) về việc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản pháp luật có liên quan;vàcácquytrình, thủ tục hành chính được thực hiện bởi các đơn vị trực thuộc, tên của người chịu trách nhiệm trong từng khâu thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính. Ngoài ra, một loạt các văn bản pháp luật khác của Việt Nam như Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về việc Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật cũng đã làm rõ các quy định này.
Thực tế tại Việt Nam, trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), các thông tin về đơn đăng ký các đối tượng SHCN, thông tin về văn bằng bảo hộ và các thông tin khác liên quan đến quyền SHCN như đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN, đăng ký hợp đồng li xăng quyền SHCN đã được đăng tải trên Công báo SHCN và trên Website của Cục SHTT Việt Nam. Ngoài ra, Cục SHTT Việt Nam vừa mới mở thêm cơ sở dữ liệu: Thư viện về Bằng Sáng chế của Việt Nam, dù mới là phiên bản thử nghiệm nhưng đây thực sự là nguồn thông tin hữu ích cho hoạt động sáng chế tại Việt Nam. Các thông tin về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cũng được đăng tải trên website của Cục Bản quyền tác giả. Như vậy về góc độ pháp luật, pháp luật Việt Nam đã có các quy định nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin SHTT. Vấn đề đặt ra là hiện nay, hệ thống cơ sở thông tin của Cục SHTT Việt Nam và của Cục Bản quyền tác giả chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tra cứu các thông tin này nên thường xảy ra tình trạng quá tải hoặc tạm thời không hoạt động. Mặt khác, cơ sở dữ liệu đó chưa thực sự đầy đủ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Ngoài ra, đối với nghĩa vụcông bốthông tin được Hiệp định TPP quy định cho một số đối tượng SHCN cụ thể như sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nếu so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành cũng còn một số điểm chưa phù hợp. Đơn cử, đối với sáng chế, Điều 18.45 quy định đối với các đơn xin cấp bằng sáng chế được công bố và các bằng sáng chế đã cấp, mỗi Bên phải công bố cho công chúng ít nhất các thông tin sau đây, trong phạm vi mà thông tin đó là thuộc quản lý của cơ quan có thẩm quyền và được tạo ra vào ngày có hiệu lực của Hiệp định TPP hoặc sau đó đối với Bên đó: (a) kết quả tra cứu và thẩm định, bao gồm thông tin chi tiết, hoặc các thông tin có liên quan đến tình trạng kỹ thuật có liên quan; (b) thông tin công khai từ người nộp hồ sơ, nếu thích hợp; và (c) trích dẫn liên quan hoặc không liên quan tới bằng sáng chế cung cấp bởi người nộp đơn và các bên thứ ba liên quan. Về công bố thông tin sáng chế, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định nội dung công bố đơn sáng chế bao gồm các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ, kể cả đối với đơn tách được công bố trên Công báo SHCN, gồm các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ về mặt hình thứcghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ (chuyển nhượng đơn, tách đơn, số đơn gốc của đơn tách…); bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có)… Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN cũng quy định mọi người đều có thể tiếp cận với các thông tin chi tiết về bản chất đối tượng nêu trong đơn được công bố trên Công báo SHCN hoặc yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp các thông tin đó và phải nộp phí cung cấp thông tin theo quy định.
So sánh các quy định trên với Hiệp định TPP về công bố thông tin sáng chế, có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về nghĩa vụ công bố một cách đầy đủ và chi tiết các thông tin như theo yêu cầu tạiĐiều 18.45 của Hiệp địnhTPP, đặc biệt thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật của sáng chế, thông tin chi tiết về kết quả tra cứu và thẩm định đơn sáng chế. Thực hiện yêu cầu của Hiệp định TPP sẽ là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước về SHTT nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể sáng tạo và cho công chúng. Với nguồn thông tin đầy đủ và chi tiết về sáng chế, bất cứ ai quan tâm đều có thể tiếp cận để biết đựợc tình trạng kỹ thuật của sáng chế, tránh nghiên cứu lặp lại cũng như có thể mở ra hướng nghiên cứu mới và tránh xâm phạm quyền đối với sáng chế một cách chủ động. Đây cũng là một kênh thông tin hiệu quả, giám sát từ xã hội đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc xác lập và chấm dứt quyền đối với sáng chế.
2.3. Sự mở rộng đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ và thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng sở hữu trí tuệ
Đối với nhãn hiệu, Điều 18.8 Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên không được quy định nhãn hiệu phải nhìn thấy được bằng thị giác như một điều kiện bắt buộc để được bảo hộ và đồng thời yêu cầu các thành viên phải mở rộng sự bảo hộ đến các nhãn hiệu âmthanh vànhãn hiệu mùi hương.
Đối chiếu với pháp luật Việt Nam, Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định một trong những điều kiện bắt buộc để nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam là phải được cấu tạo từ “dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương.
Thực hiện cam kết trong Hiệp định TPP, pháp luật SHTT Việt Nam sẽ phải thay đổi theo hướng mở rộng dấu hiệu bảo hộ nhãn hiệu đến nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương. Việc mở rộng bảo hộ này sẽ dẫn đến một loạt các thay đổi trong quy định của pháp luật đặc biệt các quy định liên quan đến việc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu mùi hương và nhãn hiệu âm thanh trong thẩm định nội dung nhằm cấp văn bằng bảo hộ cũng như trong việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu này. Đồng thời việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hươngcũng đặt cho cơ quan thực thi quyền SHTTrất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nguồn nhân lực. Bởi lẽ, việc đánh giá tính tương tự hay trùng lắp đối với các nhãn hiệu này nhằm xác định hành vi xâm phạm là rất phức tạp, đặc biệt đối với nhãn hiệu mùi hương.
Đối với sáng chế, Điều 18.37 Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên bảo hộ sáng chế thuộc một trong các trường hợp sau: cách sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết, phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã biết, hoặc quy trình mới của một sản phẩm đã biết. Các quy định trên của Hiệp định TPP nhằm hướng đến sự bảo hộ cao hơn cho các sáng chế trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là đối với dược phẩm và phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh. Tuy nhiên Hiệp định TPP cho phép các thành viên có quyền lựa chọn một trong ba cách bảo hộ trên.
Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định về việc bảo hộ sáng chế đối với cách sử dụng mới của một sản phẩm đã biết. Đối với phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã biết hoặc quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã biết, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn bảo hộ, nếu phương pháp hoặc quy trình đó đáp ứng các điềukiện về tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, đạtđược trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý là Điều 59 Luật SHTTViệt Nam đãloại trừ việc bảo hộ sáng chế đối với phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật. Điều nàycũng phù hợp vớiquy định của Hiệp định TPP.
Đối với kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Điều18.55 Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên phải bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả đối với KDCN và việc bảo hộ KDCN phải áp dụng cho những kiểu dáng: (i) được thể hiện ở một phần của một sản phẩm; hoặc, (ii) liên quan đặc biệt đến một phần của một sản phẩm trong tổng thể của toàn bộ sản phẩm. Pháp luật Việt Nam hiện hành đãquy định về bảo hộ KDCN, nếu đáp ứng điều kiện là hình dáng bên ngoài của sản phẩm có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Trên thực tế, một bộ phận của sản phẩm, nếu có thể tách rời cũng được bảo hộ KDCN theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định của Hiệp định TPP, pháp luật Việt Nam cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn, đối với trường hợp KDCN được thể hiện ở một phần của một sản phẩm nhưng không phải là một bộ phận có thể tách rời khỏi sản phẩm thì có được pháp luật Việt Nam bảo hộ hay không?
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng được bảo hộ đối với nhãn hiệu và sáng chế, Hiệp định TPP quy định thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng SHTT caohơnthời hạn được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành, thậm chí cao hơn quy định của Hiệp định TRIPS. Trong lĩnh vực bản quyền, đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mà thời hạn được tính trên cơ sở đời người của tác giả, Hiệp định TPP yêu cầu thời hạn được bảo hộ không ít hơn cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả chết. Thời hạn này trong pháp luật Việt Nam hiện hành và theo quy định của Hiệp định TRIPS là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Đối với kết quả thử nghiệm và dữ liệu bí mật về nông hóa phẩm. Hiệp định TPP yêu cầu các thành viên quy định thời hạn bảo hộ ítnhất là 10 năm, So sánh với pháp luật Việt Nam, theo đó thời hạn bảo hộ kết quả thử nghiệm và dữ liệu bí mật được quy định là 05 năm kể từ ngày người nộp đơn được cấp phép. Thời hạn để Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của Hiệp định TPP về bảo hộ đối với kết quả thử nghiệm và dữ liệu bí mật về nông hóa phẩm là 5 năm.
2.4.Về điều chỉnh thời hạn hiệu lực của bằng sáng chế
Một trong những điểm mới đối với pháp luật SHTT Việt Nam hiện hành chính là quy định của TPP về việc điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do bị rút ngắn bất hợp lý bởi lỗi của cơ quan cấp bằng sáng chế. Theo Điều 18.46 Hiệp định TPP, mỗi thành viên phải nỗ lực hết sức để xử lý đơn sáng chế một cách có hiệu quả và kịp thời, với mục tiêu tránh những chậm trễ không cần thiết và bất hợp lý. Trong trường hợp có sự chậm trễ bất hợp lý của một thành viên trong việc cấp bằng sáng chế, thành viên đó phải quy định các biện pháp để, và theo đề nghị của chủ sở hữu bằng sáng chế phải điều chỉnh thời hạn bằng sáng chế nhằm bù đắp cho những chậm trễ. Được coi là sự chậm trễ bất hợp lý nếu việc cấp bằng sáng chế kéo dài ít nhất là trên 5 năm kể từ ngày nộp đơn hoặc 3 năm sau khi có đề nghị thẩm định đơn sáng chế, tùy thời điểm nào muộn hơn. Tuy nhiên, để xác định sự chậm chễ bất hợp lý trong việc cấp bằng sáng chế, những khoảng thời gian không xảy ra trong quy trình xử lý hoặc thẩm định đơn sáng chế của cơ quan cấp bằng sáng chế hoặc những khoảng thời gian do lỗi của người nộp đơn sẽ bị loại trừ. Riêng đối với sáng chế dược phẩm, Hiệp định TPP tại Điều 18.48 quy định các thành viên phải có các quy định điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế để bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế vì sự rút ngắn bất hợp lý thời hạn bảo hộ hiệu quả của sáng chế do quá trình nộp đơn cấp phép lưu hành.
Quy định này của Hiệp định TPP đòi hỏi pháp luật Việt Nam phải có sự bổ sung cho phù hợp đồng thời đặt ra cho Cục SHTT Việt Nam nhiệm vụ phải đảm bảo thời gian cho việc thẩm định và cấp bằng sáng chế.
3. Kết luận
Hiện nay, SHTT là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Các phân tích trong nội dung bài viết cho thấy, một số cam kết về SHTT trong Hiệp định TPP là cao hơn so với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thậm chí cao hơn quy định của Hiệp định TRIPS. Đây cũng là khuynh hướng của các quốc gia phát triển trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, cố gắng đạt được sự thỏa thuận bảo hộ quyền SHTT ở mức độ ngày càng cao hơn và đầy đủ hơn so với các quy định của WTO trong Hiệp định TRIPS. Do đó, việc thực thi các quyđịnhvề SHTT trong Hiệp định TPP mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức về cả lĩnh vực pháp luật lẫn thực thi pháp luật, từ góc độ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đến đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi quyền SHTT. Thực hiện các quy định về SHTT trong Hiệp định TPP cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ việc đăng kýquyền SHTT và cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp.
CHÚ THÍCH
*TS Luật học, giảng viên Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ.
[1] Việc đàm phán Hiệp định TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement– còn được gọi tắt là P4) – một hiệp định thương mại tự do được ký kết năm 2005, có hiệu lực từ tháng 5/2006 giữa 4 nước: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Khởi động đàm phán từ năm 2008, sau hơn 20 vòng đàm phán, đến ngày 5/10/2015 Bộ trưởng 12 nước tham gia mới chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Ngày 04 tháng 02 năm 2016, Hiệp định chính thức được ký kết.
[2] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức – Hành động của chúng ta”, Báo điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN, truy cập ngày 30/3/2016.
[3] Hiệpđịnh TRIPS được ký kết ngày 15/4/1994, có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên của WTO.
[4] Hiệp định TRIPS là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên trong lĩnh vực SHTT yêu cầu các thành viên phải tuân thủ các nội dung của một số điều ước quốc tế đa phương quan trọng về SHTT như Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, Công ước Paris về Sở hữu công nghiệp…
[5] Điều 18.7 của Hiệp định TPP không phân chia rõ ràng về các giai đoạn mà các thành viên phải gia nhập các điều ước quốc tế được liệt kê trong điều này. Tuy nhiên, căn cứ vào lời văn tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18.7 của Hiệp định TPP có thể thấy rằng nghĩa vụ của các thành viên trong việc phê chuẩn/ gia nhập các điều ước quốc tế được chia thành 02 giai đoạn. Đối với các điều ước quốc tế được liệt kê trong khoản 1 Điều 18.7, các thành viên phải tuân thủ ngay trong quá trình đàm phán, các điều ước quốc tế được kê tại khoản 2, các thành viên phải tuân thủ khi Hiệp định TPP có hiệu lực, có tính đến giai đoạn chuyển tiếp đối với một số thành viên trong đó có Việt Nam.
[6] Được quy định tại Điều 2, Điều 9 và một số điều khoản khác trong Hiệp định TRIPS.
[7] Việt Nam là thành viên Công ước Paris từ năm 1949, là thành viên của Hiệp ước hợp tác quốc tế về sáng chế từ ngày 10/03/1993, là thành viênCôngước Bernetừ 26/10/2004 (thông tin chi tiết có thể truy cập tại www.wipo.int).
[8] Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng. Việt Nam là thành viên Công ước từ năm 2007.
- Tác giả: TS. Lê Thị Nam Giang
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(98)/2016 – 2016, Trang 3-9
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý