Thuật ngữ, khái niệm và lịch sử của hiện tượng tiếp thu pháp luật nước ngoài
Tác giả: TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
TÓM TẮT
Hiện tượng tiếp thu pháp luật nước ngoài có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển pháp luật của các nước và cũng có một quá trình lịch sử hình thành khá lâu đời và phát triển mạnh mẽ từ trước thế chiến thứ hai cho đến ngày hôm nay. Hiện tượng này đã diễn ra và có sự chuyển biến tính chất từ sự áp đặt trong giai đoạn trước thế chiến thứ hai sang tính tự nguyện vào thời kỳ hậu thế chiến. Hiện tại, tính chất tự nguyện cũng là đặc điểm của hoạt động tiếp thu pháp luật nước ngoài, khi hầu hết các quốc gia đều ủng hộ và thực hiện việc toàn cầu hóa về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Vì vậy, theo khuynh hướng của tương lai, nếu việc tiếp thu pháp luật nước ngoài tự nguyện vẫn tiếp tục được thực hiện, sẽ là cơ sở của việc hòa hợp hóa pháp luật của các quốc gia trên thế giới.
Xem thêm:
- Bảo đảm quyền tự do hiệp hội trong Luật Quốc tế và pháp luật của Đức: Một số góp ý cho dự thảo luật về hội của Việt Nam – TS. Trần Việt Dũng
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Pháp luật quốc tế, Châu Âu về hòa giải trong lĩnh vực hình sự và kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng
- Quyền sử dụng đất – Một số quan điểm tiếp cận và đề xuất hướng giải quyết trong khoa học pháp lý của Việt Nam – TS. Nguyễn Thùy Trang
TỪ KHÓA: Pháp luật, Tiếp thu pháp luật nước ngoài
1. Về thuật ngữ và khái niệm
Có rất nhiều thuật ngữ mô tả cho hiện tượng mà trong đó một quốc gia áp dụng pháp luật hoặc các quy phạm pháp luật có nguồn gốc của hệ thống pháp luật nước ngoài: “legal transplant” hoặc “legal transplantation” (cấy ghép pháp luật), “diffusion” (sự truyền bá pháp luật), “transposition” (sự hoán đổi pháp luật), “legal irritant” (kích thích pháp luật),“legal borrowing” (vay mượn pháp luật),“imitation” (bắt chước pháp luật), “legal transfer” (sự chuyển giao pháp luật)…[1]
Mỗi một học giả pháp lý có khuynh hướng lựa chọn một thuật ngữ với những lý do của riêng mình. Esin Örücü lựa chọn sử dụng thuật ngữ ”“transposition” (sự hoán đổi pháp luật) vì ông so sánh hiện tượng này với âm nhạc trong đó “Mỗi một nốt nhạc (là quy phạm pháp luật) được hát (được giới thiệu và sử dụng) cùng một vị trí trên nền của một tông mới (của nước tiếp nhận) như nó đã được hát ở tông gốc (ở nước có quy phạm pháp luật ban đầu); “sự hoán đổi”, đã xảy ra để phù hợp với quãng giọng đặc thù (về văn hóa và nhu cầu pháp lý – xã hội) của người hát (nước tiếp nhận)”.[2]
Ở một trường hợp khác, Twining lại chọn sử dụng “diffusion” (sự truyền bá pháp luật) vì ông cho rằng: “Sự truyền bá pháp luật là khái niệm tiêu chuẩn trong khoa học xã hội. Nó có mối liên hệ gần gũi và tiếp cận giữa các nền khoa học xã hội giàu kinh nghiệm, trên cơ sở của việc truyền bá sự đổi mới, ngôn ngữ, phong trào xã hội đối với các nền khoa học xã hội ít kinh nghiệm hơn, lý luận còn thấp về sự cấy ghép và sự tiếp thu pháp luật”.[3]
Dù rằng việc sử dụng thuật ngữ “legal transplant” (cấy ghép pháp luật) dường như là nổi trội nhất,[4] vẫn có những quan điểm không thống nhất giữa các học giả khi sử dụng thuật ngữ này. Những học giả không đồng tình với thuật ngữ này cho rằng cấy ghép pháp luật không thể thể hiện được chính xác bản chất của hiện tượng này. Ví dụ như Shah,[5] người đã tập trung vào bản chất văn hóa của hiện tượng này, cho rằng khái niệm về cấy ghép pháp luật được Alan Watson đưa ra là quá giới hạn nên không thể thể hiện được giá trị văn hóa của quốc gia đã tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Shah cũng tranh luận là khái niệm cấy ghép pháp luật phải thừa nhận vai trò quyết định mạnh mẽ của văn hóa của xã hội nước cho và nước tiếp nhận khi đánh giá số phận của những quy phạm pháp luật này.[6] Vì vậy, có thể thấy rằng, các học giả pháp lý tập trung vào các khía cạnh khác nhau của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài nên họ sẽ chọn sử dụng những thuật ngữ thể hiện được khía cạnh mà họ cho là quan trọng nhất.
Có một số khái niệm khác nhau về cấy ghép pháp luật. Theo Watson, đây là “sự dịch chuyển của một quy phạm pháp luật hoặc một hệ thống pháp luật từ quốc gia này đến quốc gia khác, hoặc từ người này sang người khác”.[7] Tác giả Miller đã đưa ra khái niệm tương tự: “sự dịch chuyển của pháp luật và các chế định pháp luật giữa các quốc gia”.[8] Tác giả Garoupa và Ogus[9] lại đưa ra một cách khác để định nghĩa về cấy ghép pháp luật, đó là “sự thay đổi đơn phương của một trật tự pháp lý mà trong đó một cơ quan có thẩm quyền du nhập một quy phạm pháp luật từ cơ quan có thẩm quyền nước khác”. Hơn nữa, cấy ghép pháp luật còn được hiểu như “một hình thức”, “một kết quả” của sự thay đổi pháp luật[10] và là “một phương tiện về cải cách và hiện đại hóa pháp luật.”.[11]Bên cạnh đó, Gillespie định nghĩa cấy ghép pháp luật là sự chuyển giao về pháp luật trong quyển sách của mình: Cấy ghép về cải cách luật thương mại (Transplanting Commercial Law Reform). Tác giả đã phân tích hiện tượng này “là việc chuyển giao pháp luật và cấu trúc chế định qua biên giới văn hóa và địa lý”.[12]
Như vậy, không thể phủ nhận rằng có rất nhiều thuật ngữ thể hiện cho cùng một hiện tượng[13] về sự chuyển giao pháp luật hoặc quy phạm pháp luật từ quốc gia này sang quốc gia khác. Cho dù thuật ngữ “legal transplants” phổ biến, mỗi một học giả pháp lý, trên cơ sở quan điểm cá nhân của mình hoặc vấn đề quan tâm của mình tự do lựa chọn thuật ngữ cho mình để định nghĩa hiện tượng này. Tác giả chọn sử dụng thuật ngữ “legal transplant” được xem là tên gọi phổ biến nhất và chuyển ngữ tiếng Việt là tiếp thu pháp luật vì nó thể hiện được ý nghĩa của hiện tượng này.
2. Lịch sử phát triển của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài
Hiện tại, không có nguồn tài liệu nào xác nhận chính xác thời điểm ra đời của hiện tượng tiếp thu pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên có thể truy nguyên là hiện tượng này đã xuất hiện từ thời trung cổ song song cùng với sự phát triển pháp luật. Nói một cách khác, hiện tượng này không phải là mới mẻ.[14] Hiện tượng này đã là nguồn cảm hứng cho các học giả pháp lý nghiên cứu và tranh luận. Watson,[15] and Wälde và Gunderson[16] đã xác định là “tuổi” của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài “già dặn” như hiện tượng pháp luật. Các học giả khác cũng đồng tình với quan điểm này khi họ kết luận rằng hệ thống pháp luật của các quốc gia thì thường là kết quả của quá trình học hỏi và pha trộn các giải pháp pháp lý giữa các quốc gia trên thế giới[17] và cho rằng “không có cái gọi là các hệ thống pháp luật thuần chủng”.[18] Sự tiếp nhận Luật La Mã ở châu Âu[19] hoặc Bộ luật Dân Sự Hà Lan mới đây là một sản phẩm có chứa đựng các yếu tố của Thông luật, luật Pháp và luật Đức[20] là những ví dụ điển hình cho sự phát triển của pháp luật đồng thời cùng với việc tiếp thu pháp luật nước ngoài.
Theo Watson, lịch sử của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài có thể truy nguyên từ thời kỳ rất “cổ xưa”.[21] Chứng minh cho điều này, tác giả đã so sánh những quy phạm về việc bồi thường của chủ nhân có gia súc khi húc người gây ra thiệt hại được quy định tại Bộ luật Mesopotamian của Eshnunna (thế kỷ thứ 18 TCN), quy định trong Bộ luật Babylonian của Hammurabi (thế kỷ thứ 17 TCN) và Bộ luật của Exodus (vài thế kỷ sau Hamurabi).[22] Từ sự so sánh này, tác giả phát hiện rằng có sự tương đồng về hình thức cũng như nội dung của những quy phạm này từ những vùng khác nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý xa gần.[23] Tác giả kết luận rằng, nếu không phải là việc tiếp thu pháp luật nước ngoài, những bộ luật này không thể có những biểu hiện tương tự như vậy.[24]
Quan sát về tình hình nghiên cứu của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài, nhìn lại các công trình pháp luật, sự phát triển của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài hiện đại có thể được chia thành ba giai đoạn. Đó là các giai đoạn trước Thế chiến II, sau Thế chiến II (1939-1945)[25] và giai đoạn đương đại. Qua các giai đoạn này bản chất của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài đã chuyển từ sự áp đặt sang sự tự nguyện.
Ở giai đoạn trước Thế chiến II, rõ ràng dễ nhận thấy rằng việc tiếp thu pháp luật nước ngoài diễn ra chủ yếu trong quy trình thuộc địa hóa các quốc gia bị chinh phục.[26]Người chiến thắng áp đặt pháp luật của họ để cai trị, ổn định, xâm chiếm hoặc mở rộng các quy phạm pháp luật của họ lên vùng lãnh thổ bại trận.[27] Mục đích là nhằm phục vụ cho việc cai trị của người chiến thắng. Luật La Mã trải rộng hầu hết khắp châu Âu trong giai đoạn thuộc địa hóa Rome và là kết quả điển hình của quá trình thuộc địa hóa của người La Mã.[28]
Kết quả của cuộc chinh phục La Mã là Luật La Mã đã ảnh hưởng không chỉ ở các quốc gia châu Âu mà còn ở những quốc gia khác trên thế giới khi những quốc gia này sau đó bị thuộc địa hóa bởi các thế lực của châu Âu. Ví dụ như Bộ luật dân sự Pháp, với tư cách là sự phát triển của Luật La Mã,[29] ban đầu đã được áp đặt lên hầu hết các quốc gia châu Âu trong thời kỳ Napolelon,[30] tại vùng Quebec, Louisiana, Nam Mỹ, Nam Phi và Ceylon. Thậm chí Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng quy định của Bộ luật Đức (đã được tiếp thu theo thời gian bao gồm cả tiếp thu trực tiếp từ La Mã và gián tiếp từ Pháp). Các vùng khác trên thế giới mà hiện tại là các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự, hầu hết là do sự thuộc địa hóa của các quốc gia châu Âu.[31] Tuy nhiên, thường thì kết quả đó là sự pha trộn của hệ thống luật dân sự và cả luật pháp của các quốc gia tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Kết thúc thời kỳ thuộc địa, thường có sự đánh giá lại hệ thống pháp luật và kiểm tra lại quy phạm của hệ thống pháp luật nhưng không phải là để xóa bỏ hệ thống pháp luật.
Sự lan tỏa của thông luật cũng được đặc định bởi việc tiếp thu pháp luật nước ngoài. Qua việc mở rộng thuộc địa của Hoàng đế nước Anh, hệ thống pháp luật Anh quốc đã được chuyển giao cho nhiều quốc gia trên thế giới gồm Úc, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và các quốc gia châu Phi…[32]
Sự tồn tại của những trường hợp tiếp thu pháp luật nước ngoài khác cũng nên kể đến, bao gồm việc chuyển giao các bộ luật của Trung Quốc vào pháp luật của các quốc gia châu Á (có cả Việt Nam), việc áp đặt pháp luật của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào Nam Mỹ trong suốt thời kỳ thuộc địa hóa (ví dụ như, việc áp đặt pháp luật của Bồ Đào Nha vào Brazil, pháp luật của Tây Ban Nha vào Chile, và những nơi khác vào Mexico).[33]
Như đề cập ở trên, trước Thế chiến II, việc tiếp thu pháp luật nước ngoài hầu hết là kết quả của thuộc địa hóa hoặc các cuộc chinh phục. Sự áp đặt bắt buộc, vì vậy, là đặc điểm nổi trội của việc tiếp thu pháp luật nước ngoài trong giai đoạn này. Trong hoàn cảnh đó, các quốc gia được chuyển giao pháp luật thường yếu kém hơn các quốc gia chuyển giao và luôn luôn trong tình huống buộc phải tiếp nhận hoặc thích nghi với pháp luật nước ngoài.
Từ giai đoạn sau Thế chiến II cho đến nay, việc tiếp thu pháp luật nước ngoài tiếp tục diễn ra với sự thay đổi về tính chất, đó là sự tự nguyện tiếp thu.[34] Tính chất này là kết quả của nhu cầu cải cách pháp luật do những thay đổi về kinh tế, chính trị hoặc tôn giáo.[35] Tác giả Mistelis đã xác định vấn đề này: “Khi các quốc gia trên thế giới thực hiện những thay đổi lớn về kinh tế và chính trị để đáp ứng cho sự phát triển trong nước và ngoài nước, hệ thống pháp luật cũng phải thay đổi rất nhiều”.[36] Về cơ bản, khía cạnh kinh tế của toàn cầu hóa trực tiếp có mối liên hệ với sự thay đổi pháp luật. Nói cách khác, toàn cầu hóa về kinh tế không chỉ làm biến đổi thương mại về hàng hóa và dịch vụ mà còn làm biến đổi pháp luật.[37]
Trong thực tế, toàn cầu hóa không đòi hỏi việc tiếp thu pháp luật nước ngoài, nhưng nó thúc đẩy các quốc gia đang muốn gia nhập vào các tổ chức kinh tế thế giới phải hoàn thiện pháp luật của quốc gia mình. Để thực hiện việc hoàn thiện pháp luật nhanh chóng, tiếp thu pháp luật từ những nước có nền kinh tế phát triển là biện pháp tốt nhất.[38]
Những sự kiện về việc tiếp thu pháp luật nước ngoài lớn và đầu tiên diễn ra sau Thế chiến II chủ yếu thuộc về việc tiếp nhận pháp luật của Hoa Kỳ[39] và luật của Tây Âu (chủ yếu là luật của Pháp, Anh) vào các quốc gia khác.[40] Ở thời điểm này, các quốc gia ở châu Mỹ La Tinh, châu Phi và ở mức độ nhỏ hơn châu Á, đã tiếp thu những “bộ luật” sao chép từ pháp luật của Hoa Kỳ.[41] Sự gia tăng mức độ phổ biến của luật của Hoa Kỳ do thế mạnh của quốc gia này: Hoa Kỳ là một trong những quốc gia quyền lực nhất sau Thế chiến II.[42] Nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ và đặc biệt việc mở rộng hoạt động của các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ, cũng đóng góp cho uy tín của pháp luật Hoa Kỳ.[43] Và vì vậy, nhiều quốc gia đang phát triển chọn tiếp thu pháp luật để nỗ lực tối đa hóa các cơ hội kinh doanh.[44] Các quốc gia châu Âu cũng bị ảnh hưởng đáng kể pháp luật của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực, đơn cử như chế định pháp luật về ủy thác, chuyển giao công nghệ và cho thuê là kết quả của vụ việc.[45]
Bất chấp sự gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực pháp luật, luật của Tây Âu cũng thường xuyên được lựa chọn như hình mẫu tại các thuộc địa cũ của các quốc gia Tây Âu. Đa số các thuộc địa ngày nay đã trở thành những quốc gia độc lập, nhưng tiếp tục duy trì và áp dụng pháp luật của Tây Âu trước đây đã áp đặt lên những quốc gia này.[46]
Ngày nay, hội nhập kinh tế thế giới là mục tiêu của mọi quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống pháp luật của các quốc gia cần phải liên tục được hài hòa hóa. Vì vậy, việc tiếp thu pháp luật nước ngoài tự nguyện tiếp tục được quan tâm và thực hiện. Hệ thống pháp luật của các quốc gia phát triển, có nền kinh tế thị trường thành công đã trở thành những hình mẫu để các quốc gia đang phát triển học hỏi.[47] Luật của các quốc gia châu Âu và của Hoa Kỳ tiếp tục có tác động mạnh lên các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Đơn cử như, Bộ luật Dân sự Pháp và Hiến pháp Hoa Kỳ được xem là những hình mẫu nổi bật ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong quá trình tiếp thu pháp luật nước ngoài đương đại.[48].
CHÚ THÍCH
[1]* TS, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Cùng với những thuật ngữ này, Peerenboom đưa ra một số những thuật ngữ khác cho hiện tượng nêu trên bao gồm: dịch thuật pháp luật, chuyển đổi pháp luật, hội tụ/ phân kỳ/ khác biệt pháp luật, sự thích nghi được lựa chọn, và độc canh pháp luật (legal translation, legal transformation, legal convergence/divergence/differentiation, selective adaptation, and institutional monocropping): Xem, Randall Peerenboom, “A Methodology For Successful Legal Transplants: A Working Outline” (Paper presented at the Comparative Law Workshop (LERAP-CIDA) on the Methods to Resolve Disputes without Court Intervention, Ha Noi, Vietnam, April 2008) 3. Twinning bổ sung thêm những thuật ngữ khác: lan tỏa, chuyển giao, xuất/ nhập khẩu, tiếp nhận, xoay vòng, hòa trộn, di động xuyên biên giới (spread, transfer, import/export, reception, circulation, mixing, and transfrontier mobility): William Twining, “Diffusion and Globalisation Discourse” 47 Harvard International Law Journal 2006, 507, 510.
[2] Esin Örücü, “Critical Comparative Law: Considering Paradoxes for Legal Systems in Transition”, Netherlands Comparative Law Association 2003, 4(1)1, 69.
[3] William Twining, “Diffusion and Globalisation Discourse”, 47 Harvard International Law Journal, 507, 2006, 510.
[4] Xem Peerenboom, ghi chú 1, thuật ngữ “Legal transplant” có thể trở nên thông dụng, Watson và Kahn Freund là hai chuyên gia hay sử dụng thuật ngữ này. Bên cạnh đó, Watson là học giả đã phổ biến thuật ngữ “legal transplants” xem David Nelken, “Comparatists and Transferability” in Pierre Legrand and Roderick Munday (eds), Comparative Legal Studies: Traditions and Transitions, 437, 2003, 442–3;
[5] Prakash Shah, “Globalization and the Challenge of Asian Legal Transplants in Europe”, Singapore Journal of Legal Studies, 348, 2005, 348.
[6] Shah, ghi chú 5, 348.
[7] Alan Watson, Legal transplants, 21, 1974.
[8] Jonathan M Miller, “A Typology of Legal Transplants: Using Sociology, Legal History and Argentine, Examples to Explain the Transplant Process” (2003) 51 American Journal of Comparative Law, 2003, 839, 839.
[9] Nuno Garoupa and Anthony Ogus, “A Strategic Interpretation of Legal Transplants” 35 Journal of Legal Studies 2006, 339, 344.
[10] Xem Alan Watson, “Comparative Law and Legal Change” (1978) 37(2) Cambridge Law Journal 313, 321; Jan M Smits, “On Successful Legal Transplants in a Future Ius Europaeum” in Andrew Harding and Esin Örücü (eds), Comparative Law in The 21st Century 2002,139.
[11] Esin Örücü, “Critical Comparative Law”, ghi chú 2, 6.
[12] John Gillespie, Transplanting Commercial Law Reform−Developing a “Rule of Law” in Vietnam (2006)3.
[13] Esin Örücü, “Law as Transposition” 51 International and Comparative Law Quarterly 2002, 205, 205.
[14] See Ernst Levy, “The Reception of Highly Developed Legal Systems by Peoples of Different Cultures” 25 Washington Law Review 1950, 233, 233.
[15] Daniel Berkowitz, Katharina Pistor and Jean-Francois Richard, “Economic Development, Legality, and the Transplant Effect” 47 European Economic Review 2003,165, 168.
[16] Thomas W Waelde and James L Gunderson, “Legislative Reform in Transition Economies: Western Transplants −A Short-cut To Social Market Economy Status?” 43 International and Comparative Law Quarterly 1994, 347, 366.
[17] See Roscoe Pound, “The Theory of Judicial Decision” 36(6) Harvard Law Review 1923, 641, 642; Xem Örücü, “Law as Transposition”, ghi chú 13, 222.
[18] Twining cites from Glenn: William Twining, “Diffusion of Law: A Global Perspective” 49 Journal of Legal Pluralism 2004, 1, 6 (7).
[19] Daniel Berkowitz, Katharina Pistor and Jean-Francois Richard, “The Transplant Effect” 51 American Journal of Comparative Law 2003, 163, 172.
[20] Ugo Mattei, “Efficiency in Legal Transplants: An Essay in Comparative Law and Economics” 14 International Review of Law and Economics 1994, 3, 6.
[21] Watson, “Legal Transplant”, ghi chú 7, 24
[22] Xem Watson, “Legal Transplants”, ghi chú 7, 23–4.
[23] Watson, “Legal Transplant”, ghi chú 7, 24.
[24] Watson, “Legal Transplant”, ghi chú 7, 24.
[25] Xem Jonathan M Miller, ghi chú 8, 839–40; Berkowitz, Pistor and Richard, “The Transplant Effect”, ghi chú 19, 164.
[26] Xem: L Neville Brown, “The Two Legal Traditions: Antithesis or Synthesis?” 18(3) Journal of Common Market Studies 1980, 246, 249. Và xem thêm Lawrence Friedman, “Some Comments on Cotterrell and Legal Transplants” in David Nelken and Johannes Feest (eds), Adapting Legal Cultures, 2001,79, 94; H Patrick Glenn, Legal Traditions of the World: Sustainable Diversity in Law 4th ed, 2010, 248.
Tuy nhiên, có một số tiếp thu pháp luật nước ngoài là tự nguyện kể từ năm 1495. Đơn cử như việc tiếp nhận Luật La Mã ở Đức: Xem Albert Kocourek, “Factors in the Reception of Law” Tulane Law Review, 10, 1935−1936, 209.
[27] According to Örücü, “Critical Comparative Law”, ghi chú 2, 9–10.
[28] See John Henry Merryman, “On the Convergence (and Divergence) of the Civil Law and the Common law” 17 Standford Journal of International Law 1981, 357, 367; H Patrick Glenn, “Persuasive Authority” McGill Law Journal 1987, 32(2), 261, 265–6; Michele Graziadei, “The Functionalist Heritage” in Pierre Legrand and Roderick Munday, Comparative Legal Studies: Traditions and Transitions, 2003,100, 119.
[29] Bộ luật Dân sự Pháp hay còn gọi là Bộ luật Dân sự Napoleon dựa trên nền tảng của công trình của vị Hoàng đế La Mã Justinian có tên gọi Corpus Juris Civilis. Công trình này được thu thập từ các nguồn của Luật La Mã: xem Christian Dadomo and Susan Farran, The French Legal System (1993) 2.
[30] Belgium, Netherlands, Italy, Poland are some European countries which “imported” the Napoleonic Code: Ugo Mattei, “Why the Wind Changed: Intellectual Leadership in Western Law” 42 American Journal of Comparative Law 1994, 195, 201.
[31] Watson, “Comparative Law”, ghi chú 10, 313–4;
[32] Peter de Cruz, Comparative Law in a Changing World, 3rd ed, 2007, 100; Konrad Zweigert and Hein Kötz, Introduction to Comparative Law,1995, 219; Watson, “Comparative Law”, ghi chú 10, 314; Friedman, ghi chú 26, 94.
[33] Berkowitz, Pistor and Richard, “The Transplant Effect”, ghi chú 19, 172; Friedman, ghi chú 26, 94.
[34] L Neville Brown, ghi chú 26, 250.
[35] Watson, “legal transplants”, ghi chú 7, 97.
[36] Loukas A Mistelis, “Regulatory Aspects: Globalization, Harmonization, Legal Transplants, and Law Reform−Some Fundamental Observations”, International Lawyer 2000, 34,1055, 1067.
[37] See Wolf Heydebrand, “From Globalisation of Law to Law under Globalisation” in David Nelken and Johannes Feest (eds), Adapting Legal Cultures,2001,117, 117.
[38] See John H Beckstrom, “Transplantation of Legal Systems: An Early Report on the Reception of Western Law in Ethiopia” (1973) 21 American Journal of Comparative Law 557, 557; Miller, ghi chú 26, 840.
[39] See Thomas W Waelde and James L Gunderson, “Legislative Reform in Transition Economies: Western Transplants −A Short-cut To Social Market Economy Status?” (1994) 43 International and Comparative Law Quarterly 347, 366.
[40] Daniel Berkowitz, Katharina Pistor and Jean-Francois Richard, “Economic Development, Legality, and the Transplant Effect” () 47 European Economic Review 165, 2003, 165.
[41] See Berkowitz, Pistor and Richard, “The Transplant Effect”, ghi chú 19, 163; Gunderson giải thích rằng việc vay mượn pháp luật từ Hoa Kỳ chủ yếu phát sinh trong “hoàn cảnh của việc cần quy định về kinh tế”: xem Wälde and Gunderson, ghi chú 40, 366.
[42] Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2, Hoa Kỳ cùng với Xô Viết, đã là hai cường quốc quyền lực nhất trên thế giới: Wälde and Gunderson, ghi chú 40, 366.
[43] Wolfgang Wiegand, “The Reception of American Law in Europe” (1991) 39 American Journal of Comparative Law 229, 236.
[44] See Miller, ghi chú 26, 847.
[45] See Jan M Smits, “On Successful Legal Transplants in a Future Ius Europaeum” in Andrew Harding and Esin Örücü (eds), Comparative Law in The 21st Century (2002), 140.
[46] See Franz Wieacker, “Foundations of European Legal Culture” (1990) 38 American Journal of Comparative Law 1, 27; Rodolfo Sacco, “Legal Formants: A Dynamic Approach to Comparative Law (Instalment II of II)” (1991) 39 American Journal of Comparative Law 343, 398; Berkowitz, Pistor and Richard, “Economic Development”, ghi chú 41, 165–6; Wälde and Gunderson, ghi chú 40, 367.
[47] Catherine Walsh, “The Law” in Law and Development” (2000) Autumn 2000 Law in Transition<http://siteresources.worldbank.org/INTLAWJUSTINST/Resources/lawintransition.pdf> at 19 February 2009, 7, 250.
[48] See Brown, ghi chú 26, 250.
- Tác giả: TS. Đỗ Thị Mai Hạnh
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(109)/2017 – 2017, Trang 75-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý