• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quốc tế » Quyền tự do lập hội trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)

Quyền tự do lập hội trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)

26/04/2020 30/04/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • NỘI DUNG BÀI VIẾT
  • 1. Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” là gì?
  • 2. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia
    • 2.1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU
    • 2.2. Hiệp định thương mại đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP
  • 3. Thách thức đối với Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện
    • 3.1. Thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống cam kết quốc tế về lao động
    • 3.2. Thách thức liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền tự do lập hội
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Quyền tự do lập hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và những thách thức đặt ra cho Việt Nam

  • Tác giả: Ngô Thị Trang
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(128)/2019 – 2019, Trang 76-84

TÓM TẮT

Trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang tham gia, CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” với nhiều nội dung cam kết mới về lao động, trong đó có cam kết về quyền tự do lập hội. Bài viết phân tích các quy định về quyền tự do lập hội trong Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và chỉ ra những thách thức cho quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật của Việt Nam nhằm thực thi một cách thiện chí, có hiệu quả các hiệp định này.

ABSTRACT:

Of all free trade agreements that Vietnam has been participating in, CPTPP and EVFTA are considered “new generation” FTAs with many new commitments on labor, including commitments on freedom of associations. The article analyzes regulations on freedom of association in CPTPP and EVFTA to identify challenges thatVietnam has to face in the process of amending and supplementing its law and regulations to effectively implement these FTAs in good faith.

TỪ KHÓA: EVFTA, tiêu chuẩn lao động, tự do lập hội, FTA thế hệ mới, CPTPP,

KEYWORDS: EVFTA, labor standards, CPTPP, new generations FTA, freedom of associations,

Quyền tự do lập hội trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” là gì?

Thuật ngữ “thế hệ mới” được cho là sử dụng đầu tiên với các hiệp định thương mại tự do mà Liên minh châu Âu (EU) đàm phán với các đối tác thương mại của mình từ năm 2007. Việc các thành viên WTO thiếu đi sự đồng thuận dẫn đến bế tắc trong các vòng đàm phán Doha từ năm 2001 được cho là nguyên nhân thúc đẩy EU thực thi một chiến lược thương mại mới chính thức được công bố từ năm 2006.[1] Theo đó, EU cam kết phát triển và nâng cao quan hệ thương mại song phương với các đối tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của EU trên toàn cầu.[2] Vì vậy, năm 2007, EU bắt đầu khởi động các vòng đàm phán các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” với các đối tác thương mại bao gồm Hàn Quốc, Ấn Độ và ASEAN với cách tiếp cận toàn diện, bao gồm nhiều nội dung đổi mới về đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, hay phát triển bền vững.

Kể từ đó, thuật ngữ “thế hệ mới” được sử dụng một cách tương đối nhằm phân biệt các FTA được ký kết với phạm vi toàn diện hơn so với khuôn khổ tự do hóa thương mại được thiết lập trong các hiệp định WTO hay các hiệp định FTA truyền thống. Ngoài các hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác thương mại như FTA EU – Hàn Quốc, EU – Ấn Độ, EU – Nhật Bản, EU – ASEAN… các hiệp định thương mại tự do được đàm phán sau giữa nhiều đối tác thương mại lớn như Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, CPTPP), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership, T-TIP)… cũng áp dụng cách tiếp cận toàn diện này và đều được coi là các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”.

Các FTA thế hệ mới này phân biệt với FTA truyền thống ở ba đặc điểm.[3] Thứ nhất, các FTA thế hệ mới bao gồm cả các nội dung “phi thương mại” trước đây từng bị đưa ra khỏi các vòng đàm phán WTO do lo ngại sẽ dựng nên các rào cản đối với thương mại, nay trong bối cảnh mới lại được quan tâm bởi có ảnh hưởng ngày càng lớn đến thương mại. Các vấn đề “phi thương mại” này bao gồm lao động, môi trường, phát triển bền vững, quản trị tốt… Thứ hai, các FTA thế hệ mới bao gồm các nội dung mới hơn như đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thứ ba, các FTA thế hệ mới xử lý sâu sắc hơn các vấn đề thương mại truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ… Cụ thể, khác với các hiệp định WTO và các FTA truyền thống, các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rộng và sâu sắc hơn, cam kết cắt giảm thuế gần như về 0% với gần như toàn bộ hàng hoas và dịch vụ mà không có loại trừ.

Bài viết cùng số tạp chí

  • Bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
  • Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”
  • Hạn chế của điều kiện về quyền tài phán của tòa án nước ngoài trong việc công nhận, thi hành bản án dân sự, thương mại của tòa án nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
  • Thời hạn, thời hiệu trong chế định kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.
  • Vai trò của quản lý nhà nước đối với giá đất trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam
  • Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
  • [BÀI ĐANG ĐỌC] Quyền tự do lập hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những thách thức đặt ra cho Việt Nam
  • Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam
  • Tính phù hợp của hàng hóa theo Điều 35 Công ước Vienna 1980 (CISG)
  • Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm trong quá trình vận hành tàu thuyền – Pháp luật Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

2. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia

Đối chiếu với các tiêu chí kể trên, trong số 16 FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết[4] thì có 2 hiệp định được coi là “thế hệ mới” bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

2.1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

a. Tổng quan

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được khởi động đàm phán từ tháng 6/2012, trải qua hơn 3 năm với 14 vòng đàm phán. Đến tháng 12/2015, hai bên tuyên bố kết thúc đàm phán và công bố văn bản hiệp định vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, hai bên thống nhất tách EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định EVFTA về thương mại và Hiệp định EVIPA về đầu tư.

Về cơ sở pháp lý, theo Điều 1.1 của Hiệp định này, việc thành lập khu vực thương mại tự do phù hợp với Điều XXIV GATT và Điều V GATS. Như vậy, theo các quy định này, các cam kết trong EVFTA sẽ không được tạo thêm rào cản thương mại đối với các thành viên khác của WTO đồng thời phải dỡ bỏ gần như toàn bộ rào cản đối với thương mại nội khối. Ngoài ra, lời nói đầu của EVFTA còn viện dẫn thêm các cơ sở pháp lý khác bao gồm Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) năm 2012; Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945; Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948; Hiệp định thành lập WTO và các hiệp định, thỏa thuận song phương, khu vực và các hiệp định đa phương khác mà các bên là thành viên. Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức lao động quốc tế (International Labour Organization, ILO) năm 1998, mặc dù được viện dẫn trong Chương 13 của Hiệp định này, nhưng không được nhắc đến trong Lời nói đầu như một cơ sở pháp lý cho toàn hiệp định.

b. Quy định liên quan đến quyền tự do lập hội

Các nội dung liên quan đến lao động nói chung và quyền tự do lập hội nói riêng được quy định tại Chương 13 EVFTA về Thương mại và phát triển bền vững. Theo Điều 13.1, Chương 13 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc tăng cường cải thiện các khía cạnh liên quan đến thương mại và đầu tư của các vấn đề môi trường và lao động.

EVFTA dẫn chiếu đến các quy định của Tuyên bố ILO về nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998. Tuyên bố ILO xác định bốn nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động gồm quyền tự do lập hội và quyền thương lượng lao động tập thể, quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động, xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em và quyền không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. EVFTA dẫn chiếu lại cả bốn nguyên tắc này tại Điều 13.4 khoản 2. Bốn quyền và nguyên tắc cơ bản này được thể hiện trong bốn cặp công ước của ILO gồm công ước 87 và 98 về tự do lập hội và thương lượng lao động tập thể; công ước 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc, công ước 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em, công ước 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Về quyền tự do lập hội, Điều 13.4 khoản 2 EVFTA quy định:

  1. Mỗi bên khẳng định các cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ trong ILO và Tuyên bố ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (…), sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản trong lao động, cụ thể là:

(a) quyền tự do hội họp và ghi nhận một cách có hiệu quả quyền thương lượng tập thể; (…)”

Có thể thấy, giống như các quyền cơ bản khác, EVFTA không quy định trực tiếp cam kết quyền tự do lập hội mà dẫn chiếu lại cam kết của các bên trong Tuyên bố ILO. Như vậy, theo EVFTA, các bên sẽ có nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do lập hội nói riêng và các quyền cơ bản khác trong lao động nói chung trong phạm vi nghĩa vụ mà các bên cam kết chịu sự ràng buộc ở Tuyên bố ILO. Nói cách khác, các bên chỉ có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm quyền tự do lập hội nếu các bên đã phê chuẩn công ước 87 và 98 của ILO về quyền tự do lập hội và thương lượng lao động tập thể. Mặt khác, Điều 13.4 khoản 5 hiệp định khẳng định: “các bên thừa nhận rằng việc vi phạm các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động không thể được viện dẫn hoặc sử dụng như một lợi thế so sánh hợp pháp và các tiêu chuẩn lao động không được sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại”. Điều này thể hiện nỗ lực của các bên trong việc cân bằng giữa một bên là bảo vệ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động và một bên là nỗ lực chống phân biệt đối xử dựa trên lao động. Đồng thời, điều khoản này cũng nhấn mạnh lại bản chất EVFTA là một hiệp định thương mại chứ không phải là một hiệp định về lao động do đó các tiêu chuẩn về lao động không được phép sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại trá hình.

2.2. Hiệp định thương mại đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP

a. Tổng quan

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010 với 12 nước thành viên bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chilê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được ký kết tháng 4/2016. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đắc cử, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này, khiến TPP không thể có hiệu lực như dự kiến vào 2018. Tháng 11/2017, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, các nước thành viên còn lại của TPP đã ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP và tiếp tục ký kết CPTPP tháng 3/2018 để CPTPP có hiệu lực mà không có Hoa Kỳ. Ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với nội dung được giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết đã đạt được trong TPP, trừ (i) các cam kết của Hoa Kỳ hoặc với Hoa Kỳ, (ii) 22 điểm tạm hoãn, và (iii) một số sửa đổi trong các thư song phương giữa các bên.[5]

Về cơ sở pháp lý, lời nói đầu của CPTPP lại chỉ nhắc đến duy nhất Hiệp định Marrakesh thành lập WTO mà không nhắc đến các hiệp định khác hay Tuyên bố ILO 1998. Mặt khác, giống như EVFTA, Điều 1.1 CPTPP cũng viện dẫn Điều XXIV GATT và Điều V GATS của WTO là cơ sở để các bên ký kết CPTPP. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù câu chữ của EVFTA và TPP đều khẳng định cơ sở pháp lý là các điều khoản của WTO nhưng nội dung của các hiệp định này đều đi “quá xa” so với phạm vi cho phép của cả hai điều khoản này.[6]

b. Quy định liên quan đến quyền tự do lập hội

CPTPP quy định riêng một chương về lao động (Chương 19) với các cam kết được quy định chi tiết và cụ thể hơn so với Hiệp định EVFTA. CPTPP cũng dẫn chiếu đến Tuyên bố ILO 1998 về các nghĩa vụ và quyền cơ bản trong lao động nhưng bổ sung những nghĩa vụ cụ thể hơn cho các nước là thành viên của Hiệp định.

So với quy định tại EVFTA, quy định tại Điều 19.2 rõ ràng hơn khi khẳng định các bên chỉ bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ liên quan đến quyền lao động trong phạm vi lãnh thổ của họ.[7] CPTPP cũng nhấn mạnh lại quy định không được phép sử dụng các tiêu chuẩn lao động với mục đích bảo hộ thương mại để bảo đảm mục tiêu của hiệp định là thúc đẩy thương mại và loại bỏ các rào cản đối với thương mại giữa các nước thành viên.[8]

Về quyền tự do lập hội, Điều 19.3 CPTPP quy định:

“1. Mỗi bên sẽ thông qua và duy trì các đạo luật và quy định, và thực hiện các đạo luật và quy định đó ở nước mình, các quyền sau đây như đã được yêu trong Tuyên bố ILO:

(a) Quyền tự do hội họp và ghi nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể.”

Nếu như EVFTA chỉ dừng lại ở việc nhắc lại cam kết của các bên trong Tuyên bố ILO, CPTPP tiến một bước xa hơn, quy định các bên có nghĩa vụ ban hành và thực thi các luật và quy định trong nước nhằm bảo đảm quyền tự do lập hội. Như vậy, kể cả khi các quốc gia thành viên CPTPP chưa phê chuẩn các công ước của ILO, các thành viên vẫn có nghĩa vụ ràng buộc theo CPTPP bảo đảm các quyền này bằng cách thông qua và duy trì các đạo luật và quy định trong nước. Theo đó, để bảo đảm quyền tự do lập hội, các thành viên cần có hệ thống pháp luật trong nước phù hợp, tạo khuôn khổ cho các tổ chức công đoàn – hình thức thể hiện của quyền tự do hội họp – được hoạt động một cách tự do, độc lập. Tuy nhiên, CPTPP chỉ dừng lại ở đó mà không quy định chi tiết các quốc gia thành viên phải sửa luật như thế nào cho phù hợp. Các quy định này được cho là ít khắt khe hơn so với các cam kết trong hiệp định TPP trước đó khi TPP yêu cầu quốc gia thành viên phải sửa đổi điều khoản cụ thể trong luật lao động, bổ sung thanh tra lao động, quy định các mốc thời gian cụ thể để thực hiện cam kết hay thậm chí quy định chế tài xử phạt ra sao nếu quốc gia thành viên không thực hiện đúng cam kết.[9]

3. Thách thức đối với Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện

Để thực thi các cam kết về việc bảo đảm quyền tự do lập hội trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam đứng trước hai thách thức lớn về hoàn thiện hệ thống pháp luật bao gồm (i) thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống cam kết quốc tế về lao động, và (ii) thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền tự do lập hội .

3.1. Thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống cam kết quốc tế về lao động

Việt Nam gia nhập ILO từ 1992, và tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn năm trong số tám Công ước ILO cơ bản, bao gồm Công ước 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau (phê chuẩn năm 1997), Công ước 111 về Phân biệt đối xử trong làm việc và nghề nghiệp (phê chuẩn năm 1997), Công ước 138 về Tuổi tối thiểu được đi làm việc (phê chuẩn năm 2003), Công ước 182 về Nghiêm cấm những hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (phê chuẩn năm 2000) và Công ước 29 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (phê chuẩn năm 2007). Mới đây nhất, vào ngày 14/6/2019, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu về việc phê chuẩn hai công ước còn lại, bao gồm Công ước 87 về Tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức và Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 mới đây là một bước tiến quan trọng góp phần thực thi có hiệu quả các cam kết liên quan đến lao động của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới. Công ước đưa ra những quy định để đảm bảo thương lượng tập thể có hiệu quả giữa người lao động và người sử dụng lao động, như bảo vệ người lao động, cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bảo đảm cho các tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động không bị can thiệp hoặc chi phối từ bên còn lại, yêu cầu Nhà nước có biện pháp về pháp luật và thiết chế nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể.[10] Việc gia nhập Công ước 98 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến đến phê chuẩn EVFTA đồng thời khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong CPTPP. Mặc dù vậy, Công ước 87 về tự do lập hội và bảo vệ quyền của tổ chức chưa được Việt Nam phê chuẩn. Do các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đều dẫn chiếu đến các công ước ILO cơ bản, nên thách thức đặt ra đối với Việt Nam là cần hoàn tất phê chuẩn công ước này nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả quyền tự do lập hội cũng như tuân thủ các cam kết trong các FTA thế hệ mới.

Tuy nhiên, việc phê chuẩn hay gia nhập các công ước quốc tế quan trọng cần thời gian để có sự cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế cũng như bảo đảm an ninh quốc gia. Mặt khác, quyền tự do lập hội đề cập trong hai công ước này chỉ bao gồm quyền của người lao động và người sử dụng lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ lao động chứ không điều chỉnh quyền thành lập các hiệp hội và các hoạt động khác bên ngoài phạm vi quan hệ lao động.[11] Một mặt, quyền tự do lập hội đề cập trong Công ước 87 chỉ bao gồm quyền của người lao động và người sử dụng lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ lao động chứ không điều chỉnh quyền thành lập các hiệp hội và các hoạt động khác bên ngoài phạm vi quan hệ lao động.[12] Do vậy, việc Việt Nam chưa phê chuẩn công ước này không cản trở quá lớn việc thực thi các quyền tự do lập hội nói chung đã được ghi nhận và bảo đảm trong hệ thống hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Mặt khác, Điều 2 Tuyên bố ILO khẳng định các quốc gia thành viên, dù đã phê chuẩn các công ước ILO hay chưa đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách thiện chí 8 công ước cơ bản của ILO. Do vậy, dù Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, thì với tư cách thành viên ILO, Việt Nam vẫn có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách có thiện chí các quyền này, từ đó, bảo đảm được các cam kết về tiêu chuẩn lao động trong các FTA thế hệ mới.

EVFTA không quy định nghĩa vụ cụ thể trong việc hoàn thiện cam kết của Việt Nam về tiêu chuẩn lao động. Trong khi đó, theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để hiện thực hóa quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng, theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định công khai, minh bạch.[13] Như vậy, mặc dù việc hoàn thiện các cam kết quốc tế về lao động là một thách thức lớn, tuy nhiên Việt Nam vẫn có cơ sở cũng như lộ trình cụ thể để thực hiện được các cam kết này để thiện chí tuân thủ các nghĩa vụ trong các FTA thế hệ mới.

3.2. Thách thức liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền tự do lập hội

Để thực thi thiện chí và có hiệu quả các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quyền tự do lập hội, đặc biệt là về quyền tổ chức của đại diện lao động ở Việt Nam – tổ chức công đoàn. Hiện nay, tổ chức và hoạt động của Công đoàn được quy định tại Điều 9, điều 10 Hiến pháp năm 2013, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Nghị định số 200/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 11 Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội… Theo đó, pháp luật Việt Nam ghi nhận (i) quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động,[14] (ii) chức năng, quyền, trách nhiệm của công đoàn,[15] (iii) quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn,[16] (iv) trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức doanh nghiệp với công đoàn,[17] (v) bảo đảm hoạt động của công đoàn[18] và (vi) giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.[19] Như vậy, hoạt động của tổ chức công đoàn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế, công đoàn Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập khiến tổ chức này hoạt động kém hiệu quả như mô hình tổ chức cứng nhắc, tổ chức phong trào thuần túy, đơn điệu, chậm thích ứng với tình hình mới.[20]

Do đó, thách thức lớn nhất đang đặt ra trong tổ chức và hoạt động của công đoàn hiện nay là khi thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới, pháp luật Việt Nam sẽ phải cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện cho mình, độc lập với hoạt động của công đoàn. Như vậy, Công đoàn Việt Nam – một tổ chức chính trị – xã hội sẽ đứng trước một thách thức lớn chưa từng có tiền lệ, đó là cạnh tranh với các tổ chức công đoàn độc lập do người lao động thành lập ra. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, một mặt Việt Nam cần bổ sung các quy định pháp luật cho phép thành lập công đoàn độc lập ở cơ sở theo cam kết tại các FTA thế hệ mới. Mặt khác, Việt Nam cũng cần thay đổi hệ thống pháp luật về lao động và công đoàn để tổ chức công đoàn hoạt động nhanh chóng và có hiệu quả hơn nhằm thích ứng với môi trường cạnh tranh trong tương lai.

CHÚ THÍCH

[1]   Zelazna, E., New Generation of EU Regional Trade Agreements, Vol. 1 LSEU, 2012, p. 95 – 105.

[2]   Selen Sarisoy Guerin, Prospects for the EU’s New Generation of FTAs, CEPS Commentary/ 29 April 2008, http://aei.pitt.edu/11592/1/1648[1].pdf, truy cập ngày 07/3/2019.

[3]   Nguyễn Thanh Tâm, “Tổng quan về các FTA thế hệ mới”, http://giaoducvaxahoi.vn/tin-phap-luat/t-ng-quan-v-cac-fta-th-h-m-i.html, truy cập ngày 07/3/2019.

[4]   Theo tổng hợp tại http://trungtamwto.vn/fta, truy cập ngày 7/3/2019.

[5]   Xem tại http://trungtamwto.vn/fta/175-cptpp-tpp11/1, truy cập ngày 10//3/2019.

[6]   Nguyễn Thanh Tâm, tlđd.

[7]   Điều 19.2 khoản 1 CPTPP quy định: “các bên khẳng định các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên ILO, trong đó có các nghĩa vụ được nêu trong Tuyên bố ILO, liên quan đến các quyền lao động trong phạm vi lãnh thổ của họ”.

[8]   Điều 19.2 khoản 2 CPTPP quy định: “các bên thừa nhận rằng, như đã được quy định tại đoạn 5 của Tuyên bố ILO, các tiêu chuẩn lao động không được sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại”.

[9]   Xem thêm Thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về lao động trong khuôn khổ TPP tại https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Final-Text-Labour-US-VN-Plan-for-Enhancement-of-Trade-and-Labor-Relations.pdf, truy cập ngày 11/3/2019.

[10]   Vietnam+, “Phê chuẩn công ước 98 sẽ đẩy mạnh thương lượng tập thể thực chất”, Tạp chí Tuyên giáo,  http://tuyengiao.vn/xa-hoi/phe-chuan-cong-uoc-98-se-day-manh-thuong-luong-tap-the-thuc-chat-122087 truy cập ngày 29/7/2019

[11]   Vụ Chính sách thương mại đa biên, “Các cam kết về lao động – công đoàn của Hiệp định CPTPP”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, 11/01/2019, http://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=13575, truy cập ngày 11/3/2019.

[12]   Vụ Chính sách thương mại đa biên, tlđd.

[13]   Vụ Chính sách thương mại đa biên, tlđd.

[14]   Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012.

[15]   Điều 11-16 Luật Công đoàn năm 2012.

[16]   Điều 18, 19 Luật Công đoàn năm 2012.

[17]   Điều 20, 21, 22 Luật Công đoàn năm 2012.

[18]   Điều 23-29 Luật Công đoàn năm 2012.

[19] Điều 30, 31 Luật Công đoàn năm 2012.

[20] Tố Uyên, “CPTPP: Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về lao động, công đoàn”, Thời báo Tài chính Việt Nam, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-01-30/cptpp-viet-nam-doi-mat-voi-thach-thuc-lon-ve-lao-dong-cong-doan-67399.aspx, truy cập ngày 11/3/2019.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Selen Sarisoy Guerin, Prospects for the EU’s New Generation of FTAs, CEPS Commentary/ 29 April 2008, http://aei.pitt.edu/11592/1/1648[1].pdf, accessed on 07/3/2019
  • Tố Uyên, “CPTPP: Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về lao động, công đoàn”, Thời báo Tài chính Việt Nam, 30/01/2019 [trans: Tố Uyên, “CPTPP: Vietnam faces a great challenge of labor and union”, Vietnam Financial Times, 30/01/2019], http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-01-30/cptpp-viet-nam-doi-mat-voi-thach-thuc-lon-ve-lao-dong-cong-doan-67399.aspx, accessed on 11/3/2019
  • Vụ Chính sách thương mại đa biên, “Các cam kết về lao động – công đoàn của Hiệp định CPTPP”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, 11/01/2019 [trans: Multilateral Trade Policy Department, “Commitments to Labor – Union of CPTPP Agreement”, Web portal Ministry of Industry and Trade, 11/01/2019], http://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=13575, accessed on 11/3/2019
  • Zelazna, E., New Generation of EU Regional Trade Agreements, Vol. 1 LSEU, 2012
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

[EBOOK] Giáo trình Luật Thương mại quốc tế pdf (Tái bản 2017) – Nguồn: Trường Đại học Luật Hà Nội.
[EBOOK] Giáo trình Luật Thương mại quốc tế pdf
Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại
Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam

Chuyên mục: Quốc tế Từ khóa: FTA, Hiệp định thương mại tự do, Ngô Thị Trang, Quyền tự do lập hội, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07/2019, Thương mại quốc tế

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Bàn về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi
Next Post: Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Tiên trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam pdf
  • Nguyễn Thị Vân Anh trong [CÓ ĐÁP ÁN] 185 Nhận định đúng sai Luật Hiến pháp Việt Nam 2013
  • TRẦN GIA BẢO trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf
  • nguyễn hoàng lộc trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • Đặng Anh trong [EBOOK] Giáo trình Luật Quốc tế pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng