Mục lục
Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu quy chế pháp lý của các công trình, thiết bị trên biển theo quy định của luật quốc tế mà cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Phần này cũng giới thiệu các khái niệm cơ bản về đảo nhân tạo để phân biệt chúng với các công trình, thiết bị nhân tạo. Phần tiếp theo của bài viết phân tích bản chất của việc xây dựng và lắp đặt các công trình thiết bị này của Trung Quốc trên biển Đông và tác động của những công trình thiết bị này đối với việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trên biển Đông.
Xem thêm:
- Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Biển Đông – TS. Ngô Hữu Phước
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam – ThS. Trần Thị Thu Hà
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật Biển năm 1982 về lĩnh vực đánh bắt hải sản và bảo vệ môi trường – TS. Trần Thăng Long
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo Công ước Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 – TS. Trần Thăng Long
TỪ KHÓA: Công ước Luật Biển, Quy chế,
1. Khái niệm “công trình nhân tạo” theo pháp luật quốc tế
Khái niệm “công trình nhân tạo” có sự liên hệ mật thiết với khái niệm “đảo nhân tạo”. Trong nhiều trường hợp, “đảo nhân tạo” và các “công trình, thiết bị” là cùng tồn tại, hoặc được coi là một, tuy nhiên chúng có bản chất và mục đích không hoàn toàn đồng nhất. Vì thế, chúng có thể được sử dụng nhằm phục vụ những mục đích khác nhau.
Trước hết, một “đảo nhân tạo” là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên, chúng được bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước trên khi thủy triều lên.[1] “Đảo nhân tạo” được phân chia thành nhiều loại, trong đó đáng chú ý nhất là các căn cứ quân sự được thiết lập bởi các quốc gia xây dựng chúng.[2] Cơ sở để phân biệt đảo nhân tạo với đảo tự nhiên ở chỗ đây là những cấu trúc được tạo ra bằng cách đặt/ đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá. Trong khi đó, các công trình lắp đặt nhân tạo khác với đảo tự nhiên ở chỗ chúng là những cấu trúc bê tông cố định gắn với đáy biển bằng ống dẫn và các cọc.[3]
Khái niệm “thiết bị và công trình” không được làm rõ trong Công ước về Luật biển năm 1982 (CƯLB 1982).[4] Nhìn chung, chúng thường được hiểu là những thiết bị và công trình nhân tạo (human-made)được xây dựng và lắp đặt một cách lâu dài trong lãnh hải, đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và trên thềm lục địa (TLĐ), trong vùng nước quần đảo hoặc những vùng biển quốc tế và được sử dụng nhằm mục đích thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển. Cùng với các đảo nhân tạo, chúng có thể được xây dựng nhằm những mục đích khác, như nghiên cứu khoa học (NCKH) về biển, giám sát thủy triều, các khu nghỉ mát hoặc khu dân cư, cảng hàng không, trung tâm vận chuyển hàng hóa, trạm kiểm soát giao thông.[5]
Theo Nghị định thư Barcelona 1994 về bảo vệ Địa Trung Hải chống lại ô nhiễm do việc thăm dò và khai thác trên TLĐ, đáy biển và lòng đất dưới TLĐ thì khái niệm “công trình” (installation)được hiểu là “bất kỳ cấu trúc cố định hoặc nổi và bất kỳ phần gắn liền nào của nó được sử dụng vào: (i) các bộ phận thăm dò ngoài khơi cố định hoặc di động; (ii) các bộ phận sản xuất bao gồm các bộ phận có vị trí động; (iii) các hệ thống kho bãi ngoài khơi bao gồm các tàu thuyền sử dụng cho mục đích đó; (iv) các cảng phục vụ việc bốc dỡ và hệ thống vận chuyển các sản phẩm được chiết xuất như các ống dẫn ngầm; (v) hệ thống máy móc gắn liền với chúng và các thiết bị nhằm mục đích bốc xếp, sản xuất, lưu trữ và tiêu hủy các chất được lấy lên từ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”.[6] Như vậy, “thiết bị và công trình” có những đặc điểm sau:
Thứ nhất,chúng là các công trình và thiết bị trên biển do con người xây dựng, lắp đặt và sử dụng trên biển. Vì vậy, chúng khác biệt với đảo tự nhiên vốn được định nghĩa là “một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước” (Điều 121(1) CƯLB 1982).
Thứ hai, các công trình và thiết bị tồn tại và hoạt động trên biển và có sự gắn kết vật chất với đáy biển một cách trực tiếp(được xây dựng, lắp đặt trên hạ tầng đáy biển, có sự gắn bó hữu cơ với đáy biển) hoặc gián tiếp(được xây dựng, lắp đặt trên một bãi cạn, đá hoặc đảo những đảo này là đảo tự nhiên hoặc được tạo ra bởi con người, trong trường hợp này, chúng gắn kết hữu cơ với đáy biển thông qua phần đất của đảo).
Thứ ba, các công trình, thiết bị có thể được lắp đặt trên đất liền hoặc ven bờ như một bộ phận của cảng biển, trong trường hợp này chúng được coi như một bộ phận của bờ biển.
Thứ tư, quy chế pháp lý của những công trình nhân tạo này được điều chỉnh bởi: (i) pháp luật quốc gia, thông thường là luật của quốc gia ven biển (QGVB), và (ii) pháp luật quốc tế, cụ thể là CƯLB 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan đến hoạt động hàng hải, hàng không, NCKH và bảo vệ môi trường biển, các ĐƯQT ký kết giữa các quốc gia hữu quan về các vấn đề tương ứng và tập quán quốc tế liên quan.
Thứ năm, các công trình và thiết bị được các quốc gia xây dựng và lắp đặt với nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là vì mục đích kinh tế (thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc chủ quyền), điều phối giao thông hàng hải, giám sát và bảo vệ môi trường biển, an ninh, quốc phòng…[7] Các công trình, thiết bị nhân tạo thường được phân loại dựa vào mục đích sử dụng của nó, bao gồm: các thành phố trên biển; các đảo nhân tạo vì mục đích phát triển kinh tế; các công trình phục vụ giao thông và liên lạc; các công trình phục vụ việc NCKH và dự báo thời tiết; các công trình giải trí và sau cùng là các công trình quân sự.[8] Các “thiết bị” và “công trình” bao gồm các phương tiện được xây dựng và lắp đặt nhằm tận dụng tất cả các nguồn lợi về kinh tế ở trong lòng biển và dưới đáy biển cũng như cột nước biển ở trong và ở phía trên đáy biển.[9] Các công trình thiết bị nhằm mục đích quân sự không được đề cập trong phạm vi CƯLB 1982.
Theo Luật Biển Việt Nam (LBVN) năm 2012, khái niệm “đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển” được định nghĩa bao gồm: (i) các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển; (ii) các loại báo hiệu hàng hải và (iii) các thiết bị, công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển (Điều 34). Như vậy, đảo nhân tạo và thiết bị, công trình được định nghĩa mà không có sự tách bạch cụ thể; chúng được phân loại căn cứ vào mục đích sử dụng.
Do đặc tính “nhân tạo” của chúng mà các công trình thiết bị luôn có sự liên hệ mật thiết với các “đảo nhân tạo”. Thông thường, khái niệm xây dựng các đảo nhân tạo sẽ bao hàm việc xây dựng thiết bị và công trình trên đó hoặc ngược lại, việc xây dựng các công trình, thiết bị trên một thực thể thường được hiểu đồng nghĩa với việc xây dựng đảo nhân tạo theo nghĩa rộng. Ở đây có hai trường hợp đặt ra.
Trường hợp thứ nhấtlà bản thân các công trình, thiết bị đó đóng vai trò như một “đảo nhân tạo” tức là có sự gắn bó vật chất với đáy biển và có đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết của một đảo nhân tạo. Trong trường hợp, này hai khái niệm là một và có thể dùng thay thế cho nhau.
Trường hợp thứ hailà chúng được xây dựng và lắp đặt đồng thời, hoặc sau đó, với một đảo nhân tạo. Trong trường hợp này, hai khái niệm được hiểu không hoàn toàn đồng nhất. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp một quốc gia tiến hành hoạt động cải tạo đất và xây dựng những công trình trên đó thì điều này có làm thay đổi bản chất pháp lý của các bãi cạn này hay không? Trong trường hợp này, một là,các bãi cạn lúc nổi lúc chìm này có quy chế không thay đổi. Tuy nhiên, theo Điều 7(4), chúng có thể được sử dụng làm một điểm để xác định đường cơ sở nếu trên đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế. Hai là,chúng có thể trở thành một đảo nhân tạo, tuy nhiên, chúng không có quyền thiết lập bất kỳ vùng biển nào xung quanh.
2. Quy chế pháp lý của các thiết bị và công trình theo luật biển quốc tế
Các công trình và thiết bị nhân tạo được điều chỉnh bởi một số quy định của CƯLB 1982. Về cơ bản, các quy định này liên quan chủ yếu đến quyền tài phán của QGVB đối với các công trình, thiết bị trong các vùng biển của mình; các nghĩa vụ của các quốc gia khác; các vấn đề liên quan đến hoạt động của chúng, vấn đề bảo vệ môi trường biển và NCKH biển xuất phát từ hoạt động của chúng.
2.1. Đối với các quốc gia ven biển
Các quốc gia ven biển (QGVB) có thể định ra, phù hợp với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại trong lãnh hải của mình đối với việc bảo vệ các thiết bị và các hệ thống bảo đảm hàng hải và các thiết bị hay công trình khác (Điều 21(1)(b)); quyền thi hành những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa mọi sự vi phạm đối với các điều kiện mà tàu thuyền buộc phải tuân theo để được phép vào vùng nội thủy hay công trình cảng (Điều 25(2)).
Đối với vùng ĐQKT của mình, QGVB có quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình (Điều 56(1)(b)); có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng trong vùng đặc quyền về kinh tế đồng thời có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư (Điều 60 (1)(2)), bao gồm các quy định về nghĩa vụ thông báo, báo hiệu sự có mặt thường trực của chúng, việc tháo dỡ nhằm mục đích đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường (Điều 60 (3)). QGVB trong trường hợp cần thiết có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; đồng thời trong các khu vực đó, QGVB có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó.
Công ước cũng cho phép QGVB ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế có thể áp dụng được. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, nhấn mạnh rằng chúng không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình.[10] Mặc dù vậy, Công ước yêu cầu các quốc gia không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó nếu điều này dẫn đến nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. Đồng thời, Công ước nhấn mạnh rằng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng được xác định là không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc TLĐ (Điều 60 (7)(8)).
Đáng lưu ý là, các quy định tương ứng kể trên về quyền của QGVB trong vùng ĐQKT cũng được áp dụng với những sửa đổi cần thiết và chi tiết (mutatis mutandis) cho TLĐ (Điều 80). Ngoài ra, đối với TLĐ, QGVB có quyền đặt ra các điều kiện không đụng chạm đến việc khai thác các đảo nhân tạo, thiết bị hay công trình thuộc quyền tài phán của quốc gia này (Điều 79(4)).
– Đối với vấn đề bảo vệ môi trường biển
Các QGVB có quyền thông qua các luật và quy định để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm đối với môi trường biển một cách trực tiếp hay gián tiếp do các hoạt động xuất phát từ các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình thuộc quyền tài phán của mình theo các Điều 60 và 80 (Điều 208). Đồng thời, quốc gia bảo đảm việc áp dụng các luật và quy định đã được thông qua theo đúng Điều 208 để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường xuất phát từ các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình được đặt dưới quyền tài phán của mình theo Điều 60 và 80.
– Đối với vấn đề NCKH biển
QGVB có thể không cho phép thực hiện một dự án NCKH biển do một quốc gia khác hay một tổ chức quốc tế có thẩm quyền đề nghị tiến hành ở vùng đặc quyền về kinh tế hay trên TLĐ của mình nếu dự án dự kiến việc xây dựng, khai thác hay sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đã nêu ở Điều 60 và 80 (Điều 246); bên cạnh đó có quyền yêu cầu chấm dứt mọi công việc NCKH biển trong tất cả các truờng hợp mà việc không tuân thủ Điều 248 làm thay đổi lớn dự án các công trình nghiên cứu (Điều 253(2)).
Mặc dù các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình là những khái niệm có liên hệ chặt chẽ với nhau, các quyền và quyền tài phán của QGVB đối với các bộ phận này là không giống nhau. Trong khi QGVB có đặc quyền và quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo, các đặc quyền và quyền tài phán này đối với các thiết bị và công trình bị giới hạn ở mục đích kinh tế (Điều 60(1)(a) và (b)). Một điểm đáng chú ý nữa là CƯLB 1982 cho phép một quốc gia xây dựng và thiết lập các thiết bị và công trình trong một vùng ĐQKT của một quốc gia khác nhằm mục đích NCKH và phải đảm bảo tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các QGVB. Việc đặt và sử dụng các thiết bị hay công trình NCKH thuộc bất kỳ kiểu nào không được gây cản trở cho hoạt động hàng hải theo các con đường quốc tế thường dùng (Điều 261). Chúng phải có các dấu hiệu nhận dạng chỉ rõ quốc gia đăng ký hay tổ chức quốc tế mà chúng phụ thuộc vào, cũng như phải có các phương tiện báo hiệu thích hợp đã được chấp thuận trên truờng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không, có tính đến các quy tắc và quy phạm do các tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra (Điều 262). Cuối cùng, điều quan trọng là cho dù được thiết lập theo như các quy định nói trên, các thiết bị hay công trình này không có quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự có mặt của chúng không có ảnh hưởng đến vấn đề hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hay TLĐ (Điều 259), bên cạnh đó các khu vực an toàn có chiều rộng hợp lý không quá 500mét có thể được lập ra xung quanh các thiết bị NCKH (Điều 260).
– Quy định của pháp luật Việt Nam
Việt Nam có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng ĐQKT và TLĐ Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh. Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 m tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng. Tuân thủ cam kết theo CƯLB 1982, Việt Nam không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế (Điều 34(2),(3),(4) LBVN 2012).
Pháp luật Việt Nam cũng quy định vấn đề tháo dỡ các thiết bị, công trình trên biển cũng như nghĩa vụ thông báo thông tin liên quan tới việc thiết lập và tháo dỡ chúng (Điều 34(5), (6) LBVN 2012). Việt Nam thực thi quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; NCKH biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển (Điều 16(1)(b) LBVN 2012). Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, NCKH, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế, TLĐ của Việt Nam phải xuất phát trên cơ sở các ĐƯQT mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam (Điều 16(3) và 18(5) LBVN 2012).
2.2. Đối với các quốc gia khác
CƯLB 1982 ấn định nghĩa vụ và sự tôn trọng đối với các quyền và nghĩa vụ của QGVB. Đối với vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các tàu thuyền của các quốc gia khác phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn (Điều 60 (6)). Nghĩa vụ tôn trọng này cũng yêu cầu các quốc gia khác khi tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vùng TLĐ của QGVB phải đảm bảo không có sự vi phạm, đồng thời phải được sự đồng ý của QGVB. Như vậy, hành vi tự ý mà không được phép trước lắp đặt và sử dụng các thiết bị công trình cấu thành nên sự vi phạm đối với các quy định của CƯLB 1982.
3. Liên hệ đến việc xây dựng và lắp đặt các công trình, thiết bị của Trung Quốc trên các thực thể được cải tạo, bồi đắp phi pháp tại biển Đông
Thứ nhất,việc xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có cơ sở pháp lý. Điều này là hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không có giá trị về khía cạnh xác lập chủ quyền theo các nguyên tắc về chiếm cứ và xác lập chủ quyền lãnh thổ. Với xuất phát điểm của lập luận như vậy, bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc từ việc xâm chiếm, chiếm đóng, cải tạo và xây dựng, thiết lập các thiết bị, công trình với bất kỳ mục đích nào đều không có cơ sở pháp lý.[11]
Thứ hai, các bãi đá mà hiện nay Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng các công trình trên đó là những thực thể mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp.[12] Việc làm thay đổi hoàn toàn tính chất địa lý cũng như quy chế của chúng dẫn đến khả năng những tổn hại do việc xây dựng và cải tạo đảo là không thể khôi phục lại được. Trong trường hợp một phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc một thiết chế tương tự có thẩm quyền phân xử phán quyết rằng chúng không thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì quốc gia thực sự có chủ quyền với chúng (Việt Nam) phải gánh chịu những hậu quả to lớn do hoạt động nói trên để lại đối với tự nhiên và môi trường xung quanh.[13]
Thứ ba,các công trình, thiết bị nhân tạo mà Trung Quốc tạo ra nhằm phục vụ cho ý đồ kiểm soát mọi mặt đối với biển Đông. Trong khi đó, duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở biển Đông là trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Vì thế, không một quốc gia nào có quyền đơn phương sử dụng các căn cứ, cơ sở quân sự nhằm mục đích kiểm soát, khống chế hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế. Hiện tại,các công trình thiết bị của Trung Quốc được xây dựng trên các thực thể được cải tạo phi pháp có sự khác biệt rõ ràng so với các công trình tương tự trong thực tiễn[14] với mục đích quân sự rõ ràng, thể hiện qua việc xây dựng các căn cứ quân sự, trang bị vũ khí hạng nặng và sân bay, cảng, các khu vực hậu cần kỹ thuật cho tàu thuyền quân sự… là cơ sở cho việc đưa máy bay quân sự đồn trú, đồng thời tuyên bố một vùng nhận diện hàng không (ADIZ) trái phép tại đây. Các hành động này cũng dẫn đến áp lực quân sự trong khu vực và tình hình bất ổn và cuộc chạy đua vũ trang không cân xứng tại đây.[15]
Thứ tư, việc xây dựng các đảo nhân tạo, hoặc cải tạo đất, bồi đắp nhằm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể trước đó trở thành đảo tự nhiên để phục vụ cho mục đích khẳng định chủ quyền sẽ không thể được chấp nhận. Trong trường hợp này, các công trình thiết bị chỉ có thể được coi là hợp lệ nếu chúng phục vụ cho việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển theo quy định của CƯLB 1982.[16]
Thứ năm, việc xây dựng, lắp đặt các công trình thiết bị trên các các đảo nhân tạo không phục vụ cho mục đích NCKH hoặc bảo vệ môi trường biển. Trái lại, chúng dẫn đến nguy cơ hủy hoại môi trường tối quan trọng cho cá đẻ trứng. Trong phán quyết của Tòa án Luật biển (ITLOS) năm 2003 trong vụ kiện về hoạt động bồi đắp và cải tạo đất giữa Singapore và Malaysia, Tòa đã yêu cầu “Singapore không được tiến hành việc bồi đắp của mình theo những cách có thể gây tổn hại không thể khắc phục tới các quyền lợi của Malaysia hay gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển”.[17]
Thứ sáu, việc bồi đắp các bãi cạn và đá trên biển Đông có bản chất nhằm thay đổi khái niệm từ “đảo nhân tạo” thành “đảo tự nhiên”, từ cho phép Trung Quốc có được vùng biển khác (bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đồng thời hiện thực hóa đường cơ sở lưỡi bò vốn đã được đặt ra một cách không có cơ sở pháp lý). Trong khi đó, việc xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị nhân tạo trên các thực thể có bản chất hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông, tạo tiền đề cho việc kiểm soát đối với hoạt động hàng hải, hàng không trong vùng biển này. Điều đáng chú ý là, chính Trung Quốc đã phản đối hoạt động tôn tạo và xây dựng các công trình thiết bị nhân tạo lên rạn san hô Okinotorishima của Nhật Bản. Quan điểm mà Trung Quốc đưa ra là hành động này của Nhật Bản “sẽ không làm thay đổi bản chất pháp lý” của Okinotorishima và không thể tạo ra một vùng ĐQKT cho nước này. Điều đó cho thấy rằng, chính Trung Quốc cũng hiểu rằng họ không thể sử dụng các đảo nhân tạo cùng với các công trình, thiết bị được xây dựng trên đó để phục vụ cho ý định xác lập các vùng biển xung quanh chúng, hoặc nhằm bào chữa cho đường cơ sở 9 đoạn của nước này.
Thứ bảy, việc cố tình xây dựng và cải tạo các bãi cạn, đá và việc xây dựng các công trình trên đó không tạo ra cơ sở pháp lý hay bằng chứng củng cố lập luận về chủ quyền cho Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các bên có những lập luận và bằng chứng khẳng định chủ quyền nói chung và vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc đang diễn ra. Trái lại, những hành động đó đi ngược lại các cam kết của Trung Quốc theo DOC và là sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của nước này theo CƯLB 1982. Nghĩa vụ không gây phương hại cho hay cản trở việc đi đến các thỏa thuận cuối cùng sẽ ràng buộc các bên liên quan và yêu cầu các bên phải kiềm chế, không làm xấu đi hiện trạng thực tế.
4. Kết luận
Nếu như việc xây dựng các đảo nhân tạo có mục đích thay đổi quy chế pháp lý của các bãi cạn và đá nhằm hợp thức hóa đường cơ sở lưỡi bò và yêu sách chủ quyền phi lý thì việc xây dựng, lắp đặt các thiết bị công trình nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc tại đây và phục vụ ý đồ khống chế, độc chiếm biển Đông trong tương lai. Các hoạt động của nước này trong thời gian qua nhằm cùng lúc đạt đến hai mục tiêu nói trên, mỗi hoạt động lại có sự gắn kết, bổ trợ cho nhau.
Trong vấn đề này, việc kêu gọi hợp tác khu vực và quốc tế giữa các quốc gia liên quan đóng vai trò quan trọng. Những biện pháp về lâu dài cần phải được tính đến nhằm ngăn chặn những hành vi ngang ngược, bất chấp luật lệ trong tương lai, đồng thời về mặt ngắn hạn, những biện pháp tạm thời nhằm duy trì nguyên trạng, không làm tình hình xấu thêm cũng rất đáng quan tâm. Cuối cùng, sự đấu tranh của dư luận tiến bộ trên thế giới cũng sẽ là một kênh quan trọng.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Phó trưởng Bộ môn Anh văn Pháp lý, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] .Rudolf Bernhardt, Encyclopedia of Public International Law, Law of the Sea Volume, 1989 dẫn theo Zou Keyuan, “The Impact of Artificial Islands on Territorial Disputes Over The Sparatly Islands”.
[2] Xem Papadakis, N., The International Legal Regime of Artificial Islands, Sitjhoff Publication on Ocean Development, The Netherland, p. 11-37. 1977.
[3] Alfred H.A Soons, Artificial Islands and Installations in International Law, (22), 7/1974.
[4] .Alexander Lott, “Marine Environmental Protection and Transboundary Pipeline Projects: A Case Study of the Nord Stream Pipeline” .
[5] George K. Walker, Definitions for the Law of the Sea: Terms Not Defined by the 1982 Convention, Martinus Nijhoff Publishers, 2012.
[6] Điều 1(f) Nghị định thư Barcelona 1994 về Bảo vệ Địa Trung Hải chống lại ô nhiễm do việc thăm dò và khai thác trên thềm lục địa, đáy biển và lòng đất dưới thềm lục địa 1994. <http://faolex.fao.org/docs/pdf/mul38165.pdf>.
[7] Điều này được suy ra từ Điều 60(1)(b) của CƯLB 1982.
[8] Papadakis, N., The International Legal Regime of Artificial Islands, Sitjhoff Publication on Ocean Development, The Netherland, pp 11-37. 1977.
[9] DR Rothwell and T Stephens, The International Law of the Sea, Hart Publishing 2010, 282.
[10] Điều 60(5), khoảng cách này được tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình dó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục.
[11] Về vấn đề này, trong luật quốc tế ghi nhận nguyên tắc Nemo dat quod non habetcó nghĩa là một người không thể chuyển cho người khác những gì mà anh ta không có.
[12] Bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Reef),Đá Gạc Ma (Johnson South Reef),Đá Châu Viên (Cuarteron Reef),Đá Huy Giơ (Huges Reef)và Đá Gaven (Gaven Reef).
[13] Xem thêm Dương Danh Huy, “Việc Trung Quốc xây đảo ồ ạt và UNCLOS”.
[14] Vào năm 2014, dự án xây dựng quần đảo Cây Cọ (Palm Islands), còn gọi là các đảo Palm Jumeirah and Palm Jebel Ali, đã được hoàn thành trong vùng Vịnh bởi các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Mục đích của các công trình xây dựng trên các đảo hoàn toàn nhân tạo là nhằm phục vụ việc cư trú của dân cư, các trung tâm phục vụ việc giải trí và thư giãn.
[15] Nguyễn Hồng Thao, “Sự thật ai là kẻ xâm lược lớn nhất ở biển Đông”.
[16] Xem thêm Zou Keyuan, tlđd.
[17] Case concerning Land Reclamation by Singapore in and around the Straits of Johor (Malaysia v. Singapore,) <https://www.itlos.org/cases/list-of-cases/case-no-12/>.
- Tác giả: TS. Trần Thăng Long
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(99)/2016 – 2016, Trang 62-68
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý