Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học”
TÓM TẮT
Từ ngày 11/01/2007 – ngày gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – cho đến tháng 4/2013, Việt Nam đã tham gia hai lần vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ở vai trò bên đi kiện. Một trong nhiều bài học mà Việt Nam có thể rút ra từ quá trình tham gia này liên quan đến việc viết yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Trong bài, tác giả phân tích các yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam trong hai vụ việc trên cũng như đưa ra một số đóng góp, kiến nghị cho các vụ việc khác trong tương lai.
Xem thêm
- Phân tích quy chế Amicus Curiae trong giải quyết tranh chấp WTO – TS. Trần Việt Dũng
- Vấn đề bảo vệ môi trường và hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng
- Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Quyền đảm bảo sức khỏe trong WTO – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Bàn về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính – TS. Lưu Quốc Thái
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định tại BLTTDS năm 2015 – TS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Giải quyết tranh chấp, Tổ chức thương mại thế giới, WTO, Tạp chí Khoa học pháp lý
Đầu năm 2013, Việt Nam gửi lên Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body, DSB) của Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization, WTO) yêu cầu thành lập Ban hội thẩm (panel) để giải quyết tranh chấp với Mỹ liên quan đế các biện pháp chống bán phá giá nhằm vào tôm xuất khẩu từ Việt Nam.[1] Như vậy, đây là lần thứ hai Việt Nam chủ động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO với tư cách bên đi kiện. Đây cũng là lần thứ hai ta “tấn công” các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ áp dụng cho sản phẩm tôm nước ấm xuất khẩu từ Việt Nam.
Tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với tư cách bên thứ ba, Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích học hỏi, nhưng đây cũng là cơ hội để thực hành.[2] Tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với tư cách bên đi kiện là cơ hội để Việt Nam thực hành kỹ thuật tranh tụng, đồng thời đây cũng là dịp để ta học hỏi, hoàn thiện kỹ thuật này. Tại thời điểm hiện nay, việc giải quyết tranh chấp ở vụ kiện thứ hai mà ta nộp yêu cầu vẫn chưa ngã ngũ. Vì thế, bài viết chỉ tập trung phân tích kinh nghiệm về soạn thảo yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, một thao tác tưởng đơn giản nhưng thực sự lại rất khó khăn (1), thông qua việc điểm lại hai vụ kiện đầu tiên trong đó Việt Nam tham gia với tư cách bên đi kiện (DS404, Mỹ – các biện pháp chống bán phá giá nhằm vào một số loại tôm nhập từ Việt Nam), tạm gọi là Tôm I (2) và DS429, Mỹ – các biện pháp chống bán phá giá nhằm vào một số loại tôm nhập từ Việt Nam, tạm gọi là Tôm II (3)).
1. Các điều kiện đặt ra đối với yêu cầu thành lập Ban hội thẩm
Khi giải quyết tranh chấp, quyền hạn của Ban hội thẩm bị giới hạn bởi một số quy định, trong đó có Điều 7 Bản ghi nhớ về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (Dispute Settlement Understanding, DSU) về điều khoản tham chiếu (terms of reference) của Ban hội thẩm. Điều khoản tham chiếu của Ban hội thẩm có thể là điều khoản tham chiếu đặc biệt do DSB ủy quyền cho Chủ tịch DSB soạn thảo với sự tham vấn của các bên tranh chấp (Điều 7.3). Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, đây là điều khoản tham chiếu chuẩn được quy định tại Điều 7.1. Theo đó, “Ban hội thẩm có các điều khoản tham chiếu sau đây, trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác trong vòng 20 ngày kể từ ngày thành lập ban hội thẩm : « Xem xét, dựa trên nội dung của các điều khoản có liên quan (tên của (các) hiệp định có liên quan do các bên tranh chấp trích dẫn), vấn đề được đưa ra DSB bởi (tên của một bên) trong văn bản… và đưa ra những ý kiến nhận xét, kết luận giúp DSB đưa ra các khuyến nghị hoặc các phán quyết được quy định trong (các) hiệp định có liên quan đó”. Đọc quy định này, có thể thấy khi giải quyết tranh chấp, Ban hội thẩm chỉ xem xét vấn đề được đưa ra bởi bên đi kiện trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, dựa trên các điều khoản của các hiệp định mà các bên tranh chấp trích dẫn. Như vậy về nguyên tắc, Ban hội thẩm sẽ không xem xét những vấn đề bên đi kiện không đưa ra và không xem xét những luận điểm của bên đi kiện dựa vào những điều khoản mà bên này không trích dẫn trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Như vậy, để xác định phạm vi xem xét thật sự của Ban hội thẩm khi giải quyết một tranh chấp, cần dựa vào yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của bên đi kiện.
Các điều kiện được đặt ra cho yêu cầu thành lập Ban hội thẩm được quy định chủ yếu tại Điều 6.2 của DSU.[3] Về hình thức, yêu cầu phải được làm bằng văn bản. Về nội dung, yêu cầu phải (1) chỉ ra là việc tham vấn đã được tiến hành chưa; (2) xác định rõ các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và (3) cung cấp ngắn gọn các cơ sở pháp lý của đơn kiện nhưng phải đủ để trình bày các vấn đề một cách rõ ràng.
Mặc dù các điều kiện do Điều 6.2 đặt ra là tương đối ngắn gọn. Tuy nhiên, việc thỏa mãn các điều kiện nói trên cũng như đánh giá việc thỏa mãn đó không phải dễ dàng. Làm thế nào để biết liệu các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi được xác định đủ “rõ”? Làm sao để trình bày các vấn đề đủ “rõ ràng”? Kết quả là, trên thực tế, một trong những chiến thuật mà bên bị kiện thường áp dụng, đó là phản đối việc Ban hội thẩm xem xét một phần (hay toàn bộ) những biện pháp bị bàn cãi mà bên đi kiện mong muốn Ban hội thẩm xem xét. Động thái này, nếu thành công, sẽ giúp giảm bớt nguy cơ thua kiện, thậm chí còn tạo điều kiện cho bên bị kiện kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp có thể bị coi là vi phạm luật WTO, vì những biện pháp này chưa bị Ban hội thẩm xem xét. Ngược lại, bên đi kiện luôn cố gắng giải thích yêu cầu thành lập Ban hội thẩm theo nghĩa rộng để Ban hội thẩm xem xét càng nhiều vấn đề càng tốt và từ đó, tăng khả năng thắng kiện của mình. Trong bối cảnh này, những tranh cãi về yêu cầu thành lập Ban hội thẩm rất phổ biến.
Một số quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng đã phải rút ra những bài học liên quan đến yêu cầu này. Trong vụ kiện Brazil – các biện pháp ảnh hưởng đến khô dừa, Philippines đã phản đối việc Brazil không chịu tham gia tham vấn. Tuy nhiên, phản đối này đã không được Ban hội thẩm xem xét, bởi mặc dù Philippines trình bày biện pháp gây tranh cãi (sự từ chối của Brazil) cũng như cơ sở pháp lý của khiếu kiện (Điều XXIII.1 của GATT 1994 và 4.3 DSU), Philippines đã không thể hiện rõ ràng yêu cầu Ban hội thẩm xem xét vấn đề này.[4] Trong vụ Indonesia – một số biện pháp ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, Indonesia đã thành công khi thuyết phục Ban hội thẩm không xem xét khiếu nại của Mỹ về khoản nợ 690 triệu USD mà chính phủ Indonesia cho doanh nghiệp Timor Putra Nasional hưởng, bởi việc này không được thể hiện như một biện pháp cụ thể trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Mỹ.[5] Indonesia vấp phải lỗi tương tự khi là nguyên đơn trong vụ Hàn Quốc – các thuế chống bán phá giá đánh lên một số loại giấy nhập từ Indonesia.[6] Tuy nhiên, trong vụ Thái Lan – các thuế chống bán phá giá đánh lên sắt hoặc thép không hợp kim dạng góc, khuôn, hình và thép H nguồn gốc từ Ba Lan, Ba Lan lại thuyết phục được Ban hội thẩm xem xét khiếu nại của mình, ngay cả khi cơ sở pháp lý của đơn kiện không rõ ràng (Ba Lan chỉ nêu tên các Điều VI GATT 1994, 2, 5 ADA). Trong vụ này, Ban hội thẩm cho rằng trong bối cảnh các tình huống cụ thể của vụ kiện, việc chỉ nêu tên các điều luật là đã đủ …[7] Về phía mình, Việt Nam cũng cần rút một số kinh nghiệm liên quan đến yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, ngay từ vụ Tôm I.
2. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam tại vụ Tôm I
Tranh chấp Tôm I phát sinh sau khi Bộ thương mại Hoa Kỳ (USDOC, United States’ Department of Commerce) tiến hành các đợt rà soát hành chính, từ đó quyết định áp các mức thuế chống bán phá giá khác nhau đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tranh chấp liên quan đến các câu hỏi về đến tính hồi tố của quá trình tính và thu thuế chống bán phá giá của Mỹ, việc cơ quan có thẩm quyền (USDOC) áp dụng phương pháp quy về không khi tính thuế và việc hạn chế phạm vi điều tra trong một số doanh nghiệp.
Một trong những điều đáng chú ý là Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO (ngày 01/01/2007) sau khi Mỹ đã tiến hành rà soát hành chính lần 1 đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Sau đó, khi Việt Nam nộp yêu cầu thành lập Ban hội thẩm (ngày 07/4/2010) Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu tiến hành rà soát hoàng hôn (ngày 04/01/2010). Kết luận tạm thời của Mỹ về việc các doanh nghiệp Việt Nam liên quan có khả năng tiếp tục bán phá giá ra ngày 06/8/2010) và kết luận chính thức về việc này ra ngày 07/12/2010. Báo cáo của Ban hội thẩm (ngày 11/7/2011) chỉ ra 7 tháng sau khi USDOC ra kết luận chính thức nói trên. Nói cách khác, Mỹ đưa ra các kết quả chính thức của rà soát 4 và hoàng hôn sau khi Việt Nam nộp yêu cầu thành lập Ban hội thẩm và trước khi Ban hội thẩm kết luận về vụ kiện.
Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam được soạn thảo chi tiết và dài (7 trang, không có Phụ lục), theo cấu trúc gồm 3 phần: (1) Tham vấn; (2) Tóm tắt các sự kiện và cơ sở pháp lý của đơn kiện và (3) Yêu cầu. Đặc biệt, trong phần (2), dưới lời giới thiệu “Các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi là lệnh về chống bán phá giá và các kỳ rà soát thường kỳ sau đó của USDOC liên quan đến một số loại tôm nước ấm đông lạnh và đóng hộp nhập từ Việt Nam. Các kết luận sau đây là các biện pháp đang được bàn cãi (…).”, Việt Nam liệt kê các kết luận của Mỹ trong các lần điều tra ban đầu (12/2004), rà soát hành chính thứ nhất (9/2007), thứ 2 (9/2008), thứ 3 (9/2009), kết quả ban đầu của rà soát hành chính thứ 4 (3/2010) và việc mở rà soát hoàng hôn (01/2010). Việt Nam cũng trình bày cụ thể về các biện pháp: (a) quy về không;[8] (b) áp dụng mức thuế toàn quốc tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi;[9] (c) hạn chế số lượng doanh nghiệp được chọn để điều tra hoặc rà soát;[10] (d) rà soát hoàng hôn.[11]
Mỹ đã yêu cầu Ban hội thẩm ra quyết định sơ bộ rằng một số biện pháp bị Việt Nam chống đối không thể là đối tượng giải quyết tranh chấp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định về chống bán phá giá (Antidumping Agreement, ADA). Cụ thể, các điều tra ban đầu và rà soát hành chính lần thứ nhất đã xảy ra trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Do đó, ADA không điều chỉnh những biện pháp này. Đồng thời, yêu cầu thành lập Ban hội thẩm cũng không đề cập các biện pháp trên. Việt Nam không phản đối quan điểm này và chỉ nhấn mạnh rằng hành vi của USDOC ở lần điều tra đầu tiên ảnh hưởng đến sự phù hợp của các lần điều tra sau đó của Mỹ đối với luật WTO.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng việc Mỹ “duy trì sử dụng các thông lệ bị chống đối”, (tức duy trì việc áp dụng phương pháp quy về không cũng như hạn chế đối tượng điều tra) không thuộc thẩm quyền của Ban hội thẩm, chủ yếu vì điều này không được đề cập trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm và vì điều này liên quan đến những biện pháp trong tương lai. Mỹ ghi nhận rằng yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam chỉ đề cập từng bước của quá trình chống bán phá giá và giới hạn trong các bước này –yêu cầu không thể hiện việc Việt Nam chống đối việc “duy trì sử dụng…”. Từ việc Việt Nam liệt kê các biện pháp đã được áp dụng, không thể suy diễn là Việt Nam cũng chống đối một biện pháp sẽ được tiếp diễn. Đồng thời, bởi yêu cầu của Việt Nam chỉ đề cập kết quả ban đầu của rà soát hành chính thứ 4 và việc mở rà soát hoàng hôn nên Ban hội thẩm không thể xem xét kết quả cuối cùng của cả hai kỳ rà soát này.
Việt Nam cho rằng Ban hội thẩm có thẩm quyền xem xét việc “duy trì sử dụng các thông lệ bị chống đối” của Mỹ vì Việt Nam đã thể hiện phù hợp yêu cầu xem xét biện pháp trên trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của mình. Theo Việt Nam (1) việc đề cập từng biện pháp đã được thực hiện của Mỹ cho đến ngày yêu cầu, thậm chí cả những bước chưa hoàn thành, cho thấy Việt Nam quan ngại về tính thường xuyên và việc “duy trì sử dụng…” nói trên; (2) yêu cầu của Việt Nam đề cập lệnh chống bán phá giá, qua đó cho thấy Việt nam chống đối các kết luận có được do việc áp đặt lệnh trên; yêu cầu của Việt Nam đề cập giai đoạn gần nhất của thủ tục, cho thấy hành vi vẫn tiếp tục được tiến hành và chưa dừng lại; yêu cầu của Việt Nam cho thấy vi phạm xảy ra ở tất cả các bước kể từ khi lệnh chống bán phá giá ra đời. Việt Nam cũng nêu các án lệ của WTO[12] và Điều 3 DSU, theo đó tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng, để bảo vệ quan điểm của mình.
Ban hội thẩm cho rằng yêu cầu của Việt Nam không đề cập việc “duy trì sử dụng…”, bởi không có yếu tố nào trong yêu cầu này cho thấy Việt Nam tìm cách kiện bất cứ biện pháp nào mang tính thường xuyên của USDOC, hoặc bất cứ kết luận nào về sau của USDOC trong khuôn khổ thực hiện lệnh chống bán phá giá. Kết luận này của Ban hội thẩm dựa trên những lý do sau:
Đoạn 2 yêu cầu của Việt Nam mở đầu bằng câu “Các biện pháp cụ thể bị tranh chấp là… Các kết luận sau đây là các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi…”. Sau đó, Việt Nam chỉ liệt kê các kết luận trong khuôn khổ điều tra ban đầu, rà soát hành chính thứ 1, 2, 3, kết luận ban đầu của rà soát hành chính thứ 4 và quyết định mở rà soát hoàng hôn của USDOC;
Việt Nam có đề cập phương pháp quy về không trong yêu cầu, nhưng không thể hiện việc muốn Ban hội thẩm xem xét các giai đoạn sau này trong quá trình chống bán phá giá. Yêu cầu của Việt Nam chỉ nhắm tới các yếu tố đã, đang tồn tại mà không đề cập các biện pháp trong tương lai. Bên cạnh đó, không có yếu tố nào giúp suy diễn từ việc Việt Nam đề cập những biện pháp chưa hoàn thành xong thành việc Việt Nam phản đối việc USDOC áp dụng những biện pháp trên một cách thường xuyên và ổn định;
Trong vụ Mỹ – việc duy trì phương pháp quy về không, EC thể hiện trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của mình ý chí muốn Ban hội thẩm xem xét việc “duy trì áp dụng”.[13] Brazil cũng thể hiện rõ ràng như vậy trong vụ Mỹ – các rà soát hành chính chống bán phá giá và các biện pháp khác liên quan đến việc nhập khẩu một số loại nước cam từ Brazil.[14] Trong khi đó yêu cầu của Việt Nam không thể hiện trực tiếp cũng như gián tiếp, một cách độc lập hay cùng với biện pháp khác, ý chí muốn Ban hội thẩm xem xét một biện pháp của USDOC có khả năng lặp lại trong tương lai;
Yêu cầu tham vấn của Việt Nam thể hiện việc muốn tham vấn về việc “duy trì áp dụng…”, tuy nhiên ý này đã không thể hiện trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm và không được thay thế bằng ngôn từ khác thể hiện điều này;
Án lệ Nhật Bản – phim ảnh không thể làm cơ sở cho biện luận của Việt Nam, bởi Việt Nam không thể hiện được mối quan hệ giữa luật chung nền tảng và các biện pháp thi hành khi nói đến quan hệ giữa các biện pháp được đề cập trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm và việc “duy trì sử dụng…”. Án lệ Argentina – giày cũng không thể làm căn cứ cho biện luận của Việt Nam, bởi Việt Nam không chứng minh được việc “duy trì sử dụng…” là một sự điều chỉnh của biện pháp thể hiện tại yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Trong cả hai vụ trên, có mối liên hệ mật thiết giữa các biện pháp được yêu cầu xem xét khi tranh tụng với các biện pháp được ghi nhận tại yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, khiến việc đề cập các biện pháp sau đủ để các bên biết được bên đi kiện muốn đề cập biện pháp trước. Mối liên hệ đó không có trong vụ kiện này.
Dựa trên quan điểm trên, Ban hội thẩm kết luận rằng các “biện pháp cụ thể được bàn cãi” trong vụ kiện là các rà soát hành chính 2, 3 cũng như việc áp dụng biện pháp quy về không của Mỹ. Ban hội thẩm đã từ chối không xem xét các lần rà soát hành chính 4, 5 và việc Mỹ “duy trì sử dụng thông lệ bị chống đối…”.
Một trong những lý do dẫn đến thất bại này của Việt Nam bắt nguồn từ tính thiếu rõ ràng của yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Ví dụ điển hình là hai câu đầu tiên tại đoạn 2 của yêu cầu, theo đó “Các biện pháp tranh cãi cụ thể là lệnh chống bán phá giá và các rà soát thường kỳ sau đó của USDOC liên quan đến một số loại tôm nước ấm đông lạnh và đóng hộp xuất từ Việt Nam. Các kết luận sau đây tạo thành những biện pháp gây tranh cãi…”. Câu thứ nhất có thể được hiểu là yêu cầu nhắm đến những biện pháp xảy ra trong tương lai (sau khi yêu cầu được gửi cho DSB), bởi nó đề cập lệnh chống bán phá giá và cả các rà soát thường kỳ sau đó (như vậy, có thể hiểu là cả các rà soát hành chính thứ 4 và hoàng hôn). Câu thứ hai lại giới hạn phạm vi yêu cầu bằng giới thiệu (chỉ có) các kết luận “sau đây” (mới) tạo thành những biện pháp gây tranh cãi (và sau đó Việt Nam chỉ đưa ra danh sách liệt kê cho đến kết luận ban đầu của rà soát hành chính 4 và việc mở rà soát hoàng hôn). Điều này khiến người đọc có thể hiểu rằng những vấn đề nằm ngoài danh sách này (như kết quả cuối cùng của rà soát hành chính 4, rà soát hoàng hôn và việc “duy trì sử dụng thông lệ bị chống đối”) không nằm trong phạm vi yêu cầu.
Một kinh nghiệm khác mà ta cũng có thể rút ra là một yêu cầu thể hiện trong yêu cầu tham vấn nhưng không thể hiện trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm thì cũng không được Ban hội thẩm xem xét (ví dụ như ở đây, việc “duy trì sử dụng thông lệ bị chống đối” được thể hiện trong yêu cầu tham vấn, nhưng không thể hiện trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm). Điều này là hợp lý, bởi qua quá trình tham vấn và hiểu hơn về quan điểm của đối phương, rất có thể bên yêu cầu tham vấn không còn muốn kiện hoặc chỉ muốn kiện về một phần của các vấn đề gây ra tranh chấp. Ý chí này phải được Ban hội thẩm tôn trọng.
Kết quả cuối cùng: bên cạnh việc xem xét một số khiếu nại của Việt Nam,[15] Ban hội thẩm đã không xem xét rà soát hành chính lần thứ 4 và rà soát hoàng hôn của Mỹ bởi các điều tra trên không thuộc phạm vi xét xử của Ban hội thẩm. Cũng dựa vào lý do tương tự, Ban hội thẩm không xem xét việc Mỹ “duy trì thông lệ bị chống đối”. Đây chính là một trong những lý do khiến Việt Nam phải “đáo tụng đình” lần nữa để kiện Mỹ trong vụ Tôm II.
3. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam tại vụ Tôm II
Ở vụ Tôm II Việt Nam sử dụng cấu trúc yêu cầu thành lập Ban hội thẩm gồm 3 phần: (1) Tham vấn; (2) Tóm tắt các sự kiện và cơ sở pháp lý của đơn kiện; (3) Yêu cầu (thành lập Ban hội thẩm với điều khoản tham chiếu chuẩn).
Trong phần (2), trước hết, Việt Nam liệt kê những vấn đề liên quan đến yêu cầu: việc áp dụng thế chống bán phá giá và tiền thế chấp phù hợp với kết quả của các kỳ rà soát hành chính thứ 4, 5, và 6 cũng như bản thân các kỳ rà soát nói trên (trong chừng mực Mỹ không hủy bỏ lệnh chống bán phá giá liên quan đến một số doanh nghiệp được trả lời câu hỏi và yêu cầu hủy bỏ lệnh hoặc thỏa mãn các điều kiện để được hủy bỏ lệnh). Bên cạnh đó, trong danh sách này, Việt Nam cũng nói đến “việc duy trì áp dụng các tập quán và hành vi được đề cập dưới đây trong tất cả các kỳ rà soát hành chính khác đang được tiến hành hoặc sẽ được tiến hành trong tương lai, và kết quả ban đầu hoặc cuối cùng của các kỳ rà soát hành chính này, liên quan đến việc nhập khẩu một số loại tôm nước ấm đông lạnh nhập từ Việt Nam (vụ A-552-802 của DOC), cũng như mọi chỉ thị nhằm tính thuế, chỉ định liên quan đến tiền thế chấp và quyết định liên quan đến hủy lệnh chống bán phá giá được công bố phù hợp với các kỳ rà soát hành chính đó”. Việt Nam cũng liệt kê các kết quả cuối cùng của rà soát hoàng hôn, theo đó USDOC kết luận rằng có thể hành vi bán phá giá vẫn tồn tại hoặc sẽ xuất hiện lại nếu lệnh chống bán phá giá bị hủy; cùng với Điều 129 của Luật về hiệp định Uruguay của Mỹ.
Sau đó, Việt Nam trình bày cụ thể các vấn đề liên quan: (a) quy về không;[16] (b) thuế áp dụng đối với thực thể toàn Việt Nam dựa trên các thông số có sẵn bất lợi;[17] (c) việc hạn chế số lượng doanh nghiệp được chọn để hỏi nhằm điều tra hoặc rà soát;[18] (d) việc đưa ra các kết luận liên quan đến rà soát hoàng hôn của USDOC;[19] (e) quy định liên quan đến hủy lệnh chống bán phá giá trong trường hợp không có chứng cứ về sự tồn tại của bán phá giá;[20] (f) Đoạn 129 của Luật về các hiệp định của vòng đàm phán Uruguay (URAA) của Mỹ.[21] Đối với mỗi vấn đề nói trên, Việt Nam đều đưa kèm các cơ sở pháp lý của khiếu kiện một cách khá cụ thể.
Đọc yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét ban đầu:
– Về câu chữ, trước khi nhắc đến các biện pháp mà Mỹ đã áp dụng như: quy về không, áp dụng thuế đối với thực thể toàn Việt Nam dựa trên các thông số có sẵn bất lợi, hạn chế số lượng doanh nghiệp;[22] rút kinh nghiệm từ vụ kiện Tôm I, Việt Nam đã nhấn mạnh đơn kiện bao trùm cả việc “duy trì áp dụng” các tập quán và hành vi này trong các kỳ rà soát hành chính “đang” hoặc “sẽ” được tiến hành trong tương lai.[23] Như vậy, ở đây ta đã chú ý đến việc không chỉ liệt kê những hành vi đã được thực hiện, mà còn khiếu kiện cả việc “duy trì áp dụng” những hành vi này trong tương lai. Trong quá trình tranh tụng, đây có thể là cơ sở để ta yêu cầu Ban hội thẩm xem xét không chỉ các biện pháp “đã” xảy ra trước khi Ban hội thẩm được thành lập, mà cả việc duy trì áp dụng các biện pháp đó sau này.
Một số điểm cho thấy, yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của ta rõ hơn và chặt chẽ hơn so với yêu cầu trong vụ kiện Tôm I. Ví dụ, tại đầu phần 2 (“Tóm tắt các sự kiện và cơ sở pháp lý của khiếu kiện”), thay vì dùng hai câu có ý nghĩa trái ngược như trong vụ trước, Việt Nam đã tóm lại bằng một “công thức” được các Thành viên sành sỏi trong việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ưa dùng: “Yêu cầu này được trình bày liên quan đặc biệt đến, nhưng không giới hạn trong… (các vấn đề được liệt kê)”.[24] Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong những năm gần đây, khi liệt kê các “biện pháp bị tranh cãi”, một số thành viên của WTO như Mỹ và EU còn thường sử dụng một công thức, đó là biện pháp bị tranh cãi “cũng bao gồm bất kỳ biện pháp chỉnh sửa, thay thế hoặc biện pháp liên quan hay biện pháp thực thi nào” (của biện pháp đã được liệt kê).[25] Đây cũng là một công thức rất “lợi hại”, giúp không bỏ sót – thậm chí còn mở rộng các “biện pháp bị tranh cãi” mà Việt Nam nên tham khảo khi thảo yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.
– Về cấu trúc, yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam tại vụ Tôm II rất giống với yêu cầu tại vụ Tôm I. Cần chú ý rằng Điều 6.2 của DSU cũng như các văn bản khác của WTO không đưa ra yêu cầu cụ thể về cấu trúc của yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Do đó, các thành viên thường đưa ra các yêu cầu có cấu trúc khác nhau. Trong hai vụ kiện, Việt Nam trung thành với cấu trúc yêu cầu gồm 3 phần: (1) Tham vấn; (2) Tóm tắt các sự kiện và cơ sở pháp lý của đơn kiện; (3) Yêu cầu. Trong hai yêu cầu, phần thứ hai, cũng là phần mang tính kỹ thuật nhất, có cấu trúc giống nhau. Trước hết, Việt Nam liệt kê các hành động cụ thể của Mỹ theo thứ tự thời gian (ví dụ như việc áp dụng thuế chống bán phá giá theo các kỳ rà soát hành chính 4, 5, và 6; các kỳ rà soát hành chính 4, 5, và 6 của Mỹ trong chừng mực Mỹ không thu hồi lệnh chống bán phá giá theo yêu cầu của một số doanh nghiệp…). Sau đó, ở các phần (a) đến (f) của phần (2), ta phân tích cụ thể hơn từng vấn đề lặp đi lặp lại trong các kỳ rà soát trên, như quy về không, thuế áp dụng đối với thực thể toàn Việt Nam… cũng như đưa ra cơ sở pháp lý cho thấy sự vi phạm luật WTO. Ba vấn đề đầu tiên (quy về không, thuế áp dụng đối với thực thể toàn Việt Nam, việc hạn chế số lượng doanh nghiệp được điều tra) đều được đề cập tại yêu cầu thành lập Ban hội thẩm tại vụ Tôm I và Tôm II. Bên cạnh đó, yêu cầu tại vụ Tôm II phát triển thêm các luận điểm liên quan đến rà soát hoàng hôn và đặt ra thêm 2 vấn đề mới (quy định của Mỹ về việc hủy lệnh chống bán phá giá và Đoạn 129 của URAA). Như vậy, Việt Nam không chỉ yêu cầu Ban hội thẩm xem xét những vấn đề bị Ban hội thẩm từ chối xem xét trong vụ Tôm I mà còn mở rộng yêu cầu ra những “biện pháp cụ thể đáng được bàn cãi” khác.
Điều đáng chú ý là yêu cầu thành lập Ban hội thẩm ở vụ Tôm II rất ít nhắc đến cụm từ “biện pháp cụ thể đang được bàn cãi” theo nghĩa được nhắc đến tại Điều 6.2 DSU. Tựa đề của phần 2 (“Tóm tắt các sự kiện và cơ sở pháp lý của đơn kiện”) cũng như của các phần nhỏ trong từng bộ phận của phần 2 (“Tóm tắt các sự kiện”/ “Cơ sở pháp lý của khiếu kiện”) cũng không bao gồm cụm từ này. Trong khi đó, “sự kiện” và “biện pháp cụ thể đang được bàn cãi” là hai khái niệm có nội hàm không trùng nhau.[26] Một trong những ví dụ cho thấy sự khác biệt này là yêu cầu thành lập Ban hội thẩm trong vụ Mỹ – việc duy trì phương pháp quy về không (DS350). Trong yêu cầu, mặc dù tại phần (1), Cộng đồng châu Âu (EC) đã trình bày Các sự kiện, phần (2) vẫn được dùng để trình bày Các biện pháp liên quan và cơ sở pháp lý của khiếu kiện. Việc không ghi rõ ràng đâu là các “biện pháp cụ thể đang được bàn cãi” khiến người ta khó có thể biết các hiện tượng nào (hiện tượng được liệt kê ngay ban đầu phần 2 hay hiện tượng được phát triển từ mục (a) đến (f)) là “biện pháp cụ thể đang được bàn cãi”. Thiết nghĩ, một cấu trúc yêu cầu thành lập Ban hội thẩm rõ ràng hơn sẽ giúp Việt Nam thể hiện được quan điểm của mình về hai yếu tố quan trọng trong yêu cầu: đâu là các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và đâu là cơ sở pháp lý của khiếu kiện. Cấu trúc mà EC áp dụng trong vụ Mỹ – việc duy trì phương pháp quy về không (DS350) gồm hai phần Các sự kiện/ Các biện pháp liên quan và cơ sở pháp lý của khiếu kiện, cùng với yêu cầu lập Ban hội thẩm là một trong những cấu trúc rõ ràng mà ta có thể xem xét tiếp thu.
Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi nó hạn chế phạm vi xem xét của Ban hội thẩm trong một vụ kiện. Yêu cầu không đủ rõ ràng, bên bị kiện luôn có thể thuyết phục Ban hội thẩm không xem xét một phần khiếu kiện. Lúc này, bên đi kiện, nếu muốn, phải dùng “hai viên đạn bắn một con chim”: khởi kiện lần nữa để yêu cầu vừa bị từ chối của mình được xem xét. Đây là một cái giá khá đắt mà một quốc gia còn nghèo như Việt Nam cần tránh phải trả. Học hỏi kinh nghiệm tại vụ Tôm I, trong vụ Tôm II, sau khi gửi bản đầu tiên của yêu cầu thành lập Ban hội thẩm cho Cơ quan giải quyết tranh chấp,[27] ta đã sửa đổi yêu cầu này thêm 1 lần[28] và điều chỉnh 1 lần nữa.[29] Điều này tạo cảm giác ban đầu là Việt Nam đã thận trọng hơn, nhận thức được rõ hơn tính quan trọng của yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm trong vụ Tôm II có cấu trúc rất tương đồng, nhưng cũng thể hiện một số tiến bộ so với yêu cầu trong vụ Tôm I. Tuy nhiên, viết yêu cầu thành lập Ban hội thẩm là một nghệ thuật, một kỹ năng quan trọng và là một bộ phận của chiến thuật tranh tụng trong mỗi vụ kiện trước WTO. Nghệ thuật này, thiết nghĩ, cần tiếp tục được ta chú ý hoàn thiện hơn trong quá trình hội nhập vào sân chơi thương mại thế giới.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh. Tác giả chân thành cảm ơn ThS.
[1]Vũ Duy Cương và TS. Trần Việt Dũng đã có những góp ý xác đáng cho bài viết. Những sai sót còn lại, nếu có, hoàn toàn thuộc về tác giả.Xem các yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của Việt Nam: WT/DS429/2 (07/01/2013), WT/DS429/2/Rev.1 (18/01/2013), WT/DS429/2/Rev.1/Corr.1 (23/01/2013).
[2] Xem Trần Thị Thùy Dương, “Nhìn lại 6 năm Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên thứ ba – “học” và “hành””, Tạp chí Khoa học pháp lý, 06(73), 2012, tr. 52 – 57.
[3] Điều 6.2 DSU: “Yêu cầu thành lập ban hội thẩm phải được làm bằng văn bản. Văn bản yêu cầu này phải chỉ ra là việc tham vấn đã được tiến hành chưa, xác định rõ các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và cung cấp ngắn gọn về cơ sở pháp lý của đơn kiện đủ để trình bày các vấn đề một cách rõ ràng. Trong trường hợp bên nộp đơn yêu cầu thành lập ban hội thẩm với các điều kiện khác với các điều khoản tham chiếu chuẩn, thì văn bản yêu cầu này phải kèm theo bản đề xuất về các điều khoản tham chiếu đặc biệt.”
[4] Xem WT/DS22/2 và Báo cáo của panel, đoạn 77.
[5] WT/DS54, đoạn 143 – 144.
[6] Trong vụ kiện này, Indonesia chỉ trích một số lỗi của cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc khi xác định tổn hại. Tuy nhiên Hàn Quốc đã thuyết phục được Ban hội thẩm không xem xét biện pháp này bởi nó không được nhắc đến trong yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Xem WT/DS312/R, đoạn 7.264.
[7] Xem WT/DS122/R, đoạn 7.19 – 7. 25.
[8] Việt Nam trình bày tóm tắt các sự việc đồng thời đưa ra cơ sở pháp lý của khiếu kiện. Cụ thể, Việt Nam trình bày cách Mỹ áp dụng phương pháp quy về không trong điều tra ban đầu; khẳng định phương pháp này được Mỹ áp dụng trong mỗi kỳ rà soát hành chính liên quan. Việt Nam cũng cho rằng các cách tính nói trên được áp dụng theo quy định của Luật Hải quan 1930 sửa đổi của Mỹ và Quy định áp dụng của USDOC. Việt Nam cho rằng các luật, thủ tục được đề cập trên, cũng như việc áp dụng phương pháp quy về không trong các kỳ điều tra và rà soát hành chính không phù hợp với nhiều quy định của WTO như Điều 1, 2, 9, 11, 18… của ADA, I và II của GATT, Đoạn I.2 và các đoạn 254, 255 của Nghị định thư gia nhập của Việt Nam vào WTO.
[9] Việt Nam trình bày tóm tắt các sự việc cũng như cơ sở pháp lý của khiếu kiện. Cụ thể, Việt Nam trình bày cách Mỹ tính mức thuế toàn quốc dựa trên thông tin sẵn có bất lợi, cách tính này được áp dụng theo Luật Hải quan 1930 sửa đổi của Mỹ và Hướng dẫn về chống bán phá giá của Cơ quan quản lý nhập khẩu. Việt Nam cho rằng các luật, phương pháp trên vi phạm nhiều quy định của Hiệp định chống bán phá giá (Antidumping Agreement, ADA), GATT cũng như Nghị định thư gia nhập của Việt Nam vào WTO.
[10] Việt Nam trình bày tóm tắt các sự việc cũng như cơ sở pháp lý của khiếu kiện. Cụ thể, Việt Nam trình bày cách thức Mỹ hạn chế số lượng doanh nghiệp được chọn để điều tra hoặc rà soát, cách tính này được áp dụng theo Luật Hải quan 1930 sửa đổi của Mỹ và Quy định áp dụng của USDOC. Việt Nam cho rằng thủ tục của Mỹ vi phạm một số điều của ADA cũng như Hiệp định Vienna về điều ước quốc tế, hiệp định Marrakech và GATT.
[11] Theo Việt Nam, do cách Mỹ thực hiện các cuộc điều tra và rà soát, trong đó có việc quy về không, sử dụng mức thuế toàn Việt Nam và hạn chế số lượng doanh nghiệp được chọn là điều tra, rà soát hoàng hôn vi phạm ADA.
[12] Cụ thể, Việt Nam viện dẫn vụ Mỹ – duy trì phương pháp quy về không (trong đó Cơ quan phúc thẩm ủng hộ việc xem xét yêu cầu của bên đi kiện về việc “duy trì thông lệ bị chống đối), vụ Nhật – phim ảnh và Argentina – giày (theo đó việc đề cập một biện pháp trong yêu cầu thành lập ban hội thẩm đủ để ban hội thẩm có quyền xem xét các biện pháp “phụ” hoặc “liên hệ mật thiết” với biện pháp được đề cập, hoặc những kết luận sau này liên quan đến biện pháp đó. Từ đó, Việt Nam cho rằng việc Việt Nam phản đối lệnh chống bán phá giá đủ để các bên hiểu rằng Việt Nam phản đối cả những kết luận sau này dựa trên lệnh đó).
[13] Yêu cầu thành lập ban hội thẩm của EC trong vụ Mỹ – việc duy trì phương pháp quy về không có ghi rõ: “Các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và cơ sở pháp lý của khiếu kiện bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, những vấn đề sau: (…) Việc duy trì áp dụng hoặc áp dụng các thuế chống bán phá giá đặc biệt là kết quả của các lệnh chống bán phá giá được đánh từ số I đến XVIII trong phụ lục của yêu cầu này…” (WT/DS350/6, tr. 3).
[14] Yêu cầu thành lập ban hội thẩm của Brazil ghi rõ: “Các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi là các biện pháp sau: (…) d) Việc duy trì sử dụng các “thủ tục quy về không” của Mỹ trong các thủ tục chống bán phá giá tiếp nối về sau liên quan đến lệnh về thuế chống bán phá giá nhắm đến việc nhập khẩu một số loại nước cam từ Brazil…” (WT/DS382/4, tr. 3).
[15] Ban hội thẩm thống nhất với Việt Nam là việc Mỹ sử dụng phương pháp quy về không trong các kỳ rà soát hành chính thứ 2 và 3 vi phạm Điều 2.4 ADA. Panel cũng cho rằng việc Mỹ áp dụng phương pháp quy về không vi phạm Điều 9.3 ADA và VI.2 của GATT 1994. Tuy nhiên, ban hội thẩm gạt bỏ cáo buộc của Việt Nam theo đó việc Mỹ vi phạm số lượng doanh nghiệp được chọn trả lời là vi phạm Điều 6.10 ADA. Ban hội thẩm đồng ý với Việt Nam là Mỹ vi phạm Điều 9.4 ADA khi tính các mức thuế “khác” dành cho các thực thể không được chọn dựa trên phương pháp quy về không. Ban hội thẩm cũng đồng ý với Việt Nam rằng việc Mỹ không áp dụng mức thuế “khác” cho thực thể toàn Việt Nam, mà tính thuế dựa trên các thông tin có sẵn bất lợi, là vi phạm Điều 9.4 và 6.8 ADA. Xem WT/DS404/R.
[16] Theo Việt Nam, USDOC đã sử dụng phương pháp này trong mỗi kỳ rà soát hành chính bị tranh cãi. Việt Nam nhấn mạnh đặc biệt các biên độ chống bán phá giá được tính tại các kỳ rà soát hành chính 4, 5, và 6 và sử dụng làm cơ sở để quyết định cho rà soát hoàng hôn cũng như cho kết luận liên quan đến hủy bỏ lệnh chống bán phá giá đều được tính dựa trên phương pháp này. Theo Việt Nam, các luật và thủ tục nói trên, với bản chất của chúng và được áp dụng một cách thường xuyên, không phù hợp với nhiều quy định của WTO. Cuối cùng, Việt Nam phản đối việc dùng phương pháp quy về không trong các kỳ rà soát ban đầu đến thứ 6, ở chừng mực tập quán này ảnh hưởng đến các quyết định của USDOC về hủy bỏ lệnh chống bán phá giá và kết luận tại kỳ rà soát hoàng hôn, và ở chừng mực các kết luận này cho thấy việc sử dụng tập quán này của USDOC một cách thường xuyên trong suốt thủ tục chống bán phá giá nhắm đến tôm. Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 2 – 3.
[17] Việt Nam cũng đề cập việc USDOC đã áp dụng thuế dành cho thực thể toàn Việt Nam dựa trên các thông số có sẵn bất lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam phản đối việc áp dụng thuế thực thể toàn Việt Nam trong các kỳ rà soát ban đầu đến thứ 6. Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 3 – 5.
[18] Việt Nam đề cập việc USDOC đã điều tra hoặc rà soát chỉ một số nhà xuất khẩu lớn nhất. Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 5 – 7.
[19] Theo Việt Nam, trong các rà soát hoàng hôn, USDOC đưa ra kết luận dựa trên biên độ bán phá giá được tính không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế (đặc biệt là dựa trên việc sử dụng phương pháp quy về không). Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 7 – 8.
[20] Việt Nam nhấn mạnh rằng theo quy định mới của USDOC, các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất riêng rẽ không được hưởng việc hủy lệnh chống bán phá giá ngay cả khi kết quả điều tra trong 3 năm liền cho thấy mức bán phá giá của họ bằng không. Như vậy, các nhà xuất khẩu và sản xuất riêng rẽ không có cách nào được hủy lệnh chống bán phá giá. Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 8.
[21] Theo Việt Nam, điều này có tác dụng hạn chế việc áp dụng các kết luận của ORD mang tính bất lợi cho Mỹ. Xem WT/DS429/2/Rev.1, tr. 9 – 10.
[22] Khi nhắc đến các biện pháp này, Việt Nam dùng các động từ ở thì quá khứ: “… the USDOC has made use of the zeroing methodology…/ the USDOC has applied a Vietnam-wide entity rate…/ the USDOC has only investigated or reviewed the few largest exporters…”. Xem WT/DS429/2/Rev.1.
[23] “Yêu cầu này được trình bày liên quan đặc biệt đến, nhưng không giới hạn trong:
… (7) việc duy trì áp dụng các tập quán và hành vi được đề cập dưới đây trong tất cả các kỳ rà soát hành chính khác đang được tiến hành hoặc sẽ được tiến hành trong tương lai, và kết quả ban đầu hoặc cuối cùng của các kỳ rà soát hành chính này, liên quan đến việc nhập khẩu một số loại tôm nước ấm đông lạnh nhập từ Việt Nam (vụ A-552-802 của DOC), cũng như mọi chỉ thị nhằm tính thuế, chỉ định liên quan đến tiền thế chấp và quyết định liên quan đến hủy lệnh chống bán phá giá được công bố phù hợp với các kỳ rà soát hành chính đó…”.
[24] Ví dụ, công thức này đã được EC áp dụng khi viết yêu cầu thành lập ban hội thẩm trong vụ Mỹ – việc duy trì phương pháp quy về không (xem WT/DS350/6, tr. 3).
[25] Xem yêu cầu thành lập ban hội thẩm của Mỹ trong vụ Philippines – thuế đánh trên rượu tinh chế (WT/DS403/4), 29/3/2010; yêu cầu thành lập ban hội thẩm của EU trong vụ Philippines – thuế đánh trên rượu tinh chế (WT/DS396/4), 11/12/2009; yêu cầu thành lập ban hội thẩm của Mỹ, Nhật Bản và các lãnh thổ thuế quan Đài Loan, Penghu, Kinmen và Matsu trong vụ EC và các quốc gia thành viên – chế độ thuế đối với một số sản phẩm công nghệ thông tin (WT/DS375/8, WT/DS386/8, WT/DS377/6), 19/8/2008; yêu cầu thành lập panel của Mỹ trong vụ Ấn Độ – các thuế cộng thêm đánh trên hàng nhập khẩu từ Mỹ (WT/DS360/5), 25/5/2007.
[26] “Sự kiện” (fact) thường được định nghĩa là sự cố, hành động, sự kiện hoặc tình huống; một điều đã được làm hoặc một hành vi đang được thực hiện; một việc đã thật sự và đang xảy ra, và khác biệt với sự nghi ngờ, ám chỉ, hoặc giả thiết. Một sự kiện là một sự thật, trái với một điều tưởng tượng hay ngộ nhận. (Xem http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/fact, “Fact: Incident, act, event, or circumstance. A fact is something that has already been done or an action in process. It is an event that has definitely and actually taken place, and it is distinguishable from a suspicion, innuendo, or supposition. A fact is a truth as opposed to fiction or mistake”). Sự kiện là “một điều đã được biết hoặc đã được chứng minh là có thật” (Xem http://oxforddictionaries.com/definition/english/fact, “Fact: a thing that is known or proved to be true”); “một điều đã được làm; một hành động đã được thực hiện hoặc một sự cố được phát hiện, một sự kiện hoặc tình huống, một điều đã xảy ra…” (Xem http://thelawdictionary.org/fact/, “Fact: a thing done; an action performed or an incident transpiring; an event or circumstance; an actual occurrence…”). Trong khi đó, “biện pháp” (measure) thường được định nghĩa là “một hành động cụ thể nhằm đạt được một kết quả” hoặc “một đạo luật, luật hoặc nghị quyết”. (Xem http://www.thefreedictionary.com/measure, “Measure: a particular action intended to achieve an effect”; “a legislative bill, act, or resolution”).
[27] Văn bản WT/DS429/2, công bố ngày 07/01/2013.
[28] Văn bản WT/DS429/2/Rev.1, công bố ngày 18/01/2013.
[29] Văn bản WTT/DS429/Rev.1/Corr.1, công bố ngày 23/01/2013.
- Tác giả: PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2013 (75)/2013 – 2013, Trang 29-37
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online