Bàn về vấn đề tự do chọn luật áp dụng điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng trong pháp luật Liên minh Châu Âu
TÓM TẮT
Vấn đề chọn luật áp dụng điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng trong pháp luật Liên minh châu Âu (EU) được quy định tại Quy chế EC số 864/2007 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, gọi tắt là Quy chế Rome II. Theo đó, các bên được tự do chọn luật áp dụng cho các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Bài viết phân tích một số quy định trong Quy chế Rome II, sự hình thành quyền lựa chọn pháp luật điều chỉnh tranh chấp ngoài hợp đồng của tư pháp châu Âu, hình thức chọn luật áp dụng ex post và ex ante, cũng như nêu lên mức độ tự do chọn luật áp dụng của các bên và các giới hạn của quyền tự do này.
Xem thêm:
- Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại – ThS. Trần Thị Nguyệt
- Áp dụng pháp luật là gì? Đặc điểm của áp dụng pháp luật? – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Những điểm mới về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định của BLDS năm 2015 – ThS. Lê Hà Huy Phát
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng – THS. Lê Thị Hồng Vân
- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực thể thao – nhìn từ góc độ môn bóng đá – ThS. Lê Hà Huy Phát
- Pháp luật quốc tế, Châu Âu về hòa giải trong lĩnh vực hình sự và kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Giải thích pháp luật tại một số nước theo hệ thống pháp luật Civil Law kiểu Đức ở Châu Âu: Nhìn từ việc sử dụng các thuật ngữ Latinh – TS. Nguyễn Ngọc Kiện & ThS. Lê Nguyễn Gia Thiện
TỪ KHÓA: Áp dụng pháp luật, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,
Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề tự do chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ phát sinh từ giao dịch hoặc hợp đồng thương mại đã được quy định trong Luật Thương mại năm 2005[1] nhưng vấn đề tự do chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng lại chưa được luật hóa. Gần đây nhất, với việc thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015[2] (BLDS 2015), vấn đề tự do lựa chọn luật áp dụng nói chung và quyền của các bên trong việc tự do lựa chọn luật áp dụng nói riêng đã được quy định tại khoản 2 Điều 664. Theo đó, điều khoản này nhấn mạnh rằng: “trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên”. Tuy nhiên, BLDS 2015 không phân biệt quyền tự do lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ phát sinh từ hợp đồng và quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng và cũng không quy định cụ thể về quyền của các bên trong việc tự do lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng. Trong khi đó, vấn đề chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng đã được pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) quy định rất cụ thể. Bài viết phân tích vấn đề quyền tự do lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng theo pháp luật của EU và thực tiễn áp dụng các quy định này tại các nước thành viên của EU.
1. Quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ phát sinh ngoài hợp đồng theo pháp luật EU
Vấn đề quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng trong pháp luật EU được quy định tại Quy chế EC số 864/2007 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng (The EC Regulation on the law applicable to non-contractual obligations (Regulation (EC) No. 864/2007), gọi tắt là Quy chế Rome II (Rome II Regulation), có hiệu lực từ ngày 11/01/2009.[3] Điều 2(1) Quy chế Rome II điều chỉnh các quan hệ trách nhiệm phát sinh ngoài hợp đồng (tort), trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành vi tội phạm (delict), hưởng lợi không có căn cứ pháp luật, negotiorum gestio (hành vi giao dịch không đúng thẩm quyền) hoặc culpa in contrahendo (hành vi vi phạm trước khi ký kết hợp đồng). Điều 1(4) quy định rằng Quy chế Rome II được áp dụng trực tiếp trong trật tự pháp luật của các nước thành viên EU, trừ Đan Mạch.
Theo Quy chế Rome II, các bên được tự do lựa chọn luật áp dụng cho các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, sự tự do này cũng có nhiều giới hạn hơn so với trường hợp chọn luật áp dụng điều chỉnh các nghĩa vụ theo hợp đồng được quy định tại Quy chế Rome 1.[4]
Nguyên tắc chung để chọn luật áp dụng điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 4(1) Quy chế Rome II. Theo đó, luật áp dụng đối với một nghĩa vụ ngoài hợp đồng phát sinh từ trách nhiệm ngoài hợp đồng hay trách nhiệm dân sự phát sinh từ tội phạm, là luật pháp của nơi xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, nguyên tắc này có hai ngoại lệ:
Thứ nhất, nếu cả nguyên đơn và bị đơn vào thời điểm xảy ra thiệt hại có nơi thường trú ở cùng một nước, thì luật của nước đó là luật áp dụng (Điều 4(2));
Thứ hai, nếu trách nhiệm ngoài hợp đồng/ trách nhiệm dân sự phát sinh từ tội phạm có mối quan hệ với một nước “rõ ràng là mật thiết hơn” so với các nước trong các trường hợp được nêu tại Điều 4(1) và Điều 4(2) ở trên thì luật của nước có mối quan hệ mật thiết hơn sẽ là luật áp dụng. Mối quan hệ “rõ ràng là mật thiết hơn” này có thể được xác định dựa trên căn cứ như: hai bên đã có quan hệ với nhau từ trước. Ví dụ, đã từng ký kết hợp đồng có nội dung liên quan mật thiết với trách nhiệm ngoài hợp đồng/ trách nhiệm dân sự phát sinh từ tội phạm (Điều 4(2)).
Ngoài ra, Quy chế Rome II quy định rõ ràng về luật áp dụng đối với các khiếu kiện đòi bồi hoàn (restitutionary claims), như khiếu kiện về hưởng lợi không có căn cứ pháp luật (Điều 10), negotiorum gestio (Điều 11), và culpa in contrahendo (Điều 12).
Điều 14(1) Quy chế Rome II quy định: “Các bên có thể thỏa thuận áp dụng luật mà họ lựa chọn cho các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng”.
Có một thực tế là, trước khi Quy chế Rome II được thông qua, đa số ý kiến cho rằng có rất ít nhu cầu về quyền tự do lựa chọn luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, thậm chí còn cho rằng không nên chấp nhận quyền tự do chọn luật áp dụng trong lĩnh vực này.[5] Sau khi Quy chế Rome II được thông qua, các nhà bình luận vẫn tiếp tục cho rằng: “Đối với nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, các bên ít khi thực hiện quyền tự do lựa chọn luật áp dụng”, và rằng các cuộc thảo luận liên quan đến quyền tự do lựa chọn luật áp dụng đối với nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng “chủ yếu nhằm khuấy động cuộc tranh luận về học thuật, chứ không phải để làm rõ Điều 14 trong thực tế”.[6] Theo logic này, có lẽ Điều 14 Quy chế Rome II sẽ không áp dụng được. Có hai lập luận ủng hộ quan điểm này.
Lập luận thứ nhất: các bên trong một mối quan hệ ngoài hợp đồng thường không biết nhau trước khi sự kiện gây thiệt hại xảy ra. Do vậy, một khi một tai nạn xảy ra, họ không sẵn sàng để thỏa thuận về luật áp dụng ex post, bởi vì do sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật về nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, nên một trong các bên chắc chắn sẽ bị thiệt thòi hơn, nếu họ đi đến một thỏa thuận về việc lựa chọn luật áp dụng.
Lập luận thứ hai: nếu các bên đang có một mối quan hệ với nhau, cụ thể là một quan hệ hợp đồng, trước khi sự kiện gây thiệt hại xảy ra và một bên gây thiệt hại, thì luật điều chỉnh hợp đồng cũng sẽ được áp dụng đối với trách nhiệm của bên gây thiệt hại, bằng cách áp dụng cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” (rattachement accessoire), theo như quy định tại Điều 4(3) Quy chế Rome II.[7] Vì vậy, quy định về quyền tự do chọn luật áp dụng trước khi nghĩa vụ ngoài hợp đồng phát sinh (ex ante) là không cần thiết.
Tuy nhiên, tác giả Thomas Kadner Graziano lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng, quyền tự do chọn luật áp dụng đối với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng được quy định trong Quy chế Rome II là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tư pháp quốc tế trong pháp luật EU.[8] Vậy trong thực tế, nguyên tắc này hiện hữu như thế nào trong tư pháp quốc tế châu Âu?
2. Quyền tự do lựa chọn luật áp dụng của các bên để điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng trong tư pháp quốc tế châu Âu
Kể từ cuối những năm 1970, quyền tự do chọn luật áp dụng của các bên để điều chỉnh các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng đã chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong các quy phạm xung đột của tư pháp quốc tế châu Âu. Trên thực tế, ở một mức độ nhất định, tất cả các đạo luật hiện đại về tư pháp quốc tế ở châu Âu đã giải quyết vấn đề này. Theo đó, pháp luật cho phép các bên được quyền chọn luật áp dụng để điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Trong đó, pháp luật của một số nước chỉ cho phép chọn luật áp dụng sau khi xuất hiện các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, như: Đức, Bỉ, Lithuania,[9] Thụy Sĩ, Nga, Nhật Bản.[10] Ở các nước khác, các bên được tự do chọn luật áp dụng ngay cả từ trước khi thiệt hại xảy ra (ex ante) và sau khi thiệt hại xảy ra (ex post), như: Áo, Liechtenstein và Hà Lan.[11]
Có rất nhiều lý lẽ để công nhận quyền của các bên trong việc được tự do lựa chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng.[12] Cụ thể, bên bị thiệt hại gần như luôn có khả năng để thực hiện một yêu cầu bồi thường và các bên có thể tự thỏa thuận và giải quyết mà không cần đến tòa án. Ngoài ra, bên bị thiệt hại cũng có thể xác định luật áp dụng đối với bên kia.[13] Các bên sẽ có khả năng áp dụng một luật áp dụng cụ thể cho tất cả các mối quan hệ pháp lý, cả quan hệ hợp đồng và quan hệ ngoài hợp đồng, và cùng với tất cả các loại trách nhiệm pháp lý, có thể được giải quyết theo cùng một cách thức. Cuối cùng, các bên có điều kiện tốt nhất để biết luật áp dụng nào sẽ bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của họ và để đạt được kết quả mong muốn.
3. Chọn luật áp dụng ex post
Án lệ Bier v. Mines de Potasse d’Alsace là một trong những án lệ nổi tiếng nhất của tư pháp quốc tế châu Âu về nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng liên quan đến quyền lựa chọn luật áp dụng sau khi thiệt hại đã xảy ra – ex post.[14] Công ty Mines de Potasse d’Alsace của Pháp đã thải muối dư vào sông Rhin. Do đó, một công ty làm vườn Hà Lan – sử dụng nước từ sông Rhin cho mục đích tưới tiêu – đã buộc phải lắp đặt một hệ thống lọc nước. Công ty Hà Lan đã kiện công ty Pháp đòi bồi thường thiệt hại trước Tòa án Hà Lan.
Ở giai đoạn đầu của vụ kiện, mỗi bên đều muốn áp dụng luật của nước mình.[15] Tuy nhiên, cuối cùng các bên thỏa thuận áp dụng luật của Hà Lan, với lý do là: “nếu áp dụng luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp, thì theo luật Hà Lan các bên sẽ không có quyền kháng cáo trước tòa án Hà Lan. Vì vậy, nếu các bên chọn luật Hà Lan, thì sẽ mở ra khả năng kháng cáo trước các tòa án cấp cao hơn ở Hà Lan”.[16] Án lệ nổi tiếng này cho thấy một thực tế là: chủ yếu vì lý do tố tụng mà các bên đã chọn luật áp dụng là luật Hà Lan – lex fori.
4. Chọn luật áp dụng ex ante
Trong trường hợp có một mối quan hệ đặc biệt giữa các bên, nhất là khi họ đang bị ràng buộc bởi một hợp đồng, ví dụ như một hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ, theo Điều 14(1)(b) Quy chế Rome II, các bên có thể chọn luật áp dụng ex ante – tức là chọn luật áp dụng trước khi xảy ra thiệt hại.
Khi đang ở trong một mối quan hệ sẵn có mà có thể phát sinh thiệt hại, ví dụ, các bên trong hợp đồng xây dựng phức tạp hoặc các bên trong một mối quan hệ kinh doanh liên tục thì các bên có thể rất quan tâm đến việc xác định trước luật áp dụng cho tất cả các mối quan hệ của họ, bao gồm cả nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng có thể có trong tương lai. Chọn luật áp dụng ex ante giúp các bên biết được ngay từ đầu về các quy tắc sẽ điều chỉnh bất kỳ khiếu kiện nào về nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng của họ, thậm chí trước khi thiệt hại xảy ra. Điều này giúp họ chủ động trong việc tìm hiểu trước về pháp luật của nước sẽ được áp dụng để điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ.
5. Mức độ tự do và các giới hạn của quyền tự do chọn luật áp dụng
Theo pháp luật của EU, về nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn luật áp dụng là luật pháp của các nước khác nhau như: Luật của nước của nguyên đơn/bị đơn; luật của một nước thứ ba; các nguồn “luật mềm” hay “luật xuyên quốc gia”, chẳng hạn: Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC); “Bộ nguyên tắc của Luật hợp đồng châu Âu” (PECL)… Trong trường hợp khi mà các bên được quyền thương lượng bình đẳng và họ không đạt được một thỏa thuận về việc áp dụng pháp luật của một trong những nước của các bên, họ cũng có thể thoả thuận áp dụng PECL hoặc PICC. Ngoài ra, các bên cũng có thể chọn các “nguyên tắc chung của pháp luật” làm luật áp dụng. Tuy nhiên, quyền tự do chọn luật áp dụng có thể bị giới hạn trong một số trường hợp như:
Thứ nhất: cần bảo vệ bên yếu thế
Để tránh lạm dụng và để bảo vệ các bên được coi là yếu thế, ví dụ: người tiêu dùng và người lao động,[17] Quy chế Rome II giới hạn sự tự do lựa chọn ex ante của các bên “có hoạt động thương mại” tại Điều 14(1)(b). Đối với hợp đồng trong lĩnh vực tiêu dùng và hợp đồng lao động, Quy chế Rome II chỉ cho phép được chọn luật áp dụng ex post, tức là sau khi thiệt hại đã xảy ra.
Thứ hai: không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba
Giống như tất cả các quy tắc hiện đại trong lĩnh vực này,[18] Điều 14(1) Quy chế Rome II quy định rõ ràng rằng việc chọn luật áp dụng “sẽ không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba”.
Thứ ba: về luật áp dụng đối với điều khoản chọn luật áp dụng
Quy chế Rome II không quy định rõ về việc luật nào điều chỉnh sự tồn tại và hiệu lực của điều khoản chọn luật áp dụng. Trên thực tế, vấn đề này sẽ cần thiết được nêu ra, nếu một bên cho rằng có sự nhầm lẫn hoặc bị cưỡng ép trong việc thỏa thuận về điều khoản chọn luật áp dụng.
6. Mối quan hệ giữa Điều 4(3) và Điều 14 của Quy chế Rome II
Khi nghiên cứu Quy chế Rome II, cần thấy rằng giữa Điều 4(3) và Điều 14 có mối quan hệ khá đặc biệt. Đó là:
– Thứ nhất, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” (accessoire rattachement).
Pháp luật của một số nước về nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, như: Anh, Đức, Ý, Thụy Sĩ cho phép đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nếu các điều kiện của cả hai hệ thống về trách nhiệm bồi thường này được thoả mãn. Tuy nhiên, trên thực tế, do các quy tắc xác định luật áp dụng cho các nghĩa vụ theo hợp đồng và cho các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng là không giống nhau (ví dụ, luật áp dụng là luật nơi thường trú của người bán hoặc nhà cung cấp dịch vụ đối với các nghĩa vụ theo hợp đồng, trong khi đó, luật áp dụng là luật nơi xảy ra thiệt hại – lex loci commissi delicti đối với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng), nên những yêu cầu bồi thường này có thể được điều chỉnh bởi các luật khác nhau, mặc dù sự kiện pháp lý tương tự nhau.
Trong nửa cuối của thế kỷ XX, một xu hướng mới trở nên phổ biến trong tư pháp quốc tế châu Âu nhằm đạt được sự linh hoạt hơn khi đề cập đến các quy định về luật áp dụng cho nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Phù hợp với xu hướng này, Điều 4(3) Quy chế Rome II quy định rằng: “Trường hợp mà rõ ràng rằng từ tất cả các tình tiết của vụ án mà bên vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng có quan hệ chặt chẽ hơn với một quốc gia khác, so với quốc gia mà ở đó xảy ra thiệt hại hoặc là nơi các bên thường trú, thì luật của quốc gia khác đó được áp dụng”. Trường hợp quan trọng nhất đối với điều khoản ngoại lệ này được đề cập trong Điều 4(3) câu thứ 2 của Quy chế Rome II: “Một mối quan hệ mật thiết hơn với nước khác có thể được xác định cụ thể dựa trên một mối quan hệ đã có trước đó giữa các bên, chẳng hạn như một hợp đồng, mà có liên hệ chặt chẽ với người gây thiệt hại ngoài hợp đồng/ người phạm tội” (cụ thể là cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” – accessoire rattachement).[19] Trong trường hợp mà người gây thiệt hại ngoài hợp đồng có một mối quan hệ chặt chẽ với một hợp đồng giữa các bên, thì Điều 4(3) cho phép các tòa án áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng cho cả yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trường hợp các vi phạm ngoài hợp đồng hoặc tội phạm có mối quan hệ chặt chẽ với một hợp đồng, thì cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” giúp tránh trường hợp các khiếu kiện theo hợp đồng và vi phạm ngoài hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau. Nó cũng tránh xảy ra xung đột trong trường hợp quy định về trách nhiệm của các quốc gia khác nhau đều có thể được áp dụng cho yêu cầu bồi thường trong hợp đồng và ngoài hợp đồng trên cùng một sự kiện pháp lý.[20]
– Thứ hai, cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” và việc chọn luật áp dụng ex ante
Nếu các bên đã chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của họ thông qua cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” nêu tại Điều 4(3) Quy chế Rome II, thì sự lựa chọn này có thể tác động đến luật áp dụng đối với nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 14 Quy chế Rome II cũng hạn chế một số khả năng chọn luật áp dụng cho nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng giữa các bên. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu giới hạn nêu tại Điều 14 có nên được áp dụng, khi đang áp dụng Điều 4(3) hay không?
Một ví dụ dưới đây sẽ giúp minh họa cho sự tương tác giữa Điều 14 và Điều 4(3) của Quy chế Rome II:
Một người sống ở Anh lái xe qua Đức trên đường đi nghỉ ở Italy. Chiếc xe hỏng và được sửa chữa tại một tiệm sửa xe ở Đức. Một vài tuần sau, sau khi ông đã trở về Anh, ông bị thương trong một tai nạn mà tai nạn này phát sinh do vì việc sửa chữa xe cẩu thả. Hợp đồng dịch vụ giữa các bên quy định: “Tất cả các nghĩa vụ giữa các bên sẽ được điều chỉnh bằng luật của Đức”.
Chủ sở hữu xe người Anh yêu cầu chủ tiệm sửa xe ở Đức bồi thường thiệt hại cả trong và ngoài hợp đồng. Câu hỏi đặt ra là: điều khoản chọn luật áp dụng trong hợp đồng dịch vụ có mở rộng cho cả việc bồi thường ngoài hợp đồng hay không? Nếu không, liệu cơ chế “mối quan hệ phụ thuộc” được quy định tại Điều 4(3) Quy chế Rome II có dẫn đến việc theo đó luật điều chỉnh hợp đồng cũng điều chỉnh luôn cả yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng không?
Thỏa thuận giữa các bên quy định rằng: “Tất cả các nghĩa vụ giữa các bên sẽ được điều chỉnh theo luật của Đức”. Điều khoản này dường như áp dụng cho cả nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 14(1)(b) cho phép người tiêu dùng chọn luật áp dụng “bởi một thỏa thuận… trước khi xuất hiện sự kiện dẫn đến những thiệt hại đã xảy ra”. Vì chủ sở hữu xe không có hoạt động thương mại khi ký kết hợp đồng, theo Điều 14(1)(b) Quy chế Rome II, các bên đã không thuộc trường hợp được chọn trước luật áp dụng để điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Do đó, việc chọn luật áp dụng theo hợp đồng có thể không được áp dụng cho trách nhiệm ngoài hợp đồng.
Như vậy, Điều 14 quy định một phương pháp tiếp cận hiện đại – chọn luật áp dụng cả ex post và ex ante trong những điều kiện nhất định, đã nhấn mạnh quyền tự do lựa chọn luật áp dụng của các bên. Điều 14 nêu rõ rằng các bên được tự do thỏa thuận về luật áp dụng không chỉ đối với hợp đồng của họ, mà còn để điều chỉnh các mối quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng. Điều 14 cũng nêu rõ các trường hợp cho phép thỏa thuận về luật áp dụng.
Những phân tích ở trên cho thấy, Quy chế Rome II đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo sự an toàn pháp lý và khả năng dự đoán về kết quả của việc áp dụng luật điều chỉnh cácnghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng. Quy chế Rome II cũng cho thấy quyền được tự do lựa chọn pháp luật để điều chỉnh quan hệ nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng là quyền của các chủ thể và quyền này được đặt ra từ yêu cầu mang tính khách quan và các quy định của Quy chế Rome II ra đời đã đáp ứng được yêu cầu khách quan này.
Ngoài ra, việc tìm hiểu kinh nghiệm của EU khi đưa ra các quy định về những giới hạn đối với quyền tự do lựa chọn luật áp dụng để điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng cho thấy quyền tự do lựa chọn luật của các bên thực sự cần phải có những giới hạn nhất định, như đã được quy định tại Quy chế Rome II. Những phân tích trong bài viết này liên quan đến vấn đề về quyền của các bên trong việc tự do lựa chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ trách nhiệm ngoài hợp đồng theo pháp luật EU, sẽ góp phần nêu ý tưởng hoàn thiện các quy định về tư pháp quốc tế của Việt Nam nói chung cũng như trong các luật chuyên ngành về kinh doanh thương mại trong các nghiên cứu tiếp theo.
CHÚ THÍCH
* ThS, NCS. chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 5 khoản 2 Luật Thương mại năm 2005 quy định:“Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
[2] BLDS năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
[3] http://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2007:199:0040:0049:EN:PDF.
[4].http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32008R0593.
[5] Xem Adolfo Miaja de la Muela, Derecho internacional privado, Tomo Segundo, parte especial, Ed. 10. Bouza Vidal, Madrid, 1987, tr. 411; Peter Huber, Ivo Bach, Die Rom II-VO, Kommissionentwurf und aktuelle Entwicklungen, Praxis des Internationalen Privat – und Verfahrensrechts (IPRax), 2005, 73-84, 75.
[6] Th. M. de Boer, Party Autonomy and Its Limitations in the Rome II Regulation, 2007. Downloaded from UvA-DARE, the institutional repository of the University of Amsterdam (UvA), http://hdl.handle.net/11245/2.71586, 19-29; Carine Briere, The Rome II Regulation on the Law Applicable to Non-contractual Obligations (Rome II), Revue de droit international (Clunet), 2008, 31-74.
[7] Xem cụ thể hơn tại nội dung viết ở Mục 6 dưới đây.
[8] Thomas Kadner Graziano, “Freedom to Choose the Applicable Law in Tort – Articles 14 and 4(3) of the Rome II Regulation”, in John Ahern and William Binchy, The Rome II Regulation on the Law Applicable to Non-contractual Obligations – A New International Litigation Regime, Martinus Nijhoff Publishers, Leiden – Boston, 2009.
[9] Điều 101 của Luật Tư pháp quốc tế Bỉ; Điều 42 của EGBGB Đức; Điều 1.43 Phần 3 BLDS Lithuania.
[10] Điều 132 Luật Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ; Điều 1219 Phần 3 BLDS Nga; Điều 21 của Đạo luật mới của Nhật Bản về các nguyên tắc chung của áp dụng pháp luật.
[11] §35 Phần 1 Luật Tư pháp quốc tế Áo; Điều 39 Phần 1 Luật Tư pháp quốc tế Liechtenstein; Điều 6 Luật Tư pháp quốc tế Hà Lan về trách nhiệm ngoài hợp đồng.
[12] Th.M. de Boer, “Facultative Choice of Law. The Procedural Status of Choice of law Rules and Foreign Law”, in Recueil des Cours,1996, Vol. 257, tr. 225-427.
[13] Xem de Boer, Yb PIL 2008, 19-29, 20.
[14] ECJ Case 21/76 Bier v. Mines de Potasse d’Alsace [1976] ERC 1735.
[15].Xem Rechtbank Rotterdam 1979/08/01, Nederlandse Jurisprudentie 1979, n° 113 15.
[16] Rechtbank Rotterdam, như trên.
[17] Cf. Ủy ban châu Âu, đề nghị sửa đổi Quy chế của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về Luật áp dụng đối với nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng (Rome II), Brussels, 2006/02/21, COM (2006) 83, tr. 3, sửa đổi 25.
[18] Xem Điều 11(3) Luật Tư pháp quốc tế Áo; Điều 11(3) Luật Tư pháp quốc tế Liechtenstein; Điều 42 EGBGB Đức; Điều 21 Luật Nhật Bản về các nguyên tắc chung của việc áp dụng pháp luật.
[19] Xem Điều 133 Mục 2 Luật Tư pháp quốc tê Thụy Sĩ; Điều 41 Khoản 2 EGBGB Đức; Điều 5 Luật Tư pháp quốc tế Hà Lan về trách nhiệm ngoài hợp đồng; Điều 100 Luật Tư pháp quốc tế Bỉ; Áo, Tòa án tối cao (OGH) 1987/10/29, IPRax 1988, 363, 364; OGH 2001/03/30, Zeitschrift fuer Rechtsvergleichung (ZfRV) 2002, 149, 152.
[20] Kadner Graziano, Gemeineuropäisches Internationales Privatrecht, Tübingen, 2002, tr. 437 và tiếp theo.
- Tác giả: TS. Nguyễn Đức Vinh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(104)/2017 – 2017, Trang 41-46
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý