Trên cơ sở cuốn “Bình luận Phần chung Bộ luật Hình sự năm 1999″, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999, đối chiếu với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các chế định trong Phần thứ nhất của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời cũng nêu một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với lý luận và thực tiễn.
Xem thêm:
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Phần thứ nhất. Những quy định chung
Chương một. Điều khoản cơ bản
Chương hai. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự
Chương ba. Tội phạm
Chương bốn. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự
Chương năm. Hình phạt
- Khái niệm, mục đích của hình phạt
- Các hình phạt
Chương sáu. Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội
Chương bảy. Quyết định hình phạt
- Căn cứ quyết định hình phạt
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
- Nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt
- Tổng hợp hình phạt
- Quyết định hình phạt trong một số trường hợp cụ thể
- Miễn hình phạt
Chương tám. Thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt
- Thời hiệu thi hành bản án
- Miễn chấp hành hình phạt
- Giảm mức hình phạt đã tuyên
- Án treo
- Hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
- Tha tù trước thời hạn có điều kiện
Chương chín. Xóa án tích
Chương mười. Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Mục 1. Quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Mục 2. Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
- Mục 3. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
- Mục 4. Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Mục 5. Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Chương mười một. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- Mục 1. Khái niệm, nguyên tắc xử lý
- Mục 2. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại Mục 3. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại
- Mục 4. Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại Mục 5. Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại
LỜI GIỚI THIỆU
Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ngày 20 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015). Đây là Bộ luật Hình sự thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ thể hiện một cách toàn diện chính sách hình sự của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, mà còn là công cụ sắc bén trong, đấu tranh phòng, chống tội phạm; là một đạo luật thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đây mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới về tội phạm và hình phạt. Việc hiểu và áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm là rất quan trọng. Vì vậy, công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự để mọi người, nhất là đối với các cơ quan tiến hành tố tụng v và người tiến hành tố tụng nắm được nội dung cơ bản của Bộ luật, trong đó có những nội dung mới được sửa đổi bổ sung, nhằm áp dụng thống nhất là vấn đề cấp thiết.
Với ý nghĩa trên, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 Phần thứ nhất” của Thạc sỹ Đinh Văn Quế, nguyên Thành viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh tòa Hình sự – Tòa án nhân dân tối cao, người đã cho công bố gần 50 tác phẩm về hình sự và tố tụng hình sự, trong đó có bộ sách bình luận khoa học về Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được các cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư, các giảng viên và sinh viên trong các trường đại học luật và cán bộ làm công tác pháp luật tham khảo.
Trên cơ sở cuốn “Bình luận Phần chung Bộ luật Hình sự năm 1999″, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999, đối chiếu với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các chế định trong Phần thứ nhất của Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời cũng nêu một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với lý luận và thực tiễn.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, tháng 10 năm 2017
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông
NỘI DUNG
PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Bộ luật Hình sự năm 2015 không dùng thuật ngữ phần chung, phần các tội phạm như Bộ luật Hình sự năm 1999 mà quy định hai phần: Phần thứ nhất quy định những vấn đề chung và Phần thứ hai quy định các tội phạm.
Trước hết, Bộ luật Hình sự phải có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền cá nhân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Đây là tư tưởng xuyên suốt thể hiện không chỉ ở các chế định của Phần thứ nhất (Những quy định chung) mà còn thể hiện cả ở Phần thứ hai (Các tội phạm), với phương châm lấy giáo dục, phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đề cao tính nhân đạo, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời giáo dục mọi người có ý thức tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống.
Tội phạm và hình phạt là hai chế định cơ bản, quan trọng nhất của Bộ luật Hình sự, đồng thời để phân biệt luật hình sự với các luật khác. Chỉ có luật hình sự mới được quy định tội phạm và hình phạt. Bộ luật Hình sự quy định “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định hoặc pháp nhân thương mại nào phạm một tội được quy định tại Điều 76 mới phải chịu trách nhiệm hình sự” và “hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự phải do tòa án quyết định”.
Tội phạm và hình phạt có mối liên quan mật thiết với nhau, không có tội phạm nào không có tính phải chịu hình phạt, điều này thể hiện trong từng điều luật quy định về một tội phạm cụ thể ở Phần thứ hai quy định các tội phạm của Bộ luật hình sự, không có tội danh nào lại không có hình phạt, ngược lại không có hình phạt nào trong Bộ luật Hình sự lại không phải là hình phạt của một tội phạm cụ thể.
Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn chia tội phạm thành bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặt biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ luật này quy định rõ hơn, cụ thể hơn, giúp cho việc áp dụng dễ hơn, tránh tình trạng hiểu khác nhau hoặc phải hướng dẫn khi có ý kiến khác nhau. Việc chia tội phạm thành bốn loại có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trên cơ sở đó xây dựng các chế định khác của Phần thứ nhất Bộ luật Hình sự, đồng thời có ý nghĩa trong việc xây dựng một số chế định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hệ thống hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội như: quy định các loại hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội; mở rộng việc áp dụng hình phạt tiền; bỏ hình phạt tử hình ở một số tội phạm.
Các khái niệm, thuật ngữ dùng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chính xác, dễ hiểu hơn, thể hiện sự trong sáng của Các chế định trong Phần thứ nhất của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể, chính xác hơn như: đối với tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chế định chuẩn bị phạm tội hoặc che giấu tội phạm. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên; quy định rõ hơn các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mà Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ mới nêu chung chung như: trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân…
Đối với việc quyết định hình phạt, cũng như các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng được quy định cụ thể hơn, dễ hiểu và dễ áp dụng hơn; bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ trước đây các tòa án chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 của Điều 46, nay Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 như: “Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chống, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được coi là Bộ luật Hình sự mới thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999 không phải vì nó có nhiều chương, nhiều điều hơn mà nó thể hiện được những yêu cầu cơ bản trong một giai đoạn cách mạng mới. Tuy nhiên, để Bộ luật Hình sự năm 2015 thực sự là vũ khĩ sắc bén trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, thì việc hiểu và áp dụng các chế định của Bộ luật này là một việc vô cùng quan trọng.
Chương I: ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN
Điều khoản cơ bản của Bộ luật Hình sự là những điều khoản quy định nhiệm vụ, cơ sở trách nhiệm hình sự, nguyên tắc xử lý và trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đây là những điều khoản có tính nguyên tắc, thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các điều khoản cơ bản của Bộ luật Hình sự không chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu các chế định khác trong Bộ luật Hình sự mà còn có tác dụng áp dụng các điều khoản khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.
1. Nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự
Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm…
TẢI VỀ
Tải về |
---|
Để tải đầy đủ (định dạng PDF) của tài liệu, vui lòng liên hệ: Fanpage Luật sư Online |
Nguồn: Fanpage Luật sư Online