Mục lục
Vai trò của các chủ thể tư trong các tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại WTO và một số kiến nghị
TÓM TẮT
Bài viết bàn về sự tham gia của các chủ thể tư trong các vụ tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại WTO. Cụ thể, trong phần một, bài viết tập trung làm rõ thực trạng về sự đóng góp của nhóm chủ thể này trong ba vụ tranh chấp mà Chính phủ Việt Nam khởi kiện lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Tiếp đến, các tác giả đánh giá về những điểm tích cực mà các chủ thể tư đã mang lại và hạn chế vẫn còn tồn tại ở phần hai. Từ đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị cho Việt Nam về sự cần thiết phải tăng cường và thúc đẩy nhóm chủ thể tư tham gia vào việc hỗ trợ Chính phủ giải quyết các vụ kiện thương mại quốc tế nói chung và trong khuôn khổ của WTO nói riêng.
Xem thêm
- Quyền đảm bảo sức khỏe trong WTO – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Phân tích quy chế Amicus Curiae trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO – TS. Trần Việt Dũng
- Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học” – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Vấn đề bảo vệ môi trường và hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng
- Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
TỪ KHÓA: Tổ chức thương mại thế giới, WTO, Tạp chí Khoa học pháp lý
Đã có nhiều học giả đưa ra khái niệm “chủ thể tư”, tuy nhiên, do có mục đích cũng như phương pháp tiếp cận không giống nhau, khái niệm này thường có nội hàm và ngoại diên khác nhau và không thống nhất.[1]
Tuy nhiên, trong phạm vi đối tượng và mục đích của bài viết này, khái niệm chủ thể tư có thể được hiểu là: “Các cá nhân hoặc tổ chức có sức mạnh về kinh tế, chính trị hoặc xã hội; có khả năng gây ảnh hưởng tới phạm vi quốc gia hoặc quốc tế nhưng không thuộc về hay phụ thuộc vào bất kỳ chính phủ hay cơ quan chính phủ của một quốc gia nào”.
Trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (the World Trade Organization, WTO), các chủ thể tư có một vai trò và tiếng nói nhất định. Các quy định trong các hiệp định của WTO hướng đến điều chỉnh nghĩa vụ của các Thành viên (là quốc gia hay vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt), nhưng việc điều chỉnh này đều hướng tới bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, các tập đoàn, các công ty… có tham gia vào các giao dịch thương mại quốc tế. Dù cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không hàm chứa bất kỳ quy định nào về sự tham gia trực tiếp của các chủ thể tư trong các vụ tranh chấp được giải quyết, khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, thì những chủ thể tư nêu trên vẫn có nhiều cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ có thể yêu cầu chính phủ, thông qua những cơ chế nội bộ, đưa các khiếu kiện ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (the Dispute Settlement Body, DSB). Mặt khác, họ cũng có thể tham gia với tư cách amicus curiae[2] hay vào các phiên xét xử của DSB khi Ban hội thẩm hay Cơ quan Phúc thẩm quyết định mở các phiên xét xử cho công chúng.[3] Trên thực tế, sự góp mặt của nhóm đối tượng này dưới nhiều hình thức đã phần nào tạo ra sức ảnh hưởng, giúp không chỉ những Thành viên phát triển mà cả các Thành viên đang phát triển có được phán quyết có lợi cho mình tại nhiều vụ kiện do DSB giải quyết.
Trong phạm vi bài viết này, các phân tích sẽ tập trung làm rõ thực trạng tham gia của các chủ thể tư trong các vụ tranh chấp tại WTO mà Việt Nam đã tham gia (1), từ đó, đưa ra một số nhận xét, đánh giá về những kết quả và hạn chế còn tồn tại (2) để đề xuấtmột số khuyến nghị có liên quan (3).
1. Thực trạng tham gia của các chủ thể tư trong các tranh chấp liên quan đến Việt Nam tại WTO
Tính đến tháng 05/2016, Việt Nam mới chỉ tham gia ba vụ tranh chấp tại WTO với tư cách là nguyên đơn và hai mươi vụ với tư cách là bên thứ ba.[4] Tuy nhiên, vai trò của các chủ thể tư mới chỉ được thể hiện rõ nét thông qua các vụ tranh chấp mà ở đó Việt Nam là nguyên đơn, bao gồm hai vụ kiện đầu tiên liên quan tới biện pháp chống bán phá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam[5] và vụ kiện thứ ba về biện pháp tự vệ mà Indonexia áp dụng lên mặt hàng tôn lạnh của Việt Nam.[6] Trong cả ba vụ tranh chấp này, các chủ thể tư, nhất là các hiệp hội, đã thể hiện được phần nào tiếng nói của mình để bảo vệ những lợi ích thương mại bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thương mại mà Thành viên khác của WTO áp dụng.
1.1. Trong hai vụ tranh chấp với Hoa Kỳ
Mặc dù đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO và đối đầu với bị đơn là Hoa Kỳ – quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam mà đại diện là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thể hiện được vai trò rất tích cực của mình từ việc khởi xướng cho đến hỗ trợ và phối hợp cùng các cơ quan Nhà nước trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Vai trò cụ thể của các doanh nghiệp và hiệp hội được thể hiện ở một số điểm dưới đây:
a. Đề xuất khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO
Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, tháng 10/2009, VCCI đã có công văn đề xuất Chính phủ khởi kiện Hoa Kỳ lên WTO. Kèm theo công văn này là Bản phân tích về các vấn đề liên quan, trong đó, VCCI đã trình bày rõ về các biện pháp vi phạm “luật chơi” WTO của Hoa Kỳ và tác động của chúng tới kết quả vụ điều tra chống bán phá giá tôm và những căn cứ có thể dùng để chứng minh cho lập luận của phía Việt Nam. Bản phân tích này cũng nêu rõ những hiệu quả đối với các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung nếu thắng kiện. Công văn được gửi đến nhiều bộ có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.[7]
Đối với VASEP, công văn đề xuất của Hiệp hội được gửi lần đầu tiên vào tháng 3/2009 nhưng chưa nhận được phản hồi tích cực từ phía các Cơ quan Nhà nước liên quan. VASEP đã gửi Công văn nhắc lại vào tháng 11/2009.
b. Thuyết phục để Chính phủ ra quyết định khởi kiện
Trước đề xuất chưa có tiền lệ này của VASEP và VCCI, đã diễn ra khá nhiều tranh luận trong nội bộ, giữa các cơ quan liên quan với nhau và với các đơn vị đã có ý kiến về nhiều nội dung trong đề xuất (đặc biệt là việc lựa chọn vấn đề khởi kiện và bị đơn của vụ việc).
Những người phản đối đưa ra các ý kiến lo lắng về quan hệ ngoại giao có thể bị ảnh hưởng hay khả năng thắng kiện của Việt Nam là không cao, thậm chí còn cho rằng đây là vấn đề của các doanh nghiệp, không phải vấn đề mà Nhà nước cần can thiệp. Trong khi đó, bên ủng hộ khởi kiện Hoa Kỳ thì đưa ra các lập luận rằng tranh chấp trong WTO thuần túy là thương mại với các kết quả không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hay thương mại giữa các Thành viên. Các ý kiến này cũng đồng tình với phân tích của VCCI về khả năng thắng kiện. Hơn thế nữa, bên ủng hộ cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp vi phạm của các Thành viên khác đã đe dọa lợi ích xuất khẩu của Việt Nam – vốn là mục đích để Việt Nam gia nhập WTO. Vì vậy, trách nhiệm trước hết là phải của Chính phủ và cũng chỉ có Chính phủ mới có tư cách pháp lý để tham gia tranh tụng tại WTO.[8]
Từ phương diện khác, VCCI cũng tiến hành phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để mở đường cho những thảo luận rộng rãi về vấn đề này trong công chúng. Việc Việt Nam có nên kiện Hoa Kỳ ra WTO trong vụ việc này không trở thành chủ đề của một bản tin Hội nhập của VTV1 và là vấn đề được đề cập trong nhiều chương trình của các đài truyền hình cũng như báo chí khác.
c. Tư vấn Chính phủ trong việc chọn luật sư hỗ trợ giải quyết tranh chấp
Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại WTO chỉ ra rằng ở hầu hết các vụ tranh chấp được đệ trình lên WTO, chính phủ phải dựa rất nhiều vào sự giúp đỡ của luật sư (cả công và tư) cùng nhiều chuyên gia tư vấn chuyên môn trong lĩnh vực liên quan.
Với những kiến thức và hiểu biết trong vụ kiện chống bán phá giá tôm cũng như kinh nghiệm khởi kiện ra WTO liên quan đến vấn đề này, các luật sư đã từng tư vấn cho VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong vụ điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ là những người thích hợp nhất có thể tư vấn cho vụ việc này. Vì vậy, VASEP và VCCI đã đề xuất với Chính phủ lựa nhóm chọn luật sư nêu trên. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí cụ thể cho việc lựa chọn các luật sư tư vấn, nên khi đó, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đã phải mất một thời gian thảo luận đáng kể để đi đến kết luận lựa chọn nhóm luật sư mà VASEP và VCCI khuyến nghị.[9]
1.2. Trong vụ tranh chấp tôn lạnh với Indonesia
Vào ngày 12/12/2012, sau khi hai nhà sản xuất của Indonesia nộp đơn lên Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI), cơ quan này đã tiến hành cuộc điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Ngày 07/07/2014, Bộ Tài chính Indonesia đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu vào Indonesia mà không qua tham vấn với Chính phủ Việt Nam.
Trước những động thái đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn lạnh hàng đầu của Việt Nam, như Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Tôn Đông Á… cùng gửi công văn kiến nghị các hiệp hội (VCCI, Hiệp hội Thép Việt Nam…) xem xét đề xuất đưa vụ việc giải quyết tại WTO.[1] Ngày 24/10/2014, Hiệp hội Thép Việt Nam đã chính thức gửi công văn lên các cơ quan nhà nước (gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Công thương, Tài chính) để kiến nghị Chính phủ khởi kiện Indonesia lên WTO.
Theo ông Chu Đức Khải – phó chủ tịch VSA, “…Tôn Hoa Sen đã chủ động thu thập thông tin gửi cho VSA (Hiệp hội Thép Việt Nam) và VSA đã có các buổi làm việc cần thiết với Bộ Công thương lẫn Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại của VCCI, từ đó thống nhất đi đến kết luận: có thể cân nhắc kiện Indonesia lên WTO do đã vi phạm về thủ tục công khai thông tin và quyền bình luận của các bên liên quan, cũng như vi phạm về các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ”.[11]
Ngày 01/06/2015, Chính phủ Việt Nam đã đệ trình đơn khởi kiện chính thức lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO[12] với yêu cầu tiến hành các phiên tham vấn với Indonesia liên qua tới biện pháp tự vệ mà nước này áp lên sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn không đạt kết quả như mong đợi nên Việt Nam cũng đã yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.[13] Ban hội thẩm đã được thành lập[14] và hiện đang thụ lý vụ tranh chấp mà chưa đưa ra báo cáo cuối cùng.
2. Đánh giá chung
2.1. Thành công
Trong cả ba vụ tranh chấp nêu trên, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp có liên quan đã có vai trò không nhỏ khi đề xướng, tác động để Chính phủ tiến hành khởi kiện lên WTO cũng như cung cấp tài liệu và hỗ trợ tài chính cho Chính phủ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong vụ kiện Hoa Kỳ – Tôm, sự giúp đỡ của nhóm luật sư do VASEP và VCCI giới thiệu cho Chính phủ đã góp phần giúp Việt Nam dành được sự ủng hộ của Ban hội thẩm trong phán quyết liên quan đến vụ tranh chấp. Điều này cho thấy, bên cạnh những nỗ lực chuyên môn của các cơ quan liên quan của Việt Nam, việc lựa chọn luật sư tư vấn của các cơ quan này là đúng đắn. Điều này đã góp phần nhất định vào thành công chung khi mà Việt Nam đã thắng kiện trong hai vụ tranh chấp đầu tiên.
Thành công trong hai vụ tranh chấp đầu tiên cũng cho thấy các doanh nghiệp, nếu chủ động phản ánh lên Chính phủ và các cơ quan có liên quan về các rào cản thương mại mà họ gặp phải khi tiến hành kinh doanh ở nước ngoài thì những quyền lợi mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ các biện pháp đó có thể được bảo vệ một cách kịp thời bằng những biện pháp pháp lý cần thiết.[15] Do đó, trong WTO, dù doanh nghiệp hay hiệp hội không phải là chủ thể có thể trực tiếp khởi kiện lên DSB, họ lại có vai trò đáng kể trong việc Chính phủ quyết định những hành động pháp lý phù hợp theo “luật chơi” chung của tổ chức này.
2.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia của các chủ thể tư vào các vụ tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại WTO còn cho thấy một số hạn chế cả về phía các các hiệp hội, doanh nghiệp và cả về phía Chính phủ. Cụ thể:
Về phía hiệp hội và doanh nghiệp liên quan, vai trò của họ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiền khởi kiện. Các doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể tư khác chưa chủ động tham gia vào quá trình tham vấn hay giải quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm hay Cơ quan Phúc thẩm. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy, giai đoạn giải quyết tranh chấp tại WTO có vai trò quyết định đến kết quả của vụ tranh chấp và các chủ thể tư có thể có những đóng góp nhất định cho việc chuẩn bị bằng chứng, chuẩn bị các bản đệ trình amicus curiae đính kèm với hồ sơ vụ tranh chấp của một bên, tham gia cùng phái đoàn giải quyết tranh chấp của chính phủ tại Geneva… Việc không tham gia vào những giai đoạn này của quá trình giải quyết tranh chấp đã làm cho Việt Nam gặp một số khó khăn nhất định, nhất là về vấn đề bằng chứng, khi mà Ban hội thẩm/ Cơ quan Phúc thẩm, trong báo cáo của mình, đã xác định rõ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ cung cấp bằng chứng đầy đủ của mình.
Hơn nữa, trong giai đoạn thực thi báo cáo của Ban hội thẩm và/hoặc Cơ quan Phúc thẩm, doanh nghiệp hay hiệp hội cũng chính là những người sẽ góp phần giám sát việc tuân thủ phán quyết của bên thua kiện, từ đó, đề xuất Chính phủ các hành động phù hợp trên cơ sở Điều 21 và 22 của Bản ghi nhớ về các Quy tắc về thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO. Nhưng đối với hai vụ tranh chấp về tôm đông lạnh với Hoa Kỳ, vai trò của doanh nghiệp hay hiệp hội có liên quan chưa được thể hiện rõ nét.
Về phía Chính phủ, một số hạn chế liên quan đến Chính phủ có thể kể đến như:
– Chưa tích cực bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi quyền lợi đó bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại mà nước ngoài áp đặt đối với sản phẩm của họ. Điều này thể hiện ở chỗ hai trong ba vụ kiện nêu trên đều xuất phát từ kiến nghị của các hiệp hội gửi lên cho Chính phủ.
– Chưa chủ động trong việc thông tin cho các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có liên quan về diễn biến, kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp và về các hành động cần thực hiện tiếp sau đó nếu cần thiết. Trên thực tế, họ cũng không được tiếp cận các báo cáo về vụ việc của phía Việt Nam và những kinh nghiệm rút ra từ các vụ tranh chấp này.
– Chưa thực sự tích cực tham gia vào các vụ tranh chấp khác với tư cách là bên thứ ba.[16] Điều này hạn chế cơ hội tham gia của các chủ thể tư, nhất là các công ty luật và các hiệp hội vào các vụ tranh chấp được giải quyết tại WTO.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu dưới đây:
Thứ nhất, thiếu vắng một cơ chế pháp lý cụ thể về giải quyết tranh chấp tại WTO trong đó nêu rõ vai trò của các chủ thể tư
Hiện nay, Luật Quản lý Ngoại thương đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.[17] Dự thảo Luật Quản lý Ngoại thương lần thứ hai ngày 25/04/2016 dành bốn điều khoản của chương VII để đưa ra các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp trong ngoại thương (từ Điều 112 đến Điều 115). Cả bốn điều khoản này đều không hàm chứa bất kỳ quy định nào nêu lên vị trí, vai trò của các chủ thể tư trong quá trình giải quyết các tranh chấp đó cũng như cơ chế tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khi Chính phủ quyết định khởi kiện một Thành viên khác ra WTO. Sự thiếu vắng này sẽ hạn chế những đóng góp mà các doanh nghiệp và các chủ thể tư khác có thể thực hiện đối với các vụ kiện mà Việt Nam tham gia tại WTO. Đồng thời, đây cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự lúng túng và mất thời gian trong việc tiếp nhận các kiến nghị từ phía các chủ thể tư về các các rào cản thương mại mà họ gặp phải ở nước ngoài.
Thứ hai, các nguyên nhân xuất phát từ các chủ thể tư
Theo một nghiên cứu của VCCI, đa số các hiệp hội đều có bộ máy “già”, với 83% nhân lực của hiệp hội là cán bộ từng công tác ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 26 chủ tịch nguyên là thứ trưởng, 4 chủ tịch là các chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành đã về hưu.[18] Đặc điểm này khiến cho các hiệp hội còn mang nặng tính “hành chính”, ít thể hiện được vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong hiệp hội.
Một nguyên nhân khác gây ra hạn chế năng lực và vai trò của các hiệp hội ngành nghề hay các doanh nghiệp là sự thiếu vắng các cán bộ chuyên trách hay sự không tách biệt giữa hoạt động của hội với tổng công ty. Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét: “hoạt động hội đang phân ra làm hai nhánh. Nhánh các hội nhỏ, hội địa phương thường không có cán bộ chuyên trách. Lãnh đạo hội là doanh nhân có quá ít thời gian để gắn bó với công việc của hội. Ngược lại, ở nhánh hội lớn thường gắn với các tổng công ty chứ chưa thực sự tách bạch trong hoạt động”.[19] Đây cũng là lý do làm cho các hiệp hội hay các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi và đánh giá các tác động của các rào cản thương mại mà họ gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại ở nước ngoài.
3. Một số kiến nghị
Từ những phân tích ở trên, để đảm bảo việc tham gia của các chủ thể tư mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại WTO và để có thể bảo vệ một cách kịp thời lợi ích của các doanh nghiệp ViệtNam, các tác giả xin đề xuất và đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần có quy định về vị trí và vai trò của chủ thể tư trong quy định về giải quyết tranh chấp thương mại đa phương nói chung và tại WTO nói riêng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phép các doanh nghiệp và chủ thể tư khác có tiếng nói nhất định đối với việc giải quyết các tranh chấp thương mại đa phương, nhất là tại WTO. Luật Ngoại thương năm 1974 của Hoa Kỳ (Điều 301),[20] Quy định về các rào cản thương mại năm 1994 của Liên minh châu Âu,[21] Cơ chế thi hành và điều tra các tranh chấp WTO năm 1999 của Australia,[22] Các quy tắc điều tra rào cản thương mại nước ngoài năm 2005[23] của Trung Quốc… đều có những quy định thể hiện rất rõ vị trí, vai trò và sự tham gia của các chủ thể tư trong quá trình khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại WTO. Ví dụ, điều 5 Các quy tắc điều tra rào cản thương mại nước ngoài của Trung Quốc quy định: “Các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước hay các cá nhân, pháp nhân đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước hoặc các tổ chức khác (…) có thể đệ trình yêu cầu điều tra rào cản thương mại nước ngoài tới Bộ Thương mại”. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Thương mại Trung Quốc tiến hành các điều tra về các rào cản thương mại nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước. Khi thấy biện pháp bị điều tra tạo nên một rào cản thương mại, theo Điều 33, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ xem xét để tiến hành sử dụng các biện pháp pháp lý như tham vấn song phương, tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp đa phương (mà chủ yếu là thông qua WTO). Trong toàn bộ quá trình này, các doanh nghiệp trong nước và các chủ thể tư khác có thể tham gia vào nhóm chuyên gia điều tra (Điều 20) và cung cấp bằng chứng (Điều 23).
Vì vậy, các tác giả đề nghị Ban soạn thảo Luật Quản lý ngoại thương xem xét để có thể đưa các quy định trong đó thể hiện rõ vai trò của chủ thể tư trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Cụ thể hơn, quyền của các chủ thể tư (nhất là các doanh nghiệp) yêu cầu Bộ Công thương khởi xướng điều tra các rào cản thương mại nước ngoài, quyền tham gia của các chủ thể tư trong quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO, các vấn đề về chia sẻ chi phí khởi kiện, thông tin trước, trong và sau khi giải quyết tranh chấp… nên được luật hóa.
Thứ hai, cần tăng cường tham gia vào các vụ kiện tại WTO với tư cách bên thứ ba. Trong vai trò là bên thứ ba, Việt Nam phải thể hiện quan điểm của mình đối với vụ kiện thông qua việc chuẩn bị và đệ trình tài liệu, lập luận tới cơ quan xét xử. Việc này như là một bước luyện tập để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt hơn cho các bản giải trình liên quan các vụ kiện sau này mà Việt Nam là nguyên đơn hoặc bị đơn.[24] Hơn thế nữa, vì việc tham gia với tư cách bên thứ ba không yêu cầu khắt khe về mặt thủ tục, Việt Nam cũng có thể cho phép các công ty luật trong nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp có liên quan tham gia để học hỏi kinh nghiệm về trình tự, thủ tục và các vấn đề pháp lý được giải quyết trong vụ tranh chấp. Đây sẽ là cách thức cho phép Việt Nam có thể đào tạo được đội ngũ luật sư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế. Cuối cùng, sau mỗi lần tham gia, Chính phủ cũng cầncó những báo cáo về kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra, các vấn đề pháp lý cần quan tâm và đăng tải công khai các thông tin đó để các doanh nghiệp, hiệp hội và những người quan tâm khác có thể sử dụng trong quá trình hoạt động của mình.
Thứ ba, cần chủ động phối hợp hơn nữa với hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Để vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO thành công thì việc hợp tác giữa Chính phủ và khối kinh doanh tư nhân là không thể thiếu. Tuy nhiên, để sự phối hợp của hai bên có thể hoạt động nhuần nhuyễn và có hiệu quả cao thì đặc biệt cần sự chủ động từ các cơ quan của Chính phủ bởi họ mới là những người có trách nhiệm trong vấn đề này.[25] Việc chủ động phối hợp thể hiện từ những việc làm sau:
– Tạo một kênh thông tin liên lạc thường xuyên giữa đơn vị chuyên trách với hiệp hội và doanh nghiệp. Đây sẽ là nơi tiếp nhận, trao đổi và phản hồi lại thông tin của hiệp hội, doanh nghiệp về những thiệt hại phát sinh từ việc áp đặt các chính sách thương mại của các quốc gia Thành viên khác, qua đó cân nhắc có nên khởi kiện vụ việc lên WTO hay không. Ngoài ra, đây cũng là kênh thông tin được tiếp nhận qua lại giữa hai bên trong quá trình diễn ra vụ kiện. Nhờ kênh này, doanh nghiệp với đại diện là các hiệp hội có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin, từ đó tham gia bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp, đồng thời có thể hỗ trợ thêm các bằng chứng nhằm làm vững chắc các lập luận của Việt Nam đối với các khiếu nại liên quan.
– Tạo cơ hội để đại diện doanh nghiệp tham gia vào đoàn chuyên gia của Chính phủ về giải quyết tranh chấp. Dù doanh nghiệp hay hiệp hội không thể khiếu kiện như là một bên trong một vụ tranh chấp của WTO nhưng để tham gia như là một phần trong đoàn đại biểu của một bên tranh chấp thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Chính phủ đồng ý cho phép.[26] Đây là một việc làm cần thiết, bởi doanh nghiệp sẽ cung cấp các thông tin thực tế cần thiết và kịp thời cũng như là những người có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực đang xảy ra tranh chấp, do đó, có thể giúp đỡ các cơ quan nhà nước trong việc củng cố bằng chứng, lập luận pháp lý và thực tiễn trong vụ kiện.
Thứ tư, phát triển đội ngũ chuyên trách và có chuyên môn sâu về thương mại quốc tế trong các hiệp hội và doanh nghiệp. Trước tiên, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho bộ phận pháp chế của của mình. Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây thực hiện bởi VCCI về sử dụng công cụ phòng vệ thương mại tại Việt Nam, năng lực tham gia tiến hành khởi kiện các vụ tranh chấp thương mại quốc tế của các doanh nghiệp là rất yếu và còn nhiều hạn chế.[27] Điều này chứng tỏ công tác pháp chế của các doanh nghiệp nội địa còn chưa được quan tâm đúng mức. Khi doanh nghiệp đã có hiểu biết bài bản về pháp luật liên quan tới vấn đề này thì sự phối hợp giữa nhóm chủ thế này với Chính phủ chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, đối với các hiệp hội, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “có đến 76% hội không có bộ phận chuyên môn về chính sách, pháp luật, còn việc duy trì liên kết với các tổ chức, đơn vị tư vấn pháp lý khá lỏng lẻo. Vì vậy, rất khó để tạo nên tiếng nói mạnh mẽ trong hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp”.[28] Do đó, những tổ chức này cần phải phát triển hơn nữa đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn của mình. Các tác giả cho rằng các hiệp hội doanh nghiệp cần thay đổi phương thức tổ chức hoạt động của mình, một mặt cần tăng cường đẩy mạnh cập nhật các thông tin hội nhập của Việt Nam, tìm hiểu nội dung của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia cùng với pháp luật liên quan, mặt khác cần tăng cường sử dụng, thu hút các cán bộ có chuyên môn về làm việc, cử họ đi học tập để năng cao năng lực. Liên quan tới cơ cấu tổ chức, các hiệp hội cần phải được chủ động về kinh phí cũng như độc lập trong quá trình hoạt động của mình.
CHÚ THÍCH
[1]* TS, Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại Thương.
** Sinh viên, ngành Luật Thương mại quốc tế, Trường ĐH Ngoại Thương.Xem thêm: Craig Calhoun, Dictionary of the Social Sciences, Oxford University Press, Oxford, 2002, tr. 338; Wendy Pearlman, Kathleen Gallagher Cunningham, “Non-state Actors, Fragmentation, and Conflict Processes”, Journal of Conflict Resolution, Vol. 56, 2012, tr. 3; Andrew Clapham, “Non-State Actors”, in Vincent Chetail, Post-Conflict Peacebuilding: A Lexicon, Oxford University Press, Oxford, 2009, tr. 200.
[2] Thuật ngữ La tin, có nghĩa là “bạn của tòa án”. Hình thức này cho phép các chủ thể tư có thể gửi tới DSB những bản đệ trình trong đó nêu rõ quan điểm của họ về các vấn đề pháp lý được giải quyết, từ đó, các chủ thể tư cũng có thể tìm cách để ảnh hưởng đến phán quyết của Ban hội thẩm/Cơ quan Phúc thẩm nhằm tìm kiếm một kết quả có lợi cho mình. Về vấn đề này, xem thêm: Séverine Menétrey, L’amicus curiae, vers un principe commun de droit procédural?, Dalloz, 2010, 506 tr.; Mirko Zambelli, “L’amicus curiae dans le règlement des différends de l’OMC: État des lieux et perspectives”, Revue International du droit économique, 2005, tr.197-218; Micheal Ioannidis, “A Procedural Approach to the Legitimacy of International Adjudication: Developing Standards of Participation in WTO Law”, German Law Journal, vol. 12, no. 5, pp. 1175-1202; Gabrielle Marceau & Mikella Hurley, “Transparency and Public Participation in the WTO : A Report Card on WTO Transparency Mechanisms”, Trade, Law and Development, vol. 4, no. 1, 2012, pp. 19 – 44.
[3] Về nguyên tắc, việc giải quyết tranh tranh chấp tại DSB tuân thủ quy tắc bảo mật, do đó, các phiên xét xử sẽ được tiến hành kín, không có sự tham gia của công chúng. Tuy nhiên, ngày 12/09/2005, Ban hội thẩm thụ lý vụ tranh chấp Hoa Kỳ/Canada – Duy trì việc đình chỉ nghĩa vụ trong vụ tranh chấp Cộng đồng châu Âu – Hormones (WT/DS320 và WT/DS321), đã quyết định mở các phiên xét xử của mình cho công chúng tham gia. Nhiều Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm sau đó cũng đã làm điều tương tự. Xem thêm: Susan Esserman & Robert Howse, “The creative evolution of world trade”, Financial Times, August 23, 2005, xem tại: http://www.steptoe.com/assets/attachments/1067.pdf (truy cập ngày 10/06/2016).
[4] Xem danh sách các vụ tranh chấp mà Việt Nam tham gia tại:.https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_by_country_e.htm (truy cập ngày 15/06/2016).
[5] United-States – Anti-dumping Measures on Certain Shirmp from Vietnam (WT/DS404) và United-States – Anti-dumping Measures on Certain Shirmp from Vietnam (WT/DS429).
[6] Indonesia – Safeguard on Certain Iron or Steel Products (WT/DS496).
[7] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, “Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến nhà nước”, 2011, trang 31 – 34, xem tại: http://www.trungtamwto.vn/sites/default/files/wto-center/attachments/Vai%20tro%20HH%20trong%20giai%20quyet%20tranh%20chap%20TMQT.pdf (truy cập ngày 27/04/2016).
[8] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tlđd, tr. 32 – 33.
[9] IDVN, “About IDVN”, xem tại: http://idvn.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=61:gioi-thieu-ve-idvn&catid=36:idvn&lang=vi&Itemid=%20 (truy cập ngày 28/04/2016).
[10] Báo Công Thương, “Doanh nghiệp Việt phản đối việc áp thuế chống bán phá giá tôn lạnh từ Indonesia”, 20/10/2014, xem tại: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep-viet-phan-doi-viec-ap-thue-chong-ban-pha-gia-ton-lanh-tu-indonesia.html (truy cập ngày 30/04/2016).
[11] Báo Tuổi Trẻ, “Bị áp thuế bán phá giá: Chủ động kiện để tự vệ”, 25/11/2014, xem tại: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141125/bi-ap-thue-ban-pha-gia-chu-dong-kien-de-tu-ve/676032.html (truy cập ngày 28/04/2016).
[12] Indonesia – Safeguard on Certain Iron or Steel Products, Request for consultations by Vietnam, 03 June 2015, WT/DS496/1.
[13] Indonesia – Safeguard on Certain Iron or Steel Products, Request for the establishment of a panel by Vietnam, 18 September 2015, WT/DS496/3.
[14] Indonesia – Safeguard on Certain Iron or Steel Products, Constitution of the panel established at the request of the separate customs territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu and Vietnam – Note by the Secretariat, WT/DS490/3, WT/DS496/4.
[15] Nguyễn Hữu Huyên, “Nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO”, 10/03/2015, xem tại: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1776 (truy cập ngày 18/04/2016).
[16] Nguyễn Ngọc Hà, “Thực trạng Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ ba vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và một số kiến nghị”, trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh lần thứ nhất (ICYREB 2015), Kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, tập 2, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015, tr. 677 – 690.
[17] Văn phòng Chính phủ, “Phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 21 dự án luật, pháp lệnh”, xem tại: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Phan-cong-co-quan-chu-tri-soan-thao-21-du-an-luat-phap-lenh/20158/16660.vgp (truy cập ngày 26/04/2016)
[18] Báo Người lao động, “Hiệp hội nhiều nhưng yếu”, 25/01/2013, xem tại: http://nld.com.vn/kinh-te/hiep-hoi-nhieu-nhung-yeu-20130125105111704.htm (truy cập 30/04/2016).
[19] Báo Doanh nhân Sài Gòn Online, tlđd.
[20] Section 301, Trade Act of 1974 (Public Law 93-618, as amended through Public Law 114-125, enacted February 24, 2016), xem tại: http://legcounsel.house.gov/Comps/93-618.pdf (truy cập ngày 15/06/2016). Xem thêm: Charles-Emmanuels Côté, “Obstacles et ouvertures processuelles pour les acteurs privés defendant des intérêts non commerciaux dans l’interprétation des accords de l’OMC”, Les Cahiers de Droit, 2009, vol. 50, no.1, tr. 207-244; Aaron Catbagan, “Rights of Action for Private Non-State Actors in the WTO Dispute Settlement System”, Denver Journal of International Law and Policy, 2009, vol. 37, no. 2, tr. 279 – 302.
[21] Règlement (CE) no 3286/94 du Conseil du 22 décembre 1994 arrêtant des procedures communautaires en matière de politique commercial commune en vue d’assurer l’exercice par la Communauté des droits qui lui sont conférés par les règles du commerce international, en particulier celles instituées sous l’égide de l’Organisation mondiale du commerce (OMC), Journal official des Communautés européennes, no L 349/71, 31/12/94, xem tại: http://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/PDF/?uri=CELEX:31994R3286&from=FR (truy cập ngày 15/06/2016).
[22] The WTO Disputes Investigation and Enforcement Mechanism of 16 September 1999, xem tại: Australia Minister for Trade, “New Mechanism to Underpin Australia’s WTO Export Rights in Global Markets”, xem tại: http://trademinister.gov.au/releases/1999/mvt025_99.html (truy cập ngày 15/06/2016).
[23].Investigation Rules of Foreign Trade Barrier, February 3, 2005, xem tại: http://english.mofcom.gov.cn/article/policyrelease/Businessregulations/201303/20130300045730.shtml (truy câp ngày 15/06/2016). Xem thêm: Pasha L. Hsieh, “China’s Development of International Economic Law and WTO Legal Capacity Building”, Journal of International Economic Law, 2010, vol. 13, no. 4, tr. 997 – 1036.
[24] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Hà, tlđd, tr. 677 – 680.
[25] Xem thêm: Nguyễn Tiến Vinh, “Kinh nghiệm nước ngoài và việc tăng cường hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHH, Luật học, 2012, số 28, tr. 130; Trần Minh Sơn, “Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, xem tại: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=128 (truy cập ngày 19/04/2016).
[26] EC – Cơ chế nhập khẩu, kinh doanh và phân phối sản phẩm chuối, Báo cáo Cơ quan Phúc thẩm, WT/DS27/AB/R, 17/11/1997, WT/DS27/AB/R, tr. 6, đoạn 10.
[27] Trung tâm WTO và Hội nhập, “Sử dụng các công cụ Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, 2015, tr. 36 – 42.
[28] Báo Doanh nhân Sài Gòn Online, “Vai trò của hội ngành nghề đối với DN: Mờ nhạt so với kỳ vọng?”, xem tại: http://www.doanhnhansaigon.vn/hoi-clb/vai-tro-cua-hoi-nganh-nghe-doi-voi-dn-mo-nhat-so-voi-ky-vong/1094432/ (truy cập ngày 30/04/2016).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Aaron Catbagan, “Rights of Action for Private Non-State Actors in the WTO Dispute Settlement System”, Denver Journal of International Law and Policy, 2009, vol. 37, no. 2, tr. 279 – 302.
- Bộ Công thương, Bản thuyết minh chi tiết dự án Luật Quản lý Ngoại thương, 2012 [trans: Detailed presentation on the Draft Law on Foreign Trade Administration, 2012]
- Charles-Emmanuels Côté, “Obstacles et ouvertures processuelles pour les acteurs privés defendant des intérêts non commerciaux dans l’interprétation des accords de l’OMC”, Les Cahiers de Droit, 2009, vol. 50, no. 1, tr. 207 – 244.
- Gabrielle Marceau & Mikella Hurley, “Transparency and Public Participation in the WTO: A Report Card on WTO Transparency Mechanisms”, Trade, Law and Development, 2012, vol. 4, no. 1, tr. 19 – 44.
- Mirko Zambelli, “L’amicus curiae dans le règlement des différends de l’OMC: État des lieux et perspectives”, Revue International du droit économique, 2005, vol. 19, no. 2, tr. 197 – 218.
- Nguyễn Hữu Huyên, “Nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO”, 10/03/2015, xem tại: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1776 (truy cập ngày 18/04/2016) [trans: Strengthening effectiveness of Vietnam’s participation in the WTO Settlement of Disputes Mechanism]
- Nguyễn Ngọc Hà, “Thực trạng Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ ba vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và một số kiến nghị”, trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh lần thứ nhất (ICYREB 2015), Kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, tập 2, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015,tr. 677-690 [trans: Vietnam’s Scenario as the third party participating in the WTO Settlement of Disputes Mechanism and some suggestions», in Proceedings of the first International Conference for Young Researchers in the fields of economics and business administration (ICYREB 2015), Economics, Management and Business Administration in the context of globalisation, episode 2, National University of Economics, Ha Noi, 2015, p. 677-690]
- Nguyễn Tiến Vinh, “Kinh nghiệm nước ngoài và việc tăng cường hiệu quả tham gia của Việt Nam vào cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHH, Luật học, 2012, số 28, tr. 117-133 [trans: Experiences of countries and strengthening effectiveness of Vietnam’s participation in the Mechanism for Settlement of Disputes of the World Trade Organisation (WTO), Ha Noi National University, Sciences Journal, Legal Studies, Volume 28, p. 117-133]
- Séverine Menétrey, L’amicus curiae, vers un principe commun de droit procédural?, Dalloz, 2010.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hà – Nguyễn Trọng Tuấn
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(106)/2017 – 2017, Trang 53-60
Nguồn: Fanpage Luật sư Online