Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại
- Một số vấn đề về chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế – Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài – Bất cập và hướng hoàn thiện
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Công ước Luật Biển 1982
- Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam
TỪ KHÓA: Áp dụng pháp luật, Giải quyết tranh chấp, Thương mại quốc tế, Tố tụng trọng tài, Trọng tài thương mại
TÓM TẮT
Bài viết này làm rõ việc xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế tại trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Trên cơ sở bài viết tập trung xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế là gì, sự cần thiết phải xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế. Đồng thời, các nguyên tắc xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài cũng đã được phân tích theo hai hướng: Trọng tài xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên và trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng. Bài viết đã cố gắng truyền tải và minh họa bằng thực tiễn xử lý của trọng tài thông qua một số vụ việc vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cụ thể.
Thông qua sự phân tích và minh chứng này, chúng tôi nhận thấy, dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, việc xác định luật áp dụng trong giải quyết các tranh chấp tại trọng tài thường có xu hướng mở rộng hơn nhiều (so với tòa án quốc gia), do là trọng tài không buộc phải lựa chọn hệ thống pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp (như tòa án).
Đặt vấn đề
Sự đa dạng, phức tạp của của các tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế thể hiện khi các tranh chấp này phát sinh, chúng có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều thiết chế tài phán khác nhau cũng như khả năng áp dụng nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Việc xác định luật áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tài phán, vì đây chính là cơ quan xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng. Nói cách khác, yếu tố tiên quyết của việc lựa chọn luật áp dụng của các bên trong tranh chấp hợp đồng phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan tài phán. Hiện nay, tại Việt Nam có hai cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài là tòa án và trọng tài. Tuy nhiên, đây là hai thiết chế tài phán có những đặc trưng khác nhau, nên việc xác định luật áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng tại tòa án và trọng tài cũng có nhiều điểm khác nhau.
Nếu tòa án là cơ quan tài phán công, có thẩm quyền giải quyết hầu hết các tranh chấp thì trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất “tư” với nhiều ưu việt trong giải quyết tranh chấp hơn so với tòa án, mà một trong những ưu điểm chính là việc xác định luật áp dụng trong các tranh chấp hợp đồng tại trọng tài. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì trong tổng số gần 500 vụ tranh chấp được đưa ra trước Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam về mua bán hàng hóa quốc tế có tới trên 80% các vụ tranh chấp mà thỏa thuận giữa các bên không quy định luật áp dụng và trên 37% các tranh chấp liên quan đến luật áp dụng1.
Dưới góc độ pháp lý và trong thực tiễn, việc xác định luật áp dụng trong giải quyết các tranh chấp tại trọng tài thường có xu hướng rộng hơn nhiều so với tòa án quốc gia do trọng tài không buộc phải lựa chọn hệ thống pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp như tòa án. Với tính chất độc lập, khách quan, trọng tài xác định luật áp dụng đối với hợp đồng có phạm vi rộng hơn, linh hoạt hơn và không bị tác động hay ảnh hưởng bởi các yếu tố quyền lực công như tòa án.
Nội dung bài viết sẽ làm rõ việc xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tại trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp về vấn đề này tại trọng tài.
1. Sự cần thiết phải xác định luật áp dụng đối với các hợp đồng thương mại quốc tế
Khác với các hợp đồng kinh doanh, thương mại không có yếu tố nước ngoài, chỉ chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật trong nước (Domestic law), các hợp đồng thương mại quốc tế lại tồn tại và vận hành trong một không gian pháp lý rộng lớn hơn, vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia. Do đó, ngay từ khi giao kết hay xác lập loại hợp đồng này đã đặt ra vấn đề hợp đồng đó chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật nào.
Dưới góc độ lý luận, mọi hợp đồng dù là hợp đồng trong nước hay các hợp đồng quốc tế đều cần thiết phải có pháp luật áp dụng điều chỉnh, vì đây là cơ sở thiết lập và đảm bảo cho quyền lợi của các bên. Riêng đối với các hợp đồng có tính chất quốc tế, xác định luật điều chỉnh sẽ rộng và phức tạp hơn so với các hợp đồng trong nước.
Để hiểu sự cần thiết phải xác định luật áp dụng đối với hợp đồng, trước hết cần làm rõ khái niệm luật áp dụng đối với hợp đồng là gì?
Luật áp dụng đối với hợp đồng được sử dụng với nhiều tên gọi, tùy thuộc vào pháp luật các nước khác nhau. Quan điểm phổ biến thường được sử dụng trong luật pháp các nước và các điều ước quốc tế hiện nay là thuật ngừ “law applicable”, (luật áp dụng) hay “governing law” (Luật Điều chỉnh). Công ước Rome 1980 về Luật Áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hợp đồng, sau này thay thế bằng Quy định Rome 1 năm 2008 của Hội đồng châu Âu về Luật Áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hợp đồng, Công ước Liên Mỹ (công ước Mexico) ngày 17/3/1994 về luật áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hợp đồng đều sử dụng thuật ngữ law applicable.
Khái niệm “Luật Áp dụng điều chỉnh hợp đồng” theo quan điểm của luật pháp quốc tế được hiểu khá rộng, không chỉ bao gồm các quy định của pháp luật do nhà nước xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật, mà còn bao gồm các tập quán quốc tế, án lệ của tòa án, trọng tài quốc tế, thương nhân luật (Lex Mercatoria) với tu cách là thực tiễn, thông lệ quốc tế về hợp đồng… Thậm chí, một hợp đồng hoàn toàn được thỏa thuận bởi các bên thông qua các điều khoản cụ thể mà không chọn luật áp dụng (luật quốc gia hay Điều ước quốc tế) nào, thì chính các điều khoản trong hợp đồng cũng có thể được coi là “luật” của các bên nếu được công nhận bởi các cơ quan tài phán (Contract is the law of the parties).
Quan điểm này được tác giả Brown cho rằng: “Hợp đồng đã tạo ra luật riêng cho nó, và các bên có thể viện dẫn đến hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng, hệ thống luật đó tạo ra cuộc sống cho hợp đồng”.
Đặc biệt dưới góc độ Tư pháp quốc tế, cần hiểu khái niệm “Luật Áp dụng” ở đây là một “hệ thống pháp luật” có thể được áp dụng đối với hợp đồng có tính chất quốc tế. Hệ thống pháp luật có thể bao hàm hệ thống pháp luật quốc tế hoặc hệ thống pháp luật quốc nội mỗi nước.
Như vậy, việc xác định luật áp dụng đối với các hợp đồng thương mại quốc tế có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng. Đe đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng quốc tế có hiệu lực và thực hiện trước hết hợp đồng đó phải dựa trên một khung pháp lý minh bạch, rõ ràng, ổn định, thông qua việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng cần phải được chú trọng.
Bất cứ một quan hệ hợp đồng nào cũng cần phải được gắn với một trật tự pháp lý nhất định đây được coi là khuôn khổ pháp lý cho hợp đồng. Trật tự pháp lý đó chính là luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng, nói cách khác hợp đồng luôn chịu sự điều chỉnh của một hoặc nhiều hệ thống pháp luật nhất định – không có hợp đồng không luật.
Sự cần thiết của việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thể hiện rõ như sau:
Luật Áp dụng đối với hợp đồng trước hết là cơ sở xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng đó. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, việc xác định hiệu lực hợp đồng là một trong những vấn đề mà các bên gặp phải cần giải quyết, trước khi giải quyết các vấn đề thuộc nội dung hợp đồng. Tư pháp quốc tế đã xây dựng các quy tắc xung đột để xác định luật áp dụng đối với hiệu lực hợp đồng3.
Thứ hai, luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng có ý nghĩa là cơ sở bổ sung những điểm “khuyết thiếu ”của hợp đồng. Việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, không chỉ quyết định trong việc xem xét giá trị pháp lý của hợp đồng mà còn có ý nghĩa trong việc giải thích, bổ sung những thiếu sót những trong các hợp
đồng có tính chất quốc tế, nhất là khi các bên giao kết hợp đồng thường đến từ các quốc gia khác nhau, ít am hiểu về pháp luật của nhau nên việc giao kết hợp đồng có thể bị thiếu sót, không dự liệu trước các hoàn cảnh có thể xảy ra. Trong nhiều trường hợp, mặc dù các bên có thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận đó không đầy đủ, hoặc được hiểu khác nhau, gây nhầm lẫn… Khi đó, luật điều chỉnh hợp đồng sẽ có vai trò bổ trợ, bù đắp cho các quy định thiếu, không đầy đủ hoặc giải thích cho các vấn đề không rõ ràng trong hợp đồng. Nói cách khác, những vấn đề hợp đồng không giải quyết được thì cần tìm giải pháp trong chính luật áp dụng đối với hợp đồng.
Thứ ba, đối với các bên, xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng có ý nghĩa làm tăng khả năng dự đoán, tính chắc chắn trong các giao dịch hợp đồng. Việc xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng là việc lựa chọn một khung pháp lý rõ ràng và cần thiết để các bên có thể tin cậy đảm bảo cho các giao dịch của mình được an toàn, ổn định và công bằng.
Đặc biệt, đối với giải quyết tranh chấp tại trọng tài, xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong thực tiễn, giao dịch hợp đồng quốc tế càng phát triển thì càng kéo theo khả năng phát sinh tranh chấp càng nhiều. Việc xác định đúng luật áp dụng để giải quyết tranh chấp được đặt ra cho các cơ quan tài phán trong đó có trọng tài. Đây được coi là cơ sở pháp lý, cung cấp các giải pháp cụ thể cho trọng tài đảm bảo cho việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong thực tiễn.
2. Nguyên tắc xác định luật áp dụng trong giãi quyết tranh chấp thưong mại quốc tế bằng trọng tài
Dưới góc độ thực tiễn, việc xác định luật nào là luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế tại trọng tài được thực hiện theo hai trường hợp: Thứ nhất, nếu các bên có thỏa thuận xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế thì trọng tài xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên, trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng, trọng tài sẽ xác định luật áp dụng theo các quy tắc chung của tư pháp quốc tế.
2.1. Trọng tài xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên
Nguyên tắc chủ đạo trong xét xử tại trọng tài là nguyên tắc tôn trọng quyền tự do ý chí. Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ về việc xác định thẩm quyền mà cả vấn đề xác định luật áp dụng (bao gồm cả các quy định về luật nội dung và luật tố tụng) trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Luật Mầu về trọng tài UNCITRAL cũng như pháp luật trọng tài các nước đều thừa nhận cho phép chọn luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài là luật do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật, trọng tài sẽ xác định luật áp dụng theo cách thức mà trọng tài cho là phù hợp nhất.
Để xác định luật áp dụng điều chỉnh nội dung hợp đồng, pháp luật Việt Nam một mặt thừa nhận quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên, mặt khác cũng có các quy định hạn chế sự tự do thỏa thuận đó.
Nhiều văn bản của pháp luật Việt Nam đã thừa nhận cho phép các bên quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo thực hiện quyền tự do ý chí của các bên. Cụ thể trong các quy định tại Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 20154; Khoản 2, Điều 5 Luật Thương mại 2005; Khoản 3, Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Khoản 2, Điều 4 Bộ luật Hàng hải 2015; Khoản 4, Điều 5 Luật Đầu tư 2015; Khoản 2, Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010…
Quyền tự do thỏa thuận trong việc xác định luật áp dụng đối vói nội dung hợp đồng thể hiện rõ nhất tại Khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trọng tài áp dụng luật do các bên thỏa thuận”. Tương tự, tại Khoản 1, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng”. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Thực tiễn xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tại trọng tài tại Việt Nam đã thể hiện rõ điều này.
Trong một tranh chấp hợp đồng giữa một công ty Việt Nam và một công ty Malaysia, theo Hội đồng Trọng tài: “… hai bên đã xác định tại thỏa thuận Trọng tài là chọn quy tắc tố tụng và pháp luật của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”. Trong đơn khởi kiện, bên Việt Nam có nêu rõ việc áp dụng pháp luật Việt Nam. Phía bị đơn cho đến thời điểm mở phiên xét xử không hề có ý kiến phản bác đối với đề nghị áp dụng pháp luật Việt Nam của công ty Việt Linh. Hội đồng trọng tài quyết định luật áp dụng là luật Việt Nam để giải quyết vụ kiện.
Cũng cần chú ý, nguyên tắc “luật do các bên thỏa thuận” cũng có những hạn chế và ngoại lệ nhất định. Nói cách khác sự tự do ý chí của các bên luôn nằm trong giới hạn của sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật do nhà nước xây dựng ban hành. Sự hạn chế quyền tự do ý chí của các bên trong hợp đồng thường được thể hiện thông qua các quy định rằng, luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng không ảnh hưởng trật tự công (Public order) và không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hay quy phạm có tính chất mệnh lệnh (quy phạm áp dụng bắt buộc) của quốc gia. Điều 9, Điều 21 Quy định Rome 1 năm 2008 có quy định về chính sách công ( Public policy), theo đó “các luật được áp dụng theo quy định của Rome 1 sẽ bị loại trừ (không áp dụng) nếu trái với với chính sách công của quốc gia”. Tương tự, Điều 5 Luật Thương mại 2005, Điều 666 Bộ luật Dân sự 2015… cũng đều có quy định tương tự, theo đó luật do các bên thỏa thuận chỉ được chấp nhận nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam cũng đã xảy ra, trọng tài không chấp nhận sự thỏa thuận của các bên trong các vụ việc sau:
Vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa một công ty Malaysia và một doanh nghiệp Việt Nam. Theo trọng tài, “hai bên thoả thuận trong hợp đồng mức phạt 20% giá trị hợp đồng nếu không thực hiện hợp đồng”.Tuy nhiên, luật áp dụng cho hợp đồng này được xác định là luật Việt Nam, mà Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 lại quy định mức phạt tối đa là 8% trị giá hợp đồng (Điều 228). Vì vậy, trọng tài không thừa nhận mức phạt 20% trị giá hợp đồng vì trái với luật áp dụng, trọng tài chấp nhận mức phạt 8% áp dụng cho việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trong vụ việc này, trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam nhưng không cho biết tại sao pháp luật Việt Nam là pháp luật được áp dụng vào hợp đồng.
2.2. Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng
Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng, thì trọng tài sẽ xác định luật áp dụng điều chỉnh quan hệ hợp đồng dựa trên các quy tắc của tư pháp quốc tế.
Khoản 2, Điều 14 Luật Trọng tài năm 2010 quy định:
“Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”.
Đây là một quy định thể hiện sự tôn trọng quyền tự do ý chí, đồng thời mở rộng nhất khả năng có thể cho phép trọng tài chọn luật áp dụng mà không bị hạn chế như tại tòa án, nhằm khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài – một mô hình được đánh giá là phù hợp với các giao dịch thương mại quốc tế.
Việc xác định luật mà trọng tài cho là phù hợp nhất trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài đã tạo ra nhiều ưu thế cho trọng tài. Tuy nhiên, trọng tài cũng cần dựa trên các nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp.
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận luật áp dụng là nguyên tắc Luật có mối liên hệ gắn bó nhất. Luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất hay luật có mối liên hệ mật thiết nhất (Law of the country with which it is most closely connected) là một trong những hệ thuộc đặc thù trong Tư pháp quốc tế được áp dụng để xác định luật áp dụng điều chỉnh các vấn đề thuộc nội dung hợp đồng.
Theo pháp luật Việt Nam, tại Khoản 2, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự giải thích pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng, lần lượt được hiểu như sau:
– Pháp luật của nước người bán đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Pháp luật của nước bên được chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ;
– Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động; hoặc pháp luật của nước bên sử dụng lao động;
– Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng thường trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
Sự quy định và giải thích này là sự theo thuật ngữ pháp lý gắn liền với từng loại hợp đồng cụ thể, và như vậy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật được coi là có mối quan hệ gắn bó nhất trong hợp đồng chính là các hệ thuộc luật quan trọng bậc nhất thường thấy trong Tư pháp quốc tế, đó là: hệ thuộc luật nước người bán, hệ thuộc luật nước người mua, hệ thuộc luật theo nhân thân8.
Cơ sở của nguyên tắc này xuất phát từ mục đích đảm bảo lựa chọn hệ thống pháp luật điều chỉnh một quan hệ của Tư pháp quốc tế phải khách quan, trung lập, công bằng. Cụ thể là trong một tình huống (hợp đồng) có liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau như các bên trong hợp đồng có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hợp đồng được thực hiện ở hai hoặc nhiều nước khác nhau, có xung đột luật, Tư pháp quốc tế phải dựa trên những yếu tố có quan hệ gắn bó nhất với quan hệ hợp đồng đó để xây dựng các quy tắc chọn luật áp dụng nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như cân bằng lợi ích các bên.
Nguyên tắc này lần đầu được ghi nhận tại Công ước Rome số 80/934/ECC về luật áp dụng với các nghĩa vụ hợp đồng ngày 19/6/1980 (Công ước Rome 1980) được thay thế bởi Quy định Rome 1 của Hội đồng châu Âu năm 2008 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng.
Khoản 4, Điều 4 Quy định Rome 1 năm 2008 quy định: “Trường hợp pháp luật không thể được xác định theo Khoản 1 hoặc 2, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nó có quan hệ mật thiết nhất”.
Khoản 1, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 đã xây dựng các nguyên tắc xác định luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng theo mô hình của quốc tế, khi quy định: “… Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Để tránh việc giải thích mâu thuẫn giữa các cơ quan tài phán về việc xác định luật có mối quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng, Khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 đã làm rõ việc xác định trong từng trường hợp cụ thể.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tại trọng tài Việt Nam trong trường hợp các bên không thoả thuận về pháp luật áp dụng được minh chứng qua một số vụ việc sau:
- Vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Vụ việc thứ nhất: Công ty X được nguyên đơn A (công ty Singapore) uỷ quyền làm đại diện ký với bị đơn B (công ty Việt Nam) hai hợp đồng mua bán, theo đó nguyên đơn bán cho bị đơn bột ngũ cốc dinh dưỡng và cà phê Coffeemix trị giá 30.925,47 USD (hợp đồng thứ nhất) và bột ngũ cốc dinh dưỡng, chè xanh cao cấp,… trị giá 8.917,45 USD (hợp đồng thứ hai). Trên hai hợp đồng này ghi tên các bên ký kết là tên nguyên đơn A và công ty X và tên bị đơn B. Điều kiện giao hàng là điều kiện CIF (Incoterms 2010) tại cảng thành phố Hồ Chí Minh. Do đến hạn, B không thanh toán tiền hàng nên A khởi kiện bị đơn ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đòi bị đơn phải trả các khoản thiệt hại.
Tuy nhiên, bị đơn B cho rằng bị đơn không ký bất cứ hợp đồng nào với nguyên đơn A, nên nguyên đơn không có tư cách pháp lý để kiện bị đơn, bị đơn thừa nhận chỉ trực tiếp ký kết hai hợp đồng nói trên với Công ty X.
Trọng tài cho rằng nguyên đơn là một công ty được thành lập hợp pháp theo pháp luật của Singapore, có văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh theo giấy phép của Bộ Thương mại Việt Nam. Nguyên đơn đã ủy quyền cho Công ty X (mà cụ thể là cho ông A -Trưởng chi nhánh Văn phòng đại diện của Công ty X tại thành phố Hồ Chí Minh) ký kết các hợp đồng với bên Việt Nam. Như vậy, trong cả hai hợp đồng trên, nguyên đơn có tư cách hợp pháp theo pháp luật Singapore.
Về luật áp dụng cho tranh chấp: trong cả hai hợp đồng, các bên đều không quy định luật điều chỉnh hợp đồng. Trong một thư gửi Uỷ ban trọng tài, nguyên đơn đã dẫn chiếu đến Điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005. Điều đó thể hiện ý muốn của nguyên đơn áp dụng pháp luật Việt Nam, hợp đồng được ký kết và thực hiện tại Việt Nam, tranh chấp phát sinh được giải quyết tại Việt Nam, nên trọng tài quyết định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến hai hợp đồng này là pháp luật Việt Nam.
Vụ việc thứ hai: Tranh chấp hợp đồng mua bán màn hình Led giữa nguyên đơn – người mua Việt Nam và bị đơn – người bán Hàn Quốc cũng là vụ việc trọng tài xác định luật áp dụng trong trường hợp các bên không thỏa thuận về luật áp dụng. Tranh chấp phát sinh khi màn hình LED bộc lộ nhiều sai sót về chất lượng, kỹ thuật nên không thể sử dụng được. Nguyên đơn đã khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để buộc bị đơn phải nhận lại màn hình và bồi thường các thiệt hại phát sinh. Hai bên không thống nhất về việc lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài nhận thấy hợp đồng được ký kết tại Việt Nam, được thực hiện chủ yếu ở Việt Nam (lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử, bảo hành). Do đó Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam.
Một vụ kiện tương tự khác các bên không có thỏa thuận về việc chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng, trọng tài đã xác định luật áp dụng.
Vụ việc thứ ba: Vụ kiện số 20/12 HCM giữa nguyên đơn Công ty Slovakia và bị đơn công ty Việt Nam trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giải quyết tại VIAC, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Lập luận của trọng tài về Luật Áp dụng giải quyết tranh chấp vụ kiện như sau:
Trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng, các bên không có thỏa thuận về việc chọn pháp luật áp dụng mà chỉ nêu tại Điều 16 của hợp đồng là “mọi điều khiện thương mại khác sẽ chiếu theo Incoterms 2000”. Điều 8 hợp đồng quy định: “Nơi giao hàng tại kho của Sabeco thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam”. Tại Điều 12 của hợp đồng, các bên thống nhất chọn cơ quan giám định Việt Nam (Vinacontrol). Trong bản bảo vệ, bị đơn đã viện dẫn các quy định của Luật Thương mại Việt Nam năm 2005. Tại buổi hợp giải quyết tranh chấp, bị đơn xác định hợp đồng có tranh chấp được ký tại Việt Nam và phía nguyên đơn không phủ nhận điều này. Theo đơn kiện của nguyên đơn và bản tự bảo vệ của bị đơn, khi đưa ra các cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình các bên đều viện dẫn và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam.
Từ các phân tích và căn cứ nêu trên, trọng tài lập luận rằng: tranh chấp trong vụ kiện 20/12 HCM là tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Do vậy, căn cứ Khoản 2, Điều 14 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp và điều này cũng phù hợp với Khoản 1, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam.
Tóm lại, qua thực tiễn một số vụ việc nói trên, có thể thấy số lượng các tranh chấp đã được giải quyết tại tòa án và trọng tài Việt Nam còn hạn chế. Lĩnh vực giải quyết chủ yếu là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Các lĩnh vực khác như đầu tư, nhượng quyền… hầu như ít được giải quyết tại Việt Nam mà chủ yếu giải quyết tại các thiết chế tài phán quốc tế. Việc xác định luật áp dụng tại các cơ quan tài phán Việt Nam trong giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài còn chủ yếu là áp dụng pháp luật Việt Nam, lập luận về việc chọn luật còn sơ sài, đơn giản.
3. Kết luận
Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại là một vấn đề pháp lý phức tạp. Với tính chất độc lập, khách quan, trọng tài xác định luật áp dụng đối với hợp đồng có phạm vi rộng hơn, linh hoạt hơn và không bị tác động hay ảnh hưởng bới các yếu tố quyền lực công. Trong thực tiễn, việc xác định luật nào là luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tại trọng tài được thực hiện theo hai trường hợp. Thứ nhất, nếu các bên có thoả thuận xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thì trọng tài xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên. Còn trong trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng, trọng tài sẽ xác định Luật Áp dụng theo các nguyên tắc chung của Tư pháp quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hoàng Ngọc Thiết (2002), Tranh chấp từ hợp đồng Xuất nhập khẩu – Án lệ trọng tài và kinh nghiệm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Jan Ramberg (2009), The Law and Practice of International Commercial Contracts, Stockholm Institute for Scandianvian Law.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), (2013), Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Trọng tài tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam”.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), (2007), Các quy định trọng tài quốc tế chọn lọc,Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
- Regulation (EC) No 593/2008 of the European Parliament and of the Council of 17 June 2008 on the law applicable to contractual obligations, EC, 18/12/2009.
- Trần Thị Nguyệt (2018), “Khi các bên trong hợp đồng không thỏa thuận chọn Luật áp dụng”,Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số tháng 11/2018.
Tác giả: Trần Thị Nguyệt – ThS., Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội