Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam
TÓM TẮT
Thông qua phân tích các văn bản trong khuôn khổ ASEAN và pháp luật Việt Nam, bài viết làm rõ hai vấn đề chính: Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) vẫn chưa có hiệp định cụ thể điều chỉnh giao dịch vốn giữa các quốc gia ASEAN mà chỉ dừng lại ở các tuyên bố, mục tiêu và kế hoạch; do chưa có hiệp định cụ thể điều chỉnh, Việt Nam khá chủ động trong xây dựng pháp luật và chính sách liên quan đến giao dịch vốn. Tùy hình thức đầu tư cụ thể và tính chất của dòng vốn, pháp luật về quản lý ngoại hối có những cách thức điều chỉnh khác nhau và sự điều chỉnh này tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư.
- Thực thi hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN: những vấn đề từ sự chồng chéo trong các cam kết bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt Nam – TS. Trần Việt Dũng
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Một số vấn đề về quyền ban hành quy định bảo vệ môi trường của quốc gia tiếp nhận đầu tư – ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy – ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
- Argentina in investment disputes under icsid – case studies on the chances of financial policy and its implementation – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt – Vũ Như Thăng
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp đầu tư quốc tế – ThS. Phạm Thị Hiền
Tự do hóa giao dịch vốn (capital transaction liberalization) hay tự do hóa tài khoản vốn (capital account liberalization) được coi là một làn sóng mới trong đầu tư và phát triển kinh tế từ những năm 1980, tạo ra dòng chuyển vốn đột biến giữa các nước công nghiệp và giữa các nước công nghiệp đang phát triển.[1] Trải qua quá trình tiến hành tự do hóa giao dịch vốn của rất nhiều nền kinh tế trong điều kiện khác nhau, hiện nay các nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách vẫn còn rất nhiều tranh luận trong việc có nên hay không nên thực hiện tự do hóa đối với các giao dịch này.[2]
Trong cộng đồng kinh tế ASEAN, một trong các mục tiêu chủ chốt được đặt ra tại khoản 5, Điều 1 Hiến chương ASEAN là “xây dựng một thị trường đơn nhất, trong đó các hoạt động đầu tư và giao dịch vốn được tự do thực hiện”. Như vậy, ASEAN dường như đã chọn con đường ủng hộ tự do hóa giao dịch vốn và xem đó là một trong những mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế khu vực. Bài viết sẽ phân tích hai vấn đề: (i.) AEC đã đi đến đâu trong lộ trình thực hiện mục tiêu tự do hóa giao dịch vốn và (ii.) những tác động của các cam kết trong khuôn khổ AEC về tự do hóa giao dịch vốn đối với pháp luật quản lý ngoại hối Việt Nam và các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam.
1. Các cam kết trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn
Bản chất của AEC chưa phải là một cộng đồng kinh tế đúng nghĩa như tên gọi vì chưa có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chưa có các điều ước quốc tế có tính quy phạm, bắt buộc quốc gia thành viên phải thực hiện. Thực chất AEC chỉ là một mục tiêu chung, một tiến trình hội nhập kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á trong tương lai. Do đó, rất nhiều mục tiêu trong khuôn khổ AEC, trong đó có mục tiêu tự do hóa các giao dịch vốn còn mơ hồ, đang trong quá trình đặt những nền móng đầu tiên. Điều này thể hiện cụ thể qua những khía cạnh sau:
Thứ nhất, AEC chưa có bất kỳ một hiệp định nào điều chỉnh riêng đối với vấn đề chu chuyển dòng vốn trong các quốc gia ASEAN. Tất cả các nội dung liên quan đến tự do hóa giao dịch vốn trong khuôn khổ ASEAN chỉ dừng lại ở các bản kế hoạch, tuyên bố chung mà việc thực thi phụ thuộc vào thiện chí, năng lực và chính sách của quốc gia thành viên, bao gồm: lộ trình hội nhập tài chính – tiền tệ ASEAN (RIA-fin) được thông qua năm 2003, kế hoạch tổng thể xây dựng ASEAN 2015 và 2025 (AEC Blueprint). Các văn bản này không phải là điều ước quốc tế, không ràng buộc nghĩa vụ và cũng không đặt ra các chế tài xử lý khi quốc gia thành viên không thực hiện. Do đó, việc đạt được các mục tiêu này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí và chính sách kinh tế của quốc gia trong từng thời kỳ.
Thứ hai, các nội dung trong các kế hoạch, lộ trình, tuyên bố chung mà AEC đã ký kết ngày càng cụ thể, rõ ràng, tạo tiền đề cho các bên thiết lập các văn bản mang tính ràng buộc cao hơn. Đồng thời, vấn đề tự do hóa giao dịch vốn trong khu vực ngày càng được xem xét, cân nhắc một cách cẩn trọng dựa trên tình hình chung của kinh tế thế giới và các điều kiện đặc thù của từng quốc gia.
Nếu trong RIA-fin 2003, các quốc gia ASEAN chỉ đặt mục tiêu tự do hóa tài khoản vốn bằng cách từng bước dỡ bỏ các kiểm soát và hạn chế lưu chuyển vốn giữa các quốc gia thành viên mà chưa có các biện pháp, lộ trình cụ thể, thì ở AEC Blueprint 2007, các nước thành viên đã xây dựng hơn 700 biện pháp để thực thi các mục tiêu trong bản kế hoạch này, trong đó đối với tự do hóa các giao dịch vốn có 27 biện pháp cụ thể. Đồng thời, các nước thành viên cũng chia việc thực hiện AEC Blueprint 2007 thành bốn giai đoạn và đưa ra lộ trình chiến lược trong từng giai đoạn. Để đảm bảo quốc gia thành viên sẽ tuân thủ các biện pháp này, ASEAN đưa ra một cơ chế đánh giá được gọi là Biểu đánh giá AEC (AEC Scorecard) nhằm định kỳ kiểm điểm tiến độ thực hiện các biện pháp của các nước thành viên.
Trong AEC Blueprint 2025, trước diễn biến phức tạp của thị trường tài chính khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo có sự cân nhắc cẩn trọng hơn trong việc xây dựng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn. Theo đó, tự do hóa giao dịch vốn luôn phải đảm bảo sự ổn định thị trường tài chính và sự sẵn sàng của nền kinh tế quốc gia thành viên. Đồng thời, bản kế hoạch nhấn mạnh vai trò của quốc gia trong việc áp dụng các biện pháp tự vệ phù hợp chống lại sự bất ổn định kinh tế vĩ mô và rủi ro hệ thống có thể phát sinh từ quá trình tự do hóa.[3]
Thứ ba, mặc dù không có cơ chế cụ thể để bắt buộc thực thi, nhưng những tuyên bố chung này cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng hành động cho các quốc gia thành viên AEC. Theo kết quả đánh giá quá trình thực thi AEC Blueprint 2015, tỷ lệ thực thi các biện pháp chiến lược của AEC từ năm 2008 đến tháng 10 năm 2015 là 92,7%.[4] Như vậy, các tuyên bố chung này vẫn được các nước ASEAN nỗ lực thực hiện nhằm từng bước hoàn thiện chính sách, xây dựng hệ thống kinh tế quốc gia để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc hội nhập trong xu thế tự do hóa các giao dịch vốn.
Bên cạnh kế hoạch, lộ trình và tuyên bố chung, một số hiệp định trong khuôn khổ AEC cũng có các nội dung liên quan đến các giao dịch vốn giữa các nước ASEAN.
Thứ nhất, Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (sau đây gọi tắt là “AFAS”) được ký kết ngày 15/12/1995. Theo đó, các nước ASEAN đưa ra các gói cam kết mở cửa thị trường với mức độ khác nhau trong từng thời kỳ. Trong gói cam kết thứ 9 của Việt Nam,[5] phạm vi mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dịch vụ cao hơn so với các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO. Theo đó, các giới hạn góp vốn của nhà đầu tư ASEAN vào Việt Nam có thể là 51% hoặc 70% trong một số lĩnh vực cụ thể, hoặc là không bị giới hạn.
Thứ hai, trong Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (sau đây gọi tắt là “ACIA”), nội dung có liên quan về thực hiện giao dịch vốn được thể hiện cụ thể hơn. Một trong những mục tiêu của ACIA là xây dựng cơ chế đầu tư tự do và mở cửa giữa các quốc gia ASEAN nhằm đạt được các mục tiêu hội nhập kinh tế ASEAN, tiến tới tự do hóa đầu tư giữa các quốc gia thành viên.[6] Theo hiệp định này, Việt Nam sẽ thực hiện tự do hóa đầu tư khá toàn diện trong năm lĩnh vực chủ yếu và các lĩnh vực dịch vụ đi kèm.[7] Đồng thời, pháp luật Việt Nam sẽ phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư ASEAN thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, trong đó bao gồm việc cho phép chu chuyển dòng vốn ra, vào lãnh thổ quốc gia. Riêng đối với việc chuyển vốn để thực thi được hoạt động đầu tư, Điều 13 ACIA có những quy định cụ thể sau:
– Các nước thành viên phải cho phép chuyển các khoản liên quan đến khoản đầu tư được điều chỉnh một cách tự do và không chậm trễ vào và ra khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm tất cả các khoản góp vốn, lợi nhuận, lãi phát sinh, các khoản thu hợp pháp, các khoản thanh toán, bồi thường, phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp theo hợp đồng và các khoản thu nhập của nhân viên làm việc liên quan đến khoản đầu tư.
– Pháp luật quốc gia sẽ có quyền quy định đồng tiền để thực hiện việc chuyển các khoản đầu tư trên.
– Đối với việc chuyển tiền có dấu hiệu tội phạm, hoặc để bảo vệ các lợi ích công cộng hoặc người lao động, nước thành viên có quyền ngăn cản hoặc trì hoãn việc chuyển khoản theo nguyên tắc không phân biệt đối xử và hợp lý.
– Không giới hạn quốc gia trong việc thiết lập quy chế quản lý việc sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư ASEAN. Quốc gia thành viên có quyền duy trì hoặc áp dụng biện pháp để đảm bảo nguồn gốc hình thành của khoản đầu tư là hợp pháp, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin liên quan đến thống kê trên nguyên tắc giữ bí mật thông tin và không phương hại đến nhà đầu tư (Điều 20 ACIA).
– Quốc gia thành viên có quyền ngăn chặn việc chuyển khoản trên trong trường hợp bảo hộ cán cân thanh toán theo Điều 16 ACIA và trong hoàn cảnh đặc biệt, việc điều chuyển vốn gây ra hoặc có nguy cơ gây ra xáo trộn kinh tế hoặc tài chính nghiêm trọng ở nước thành viên liên quan khi thỏa mãn những điều kiện áp dụng cụ thể (khoản 4, 5 Điều 13 ACIA).
Xét về việc điều chỉnh giao dịch vốn, các quy định trên của ACIA có các đặc điểm sau:
– ACIA trao quyền chủ động rất lớn cho các quốc gia thành viên trong việc thiết lập các cơ chế riêng để kiểm soát dòng vốn đầu tư. Đồng thời, mô tả đối với các trường hợp ngoại lệ trong ACIA thiếu minh bạch dẫn đến quốc gia thành viên có thể áp dụng một cách linh hoạt và tùy tiện.
– ACIA luôn ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn là mục tiêu tự do hóa dòng vốn. Quốc gia thành viên có thể vì các mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng hoặc cán cân thanh toán quốc gia mà ngăn cản việc chu chuyển các dòng vốn này.
– Điều 3 ACIA quy định rõ hiệp định này chỉ áp dụng đối với các biện pháp được một quốc gia thành viên thông qua hoặc duy trì liên quan đến nhà đầu tư của một nước thành viên khác và các khoản đầu tư trong lãnh thổ mình của những nhà đầu tư từ nước thành viên khác. Do đó, ACIA không áp dụng đối với các biện pháp mà quốc gia thành viên áp dụng đối với các khoản đầu tư từ chính quốc gia thành viên đó ra nước ngoài.
2. Tác động của các cam kết trong khuôn khổ ASEAN về giao dịch vốn đối với pháp luật về quản lý ngoại hối Việt Nam và hoạt động đầu tư của nhà đầu tư
2.1. Chính sách của Việt Nam trong quá trình tự do hóa giao dịch vốn
Ngay từ năm 2001, nước ta đã có chính sách tạo điều kiện để lĩnh vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được phát triển thuận lợi và nỗ lực cải thiện môi trường kinh tế và pháp lý để thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.[8] Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 của Đảng cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm năm tới là: “Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước”.[9] Việc thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần và chính sách tạo điều kiện đầu tư, cũng như bảo hộ tài sản hợp pháp của nhà đầu tư cũng thể hiện rõ trong Điều 51 Hiến pháp năm 2013. Như vậy, Nhà nước Việt Nam thể hiện rõ chính sách tạo điều kiện thông thoáng về đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mở cửa thu hút dòng vốn vào nhằm tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong Quyết định số 1590/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn ngày 11/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: định hướng tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết vì các cam kết này luôn cho phép quốc gia thành viên sử dụng các biện pháp phòng vệ chính đáng để đối phó với những yếu tố tiềm tàng về mất cân đối vĩ mô và rủi ro phát sinh. Việt Nam có thể chủ động xây dựng định hướng tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở: (i.) xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt động đầu tư quốc tế; (ii.) sự tương thích với mức độ sẵn sàng của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính; (iii.) sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh tranh của Việt Nam.[10]
Về chính sách chung, Việt Nam tuyên bố tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc mở cửa các giao dịch vốn trên cơ sở ưu tiên tính ổn định của khu vực tài chính và mức độ sẵn sàng của kinh tế quốc gia. Mặt khác, mặc dù pháp luật về đầu tư trao quyền cho nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư, nhưng nếu pháp luật về quản lý ngoại hối (điều chỉnh các giao dịch vốn) không thiết lập một cơ chế để thực thi thì trên thực tế các nhà đầu tư không thể tiến hành đầu tư.
2.2. Tác động của các cam kết về tự do hóa các giao dịch vốn trong khuôn khổ ASEAN đối với pháp luật về quản lý ngoại hối Việt Nam
Thứ nhất, đối với các cam kết mang tính kế hoạch, tuyên bố: mặc dù không có cơ chế bắt buộc phải thực hiện, nhưng Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chung của cộng động kinh tế ASEAN. Đối với AEC Blueprint, Việt Nam được đánh giá là nhóm nước có kết quả thực thi cao nhất, từ 85% đến 95% tùy từng thời kỳ từ 2008 đến 2015.[11] Đồng thời, hệ thống pháp luật quốc gia điều chỉnh các giao dịch vốn ngày càng đầy đủ, hoàn thiện. Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã điều chỉnh hiệu quả các quan hệ về giao dịch vốn. Đồng thời, nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn như Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, các thông tư hướng dẫn cụ thể về giao dịch vốn như hoạt động đầu tư trực tiếp (Thông tư số 19/2014/TT-NHNN), đầu tư gián tiếp (Thông tư số 05/2014/TT-NHNN), hoạt động vay, trả nợ nước ngoài (Nghị định số 219/2013/NĐ-CP, Thông tư số 25/2014/TT-NHNN)… Các văn bản này đưa ra hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc tiến hành các hoạt động đầu tư, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch chính sách, pháp luật và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh đối với các giao dịch vốn.
Thứ hai, đối với các cam kết về mở cửa thị trường trong ACIA và AFAS, đây là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, do đó, bắt buộc phải thực thi. Hiện nay, chỉ có ACIA mới có các điều khoản cụ thể thiết lập nghĩa vụ quốc gia trong việc điều chỉnh các giao dịch vốn. Có thể chia các quy định về giao dịch vốn trong ACIA thành hai nhóm: (i.) các giao dịch vốn mà quốc gia thành viên bắt buộc phải cho phép dịch chuyển ra, vào lãnh thổ quốc gia một cách tự do và không chậm trễ (Điều 13 ACIA) và (ii.) những nội dung thuộc thẩm quyền điều chỉnh của quốc gia thành viên.
* Đối với nhóm (i):
Một số khoản chuyển vốn được ACIA liệt kê là khoản chuyển tiền của hoạt động đầu tư, nhưng pháp luật quản lý ngoại hối của Việt Nam lại liệt kê trong danh mục các khoản thanh toán và chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai[12] bao gồm các khoản: thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại và vay ngân hàng ngắn hạn; các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp; các khoản chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp; các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài.
Điều 6 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) khẳng định: Tất cả các khoản thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện. Như vậy, các giao dịch mang tính chất là giao dịch vốn nhưng được liệt kê trong danh mục các khoản thanh toán và chuyển tiền vãng lai nêu trên đều được tự do thực hiện. Các giao dịch này tương thích với quy định tại khoản b, d, g Điều 13 ACIA đối với các khoản chuyển vốn liên quan đến lợi nhuận, thanh toán tiền vay và thu nhập của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại các quy định cụ thể của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) đối với giao dịch vốn và các văn bản hướng dẫn thi hành đều khẳng định nhà đầu tư sẽ được chuyển vốn để thực hiện hoạt động đầu tư và chuyển các thu nhập hợp pháp từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay về Việt Nam.[13] Các thu nhập hợp pháp này có thể bao gồm các khoản chuyển tiền khác quy định tại Điều 13 ACIA như: khoản thu từ bán, thanh lý đầu tư, các khoản bồi thường, các khoản thanh toán từ giải quyết tranh chấp. Như vậy, pháp luật về quản lý ngoại hối Việt Nam đã phù hợp với các quy định của Điều 13 ACIA trong việc cho phép nhà đầu tư thực hiện các hoạt động chuyển tiền một cách tự do, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể tiến hành các hoạt động đầu tư thuận lợi trên thực tế.
* Đối với nhóm (ii)
Pháp luật ngoại hối Việt Nam cho phép các giao dịch vốn được tự do thực hiện trong phạm vi cam kết, trao quyền cho nhà đầu tư tiến hành chuyển vốn để thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn thực hiện các hoạt động chuyển vốn đầu tư phải tuân thủ theo quy trình hoặc phương thức nhất định. Tùy hình thức của giao dịch vốn được thực hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều ban hành một văn bản cụ thể, đặt ra các quy phạm hướng dẫn cách thức chuyển vốn mà nhà đầu tư phải tuân thủ. Đơn cử, các hoạt động chuyển vốn đều phải thực hiện thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng được phép, pháp luật cũng quy định rõ nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguồn vốn theo các yêu cầu cụ thể mà tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển vốn quy định. Việc chuyển vốn phải thực hiện bằng đồng tiền cụ thể mà pháp luật cho phép, thực hiện việc đăng ký chuyển ngoại tệ ra/ vào Việt Nam đối với một số giao dịch cụ thể…[14] Các quy định cụ thể về thời gian, cách thức thực hiện, thủ tục thực hiện nêu trên hoàn toàn phù hợp với quy định cụ thể trong ACIA.[15]
2.3. Tác động của các cam kết về giao dịch vốn trong khuôn khổ ASEAN và pháp luật quản lý ngoại hối của Việt Nam đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư
Từ những cam kết trong ASEAN về giao dịch vốn và việc thực thi của Việt Nam cho thấy: nhà đầu tư bên cạnh việc phải tuân thủ pháp luật về đầu tư còn phải tuân thủ pháp luật về quản lý ngoại hối đối với giao dịch vốn. Tùy vào tính chất dòng vốn ra hay vào Việt Nam mà pháp luật về quản lý ngoại hối Việt Nam thiết lập thêm các quy phạm đặc thù, thể hiện rõ chính sách của Việt Nam đối với tự do hóa các giao dịch vốn.
* Đối với các dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù pháp luật về đầu tư đã bỏ các quy định về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp mà điều chỉnh theo hành vi đầu tư cụ thể; tuy nhiên, pháp luật về quản lý ngoại hối vẫn điều chỉnh các giao dịch vốn theo tính chất trực tiếp hay gián tiếp của hoạt động đầu tư.[16] Theo đó, chính sách đối với hai dòng vốn này là hoàn toàn khác nhau.
Trong xu hướng các quốc gia đang phát triển ưu tiên thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cung ứng cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia, các dòng chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được quy định khá thông thoáng. Nhà nước quản lý thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mở tại duy nhất một tổ chức tín dụng được phép. Pháp luật không hạn chế về số lượng, thời hạn đối với các giao dịch chuyển vốn với điều kiện việc chuyển vốn phải thực hiện trong phạm vi các khoản thu, chi mà pháp luật liệt kê. Chủ thể thực hiện các giao dịch vốn có nghĩa vụ chứng minh mục đích chuyển vốn bằng các hồ sơ, chứng từ tùy vào quy định cụ thể của các tổ chức tín dụng.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, do tính chất an toàn, ổn định của dòng vốn thấp hơn so với vốn đầu tư trực tiếp, pháp luật cũng có cách thức điều chỉnh riêng đối với dòng vốn này. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp duy nhất tại một tổ chức tín dụng được phép duy nhất để thực hiện các hoạt động đầu tư gián tiếp. Tài khoản này chỉ có thể là tài khoản đồng Việt Nam để đảm bảo rằng toàn bộ các giao dịch trên đầu tư gián tiếp tại lãnh thổ Việt Nam chỉ được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Đồng thời, việc quy định tài khoản bằng đồng Việt Nam giúp hạn chế việc đảo chiều của dòng vốn nhạy cảm này, do khi muốn rút vốn, nhà đầu tư buộc phải mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng để chuyển vốn ra nước ngoài. Khi đó, tổ chức tín dụng có thể bán ngoại tệ cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở tự cân đối nguồn ngoại tệ của tổ chức tín dụng.[17] Thông qua việc điều chỉnh nguồn ngoại tệ trên thị trường và của tổ chức tín dụng, NHNN có thể hạn chế việc rút vốn của nhà đầu tư ở một mức độ nhất định.
Như vậy, các quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của ACIA khi đã cho phép nhà đầu tư tiến hành các hoạt động chuyển vốn đầu tư trên cơ sở pháp luật quốc gia quy định về đồng tiền và cách thức thực hiện. Đồng thời, pháp luật quốc gia có quyền yêu cầu cung cấp thông tin và chứng minh nguồn gốc của các khoản vốn.
Đối với dòng vốn vay và trả nợ nước ngoài, mặc dù có vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng tính chất nguồn vốn này cũng có những rủi ro nhất định, ảnh hưởng đến an toàn nợ nước ngoài của quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp chỉ có thể vay vốn nước ngoài trong hạn mức hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc vay, trả nợ nước ngoài phải được đăng ký cho NHNN và trong trường hợp mức vay vượt quá mức phê duyệt, NHNN có thể từ chối xác nhận đăng ký. Ngoài ra, mọi hoạt động chuyển tiền cho vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp phải thực hiện qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng được phép.[18] Mặc dù Điều 13 ACIA có liệt kê các khoản chuyển tiền thanh toán cho nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (kể cả hợp đồng vay) phải được quốc gia thành viên cho phép tự do thực hiện, nhưng khi áp dụng điểm b, khoản 4 Điều 13 và Điều 16 ACIA, Việt Nam có quyền đặt ra các hạn chế như trên để bảo vệ cán cân thanh toán và an toàn tài chính cho nền kinh tế Việt Nam.
* Đối với các dòng vốn từ Việt Nam ra nước ngoài
Trong bối cảnh nguồn vốn ngoại tệ trong nước còn hạn chế, Việt Nam đang ra sức tăng cường dự trữ ngoại hối nhà nước và tăng đầu tư trong nước. Do đó, mặc dù pháp luật về đầu tư trao quyền cho nhà đầu tư được tiến hành các hoạt động đầu tư nhưng pháp luật về ngoại hối lại quản lý cực kỳ chặt chẽ đối với các giao dịch làm dịch chuyển dòng vốn từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đối với vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài, nhà đầu tư ngoài việc thỏa mãn các điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật đầu tư, còn phải tiến hành đăng ký việc thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài với NHNN và chỉ được thực hiện chuyển vốn theo đúng lộ trình đã đăng ký. Việc chuyển vốn chỉ được thực hiện thông qua một tài khoản bằng một loại ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép.[19]
Riêng đối với các hoạt động đầu tư gián tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài, mặc dù pháp luật đầu tư có ghi nhận quyền của nhà đầu tư về thực hiện hoạt động đầu tư nhưng đến ngày 29/6/2016, NHNN mới ban hành Thông tư số 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn việc việc thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Như vậy, trước khi thông tư này ra đời, các nhà đầu tư tại Việt Nam không thể thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài do không có cơ chế thực thi. Ngoài ra, thông tư trên cũng chỉ cho phép một số các chủ thể nhất định được trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài,[20] còn các tổ chức kinh tế khác chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua ủy thác đầu tư cho công ty quản lý quỹ hoặc ngân hàng thương mại chứ không được trực tiếp thực hiện. Đối với cá nhân thì hoàn toàn không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài ngoại trừ trường hợp tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Đối với các hoạt động cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, hiện nay chỉ có tổ chức tín dụng mới được cho doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài vay và phải đăng ký khoản vay với NHNN, còn các khoản cho vay và thu hồi nợ nước ngoài khác phải được sự cho phép của NHNN. Trong bối cảnh Việt Nam không khuyến khích dòng vốn ngoại tệ ra khỏi Việt Nam thì các hoạt động cho vay và thu hồi nợ nước ngoài khác này thường cũng không được khuyến khích và chấp nhận.
Như vậy, mặc dù trải qua quá trình hội nhập kinh tế lâu dài, vấn đề tự do hóa tài khoản vốn dù đã được đặt ra từ rất lâu nhưng để đạt được đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đáp ứng rất nhiều điều kiện tiền đề phức tạp. Do đó, trong tiến trình này, ASEAN mới chỉ dừng lại ở các mục tiêu chung mà chưa thiết lập được các điều ước quốc tế mang tính nghĩa vụ bắt buộc đối với quốc gia thành viên. Xuất phát từ việc AEC chưa có một điều ước quốc tế nào về các giao dịch vốn, hiện nay quốc gia thành viên khá chủ động trong đưa ra chính sách mở cửa thị trường vốn của riêng mình. Đồng thời, trong mối quan hệ với pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý đối với giao dịch vốn có vai trò hết sức quan trọng. Đây là một thiết chế tất yếu mà pháp luật của quốc gia phải xây dựng nếu muốn thực thi được các hiệp định về đầu tư trong khuôn khổ ASEAN nói riêng và các quy định của pháp luật đầu tư nói chung.
CHÚ THÍCH
[1]* TS. Luật học, Trưởng Bộ môn Luật Thuế – Tài chính – Ngân hàng, Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Prasad, E. S., Rogoff, K., Wei, S. J., & Kose, M. A., “Financial globalization, growth and volatility in developing countries”, Globalization and Poverty (pp. 457-516), 2007, University of Chicago Press, Pg. 457.
[2] Các tác giả Stanley Fischer, “Capital account liberalization and the role of the IMF”, Doccuments in conference on Development of securities markets in emerging markets 1997 và tác giả Levine, R., “International financial liberalization and economic growth”, Review of international Economics, 9(4)/2001, là hai tác giả tiêu biểu trong việc ủng hộ tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở cân nhắc giữa lợi ích từ việc để nguồn vốn đầu tư tự do dịch chuyển và các chi phí tiềm năng cho việc quản lý các giao dịch, tăng năng suất dòng vốn và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các tác giả như Carlos Arteta, Barry Eichengreen and Charles Wyplosz trong nghiên cứu When does capital account liberalization help more than it hurts? National bureau of economic research (2001; No. w8414), lại cho rằng: “không có các bằng chứng cụ thể chứng minh được mức độ ảnh hưởng của tự do hóa tài khoản vốn vào tăng trưởng kinh tế mà tăng trưởng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau”.
[3] Điểm b, tiểu mục 18, mục A4 Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 tại Malaysia.
[4] Secretariat, A. S. E. A. N., ASEAN Economic Community 2015: Progress and Key Achievements. ASEAN Secretariat,(Novermber 2015)< http://www. asean. org/storage/images/2015/November/aec-page/AEC-2015-Progress-and-Key-Achievements. pdf. Pg. 9, truy cập 27/11/2016
[5] Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ 9 được các nhà lãnh đạo ASEAN ký ngày 27/11/2015 tại Philipines.
[6] ASEAN comprehensive investment agreement – Article 1 Objective: “The objective of this Agreement is to create a free and open investment regime in ASEAN in order to achieve the end goal of economic integration under the AEC in accordance with the AEC Blueprint, through the following: (a) progressive liberalisation of the investment regimes of Member States;”
[7] Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 của ACIA, năm lĩnh vực bao gồm: (a) sản xuất; (b) nông nghiệp; (c) ngư nghiệp; (d) lâm nghiệp; (e) khai thác; ngoài ra còn gồm (f) các dịch vụ liên quan đến sản xuất, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai thác mỏ; và (g) các lĩnh vực khác theo thỏa thuận của tất cả các nước thành viên.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 31, 99.
[9] Xem thêm: Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-368870.html truy cập lần cuối 23h30p ngày 27/11/2016.
[10] Mục a (Nguyên tắc xây dựng lộ trình), tiểu mục 1, mục II, Điều 1 Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 11/8/2016
[11] Xem thêm: Bộ Công thương (Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về kinh tế), Tài liệu về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tr. 10.
[12] Quy định tại khoản 6, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Điều này được giải thích là phù hợp với các quy định của Điều lệ IMF. Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước (2012), Bản thuyết minh nội dung sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối ngày 08/10/2012, tr. 2, 3.
[13] Xem khoản 2 Điều 11; khoản 2 Điều 12; Điều 15; khoản 5 Điều 17; khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013).
[14] Xem thêm các quy định tại Chương 3 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định về các giao dịch vốn.
[15] Đã phân tích ở mục 2 của bài viết này.
[16] Nếu tiếp cận ở góc độ quản lý nhà nước đối với dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư gián tiếp có tính chất hoàn toàn khác nhau, vai trò, ý nghĩa khác nhau đối với thị trường vốn và tiềm ẩn những rủi ro khác nhau. Nếu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được coi là dòng vốn có tính chất dài hạn, ổn định, tính thanh khoản thấp dẫn đến nguy cơ đảo chiều của dòng vốn thấp (mức độ an toàn cao đối với nền kinh tế) thì vốn đầu tư gián tiếp lại là dòng vốn ngắn hạn, tính thanh khoản cao và nguy cơ nhà đầu tư rút vốn bất ngờ, dẫn đến đảo chiều dòng vốn cao hơn. Mặt khác, các khoản đầu tư từ nước ngoài xét trên góc độ kinh tế đó là một khoản nợ của kinh tế quốc gia đối với nước ngoài thể hiện trong cán cân thanh toán quốc gia. Do đó, pháp luật về quản lý các giao dịch vốn luôn phải tính đến các rủi ro xảy ra khi nguồn vốn đảo chiều quay về quốc gia đầu tư. Từ đó, pháp luật về quản lý ngoại hối đối với giao dịch vốn có sự khác biệt nhất định trong điều chỉnh đối với hai dòng vốn này.
[17] Điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
[18] Nghị định số 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
[19] Thông tư số 12/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
[20] Quy định tại Điều 13 Nghị định số 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Chia sẻ bởi: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam
Tác giả: Phan Thị Thành Dương – Nguyễn Thị Thương – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(107)/2017 – 2017, Trang 45-52