• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

08/05/2020 22/05/2021 TS. Phan Hoài Nam

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Nguyên tắc chung xác định thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc
  • 2. Các trường hợp ngoại lệ trong việc xác định thẩm quyền của tòa án Trung Quốc
    • 2.1. Thẩm quyền riêng biệt
    • 2.2. Thẩm quyền của tòa án theo nơi nguyên đơn cư trú
    • 2.3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng và tranh chấp khác về tài sản
    • 2.4. Thẩm quyền theo thỏa thuận lựa chọn tòa án
  • 3. Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
  • CHÚ THÍCH

Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

TÓM TẮT

Với sự tương đồng về thể chế chính trị và bối cảnh kinh tế, một số kinh nghiệm từ hệ thống pháp luật Trung Quốc có thể được tham khảo cho quá trình hoàn thiện pháp luật hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là nguồn luật điều chỉnh về việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang triển khai thực thi Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài - Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Xem thêm:

  • Phân loại quan hệ có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế – ThS. Nguyễn Thị Hồng Trinh
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
  • Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới – TS. Trần Việt Dũng
  • Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo Pháp luật Việt Nam và các nước – TS. Phan Hoài Nam & TS. Võ Trung Tín
  • Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
  • Phát triển bền vững và hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài – nhìn từ góc độ luật và chính sách của Trung Quốc – ThS. Vũ Duy Cương

TỪ KHÓA: Pháp luật quốc tế, Quan hệ có yếu tố nước ngoài, Thẩm quyền, Tòa án, Yếu tố nước ngoài, Trung Quốc

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Hạn chế của điều kiện về quyền tài phán của tòa án nước ngoài trong việc công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
  • Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) - Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam
  • Một số ý kiến về khoản 2 Điều 410 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án)
  • Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ - Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình
  • Áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế đối với các hiệp định đầu tư quốc tế - thực tiễn áp dụng và những kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Giải quyết các yêu cầu về kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân – Những vấn đề cần sửa đổi của Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
  • Quy định của một số quốc gia trên thế giới về doanh nghiệp nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia) và những lưu ý cho các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam

Sự ra đời của đạo luật về tư pháp quốc tế của Trung Quốc vào ngày 28/10/2010[1]đã tạo nên những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các quan hệ dân sự (QHDS) có yếu tố nước ngoài (YTNN). Tuy nhiên đạo luật này chỉ giải quyết vấn đề luật áp dụng mà không có bất kỳ một điều khoản nào quy định về thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc trong việc giải quyết các vụ việc dân sự (VVDS) có YTNN, cũng như vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài và trọng tài nước ngoài. Vì thế Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc (ban hành năm 1991, sửa đổi bổ sung lần thứ nhất vào năm 2007, lần thứ hai vào năm 2012 – sau đây gọi tắt là LTTDS 2012)[2]được xem là văn bản pháp luật quan trọng nhất của quốc gia quy định về thẩm quyền của tòa án khi giải quyết các VVDS có YTNN.[3]Ngoài ra, vào năm 2001, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (TANDTC Trung Quốc) cũng đã ban hành văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá cũng như hướng dẫn các vấn đề này với tên gọi: Quy tắc về một số vấn đề cụ thể liên quan đến thẩm quyền tố tụng đối với các VVDS, thương mại có YTNN[4](gọi tắt là Quy tắc 2001).

Với sự tương đồng về thể chế chính trị và bối cảnh kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, một số kinh nghiệm từ pháp luật Trung Quốc có thể được tham khảo cho quá trình hoàn thiện pháp luật điều chỉnh việc xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với các VVDS có YTNN, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị triển khai thực thi BLTTDS 2015.

Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc không quy định thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các VVDS có YTNN theo cách phân chia thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt. Thay vào đó, pháp luật Trung Quốc chỉ đưa ra một nguyên tắc chính để xác định thẩm quyền của tòa án trong các VVDS có và không có YTNN, bên cạnh đó sẽ đưa ra các trường hợp ngoại lệ để xác định thẩm quyền tòa án Trung Quốc khi không dựa vào nguyên tắc chung.

Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc không quy định thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các VVDS có YTNN theo cách phân chia thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt. Thay vào đó, pháp luật Trung Quốc chỉ đưa ra một nguyên tắc chính để xác định thẩm quyền của tòa án trong các VVDS có và không có YTNN, bên cạnh đó sẽ đưa ra các trường hợp ngoại lệ để xác định thẩm quyền tòa án Trung Quốc khi không dựa vào nguyên tắc chung.[5]

1. Nguyên tắc chung xác định thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc

Theo BLTTDS năm 2012, nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các VVDS có YTNN chính là căn cứ vào nơi cư trú của bị đơn (nơi cư trú này được hiểu bao gồm nơi cá nhân cư trú hoặc nơi pháp nhân có trụ sở kinh doanh chính).[6]Nguyên tắc này được ra đời dựa trên “học thuyết nơi cư trú”, được áp dụng đối với các trường hợp hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các vấn đề về quan hệ nhân thân: chỉ cần bị đơn cư trú tại Trung Quốc, không cần quan tâm đến quốc tịch của họ là gì, thì tòa án có thể thụ lý và giải quyết vụ việc đó. Nguyên tắc này được xây dựng để dùng chung cho các VVDS nội địa lẫn các VVDS có YTNN.

Đối với cá nhân, nếu bị đơn có nơi cư trú và nơi thường xuyên cư trú là khác nhau, tòa án nơi thường xuyên cư trú sẽ có thẩm quyền.[7]Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, “nơi cư trú” của cá nhân được xác định là nơi đăng ký cư trú của cá nhân đó,[8]“nơi thường xuyên cư trú” là nơi cá nhân đó cư trú cuối cùng trong khoảng thời gian hơn 1 năm sau khi người đó rời khỏi “nơi cư trú”. Đối với pháp nhân, “nơi cư trú” là nơi mà trụ sở hành chính của pháp nhân toạ lạc.[9]Cụ thể hơn, theo giải thích của TANDTC Trung Quốc, nơi này còn có thể được hiểu là nơi đặt trụ sở kinh doanh chính hoặc nơi có trung tâm quản lý chính. Nguyên tắc này được áp dụng cho cả những tranh chấp trong nước và những tranh chấp có YTNN. Thông qua nhiều vụ việc thực tế đã được xét xử, như trong các vụ tranh chấp giữa Công ty Kaiwwei của Mỹ và Công ty Xây dựng và Phát triển thành phố Trường Xuân, Cát Lâm (Trung Quốc) – Kaiwei (USA) Co v Changchun City Construction and Development Companyvà vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH Standard Chartered (Châu Á) và Công ty Hoa Kiện, khu tự trị Quảng Châu (Trung Quốc) – Standard Chartered (Asia) Ltd v Guangxi Zhuang Autonomous Region Huajian Company, các Tòa án của Trung Quốc đã thực thi thẩm quyền trên cơ sở nơi cư trú của bị đơn trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.[10]

Nơi cư trú của bị đơn có thể được xem là yếu tố kết nối quan trọng cho việc xác lập thẩm quyền của tòa án Trung Quốc cho các VVDS có YTNN. Nó vừa tạo sự thuận lợi cho hệ thống TAND trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng, cũng như sự thuận tiện cho bị đơn và cho quá trình thực thi phán quyết. Đặc biệt, nó đảm bảo quyền tài phán – nội dung thể hiện yếu tố chủ quyền quốc gia của Trung Quốc trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia mình. Có thể nói, với quy định về đăng ký nơi cư trú như Trung Quốc, cho thấy việc xác định thẩm quyền của tòa án theo nơi cư trú sẽ được thực hiện tương đối dễ dàng.[11]

Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp một người nước ngoài có đăng ký cư trú và sinh sống tại Trung Quốc trên 01 năm nhưng họ cư trú không thường xuyên, vậy có được xem là cư trú trên lãnh thổ Trung Quốc như công dân Trung Quốc không? Ngoài ra, trong khoảng thời gian chờ đợi để được xem là thường xuyên sinh sống, với thời gian chưa đến 01 năm, dựa vào cách quy định trên, họ vẫn không được xem là thường xuyên sinh sống hay cư trú như người Trung Quốc. Do đó việc phát sinh thẩm quyền của tòa án Trung Quốc trong trường hợp này đã làm cho ý nghĩa của học thuyết nơi cư trú[12]không còn được đảm bảo.

Ngoài ra, cũng có nhiều quan điểm cho rằng nên xem xét lại nguyên tắc này trong việc xác định thẩm quyền của tòa án Trung Quốc đối với các VVDS có YTNN. Bởi lẽ nếu bị đơn không cư trú tại Trung Quốc thì tòa án Trung Quốc sẽ không có thẩm quyền thụ lý (trừ một số trường hợp đặc biệt sẽ được phân tích trong mục 2.2.). Nếu vụ kiện diễn ra ở nước ngoài, nguyên đơn sẽ phải tốn rất nhiều chi phí, thời gian, khó khăn trong vấn đề khác biệt ngôn ngữ, cung cấp chứng cứ cho tòa án nước ngoài… Hơn nữa có những vụ việc được thụ lý trên cơ sở nơi cư trú của bị đơn nhưng sự “kết nối” giữa bị đơn hoặc vụ tranh chấp với yếu tố lãnh thổ Trung Quốc là rất ít, nên sẽ gây khó khăn cho tòa án lẫn các bên khi tham gia vào tiến trình tố tụng. Chính vì thế yếu tố nơi cư trú của bị đơn cũng cần được xem xét nhằm đảm bảo nhất định quyền và lợi ích cho nguyên đơn. Và giải pháp tốt nhất là cần tạo nên quyền mang tính lựa chọn cho nguyên đơn chứ không bắt buộc chỉ duy nhất sử dụng nguyên tắc này. Lúc đó nguyên đơn sẽ cân nhắc nhiều yếu tố để xác định xem tòa án nơi nào sẽ là hợp lý nhất cho việc bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như tính đến khả năng để phán quyết được thực thi.

2. Các trường hợp ngoại lệ trong việc xác định thẩm quyền của tòa án Trung Quốc

Bên cạnh việc đưa ra nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền tòa án theo nơi cư trú của bị đơn thì pháp luật Trung Quốc còn đưa ra các nguyên tắc khác mang tính ngoại lệ để xác định thẩm quyền của tòa án, bao gồm nguyên tắc xác định thẩm quyền riêng biệt của tòa án và các quý xác định thẩm quyền cho từng trường hợp ngoại lệ cụ thể.

2.1. Thẩm quyền riêng biệt

Điều 33 của LTTDS năm 2012 quy định các trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt (tuyệt đối) của tòa án Trung Quốc. Các trường hợp này được áp dụng chung cho cả các VVDS trong nước lẫn các VVDS có YTNN, bao gồm:

(1) Các tranh chấp liên quan đến bất động sản (BĐS) sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của TAND nơi có BĐS. Quy định này được xem là mang tính phổ biến trong tư pháp quốc tế của các nước. Hầu hết các nước đều sử dụng để hướng đến vấn đề bảo vệ vấn đề chủ quyền quốc gia, trật tự công trong pháp luật của quốc gia mình.[13]Tuy nhiên, việc quy định này được đánh giá là chưa mang tính hợp lý. Bởi lẽ có những tranh chấp liên quan đến BĐS nhưng không ảnh hưởng lớn đến “trật tự công” của quốc gia ví dụ như quan hệ thuê và cho thuê BĐS. Do đó chỉ dừng lại quy định liên quan đến quyền đối với BĐS là hợp lý như Nghị định Brussels I năm 2012 của EU[14]hoặc BLTTDS năm 2015 của Việt Nam.

(2) Các tranh chấp về hoạt động của các hải cảng sẽ thuộc thẩm quyền tuyệt đối của TAND nơi cảng đó toạ lạc. Những tranh chấp về hoạt động của hải cảng nếu gắn với các vấn đề của BĐS thì đã thuộc trường hợp (1). Còn nếu gắn với tài sản là động sản thì việc quy định thẩm quyền riêng biệt dành cho các loại tranh chấp này là không cần thiết.[15]

(3) Vụ việc liên quan đến quan hệ thừa kế sẽ thuộc thẩm quyền tuyệt đối của tòa án nơi người để lại di sản thừa kế cư trú ở thời điểm trước khi chết hoặc nơi có phần lớn di sản thừa kế của người chết.

Ngoài ra, các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của liên doanh nước ngoài với doanh nghiệp Trung Quốc hoặc hợp đồng liên danh giữa doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp nước ngoài, hoặc sự hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài trong việc thăm dò và phát triển nguồn tài nguyên tại Trung Quốc, TAND Trung Quốc cũng sẽ có thẩm quyền tuyệt đối theo Điều 266 LTTDS năm 2012.

2.2. Thẩm quyền của tòa án theo nơi nguyên đơn cư trú

Trong một số trường hợp đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn, tòa án nơi nguyên đơn cư trú cũng có thẩm quyền xét xử vụ việc theo Điều 22 LTTDS năm 2012. Thẩm quyền này sẽ được xác định trong những trường hợp cụ thể sau đây: (1) những vụ kiện liên quan đến tình trạng của một người không cư trú tại Trung Quốc; (2) những vụ kiện liên quan đến tình trạng của một người không xác định được nơi cư trú hoặc bị tuyên bố mất tích; (3) những vụ kiện liên quan đến bị đơn đang bị áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc; (4) những vụ kiện liên quan đến bị đơn đang bị phạt tù.

Nếu nguyên đơn có nơi cư trú và nơi thường xuyên cư trú là khác nhau thì sẽ xác định thẩm quyền của tòa án theo nơi nguyên đơn thường xuyên cư trú.

2.3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng và tranh chấp khác về tài sản

Trong trường hợp bị đơn không cư trú tại Trung Quốc, tòa án Trung Quốc vẫn có thể có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề nếu nó có sự kết nối với lãnh thổ của Trung Quốc với những cơ sở cụ thể nhất định từ hành vi của bị đơn hoặc tài sản của họ. Cụ thể đó là các vấn đề liên quan đến tranh chấp về hợp đồng hoặc tranh chấp khác về quyền và lợi ích tài sản, nếu hợp đồng được ký hoặc được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, hoặc đối tượng của quan hệ phát sinh trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc hoặc bị đơn có tài sản trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc hoặc bị đơn có văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại diện kinh doanh trong lãnh thổ Trung Quốc, thì TAND nơi hợp đồng được ký kết hoặc thực hiện, hoặc nơi có tài sản tranh chấp, hoặc nơi có tài sản của bị đơn, hoặc nơi hành vi xâm phạm diễn ra hoặc nơi có văn phòng đại diện, chi nhánh, đại diện kinh doanh tọa lạc sẽ có thẩm quyền[16]. Trong trường hợp nơi hợp đồng được ký và nơi thực hiện hợp đồng là khác nhau, nguyên đơn sẽ được quyền lựa chọn một trong các nơi đó để khởi kiện theo Điều 35 hoặc chọn nơi bị đơn cư trú theo Điều 23 của LTTDS năm 2012. Một số trường hợp đặc biệt khác sẽ theo các nguyên tắc được quy định từ Điều 24 – 32 của LTTDS năm 2012.

Vụ tranh chấp giữa Phòng thương mại Nhật Bản tại Thượng Hải và công ty Huida (Hongkong) là một ví dụ cho trường hợp này.[17]Trong vụ kiện này, nguyên đơn là tổ chức được đăng ký tại Osaka, Nhật Bản, còn bị đơn là một công ty mang quốc tịch Hongkong và cả hai đều không có văn phòng đại diện tại Trung Quốc. Hai bên trong quan hệ này đã thỏa thuận hợp tác đầu tư với giá trị hợp đồng lên đến 350.000 đô la Mỹ cho một dự án tại thành phố Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Sau đó hai bên xảy ra tranh chấp khi bị đơn bị cáo buộc đã có hành vi vi phạm hợp đồng. TAND Trung cấp của thành phố Ninh Ba đã thụ lý vụ việc với tư cách tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi hợp đồng được thực hiện. Tương tự như vậy, TAND Trung cấp Thành phố Thiên Tân đã có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp về hợp đồng giữa công ty xuất nhập khẩu sản phẩm nội địa Thiên Tân và một công ty của Bỉ dựa vào dấu hiệu nơi thực hiện hợp đồng nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.[18]

Có thể thấy Điều 265 LTTDS năm 2012 đã mở rộng một các đáng kể thẩm quyền của tòa án trong các VVDS có YTNN. Điều luật này không đưa ra giới hạn nào về thẩm quyền của các tòa án nơi có hợp đồng được ký kết, nơi có tài sản của bị đơn hay nơi có văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại diện kinh doanh của bị đơn, miễn là có sự tồn tại mối liên hệ kết nối giữa hành vi hoặc tài sản với lãnh thổ Trung Quốc là sẽ làm phát sinh thẩm quyền của tòa án Trung Quốc. Ví dụ vụ tranh chấp giữa công ty dịch vụ tài chính Baiyue Hongkong và công ty thực phẩm Hungli Hongkong[19]. Cả hai công ty trong vụ việc này đều được thành lập ở Hongkong, họ đã giao kết và thực hiện một thỏa thuận vay vốn tại Hongkong. Hơn thế nữa, hợp đồng giữa hai bên cũng không có điều khoản lựa chọn tòa án. Tuy nhiên, tòa án Trung Quốc vẫn có thẩm quyền xét xử vụ việc theo yêu cầu của nguyên đơn, dựa trên cơ sở bị đơn đã sử dụng số tiền vay từ nguyên đơn để đầu tư liên doanh theo hình thức hợp đồng tại Trung Quốc và vì vậy bị đơn có tài sản bị tịch biên trong lãnh thổ Trung Quốc. Bị đơn trong vụ kiện này không phản đối thẩm quyền của tòa án, tuy nhiên nếu có phản đối từ bị đơn thì tòa án Trung Quốc vẫn có thẩm quyền xét xử vụ việc với tư cách là Tòa án nơi có tài sản bị tịch biên của bị đơn – theo đúng tinh thần của Điều 256 LTTDS năm 2012. Vì trong trường hợp này, có mối liên hệ đáng kể, rõ ràng giữa hợp đồng đang tranh chấp và tài sản bị tịch biên của bị đơn nên tòa án nơi có tài sản bị tịch biên của bị đơn có thẩm quyền xét xử vụ việc là điều hợp lý.

Tuy nhiên, việc mở rộng thẩm quyền này mặc dù đã tăng cường được thẩm quyền của TAND đối với các VVDS có YTNN, ở một mức độ nào đó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích cho các đương sự phía Trung Quốc nhưng lại gây khó khăn cho TAND trong việc thực thi thẩm quyền và ảnh hưởng đến khả năng thực thi của phán quyết ở nước ngoài. Đó là các quy định về xác định thẩm quyền của tòa án nơi ký kết hợp đồng hoặc nơi bị đơn có tài sản của bị đơn trong trường hợp bị đơn không cư trú tại Trung Quốc. Các căn cứ này được sử dụng dựa trên học thuyết “thẩm quyền mở rộng” (exorbitant jurisdiction), hướng đến việc bảo vệ quyền cho nguyên đơn Trung Quốc và hướng việc tăng cường sự tài phán đối với những người nước ngoài “vô trật tự”.

2.4. Thẩm quyền theo thỏa thuận lựa chọn tòa án

Theo Điều 34 của LTTDS năm 2012, Trung Quốc cho phép các bên trong tranh chấp hợp đồng hoặc các tranh chấp khác về tài sản, không phân biệt vụ việc trong nước hay VVDS có YTNN, được quyền lựa chọn tòa án Trung Quốc để giải quyết tranh chấp thông qua một thỏa thuận chung giữa. Quy định này cũng sẽ được mở rộng cho việc lựa chọn một tòa án hoặc hệ thống tòa án nước ngoài theo văn bản Những ý kiến của TANDTC về việc thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự” được ban hành năm 1992[20](gọi tắt là Quan điểm 1992).

Về loại tranh chấp được phép thỏa thuận, LTTDS năm 2012 cho phép các bên trong các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và các tranh chấp khác về tài sản có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp giữa họ. Thực tiễn cho thấy khái niệm “tranh chấp khác về tài sản” tương đối khó xác định. Nếu hiểu nó với nội hàm là liên quan đến các tranh chấp trong Luật về Tài sản: mọi tranh chấp liên quan đến bất kỳ tài sản nào bất luận bản chất của nó là gì thì nội hàm đó quá rộng và không phù hợp về mặt ngôn ngữ của Trung Quốc.[21]

Thỏa thuận lựa chọn Tòa án được xem là hợp pháp khi thỏa mãn được các điều kiện chủ yếu sau đây:

(1) Thỏa thuận phải được lập bằng văn bản. Khái niệm và nội hàm của thuật ngữ “bằng văn bản” có thể được tìm thấy trong một vài đạo luật của Trung Quốc. Ví dụ như theo Điều 11 của Luật Hợp đồng Trung Quốc năm 1999, “bằng văn bản” được hiểu là biên bản ghi nhớ của hợp đồng, thư tín hoặc các phương tiện điện tử, bao gồm fax, telex, trao đổi dữ liệu điện tử hoặc email điện tử.

(2) Tòa án được chọn phải là tòa án nơi bị đơn cư trú; nơi hợp đồng được ký hoặc thực hiện; nơi nguyên đơn cư trú; nơi có đối tượng cụ thể của giao dịch; hoặc nơi có sự kết nối thực tế đối với tranh chấp. Theo quy định này, tòa án được lựa chọn phải là tòa án cụ thể có sự kết nối với tranh chấp giữa các bên. Điều này sẽ không được tìm thấy trong các quy định của EU và hay thực tiễn án lệ tại Mỹ về thỏa thuận lựa chọn tòa án.

(3) Thỏa thuận lựa chọn không được vi phạm quy định của pháp luật tố tụng dân sự Trung Quốc về thẩm quyền theo cấp tòa án và thẩm quyền riêng biệt theo Điều 33 và Điều 266 của LTTDS năm 2012. Quy định về việc không vi phạm quy định về cấp Tòa án và quy định về lựa chọn tòa án cụ thể theo điều kiện (2) được cho là một trở ngại lớn đới với các bên trong việc lựa chọn tòa án cụ thể của Trung Quốc. Bởi lẽ thẩm quyền xét xử sơ thẩm các tranh chấp dân sự có YTNN của Trung Quốc có thể thuộc về TAND Trung cấp, TAND Cấp cao và TANDTC, tuỳ thuộc vào giá trị tranh chấp, mức độ ảnh hưởng và tính phức tạp của tranh chấp đó. Vậy nếu thỏa thuận lựa chọn tòa án được thiết lập trước khi tranh chấp xảy ra, làm sao và bằng cách nào các bên có thể dự liệu một cách chính xác nhất về thẩm quyền cụ thể theo cấp tòa án.

Trước thời điểm 2012, Điều 243 LTTDS Trung Quốc (phiên bản ban hành năm 1991, sửa đổi bổ sung lần 1 năm 2007) có quy định, nếu trong một vụ kiện dân sự có YTNN, bị đơn không phản đối thẩm quyền của TAND và đáp ứng các hành động bằng cách trả lời đơn khiếu nại, bị đơn được coi là đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án và tòa án này có thẩm quyền đối với các trường hợp đó. Như vậy, có thể xác định rằng bị đơn đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa án theo sự thỏa thuận. Sự đồng ý không cần phải được thực hiện cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, sau thời điểm này, điều khoản này đã bị bãi bỏ và được quy định lại tại Điều 127 LTTDS năm 2012 nhằm áp dụng chung cho cả các vụ việc trong nước và các VVDS, thương mại có YTNN. Theo tinh thần của điều khoản này, trong trường hợp các bên có thỏa thuận lựa chọn tòa án hợp pháp, một bên đem vụ kiện ra một cơ quan tòa án khác, bị đơn sẽ có quyền phản đối thẩm quyền của tòa án đã thụ lý đơn. Nếu sự phản đối là có cơ sở, tòa án đó sẽ chuyển giao vụ kiện đến cho cơ quan tòa án có thẩm quyền theo Điều 36 LTTDS năm 2012. Trong trường hợp tòa án có thẩm quyền theo sự lựa chọn, không thể thực thi được thẩm quyền của mình vì một lý do đặc biệt, TAND cấp cao hơn sẽ chỉ định một cơ quan TAND khác thụ lý và giải quyết vụ việc[22].

LTTDS và Quy tắc 2001 không quy định cụ thể về việc Trung Quốc công nhận sự thỏa thuận lựa chọn Tòa án của các bên là thỏa thuận lựa chọn tòa án độc quyền hay thỏa thuận lựa chọn tòa án không độc quyền[23]. Tuy nhiên, theo đoạn 24 của Quan điểm 1992, nếu các bên trong hợp đồng có thỏa thuận lựa chọn tòa án mà chỉ định Tòa án không rõ ràng hoặc chỉ định hơn một Tòa án dựa theo Điều 25 của LTTDS năm 2012 (từ năm 2012 là Điều 34 với nội hàm tương tự) thì thỏa thuận lựa chọn Tòa án sẽ vô hiệu. Với cách giải thích này có thể thấy quan điểm của TANDTC Trung Quốc liên quan đến thỏa thuận lựa chọn tòa án là thỏa thuận mang tính độc quyền. Theo đó các tòa án không được lựa chọn phải có nghĩa vụ từ chối thụ lý khi nhận được khởi kiện của một trong các bên tranh chấp nếu giữa họ có thỏa thuận lựa chọn tòa án hợp pháp.

3. Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Qua việc nghiên cứu và hệ thống những quy định của pháp luật Trung Quốc về việc xác định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các VVDS có YTNN, có thể thấy rằng pháp luật Trung Quốc đã cho phép tòa án có thẩm quyền rất rộng khi giải quyết các tranh chấp dân sự quốc tế. Việt Nam có thể rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị triển khai thi hành BLTTDS năm 2015 của Việt Nam vào ngày 01/01/2017.

– Về nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền: Điều 469 của BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam đối với các VVDS có YTNN đã có sự kế thừa và bổ sung nhiều điểm mới so với khoản 2 Điều 410 BLTTDS năm 2004. Việc xây dựng căn cứ xác định thẩm quyền dựa vào nơi cư trú của bị đơn là cần thiết trong bối cảnh của Việt Nam, điều này mang tính tương tự như cách làm của Trung Quốc và đa số các nước trên thế giới theo truyền thống dân luật như Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng đã tiếp cận khái niệm “nơi cư trú thường xuyên”, một khái niệm mang tính phổ biến hiện nay ở các nước trong đó có Trung Quốc, bằng khái niệm “cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”. Tuy nhiên với quy định cụ thể tại điểm a, khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 của Việt Nam: “làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”là thật sự không cần thiết. Bởi lẽ, dưới góc độ luật quốc tế, hành vi cư trú của một cá nhân tại một quốc gia sở tại đã có thể làm xuất hiện khả năng tài phán của quốc gia đó trên cơ sở yếu tố chủ quyền quốc gia. Hơn nữa, căn cứ “làm ăn, sinh sống lâu dài” rất khó để xác định trên thực tế. Do đó, chúng tôi đề xuất trong BLTTDS năm 2015 chỉ nên giữ lại dấu hiệu nơi cư trú của bị đơn. Văn bản dưới luật cần làm sáng tỏ dấu hiệu để xác định nơi cư trú của bị đơn trong từng trường hợp cụ thể, tương tự như Trung Quốc. Tuy nhiên nếu giữ lại cụm từ “cư trú lâu dài”cũng chưa tương thích với khái niệm cư trú của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014: “Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam”.[24]Do đó chỉ nên sử dụng cụm từ: “Bị đơn là cá nhân thường trú hoặc tạm trú lâu dài tại Việt Nam”.Thời gian để tính là lâu dài được tác giả đề xuất là 01 năm tương tự như cách quy định của Trung Quốc.

– Về nguyên tắc nơi có tài sản của bị đơn tại điểm c, khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 của Việt Nam:quy định này rõ ràng chưa mang tính thuyết phục, bởi lẽ nó chỉ tính đến khả năng thực thi phán quyết của tòa án mà bỏ qua hai yếu tố quan trọng không kém đó là: tiến trình tố tụng được tòa án thực hiện có thuận tiện hay không và các bên trong tranh chấp có được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất hay không. Đây được xem là một hạn chế trong quy định của pháp luật Trung Quốc, đã gây ra những khó khăn nhất định cho hệ thống TAND trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nó có thể dẫn đến tình trạng đa phán quyết trong tư pháp quốc tế bởi lẽ việc một cá nhân hay cơ quan, tổ chức sở hữu tài sản trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau, hiện nay, là điều tương đối dễ dàng. Do đó, tác giả đề xuất nên đưa quy định này vào nhóm quy định liên quan đến sự kết nối giữa tranh chấp với lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các yếu tố đối tượng của tranh chấp, các bên trong tranh chấp, các tình tiết cụ thể của tranh chấp.

– Về quy định liên quan đến sự kết nối giữa tranh chấp với lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các yếu tố đối tượng của tranh chấp, các bên trong tranh chấp, các tình tiết cụ thể của tranh chấp. Mặc dù nhà BLTTDS năm 2015 của Việt Nam đã đưa ra hai quy định tại điểm đ và e để chuyển hóa quan điểm về sự kết nối này nhưng chỉ áp dụng đối với các vụ việc về QHDS. Chưa rõ quan điểm của nhà làm luật hiểu về khái niệm QHDS có giống như BLDS năm 2015 hay được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là các vụ việc tại Điều 26 và 27 của BLTTDS năm 2015. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp, tác giả cho rằng nên mở rộng ra cho cả các quan hệ khác như quan hệ kinh doanh thương mại, quan hệ lao động hay hôn nhân gia đình. Nhưng phải quy định rõ hơn, cụ thể gộp các điểm c, đ và e thành một điểu khoản cụ thể như sau (gọi là điểm đ): “Trong trường hợp không có các dấu diệu tại điểm a và điểm b, tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền đối với các vụ việc mà việc xác lập, thay đổi, thực hiện, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam hoặc đối tượng của quan hệ là tài sản ở Việt Nam hoặc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam”.

– Về thỏa thuận lựa chọn tòa án, BLTTDS năm 2015 của Việt Nam đã ghi nhận một cách cụ thể tại điểm c, khoản 1, Điều 470 về vấn đề thỏa thuận lựa chọn tòa án. Mặc dù quy định mang tính gián tiếp nhưng có thể xem pháp luật Việt Nam đã chính thức thừa nhận quyền của các bên trong việc lựa chọn tòa án nhằm giải quyết các VVDS có YTNN. Đây là một quy định mới hoàn toàn mang tính hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của việc giải quyết các VVDS có YTNN, đảm bảo được quyền tự do thỏa thuận của các bên, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước). Tuy nhiên với quy định này, vẫn còn một số bất cập:

+ Việc quy định thẩm quyền của tòa án Việt Nam phát sinh trên cơ sở lựa chọn của các bên sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Điều 470 sẽ dẫn đến hai cách hiểu: theo cách hiểu thứ nhất, vụ việc này thuộc thẩm quyền riêng biệt dựa trên lý luận về quy định liên quan đến thẩm quyền riêng biệt là nhằm khẳng định quyền tài phán của Việt Nam trong các vụ việc có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia, tạo sự thuận lợi cho việc xét xử một cách có hiệu quả và bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án, từ đó bảo vệ một cách có hiệu quả nhất lợi ích của quốc gia và lợi ích của các bên[25]. Theo cách hiểu thứ hai, vụ việc có thỏa thuận lựa chọn Tòa án được xem là thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam nhằm loại trừ thẩm quyền của các cơ quan tòa án khác với lý do đây là thỏa thuận lựa chọn tòa án độc quyền. Cách hiểu thứ hai có vẻ hợp lý hơn cả vì thẩm quyền của Tòa án phát sinh trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên không thể nằm trong nội hàm thẩm quyền riêng biệt – exclusive jurisdiction như cách hiểu chung của các nước[26]. Pháp luật Trung Quốc cũng chỉ ghi nhận quyền này như là một trường hợp đặc biệt nhằm loại trừ thẩm quyền của tòa án quốc gia theo nguyên tắc chung, chứ không thừa nhận như là một trường hợp làm phát sinh thẩm quyền riêng biệt. Bởi lẽ, thẩm quyền riêng biệt được quy định nhằm gắn liền với các vấn đề về an ninh, chủ quyền quốc gia hay những trường hợp đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo hộ công dân hay pháp nhân như đã đề cập ở trên. Do đó trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành cần phải giải thích rõ quy định là nhằm khẳng định sự thừa nhận của pháp luật Việt Nam đối với thỏa thuận lựa chọn tòa án là thỏa thuận độc quyền.

+ Điều khoản chưa xác định các trường hợp cụ thể được phép lựa chọn tòa án hoặc các trường hợp loại trừ lựa chọn tòa án. Theo điều khoản này, muốn xác định, phải dựa vào các quy định của ĐƯQT hoặc theo pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là theo các nguồn luật chuyên ngành. Điều này chưa mang tính hợp lý, bởi lẽ vấn đề thẩm quyền của tòa án cần phải được quy định thống nhất theo BLTTDS năm 2015, là nguồn luật chuyên ngành có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực pháp luật tố tụng. Trong điều kiện BLTTDS năm 2015 vừa mới ban hành, do đó, cần thiết phải đưa vấn đề này vào quy định dưới luật như Nghị quyết của tòa án Tối cao để làm rõ những điều kiện hiệu lực cho thỏa thuận lựa chọn tòa án. Trong đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm từ Trung Quốc và một số nước là điều cần thiết như kinh nghiệm quy định về phạm vi của quyền lựa chọn, chủ thể, hình thức của thỏa thuận, các trường hợp loại trừ thẩm quyền theo sự lựa chọn… Trong đó, dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc, cần cân nhắc đến tính đặc thù của Việt Nam như việc xác định quyền lựa chọn sẽ không hợp pháp khi nó vi phạm quy định về thẩm quyền theo cấp tòa án (bởi sự hạn chế về năng lực nên không phải tất cả các vụ việc đều được xét xử ở tòa án cấp huyện tại Việt Nam), việc thừa nhận quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án mang tính độc quyền hoặc vấn đề mở rộng thẩm quyền theo sự lựa chọn đối với các tranh chấp ngoài hợp đồng…

+ Ở góc độ lâu dài, cần thiết phải ghi nhận quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án như là một nguyên tắc cơ bản trong TTDS quốc tế tại BLTTDS năm 2015 để khẳng định sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các chủ thể tham gia vào các QHDS, đặc biệt là quan hệ kinh doanh, thương mại có YTNN.[27]Nó đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước lẫn ở nước ngoài khi họ được quyền đưa ra quyết định kinh doanh của mình để giải quyết ở các địa điểm giải quyết tranh chấp tiềm năng mà họ cho rằng quyền và lợi ích của họ sẽ được đảm bảo nhiều nhất. Ngoài ra nó cũng sẽ có tác động rất lớn cho thị trường Việt Nam với việc tạo tâm lý an tâm hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ thực hiện được quyền thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp mà họ cho là phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho họ./.

CHÚ THÍCH

* NCS, ThS, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

[1] Đạo luật về Luật áp dụng cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được ban hành năm 2010.

[2] Nguồn:.http://www.npc.gov.cn/englishnpc/NPCChina/2014-04/21/content_1860225.htm (cập nhật ngày 13/6/2016).

[3] Hiện nay có 3 văn bản chính hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc bao gồm: “Những ý kiến của TANDTC về việc thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự” được ban hành năm 1992; “Nghị định của TANDTC về những vướng mắc trong việc thực hiện công nhận các bản án nước ngoài” năm 1998 và “Nghị định của TANDTC về những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của toà án trong những vụ việc dân sự và thương mại” năm 2002. Xem thêm: Phùng Hồng Thanh (2015), “Thẩm quyền của Toà án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”, Kỷ yếu Hội thảo Thực trạng Tư pháp Quốc tế Việt Nam – Giải pháp hoàn thiệnđược tổ chức tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/12/2015, tr. 26.

[4] Được Hội đồng Thẩm phán TANDTC Trung Quốc ban hành ngày 25/12/2001, có hiệu lực năm 2002.

[5] Phùng Hồng Thanh, tlđd, tr. 27.

[6] Điều 21 LTTDS 2012.

[7] Xem thêm quy định về vấn đề cư trú của Trung Quốc theo Nghị định về đăng ký cư trú năm 1958.

[8] Điều 15 Những nguyên tắc cơ bản về Luật Dân sự của Trung Quốc năm 1986.

[9] Điều 35 Những nguyên tắc cơ bản về Luật Dân sự của Trung Quốc năm 1986.

[10] Qingjiang Kong & Hu Minfei (2002), “The Chinese Practice of Private International Law”, Melbourne Journal of International Law,Vol.3/2002, tr.2. Nguồn: http://law.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0004/1680259/Kong-and-Minfei.pdf(cập nhật ngày 07/4/2016).

[11] Hu Zhenjie, Chinese Perpectives on International Jurisdiction and the Enforcement of Judgement in Contractual Matters, Sculthess Polygraphischer Verlag Zurich, 1999, tr. 38.

[12] Nơi cư trú là yếu tố thể hiện sự kết nối của cá nhân với một quốc gia cụ thể để từ đó hệ thống pháp luật hoặc những quy tắc pháp lý của quốc gia đó sẽ được áp dụng đối với họ nhằm thể hiện quyền tài phán theo yếu tố lãnh thổ.

[13] Ví dụ như Điều 24 Brussels Regulation I 2012 áp dụng cho các nước thành viên EU có hiệu lực từ 10/01/2015; Điều 44 BLTTDS Pháp; khoản 1, Điều 403 BLTTDS Nga; khoản 4bis BLTTDS Thái Lan; điểm a, khoản 1, Điều 411 BLTTDS năm 2004 Việt Nam…

[14] Nghị định Brussels I 2012 của EU điều chỉnh về vấn đề thẩm quyền và công nhận, cho thi hành các phán quyết của toà án nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2015 thay thế cho Nghị định số 44/2001 ban hành năm 2000 điều chỉnh về vấn đề tương ứng.

[15] Hu Zhenjie, tlđd, tr. 205-206.

[16] Điều 265 BLTTDS năm 2012.

[17] Faye Fangfei Way , Internet Jurisdiction and Choice of Law- Legal Practices in the EU, US and China, Nxb. Đại học Cambridge 2010, tr. 84.

[18] Qingjiang Kong & Hu Minfei , tlđd, tr. 4-5.

[19] China Supreme People’s Court, “Guangzhou Intermediate People’s Court, Guangdong Province, 1991”, Selected Cases of People’s Courts,1996, 1051–4.

[20] Mặc dù Trung Quốc theo truyền thống dân luật, thẩm phán không được quyền làm luật nhưng những văn bản mang tính chất giải thích luật của TANDTC Trung Quốc có giá trị quan trọng trong việc định hướng cho TAND cấp dưới. Xem thêm: Jin Huang, “The Structure of China’s Conflicts Law: New Developments of the Rules on Special Commercial Law”, 45 Netherlands International Law Review,1998,tr. 201.

[21] Hu Zhenjie, tlđd, tr. 71.

[22] Điều 37 BLTTDS 2012.

[23] Có hai loại thỏa thuận lựa chọn tòa án: Thuận lựa chọn tòa án độc quyềnsẽ làm phát sinh thẩm quyền độc quyền cho cơ quan tòa án được lựa chọn, các tòa án khác phải có nghĩa vụ từ chối thẩm quyền, trừ trường hợp thỏa thuận không hợp pháp. Thỏa thuận lựa chọn tòa án không độc quyềnsẽ làm phát sinh thẩm quyền cho cơ quan tòa án được lựa chọn, nhưng không cản trở các tòa án khác thực hiện thẩm quyền.

Xem thêm: Điều 3 Công ước LaHaye 2005 về lựa chọn tòa án; James Fawcett, “Non-Exclusive Jurisdiction Agreements in Private Interna tional Law”, Nxb. Lloyd’s Mar. & Com. L. Q., 2001, tr. 234.

[24] Theo khoản 9 Điều 3 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

[25] Lê Thị Nam Giang, Tư pháp Quốc tế, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 198.

[26] Xem thêm Điều 23 Nghị định Brussels I 2012; Điều 44 BLTTDS Pháp; khoản 1, Điều 403 BLTTDS Nga; khoản 4bis BLTTDS Thái Lan; điểm a, khoản 1, Điều 411 BLTTDS năm 2004 Việt Nam…

[27] Cùng quan điểm này có thể xem thêm: Đỗ Văn Đại, Trần Việt Dũng, “Về thỏa thuận chọn Tòa án nước ngoài”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6/2012; Đồng Thị Kim Thoa, “Cơ chế lựa chọn toà án trong giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp, số 6/2012; Bành Quốc Tuấn, “Quyền thỏa thuận lựa chọn toà án giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Luật học,số 28/2012.

  • Tác giả: TS. Phan Hoài Nam
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(101)/2016 – 2016, Trang 63-72
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Một số vướng mắc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án và giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này
Một số vướng mắc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án và giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này
Quy định của một số quốc gia trên thế giới về doanh nghiệp nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia) và những lưu ý cho các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Quy định của một số quốc gia trên thế giới về doanh nghiệp nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia) và những lưu ý cho các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Một số vấn đề pháp lý về thỏa thuận góp vốn có yếu tố nước ngoài
Một số vấn đề pháp lý về thỏa thuận góp vốn có yếu tố nước ngoài
Kiểm sát việc tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 - Một số vướng mắc từ quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi
Kiểm sát việc tòa án trả lại đơn khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 – Một số vướng mắc từ quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi
Căn cứ và Thẩm quyền giải thích pháp luật hình sự
Căn cứ và Thẩm quyền giải thích pháp luật hình sự
Phân quyền, phân cấp - Hai cơ chế phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương
Phân quyền, phân cấp – Hai cơ chế phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương

Chuyên mục: Dân sự/ Quốc tế/ Tư pháp quốc tế Từ khóa: Quan hệ có yếu tố nước ngoài/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2016/ Thẩm quyền/ Tòa án/ Trung Quốc/ Vụ việc dân sự/ Yếu tố nước ngoài

Previous Post: « Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam
Next Post: Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2022 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng