Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam
Tác giả: TS. Nguyễn Xuân Quang & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
TÓM TẮT
Quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Quyền này có thể được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam hiện chưa có trường hợp nào quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Bài viết phân tích các nguyên nhân để từ đó đưa ra các kiến nghị tương ứng.
Xem thêm bài viết về “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”
- Các quy định mới về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự 2015 và tác động đến lợi ích của các doanh nghiệp – ThS. Nguyễn Hải An
Sau 10 năm kể từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (2007-2017) Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn hội nhập một cách tổng quát. Mặc dù vậy, những thành tựu liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang gặp phải rất nhiều rào cản để có thể phát huy được vai trò quan trọng của mình trong việc góp sức vào phát triển kinh tế đất nước. Các quy chế pháp lý hiện nay đối với việc xem xét quyền SHTT như một loại tài sản nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ như các tài sản truyền thống khác vẫn còn mang tính hạn chế.
Bài viết lý giải các nguyên nhân của sự hạn chế nói trên, đồng thời phân tích các khả năng pháp lý để quyền SHTT được xem như một loại tài sản được sử dụng trong giao lưu dân sự của các cá nhân, tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng khi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được đưa vào áp dụng vào 1/1/2017. BLDS năm 2015 phải là công cụ pháp lý hữu hiệu để góp phần thúc đẩy việc sử dụng quyền SHTT nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bên cạnh các tài sản hữu hình truyền thống.
Xem thêm bài viết về “Giao dịch bảo đảm”
- Hoàn thiện các quy định chung về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2005 – TS. Lê Minh Hùng
1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 thì “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”[1] Quyền SHTT là quyền tài sản, do đó quyền SHTT là tài sản theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015.[2] Đồng thời, Điều 115 BLDS năm 2015 quy định “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ…”. Như vậy, nếu quyền SHTT là tài sản thì tài sản này có thể được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Một tổ chức, cá nhân có quyền SHTT là sáng chế, kiểu dáng, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng đang trong thời hạn bảo hộ có giá trị kinh tế, thì trong thời gian đối tượng quyền SHTT đó được bảo hộ, chủ sở hữu của đối tượng quyền đó có quyền khai thác những lợi ích kinh tế phát sinh từ quyền SHTT của mình. Việc khai thác có thể thông qua các biện pháp như sản xuất sản phẩm dựa trên bằng độc quyền sáng chế và quyền tác giả, chuyển nhượng hoặc chuyển giao bằng độc quyền sáng chế và quyền tác giả cho cá nhân, tổ chức khác, cấp quyền sử dụng quyền SHTT cho người khác có thu phí. Đặc biệt, bằng quyền SHTT của mình, chủ sở hữu quyền có thể “dùng quyền SHTT làm đòn bẩy để thu hút vốn từ các nhà đầu tư, sử dụng quyền SHTT làm tài sản bảo đảm trong giao dịch cấp vốn có bảo đảm…”[3]
Với tư cách là một quyền tài sản theo quy định của BLDS năm 2015 thì quyền SHTT hoàn toàn có thể được sử dụng như tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại Việt Nam có khả năng nhận các đối tượng của quyền SHTT như là tài sản bảo đảm, thì đây được xem là một bước tháo gỡ rất quan trọng cho vấn đề về vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam không có nhiều tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc hay đất đai. Riêng đối với các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, dược phẩm, giống cây trồng thì tài sản của các doanh nghiệp này có thể là các sáng chế đối với dược phẩm, phần mềm máy tính và giống cây trồng là đối tượng của quyền SHTT. Nếu những quyền SHTT này được các ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng như những tài sản đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thì điều này sẽ tạo nên một động lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng quyền SHTT nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dường như chưa diễn ra. Điều này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân được phân tích dưới đây.
1.1. Nguyên nhân chủ quan
Trong số các nguyên nhân chủ quan của tình hình nói trên, có thể liệt kê một vài nguyên nhân điển hình sau:
Thứ nhất, năng lực nghiên cứu, sáng tạo của Việt Nam còn hạn chế khiến cho số lượng đối tượng của quyền SHTT được tạo ra ở Việt Nam chưa nhiều. Trong số các tài sản thường được dùng để làm tài sản bảo đảm một cách có hiệu quả có thể kể đến các sáng chế. Tuy nhiên, số lượng sáng chế được tạo ra tại Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Các số liệu thống kê dưới đây của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tính đến tháng 11/2016 cho thấy số lượng sáng chế được cấp cho các (tổ chức, cá nhân thường trú) tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan, và Malaysia trong các năm 2013, 2014 và 2015 như sau:
Quốc gia | 2013 | 2014 | 2015 |
---|---|---|---|
Việt Nam | 4 | 36 | 63 |
Thái Lan | 5 | 73 | 83 |
Singapore | 6 | 402 | 446 |
Malaysia | 7 | 344 | 344 |
Bên cạnh đó, số lượng bằng sáng chế tính đến tháng 11/2016 của các quốc gia nêu trên được bảo hộ ở nước ngoài được thể hiện ở bảng thống kê sau:[4][5][6][7]
Quốc gia | 2013 | 2014 | 2015 |
---|---|---|---|
Việt Nam | 11 | 24 | 25 |
Thái Lan | 114 | 125 | 157 |
Singapore | 1862 | 2075 | 2281 |
Malaysia | 432 | 512 | 565 |
Như vậy có thể thấy năng lực nghiên cứu, sáng tạo của Việt Nam đối với sáng chế so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là không cao. Đây là kết quả của nhiều hạn chế trong những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)[8] của các tổ chức doanh nghiệp cũng như các cá nhân ở Việt Nam. Do vậy, việc xem xét, đánh giá cũng như nhận thức về giá trị kinh tế của quyền đối với sáng chế nói riêng hay quyền SHTT nói chung là chưa được cân nhắc một cách đúng mức ở Việt Nam.
Thứ hai, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như cá nhân vẫn chưa ý thức cao với việc bảo hộ tài sản trí tuệ do mình tạo ra. Việc xem tài sản trí tuệ như là một trong các nguồn lực tài chính chủ yếu của doanh nghiệp dường như chưa được chú trọng.Trên thực tế, quyền SHTT có thể giúp các doanh nghiệp thu hút nguồn vốn cũng như giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể dùng tài sản trí tuệ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nếu quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân đó được xem là có giá trị kinh tế cao. Mặc dù vậy, việc sử dụng các đối tượng quyền SHTT như là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ở Việt Nam dường như chưa diễn ra.
1.2. Nguyên nhân khách quan
Những nguyên nhân dưới đây là những nguyên nhân khách quan khiến cho việc dùng quyền SHTT như tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ ở Việt Nam còn hạn chế.
1.2.1. Tính vô hình của tài sản trí tuệ
Bản thân quyền SHTT là tài sản vô hình, chính vì lẽ đó việc nhận biết sự tồn tại của tài sản trí tuệ đồng nghĩa với việc nhận biết sự tồn tại của các thông tin, tri thức, cũng như sự tồn tại của các quyền năng mà chủ sở hữu quyền SHTT có được.
Xuất phát từ tính chất vô hình của tài sản trí tuệ, việc cầm giữ quyền SHTT để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ như phương cách truyền thống là khó thực hiện ở Việt Nam. Bởi lẽ, khi tài sản là vô hình thì chủ sở hữu quyền SHTT cũng như người nhận bảo đảm sẽ không có quyền chiếm hữu hay chi phối như đối với đối tượng là tài sản hữu hình.
Bên cạnh đó, do tính chất vô hình của quyền SHTT nên một khi quyền SHTT bị xâm phạm thì tác động đến quyền SHTT lớn hơn nhiều so với tài sản thông thường. Trong một số trường hợp, việc sử dụng, khai thác bình thường đối tượng quyền đó không còn. Chẳng hạn như trường hợp việc một cá nhân sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm văn học của mình làm tài sản thế chấp tại một tổ chức tín dụng. Khi tác phẩm văn học đó bị xâm phạm (bị sao chép trên mạng Internet) thì việc khai thác bình thường của tác phẩm đó đã bị ảnh hưởng cho dù sau đó các biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ tác phẩm văn học trên mạng Internet đã được thực hiện. Trường hợp tác phẩm điện ảnh Bụi đời Chợ Lớn là một ví dụ điển hình của việc tác phẩm điện ảnh bị xâm phạm và do đó không thể khai thác thương mại tác phẩm này sau đó.
1.2.2. Việc bảo hộ có thời hạn
Nhằm cân bằng quyền tiếp cận của công chúng và hạn chế độc quyền của chủ sở hữu quyền, pháp luật các nước quy định thời hạn bảo hộ đối với các đối tượng của quyền SHTT. Tùy từng loại quyền được xác lập mà thời hạn này là dài, ngắn khác nhau. Chẳng hạn như thời hạn bảo hộ của tác phẩm văn học, nghệ thuật là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả/ đồng tác giả sau cùng chết,[9] 20 năm đối với sáng chế, 5 năm đối với kiểu dáng công nghiệp[10] khiến cho giá trị của tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bị hạn chế. Giá trị kinh tế của một số đối tượng quyền sẽ tăng dần lên cùng với thời gian, nhưng ngược lại giá trị kinh tế của một số đối tượng quyền khác sẽ giảm dần.
Chẳng hạn như đối với các sáng chế mang tính công nghệ, khi công nghệ lỗi thời hoặc trở nên lạc hậu, thì giá trị của quyền SHTT dùng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ sẽ bị giảm sút. Bên cạnh đó, vòng đời công nghệ của các sản phẩm chứa đựng/ tạo bởi/ là đối tượng của quyền SHTT rất ngắn. Do đó, việc sử dụng quyền SHTT để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ có thể mang lại những khó khăn nhất định cho tổ chức, cá nhân nhận bảo đảm. Trong trường hợp đối tượng là kiểu dáng công nghiệp, thì hiện nay thời hạn bảo hộ theo Luật SHTT năm 2005 tối đa là 15 năm.[11] Trong khi đó, bản thân kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm[12] nên bị chi phối bởi các yếu tố khác như thời trang, xu hướng tiêu dùng, xu hướng công nghệ… Điều này khiến cho giá trị của kiểu dáng công nghiệp có xu hướng càng giảm dần cho khi đến hết thời hạn bảo hộ. Đây là lý do vì sao thời hạn bảo hộ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp được gia hạn. Chính vì việc bảo hộ đối tượng quyền SHTT có thời hạn nên điều này đã là một rào cản rất lớn trong việc sử dụng tài sản trí tuệ như biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
1.2.3. Quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn bởi quyền của cá nhân, tổ chức khác
Ngoài việc bị giới hạn bởi thời gian bảo hộ như mục đã nêu trên thì quyền SHTT còn bị giới hạn bởi quyền của những chủ thể, cá nhân khác hoặc vì lợi ích cộng đồng. Đây là những trường hợp các cá nhân, tổ chức khác được quyền sử dụng đối tượng quyền SHTT trong một “phạm vi” nhất định mà không bị xem là vi phạm. Cụ thể là các trường hợp sau:
– Quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.[13] Trong trường hợp này việc thực hiện quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi thích hợp sẽ không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu trí tuệ và chủ sở hữu trí tuệ không được ngăn cấm việc thực hiện đó.
– Quyền sử dụng hợp lý (fair use) đối với tác phẩm: trong một số trường hợp, để đảm bảo quyền tiếp cận của công chúng đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan việc trích dẫn tác phẩm, quyền sao chép có giới hạn tác phẩm để nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy, quyền sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần xin phép chủ sở hữu (nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tùy từng trường hợp cụ thể được công nhận).[14]
– Quyền được bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, vì mục tiêu an ninh quốc gia: trong trường hợp nhất định chủ sở hữu quyền đối với sáng chế phải trao quyền sử dụng bắt buộc sáng chế để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.[15] Trường hợp này còn được gọi là li-xăng cưỡng bức hoặc li-xăng không tự nguyện. Hoặc trong trường hợp nhập khẩu song song, chủ sở hữu quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ sở hữu quyền không thể ngăn chặn việc nhập khẩu song song vào Việt Nam nếu như trước đó sản phẩm mang đối tượng quyền SHTT được đưa vào thị trường một cách hợp pháp, kể cả thị trường nước ngoài.
Các trường hợp nêu trên là những ví dụ điển hình của việc bảo hộ “độc quyền không hoàn toàn” cho chủ sở hữu quyền SHTT. Việc phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích của chủ sở hữu quyền SHTT và các chủ thể khác, cộng đồng và lợi ích của nhà nước là một trong những yêu cầu mang tính tất yếu khác quan mà pháp luật của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải tuân thủ nhằm dung hòa lợi ích của các bên có liên quan. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến cho việc thực hiện quyền năng của chủ thể quyền SHTT không được tuyệt đối. Đây cũng có thể được xem như một trong những rào cản khiến cho việc cân nhắc sử dụng quyền SHTT như là các biện pháp đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bị hạn chế trên thực tế.
1.2.4. Cơ chế định giá quyền sở hữu trí tuệ
Để quyền SHTT được sử dụng như tài sản đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng thì yêu cầu đầu tiên là tài sản trí tuệ đó phải được định giá một cách cụ thể. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, y tế…, quyền SHTT là tài sản chính và có giá trị nhất mà các cá nhân, tổ chức này có được. Bởi lẽ, đối với các cá nhân, tổ chức này giá trị tài sản hữu hình và bất động sản là rất nhỏ. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng tài sản trí tuệ như là một tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng là nhu cầu tất yếu khách quan.
Hiện nay, để tiến hành định giá tài sản trí tuệ thì các phương pháp khác nhau có thể được sử dụng, tùy vào các trường hợp cụ thể như phương pháp dựa theo chi phí, phương pháp dựa theo các thông tin của thị trường và phương pháp dựa theo thu nhập.[16]
– Đối với phương pháp dựa theo chi phí, các chi phí được xác định bao gồm chi phí thực tế (giá trị cần thiết để tạo lập tài sản trí tuệ), chi phí tái tạo (chi phí tái tạo ra một bản sao chính xác của tài sản trí tuệ, sử dụng các phương pháp và vật liệu giống hoặc tương tự), chi phí thay thế (chi phí tạo ra một tài sản trí tuệ tương tự, sử dụng các phương pháp và vật liệu có tác dụng tương tự). Phương pháp chi phí không phù hợp đối với các giao dịch chuyển nhượng quyền SHTT do chi phí và giá trị là các khái niệm không đồng nhất. Đối với phương pháp này, đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật để có thể áp dụng một cách có hiệu quả.
– Đối với phương pháp thị trường, việc định giá được thực hiện trên cơ sở xác định các hoạt động kinh doanh tương đương. Mặc dù vậy đây không được xem là phương pháp định giá đáng tin cậy.
– Đối với phương pháp xác định theo giá, phương pháp này được sử dụng khi người mua và người bán đều có mong muốn chuyển nhượng, chuyển giao cũng như nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao quyền SHTT. Tuy nhiên phương pháp này dễ dẫn đến sai lầm do giá cả và giá trị của quyền SHTT không tương ứng.
– Đối với phương pháp thu nhập, đây được xem là phương án tối ưu vì việc xác định giá trị quyền SHTT dựa vào kế hoạch kinh doanh, thị trường và dữ liệu đầu vào của hoạt động kinh doanh để từ đó có thể xác định thu nhập. Do đó, nếu thông tin không đúng thì tài sản trí tuệ được định giá không chính xác.
Do tính chất phức tạp của việc định giá tài sản trí tuệ trên thực tế, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam tuy có nhu cầu nhận quyền SHTT như tài sản để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ nhưng với năng lực hiện tại cũng không thể thực hiện được trên thực tế do các công cụ, tiêu chí định giá hiện tại chưa rõ ràng cụ thể.
1.2.5. Cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là quyền sở hữu trí tuệ
Khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng và đủ thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã được đảm bảo. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào việc định giá quyền SHTT. Do việc định giá quyền SHTT như đã nêu ở phần 1.2.4 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên khi xử lý quyền SHTT cũng không thực hiện được.
Ngoài ra, cần phải dự liệu các tình huống khác nhau có khả năng xảy ra. Đối với trường hợp cần phải xử lý tài sản trong khi đó quyền SHTT lại được sử dụng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ thì cần có quy định cụ thể. Trong những tình huống xử lý tài sản trí tuệ, phải lưu ý về thứ tự được ưu tiên thanh toán khi một tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm theo quy định tại Điều 296 BLDS năm 2015.
1.2.6. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn yếu
Một trong các điều kiện để các tổ chức tín dụng hoặc người nhận bảo đảm dùng tài sản trí tuệ như một loại tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyền SHTT phải được bảo hộ một cách chặt chẽ. Trong khi đó, tại Việt Nam tình trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra một cách phổ biến. Chẳng hạn như theo thống kê của Liên minh Phần mềm (BSA) thì số lượng phần mềm máy tính bị vi phạm ở Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới. Năm 2013, 81% máy tính ở Việt Nam vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm.[17]
Theo thống kê thì từ năm 2012 – 2015, các tranh chấp về quyền SHTT được giải quyết trên cả nước gồm 473 vụ do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết, 2047 vụ do công an kinh tế giải quyết, 22441 vụ do quản lý thị trường giải quyết.[18] Trong tình hình xâm phạm quyền SHTT phổ biến như hiện nay với sự góp sức của công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội, truyền thông và internet, việc bảo hộ quyền SHTT là một thách thức lớn lao cho Nhà nước và chủ sở hữu quyền. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng cũng sẽ rất “chần chừ”, “do dự” khi tham gia nhận đảm bảo tài sản trí tuệ của các cá nhân tổ chức khác.
Các vấn đề về thực thi quyền SHTT tại Việt Nam cần phải được khắc phục một cách nhanh chóng. Bởi lẽ, hiện tại nước ta là thành viên của TRIPS cũng như WTO, việc thực thi các cam kết liên quan đến thực thi quyền SHTT một cách có hiệu quả là nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện.[19]
Xem thêm bài viết về “Quyền sở hữu trí tuệ”
- Hết quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính từ thực tiễn của EU và Hoa Kỳ: Kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính – ThS. Nguyễn Trọng Luận
- Bồi thường thiệt hại do giảm sút thu nhập, lợi nhuận khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thanh Thư & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Thực thi cam kết trong khuôn khổ hiệp định CPTPP về xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
2. Kiến nghị
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng tài sản trí tuệ như tài sản bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
2.1. Thiết lập trung tâm định giá tài sản trí tuệ
Để có thể đưa tài sản trí tuệ vào lưu thông dân sự như những tài sản hữu hình truyền thống khác, điều kiện tiên quyết là tài sản trí tuệ đó phải được định giá một cách chính xác. Để có thể thực hiện được yêu cầu này cần phải có trung tâm định giá tài sản trí tuệ. Trung tâm định giá tài sản trí tuệ sẽ thực hiện chức năng định giá tài sản trí tuệ theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức có liên quan (có thu phí) và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thành lập trung tâm này là hết sức cần thiết để đáp ứng các yêu cầu định giá đối với tài sản trí tuệ trong các trường hợp sau:
(i) Góp vốn kinh doanh giữa các cá nhân tổ chức khi tài sản góp vốn là tài sản trí tuệ;
(ii) Sử dụng tài sản đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng;
(iii) Xử lý tài sản bảo đảm;
(iv) Chuyển nhượng/ chuyển giao tài sản trí tuệ;
(v) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước trong một số trường hợp cần thiết; và
(vi) Trong một số trường hợp khác.
Trong quá trình hoạt động của mình, Trung tâm định giá tài sản trí tuệ sẽ có cơ sở dữ liệu kết nối với các cơ quan, tổ chức khác như Cục Bản quyền tác giả, Cục SHTT, Cục Trồng trọt và Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản trí tuệ.
2.2. Thiết lập trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản trí tuệ
Theo Điều 296 BLDS năm 2015 thì một tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tài sản trí tuệ cũng là tài sản, do đó, sẽ không tránh khỏi tình trạng một tài sản trí tuệ được đảm bảo thực hiện cho nhiều nghĩa vụ khác nhau.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể nhận bảo đảm cần có một trung tâm để ghi nhận các trường hợp này. Trung tâm này sẽ làm các thủ tục thông báo công khai để xác lập các thứ tự ưu tiên của quyền lợi bảo đảm. Trung tâm này sẽ có cơ sở dữ liệu kết nối với các cơ quan đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ như Cục Bản quyền tác giả đối với quyền tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ đối với quyền sở hữu công nghiệp, Cục Trồng trọt đối với quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra trung tâm này hoạt động song song và cùng tồn tại với cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
2.3. Tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Đây có thể xem như một biện pháp mang tính hỗn hợp và mang tính vĩ mô nhưng có mối quan hệ nhân quả với việc phát triển các tài sản trí tuệ như tài sản đảm bảo. Chỉ khi tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân được đánh giá, bảo hộ một cách hữu hiệu, thì lúc đó các tài sản trí tuệ mới được xem là tài sản mang lại giá trị cho chủ sở hữu và có thể được các ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ.
Để tăng cường hiệu quả thực thi thì các biện pháp khác nhau sẽ được thực hiện:
(i) Tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT;
(ii) Khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong việc đăng ký xác lập quyền SHTT;
(iii) Các chế tài xử lý xâm phạm quyền SHTT phải nghiêm khắc hơn để nhằm đảm bảo quyền SHTT được bảo vệ chặt chẽ cũng như nhằm mục đích răn đe các chủ thể khác.
Xem thêm bài viết về “Tài sản”
- Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng – ThS. Ngô Thị Vân Anh
- Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân – ThS. Ngô Thị Vân Anh & ThS. Đặng Lê Phương Uyên
- Quy định về “Đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm” trong tố tụng hình sự – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Rủi ro đối với tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Nhật Thanh
- Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
CHÚ THÍCH
[1]* TS, giảng viên Khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
** TS, giảng viên Khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Khoản 1 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 .
[2] Khoản 1 Điều 105 BLDS năm 2015 quy định “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền về tài sản”.
[3] Nguyễn Ngọc Xuân Thảo, Luật Sở hữu trí tuệ, Án lệ, lý thuyết và bài tập vận dụng, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 15.
[4] Statistical Country Profile, Vietnam, nguồn tại: http://www.wipo.int/ipstats/en/statistics/country_profile/profile.jsp?code=VN, truy cập lần cuối 6/3/2017.
[5] Statistical Country Profile, Thailand, nguồn tại: http://www.wipo.int/ipstats/en/statistics/country_profile/profile.jsp?code=TH, truy cập lần cuối 6/3/2017.
[6] Statistical Country Profile, Singapore, nguồn tại: http://www.wipo.int/ipstats/en/statistics/country_profile/profile.jsp?code=SG, truy cập lần cuối 6/3/2017.
[7] Statistical Country Profile, Malaysia, nguồn tại: http://www.wipo.int/ipstats/en/statistics/country_profile/profile.jsp?code=MY, truy cập lần cuối 6/3/2017.
[8] Trong tổng số 7.450 doanh nghiệp tham gia khảo sát về công nghệ của Tổng cục Thống kê năm 2014, chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển – R&D (chiếm 6,23%). Xem thêm: Lương Minh Huân và Nguyễn Thị Thùy Dương, “Thực trạng đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 21/9/2016.
[9] Điều 27 Luật SHTT năm 2005.
[10] Điều 93 Luật SHTT năm 2005.
[11] Khoản 4 Điều 93 Luật SHTT năm 2005 quy định: “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.”
[12] Khoản 13 Điều 4 Luật SHTT năm 2005.
[13] Điều 134 Luật SHTT năm 2005.
[14] Điều 25, 26, 33 và 34 Luật SHTT năm 2005.
[15] Điều 133, 145 và 146 Luật SHTT năm 2005.
[16] Guidance Valuing your intellectual property, nguồn tại: https://www.gov.uk/guidance/valuing-your-intellectual-property, truy cập lần cuối 18/3/2017.
[17] BSA, The Compliance Gap – BSA Global Software Survey, 6/2014, tr. 4.
[18] Báo cáo tổng kết chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012 – 2015.
[19] Điều 41.1 Hiệp định TRIPS.
- Tác giả: TS. Nguyễn Xuân Quang & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 05(108)/2017 – 2017, Trang 03-08
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời