Quy định về nhân quyền trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hướng thực thi đối với Việt Nam
TÓM TẮT
Bài viết so sánh các quy định về nhân quyền trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hai FTA thế hệ mới tiêu biểu mà Việt Nam đã đàm phán, lý giải sự khác nhau căn bản trong cách tiếp cận về nhân quyền trong hai hiệp định này phản ánh cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá tầm quan trọng của các quy định về nhân quyền trong việc thiết lập “luật chơi” mới của thương mại toàn cầu, đồng thời nghiên cứu tác động của các quy định về nhân quyền trong các FTA thế hệ mới tới pháp luật Việt Nam.
Xem thêm:
- Quan điểm của Tòa án công lý Châu Âu ngày 16/5/2017 về Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu và Singapore: Nội dung chính và các tác động – TS. Ngô Quốc Chiến
- Sự phát triển của tiêu chuẩn đối xử công bằng và thỏa đáng trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền
- Quyền tự do lập hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và những thách thức đặt ra cho Việt Nam – ThS. Ngô Thị Trang
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVIPA): Những điểm tiến bộ và thách thức khi thực thi – ThS. Nguyễn Thị Nhung
- Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những thách thức với Việt Nam khi thực thi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ – ThS. Hồ Thúy Ngọc
- Tổng quan về quyền con người trong pháp luật lao động – TS. Đào Mộng Điệp
- Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự – TS. Hoàng Anh Tuyên
- Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hành chính của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay – ThS. Lê Ngọc Duy
- Quyền con người sống trong môi trường trong lành và việc sửa đổi Hiến pháp 1992 – ThS. Trần Thị Trúc Minh
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
TỪ KHÓA: FTA, Hiệp định thương mại tự do, Quyền con người,
Các FTA gần đây mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là EVFTA[1] và CPTPP,[2] phần lớn thuộc nhóm các FTA thế hệ mới; trong đó bên cạnh các quy định về tự do hóa thương mại còn có nhóm quy định phi thương mại, nổi bật là vấn đề nhân quyền. Các quy định này không chỉ dừng lại ở những “tuyên bố” hay “khẩu hiệu” mà được xây dựng như một phần thống nhất trong chiến lược phát triển thương mại toàn cầu với các quy định chặt chẽ và cơ chế thực thi mang tính ràng buộc cao. Phạm vi điều khoản về nhân quyền trong FTA cũng được mở rộng, bao gồm (i) các quyền dân sự và chính trị (quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng… – nhóm nhân quyền thế hệ thứ nhất), (ii) quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền đối với giáo dục, quyền biểu tình, quyền nghỉ ngơi và giải trí… – nhóm nhân quyền thế hệ thứ hai) và (iii) các quyền liên quan tới môi trường, hòa bình và phát triển (nhóm nhân quyền thế hệ thứ ba).
Câu hỏi đặt ra là: tại sao các quốc gia lại đưa giá trị nhân quyền vào các cuộc đàm phán thương mại? Vấn đề nhân quyền được quy định như thế nào trong các FTA thế hệ mới, đặc biệt là các FTA có liên quan tới Việt Nam? Quá trình thực thi các cam kết này sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam? Để trả lời các câu hỏi trên, bài viết sẽ tìm cách lý giải nguyên nhân của việc đưa vào FTA các quy định về nhân quyền và phân tích nội dung của các quy định về nhân quyền trong EVFTA và CPTPP.
Hoa Kỳ và EU đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập “luật chơi” thương mại quốc tế và cũng là những đối tác tích cực trong việc đưa ra các quy định về nhân quyền vào FTA thế hệ mới. Với EU, sự xuất hiện điều khoản về nhân quyền trong các FTA là một phần trong chính sách đối ngoại toàn diện với mục tiêu “Âu hóa” các giá trị nhân quyền thông qua ảnh hưởng về thương mại của EU. Trong khi đó, các quy định về nhân quyền trong CPTPP chịu sự ảnh hưởng lớn của Hoa Kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement, TPP) – tiền thân của CPTPP, nhưng quy định về nhân quyền trong CPTPP vẫn thể hiện rõ nét cách tiếp cận của Hoa Kỳ về thương mại và nhân quyền. Phần tiếp theo sẽ phân tích sâu hơn về hai cách tiếp cận này.
1. Cách tiếp cận của Liên minh châu Âu
Trước sự nổi lên của các nền kinh tế mới đặc biệt là Trung Quốc, chính sách đối ngoại của EU có nhiều thay đổi quan trọng nhằm giành ảnh hưởng lớn hơn trong một trật tự thế giới mới.[3] Như được khẳng định trong Hiệp ước Lisbon,[4] một trong các sứ mệnh của EU là góp phần vào “hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới, […] ủng hộ và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, thương mại tự do và công bằng, xóa bỏ sự nghèo khó và bảo vệ nhân quyền […]”.[5] EU mong muốn tác động tới các nước đối tác, nhất là các nước đang phát triển để phổ biến rộng rãi các nguyên tắc về nhân quyền, nhà nước pháp quyền, minh bạch và dân chủ theo quan điểm của EU. Để làm được điều này, giá trị nhân quyền đã được EU gắn vào như một điều kiện đi kèm với các lợi ích thương mại. Trong Nghị quyết ngày 25/11/2010 về nhân quyền, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu yêu cầu bổ sung một loạt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và nhân quyền trong tất cả các FTA mà EU đàm phán với các nước khác.[6]
Từ những năm 1990, EU đã mong muốn phát triển một chính sách đối ngoại toàn diện và khởi xướng các hiệp định quốc tế có phạm vi rộng, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Khu vực mà EU dành sự quan tâm trước hết là các quốc gia châu Á và các nước nằm trong khối Liên bang Xô Viết cũ. Ban đầu, các nước này sẽ được đề nghị ký kết hiệp định hợp tác toàn diện với EU, thường dưới dạng các hiệp định đối tác toàn diện (Partnership Cooperation Agreement, PCA). Sau khi thống nhất nội dung PCA, trong đó các quy định về nhân quyền thường nằm trong nhóm các điều khoản chủ yếu, các bên mới tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại. Bằng cách này, EU có thể gây sức ép tới các quốc gia khác, buộc đối tác chấp nhận các nguyên tắc nhân quyền của EU để đổi lại lợi ích thương mại thu được từ thị trường rộng lớn này.[7] Sau đó, EU mong muốn sử dụng chiến lược này với hầu hết các đối tác thương mại của mình nhằm “Âu hóa” các giá trị nhân quyền trên phạm vi toàn cầu. Các điều khoản nhân quyền đã được đưa vào trong các hiệp định của EU với hơn 120 quốc gia trên thế giới.[8] Ví dụ, trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại với Nhật Bản, EU đã yêu cầu ký kết “gói hiệp định” bao gồm (i) Hiệp định đối tác chiến lược (Strategic Partnership Agreement, SPA), trong đó các điều khoản nhân quyền được đưa vào nhóm quy định cốt lõi và (ii) Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện (Economic Cooperation Agreement, ECP).[9] Điều tương tự cũng diễn ra trong các đàm phán FTA của EU với các đối tác khác như Úc, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.[10]
2. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ
Khác với EU, chính sách thương mại của Hoa Kỳ được đánh giá là thiếu thống nhất và khó xác định, phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, chính trị từng thời kỳ và với từng đối tác.[11] Bên cạnh các lợi ích thương mại, các nội dung liên quan tới nhóm quyền con người thế hệ thứ hai và thứ ba như lao động, môi trường, an sinh xã hội, phát triển bền vững… cũng ngày càng được quan tâm trong các cuộc đàm phán FTA của Hoa Kỳ. Điều này xuất phát từ áp lực của các nhà sản xuất và người lao động trong nước. Một mặt, các nhà sản xuất Hoa Kỳ cho rằng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh của những nhà sản xuất nước ngoài nơi có các quy định dễ dàng về điều kiện làm việc và các tiêu chuẩn môi trường thấp hơn so với Hoa Kỳ. Mặt khác, những tác động bất lợi của tự do hóa thương mại ngày càng được bộc lộ rõ, đặt người lao động Mỹ vào tình thế khó khăn. Thương mại tự do tạo áp lực giảm tiền lương đối với lao động chân tay, buộc các nhà máy Mỹ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở các quốc gia khác, nơi có các quy định “dễ dàng hơn” về môi trường và lao động. Trước tình thế đó, các nhà máy này buộc phải chuyển sản xuất ra nước ngoài (dẫn tới tình trạng mất việc làm của người lao động trong nước). Người Mỹ cho rằng họ đã “hy sinh” quá nhiều cho sự phát triển của thương mại tự do nhưng lại nhận được quá ít, trong khi phần lớn lợi ích lại thuộc về các đối tác thương mại, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.[12]
Chính vì vậy, để tái thiết lập một cơ chế thương mại công bằng và bình đẳng, những vấn đề “phi thương mại” được Hoa Kỳ đưa ra trong quá trình đàm phán FTA, ví dụ như cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.[13] Đặc biệt, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, Đảng Dân chủ chiếm phần lớn ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện, khiến cho các cuộc đàm phán FTA của Hoa Kỳ với Peru, Panama, Colombia và Hàn Quốc trở nên rất khó khăn. Đảng Dân chủ chỉ trích chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Bush vì gây ra tình trạng mất việc làm và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và yêu cầu quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nhân quyền và phát triển bền vững trong chính sách thương mại.[14] Sau căng thẳng kéo dài, cuối cùng vào ngày 10/5/2007, hai Đảng đã đạt được sự đồng thuận thể hiện tại Thỏa thuận của hai đảng về chính sách thương mại ngày 10/05/2007.[15] Thỏa thuận này được coi là cơ sở cho chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ, đưa ra một loạt các điều kiện, tiêu chuẩn mới mà cơ quan đại diện Hoa Kỳ phải đàm phán trong FTA trong đó có các quy định về lao động và môi trường. Những nội dung này sau đó đã được đưa vào các FTA của Hoa Kỳ ở cả cấp độ song phương (tiêu biểu như FTA Hoa Kỳ – Hàn Quốc) và ở cấp độ đa phương như TPP. Đây là cơ sở để Hoa Kỳ đàm phán các điều khoản trong TPP với các tiêu chuẩn chặt chẽ về môi trường và lao động được đưa thành những chương riêng trong Hiệp định. Các nội dung này sau đó được giữ lại trong CPTPP.[16]
Quyền con người đã trở thành một trong những nội dung chính được thảo luận trong các cuộc đàm phán FTA thế hệ mới. Ví dụ, trong Lời mở đầu của EVFTA, các bên
“Tái khẳng định những cam kết trong Hiến chương của Liên hiệp quốc ký tại San Francico ngày 26/06/1945 và các nguyên tắc ghi nhận trong Tuyên bố chung về nhân quyền được thông qua bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 10 tháng 12 năm 1948” và “Khẳng định củng cố mối quan hệ đầu tư, thương mại và kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững trong khía cạnh về môi trường, xã hội và kinh tế, và thúc đẩy thương mại và đầu tư theo Hiệp định này theo phương thức chú trọng tới các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn và hiệp định được thừa nhận ở phạm vi quốc tế”.
Tương tự, ngay những dòng đầu tiên trong CPTPP đã được dành để tái khẳng định mục tiêu:
“Thiết lập một thỏa thuận khu vực toàn diện nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế để tự do hóa thương mại và đầu tư, đem tới sự phát triển kinh tế và các lợi ích xã hội, tạo ra cơ hội mới cho người lao động và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, mang lợi ích cho người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững”.
Trong cả EVFTA và CPTPP, vấn đề nhân quyền được đề cập tới có phạm vi khá rộng, từ nhóm quyền thế hệ thứ nhất (quyền sống, quyền tự do,…) tới các nhóm quyền thế hệ thứ hai và thứ ba (các quyền về văn hóa, xã hội, kinh tế, lao động, môi trường…). Các điều khoản về sức khỏe con người, bảo vệ động thực vật (trong các chương về về các biện pháp vệ sinh dịch tễ, nguyên tắc đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại) về cơ bản là không có sự khác biệt lớn (cách tiếp cận tương tự như trong các hiệp định của WTO). Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích những quy định về các khía cạnh khác của nhân quyền (quyền đối với môi trường sống và các nhóm quyền xã hội), từ đó làm nổi bật những điểm giống, khác nhau trong cách tiếp cận của hai hiệp định này.
3. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: tiếp cận toàn diện hướng tới phát triển bền vững
Các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một khung pháp lý toàn diện cho một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và EU được bắt đầu từ tháng 11/2007. Tháng 10/2010, Hiệp định khung Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (Partnership and Cooperation Agreement, PCA) được ký kết bên lề Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 8 tại Bỉ, và sau đó tới ngày 27/6/2012, PCA được ký chính thức.[17] Ngay tại Điều 1 của PCA, các bên đã khẳng định cam kết “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, như quy định trong Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên hợp quốc về nhân quyền và những văn kiện quốc tế về nhân quyền có liên quan” và nguyên tắc này là “một yếu tố thiết yếu của Hiệp định này”.[ 18] Trên cơ sở đó, Việt Nam và EU đã tiếp tục đàm phán EVFTA.[19] Lời mở đầu của EVFTA quy định mối quan hệ hợp tác thương mại giữa các bên phải dựa trên những nguyên tắc và giá trị được phản ánh trong PCA, trong đó có các giá trị nhân quyền. Cụ thể hơn, đoạn 2, Điều 17.22 EVFTA khẳng định EVFTA là một phần của quan hệ song phương tổng thể theo quy định tại PCA. Ngoài ra, đoạn 2, Điều 17.18 EVFTA quy định trong trường hợp một bên vi phạm cơ bản PCA (bao gồm vi phạm các nguyên tắc về nhân quyền), thì bên kia có quyền áp dụng các biện pháp thích hợp theo quy định của Hiệp định này. Điều này có thể được hiểu là khi một bên vi phạm các cam kết về nhân quyền thì bên kia có quyền tạm ngưng một số ưu đãi đã cam kết trong EVFTA.
Ngoài ra, vấn đề phát triển bền vững chiếm một vị trí quan trọng trong EVFTA, trong đó chú trọng tới khía cạnh quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.[20]
Về lao động, EVFTA dẫn chiếu tới các thông lệ và công ước quốc tế trong khuôn khổ các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organization, ILO), qua đó tái khẳng định tầm quan trọng của các Công ước ILO trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các Bên tái khẳng định sự cam kết, thúc đẩy các tiêu chuẩn về quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc theo Tuyên bố ILO về các nguyên tắc và quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc. Tại đoạn 3, Điều 13.4 EVFTA khuyến khích (nhưng không bắt buộc) mỗi Bên:
“(a) nỗ lực và ủng hộ việc gia nhập các Công ước cốt lõi của ILO mà Bên đó chưa phải là thành viên,
(b) xem xét việc gia nhập các Công ước khác được cập nhật bởi ILO trên cơ sở xem xét các điều kiện trong nước, và
(c) trao đổi thông tin với Bên còn lại về việc gia nhập các Công ước tại Đoạn (a) và (b) nêu trên”.[21]
Phần lớn các điều khoản khác ở Chương này có một điểm chung là cách tiếp cận “mềm dẻo và linh hoạt” với ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là “thừa nhận”, “tái khẳng định”, “thúc đẩy”, “hỗ trợ”… Ngoài ra, trong Chương cũng không quy định về chế tài hoặc biện pháp xử lý nếu có hành vi vi phạm.
Tương tự, với các quy định về môi trường, các Bên tiếp tục dẫn chiếu tới các hiệp định môi trường đa phương. Tại Điều 13.5, các Bên thừa nhận giá trị của các hiệp định và cơ chế hợp tác đa phương về bảo vệ môi trường của cộng đồng quốc tế để ứng phó với các thách thức về môi trường và nhấn mạnh sự tác động tương hỗ giữa thương mại và môi trường. Do đó, các Bên cam kết “tham vấn và hợp tác, trong phạm vi có thể, liên quan tới các vấn đề môi trường có liên quan tới thương mại vì lợi ích của cả hai bên”[22]. Với việc sử dụng các từ như “thừa nhận tầm quan trọng”,[23] “khẳng định hoặc tái khẳng định các cam kết”,[24] “khuyến khích”,[25] “thúc đẩy”,[26] “hợp tác”[27] và “tăng cường hợp tác”… các quy định này mang tính chất “tuyên bố” và “khuyến khích” sự hợp tác của các Bên nhiều hơn là đặt ra những nghĩa vụ ràng buộc pháp lý. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong khi sự vi phạm các quyền con người cơ bản (nhóm quyền con người thế hệ thứ nhất) bị coi là vi phạm cơ bản PCA, thì sự vi phạm các quy định về môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA chỉ được giải quyết theo các cơ chế thân thiện thông qua tham vấn chính phủ[28] và ý kiến của hội đồng chuyên gia[29] (các tranh chấp liên quan tới Chương 13. Thương mại và phát triển bị loại trừ trong phạm vi áp dụng của cơ chế giải quyết tranh chấp chung của EVFTA)[30].
4. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: tập trung vào những khía cạnh nhân quyền liên quan tới thương mại
Trong CPTPP,[31] mối quan hệ giữa nhân quyền và thương mại không được đề cập một cách trực tiếp như trong EVFTA. Ngược lại, Hiệp định này giải quyết một số khía cạnh riêng biệt về nhân quyền như: Lao động (Chương 19), Môi trường (Chương 20) và Phát triển (Chương 23). Nghiên cứu các quy định của CPTPP cũng cho thấy cách tiếp cận hẹp nhưng chi tiết và mang tính ràng buộc cao hơn so với quy định của EVFTA, với cách “thiết kế” điều khoản thể hiện rõ mục tiêu thúc đẩy thương mại công bằng.
Về vấn đề lao động, tương tự như EVFTA, CPTPP nhắc lại các cam kết chung và dẫn chiếu tới các công ước của ILO (Điều 19.2). Cụ thể hơn, CPTPP quy định các bên có nghĩa vụ ban hành và duy trì luật cũng như các quy định để bảo đảm các quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động gồm: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; bãi bỏ hiệu quả lao động trẻ em; và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Điều 19.3). Ngoài ra, các bên cam kết không hạ thấp, từ bỏ các tiêu chuẩn lao động để thúc đẩy đầu tư và thương mại (Điều 19.4). Nói cách khác, Hiệp định thiết lập các tiêu chuẩn lao động tối thiểu mà pháp luật quốc gia phải tôn trọng trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách phát triển thương mại, đầu tư.
Ngoài ra, các bên trong CPTPP cũng có nghĩa vụ thực thi hiệu quả pháp luật về lao động (Điều 19.5) và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Điều 19.6), bảo đảm một cơ chế thực thi pháp luật lao động hiệu quả mà những người có quyền lợi bị xâm phạm có thể tiếp cận (Điều 19.8). Như vậy, bên cạnh nghĩa vụ ban hành pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn lao động tối thiểu, CPTPP còn chú trọng tới vấn đề thực thi pháp luật – đây là một nội dung còn chưa được quan tâm đúng mức trong EVFTA.
Về cơ chế giám sát, thi hành, CPTPP thiết lập một Ủy ban Lao động bao gồm đại diện chính phủ cấp bộ trưởng hoặc ở mức độ khác tùy theo các bên để xem xét, giám sát, hướng dẫn các bên trong việc thi hành các quy định trong Chương 19 về Lao động.[32] Ủy ban sẽ cung cấp các phương tiện để tiếp nhận và xem xét ý kiến của các đối tượng có lợi ích liên quan về các vấn đề lao động và khuyến khích sự tham gia của công chúng về các vấn đề liên quan tới lao động.[33] Với các tranh chấp phát sinh liên quan tới quy định tại Chương 19, các bên phải trước hết giải quyết thông qua hợp tác và tham vấn. Nếu không thể giải quyết được vấn đề sau 60 ngày kể từ khi một bên yêu cầu tham vấn, các bên mới có thể sử dụng tới cơ chế giải quyết tranh chấp chung quy định tại Chương 28 của Hiệp định.[34]
Đối với vấn đề môi trường, các điều khoản trong CPTPP về mặt nội dung không có sự khác biệt cơ bản so với EVFTA. Trong khi thừa nhận quyền tự chủ của các nước trong việc ban hành pháp luật bảo vệ môi trường,[35] các bên nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc kết hợp và hỗ trợ giữa các chính sách thương mại và môi trường hướng tới phát triển bền vững (Điều 20.3). Điều 20.3 cũng yêu cầu các bên bảo đảm nâng cao các tiêu chuẩn và mức độ bảo vệ môi trường trong quá trình ban hành chính sách và pháp luật. Đây là một nội dung quan trọng đối với Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật môi trường. Các điều khoản tiếp theo quy định cụ thể về các khía cạnh khác nhau trong bảo vệ môi trường đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như bảo vệ môi trường biển chống lại sự ô nhiễm từ tàu thuyền (Điều 20.6), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Điều 20.10), thương mại và đa dạng sinh học (Điều 20.13), đánh bắt cá trên biển (Điều 20.16), hàng hóa, dịch vụ môi trường (Điều 20.18),…
Điểm khác biệt của CPTPP (so với EVFTA) tuy nhiên lại nằm ở các quy định về thể chế giám sát và thực thi. Mỗi bên sẽ lập một cơ quan đầu mối liên hệ để hỗ trợ việc liên hệ giữa các bên trong thực thi các quy định trong Chương 20 về môi trường, đồng thời lập ra một Ủy ban Môi trường để thúc đẩy sự hợp tác, báo cáo thường xuyên về việc thực thi các quy định của Chương này, thảo luận và rà soát việc thực thi các quy định của Chương này (Điều 20.19). Hiệp định cũng quy định cụ thể về các vấn đề liên quan tới cơ chế hợp tác (Điều 20.12), tham vấn thông qua các đầu mối chính phủ (Điều 20.20), các vấn đề về thủ tục (Điều 20.7). Ngoài ra, đối với các vấn đề phát sinh liên quan tới giải thích và áp dụng các quy định của Chương 20 sẽ trước hết giải quyết thông qua 3 bước tham vấn: (i) tham vấn về môi trường thông qua các điểm tiếp nhận thông tin của các bên, (ii) tham vấn đại diện cấp cao khi đó đại diện của Bên bị yêu cầu tham vấn trong Ủy ban Môi trường phải tham gia tham vấn, và (iii) tham vấn cấp bộ trưởng. Nếu 3 bước tham vấn trên không thành, các bên có thể bắt đầu sử dụng tới cơ chế giải quyết tranh chấp chung của Hiệp định.
Đối với các quy định về phát triển, CPTPP khẳng định cam kết mở cửa môi trường đầu tư, thương mại nhằm cải thiện phúc lợi xã hội, giảm nghèo, nâng cao mức sống và tạo cơ hội việc làm để phát triển (Điều 23.1). Hiệp định cũng quan tâm tới vai trò của nữ giới trong sự phát triển kinh tế, tạo điều kiện để nữ giới có thể để thúc đẩy khả năng của phụ nữ để họ có thể tiếp cận các lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại, bao gồm các hoạt động đào tạo, trao đổi chuyên gia, thông tin, và kinh nghiệm… (Điều 23.4). Một điểm cần lưu ý là sự khác biệt về cơ chế thực thi và giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định tại Chương 23 về Phát triển. Khác với Chương 19 về Lao động và Chương 20 về Môi trường cho phép các bên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp chung của CPTPP, Chương 23 loại trừ phạm vi áp dụng của cơ chế giải quyết tranh chấp này. Nói cách khác, trong trường hợp một bên vi phạm các quy định tại Chương 23 thì các bên còn lại cũng không thể đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp chung theo CPTPP.
5. Một số đánh giá về các quy định nhân quyền trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương
Nghiên cứu quy định liên quan tới nhân quyền trong CPTPP và EVFTA cho thấy điểm khác biệt đáng chú ý là sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai hiệp định. Trong khi EVFTA đề cập vấn đề nhân quyền ở phạm vi rộng thì CPTPP lại có cách tiếp cận cụ thể, tập trung vào một số nhóm quyền nhất định có liên quan chặt chẽ tới thương mại. Ngoài ra, CPTPP cũng quan tâm nhiều hơn tới việc thực thi các quy định pháp luật với cơ chế thực thi mang tính ràng buộc cao hơn. Điều này một phần có thể giải thích bởi sự khác biệt về mục tiêu ban đầu khi đưa ra các quy định về nhân quyền trong hai hiệp định này. Vấn đề nhân quyền được EU đưa vào các FTA trong một chiến lược toàn diện nhằm phổ biến và tăng tầm ảnh hưởng của các giá trị châu Âu và sử dụng thương mại như một công cụ để thúc đẩy quá trình này. Trong khi đó, CPTPP lại chú trọng hơn tới mục tiêu thương mại công bằng, và việc hài hòa hóa và “tiêu chuẩn hóa” quy định pháp luật về quyền con người được sử dụng như một yếu tố tạo ra luật chơi chung về thương mại cho các quốc gia.
Mặc dù vậy, cả EVFTA và CPTPP đều khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa nhân quyền và tự do hóa thương mại. Một mặt, thương mại toàn cầu hiện nay không chỉ hướng tới các lợi ích kinh tế mà còn cả các mục đích xã hội và giá trị nhân văn, trong đó có quyền con người. Trong xu hướng này, các quốc gia sử dụng FTA không chỉ để thúc đẩy tự do hóa thương mại mà còn để nâng cao tiêu chuẩn sống, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững. Ví dụ như thông qua việc đưa các điều khoản nhân quyền thế hệ thứ nhất vào nội dung cốt lõi trong PCA, EU đã biến nghĩa vụ bảo đảm nhân quyền trở thành một điều kiện trong đàm phán EVFTA, tạo ra một cơ chế tiềm năng nhằm giám sát và thực thi các cam kết về nhân quyền quốc tế. Trên thực tế, mặc dù các quốc gia đã tham gia ký kết các hiệp định quốc tế về nhân quyền, cơ chế thực thi trong các hiệp định này chưa đủ mạnh, chủ yếu dựa trên sự tự nguyện thi hành của các bên. Chính vì vậy, với việc gắn nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền với các quyền lợi về thương mại, các nền kinh tế phát triển như EU và Hoa Kỳ đang tạo ra động lực thúc đẩy sự tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc quốc tế về nhân quyền.[36] Mặt khác, sự xuất hiện của các quy định về nhân quyền (đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan mật thiết với thương mại như lao động, môi trường,…) là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thương mại toàn cầu, đặc biệt trước sự đe dọa quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Hiện nay, ngày càng nhiều người chỉ trích những tác động xấu của tự do hóa thương mại như tình trạng mất việc làm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phân biệt giàu nghèo… Sự ra đời của các quy định về nhân quyền trong FTA thế hệ mới là cần thiết để “thiết lập” sự cân bằng giữa lợi ích thương mại và lợi ích phi thương mại trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đưa các quy định nhân quyền vào FTA cũng gặp phải nhiều quan điểm trái chiều. Dưới góc độ pháp luật về nhân quyền, phạm vi quyền con người trong các điều khoản cũng được cho là chưa đủ rộng: chỉ tập trung vào một số khía cạnh nhất định (ví dụ như trong CPTPP thì chú trọng tới nhóm quyền liên quan tới lao động và môi trường, trong khi cơ chế hiệp định “kép” theo PCA và EVFTA lại đặt các nhóm quyền con người thế hệ thứ nhất vào nội dung cốt lõi). Bên cạnh đó, dưới góc độ thương mại tự do, một số quan điểm cho rằng việc đưa các điều khoản về quyền con người vào FTA, đặc biệt nếu coi đây là một điều kiện tiên quyết trong đàm phán FTA là không phù hợp.[37] Về bản chất thì nhân quyền là một vấn đề chính trị/ xã hội và không phải mục đích cơ bản mà các hiệp định thương mại theo đuổi. Các điều khoản về quyền con người có thể ngăn cản việc đàm phán và ký kết FTA. Ví dụ như việc đàm phán FTA giữa EU và Australia, giữa EU và New Zealand đã bị kéo dài do EU cố gắng đưa các điều khoản về quyền con người vào hiệp định trong khi Australia, New Zealand và Indonesia không chấp nhận các điều khoản nhân quyền theo quan điểm của EU.[38] Không những thế, sự xuất hiện của các điều khoản về nhân quyền trong FTA được cho là một dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ – đi ngược lại với mục đích tự do hóa thương mại của FTA. Các quy định này có thể được sử dụng như một lý do để các quốc gia thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại, tạo ra thêm gánh nặng đối với quá trình tự do hóa thương mại, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Ngoài ra, quan điểm về nhân quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc rất lớn vào thể chế chính trị, truyền thống, văn hóa của quốc gia đó. Vì vậy, rất khó để hài hòa hóa và tạo ra các tiêu chuẩn chung trên phạm vi toàn cầu.[39]
Mặc dù việc đưa điều khoản về nhân quyền vào FTA còn là một vấn đề gây tranh cãi, thực tiễn cho thấy xu hướng ngày càng nhiều FTA thế hệ mới đưa ra các nội dung này. Từ góc độ của Việt Nam, chúng ta cũng đã đàm phán và ký kết ngày càng nhiều các FTA thế hệ mới trong đó các quy định về nhân quyền chiếm vai trò quan trọng như EVFTA và CTPPP. Để thực thi các cam kết này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực quan trọng là các quy định liên quan tới các quyền con người cơ bản, pháp luật về lao động và môi trường.
6. Về các quyền con người cơ bản
Để thực thi CPTPP (và sắp tới là EVFTA), Việt Nam cần rà soát một số quy định liên quan tới các quyền về chính trị – xã hội. Trong PCA và EVFTA nhấn mạnh việc tôn trọng và thúc đẩy nguyên tắc dân chủ và bảo vệ nhân quyền là một trong những nguyên tắc căn bản của mối quan hệ hợp tác EU – Việt Nam. Một số khía cạnh nhân quyền ở Việt Nam mà EU quan tâm gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, và xóa bỏ hình phạt tử hình.[40] Do đó, rất có thể trong quá trình thực thi PCA và EVFTA, EU sẽ tiếp tục nêu lên những vấn đề này trong các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam cũng như trong các cuộc rà soát, đánh giá kết quả thực thi các cam kết nhân quyền của Việt Nam. Cuộc rà soát đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện sau thời gian kể từ khi EVFTA có hiệu lực nhằm thu thập dữ liệu, bằng chứng và thông tin nhằm đánh giá tác động của việc thực thi FTA tới nhân quyền và phát triển bền vững ở Việt Nam.[41]
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sớm ban hành Luật về Hội. Cả EVFTA và CPTPP đều đề cập (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới quyền lập hội thuộc nhóm nhân quyền cơ bản.[42] Hiện nay, mặc dù quyền lập hội đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 25) nhưng khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện và bảo đảm quyền này vẫn chưa đầy đủ.[43] Trong bối cảnh này, việc ra đời của Luật về Hội là cần thiết. Tuy nhiên dự thảo Luật về Hội đang trong quá trình xây dựng và còn rất nhiều tranh luận trái chiều.[44] Dự thảo hiện còn một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và bảo đảm tương thích với các tiêu chuẩn về nhân quyền trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang đàm phán.[45] Ví dụ, dự thảo cho phép các cơ quan quản lý can thiệp quá sâu vào cơ cấu tổ chức, hoạt động của hội (chẳng hạn như Điều 15 cho thấy quy định quá chặt chẽ về hình thức tổ chức và hoạt động của hội trong khi hoạt động này vốn có tính đa dạng và phụ thuộc chủ yếu vào sự thỏa thuận thành lập giữa các thành viên). Ngoài ra, dự thảo cũng đặt ra một số “rào cản” mang tính kỹ thuật đối với quyền tự do lập hội, ví dụ như quy định quá chi tiết, cụ thể về cách đặt tên của hội (Điều 6). Nói cách khác, theo một số chuyên gia, Dự thảo luật có xu hướng nhằm “quản lý hội” hơn là bảo đảm thực thi quyền tự do lập hội của công dân.[46]
7. Về pháp luật lao động
Việt Nam đã trở thành thành viên của ILO từ năm 1992, tuy nhiên, hệ thống pháp lý của Việt Nam về lao động vẫn có một số điểm chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của tổ chức này. Ví dụ, đối với về quyền lập và thực hiện có hiệu quả quyền thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động theo Công ước ILO số 87 và số 98, Việt Nam cần bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập các tổ chức công đoàn riêng, độc lập với Liên đoàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy trình thủ tục hiện nay, người lao động gần như chỉ có thể tham gia vào một tổ chức công đoàn duy nhất (thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam). Tổ chức công đoàn chưa bảo đảm sự độc lập với người sử dụng lao động. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật lao động còn một số điểm chưa phù hợp với các nguyên tắc quốc tế. Trong số đó thì các vấn đề được nhắc tới nhiều phải kể tới vi phạm về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, mức lương tối thiểu, giờ làm việc. Ví dụ, theo một báo cáo của ILO thì khoảng 9,6 % trẻ em ở Việt Nam (từ 5 tới 19 tuổi) là thuộc nhóm lao động trẻ em.[47] Vấn đề lao động cưỡng bức cũng còn tồn tại, trong đó có một lượng lớn là trẻ em ở vùng nông thôn bị đưa ra khu vực thành phố để làm việc.[48] Vì vậy, việc thực thi các cam kết ràng buộc mạnh mẽ về vấn đề lao động trong FTA, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ chặt chẽ các công ước ILO sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh này, việc sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) là rất cần thiết. Thực tế, BLLĐ đã được xem xét sửa đổi từ trong giai đoạn Việt Nam đàm phán các FTA thế hệ mới (trong đó có EVFTA và TPP) với mục tiêu đưa các quy định pháp luật lao động tại Việt Nam phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.[49] Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động đã có những thay đổi tích cực như tôn trọng quyền của người lao động trong việc thành lập, tham gia tổ chức đại diện cho người lao động nằm ngoài hệ thống công đoàn, gọi là các nghiệp đoàn, tăng dần tuổi nghỉ hưu của nữ để dần xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới.[50] Tuy nhiên, tại thời điểm Chính phủ trình hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì Hiệp định CPTPP chưa được ký kết nên những chính sách mới về quan hệ lao động nêu trên mới chỉ được nêu sơ lược. Vì vậy, trong thời gian tới cần có sự rà soát và đánh giá tác động bổ sung đối với các chính sách mới về quan hệ lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh Bộ luật Lao động thì Luật Công đoàn cũng cần sửa đổi để phù hợp với Bộ luật Lao động. Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2012, “người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn”. Trong khi đó, Luật Công đoàn hiện hành của Việt Nam chưa cho phép quyền của người lao động được thành lập và đăng ký một công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.[51] Những quy định này gây hạn chế đối với quyền tự do thành lập và tham gia các cơ quan đại diện của người lao động. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì Luật Công đoàn nằm trong nhóm các dự án luật cần hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung trong năm 2019. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi đạo luật này gặp khá nhiều khó khăn do nhiều ý kiến trái chiều xuất phát từ quan điểm chính trị cũng như những điều kiện văn hóa, kinh tế đặc thù (ví dụ như nhận định về bình đẳng giới, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em).[52]
8. Về chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường
Môi trường là một trong những vấn đề rất được quan tâm trong quá trình đàm phán và ký kết EVFTA và CPTPP, trong đó chú trọng tới các biện pháp môi trường liên quan đến thương mại, cơ chế thể chế để tạo thuận lợi cho việc thực thi các điều khoản về môi trường, và giải quyết bất đồng phát sinh, các biện pháp hỗ trợ, trách nhiệm và các biện pháp minh bạch. So sánh pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam với các điều khoản của EVFTA và CPTPP cho thấy không có khoảng cách lớn và những điều khoản này có thể phù hợp với chính sách, cơ chế, thể chế và những sáng kiến mang tính tự nguyện của Việt Nam. Vì vậy, nhiều đánh giá cho rằng các điều khoản về môi trường trong các FTA nói trên có thể không mang lại những hệ lụy lớn xét về quan điểm pháp lý.[53] Tuy nhiên, các biện pháp để nâng cao hiệu quả giám sát và thực thi pháp luật cần được tăng cường. Việt Nam trước hết cần thiết lập một quy trình điều phối nội bộ, ví dụ thành lập văn phòng làm đầu mối để phối hợp, giám sát và thực thi các quy định về các biện pháp thương mại và môi trường trong các FTA. Văn phòng này có thể đặt trong Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ Công thương. Ngoài ra, việc thành lập một nhóm cố vấn quốc gia trong về vấn đề này cũng là cần thiết theo quy định của EVFTA.[54] Những thay đổi về mặt thể chế này sẽ cần cụ thể hóa bằng một/một số văn bản quy pháp pháp luật cụ thể (có thể dưới dạng Nghị định hoặc Thông tư).
Nếu như trước đây, vấn đề tự do hóa thương mại và bảo vệ nhân quyền quốc tế là các nội dung riêng biệt được giải quyết trong những khuôn khổ pháp lý độc lập thì hiện nay, mối quan hệ tương hỗ giữa hai vấn đề này được thừa nhận ngày càng rộng rãi. Trong các FTA thế hệ mới, các giá trị nhân quyền đang dần chiếm một vị trí rất quan trọng. Điều này phản ánh xu hướng tất yếu là tự do hóa thương mại cần đi kèm với phát triển bền vững và cơ hội công bằng cho mọi người. So sánh cách tiếp cận về nhân quyền trong CPTPP và EVFTA cho thấy một số điểm khác nhau cơ bản. Trong khi EVFTA coi thương mại là một “công cụ” để thúc đẩy các giá trị con người theo quan điểm của EU thì trong CPTPP, các quy định về nhân quyền được sử dụng như “đòn bẩy” để đạt được mục tiêu thương mại công bằng. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, “bài toán” đặt ra với các quốc gia không chỉ ở mức độ mở cửa thị trường mà còn là các cam kết toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
CHÚ THÍCH
[1] Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, viết tắt theo tiếng Anh là EVFTA (EU-Vietnam Free Trade Agreement). Các bên đã kết thúc đàm phán, nhưng hiệp định chưa có hiệu lực vì chưa được thông qua.
[2] Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, viết tắt theo tiếng Anh là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-pacific Partnership). Hiệp định đã chính thức có hiệu lực từ 30/12/2018.
[3] Saïd Hammamoun, “Droits de l’homme et conditionnalité dans les accords de coopération de l’Union européenne: quelle logique juridique?” (Quyền con người và điều kiện tiên quyết trong các hiệp định hợp tác của Liên minh châu Âu: đâu là logic pháp lý?), Revue générale de droit, 40 (1), 2010, tr. 164.
[4] Hiệp ước Lisbon được lãnh đạo 27 nước thành viên EU ký kết vào năm 2007 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/12/2009. Hiệp ước này đóng vai trò quan trọng trong việc nhất thể hóa châu Âu, thống nhất về chính sách đối ngoại và đưa ra những mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực, thay đổi cơ bản về cấu trúc pháp lý của EU.
[5] Điều 2, đoạn 5, Hiệp ước Lisbon.
[6] Đoạn 15, Nghị quyết của Nghị viện châu Âu ngày 25/11/2010 về nhân quyền, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế, http://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?type=TA&language=EN&reference=P7-TA-2010-434, truy cập ngày 10/12/2018.
[7] Nicolas Pigeon, “L’accord de libre-échange UE-Viet Nam: une hiérarchisation des objectifs de l’action extérieure au détriment de sa cohérence?” (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: thứ tự hóa các mục đích ảnh hưởng đến sự thống nhất của chính sách đối ngoại?), European Papers, Vol. 1, 2016, No. 2, European Forum, Insight of 14 August 2016, pp. 691-704.
[8] European Parliament, The European Parliament’s role in relation to human rights and trade agreements (The role of the European Parliament in the field of human rights in trade and investment agreements), EXPO/B/DROI/2012 – 09, February 2014, http://www.europarl.europa.eu/cmsdata/86031/Study.pdf, truy cập ngày 01/12/2018.
[9] Xem: http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1954, truy cập ngày 10/12/2018.
[10] EU Annual Report on Human Rights and Democracy in the World 2017, http://www.consilium.europa.eu/media/35383/st09122-en18.pdf, truy cập ngày 29/5/2018, tr. 74-76.
[11] Christian Deblock et Gérald Cadet, “La politique commerciale des États-Unis et le régionalisme dans les Amériques” (Chính sách thương mại của Mỹ và chủ nghĩa khu vực tại các nước châu Mỹ), Revue Études internationales, 32(4), 653 – 692. doi:10.7202/704344ar, tr. 656.
[12] I.M. Mac Destler, Americcan Trade Politics, Institute for International Economics, Washington DC June 2005, 4th edition, tr. 253 – 258.
[13] I.M. Mac Destler, sđd, tr. 255.
[14] I.M. Mac Destler, sđd, tr. 257 – 258.
[15] Xem thêm: https://ustr.gov/sites/default/files/uploads/factsheets/2007/asset_upload_file127_11319.pdf, truy cập ngày 10/07/2018.
[16] Cathleen Cimino – Issacs, “Labor Standards in the TPP’ in Cathleen Cimino” trong Issaacs and Jeffery J.Schott (eds), Trans-Pacific Partnership: An assessment,Peterson Institute for International Economics, 2016, tr. 261.
[17] Ngày 01/11/2013, Việt Nam đã phê chuẩn PCA. Về phía EU hiện có 27/ 28 nước phê chuẩn PCA (chỉ Hy Lạp chưa phê chuẩn), http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/euro/nr040823164750/ns160517091516, truy cập ngày 10/12/2018.
[18] Toàn văn PCA, https://eeas.europa.eu/sites/eeas/files/pca.pdf, truy cập ngày 10/12/2018.
[19] Bản cuối cùng EVFTA (8/2018) đã được trình lên Nghị viên châu Âu để phê chuẩn, http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1437, truy cập ngày 10/12/2018.
[20] Điều 13.1, đoạn 4, EVFTA.
[21] Điều 13.4, đoạn 3 EVFTA.
[22] Điều 13.7, đoạn 1; Điều 13.6, đoạn 2; Điều 13.8, đoạn 1.
[23] Điều 13.5, đoạn 1 EVFTA.
[24] Điều 13.5, đoạn 2 EVFTA.
[25] Điều 13.7, đoạn 3, EVFTA.
[26] Điều 13.6, đoạn 2 EVFTA.
[27] Điều 13.7, đoạn 3; Điều 13.8, đoạn 2 EVFTA.
[28] Điều 13.6 EVFTA.
[29] Điều 13.7 EVFTA.
[30] Điều 13.16, đoạn 1 EVFTA.
[31] Toàn văn CPTPP, https://www.mfat.govt.nz/en/trade/free-trade-agreements/free-trade-agreements-in-force/cptpp/comprehensive-and-progressive-agreement-for-trans-pacific-partnership-text, truy cập ngày 12/12/2018.
[32] Điều 19.13 CPTPP.
[33] Điều 19.14 CPTPP.
[34] Điều 19.15 CPTPP.
[35] Điều 20.3 (2) CPTPP.
[36] Tobias Dolle, tlđd, tr. 223-225.
[37] Weiß, Norman, Thouvenin, Jean-Marc (Eds.), The Influence of Human Rights on International Law, Springer International Publishing Switzerland, 2015, tr. 225.
[38] Tobias Dolle, “Human Rights Clauses in EU Trade Agreements: The New European Strategy in Free Trade Agreement Negotiations Focuses on Human Rights – Advantages and Disadvantages”, The Influence of Human Rights on International Law, Springer International Publishing Switzerland, 2015, p. 225.
[39] Miller V, “The human rights clause in the EU’s external agreements, House of Commons Library, International Affairs and Defence”, Research Paper 04/33, London, 2004, p. 40.
[40] EU Annual Report on Human Rights and Democracy in the world in 2015: Country and Regional Issues, ngày 20/09/2016, https://eeas.europa.eu/sites/eeas/files/eu_annual_report_on_human_rights_and_democracy_in_the_world_in_2015_part_1.pdf, truy cập ngày 12/8/2018.
[41] European Commision, Commision Staff Working Document: Human Rights and Sustainable Development in the EU-Vietnam Relations with specific regard to the EU-Vietnam Free Trade Agreement, Brussels, 26/1/2016 SWD (2016) 21 final, tr.16, http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2016/january/tradoc_154189.pdf, truy cập ngày 12/08/2018.
[42] Đoạn 2 (a), Điều 13.4 EVFTA và Điều 19.3 CPTPP.
[43] Vũ Công Giao (chủ biên), Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013 – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Hồng Đức 2016, tr. 25.
[44] Xem thêm: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1110&LanID=1289&TabIndex=1, truy cập ngày 13/10/2019.
[45] Đậu Công Hiệp, “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề quyền lập hội ở Việt Nam”, Ảnh hưởng của thương mại tự do đến nhân quyền, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 182.
[46] Đậu Công Hiệp, tlđd, tr. 176 – 186.
[47] Xem thêm: https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_237788/lang–en/index.htm, truy cập ngày 12/12/2018.
[48] Sustainable impact assessment EU-Vietnam FTA, http://wtocenter.vn/sites/wtocenter.vn/files/survey/attachments/EU-2%20EVFTA_impact_assessment_study.pdf, truy cập ngày 12/12/2018, tr. 186.
[49] Xem thêm: http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/785_43914/Vao-TPP-Viet-Nam-secam-ket-thay-doi-phap-luat-ve-lao-dong.htm, truy cập ngày 12/12/2018.
[50] Xem Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1270&LanID=1355&TabIndex=1, truy cập ngày 13/08/2018.
[51] Điều 1, Luật Công đoàn năm 2012.
[52] Xem: “Tổng liên đoàn xin lùi sửa Luật công đoàn để đáp ứng quy định của CPTPP“, truy cập ngày 12/10/2018.
[53] Anne Chetaille, Võ Trí Thành và Nguyễn Văn Tài, Báo cáo đưa các điều khoản môi trường và hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến giữa EU – VN: Các vấn đề và viễn cảnh, 2011, http://hoinhapkinhte.com.vn/sites/default/files/tpp/attachments/van_de_moi_truong_trong_fta_du_kien_eu-vn.pdf, tr. 6.
[54] Điều 15.4 Chương về thương mại và phát triển bền vững EVFTA.
Tác giả: TS. Ngô Quốc Chiến & ThS.Đào Kim Anh
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(124)/2019 – 2019, Trang ̉64-79
Nguồn: Fanpage Luật sư Online