Mục lục
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế
TÓM TẮT
Từ đầu tháng 5 năm 2014 Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, trong đó có biện pháp kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế để bác bỏ đường chín đoạn do Trung Quốc tự áp đặt trong Biển Đông.
Xem thêm:
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – TS. Trần Thăng Long
- Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam – ThS. Trần Thị Bích Hà
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
TỪ KHÓA: Giàn khoan Hải dương 981, Pháp luật quốc tế, Công pháp quốc tế, Công ước Luật Biển, Tạp chí Khoa học pháp lý
Từ đầu tháng 5 năm 2014, dư luận trong nước và quốc tế lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý. Trung Quốc đang vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
1. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép và những vấn đề đặt ra theo quy định của Luật Biển quốc tế hiện đại
Qua sơ đồ dưới đây, chiểu theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 sẽ thấy rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981là hoàn toàn sai trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam – Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong “lô 143” ở vùng biển Hoàng Sa rõ ràng là bất hợp pháp, ngay cả khi giả thiết rằng quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng từ năm 1974 và Trung Quốc ngang ngược cho rằng quần đảo này thuộc Trung Quốc. Đó là vì “lô 143” này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, 120 hải lý tính từ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam. Trong khi đó, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cách đảo Tri Tôn của Việt Nam (hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hơn 17 hải lý. Theo Công ước về Luật Biển quốc tế năm 1982 thì “hải phận” của các hòn đảo nhỏ không người ở như thế, chỉ được kể là bao gồm vùng biển chung quanh cách hòn đảo 12 hải lý mà thôi. Nghĩa là dù Bắc Kinh cố bám lấy cớ là “Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc” thì việc khai thác giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cũng là vi phạm pháp luật quốc tế, vì nó ở xa hòn đảo tới 17 hải lý.
Ngày 09-05-2014 tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc minh họa bằng bản vẽ giản lược có đánh dấu một số đảo tại biển Đông, nơi đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý, cách bờ biển Quãng Ngãi 150 hải lý.[1] Việc so sánh khoảng cách 17 hải lý và 150 hải lý thì thật phản khoa học. Khi nói về điều này, chắc hẳn Dịch Tiên Lương, hoặc không hiểu biết gì về luật biển quốc tế, hoặc cố tình xuyên tạc để dư luận coi hành động của Trung Quốc là phù hợp với luật quốc tế. Việc Trung Quốc lấy Hoàng Sa của Việt Nam làm một đảo xa bờ để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, để nói về việc “Trung Quốc có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán của Hoàng Sa” là một thủ đoạn đen tối. Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, sau đó lại dựa vào đó để có những hành động tiếp theo vi phạm chủ quyền của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế. Không hiểu vụ việc này đưa ra Tòa án quốc tế thì Trung Quốc có còn nói mạnh được hay không?
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, tại Điều 57, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý. Đồng thời tại Điều 76 của Công ước về Luật Biển năm 1982 cũng quy định, một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý.
Có ba cách xác định khác, lớn hơn 200 hải lý, đó là rìa ngoài của thềm lục địa tự nhiên; 350 hải lý kể từ đường cơ sở và cuối cùng 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 m. Cách xác định chiều rộng thềm lục địa thì 200 hải lý là cách xác định nhỏ nhất. Nếu chiểu theo ranh giới 200 hải lý, thì rõ ràng vị trí đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới 80 hải lý. Các Điều 56 và 76 của Công ước về Luật Biển năm 1982 đều quy định về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, quốc gia ven biển sẽ có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên. Còn quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này là quyền được cấp phép, cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các đảo, xây dựng các công trình nổi trên biển. Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đưa vào thềm lục địa của Việt Nam không được sự đồng ý của Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc đã vi phạm quyền tài phán của Việt Nam.
Điều 15 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: “Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở”.
Điều 16 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982:
“1 – Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:
a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;
b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;
c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.
2 – Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
3 – Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.
4 – Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này”.
Điều 17 và Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về thềm lục địa của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với các điều 77, 78, 79, 80, 81 của Công ước năm 1982 về Luật biển.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Biển Việt Nam, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lýtính từ đường cơ sở hoặc không quá100 hải lýtính từ đườngđẳng sâu2.500 mét.
Điều 77 Công ước 1982 về Luật biển quy định các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa, theo đó: 1) Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; 2) Các quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó; 3) Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào; 4) Các tài nguyên thiên nhiên ở phần này bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kỳ có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển.
Theo Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: 1) Thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên; 2) Quyền chủ quyền này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sựđồng ý của Chính phủ Việt Nam; 3) Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa; 4) Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam; việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; 5) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.
Từ những quy định của Công ước năm 1982 về Luật biển và Luật Biển Việt Nam năm 2012 chúng ta khẳng định hành động hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại là không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tếđược quy định trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc và trong Tuyên ngôn về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế do Đại hội đồng thông qua năm 1974. Hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông chính là hành động dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, và vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC[2] ) đã yêu cầu không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, phải giải quyết bất đồng trên tinh thần xây dựng. Trung Quốc đã gây hấn, cố tạo ra tranh chấp trong vùng biển Việt Nam, thực chất vốn không phải là vùng tranh chấp, trong khi Việt Nam đã kiềm chế để giữ nguyên trạng tình hình biển Đông, nhằm đảm bảo hòa bình ổn định tình hình trong khu vực. Với hành động đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981, Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình, muốn thay đổi nguyên trạng, đặt mọi thứ vào tình trạng đã rồi, theo hướng có lợi cho họ.
Từ trước đến nay Trung Quốc đều coi những vùng biển nào của nước khác mà Trung Quốc chiếm được bằng vũ lực là những vùng không tranh chấp, còn những vùng biển đảo nào thuộc chủ quyền và hiện các nước khác trong khu vực quản lý thì đó là khu vực tranh chấp. Thậm chí Trung Quốc còn đề nghị gác tranh chấp, cùng khai thác ở những vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Thực ra, sách lược của Đặng Tiểu Bình còn 3 chữ đằng trước nữa là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nếu chấp nhận “cùng khai thác” thì có nghĩa công nhận chủ quyền của Trung Quốc nơi khu vực đang trang chấp. Đương nhiên không quốc gia nào có thể chấp nhận đề nghị “cùng khai thác” kiểu này.
Thực ra việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vị trí hiện nay là nhằm thực hiện một ý đồ đen tối “hai trong một”. Ý đồ này Trung Quốc không nói ra, nhưng ai cũng có thể hiểu là, Trung Quốc muốn hiện thực hóa “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chín đoạn” phi lý[3] . Vị trí của giàn khoan rõ ràng là nằm trong vùng biển mà Trung Quốc ngạo mạn coi là của họ. Cái đường chín đoạn ấy chưa bao giờ được Trung Quốc giải thích nó là cái gì, có từ bao giờ và ý nghĩa của nó. Họ cứ vẽ bản đồ có đường chín đoạn, không có tọa độ cụ thể, không nói về cơ sở pháp lý và chưa bao giờ có một lời giải thích. Đường chín đoạn ấy hoàn toàn phi pháp, bị cả thế giới lên án. Khi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng biển bao bọc bởi đường chín đoạn và cách đảo Tri Tôn của Việt Nam (mà hiện Trung Quốc chiếm giữ trái phép) chỉ có 17-18 hải lý, Trung Quốc muốn lập lờ nói rằng Haiyang Shiyou 981 nằm trong lãnh hải của Tri Tôn. Nếu không có sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt thì Trung Quốc sẽ ngay lập tức chuyển sang chứng minh tính hợp pháp, hiện thực của đường chín đoạn. Thủ đoạn “hai trong một” của Trung Quốc là hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 để chứng minh tính hiện thực của đường chín đoạn, đồng thời cố tình chứng minh Hoàng Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
2. Dự báo diễn biến của tình hình và đối sách của Việt Nam
Ngày 05 tháng 5 năm 2014 Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Haiyang Shiyou 981[4] sẽ hoạt động 3 tháng ở biển Đông, từ ngày 4 tháng 5 đến 15 tháng 8 năm 2014. Trung Quốc tuyên bố đây là biên giới di động, là lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí[5] .
Mục tiêu chính của việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam không phải là mục tiêu kinh tế, không phải là thăm dò dầu khí, khai thác dầu khí. Mục tiêu chính của họ là mục tiêu chính trị, bành trướng lãnh thổ trên biển Đông. Chính vì vậy, cho dù Việt Nam và cả thế giới phản đối, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố không rút giàn khoan.
Và có lẽ Trung Quốc sẽ rút giàn khoan vào giữa tháng 8 năm 2014. Họ làm như vậy để chứng tỏ họ làm theo kế hoạch được lập sẵn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, Trung Quốc mới chỉ tuyên bố rút giàn khoan vào 15 tháng 8, còn chưa nói sẽ rút đi đâu, có quay trở về nơi nó xuất phát hay không? Một khi Trung Quốc tuyên bố Haiyang Shiyou 981 là biên giới di động, là lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc thì vấn đề đặt ra không đơn giản. Theo dự báo của chúng tôi, dựa trên tất cả những gì đang diễn ra, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi vị trí hiện nay vào giữa tháng 8 năm 2014. Trung Quốc có thể rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sớm hơn nếu xảy ra những tình huống bất khả kháng. Sự phản kháng quyết liệt, dữ dội của Việt Nam và lên tiếng mạnh mẽ của cả thế giới như hiện nay, chắc hẳn không nằm trong kịch bản của Trung Quốc[6] .
Chúng tôi dự báo về các khả năng rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc. Có thể giàn khoan Haiyang Shiyou 981 được hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam sẽ rút ra khỏi vị trí hiện nay. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc sẽ rút hay di chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đi đâu?
Theo chúng tôi, Trung Quốc không đưa giàn khoan về vị trí xuất phát ban đầu, tức là vùng biển gần Hồng Kông.
Khả năng thứ nhất,Trung Quốc sẽ di chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou 981 về phía Nam, tức về vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra dự báo này vì dựa trên những căn cứ sau:
Một là,theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ[7] . Nếu dự báo của EIA là chính xác, người ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại phải bằng mọi giá đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 981 đến khu vực ít tiềm năng dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam – bất chấp chi phí vận hành, bảo vệ vô cùng tốn kém, cũng như vấp phải phản ứng dữ dội và quyết liệt của Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế? Rõ ràng đây mới chỉ là phép thửcủa Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng, việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chắc cũng chỉ gặp phản ứng của Việt Nam và sự phản ứng này chưa chắc đã mạnh mẽ. Và tại đây, nếu thành công, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa “đường chín đoạn” và hợp pháp hóa việc chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và do vậy, việc thăm dò dầu khí không phải là mục đích chính, chỉ là cái cớ cho sự hiện diện của Haiyang Shiyou 981.
Hai là,bến đậu cuối cùng của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Muốn tới được Trường Sa, đương nhiên phải đi qua Hoàng Sa. Như vậy vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông và gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là chỗ dừng chân tạm thời. Chỗ dừng chân tạm thời này có mục đích thử phản ứng của Việt Nam để chuẩn bị đối phó với phản ứng của nhiều nước liên quan sau này khi đến Trường Sa. Đồng thời, Trung Quốc cũng cần thời gian chuẩn bị bãi tập kết ở Trường Sa. Bằng chứng là, khi cả thế giới tập trung vào sự kiện ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đang khẩn trương vận chuyển đất và vật liệu tới đảo Gạc Ma của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm vào năm 1988. Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất đai, lấp biển, đổ đất quy mô lớn trên Gạc Ma và chuẩn bị xây dựng cở sở vật chất tại đây. Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối Trung Quốc, đồng thời nêu vấn đề này trong cuộc họp kín tại Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Myanmar đầu tháng 5 năm 2014. Một số chuyên gia quân sự nhận định, hải quân Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một sân bay mới trên đảo, nhằm tăng cường khả năng tham chiến của quân đội nước này tại biển Đông. Căn cứ quân sự ở Gạc Ma sẽ là yếu tố quan trọng thay đổi cục diện chiến lược tại khu vực quần đảo Trường Sa, từ đó tăng cường sức mạnh không quân của Bắc Kinh trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ[8] . Và khi đó giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ khai thác dầu khí tại vũng biển Trường Sa của Việt Nam, nó sẽ trở thành hòn đảo nổi nhân tạo bất khả xâm phạm của Trung Quốc, hiện thực hóa mưu đồ đen tối của Trung Quốc là biến Haiyang Shiyou 981 thành “biên giới di động, thành lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí[9] ”.
Khả năng thứ hai,giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ được di chuyển lên phía Bắc, vào vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong trường hợp này biển Hoa Đông sẽ dậy sóng.
Khả năng thứ ba,Trung Quốc lấy cớ là tránh mùa bão tại biển Đông, nhưng thực ra đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ rút về bờ biển của Trung Quốc, gần bờ biển ở Hồng Kông. Hành động này vẫn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, chứ không phải Trung Quốc sẽ từ bỏ dùng giàn khoan Haiyang Shiyou 981 để phục vụ mưu đồ chiếm trọn biển Đông. Tôi không đồng tình với ý kiến của ThS Hoàng Việt, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên trang vnexpess, ngày 8-5-2013, ông nói “Tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan trở lại đảo Tri Tôn hoặc ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Nhưng để Trung Quốc rút giàn khoan không phải là điều dễ dàng”[10] . Tại sao lại hy vọng như vậy? Đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của Việt Nam, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc kéo giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trở lại đảo Tri Tôn vẫn là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm DOC. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan “ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” thì hòa bình, ổn định ở khu vực vẫn bị đe dọa, vì có thể giàn khoan đó lại di chuyển đến vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, không phải của Trung Quốc, trong khu vực biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Cứ giả thiết là giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ bị bão của biển Đông quật cho tan nát, Trung Quốc xây lắp hàng chục giàn khoan tương tự, cho dù mỗi cái tốn hàng tỷ đô la Mỹ. Bản thân các giàn khoan không nguy hiểm, mà là âm mưu dùng giàn khoan để xâm lược trên biểnmới là nguy hiểm. Do vậy, cần phải đập tan âm mưu đó của Trung Quốc.
Trước tình hình hết sức nguy biến như vậy, Việt Nam phải hành động như thế nào?
Trước hết, theo chúng tôi, chúng ta cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, phải lường trước được những gì có khả năng xảy ra, dự báo về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc để có những biện pháp đối phó kịp thời, có hiệu quả cao nhất. Trong thời gian qua, kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam, chúng ta đã kiên quyết cản phá trên biển, dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc mạnh mẽ. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam sẽ vẫn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng ta phải áp dụng đồng bộ các biện pháp ngoại giao, an ninh, quốc phòng, sử dụng sức mạnh của toàn dân. Ngay từ bây giờ nên có những biện pháp hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, nhất là những nước có liên quan đến tranh chấp ở quần đảo Trường Sa để đón đầu những nguy cơ từ phía Trung Quốc, phải quốc tế hóa vấn đề biển Đông.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập biện pháp pháp lý, một trong những biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế được quy định tại Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc.
Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “1. Trong một vụ tranh chấp, nếu cứ kéo dài, có thể làm nguy hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, các bên trong cuộc tranh chấp phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình. 2. Nếu cần, Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu các nước đương sự hòa giải những vụ tranh chấp của họ bằng những biện pháp kể trên”.
Chúng ta cần tích cực hợp tác với các nước ASEAN về vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Cần thúc đẩy việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (Codes of Conduct – COC), trong đó Trung Quốc là bên tham gia. Cần phải tăng cường đối thoại với Trung Quốc ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, chúng ta không thể đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc là Việt Nam phải rút hết tàu bè ra khỏi khu vực giàn khoan và khi đó mới đàm phán. Yêu cầu đó của Trung Quốc là hết sức phi lý.
Tiếp theo, cần phải sử dụng diễn đàn tại các hội nghị quốc tế, diễn đàn khu vực, tại Liên hợp quốc, qua các cơ quan quan trọng như Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng.
Từ ngày 7 tháng 5, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên hợp quốc công hàm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam[11] . Đó mới chỉ là bước đi đầu tiên của chúng ta tại diễn đàn Liên hợp quốc. Theo Điều 24 của Hiến chương Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Chúng ta cũng cần phải tính tới việc đệ trình vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì hành động của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực. Đương nhiên, khó có thể có được một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề này, vì chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng tới quyền phủ quyết. Tới đây, cũng cần tính tới việc trình Đại hội đồng Liên hợp quốc Dự thảo Nghị quyết về biển Đông, trong đó có cả vấn đề tự do hàng hải. Chúng tôi cho rằng việc này có tính khả thi vì chỉ cần đa số phiếu tán thành thì Nghị quyết sẽ được thông qua. Giá trị pháp lý của Nghị quyết không cao, nhưng đó là sự thất bại lớn của Trung Quốc về mặt ngoại giao.
Chúng ta phải chuẩn bị ngay, càng sớm, càng tốt phương án kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Chúng ta hoàn toàn có quyền kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982 về việc giải thích và áp dụng sai Phần V Công ước Luật biển 1982 (Vùng đặc quyền kinh tế). Hành vi và vị trí đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã xâm phạm vào vùng biển được Luật Biển quốc tế xác định là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi tấn công tàu công vụ của Nhà nước Việt Nam cho thấy tính chất nguy hiểm, trắng trợn và thô bạo trong hành vi ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Thực ra, ngay sau vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp quang của Tàu Bình Minh 2 của Việt Nam chúng ta có thể khởi kiện được rồi[12] . Vụ cắt cáp quang là hành vi lén lút, khó để lại chứng cứ, còn giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là chứng cứ không thể chối cãi.
Đồng thời, chúng ta cũng có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc, để đòi lại Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1974.
Từ trước tới nay Trung Quốc luôn lẩn tránh việc theo kiện tại các cơ quan tài phán quốc tế. Từ xưa tới nay Trung Quốc đều khẳng định họ có căn cứ pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, tại sao có căn cứ pháp lý vững chắc nhưng lại rất sợ đối diện với công lý? Tại sao nói rằng có căn cứ vững chắc, nhưng Trung Quốc rất sợ nói về Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982? Điều đó chứng tỏ Trung Quốc chỉ muốn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của nước khác một cách phi pháp, chà đạp lên pháp luật quốc tế.
Việc chúng ta khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về luật biển và Tòa án công lý quốc tế của Liên hợp quốc là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta cần sớm chuẩn bị hồ sơ, cần tập hợp các chuyên gia công pháp quốc tế của Việt Nam và chuyên gia nước ngoài để làm tốt việc này.
Theo chúng tôi, việc kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế cần phải chuẩn bị thật chu đáo. Bên khởi kiện sẽ là Chính phủ Việt Nam. Nhà nước cần thành lập nhóm chuyên gia tham gia khởi kiện, cơ quan chịu trách nhiệm chính là Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao. Tham gia vào việc chuẩn bị khởi kiện là các chuyên gia của Việt Nam về Luật quốc tế, mời các chuyên gia nước ngoài, các luật gia là Việt kiều ở nước ngoài. Cũng cần trao đổi kinh nghiệm với Philippines, các nước khác thuộc ASEAN, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…
Với sức mạnh tổng lực trên tất cả các mặt trận việc phá tan âm mưu của Trung Quốc đối với biển Đông không dễ dàng, nhưng cũng không phải không làm được.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
[1] Nhiều quan chức Trung Quốc cũng đều “đánh lận con đen” nói về khoảng cách đặt giàn khoan “gần Trung Quốc, xa Việt Nam” để lừa bịp thiên hạ. Bài viết: “Trung Quốc họp báo: Truyền thông quốc tế ủng hộ Việt Nam“
[2] Decralation On the Conduct of parties in the East sea(Tuyên bố về cách cư xử của các bên ở biển Đông). Văn bản này được Asean và Trung quốc ký kết vào tháng 11 năm 2002
[3] Đường chín đoạn được vẽ ra từ năm 1947, dưới thời Quốc dân Đảng. Ban đầu là 11 đoạn, có vẻ như nói về thăm dò địa chất gì đó, sau đó Bắc Kinh tự coi là biên giới trên biển (!?) của Trung Quốc. Có lẽ thấy vô lý quá nên bỏ bớt 2 đoạn tại Vịnh Bắc bộ, còn 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn bị cả thế giới phê phán, Philippines đang kiện ta Tòa trọng tài quốc tế để bác bỏ đường lưỡi bò phi lý này.
[4] Gần hai năm trước (9-5-2012), CNOOC đã hạ thủy giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở mỏ dầu Lệ Loan 6-1-1, khu vực cách Hong Kong 320km về phía đông nam.
[5] Bài viết: “Trung Quốc tuyên bố giàn khoan hoạt động 3 tháng ở biển Đông“
[6] Có lẽ chỉ mới có tiếng nói lạc lõng của tác giả Dmitri Kosyrev đăng trên RIA Novosti (Соглашения между Москвой и Пекином лучше всяких деклараций). Nhà báo Nga này từng học và làm việc một thời gian dài ở Trung Quốc, do vậy, tôi cho rằng, nội dung bài báo thể hiện quan điểm của Trung Quốc, của cá nhân tác giả, chứ không phải của Chính phủ Liên bang Nga, của nhân dân Nga.
[7] Theo Đời sống và Pháp luật, “Khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ít dầu khí“.
[8] .Theo:.http://danviet.vn/the-gioi/philippines-to-trung-quoc-xay-duong-bang-o-gac-ma-cua-viet-nam/20140514102049966p1c26.htm.
[9] Tuổi trẻ Online, “Trung Quốc tuyên bố giàn khoan hoạt động 3 tháng ở biển Đông“.
[10] “Căng thẳng ở biển Đông đang thách thức quan hệ Việt – Trung“, http://vnexpress.net.
[11] “Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc“, http://www.tienphong.vn.
[12] Vào lúc 4 giờ 5 phút ngày 30 tháng 11 năm 2011, tàu Bình Minh 02 đang di chuyển từ tuyến PVN12-R009 về tuyến PVN12-R005 ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ để chuẩn bị khảo sát, có rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo dã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau tàu Bình Minh 02, gây đứt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25 m. Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 bắc và 108º02 đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam – Trung Quốc 20 hải lý về phía tây.
Tác giả: PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2014 (82)/2014 – 2014, Trang 3-10