Các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) của Việt Nam và những vấn đề đặt ra
TÓM TẮT
Bài viết này, bên cạnh những phân tích về khái niệm, nội dung và vai trò của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sẽ tập trung làm rõ các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam, bao gồm: sự cần thiết phải đưa nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nội dung của các quy định trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cuối cùng, bài viết đưa ra một số lưu ý về việc thực thi quy định về trách nhiệm xã hội trong các hiệp định này.
Xem thêm:
- Khả năng thực thi các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) – TS. Ngô Hữu Phước & ThS. Nguyễn Thị Kim Cúc
- Về khả năng thực thi các cam kết lao động trong hiệp định thương mại tự do (FTA) và một số thách thức đối với Việt Nam – TS. Lê Thị Thúy Hương
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA): Những điểm tiến bộ và thách thức khi thực thi – ThS. Nguyễn Thị Nhung
- Quyền tự do lập hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và những thách thức đặt ra cho Việt Nam – ThS. Ngô Thị Trang
- Một số vấn đề lý luận về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: khi mục tiêu không chỉ là tự do hóa thương mại – TS. Vũ Kim Ngân & ThS. Phạm Hồng Sơn
TỪ KHÓA: FTA, Hiệp định thương mại tự do,
Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, thời kỳ 4.0, công nghệ vật liệu mới… đang hàng ngày làm thay đổi diện mạo sự tương tác của con người với xã hội. Một điều chắc chắn rằng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang là yếu tố đắc lực để con người xây dựng cuộc sống ngày một thịnh vượng, tiến bộ và văn minh. Song cũng có một thực tế không thể phủ nhận đó là tình trạng đi ngược lại với xu thế phát triển tích cực đó, vẫn tồn tại nhiều toan tính lợi dụng những tiến bộ đó để phục vụ cho mục đích phi nhân tính và trái với lợi ích chung, cũng như sự lạm dụng năng lượng hạt nhân, nhân bản vô tính, vũ khí sinh học. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế thị trường ở hầu hết các quốc gia trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang thể hiện sự tác động đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong hai thập kỷ qua, tiến trình hội nhập toàn diện của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN (ngày 25/07/1995), ASEM (tháng 03/1996), APEC (tháng 11/1998) và của WTO (ngày 11/01/2007), tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement, FTA), trong đó có các hiệp định thương mại thế hệ mới như FTA Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các FTA ASEAN + 1… Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung (1), cũng như tìm hiểu vấn đề này được quy định cụ thể như thế nào trong các FTA thế hệ mới của Việt Nam (2), từ đó đưa ra một số lưu ý đối với Việt Nam (3).
1. Khái niệm và nội dung
Về khái niệm, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility, CSR) mới chính thức xuất hiện cách đây hơn 50 năm, khi H.R.Bowen công bố cuốn sách của mình vào năm 1953 với nhan đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các doanh nghiệp gây ra cho xã hội.[1] Tuy nhiên, từ đó đến nay, thuật ngữ CSR đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Ngân hàng Thế giới đưa ra khái niệm: “CSR là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội”.[2] Cũng có quan điểm cho rằng, “trách nhiệm xã hội hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến”[3] hay “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định”.[4] Theo Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững (World Busines Council for Sustainable Development), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là “sự cam kết trong việc ứng xử có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển bền vững, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”.[5] Có thể thấy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là sự khẳng định của doanh nghiệp rằng họ không chỉ tập trung gia tăng lợi nhuận mà còn quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng liên quan như người lao động, môi trường và đặc biệt là người tiêu dùng. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, phối hợp với người lao động, gia đình của họ, cộng đồng địa phương và xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng có lợi cho việc kinh doanh cũng như sự phát triển chung.
Như vậy, dù có nhiều khái niệm khác nhau về CSR, các khác niệm đều có một điểm chung là ghi nhận sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp thực hiện những chuẩn mực đạo đức và xã hội vì mục tiêu con người và phát triển bền vững. Từ đây xuất hiện một vấn đề là do có sự khác biệt giữa quy phạm đạo đức, xã hội với quy phạm pháp luật nên bản chất và nội dung của CSR không phải là pháp luật, nó là sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp. Dù theo cách giải thích nào thì CSR đều có bản chất là sự cam kết thực hiện các nghĩa vụ pháp lý đơn phương của doanh nghiệp trong ứng xử, phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường… Cụ thể, CSR xác lập các quy tắc ứng xử tự nguyện của doanh nghiệp nhằm các mục tiêu như: i) đóng góp vào sự phát triển bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ; ii) duy trì công bằng xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp; và iii) đáp ứng cao hơn các tiêu chuẩn tối thiểu về lao động, môi trường, hệ thống quản lý, an toàn xã hội… đã được ghi nhận trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Các doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct).
Về nội dung, vì hiện tồn tại nhiều khái niệm về CSR, nên nội dung của CSR cũng có sự thay đổi, đặc biệt là trong các bộ quy tắc ứng xử có liên quan. Hiểu theo nghĩa tổng quát và toàn diện nhất, nội dung của CSR theo khuyến nghị là Bộ quy tắc ứng xử của Liên hợp quốc gồm 10 quy tắc bảo đảm tôn trọng quyền con người, dân sinh, chống lạm dụng trẻ em, lao động cưỡng bức, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng… Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng cũng như nhu cầu xã hội, CSR thường tập trung trước hết vào những nội dung cam kết về những vấn đề sau đây[6]:
– Quyền con người: Doanh nghiệp phải tôn trọng các vấn đề thuộc về quyền con người, bao gồm quyền của người dân, quyền của người tiêu dùng, quyền của người lao động… Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phải có các hoạt động hướng tới lợi ích của cộng đồng, như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội hay bảo đảm quyền của cộng đồng trong việc tham gia vào xây dựng chính sách của công ty…
– Lao động và quan hệ nghề nghiệp: Doanh nghiệp phải bảo đảm thực hiện tốt bốn quyền và nguyên tắc cơ bản được nêu lên trong Tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản về việc làm, đó là: xóa bỏ một cách hữu hiệu lao động trẻ em; loại bỏ các hình thức lao động cưỡng bức; bảo đảm quyền thương lượng tập thể của người lao động; không phân biệt đối xử trong vấn đề lao động và quan hệ nghề nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các chính sách về lương, phúc lợi xã hội, về an toàn trong lao động… để bảo đảm người lao động được lao động trong một môi trường tốt đồng thời góp phần bảo đảm cuộc sống của gia đình họ.
– Môi trường: Doanh nghiệp phải thực thi các chính sách nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
– Các vấn đề về kinh doanh lành mạnh: Doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình phòng chống tham nhũng, thực thi các chính sách để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường…
2. Vai trò của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Bên cạnh những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, giải quyết các vấn đề văn hóa – xã hội, những hiệu ứng tiêu cực về đạo đức, xã hội thậm chí pháp lý của một doanh nghiệp cũng luôn hiện hữu. Khi mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, lại được bảo vệ bằng quyền tự do kinh doanh với ý nghĩa là một nguyên tắc, một quyền cơ bản thì cùng với sự thôi thúc của lợi ích, doanh nghiệp sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào tối đa hóa lợi nhuận. Thực tiễn tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Việt Nam, đã cho thấy những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh của nhiều doanh nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ tới các giá trị xã hội và đạo đức mà, đôi khi, công cụ pháp lý của một nhà nước pháp quyền không đủ để xử lý được một cách triệt để các ảnh hưởng đó. Những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp có thể diễn ra rất đa dạng. Từ những hiện tượng phổ biến như phân hóa giàu nghèo, đối xử không công bằng hay vi phạm các quyền cơ bản đối với người lao động, người tiêu dùng[7] đều có thể là hậu quả từ các hoạt động của một doanh nghiệp thiếu đạo đức và trách nhiệm.
Ngoài ra, khi phát triển bền vững là chính sách và mục tiêu của toàn nhân loại, bất kỳ một doanh nghiệp nào, do hoạt động của mình đều có thể can thiệp vào môi trường tự nhiên ở những mức độ và phạm vi khác nhau, trở thành một trong những tác nhân quan trọng để thực hiện chính sách và mục tiêu đó.[8] Vì vậy, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp có thể đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, từ đó, khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường. Thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp không những giúp doanh nghiệp trở thành một phần của cộng đồng, mà còn hướng tới lợi ích của tất cả các bên hữu quan. Thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có thể tạo thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, nhưng nó góp phần tạo thêm danh tiếng cho doanh nghiệp, bảo đảm tính bền vững của doanh nghiệp trong xã hội, cộng đồng. Như thế, xét về phương diện trường tồn, đó là nhu cầu nội tại trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam đều cho thấy, nhiều doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh đã tự loại mình ra khỏi thị trường và cộng đồng doanh nghiệp mà không cần thông qua các chế tài của pháp luật. Do đó, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội không phải là vấn đề cần bàn cãi.
Các phân tích ở phần này sẽ làm rõ lý do cần thiết đưa nội dung về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp vào các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (2.1), nội dung của các quy định có liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (2.2).
3. Sự cần thiết phải đưa nội dung về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp vào trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam
Các FTA thế hệ mới của Việt Nam điều chỉnh mối quan hệ giữa các nhà nước với nhau về tự do hóa thương mại. Vậy tại sao các FTA này lại điều chỉnh nội dung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – vấn đề liên quan và được thực hiện chính bởi các doanh nghiệp?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên cần thấy rõ các vấn đề được FTA thế hệ mới nói chung và của Việt Nam nói riêng điều chỉnh không chỉ giới hạn ở các chủ đề thương mại truyền thống. Báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Organization, WTO) năm 2011 đã chỉ ra các FTA thế hệ mới trong phạm vi nghiên cứu của báo cáo đã điều chỉnh tới 38 vấn đề mang tính chất phi thương mại (được gọi là các quy định WTO – X),[9] như môi trường, lao động, bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe, quyền con người… Dù các quy định có thể hướng tới việc điều chỉnh chính sách của các nhà nước trong việc thực hiện các cam kết mang tính chất chính phủ về các vấn đề nêu trên, nhưng để bảo đảm việc thực thi thành công các cam kết và chính sách đó, vai trò của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.[10] Đặc biệt, nhiều nội dung phi truyền thống như môi trường, lao động, bảo vệ người tiêu dùng… lại là những nội dung mà khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình sẽ góp phần không nhỏ để thực thi các cam kết của nhà nước về các vấn đề có liên quan. Do đó, việc đưa các nội dung về CSR vào FTA thế hệ mới nói chung và của Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy việc thực hiện CSR ở góc độ doanh nghiệp mà còn góp phần thực thi thành công các cam kết của các nhà nước tham gia FTA.[11] Cụ thể:
– Lợi ích đối với việc thực hiện CSR: Khi các vấn đề về CSR được đưa vào các FTA, dù cách tiếp cận vẫn có thể mang tính tự nguyện, thì mức độ cam kết đã được nâng lên một cấp độ mới – cấp độ giữa các nhà nước tham gia FTA. Trường hợp các FTA của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, việc làm này sẽ mang đến một số lợi ích cụ thể cho việc thực hiện CSR là:[12] i) bảo đảm mức độ tương đồng giữa các quốc gia khi thực hiện CSR; ii) thúc đẩy việc xây dựng nguồn lực về CSR, trong đó có nguồn nhân lực; iii) tăng cường tính minh bạch và công bằng cho hệ thống giải quyết tranh chấp liên quan đến CSR.
– Lợi ích đối với việc thực thi các FTA: Các lợi ích cụ thể đối với việc bổ sung quy định về CSR vào FTA thế hệ mới thể hiện ở hai điểm chính là: i) thúc đẩy việc sử dụng các cơ chế đánh giá tác động và tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan trong quá trình thực thi FTA; ii) thiết lập các mạng lưới liên kết và chia sẻ kinh nghiệm.[13]
Vì vậy, trên cơ sở các lợi ích này, ngày càng nhiều FTA thế hệ mới đưa CSR trở thành một trong những nội dung điều chỉnh của mình.[14] Một số FTA thế hệ mới của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Các phân tích dưới đây sẽ phân tích cụ thể một số quy định liên quan đến CSR trong các hiệp định này.
4. Nội dung các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam
Trong số các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết và có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans – Pacific Agreement, CPTPP) là hiệp định duy nhất hàm chứa quy định điều chỉnh trực tiếp CSR. Tuy nhiên, trong nhiều FTA thế hệ mới, các quy định về CSR được thể hiện gián tiếp thông qua vai trò của doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết về môi trường và lao động.
4.1. Quy định trực tiếp về CSR trong CPTPP
Có thể thấy CPTPP là một hiệp định thể hiện rõ cam kết của các quốc gia thành viên về thực hiện CSR. Điều này thể hiện ở hai điểm chính:
Thứ nhất, thực hiện CSR là một trong những mục tiêu quan trọng mà các quốc gia thành viên CPTPP hướng đến.
Bên cạnh các mục tiêu về phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng văn hóa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ tri thức truyền thống, các bên tham gia CPTPP, trong lời nói đầu, đã “tái khẳng định tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”.[15] Có thể nói, khác với TPP,[16] việc CPTPP đưa nội dung về CSR vào lời nói đầu đã thể hiện khá mạnh mẽ mục tiêu và quyết tâm trong việc thực hiện CSR trong khuôn khổ của 11 quốc gia. Điều này có được là nhờ vào nỗ lực của Canada thuyết phục các quốc gia khác, sau khi Canada thành công đưa nội dung tương tự vào các hiệp định thương mại tự do với Peru, Colombia và Panama.[17] Tác động tích cực của việc làm này thể hiện ở điểm các nhà đầu tư, đã thực hiện tốt CSR sẽ có thể được hưởng lợi từ việc các quốc gia tăng cường và khuyến khích việc thực hiện CSR, có thể nhìn thấy từ Lời nói đầu của CPTPP một tín hiệu tích cực cho các hoạt động đầu tư của mình trong tương lai.
Thứ hai, cam kết về thực hiện CSR được đưa vào một số chương của CPTPP.
Chương 19[18] và 20[19] của CPTPP đã dành những điều khoản riêng để thể hiện cam kết của các quốc gia thành viên về CSR. Dù ngôn từ sử dụng có khác nhau ở hai Điều 19.7 và 20.10, nhưng cả hai điều khoản đều cho thấy các quốc gia CPTPP sẽ nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các sáng kiến, nguyên tắc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về lao động, môi trường trên cơ sở các sáng kiến, bộ nguyên tắc hoặc bộ quy tắc ứng xử đã được thừa nhận hoặc áp dụng ở phạm vi quốc tế. Có thể nói, một khi các cam kết này được các quốc gia thực hiện một cách nghiêm túc, chúng sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, tương đồng lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của 11 quốc gia thành viên trong việc triển khai và thực hiện các sáng kiến đó. Do đó, đây sẽ là một đóng góp quan trọng của CPTPP trong việc thực hiện CSR.
4.2. Quy định gián tiếp về CSR thông qua các quy định về môi trường và lao động trong các FTA thế hệ mới của Việt Nam
Dù nhiều FTA khác của Việt Nam không hàm chứa quy định trực tiếp về CSR, các doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện tốt CSR thông qua việc thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên về nhiều vấn đề thuộc nội hàm của CSR. Trong bài viết, tác giả tập trung làm rõ nội dung CSR được thể hiện gián tiếp thông qua các quy định về môi trường và lao động trong các FTA thế hệ mới của Việt Nam.
Về vấn đề môi trường, nội dung môi trường hay phát triển bền vững đề cập trong các FTA được xây dựng dựa trên mối quan tâm, lợi ích cũng như điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia tham gia đàm phán và ký kết. Hai hiệp định điển hình của Việt Nam có mức độ ràng buộc cao là CPTPP và EVFTA. Đối với CPTPP, các nội dung/ chủ đề liên quan đến “môi trường” được đưa vào thành những cam kết cụ thể bao gồm: Hiệp định đa phương về môi trường (MEAs), đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn, bảo vệ (ngăn ngừa ô nhiễm) môi trường biển từ tàu biển, đánh bắt hải sản, hàng hóa và dịch vụ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường. Trong EVFTA, các nội dung/ chủ đề liên quan đến “phát triển bền vững” được đưa vào thành những cam kết cụ thể bao gồm: MEAs, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, lâm nghiệp và các sản phẩm lâm nghiệp, tài nguyên biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nhãn sinh thái. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới cũng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với các FTA truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện. Trong các FTA thế hệ mới có nội dung môi trường hay phát triển bền vững gần đây như CPTPP, EVFTA đều sử dụng cơ chế tham vấn, riêng CPTPP có sử dụng thêm cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại).
Thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với môi trường thì tiêu chuẩn ISO 26000 được coi là bộ tiêu chuẩn toàn diện nhất về CSR. Tuy vậy, chính Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế cũng không đặt ra việc cấp giấy chứng nhận đối với ISO 26000. Việc thiết lập hệ thống quản lý theo hướng dẫn của ISO 26000, tuy vậy, là một tiêu chí quan trọng cho việc dán nhãn CSR đối với doanh nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng ISO 26000, các nước đều có hướng dẫn doanh nghiệp triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn có liên quan đến CSR như bộ tiêu chuẩn về môi trường ISO 14000. Tính đến thời điểm hiện tại, có không nhiều doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện, hay còn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề lao động, giả sử quốc gia A (nước phát triển hơn) có quan hệ thương mại với quốc gia B (nước kém phát triển hơn). Mặt bằng lương của người lao động ở nước A cao hơn nước B là chuyện dễ hiểu bởi nó phản ánh mức độ năng suất và phát triển của họ. Đây không phải là cạnh tranh không công bằng. Tuy nhiên, nếu nước B cho phép lao động chưa đủ tuổi tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong điều kiện làm việc không bảo đảm với mức lương thấp không thể chấp nhận được, trong khi nước A cấm việc này, thì đây có thể coi là cạnh tranh không công bằng, đi ngược lại các quy tắc đã thống nhất trên toàn cầu.[20] Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều yêu cầu các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Nói cách khác, các FTA thế hệ mới yêu cầu các quốc gia tham gia phải điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp với tám công ước của ILO. Việc thông qua các công ước này trên thực tế không khó, bằng chứng là Indonesia đã thông qua tám công ước này từ lâu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quan hệ lao động của nước đó được đưa lên một tầm phát triển mới, tốt hơn cho người lao động. Những nước chưa phê chuẩn các công ước cốt lõi này không có nghĩa rằng điều kiện lao động của họ tồi tệ. Ví dụ như Mỹ, họ mới chỉ phê chuẩn 3/8 công ước cốt lõi nhưng quan hệ lao động của họ rất phát triển. Mỹ cũng chính là nước đã buộc Việt Nam phê chuẩn các công ước quốc tế này. Vì vậy, phê chuẩn công ước không mang lại ngay lập tức tiến triển gì trong quan hệ lao động nhưng nó có tác dụng trong việc điều chỉnh luật quốc gia cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của ILO. Các công ước Việt Nam chưa phê chuẩn bao gồm công ước 87 (Tự do liên kết), công ước 98 (Quyền thương lượng tập thể) và 105 (Chống lao động cưỡng bức). Việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA có nghĩa là Việt Nam sẽ phải cân nhắc thông qua 03 công ước còn lại và lồng ghép vào hệ thống pháp luật quốc gia. Trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, Việt Nam có một thỏa thuận song phương với Mỹ, trong đó có những yêu cầu rất chi tiết như sửa điều khoản nào trong luật hiện nay, thêm bao nhiêu thanh tra lao động… và có mốc thời gian cụ thể để thực hiện cam kết đó. Thậm chí, còn có cả chế tài nếu Việt Nam không thực hiện đúng cam kết. Trong khi đó, CPTPP và EVFTA không yêu cầu chi tiết như vậy. Những FTA này chỉ yêu cầu Việt Nam và các quốc gia thành viên khác phải tuân thủ công ước lao động cốt lõi của ILO và phải sửa luật pháp quốc gia sao cho phù hợp.Còn hiểu thế nào là phù hợp thì Hiệp định CPTPP và EVFTA không quy định chi tiết. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam vì không hẳn việc triển khai quyền lao động cốt lõi theo cách mà Việt Nam cam kết với Mỹ đã là hay trong bối cảnh hiện nay. Trong hoàn cảnh hiện tại, thực hiện CSR là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện CSR của doanh nghiệp Việt Nam chính là thực hiện tối đa các quy tắc ứng xử của doanh nghiệp trong hơn 1000 Bộ Quy tắc ửng xử do các công ty đa quốc gia xây dựng, trong đó có SA8000 do Tổ chức Quốc tế về trách nhiệm xã hội của Mỹ xây dựng (Social Accountability International, SAL).[21] Trên bình diện rộng hơn, nỗ lực đưa CSR trở thành một thông lệ quốc tế phổ biến. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã công bố tiêu chuẩn ISO 26000 chỉ để hướng dẫn doanh nghiệp tự mình xây dựng các bộ quy tắc ứng xử hay phát triển cho mình những tiêu chí CSR. Khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp muốn hội nhập vào thị trường quốc tế, chắc chắn phải thực hiện các CSR một cách tự nguyện vì các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện tốt điều đó, thông qua bộ quy tắc ứng xử, doanh nghiệp kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện các quy định của luật pháp lao động Việt Nam và yêu cầu của bạn hàng, giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích xã hội, giữa quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động.
Để bảo đảm thực thi tốt các quy định về CSR trong FTA thế hệ mới, Nhà nước và doanh nghiệp ở Việt Nam cần lưu ý những vấn đề cụ thể dưới đây:
* Đối với Nhà nước:
– Tăng cường tuyên truyền đối với các doanh nghiệp về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện CSR. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt tập huấn bắt buộc cho lãnh đạo các doanh nghiệp, các hội nghị, hội thảo khoa học… Hơn nữa, việc tuyên truyền này cần được mở rộng đến cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô… Đồng thời, nội dung của việc thực hiện CSR, các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan phải được phổ biến đầy đủ và rõ ràng đến các doanh nghiệp.
– Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan đến CSR nói chung, trách nhiệm đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường nói riêng.
– Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực, phẩm trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất theo công nghệ sạch. Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội, sự giám sát của nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện CSR ở Việt Nam hiện nay.[22]- Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các doanh nghiệp tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng trách nhiệm xã hội, thương hiệu “xanh”, cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng…
* Về phía các doanh nghiệp:- Cần thay đổi nhận thức về việc thực hiện CSR, đặc biệt là đối với đội ngũ các nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức kinh doanh hay các hoạt động từ thiện theo cách hiểu mang tính truyền thống; không phải là các hoạt động đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ chi phí mà không đem lại lợi ích kinh tế, ngược lại, thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường.
– Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Việc thực hiện CSR theo ý nghĩa đầy đủ và đích thực không phải là một vấn đề đơn giản và nằm trong khả năng giải quyết tức thì của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bởi sự hạn chế của nhận thức, của các yếu tố nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực trình độ cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình phù hợp trong việc từng bước thực hiện những nội dung trách nhiệm xã hội không chỉ phù hợp với các chuẩn mực chung, mà còn được các chủ thể có liên quan chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu.
Như đã phân tích, tham gia, ký kết các FTA thế hệ mới trong thời gian vừa qua hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng như thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới. Đối với các FTA như CPTPP và EVFTA, trong điều kiện hiện nay, các nghĩa vụ về môi trường và lao động mà Việt Nam cam kết đã nảy sinh một số vấn đề cần phải chuẩn bị và giải quyết trước khi các hiệp định này có hiệu lực. Đây cũng là những vấn đề có tính rủi ro cao, dễ dẫn đến phát sinh tranh chấp thương mại trong quá trình thực thi. Thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong các thỏa thuận quốc tế và pháp luật quy định trong nước về môi trường và lao động không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, trong khuôn khổ các FTA, các nghĩa vụ này trở thành rào cản lớn đối với các ràng buộc và điều chỉnh về thương mại. Đặc biệt là một quốc gia đang phát triển, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan đến môi trường cam kết trong các FTA đặt ra những thách thức và khó khăn không nhỏ cho Việt Nam.
CHÚ THÍCH
[1] Phạm Văn Đức, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách”, http://luatminhkhue.vn/chuyen-doi/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-o-viet-nam-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-cap-bach.aspx, truy cập ngày 20/12/2018.
[2] World Bank, Public Policy for Corporate Social Responsibility, July 2003, p. 5, http://web.worldbank.org/archive/website01006/WEB/IMAGES/PUBLICPO.PDF, truy cập ngày 25/12/2018.
[3] S. Prakash Sethi, “Dimensions of Corporate Social Performance: An Analytical Framework”, California Management Review, Vol. 17, No. 3, p. 58 – 64.
[4] Archie B. Carrol, “Corporate Social Responsibility: Evolution of a Definitional Construct”, Business and Society, Vol. 38, No. 3, 1999, p. 268-295.
[5] World Business Council for Sustainable Development, “The Business Cases for Sustainable Development – Making a Difference toward the Johennesburg Summit 2000 and Beyond”, p. 6, http://www.wbcsd.org/DocRoot/pqdWO9Vla54Y71qdgnf0/business-case.pdf, truy cập ngày 25/12/2018.
[6] Nguyễn Ngọc Hà, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 39, 2009, tr. 34 – 44.
[7] Lê Đăng Doanh, “Một số vấn đề trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học, số 3, 2009, tr. 29 – 33.
[8] International Institute for Sustainable Development, Business Strategy for Sustainable Development: Leadership and Accountability for the “90s”, DIANE Publishing, 1994, p. 10.
[9] World Trade Organization, World Trade Report 2011: The WTO and preferential trade agreements: From co-existence to coherence”, Geneva, 2011, p. 129.
[10] Christopher Stevens et al.,The Impact of free trade agreements between developed and developing countries on economic development in developing countries: Rapid evidence assessment, Overseas Development Institute, 2015, p. 20-22.
[11] United Nations Environment Programme, Corporate Social Responsibility and Regional Trade and Investment Agreemens, 2011, p. 27-29.
[12] United Nations Environment Programme, tlđd, p. 27-28.
[13] United Nations Environment Programme, tlđd, p. 28-29.
[14] Rafael Peels and al.,“Corporate Social Responsibility in International Trade and Investments: Implications for States, Business and Workers”, ILO Research Paper No. 13, April 2016, p. 16-17.
[15] Đoạn thứ 6, Lời nói đầu của CPTPP.
[16] CSR không xuất hiện trong Lời nói đầu của TPP.
[17] John A. Terry and al., “Canada: Free Trade Deal Reached After 11 Countries Sign CPTPP”, March 14, 2018, xem tại: http://www.mondaq.com/canada/x/682926/international+trade+investment/Free+Trade+Deal+Reached+After+11+Countries+Sign+CPTPP, truy cập ngày 25/12/2018.
[18] Điều 19.7 quy định: “Mỗi Bên sẽ nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện thông qua các sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về các vấn đề lao động đã được Bên đó xác nhận hoặc hỗ trợ”.
[19] Điều 20.10 quy định: “Mỗi bên phải nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ hoặc quyền tài phán của mình tự nguyện áp dụng/đưa vào các chính sách và hoạt động của mình các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan đến môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận và các hướng dẫn đã được Bên đó chấp nhận hoặc ủng hộ”.
[20] Ý kiến của Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, báo kinh tế Sài Gòn.
[21] SA8000 là bộ tiêu chuẩn dựa trên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và một loạt các công ước khác của ILO liên quan đến điều kiện và thời gian làm việc, an toàn lao động, bình đẳng trong sử dụng lao động. SA8000 có các quy định về CSR như sau: Lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; An toàn và vệ sinh lao động; Tự do hiệp hội và quyền thỏa ước lao động tập thể; Phân biệt đối xử; Xử phạt; Giờ làm việc; Trả công; Hệ thống quản lý.
[22] European Commission, Directorate-Genaral for Employment, Social Affairs and Equal Opportunities, Unit D2: Corporate Social Responsibility – National Public Policies in the Europrean Union, 2011, tr. 7.
- Tác giả: ThS. Phùng Thị Yến
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(124)/2019 – 2019, Trang 80-92
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý