Mục lục
Quyền đảm bảo sức khỏe trong WTO
Tác giả: ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
TÓM TẮT
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoàn toàn không sử dụng thuật ngữ “quyền đảm bảo sức khỏe” và/hoặc thuật ngữ “quyền con người”. Trong khi đó, bản thân WTO lại cho phép các thành viên WTO áp dụng một số biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người (Điều XXb hiệp định GATT 1994). Ngoài ra, Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (hiệp định TRIPs) cũng cho phép các thành viên WTO áp dụng li-xăng bắt buộc đối với dược phẩm như là biện pháp linh hoạt cần thiết để bảo vệ, bao gồm nhưng không giới hạn, sức khỏe của con người (Điều 31). Điều đặc biệt là, mặc dù, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) đã nhiều lần viện dẫn, giải thích các điều khoản này nhưng chưa bao giờ DSB sử dụng thuật ngữ “quyền đảm bảo sức khỏe”. Do đó, mối quan hệ về quyền đảm bảo sức khỏe đối với các hiệp định WTO nói chung và Điều 31 của hiệp định TRIPs cũng gây nhiều tranh cãi thú vị. Trong bối cảnh vòng đàm phán Doha đã bế tắc và với mục đích bình luận về mối liên hệ này, bài viết sẽ giới thiệu và phân tích 3 nội dung sau đây. Thứ nhất, quyền đảm bảo sức khỏe nói chung. Thứ hai, giải quyết khả năng WTO điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe. Ở phần thứ ba, bài viết sẽ bình luận xem xét liệu rằng việc cấp li-xăng bắt buộc đối với dược phẩm theo quy định của hiệp định TRIPs có phải là biển hiện của quyền đảm bảo sức khỏe thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này hay không.
Xem thêm:
- Phân tích quy chế Amicus Curiae trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO – TS. Trần Việt Dũng
- Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học” – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Vấn đề bảo vệ môi trường và hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng
- Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Tác động của các quy định WTO về các biện pháp kiểm dịch động – thực vật đối với các quốc gia đang phát triển – ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
TỪ KHÓA: Tổ chức thương mại thế giới, WTO, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Quyền đảm bảo sức khỏe là gì?
Con người dù ở bất kỳ ở độ tuổi, giới tính, dân tộc nào thì sức khỏe vẫn luôn luôn là tài sản quan trọng nhất bởi vì khi không có sức khỏe, con người không thể nào làm việc, học tập, thực hiện bất kỳ trách nhiệm xã hội và/hoặc gia đình. Do đó, con người cũng không thể nào hưởng thụ được điều kiện thể chất và tinh thần ở mức độ tốt nhất theo yêu cầu của các điều ước quốc tế về quyền con người, ví dụ như Tuyên ngôn quyền con người (UDHR) năm 1946, Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966[1].
Như chúng ta đã biết, các điều ước quốc tế này yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện chính sách chăm sóc y tế không phân biệt đối xử[2] liên quan đến an toàn nước uống, kiểm dịch động thực vật, an toàn lương thực thực phẩm, điều kiện nơi làm việc đảm bảo sức khỏe, giáo dục giới tính và dịch vụ khám chữa bệnh, bao gồm và không giới hạn bởi việc đảm bảo quyền tiếp cận dược phẩm của mọi người. Trong đó, quyền tiếp cận dược phẩm, theo nghĩa hẹp, được hiểu là quyền của tất cả mọi trẻ em, người lớn, người già, người khuyết tật, người có hoàn cảnh điều kiện khó khăn (người mắc bệnh HIV/AIDS; người ở vùng dân tộc thiểu số…) có thuốc để chữa bệnh, có thông tin về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng, quyền tiếp cận dược phẩm còn có thể mở rộng đến trường hợp khám chữa bệnh bởi các dịch vụ, cơ sở y tế có chất lượng cao (y bác sĩ được đào tạo bài bản, trang thiết bị y tế hiện đại, điều kiện vệ sinh kiểm dịch đầy đủ). Và, cho dù theo bất kỳ nghĩa nào, quyền tiếp cận dược phẩm không đồng nghĩa với việc đảm bảo cho tất cả mọi người có sức khỏe tốt bởi vì việc đảm bảo quyền tiếp cận dược phẩm chỉ là điều kiện cần của sức khỏe tốt mà thôi. Trong khi đó, điều kiện đủ của sức khỏe tốt đó là bản thân thể trạng, sức khỏe của mỗi người và bản thân nền kinh tế mà con người đó thuộc về phải vận hành theo những điều kiện kinh tế xã hội tiên tiến (phúc lợi xã hội, điều kiện môi trường sống, môi trường làm việc, chế độ nghỉ ngơi…). Hay nói cách khác, quyền đảm bảo sức khỏe là quyền của mọi người dân được quốc gia của mình, cố gắng trong chừng mực cao nhất, đảm bảo cho họ thực hiện quyền khám chữa bệnh và tiếp cận dược phẩm cơ bản theo cách thức không phân biệt đối xử[3]. Và như vậy, quyền đảm bảo sức khỏe được thực hiện tại các quốc gia khác nhau sẽ khác nhau.
2. Khả năng điều chỉnh của các Hiệp định WTO đối với quyền đảm bảo sức khỏe
2.1. Một số điều khoản có liên quan đến quyền đảm bảo sức khỏe
Trong toàn bộ các hiệp định của GATT/WTO, không có điều khoản nào ghi nhận cụ thể rõ ràng thuật ngữ “quyền đảm bảo sức khỏe”, “quyền con người”. Tuy nhiên, các hiệp định của WTO rải rác có đề cập đến một số nội dung về phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe con người (trong lời nói đầu GATT 1994, lời nói đầu của hiệp định Marakesh, Điều XX GATT 1994, hiệp định rào cản kỹ thuật TBT, hiệp định kiểm dịch động thực vật và hiệp định TRIPs). Đồng thời, các hiệp định WTO không có phủ nhận một cách rõ ràng khả năng các hiệp định WTO này điều chỉnh một cách gián tiếp các vấn đề có liên quan đến quyền đảm bảo sức khỏe.
2.1.1. GATT 1994 (Điều XX)
Điều XX GATT 1994 quy định về các trường hợp ngoại lệ đối với nguyên tắc tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong các trường hợp có liên quan đến đạo đức công cộng và việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người.
Thứ nhất, thuật ngữ đạo đức công cộng được nêu ở Điều XX(a) vẫn chưa được định nghĩa một cách chính thức trong luật thương mại quốc tế và luật WTO. Thực tế, vẫn chưa thụ lý và giải quyết vụ kiện nào viện dẫn đến Điều XX(a) GATT 1994[4].
Thứ hai, thuật ngữ tính mạng và sức khỏe con người (human life or health), theo nghĩa thông thường, được giải thích rất rộng và có thể tác động đến nhiều quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cơ bản. Cụ thể, đó là quyền sống (right to life) và quyền được đảm bảo sức khỏe (right to health), quyền có được cuộc sống đầy đủ (the right to an adequate standard of living). Do đó, dưới khía cạnh quyền con người, vấn đề “tính mạng hoặc sức khỏe của con người” còn có thể lý giải trong mối tương quan với các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa của con người[5].
2.1.2. Hiệp định SPS và Hiệp định TBT
Hiệp định SPS và Hiệp định TBT chính là sự giải thích một số trường hợp áp dụng của Điều XX (b) GATT 1994 bởi vì Hiệp định TBT và SPS cho phép các thành viên được quyền hạn chế thương mại vì một lý do hợp pháp, bao gồm vấn đề sức khỏe. Các hiệp định này vẫn tiếp tục yêu cầu các biện pháp hạn chế thương mại đó không nên tạo ra những hạn chế không cần thiết cho hoạt động thương mại.
Thứ nhất, Hiệp định SPS gắn liền với việc sử dụng các biện pháp đảm bảo sức khỏe của con người, vật nuôi và cây trồng để biện minh cho việc hạn chế thương mại. Thực tế, Hiệp định SPS chính thức thừa nhận tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến cáo do Codex[6] đưa ra để xác định mức độ tương thích giữa biện pháp đảm bảo vệ sinh kiểm dịch động thực vật do các thành viên WTO áp dụng so với quy định tương ứng của WTO trong Hiệp định SPS và Điều XX GATT 1994.
Thứ hai, Hiệp định TBT có phạm vi điều chỉnh rộng hơn Hiệp định SPS để bảo vệ an toàn và sức khỏe của con người, bảo vệ đời sống và sức khỏe của vật nuôi và cây trồng, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, và ngăn ngừa các biện pháp mang tính trá hình. Nhìn chung, Hiệp định TBT đưa ra nghĩa vụ mang tính tích cực yêu cầu các thành viên phải tuân thủ khi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo vệ tính mạng sức khỏe con người như là một ngoại lệ chung[7], Hiệp định xác nhập vấn đề này vào trong cách thức xác định liệu rằng một biện pháp nào đó có vi phạm các luật lệ thương mại hay không.
Tuy nhiên, hai hiệp định này cũng không đề cập đến thuật ngữ “quyền con người” hay “quyền đảm bảo sức khỏe”.
2.2. Bình luận
Trên thực tế, DSB cũng vài lần giải quyết một số tranh chấp có viện dẫn đến các thuật ngữ “tính mạng hoặc sức khỏe con người” (mặc dù DSB không đưa ra định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ này). Như vậy, vấn đề đặt ra là các nội dung được ghi nhận rải rác này có được xem là nội hàm của quyền đảm bảo sức khỏe trong luật WTO? Nếu không, chúng ta có thể khẳng định rằng luật WTO không điều chỉnh về vấn đề quyền đảm bảo sức khỏe. Ngược lại, nếu có, chúng ta có thể kết luận rằng luật WTO vẫn điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe và mức độ điều chỉnh ở đây mang tính chất gián tiếp.
Về bản chất, chúng ta vẫn có thể hiểu rằng tính mạng sức khỏe con người ít nhiều liên quan đến quyền con người – quyền sống của con người (một trong những quyền cơ bản của con người). Hơn thế nữa, trên thực tế, vẫn có sự giao thoa về quyền và nghĩa vụ của thành viên WTO theo (1) các hiệp định WTO và (2) pháp luật quốc tế về quyền con người bởi vì hiện nay 157 thành viên WTO[8] đều đã, đang và sẽ là thành viên của các Công ước Liên hợp quốc về nhân quyền, Công ước quốc tế mang tính chất khu vực về nhân quyền (như Điều ước thành lập EC[9]….). Hay nói cách khác, các thành viên của WTO có nghĩa vụ thực hiện chính sách thương mại không phân biệt đối xử và thương mại tự do với nhau trong WTO đồng thời họ cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền con người theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà các thành viên đó tham gia. Từ đó, về lý thuyết, chúng ta có thể suy luận rằng sẽ có trường hợp một biện pháp cụ thể bị kết luận vi phạm pháp luật quốc tế về quyền con người bởi cơ quan có thẩm quyền xét xử vi phạm quyền con người, trong khi đó, cơ quan giải quyết tranh chấp WTO kết luận rằng biện pháp đó không vi phạm theo luật WTO và ngược lại.
Mặc dù hiện nay kết luận giải quyết tranh chấp của cơ quan giải quyết tranh chấp WTO chỉ liên quan đến việc xác định tính phù hợp của biện pháp đó so với luật WTO, không giải quyết tính phù hợp của biện pháp đó so với pháp luật quốc tế về quyền con người[10], và thực tế vẫn chưa có cơ chế hợp tác cụ thể nào giữa luật WTO và pháp luật quốc tế về quyền con người mặc dù cả hai đều thuộc gia đình luật công pháp quốc tế, nhưng chúng tôi ủng hộ ý kiến của nhiều học giả rằng “tính mạng hoặc sức khỏe con người” trong WTO đều có sự liên quan đến quyền đảm bảo sức khỏe của con người (đặc biệt là các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của con người). Lúc này, vấn đề là chúng ta cần phải xem xét tác động của chính sách thương mại của WTO lên từng cá nhân, từng nhóm cá nhân như thế nào và việc đưa vấn đề quyền con người với tư cách là ngữ cảnh pháp lý theo quy định Điều 3.2 DSU[11] (pháp luật quốc tế về quyền con người thuộc luật công pháp quốc tế) có liên quan để giải thích các quy định thương mại của WTO là vô cùng cần thiết[12].
3. Li-xăng bắt buộc đối với dược phẩm trong Hiệp định TRIPs là bằng chứng của việc WTO điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe?
3.1. Nhận thức chung về sự cần thiết phải bảo hộ quyền sáng chế đối với dược phẩm
Về bản chất, quyền sở hữu trí tuệ nói chung hay sáng chế[13] đối với dược phẩm nói riêng là một dạng tài sản[14] được hình thành từ quá trình nghiên cứu rất đắt đỏ, cực kỳ phức tạp, mất thời gian[15] và nhiều rủi ro. Ví dụ, theo ước tính về chi phí để phát triển một loại thuốc mới có thể thay đổi từ mức thấp 800 triệu đô la đến 2 tỉ đô la Mỹ[16]. Do đó, chi phí đầu tư này của các chủ văn bằng sáng chế cần phải được thu hồi.
Nếu nhìn vào hệ thống pháp luật quốc tế (Hiệp định TRIPs) và pháp luật quốc gia, chúng ta có thể thấy rằng thời gian bảo hộ quyền của chủ văn bằng sáng chế không phải là không giới hạn. Ví dụ, pháp luật về bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm ở Nhật được áp dụng từ năm 1976; ở Thụy Sĩ từ năm 1977; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Nauy từ năm 1992, các nước đang phát triển thì phải đến những năm 1990[17] vàà thường giới hạn trong khoảng thời gian 20 năm tính từ ngày nộp đơn, ở nước hoặc các nước nơi sáng chế được cấp bằng[18]. Trong khoản thời gian này, chủ sở hữu của một bằng độc quyền sáng chế có quyền quyết định ai có thể hoặc không thể sử dụng sáng chế đã được cấp bằng, cũng như có thể cho phép hoặc cấp li-xăng cho những bên khác để sử dụng sáng chế theo các điều kiện đã cùng nhau thỏa thuận (hay nói cách khác người khác có thể sử dụng sáng chế nhằm mục đích khai thác thương mại). Thông thường, sau khi hết thời gian 20 năm này, dược phẩm, cho dù đã từng được cấp văn bằng sáng chế sẽ được đưa vào sử dụng công cộng, không cần phải xin phép chủ văn bằng sáng chế khi mua bán, phân phối dược phẩm đó. Trên thực tế, độc quyền sáng chế được thừa nhận là giá trị ẩn[19].
3.2. Sự linh hoạt trong việc bảo hộ sáng chế – xem xét đối với trường hợp lix-ăng bắt buộc đối với dược phẩm
3.2.1. Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp[20]
Nhận thức được tác động tiêu cực của việc ngăn cấm sử dụng sáng chế đối với dược phẩm tuyệt đối trong một số trường hợp nhất định liên quan đến tình trạng khẩn cấp của quốc gia như tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng để bảo vệ sức khỏe con người, Công ước Paris 1883 cho phép các quốc gia ban hành chính sách li-xăng bắt buộc để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền tuyệt đối của chủ văn bằng sáng chế[21]. Thông thường, li-xăng bắt buộc là chế định tồn tại trong pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ, kể cả nước đang phát triển và nước phát triển[22]. Tính đến thời điểm hiện nay, trên 100 quốc gia trên thế giới ghi nhận trong hệ thống pháp luật của mình chính sách li-xăng bắt buộc[23], ví dụ như, năm 1790 tại Hoa Kỳ, năm 1851 tại Nghị viện Anh, năm 1853 tại Đức. Li-xăng bắt buộc được áp dụng đối với sáng chế trong tất cả các lĩnh vực, trong trường hợp vì lý do công cộng, li-xăng bắt buộc thường đặt ra trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. Về bản chất, li-xăng bắt buộc được hiểu là công cụ pháp lý theo đó một chính phủ cấp cho chính bản thân chính phủ đó hoặc là cho bên thứ ba quyền sản xuất hoặc nhập khẩu một sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế mà không có sự cho phép của chủ thể nắm giữ quyền[24]). Theo Đại diện thương mại Hoa Kỳ USTR, lixăng bắt buộc được hiểu là trường hợp mà chính phủ đưa ra một số điều kiện để cho phép bên thứ ba (hoặc chính bản thân chính phủ sử dụng sáng chế) mà không có sự cho phép của chủ văn bằng sáng chế[25].
3.2.2. Hiệp định TRIPs
Hiệp định TRIPs chỉ xác lập nguyên tắc tối thiểu trong việc bảo hộ sáng chế [26] “các thành viên không có nghĩa vụ phải ban hành phải luật của mình ở mức độ cao hơn so với các yêu cầu được nêu ra trong Hiệp định”[27]. Đồng thời, hiệp định TRIPs yêu cầu các thành viên phải tuân thủ các điều khoản thực định được xác lập trong Công ước Paris 1883.
Xuất phát từ việc (1) trình độ phát triển của các thành viên WTO không đồng đều[28] và (2) việc trả tiền bản quyền sáng chế không phải luôn luôn được thực hiện triệt để đối với các nước đang và kém phát triển[29],[30] và (3) bảo vệ quyền sáng chế nói riêng cần phải đặt trong bối cảnh phát triển nhân loại, Điều 31 Hiệp định TRIPs, mặc dù không sử dụng thuật ngữ li-xăng bắt buộc, nhưng được thừa nhận rộng rãi là cơ sở pháp lý để các nước thành viên WTO áp dụng một số linh hoạt nhất định, bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc cho phép áp dụng li-xăng bắt buộc đối với một số dược phẩm.
Đến lượt mình, chính phủ thành viên WTO được quyền xây dựng căn cứ để cấp li-xăng bắt buộc và có nghĩa vụ đền bù một khoản tiền phù hợp để cho phép bên thứ ba được quyền sử dụng sáng chế đối với dược phẩm mà không cần có sự đồng ý của chủ văn bằng sáng chế.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO “việc sử dụng li-xăng bắt buộc là một trong những rất nhiều cơ chế ngăn giá thuốc leo thang đối với những thuốc cơ bản mà mọi người và dịch vụ bảo hiểm sức khỏe cộng đồng không thể chi trả được”[31] và thậm chí nguyên tổng thống của Hoa Kỳ Bill Cliton đã từng phát biểu “Không có công ty nào có thể sẽ sống hay chết bởi vì các khoản tiền thưởng ủng hộ cho hoạt động hỗ trợ dược phẩm ở các nước thu nhập tương đối, nhưng người bệnh nhân thì rõ ràng là có thể chết”[32].
Trên thực tế, rất nhiều quốc gia châu Mỹ la tinh, Thái Lan… cũng đã căn cứ vào quy định TRIPs pháp điển hóa chế định về li-xăng bắt buộc trong pháp luật của mình. Tuy nhiên, chỉ có Brazil và Argentina bị khởi kiện lên DSB vì các cáo buộc cho rằng các nước này vi phạm quy định của WTO.
3.2.3 Vòng đàm phán Doha
Trong vòng đàm phán Doha, năm 2001, dưới áp lực của các quốc gia đang phát triển (như Ấn Độ, Brazil), các tổ chức phi chính phủ[33], Ủy ban châu Âu đã triệu tập nhiều cuộc họp để bàn về vấn đề tiếp cận thuốc chữa bệnh. Cùng thời gian này, các nước châu Phi, Barbados, Bolivia, Brazil, Cộng hòa Dominican, Ecuador, Honduras, Ấn độ, Indonesia, Jamaica, Pakistan, Paraquay, Philipines, Peru, Sri Lanka, Thái Lan, Venezuala đã gửi báo cáo “TRIPs và sức khỏe cộng đồng” lên Hội đồng TRIPs[34]. Trong đó, báo cáo có đề cập mục tiêu và nguyên tắc của TRIPs theo Điều 7, 8; nhập khẩu song song và li-xăng bắt buộc[35], thể chế hóa chính sách của TRIPs vào trong pháp luật quốc gia một cách linh hoạt.
Ngày 20/6/2001, Hội đồng TRIPs đã nhấn mạnh trong bản thảo của “Tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng về TRIPs và sức khỏe cộng đồng” như sau: “không có gì trong Hiệp định TRIPs có thể (shall) ngăn các thành viên áp dụng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”[36]. Lập luận này có thể được hiểu là chính phủ thành viên WTO có chủ quyền trong việc thiết lập và duy trì hệ thống sức khỏe công cộng mà không có sự hạn chế bởi bất kỳ một hiệp định nào điều chỉnh thương mại quốc tế và quyền sở hữu trí tuệ.
Thực tế, khi kết thúc quy trình Hội nghị bộ trưởng Doha 2001 được chấp nhận (mặc dù ngôn ngữ diễn đạt có chút thay đổi): “Chúng tôi đồng ý rằng Hiệp định TRIPs không thể và không nên ngăn cản các thành viên áp dụng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó, chúng tôi khẳng định rằng Hiệp định TRIPs có thể và nên được giải thích và thực thi theo cách thức hỗ trợ cho các thành viên WTO liên quan đến quyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng và, cụ thể, quyền mọi người được tiếp cận thuốc chữa bệnh”[37].
Như vậy, tuyên bố Doha nhấn mạnh các vấn đề sau. Một là, Hiệp định TRIPs không và không nên cản trở các thành viên WTO trong việc ban hành các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhấn mạnh quyền của các thành viên trong việc sử dụng các điều khoản của Hiệp định TRIPs để thực hiện linh hoạt mục đích bảo vệ sức khỏe. Hai là, tuyên bố khẳng định Hiệp định TRIPs nên được giải thích và thực thi theo cách thức ủng hộ cho các thành viên WTO thực hiện quyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng (thúc đẩy thực hiện chính sách mọi người đều có quyền tiếp cận thuốc chữa bệnh). Ba là, liên quan đến dược phẩm, thời hạn thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với các nước kém phát triển được kéo dài đến 1/1/2016.
Mặc dù tuyên bố Doha là sự phát triển về chất đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng mà trên cơ sở đó quyền đảm bảo sức khỏe, quyền được khám chữa bệnh, quyền được sống của con người được thực thi cụ thể, tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các giải thích, báo cáo của Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng như Tuyên bố Doha về sức khỏe cộng đồng này không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm[38] bởi vì đây không phải là các Hiệp định trong phạm vi điều chỉnh của GATT và WTO (covered agreements) được nêu tại Điều 1 DSU. Thay vào đó, Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng phải chịu tôn trọng các thuật ngữ được sử dụng trong các Hiệp định WTO và ngữ cảnh phù hợp với mục tiêu và mục đích của các Hiệp định đó. Do đó, việc vận dụng ngôn ngữ và nội dung của Tuyên bố Doha, một khi chưa được chính thức thừa nhận có giá trị pháp lý như các Hiệp định GATT/WTO, có khả năng làm tăng quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO, đặc biệt là các thành viên muốn vận dụng Hiệp định TRIPs để bảo vệ chủ văn bằng sáng chế đối với dược phẩm. Lúc này, rõ ràng sẽ tồn tại hành vi vi phạm Điều 3.2 DSU “các khuyến nghị và quyết định của DSB không thể làm tăng hoặc giảm quyền và nghĩa vụ được quy định trong các Hiệp định có liên quan”. Giải pháp có khả năng thực thi nhất về mặt lý thuyết nhưng lại rất khó thuyết phục trên thực tế trong trường hợp này đó là các thành viên WTO phải chứng minh rằng, và phải được sự chấp nhận của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm và DSB rằng, Tuyên bố Doha là luật công pháp quốc tế và việc áp dụng Tuyên bố Doha là phù hợp với tập quán quốc tế về giải thích luật công pháp quốc tế[39].
3.3. Bình luận
Như vậy, phân tích kết hợp cùng với đề mục 2 (khả năng điều chỉnh quyền của các Hiệp định WTO đối với quyền đảm bảo sức khỏe), chúng ta có thể thấy rằng cơ hội để giải thích Hiệp định TRIPs, cụ thể Điều 31 về li-xăng bắt buộc, điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe của con người (một trong những quyền quan trọng của con người) không phải là không có cơ sở, bởi vì, những lý do cụ thể sau đây:
Thứ nhất, về thuật ngữ quyền đảm bảo sức khỏe, chúng ta rõ ràng phải thừa nhận thuật ngữ này đề cập đến hai vấn đề (1) quyền và (2) đảm bảo sức khỏe. Đối với vấn đề “quyền”, chủ thể có quyền sẽ được, tự nhiên hoặc gián tiếp, thông qua cơ chế như ghi nhận vào hệ thống pháp luật để triển khai quyền, thực hiện một số biện pháp để trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện quyền. Như vậy, quyền đảm bảo sức khỏe đề cập việc chủ thể có quyền đảm bảo sức khỏe phải được tự mình hoặc thông qua nhà nước mà chủ thể có quyền đảm bảo sức khỏe mang quốc tịch hoặc các quốc gia khác có liên quan (pháp điển hóa về quyền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quyền được khám chữa bệnh, quyền được tiếp cận với dược phẩm để trị bệnh…) thực hiện một số biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình. Ví dụ, công dân Việt Nam có quyền đảm bảo sức khỏe nghĩa là công dân này có quyền đi đến các y tế khám chữa bệnh của Việt Nam hoặc của các nước khác để khám chữa bệnh cho mình.
Thứ hai, Hiệp định GATT 1994, cụ thể Điều XX(b) GATT 1994[40], và Hiệp định TRIPS rõ ràng có mối quan hệ với nhau trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong điều kiện nhất định, GATT 1994 cho phép thành viên áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người. Tương tự như vậy, hiệp định TRIPs cũng gián tiếp cho phép áp dụng li-xăng bắt buộc, bao gồm nhưng không giới hạn, để bảo vệ sức khỏe của con người. Tuy nhiên, một điểm khác biệt giữa luận điểm này so với luận điểm thứ nhất là WTO không trực tiếp điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe cho mỗi cá nhân cụ thể. Thay vào đó, WTO thông qua hiệp định TRIPs cho phép các quốc gia thành viên WTO thực hiện quyền đảm bảo sức khỏe. Trên cơ sở đó, thành viên WTO sẽ triển khai quyền đảm bảo sức khỏe (như li-xăng bắt buộc) trong pháp luật của mình. Như vậy, Hiệp định TRIPs nói riêng không trực tiếp điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe mà chỉ gián tiếp điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe mà thôi.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, chức năng của WTO là thúc đẩy hoạt động thương mại, không phải thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền đảm bảo sức khỏe nói riêng và quyền con người nói chung. Do đó, vấn đề ở đây không phải là WTO hoàn toàn loại bỏ vấn đề quyền đảm bảo sức khỏe ra khỏi phạm vi điều chỉnh của các Hiệp định WTO. Thay vào đó, vấn đề ở đây là WTO với chức năng là tổ chức thương mại điều chỉnh vấn đề quyền đảm bảo sức khỏe, quyền con người ở mức độ nào bởi vì suy cho cùng WTO cũng nhằm thúc đẩy thương mại, tạo thặng dư kinh tế và phục vụ con người. Cụ thể hơn, hiệp định TRIPs và các hiệp định WTO khác cần phải phối hợp với nhau như thế nào để xác lập nguyên tắc định hướng trong việc “tước đoạt” quyền lợi vật chất kinh tế của chủ văn bằng sáng chế khi thực hiện quyền đảm bảo sức khỏe một cách gián tiếp.
Kết luận
Mặc dù WTO không hề sử dụng thuật ngữ “quyền đảm bảo sức khỏe” hay “quyền con người” trong các nội dung Hiệp định WTO, do đó, nếu tiếp cận và giải thích các Hiệp định WTO từ nguyên tắc đầu tiên của Điều 31 Công ước Vienna 1969 về luật ký kết điều ước quốc tế, “việc giải thích điều ước quốc tế cần phải căn cứ vào từ ngữ của các Hiệp định”, thì sẽ không thể kết luận WTO điều chỉnh quyền đảm bảo sức khỏe, tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Điều 31 này còn yêu cầu rằng việc giải thích điều ước quốc tế như Hiệp định TRIPS cần phải căn cứ đến mục đích và chức năng của điều khoản, của cả điều ước quốc tế, thì rõ ràng WTO nói chung và Hiệp định TRIPS có điều chỉnh một cách trực tiếp quyền đảm bảo sức khỏe đối với các thành viên WTO, từ đó, điều chỉnh gián tiếp vấn đề quyền đảm bảo sức khỏe của từng con người cụ thể. Hơn thế nữa, thực tế giải quyết tranh chấp của WTO luôn căn cứ vào từ ngữ và mục đích và chức năng của từng điều khoản và/hoặc của cả công ước. Theo quan điểm của chúng tôi, những vấn đề trên không thể thực hiện trong ngày mai, hay trong tương lai gần nhưng chúng ta phải đi về phía trước bằng những hành động cụ thể bởi vì “nếu đi thì sẽ tới” và “lối đi ngay dưới chân mình”[41].
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Tổ trưởng tổ bộ môn Luật thương mại quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 12 Công ước ICESCR.
[2] Điều 2 Công ước ICESCR.
[3] Office of UN High Commissioner for Human Rights, WHO “The Right to Health”, Fact sheet 31, tr. 3 – 5.
[4] Xem thêm www.wto.org (giải quyết tranh chấp).
[5] Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights, Human Rights and World Trade Agreement – Using general exception clauses to protect Human Right, năm 2005, tr. 14.
[6] Joint Food and Argiculture Organization/World Health Organization (FAO/WHO) Codex Alimntarius Commission (CODEX). Xem thêm www.who.int/fsf và www.fao.org/en/esn/codex.
[7] Điều 2 Hiệp định TBT.
[8] Xem thêm http://wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/org6_e.htm, cập nhật gần nhất ngày 4/11/2012.
[9] Xem thêm Thomas Cottier, Joost Pawelyn, Elisabeth Burgi, Human Rights and International Trade, Oxford University Press, 2005, tr. 86.
[10] Gabrielle Marceau, WTO Dispute Settlement and Human Rights, EJIL 2002, tr. 762 (753 – 814).
[11] “Các thành viên này thừa nhận rằng hệ thống này ra đời nhằm làm rõ những điều khoản hiện hành của những hiệp định đó trên cơ sở phú hợp với các quy tắc tập quán giải thích công pháp quốc tế”.
[12] Thomas Cottier, Joost Pawelyn, Elisabeth Burgi, Human Rights and International Trade, Oxford University Press, 2005, tr. 90.
[13] Sáng chế được cấp cho người phát minh ra sáng chế đó hoặc là người nộp đơn đầu tiên đối với những sáng tạo kỹ thuật hay là giảp pháp kỹ thuật mới cho một vấn đề kỹ thuật thuộc nhóm sở hữu công nghiệp của sở hữu trí tuệ. Để một giải pháp mới này được bảo hộ, pháp luật thường yêu cầu giải pháp đó phải có (1) tính mới, (2) phải chứa đựng một bước tiến sáng chế và (3) phải có khả năng ứng dụng công nghiệp. Cần phải nhấn mạnh rằng bảo hộ sáng chế là bảo hộ bản thân các sáng chế chứ không phải là bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng của các sáng chế. Và hệ quả của việc cấp bằng sáng chế là các bên thứ 3 trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ văn bằng sáng chế sẽ không được quyền chế biến, sử dụng, chào hàng, mua bán đối tượng đã được cấp bằng sáng chế. Nếu không, bên thứ ba đó có nghĩa vụ bồi thường và thực hiện một hành động nào đó (injunctive relief). Xem thêm Holger Hestermeyer, Human Rights and the WTO, the case of Patent and access to medicines, Oxford University Press, 2007..
[14] Haddock, Ordinary Economic Rationale for Extradiordinary Legal Sanctions, California Law Review, 78, tr. 17 .
[15] Shahid Alikhan, Lợi ích kinh tế – xã hội của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, 2007, tr. 129.
[16] Xem thêm Neal Masia, Quyền sở hữu trí tuệ, Focus on Intellectual property rights, Nhiều tác giả, Nxb Từ điển bách khoa, 2006, tr. 98.
[17].http://www.law.berkeley.edu/journals/btlj/articles/vol18/Chien.web.pdf, cập nhật gần nhất ngày 22/10/2013.
[18] Điều 31 Hiệp định TRIPS.
[19] Kamil Idris, Sở hữu trí tuệ – Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2005, tr. 131.
[20] Được ký kết vào ngày 20/3/1883. Công ước đã trải qua 7 lần sửa đổi, bổ sung gồm có (1) tại Brussels ngày 14/12/1990; (2) tại Washington ngày 2/6/1911; (3) tại Hague ngày 6/11/1995; (4) tại London ngày 2/6/1934; (5) tại Lisbon ngày 31/10/1958; (6) tại Stockholm ngày 14/7/1967 và (7) ngày 28/9/1979.
[21] Điều 5A(2) Công ước Paris 1883 “Mỗi nước thành viên của Liên minh đều có quyền đưa ra những biện pháp pháp lý quy định việc cấp li-xăng bắt buộc nhằm ngăn chặn việc lạm dụng có thể nảy sinh từ việc thực hiện độc quyền được xác lập bởi bằng sáng chế, ví dụ như không sử dụng sáng chế”.
[22] WTO Agreement and Public Health, A joint study by the WHO and the WTO Secretariat, 2002, tr. 100.
[23] Lybecker, Fowler, Compulsory licensing in Canada and Thailan: Comparing regimes to ensure legitimate use of the WTO rules, Journal of Law, Medicine and Ethics, 2009.
[24] Frederick M. Abbott, Rudolf V. Van Puymbroeck, Compulsory licensing for public health: a guide and model document for implematation of the Doha Declaration paragraph 6 Decision, trang 5. Xem thêm Canada – Bảo hộ bằng sáng chế đối với dược phẩm, WT/DS114.
[25] 17 USC Chương 1 § 115 Bộ luật thương mại 1974.
[26] Trích dẫn nguồn từ rào cản động lực và Holger Hestermeyer, Human Rights and the WTO, the case of patents and access to medicines, Oxford University Press, 2007, tr. 52.
[27] Điều 1.1 Hiệp định TRIPs.
[28] Hầu hết các quốc gia nộp đơn xin cấp văn bằng sáng chế là các nước phát triển, các nước đang và kém phát triển thường được ám chỉ như là các quốc gia chỉ biết thừa hưởng quyền sở hữu trí tuệ.
[29] Office of United Nations High Commissioner for Human Rights (OHCHR), Human Rights and World Trade Agreement – Using general exception clauses to protect Human Rights, 2005, tr. 2.
[30] Nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bởi các chủ thể nắm giữ văn bằng sáng chế trong việc ngăn cản bên thứ ba kế thừa và phát triển sáng chế đã được cấp bằng. Xem thêm http://www.law.berkeley.edu/journals/btlj/articles/vol18/Chien.web.pdf,.cập nhật gần nhất trang 5.
[31] Ed Silverman, WTO: Thailand’s Patent Policy Is Legal, February 19, 2008, at http://www.pharmalot.com/2008/02/whothailands-
patent-policy-is-legal/. Xem thêm http://apps.who.int/medicinedocs/en/d/Jh1459e/6.3.html, cập nhật gần nhất 22/10/2013.
[32] A Trerutkarkul, Compulsory Licensing Vital so long as Healthcare Lacks Funds, Bangkod Post, 2008. Xem thêm http://www.aegis.org/news/bp/2008/BP080401.html, cập nhật gần nhất 22/10/2013.
[33] Medicins san Frontieres (MSF), Consumer Project on Technology (CPT), Oxform, Third World Network (TWN), Treatment Action Campaign (TAC) xem thêm Abbott, Frederick M., The Doha Declaration on the TRIPS Agreement and Public Health: Lighting a Dark Corner at the WTO (March 31, 2002). Journal of International Economic Law, Vol. 5, p. 469, 2002. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=1493725, cập nhật gần nhất ngày 4/11/2012.
[34] Public Health: Lighting a Dark Corner at the WTO (March 31, 2002). Journal of International Economic Law, Vol. 5, p. 469, 2002. Available at SSRN: http://ssrn.com/abstract=1493725, cập nhật gần nhất ngày 4/11/2012.
[35] Xem thêm William Fisher III, Cyrill Rigamonti, The South Africa AIDS Controversy a case study in Patent Law and Policy, Havarard Law School, 10/2005, tr. 5.
[36] Lưu ý thuật ngữ “shall” mang ý nghĩa rất cương quyết và được sử dụng như để diễn tả nghĩa vụ mang tính pháp lý, được ghi nhận rõ ràng trong các Hiệp định WTO. “Shall” không mang tính chất của thỏa thuận mang tính chất tùy nghi như “should” trong một số trường hợp.
[37] WTO, Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPs và sức khỏe cộng đồng, WT/MIN(01)/DEC/2, ngày 14/11/2001.
[38] Điều IX(2) Hiệp định Marakesh thành lập WTO “Hội nghị bộ trưởng và Đại hội đồng là cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối trong việc thông qua các giải thích của Hiệp định này và các Hiệp định thương mại đa phương”.
[39] Điều 3.2 DSU “DSB có nghĩa vụ làm rõ các điều khoản hiện hành của các Hiệp định đó phù hợp với các quy tắc tập quán quốc tế về giải thích luật công pháp quốc tế. Trong đó, theo luật tập quán quốc tế, một quyết định của hội đồng giải quyết tranh chấp liên quan đến các thành viên tranh chấp không ràng buộc đối với các quốc gia không phải là các bên của tranh chấp đó”.
[40] Với bảo lưu rằng các biện pháp đề cập ở đây không được theo cách tạo ra công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kỳ bên ký kết nào thi hành hay áp dụng các biện pháp: (b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hay thực vật.
[41] Nguyễn Lê My Hoàn, Lối đi ngay dưới chân mình, Nxb Trẻ, 2012, 118 trang.
- Tác giả: TS. Lê Thị Ánh Nguyệt*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2013 – 2013, Trang 58-64
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online