Mục lục
Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu về quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế, trong đó làm rõ khái niệm và phân biệt chúng với các thực thể địa lý trên biển. Bài viết cũng làm rõ quy chế pháp lý của chúng được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước 1982) và giá trị pháp lý của chúng trong việc xác định các vùng biển, giới hạn các quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia liên quan. Trên cơ sở liên hệ với Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc, bài viết phân tích những tác động từ phán quyết liên quan đến các thực thể lúc nổi lúc chìm đối với Việt Nam.
Xem thêm:
- Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài – Bất cập và hướng hoàn thiện – ThS. Phan Thông Anh
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài – Vụ án dân sự hay việc dân sự – ThS. Huỳnh Quang Thuận
- Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay – TS. Bùi Xuân Hải
1. Khái niệm “thực thể lúc nổi lúc chìm”
Một số tài liệu tại Việt Nam sử dụng thuật ngữ “bãi cạn lúc nổi lúc chìm” thay vì “thực thể lúc nổi lúc chìm”.[1] Tuy nhiên, theo tác giả thì thuật ngữ “thực thể lúc nổi lúc chìm” là thích hợp hơn. Thứ nhất,cách hiểu này gần nhất với nguyên bản tiếng Anh (low-tide elevations),trong đó không thể hiện chúng là “bãi cạn”. Thứ hai,các thực thể như vậy sẽ không chỉ bao gồm các bãi cạn (shoal)mà còn một số dạng khác, do đó việc sử dụng thuật ngữ “bãi cạn lúc nổi lúc chìm” vô hình trung đã giới hạn các dạng của thực thể này. Thứ ba, với việc xác định rõ khái niệm “đảo” và “đá” tại phán quyết trọng tài ngày 12/7/2016, việc sử dụng thuật ngữ “bãi cạn” có thể hiểu không chính xác, chẳng hạn như việc coi đá không phải là một dạng “đảo” dẫn đến việc coi các bãi cạn lúc nổi lúc chìm là các “đá”.
Khái niệm “thực thể lúc nổi lúc chìm” đã được đề cập tại Điều 11 Công ước 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp và được nhắc lại tại Điều 13(1) Công ước 1982, theo đó các thực thể lúc nổi lúc chìm là “những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước”. Như vậy, các thực thể này có 3 đặc điểm: (i) là những thực thể đất tự nhiên có nước bao quanh; (ii) nổi lên trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp; và (iii) chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Nghiên cứu của Liên hợp quốc (LHQ) định nghĩa đây là một thực thể nằm giữa lúc thủy triều lên và xuống (inter-tidal)và chỉ có thể nhìn thấy được vào lúc biển lặng vào một số giai đoạn của thủy triều, nhưng không phải là vào lúc thủy triều lên cao.[2]
Khái niệm “đất tự nhiên” được hiểu là “phần nhô lên của đáy biển tạo ra bởi tự nhiên cấu thành từ đất hoặc những loại vật chất khác như cát, bùn, sỏi, đá vôi kết hợp với vụn san hô… nhưng không phải băng(ice)”.[3] Do vậy, các thực thể này có thể có những dạng khác nhau miễn là nằm trên mực nước biển. Chúng có thể là một bãi bùn (mud flats), đá (rock); bãi san hô (shoal), hoặc dải cát (sandbars) bất kể kích thước của chúng như thế nào.[4] Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế về luật biển, xác định chính xác các thực thể tranh cãi là gì là một vấn đề phức tạp, tiêu biểu như qua phân tích của Tòa án Công lý quốc tế (TACLQT) trong vụ kiện giữa Qatar và Bahrain, liên quan đến các thực thể Qit’at Jaradah, Fasht at Azm, Fasht ad Dibal.[5]
2. Thực thể lúc nổi lúc chìm và các thực thể trên biển
“Thực thể lúc nổi lúc chìm” được phân biệt với một số thực thể trên biển như “đảo” (island), “đá” (rock),“đảo nhân tạo” (artificial island),bãi ngầm (low tide submerged feature).
2.1. Đảo tự nhiên
Đảo tự nhiên được định nghĩa là một vùng đất hình thành một cách tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.[6] Các “thực thể lúc nổi lúc chìm” giống các “đảo tự nhiên”ở các điểm sau đây: (i) chúng đều là những phần đất tự nhiên, nghĩa là có sự gắn kết hữu cơ với đáy biển và không phải hình thành do hoạt động cải tạo tự nhiên của con người; (ii) cả hai đều được bao bọc bởi nước biển.[7] Tuy nhiên, nếu đặc điểm quan trọng nhất của một “đảo tự nhiên” là luôn ở trên mặt nước thì một “thực thể lúc nổi lúc chìm” có đặc điểm là không ở trên mặt nước khi thủy triều lên.[8] Bên cạnh đó, các đảo tự nhiên có khả năng tạo ra các vùng biển xung quanh nó như nội thủy, lãnh hải, thậm chí là đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (TLĐ), trong khi các thực thể lúc nổi lúc chìm không có khả năng này. Ngoài ra, khác với các thực thể lúc nổi lúc chìm, Công ước 1982 không phân biệt về vị trí của các đảo là nằm trong phạm vi lãnh hải của một quốc gia (QG) hay ngoài phạm vi đó, chúng đều có khả năng tạo ra các vùng biển.[9]
2.2. Đá
Về mặt lý luận không tồn tại sự khác biệt giữa thực thể là “đảo” hay “đá”. Khái niệm “đá” hay “đảo” không đồng nghĩa với việc chúng là hai thực thể khác nhau mà chỉ đơn giản là khác nhau về mặt cấu tạo vật lý.[10] Một “đá” có thể coi là một dạng của “đảo” (island)- thực thể nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất (high tide features). Ngay trong Điều 121 thì khoản 1 là về “đảo” (island),khoản 3 nói về trường hợp đặc biệt của đảo đó là “đá” (rock), ám chỉ những thực thể đảo nhỏ, phân biệt với các thực thể “hoàn toàn có quyền là đảo” (fully entitled island).[11]
Sự khác nhau giữa “đảo” và “đá” là về khả năng tạo ra các vùng biển xung quanh. Cụ thể, một “đảo” sẽ có khả năng tạo ra xung quanh nó một vùng lãnh hải (chiều rộng tối đa là 12 hải lý), một vùng ĐQKT (tối đa 200 hải lý) cũng như một TLĐ theo quy định của Điều 76. Quyền có các vùng biển như vậy được áp dụng như đối với các lãnh thổ đất liền khác, nếu như thực thể “đảo” đó thỏa mãn tiêu chí “thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng”. Trái lại theo Điều 121(3) thì “những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng ĐQKT và TLĐ”, thay vào đó chúng có vùng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý. Trong cả hai trường hợp, tiêu chí “luôn ở trên mặt nước” và khả năng “thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng” là những cơ sở để phân biệt với thực thể lúc nổi lúc chìm. Đáng chú ý là, khi mà các đảo hoặc đá có vai trò nhất định trong phân định biển, các thực thể lúc nổi lúc chìm vể cơ bản là không có vai trò này.
2.3. Đảo nhân tạo
Một “đảo nhân tạo” là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên. Chúng được bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên.[12] Đảo nhân tạo được hình thành là kết quả của việc xây dựng trên các loại đá tự nhiên và các rạn san hô vĩnh cửu. Một thực thể lúc nổi lúc chìm khác với thực thể này ở chỗ nó không phải hình thành do hoạt động cải tạo tự nhiên của con người. Kết hợp với các quy định về đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng ĐQKT tại Điều 60 Công ước 1982, nếu có sự bồi đắp, cải tạo hoặc xây dựng các công trình trên đó thì cũng không làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm. Nói cách khác, các hoạt động nhằm hoán cải quy chế pháp lý của các thực thể này để trở thành đảo tự nhiên để phục vụ cho mục đích khẳng định chủ quyền sẽ không thể được chấp nhận.[13]
2.4. Bãi ngầm
Một bãi ngầm(submerged features) là những thực thể hoàn toàn ngập dưới mực nước biển, kể cả khi nước thủy triều xuống thấp nhất. Điểm chung giữa các thực thể lúc nổi lúc chìm và các bãi ngầm là ở chỗ (i) chúng đều là những thực thể có sự gắn bó hữu cơ với đáy biển và (ii) chúng có những giá trị nhất định trong việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của QGVB. Các bãi ngầm có thể sử dụng để phục vụ cho các hoạt động của QGVB nhằm thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng ĐQKT hoặc TLĐ.
3. Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế
Theo điều 13(2) Công ước 1982, các thực thể lúc nổi, lúc chìm sẽ không có lãnh hải riêng. Chúng cũng không đáp ứng tiêu chuẩn của một đảo nên cũng cũng không có vùng ĐQKT và TLĐ. Khác với đảo, sự hiện diện của các thực thể lúc nổi lúc chìm không có tác động đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển như hoạch định lãnh hải, vùng ĐQKT hay TLĐ. Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm thể hiện trong các trường hợp dưới đây.
3.1. Xác định đường cơ sở thẳng
Quy tắc chung áp dụng cho việc xác định đường cơ sở ĐCS thẳng trong LQT là không thể dựa trên các điểm là thực thể lúc nổi lúc chìm.[14] Mặc dù vậy, chúng có thể được sử dụng làm các điểm để xác định ĐCS thẳng trong hai trường hợp đặc biệt, cụ thể: (i) nếu vị trí của chúng nằm cách bờ biển của lãnh thổ đất liền một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải tính từ bờ biển lãnh thổ đất liền đó; và (ii) nếu vị trí của chúng nằm cách bờ biển của đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải tính từ bờ biển của đảo liên quan (Điều 13(1) Công ước 1982).[15] Quy tắc này cũng áp dụng cho việc xác định ĐCS của một QG quần đảo theo Điều 47 Công ước 1982.
Nói cách khác, hiệu lực của các thực thể lúc nổi lúc chìm khi xác định ĐCS thẳng phụ thuộc vào việc chúng có được sử dụng làm điểm để xác định ĐCS hay không[16] . Các thực thể lúc nổi lúc chìm chỉ có thể góp phần tạo ra lãnh hải trong trường hợp này nếu trên chúng có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các ĐCS thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế. Điều đáng nói là Điều 7 Công ước 1982 không quy định rõ ràng sau bao nhiêu lâu thì một đèn biển hoặc một thiết bị tương tự như vậy được coi là hợp pháp. Do đó, các QG có quyền tự do trong việc xây dựng các thiết bị như vậy và sau đó sử dụng chúng làm điểm xác định ĐCS thẳng theo Điều 7(4).
Trong thực tiễn, các thực thể lúc nổi lúc chìm có thể tạo ra những hoàn cảnh liên quan (relevant circumstances) trong việc phân định biển, bao gồm vấn đề xác định ĐCS. Trong vụ kiện tranh chấp ngư trường giữa Anh và Na Uy, khi xem xét đến tính hợp pháp của ĐCS thẳng của Na Uy năm 1949, Tòa đã chấp nhận thực tế rằng một số thực thể lúc nổi lúc chìm đã được sử dụng làm điểm để xác định ĐCS thẳng của Na Uy. Trong vụ kiện về phân định TLĐ giữa Anh và Pháp năm 1977, Tòa Trọng tài đã phải xem xét liệu thực thể Eddystone Rocks là đá hay thực thể lúc nổi lúc chìm để xác định nó có thể được sử dụng là điểm xác định ĐCS hay không và sau đó đã chấp nhận hiệu lực của thực thể này, dựa trên thực tiễn của hai bên trước đó. Tương tự, trong vụ tranh chấp về TLĐ giữa Tunisia và Lybia, hai nước đã có quan điểm khác nhau về việc liệu đảo Djerba và nhóm đảo Kerkennah cùng các thực thể lúc nổi lúc chìm xung quanh nó có thể có hiệu lực trong hoạch định TLĐ giữa hai nước hay không. TACLQT cuối cùng đã chấp nhận sử dụng nhóm đảo Kerkennah và các thực thể lúc nổi lúc chìm của chúng, mặc dù chỉ chấp nhận một phần hiệu lực (half-effects)mà không giải thích gì thêm. Trong vụ kiện phân định biển giữa Eritrea và Yemen, Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu cầu của Eriteria sử dụng thực thể Negileh Rock là điểm xác định ĐCS của nước này khi cho rằng đó là một bãi đá ngầm (reef). Tại vụ kiện về phân định biển và lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain năm 2001, TACLQT đã xem xét vị trí và hiệu lực của Fasht al Azm (thực thể lúc nổi lúc chìm) và chấp nhận một phần hiệu lực (partial effect)trong phân định. Ngoài ra, Tòa đã coi thực thể Jaradah là một đảo mà không phải là thực thể lúc nổi lúc chìm, thỏa mãn tiêu chí của Điều 121 Công ước 1982.[17]
3.2. Quy chế pháp lý cụ thể
Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí của các thực thể này so với các thực thể là đảo hoặc đất liền, cụ thể:
Một là, nếu chúng nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền hoặc từ các đảo hay đá khác và sẽ có quyền nối thành ĐCS với các đảo, đá đó: [18] chúng có thể đóng vai trò như một bộ phận hợp thành của thực thể có quy chế đảo gần nhất.
Hai là, nếu vị trí của chúng nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo gần nhất, lúc này quy chế pháp lý của chúng sẽ tùy thuộc vào 2 khả năng:
(i) Nếu chúng nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý của vùng ĐQKT hoặc trong phạm vi chiều rộng tối đa TLĐ của QGVB tính từ ĐCS hiện hành, Điều 56 và 77 Công ước 1982 khẳng định quyền chủ quyền của các QGVB chủ yếu liên quan đến việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý đối với tài nguyên thiên nhiên sinh vật và không sinh vật. QGVB có cơ sở pháp lý để khẳng định tính hợp pháp và có quyền tiến hành các hoạt động xây dựng công trình thiết bị nhân tạo cũng như các hoạt động nhằm thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm trong vùng ĐQKT 200 hải lý tính từ ĐCS hiện hành.[19]
(ii) Nếu chúng nằm trong phạm vi 200 hải lý của vùng ĐQKT của QGVB được tạo ra do một đảo liên quan thỏa mãn tiêu chí là đảo “thích hợp cho con người đến ở” hoặc “có một đời sống kinh tế riêng”, chúng sẽ thuộc phạm vi quyền chủ quyền, quyền tài phán của QG có chủ quyền với đảo này.
(iii) Nếu chúng nằm ngoài giới hạn 12 hải lý từ các đảo liền kề; hoặc ngoài phạm vi 200 hải lý của vùng ĐQKT; hoặc phạm vi chiều rộng tối đa TLĐ của QGVB tính từ ĐCS hiện hành từ bờ biển hoặc một đảo mà QG có chủ quyền thỏa mãn tiêu chí “thích hợp cho con người đến ở”hoặc“có một đời sống kinh tế riêng”, các thực thể nói trên nằm trên vùng biển quốc tế và vì vậy không một QG nào có quyền tuyên bố chủ quyền.
4. Phán quyết Trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc về quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm và những liên hệ đối với Việt Nam
Phán quyết liên quan đến một nội dung rất quan trọng là quy chế pháp lý của các thực thể trong vùng biển Đông. Việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể có tác dụng phản bác lập luận vô căn cứ của Trung Quốc. Trong nhóm nội dung này, phần lớn các yêu sách của Philippines xoay quanh vấn đề xác định quy chế pháp lý của các thực thể và yêu cầu Tòa làm rõ các khái niệm “đảo”, “đá”, “thực thể lúc nổi lúc chìm”.[20]
Về phần mình, trong Tuyên bố khẳng định về các quyền lợi hợp pháp của mình gửi đến Tòa Trọng tài, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng Công ước 1982 là cơ sở để các bên giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Đáng chú ý là, Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm rằng, đối với các thực thể đã được đề cập đến trong Bản lập luận của phía Philippines thì “không có thực thể nào có thể được hưởng vùng ĐQKT, TLĐ hoặc tạo ra các quyền về biển vượt quá giới hạn 12 hải lý”. Cơ sở của tuyên bố này thể hiện quan điểm của Việt Nam cho rằng chúng là các “thực thể lúc nổi lúc chìm” hoặc là “đá” theo Điều 121(3) của Công ước.[21]
4.1. Về “một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa được Tòa xác định là “đá” (rock) theo quy định của Điều 121(1)”
Tòa xác định “Bãi Hoàng Nham, đá Ga Ven (Bắc), đá Ken Nan, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, và đá Chữ Thập, bao gồm, hoặc là trong điều kiện tự nhiên của chúng bao gồm, những phần đất được tạo thành một cách tự nhiên, được bao bọc bởi nước, mà ở trên mực nước biển khi thủy triều lên cao theo nghĩa của Điều 121(1) của Công ước”.[22] Chúng có quyền có lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, chúng sẽ không có các vùng ĐQKT và TLĐ bởi kết luận khác của Tòa về quy chế chung của các thực thể tại Trường Sa.[23] Chúng không phải là những thực thể lúc nổi lúc chìm.
Trước hết, phán quyết như vậy không mặc nhiên dẫn đến, hoặc không tạo cơ sở đầy đủ để khẳng định các hành động của Trung Quốc hiện nay (cưỡng chiếm, bồi đắp, xây dựng các công trình, thiết bị nhân tạo…) là bất hợp pháp hay xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.[24] Như vậy nội dung của phán quyết không ảnh hưởng đến các thực thể thỏa mãn tiêu chí “đảo” hoặc “đá” mà Việt Nam có chủ quyền và đang thực thi chủ quyền hợp pháp trên đó.[25] Mặc dù vậy, phán quyết góp phần thu hẹp phạm vi các vùng biển tranh chấp. Xét về tổng thể, việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể trên có tác dụng phản bác lập luận vô căn cứ của Trung Quốc.[26] Phán quyết là cơ sở để các QG liên quan xác định rõ ràng hơn vùng biển nào là vùng biển có tranh chấp, để từ đó tiến hành đàm phán, phân định hay khai thác chung trong tương lai.
4.2. Về “không một thực thể nào ở Trường Sa là “đảo” theo quy định tại Điều 121(3)”
Tòa đã kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm, ví dụ, Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng ĐQKT hoặc TLĐ.[27] Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất. Phán quyết của Toà không đồng nghĩa với việc Tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phán quyết như vậy của Tòa cũng không thể giải thích theo hướng bác bỏ tuyên bố của Việt Nam đối với các vùng biển trên biển Đông phù hợp với Công ước 1982.
Như vậy, Phán quyết không có ảnh hưởng đối với chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo/ đá. Đây là vấn đề tranh chấp chủ quyền và phải căn cứ vào các tiêu chí của nguyên tắc sự chiếm hữu thực sự. Mặc dù vụ kiện này là giữa Philippines và Trung Quốc, nội dung của phán quyết buộc Việt Nam cần phải xác định cụ thể về quy chế pháp lý của các thực thể địa lý trên biển Đông mà mình đang quản lý, kiểm soát và tuyên bố chủ quyền. Việt Nam cũng cần phải củng cố và tăng cường các lập luận của mình đối với các thực thể đảo lớn trong nhóm các đảo mà mình đang thực thi chủ quyền hợp pháp.[28]
4.3. Về một số thực thể được coi là “thực thể lúc nổi lúc chìm”
Trong phán quyết của mình, Tòa đã xác định “đá Xu Bi, đá Ga Ven (Nam), đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, và bãi Cỏ Mây là những thực thể lúc nổi lúc chìm theo nghĩa của điều 13 của Công ước”.[29] Phán quyết này dẫn đến những tác động tích cực và tiêu cực sau đây đối với Việt Nam:
Một là, việc phía Philippines đưa ra các yêu cầu Tòa xem xét ra phán quyết về các thực thể địa lý nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa có thể tác động đến chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. Bởi lẽ đây cũng là những thực thể mà Việt Nam yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.[30] Phán quyết của Tòa không loại trừ khả năng có tranh chấp cần được giải quyết giữa Việt Nam và Philippines trong tương lai,[31] khi mà lời văn của phán quyết, mặc dù không liên quan đến vấn đề chủ quyền, có thể được suy diễn theo hướng tạo ra khả năng tranh cãi.[32]
Hai là, đối với các thực thể “lúc nổi lúc chìm” nhưng nằm hoàn toàn trong vùng ĐQKT hoặc TLĐ mở rộng của Việt Nam tính từ ĐCS hiện hành,[33] Việt Nam có cơ sở pháp lý để khẳng định tính hợp pháp của việc thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng ĐQKT này được quy định bởi Công ước 1982, chẳng hạn như tiến hành các hoạt động xây dựng công trình thiết bị nhân tạo, việc quản lý và giám sát các hoạt động hàng hải, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, thăm dò và khai thác dầu khí.[34]
Ba là, đối với “đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm” nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ ĐCS hiện hành nhưng về cấu trúc địa lý nằm hoàn toàn trên vùng TLĐ mở rộng của Việt Nam, tương tự, Việt Nam có cơ sở pháp lý để khẳng định tính hợp pháp của các hoạt động xây dựng công trình thiết bị nhân tạo cũng như các hoạt động nhằm thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong TLĐ theo đúng quy định của Công ước và các đạo luật liên quan của mình.[35] Mặc dù vậy, điều này không loại trừ khả năng tranh chấp với Philippines hoặc các nước liên quan tại những khu vực chồng lấn.
Bốn là, đối với những thực thể không đáp ứng các vấn đề nêu trên,Việt Nam sẽ phải xác định lại cơ sở pháp lý để đòi hỏi và thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán. Trong vụ kiện này, khả năng tranh chấp với Philippines và các nước liên quan cũng không thể loại trừ.
Phán quyết của Tòa đã xác định rõ bản chất pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trên cơ sở liên hệ với các thực thể địa lý trên biển Đông và sẽ là một phương tiện bổ trợ nguồn của LQT về biển. Đối với Việt Nam, tuy không đề cập và giải quyết vấn đề chủ quyền, phán quyết lại có những tác động nhất định đối với việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình. Phán quyết là cơ hội để Việt Nam củng cố các cơ sở pháp lý để đòi hỏi và thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các thực thể trên biển Đông, đồng thời cũng đưa đến những gợi mở pháp lý và những kinh nghiệm quý giá trong việc sử dụng các cơ chế tư pháp và sử dụng những luận cứ pháp lý tại các cơ chế này trong tương lai.
CHÚ THÍCH
* TS. Luật học, Trưởng Bộ môn Anh văn pháp lý, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Chẳng hạn, bài viết của PGS.TS Nguyễn Bá Diến “Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học, số 25, năm 2009, trong các Giáo trình Luật Quốc tế của Đại học Luật Hà Nội năm 2006, trang 189; Giáo trình Công pháp Quốc tếcủa Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2012, tr. 317 – 320. Bản dịch Công ước 1982 của Bộ Ngoại giao cũng sử dụng thuật ngữ này.
[2] United Nations Office for Ocean Affairs and Law of the Sea, The Law of the Sea: Baselines, 1989, tr. 14. Nguyên văn “A low-tide elevation is an inter-tidal feature and is only visible in calm seas at certain stages of the tide, but not at high tide”.Tài liệu có thể download tại <http://www.un.org/depts/los/doalos_publications/publicationstexts/The%20Law%20of%20the%20Sea_Baselines.pdf>, truy cập ngày 30/8/2016.
[3] Haritini Dipla , Islands, The Max Planck Encyclopedia of Public International Law, Volume VI, Oxford University Press, 2006at 406 dẫn trong Robert Beckman, “Legal Status of Low-Tide Elevations and Submerged Features”, 2012, tr. 6 <http://cil.nus.edu.sg/wp/wp-content/uploads/2012/09/Beckman-LTE-submerged-features-Taipei-20-21-Sep1.pdf>, truy cập ngày 11/7/2016.
[4] Satya N. Nandan and Shabtai, tlđd, tr. 128; J Ashley Roach and Robert Smith, United States Responses to Excessive Maritime Claims, (Martinis Nijohoff, 2nded) 1996, tr. 67; Myers S McDougal and William T Burke (eds),, The Public Order of the Oceans: A Contemporary International Law of the Sea, Yale University Press, 1962, tr. 697 dẫn trong Robert Beckman, tlđd, tr. 6; Donald R Rothwell and Tim Stephens, , The International Law of the Sea, Hart Publishing, 2010, tr. 45
[5] Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain (Merits), 2001, ICJ Reports 40, para 188-209. Xem thêm Donald R Rothwell and Tim Stephens, tlđd.
[6] Điều 121(1) Công ước 1982.
[7] Xem thêm Nguyễn Bá Diến, tlđd, tr. 145 – 162.
[8] Theo Robert Beckman thì các đảo tự nhiên sẽ luôn ở trạng thái “khô” (dry) ngay cả khi nước thủy triều lên cao. Xem Robert Beckman, tlđd, tr. 5.
[9] Hugo Ignacio Llanos, “Low-Tide Elevations: Reassessing Their Impact on Maritime Delimination”, Pace International Law Review, Vol 14 (2), 2002, tr. 258.
[10] Theo TS. Trần Công Trục thì “đá” trong Điều 121, UNCLOS 1982 nhằm phân biệt hiệu lực pháp lý của một đảo, chứ không phải tên gọi một loại thực thể có vai trò tương đương “đảo”. Xem Giáo dục Việt Nam, “Có phải Việt Nam “thiệt thòi” vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông?”<http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Co-phai-Viet-Nam-thiet-thoi-vi-phan-quyet-vu-kien-trong-tai-Bien-Dong-post169461.gd>, truy cập ngày 18/7/2016.
[11] PCA, “Award”, tlđd, tr. 176
[12] Xem Alfred H.A Soons, Artificial Islands and Installations in International Law, (22), 7/1974.<https://repositories.tdl.org/tamug-ir/bitstream/handle/1969.3/27383/10857-Artificial%20Islands%20and%20Installations%20in%20International%20Law.pdf?sequence=1&isAllowed=y>, truy cập ngày 18/7/2016
[13] Trần Thăng Long, “Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên biển Đông”, Khoa học Pháp lý,sốa 5, năm 2016.
[14] Hugo Ignacio Llanos , tlđd, 2002, tr. 257.
[15] Xem thêm Nguyễn Bá Diến, tlđd, tr. 155.
[16] Satya N. Nandan and Shabtai Rosenne , tlđd, 1993, tr. 127.
[17] Xem The Fisheries Case (United Kingdom v. Norway), ICJ Reports 1951; The Delimitation of the Continental Shelf Case (United Kingdom/France), 54 I.L.R. 6: Continental Shelf Case (Tunisia/Libya),ICJ Reports 1982; Maritime Delimitation (Eritrea v. Yemen), Award of the Arbitral Tribunal in the Second Stage, PCA, 1999; Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain (Merits), 2001, ICJ Reports 40.
[18] Xem Điều 13(1) Công ước 1982.
[19] Xem Tuyên bố của Việt Nam về ĐCS dùng để tính chiều rộng lãnh hải ngày 12/11/1982.
[20] Xem PCA, Phán quyết vụ kiện Trọng tài Philippines – Trung Quốc, ngày 12/7/2016, tr. 127.
[21] PCA, “Award”, tlđd, tr.49.
[22] PCA, “Award”, tlđd, tr. 473.
[23] PCA, Award, tlđd,tr. 474.
[24] Vấn đề xác định chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền nói chung và lãnh thổ trên biển nói riêng được xác định theo nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”. Xem thêm Trần Thăng Long – Hà Thị Hạnh, “Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế và việc áp dung cho yêu sách đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tạp chí Khoa học Pháp lýsố 5, năm 2013.
[25] Như vậy, chủ quyền của Việt Nam tại các thực thể đảo như Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Ba Bình, Thị Tứ… là không bị ảnh hưởng bởi vì chúng là những đảo đúng nghĩa theo Điều 121(1) Công ước 1982.
[26] Để hiện thực hóa ĐCS lưỡi bò, Trung Quốc luôn sử dụng quan điểm rằng các thực thể Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Hoàng Nham và bãi ngầm Macclesfield được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý để từ đó quy thuộc các thực thể trên biển Đông vào phạm vi của vùng 200 hải lý này. Đây là luận cứ cốt lõi của Trung Quốc, bên cạnh luận cứ về “quyền lịch sử”, trong việc xác định ĐCS 9 đoạn của nước này.
[27] Xem PCA, “Award”, tlđd”.
[28] Chẳng hạn như đảo Trường Sa lớn.
[29] Xem PCA, “Award”, tlđd, tr. 473.
[30] Xem các tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam trước và sau khi Tòa ra phán quyết cuối cùng.
[31] Các yêu sách của Philippines liên quan đến các bãi Mischief (Vành Khăn); Ken Nan (McKennan), Ga Ven (Gaven), Xu Bi (Subi), Gạc Ma (Johnson), Châu Viên (Cuateron) và Chữ Thập (Fiery Cross).
[32] Phán quyết nêu “Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng ĐQKT và TLĐ của Philippines”.
[33] Xem Điều 17(1) Luật Biển Việt Nam 2012.
[34] Xem Điều 56 và Điều 77 Công ước 1982; Điều 15 và Điều 16, Điều 17 và 18 Luật Biển Việt Nam 2012.
[35] tlđd.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Công ước LHQ về Luật Biển 1982 [trans: United Nations Convention on the Law of the Sea 1982]
- Luật Biển Việt Nam 2012 [trans: Law of the Sea of Vietnam 2012]
- Donald R Rothwell and Tim Stephens, The International Law of the Sea, Hart Publishing, 2010.
- United Nations Office for Ocean Affairs and Law of the Sea, The Law of the Sea: Baselines, 1989.
- Hugo Ignacio Llanos, “Low-Tide Elevations: Reassessing Their Impact on Maritime Delimination”, Pace International Law Review, Vol 14 (2), 2002.
- Nguyễn Bá Diến, “Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, số 25, 2009. [trans: The international legally status of sea, island and the matters needed to be applicable to the Spratlys and Paracels, Ha Noi National University Journal of Science, Vol. 25, 2009] .
- Trần Thăng Long – Hà Thị Hạnh, “Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong LQT và sự vận dụng vào lập luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Khoa học Pháp lý,số 5, 2013. [trans: “The Principle of Effective Control in International Law and Its Application for the Claim of Title to the Spratly and Paracel Archipelagos”, Legal Sciences Tournal, Vol. 5, 2013] ,
- Trần Thăng Long, “Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên biển Đông”, Khoa học Pháp lý,số 5, 2016. [trans: Legal Status of Artificial Installations and Structures under International Law of the Sea in relation to China’s activities in the East Sea,Legal Sciences Tournal, Vol. 5, 2016] .
- Robert Beckman, “Legal Status of Low-Tide Elevations and Submerged Features”, 2012, <http://cil.nus.edu.sg/wp/wp-content/uploads/2012/09/Beckman-LTE-submerged-features-Taipei-20-21-Sep1.pdf>.
- Maritime Delimitation and Territorial Questions (Qatar and Bahrain),ICJ Reports 40, 2001.
- The Fisheries Case (United Kingdom v. Norway),ICJ Reports, 1951.
- The Delimitation of the Continental Shelf Case (United Kingdom/France), 54 ILR 6 (Anglo-French Ct. of Arb), 1977.
- Continental Shelf Case (Tunisia/Libya),ICJ Reports, 1982.
- Maritime Delimitation (Eritrea v. Yemen),Award of the Arbitral Tribunal in the Second Stage, PCA, 1999.
- PCA, “Award on Jurisdiction and Admissibility”, dated 29 October 2015, <https://pcacases.com/web/sendAttach/1506>.
- Philippines – China case, Award of the Arbitral Tribunal established under Annex VII UNCLOS, 2016,.<http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf>.
Tác giả: Trần Thăng Long*
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(103)/2016 – 2016, Trang 74-80