Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam
Xem thêm:
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – TS. Trần Thăng Long
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng
TỪ KHÓA: Khía cạnh pháp lý, Giàn khoan Hải dương 981, Công pháp quốc tế, Công ước Luật Biển,
Ngày 26/07/2014, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) trong vùng biển Việt Nam”(Legal issues regarding the incident of China’ placement of oil rig Haiyang Shiyou 981 in Vietnam’s EEZ and CS) tại Hội trường Dinh Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của 50 học giả uy tín là giáo sư, tiến sĩ, luật sư, nhà nghiên cứu đến từ các nước Mỹ, Nga, Italia, Thụy Sĩ, Hungari, Bungari, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Singapore, Ba Lan và hơn 250 khách mời là các giảng viên, các nhà nghiên cứu, luật gia, luật sư của Việt Nam đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty, hội, đoàn của Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Mở đầu Hội thảo, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã phát biểu chào mừng và cảm ơn các đại biểu đã tham dự. Tiếp đó,GS-TS-NGƯTMai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức đã phát biểu đề dẫn. Trong bài phát biểu, GS – TS Mai Hồng Quỳ đã nhấn mạnh đến nguyện vọng chung của các quốc gia, dân tộc đó là chung sống hòa bình, hữu nghi, hợp tác và phát triển. Để đạt được điều đó, đỏi hỏi các quốc gia phải tận tâm, thiện chí hợp tác với nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, do quan điểm và yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực còn nhiều khác biệt nên biển Đông vẫn chưa được bình yên. Đặc biệt, những gì đã xảy ra sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam càng thúc đẩy các bên liên quan hợp tác với nhau trên cơ sở pháp luật quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Mặt khác, sự kiện này cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, tổ chức quốc tế và của giới học giả trong nước và quốc tế. GS- TS Mai Hồng Quỳ nêu rõ nội dung và mục đích của Hội thảo lần này là: “chỉ tập trung vào khía cạnh pháp lý, mà cụ thể là đánh giá, phân tích sự kiện Trung Quốc hạ đạt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế. Đồng thời, các học giả sẽ thảo luận các biện pháp để giải quyết hoà bình tranh chấp ở biển Đông nói chung và tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng trong khuôn khổ pháp luật quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS”.
Hội thảo tập trung vào 3 chủ đề tương ứng với 3 phiên thảo luận: Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị – ngoại giao trong pháp luật quốc tế (buổi sáng), Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế (buổi chiều).
I. Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981
Phiên thảo luận được thực hiệnvới sự đồng chủ trì của GS – TS – NGƯT Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam và GS Artha Nantachukra, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan, Thái Lan.
Mở đầu Phiên 1, GS Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, ĐH Jawaharlal Nehru, Ấn Độ trình bày tham luận“Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam – Tại sao và có mục đích gì?”. Trong bài tham luận của mình, ông đã nhấn mạnh tính trái phép của hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc. Theo ông, ASEAN đang ngày một đoàn kết và ngày càng mạnh hơn trong việc đối phó với Trung Quốc. Các lựa chọn hòa bình của Việt Nam là: theo đuổi thủ tục trọng tài quốc tế hoặc nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng ASEAN và Trung Quốc ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (COC). Giải pháp cuối cùng này là giải pháp tốt nhất.
Tiếp theo, TS Nguyễn Toàn Thắng đến từ Đại học Luật Hà Nội đã trình bày tham luận “Hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”.Bằng những minh chứng cụ thể, TS Thắng khẳng định, vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng UNCLOS, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý và sau đó là 143 hải lý cho đến khi di dời vào ngày 15/7/2014, cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý. Việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật quốc tế. Sự hiện diện hiện nay của Trung Quốc ở Hoàng Sa không làm phát sinh danh nghĩa chủ quyền đối với Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).
Tham luận thứ ba- “Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981: ASEAN và Indonesia có thể làm gì”do luật gia Veeramalla Anjaiah, Phó tổng biên tập Daily Jakarta Post, Indonesia trình bày. Ông cho rằng, thế giới đang rất lo lắng về thái độ bá quyền, hiếu chiến của Trung Quốc. Việc triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ có tên Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, và trái với DOC. Đồng thời, bài tham luận đã nhấn mạnh, ASEAN cần nhanh chóng đoàn kết, thống nhất, đồng thuận để cùng Trung Quốc ký COC nhằm góp phần ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đồng thời ASEAN cần vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Úc… ủng hộ trong tiến trình giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đưa vụ việc ra giải quyết tại một tòa án nội bộ.
Ở phần thảo luận, các giáo sư đến từ đại học Geneva Thụy Sĩ, đại học Napoli của Italia và các giáo sư Ấn Độ có ý kiến cho rằng: hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực vi phạm Điều 2.4 của Hiến chương Liên hợp quốc và Điều 56.1 của UNCLOS 1982.
II. Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị – ngoại giao trong pháp luật quốc tế
Phiên hội thảo được tổ chức với sự đồng chủ trìcủa GS-TS-NGƯT Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam và GS – TS Makane Moise Mbengue, khoa Luật Đại học Geneva Thụy Sĩ.
1. Trần Phú Vinh, Khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh mở đầu phiên hội thảo với tham luận “Các biện pháp giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên hợp quốc”. TS.Trần Phú Vinh đã giới thiệu tổng thể các biện pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 33 của Hiến chương quy định các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, gồm các pháp chính trị ngoại giao và biện pháp pháp lý như: đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, sử dụng trọng tài, Tòa án.
2. Chang Shin, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc trình bày tham luận “Phát triển nguyên tắc khu vực về thượng tôn pháp luật – Một số gợi ý để giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á”.Bài tham luận đã nêu bật các đặc điểm về tranh chấp lãnh thổ trên biển của các nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các tranh chấp lãnh thổ trên biển ở châu Á liên quan chủ yếu đến tài nguyên và các tranh chấp này chứa đựng nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang. Đặc biệt, trong các tranh chấp đó, các bên liên quan là các cường quốc quân sự, kinh tế, chính trị như Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia tranh chấp lại thiếu kinh nghiệm giải quyết. Chính vì vậy, cần thiết lập hệ thống các nguyên tắc để giải quyết tranh chấp, bất đồng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
3. Hikmahanto Juwana, Khoa Luật – Đại học Indonesia trình bày tham luận “Kinh nghiệm của Indonesia trong việc giải quyết vấn đề về biên giới biển”.GS đã nêu và phân tích một số kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển của Indonesia với các nước Singapore, Maylaysia và Australia, từ đó đề xuất ý kiến cho Việt Nam. Theo GS, Việt Nam cần đánh giá đầy đủ các chứng cứ pháp lý của Việt Nam và của Trung Quốc để thấy được điểm mạnh, điểm yếu về chứng cứ của hai bên. Ngoài ra, Việt Nam cần phải tính tới sức mạnh tổng hợp của dư luận quốc tế trong việc ủng hộ các tuyên bố của Việt Nam. Trước hết, Việt Nam nên sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao sau đó mới tính tới việc đưa ra Tòa án Công lý quốc tế.
Sau 3 bản tham luận, đã có 7 ý kiến bình luận của các học giả trong và ngoài nước về những thuận lợi và khó khăn trong việc đưa các vụ tranh chấp giữa các quốc gia ra trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tòa án Công lý quốc tế để Việt Nam tham khảo và vận dụng. Các học giả đến từ Italia, Ấn Độ, Việt Nam đã có những bình luận sâu về các giải pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế.
Tiếp theo, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông – Học viện Ngoại giao trình bày tham luận “Vai trò của ASEAN đối với những bất ổn hiện nay ở biển Đông sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981” và GS Andrea Margelleti, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Italia trình bày tham luận “Thực thi vai trò của ASEAN để bảo đảm sự ổn định trên biển Đông”.Trong hai tham luận này, các tác giả cùng đề cập vai trò của ASEAN trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, biên giới và các vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển Đông. Hai tác giả đều chung nhận định rằng, với vai trò là tổ chức quốc tế liên chính phủ của khu vực, ASEAN phải là trung tâm điều phối và hòa giải các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên cũng như tranh chấp giữa các quốc gia thành viên với các quốc gia ngoài ASEAN trong đó có Trung Quốc. Do vậy, ASEAN cần phát huy “quyền lực mềm” của mình và khẩn trương cùng với Trung Quốc tiến tới ký kết COC – công cụ pháp lý khu vực quan trọng nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan. Để làm được điều này, ASEAN cần học tập kinh nghiệm của EU trong giải quyết tranh chấp.
Phần thảo luận sau đó rất sôi nổi với 5 ý kiến của các học giả trong và ngoài nước. Đặc biệt trong đó có ý kiến của học giả đến từ Philippines nêu lên thực tế những khó khăn của họ khi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, và vì thế Việt Nam nếu chọn biện pháp pháp lý thì cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ càng để hạn chế được những tổn thương khi đối đấu với nước lớn ngay cạnh mình. Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng biện pháp pháp lý không phải là biện pháp cuối cùng, chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp, đặc biệt là kết hợp ngoại giao với pháp lý.
III. Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế
Phiên hội thảo được tổ chức với sự chủ trì của GS-TS-NGƯT Mai Hồng Quỳ và bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ thế giới.
Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore trình bày “Cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 – những ảnh hưởng đối với tranh chấp giữa Việt nam và Trung Quốc.”. Trong bài phát biểu, GS cho rằng vùng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là vùng chồng lấn mà hai bên (Trung Quốc và Việt Nam) đều tuyên bố có chủ quyền; nếu hai bên không giải quyết được tranh chấp thì sẽ phải đưa ra tòa trọng tài; Việt Nam có thể lựa chọn kiện chung với Philippine hoặc kiện riêng.
Trong tham luận “Các vụ việc tiêu biểu về giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Toà án Công lý quốc tế và những kinh nghiệm cho Việt Nam”, GS Seokwoo Lee, Khoa luật Đại học Inha, Hàn Quốc đã điểm lại một số vụ giải quyết tranh chấp tiêu biểu như: vụ Đảo Palmas năm 1928 giữa Mỹ và Hà Lan; vụ Đảo Clipperton năm 1933 giữa Pháp và Mexico; vụ Phân định biển và các vấn đề lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain năm 1939; vụ chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge năm 2008 giữa Malaysia và Singapore; vụ phân định lãnh thổ tại biển Đen năm 2009 giữa Romania và Ukraine… Tác giả này trình bày những bước phát triển gần đây trong cách giải quyết của trọng tài quốc tế, từ đó nêu lên kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ở phần thảo luận, TS Ngô Hữu Phước – Trưởng bộ môn luật quốc tế khoa Luật Quốc tế ĐH Luật TP.HCM phát biểu rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. GS Lee nhấn mạnh thông điệp mà mình muốn gửi tới Hội thảo, đó là: số lượng bằng chứng không quan trọng, quan trọng là chất lượng bằng chứng và Việt Nam cần sắp xếp lại để bằng chứng của mình mạnh mẽ hơn.
1. Batongbacal, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc đại học Philippines trình bày tham luận “Việt Nam kiện Trung Quốc: một cú bắn tỉa trong cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế?”. Theo GS, căn cứ vào UNCLOS, Công ước quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) và một số quy định khác như Hiệp định về An toàn tàu thuyền IOM, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động khoan dầu, tác giả tham luận đã chỉ rõ những vi phạm của Trung Quốc. Đồng thời, tác giả cũng góp ý về cách thức Việt Nam có thể áp dụng để kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.
2. Kiseok Moon, Khoa Luật Đại học quốc gia Chonnam, Hàn Quốc trình bày tham luận “Tốt nước sơn nhưng không tốt gỗ: những thách thức đối với Tòa án quốc tế thường trực”.Trong tham luận này, tác giả đã chỉ ra một thực tế là các tòa án quốc tế không đáp ứng được mong đợi của cộng đồng quốc tế bởi chúng thường không quyền tài phán mang tính bắt buộc. Đồng thời, các tòa án này thiếu thẩm quyền để ra phán quyết mang tính cưỡng chế,vì thế tỷ lệ thực hiện quyết định của tòa án rất thấp. Tác giả đã phân tích sự hạn chế của những tòa án này cũng như nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất ý kiến cho việc xây dựng những cơ chế thực thi thích hợp và khả thi cho những tòa án này để điều chỉnh hiệu quả hành vi của các quốc gia trong tương lai.
3. Yamagata Hideo, khoa Luật ĐH Nagoya, Nhật Bản trình bày tham luận “Chiến thuật không xuất hiện của Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.Trong tham luận, tác giả nêu sự việc Trung Quốc thông báo với Tòa trọng tài rằng họ “không chấp nhận vụ kiện trọng tài của Philippines”, họ sẽ không xuất hiện trước Tòa trọng tài, “sẽ không tham gia vụ kiện”. Theo tác giả, khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra Tòa hoặc không trình bày các lý lẽ của mình thì bên kia có thể yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở trình tự tố tụng. Trước khi ra phán quyết, Tòa trọng tài cần phải biết chắc chắn rằng Tòa có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp và đơn kiện có cơ sở pháp lý. Từ việc phân tích, đánh giá một số vụ kiện lên Tòa trọng tài trong đó bị đơn vắng mặt, tác giả đã kết luận rằng: nếu Việt Nam đang xem xét việc tiến hành thủ tục tố tụng theo UNCLOS 1982, Việt Nam cần thiết phải tính đến việc Trung Quốc sẽ không xuất hiện trước Tòa trọng tài. Việc vắng mặt tại thủ tục tố tụng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến bên không tham gia này. Tiến hành khởi kiện có thể là một công cụ hữu dụng để tuyên bố rằng Trung Quốc là một quốc gia không tuân thủ luật pháp. Trong mọi trường hợp, vụ kiện cũng sẽ cho thấy Việt Nam đang thực hiện những biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không bạo lực phù hợp với Điều 2 khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong trường hợp này, công luận thế giới có thể sẽ ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc trên cơ sở thái độ của các bên trong việc sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
16 ý kiến thảo luận tập trung vào vấn đề cụ thể: Việt Nam cần làm gì trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và cần chuẩn bị những gì cho tương lai? Từ kinh nghiệm về các vụ kiện quốc tế, các học giả đã đưa ra nhiều giả thiết, nhiều lời khuyên hữu ích.
Ở phiên bế mạc, GS-TS-NGƯT Mai Hồng Quỳ, GS-TS-NGƯT Lê Minh Tâm và GS-TS Alexander Yankov, nguyên thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc, nguyên thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển đồng chủ trì. GS TS Alexander Yankov nhấn mạnh Việt Nam cần sự ủng hộ và đoàn kết của ASEAN, đồng thời cần áp dụng UNCLOS trong tình hình hiện nay. Tiếp theo, GS-TS-NGƯT Lê Minh Tâm đã thay mặt đồng chủ trì, công bố kết luận của hội thảo.
Qua 3 phiên làm việc với 13 tham luận nhiều chục ý kiến phát biểu, tranh luận của đại biểu tham dự, các học giả trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích rất sâu sắc nội dung 03 chủ đề của Hội thảo là:
– Luật pháp quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hảỉ Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
– Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị – ngoại giao trong pháp luật quốc tế;
– Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp pháp lý trong luật quốc tế.
Qua các tham luận và thảo luận, các học giả đều chung nhận định rằng, biển Đông là vùng biển có vị trí địa chính trị rất quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á mà còn đối với cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại quốc tế bình thường trên biển Đông là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.
Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, DOC và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. Đồng thời, hành vi này đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được quy định tại Điều 56, 77 và 81 UNCLOS; ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Các học giả đã thống nhất rằng, một môi trường hòa bình, ổn định ở biển Đông sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không và an ninh của các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cũng đã phân tích sâu sắc vai trò của ASEAN và các quốc gia ngoài khu vực đối với tình hình bất ổn hiện nay ở biển Đông. Với tư cách là tổ chức khu vực, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, hợp tác hơn nữa nhằm thống nhất ý chí chung của khối, hành động có trách nhiệm, đúng luật pháp quốc tế, tiến tới cùng Trung Quốc ký COC để kiểm soát và giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột ở biển Đông vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các học giả đều chung nhận định rằng, vì lợi ích và sự phát triển chung của khu vực và thế giới, các tranh chấp, xung đột hiện nay trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS. Không bên nào được quyền hành xử đơn phương, áp đặt, trái luật pháp quốc tế bằng cách sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác. Do đó, các quốc gia trong khu vực phải tận tâm, thiện chí hợp tác để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi nhằm duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Các học giả đã bàn về những ưu điểm và hạn chế của việc áp dụng các biện pháp chính trị – ngoại giao để giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS. Tuy nhiên, một số học giả và đại biểu cho rằng, trước tình hình và diễn biến trên biển Đông hiện nay, trong trường hợp cần thiết, Việt Nam cũng nên cân nhắc việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ, khi các biện pháp chính trị – ngoại giao đã được sử dụng nhưng không mang lại kết quả thì sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp là sự lựa chọn khôn ngoan, hòa bình, văn minh được luật quốc tế thừa nhận và bảo đảm thực hiện.
Nhiều học giả cho rằng, trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, các học giả kiến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung để khởi kiện khi thấy cần thiết. Đặc biệt là, cần nghiên cứu kỹ để vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông theo UNCLOS. Ngoài ra, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý như Singapore, Malaysia, Guyana, Suriname, Indonesia, Thái Lan… Đặc biệt, cần tham khảo kinh nghiệm gần đây của Philippines cả về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý cũng như đối phó với những phản ứng về chính trị, kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc. Mặt khác, nếu Việt Nam quyết định chọn biện pháp pháp lý thì cần lựa chọn một số điểm mà Việt Nam có thế mạnh để chứng minh, cụ thể là tập trung vào những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là khả thi nhất trong thời điểm hiện nay.
ThS. Trần Thị Bích Hà* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2014 (83)/2014 – 2014, Trang 3-9