• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sử và hiện tại

Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sử và hiện tại

16/05/2020 23/05/2021 GS.TSKH. Đào Trí Úc

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Sự tác động của các yếu tố lịch sử, chính trị và yếu tố địa chính trị
  • 2. Những hình thức tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong thời đại ngày nay
    • 2.1. Áp dụng quy phạm pháp luật xung đột
    • 2.2. Hình thức tiếp cận lẫn nhau, tạo sự giao thoa của các chế định và quy phạm pháp luật của các quốc gia – hay còn gọi là sự tương tác của các hệ thống pháp luật
    • 2.3. Áp dụng các văn bản pháp luật mẫu
    • 2.4. Nhất thể hóa (Unification) pháp luật
  • CHÚ THÍCH

Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sử và hiện tại

TÓM TẮT

Trong thời đại toàn cầu hóa, sự tương tác giữa pháp luật của các quốc gia là một tất yếu khách quan và trên cơ sở đó đã hình thành những con đường cho sự xích lại gần nhau hơn của các hệ thống pháp luật quốc gia, dân tộc. Áp dụng quy phạm pháp luật xung đột là kênh quan trọng cho sự tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia. Nguyên tắc về quyền của các bên tự do lựa chọn luật áp dụng được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng là nguyên tắc nền tảng của các công ước quốc tế. Đó là quy tắc “Proper Law of the Contract”. Sự tương tác của các hệ thống pháp luật còn được thực hiện bởi việc tạo ra một loại “kết cấu hạ tầng pháp lý” giữa các quốc gia với nhau: tạo ra một chế độ pháp lý chung hoặc có tính phổ quát cho đối tượng điều chỉnh của pháp luật mỗi nước; tạo ra chuỗi giá trị phổ biến; xác lập các thủ tục tương đương; thực hiện sự bảo hộ pháp lý như nhau và lẫn nhau…. Áp dụng các văn bản pháp luật mẫu có khả năng định hướng của chúng cho nhà làm luật các quốc gia có quan tâm, là cầu nối giữa các quy phạm pháp luật quốc tế với pháp luật quốc gia. Nhất thể hóa (unification) pháp luật là tạo ra các quy phạm, chế định pháp luật để hoặc xác lập phương thức điều chỉnh thống nhất cho một loại đối tượng thay vì các quy phạm hiện hữu của các quốc gia.

Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sử và hiện tại

Xem thêm:

  • Mối quan hệ giữa Luật Quốc tế và Luật Quốc gia – ThS. LS. Nguyễn Thanh Hiền

TỪ KHÓA: Pháp luật, Tạp chí Khoa học pháp lý

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản trong lịch sử và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
  • Bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
  • Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
  • Chống tra tấn – Những cách thức tiếp cận theo Luật Nhân quyền quốc tế và Luật Hình sự quốc tế
  • Cơ chế đánh giá chứng cứ trong trường hợp các kết luận giám định có kết quả khác nhau
  • Đánh giá các quy định về bảo vệ môi trường trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP) – Lưu ý cho Việt Nam với tư cách quốc gia tiếp nhận đầu tư
  • Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Thuật ngữ, khái niệm và lịch sử của hiện tượng tiếp thu pháp luật nước ngoài

1. Sự tác động của các yếu tố lịch sử, chính trị và yếu tố địa chính trị

Trong thời đại ngày nay – thời đại của toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế thì sự tương tác giữa pháp luật của các quốc gia, cho dù trong đó có sự tương đồng hay còn có những khác biệt nhất định là một tất yếu khách quan và trên cơ sở đó đã hình thành những con đường cho sự xích lại gần nhau hơn của các hệ thống pháp luật quốc gia, dân tộc.

Lịch sử hình thành và phát triển pháp luật trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy sự xích lại gần nhau của pháp luật các nước thường chịu sự tác động to lớn từ các yếu tố lịch sử, các yếu tố chính trị, địa chính trị của quá trình hợp tác, hội nhập trong phạm vi khu vực và phạm vi toàn cầu. Sau đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn những yếu tố đó đã thể hiện dưới những hình thức, phương thức cụ thể như thế nào.

Xét về mặt lịch sử, nhiều hệ thống pháp luật đã ra đời trên cơ sở các tập quán và tục lệ của cư dân tồn tại lâu đời trên các lãnh thổ của họ, trong số đó có thể kể đến các hệ thống pháp luật lớn hiện nay của các nước Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha – những hệ thống pháp luật được sinh ra từ các tập quán và tục lệ được hình thành và áp dụng tại các lãnh địa phong kiến cát cứ ở Châu Âu. Trong trường hợp này vai trò của pháp luật bản địa là rất quan trọng và đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong nội dung các chế định pháp lý, kể cả trong phương thức quản trị quốc gia, trong mối quan hệ phân quyền cho địa phương…

Pháp luật của nhiều quốc gia cũng đã hình thành và phát triển dưới tác động các cuộc chiến tranh và mở rộng thuộc địa. Đằng sau tiếng vó ngựa và tiếng đại bác là sự áp đặt các quy tắc pháp lý. Bộ luật dân sự của Hoàng đế Napoleon năm 1804 đã có tầm ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển về sau này của nền pháp luật và văn hóa pháp luật nhiều nước châu Âu. Người ta nói rằng, Bộ luật Dân sự năm 1838 của Hà Lan là bản dịch nguyên vẹn từ tiếng Pháp sang tiếng Hà Lan. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng cho rằng, Bộ luật năm 1815 của Hoàng đế Gia Long dưới tên gọi khác là Hoàng Việt luật lệ là bản sao của Đại Thanh luật lệ có hiệu lực từ 1740 đến năm 1910 ở Trung Quốc, đã được triều đình Nguyễn Gia Long cho chỉnh sửa trên cơ sở tiếp nhận các quy tắc của Bộ luật Hồng Đức của Việt Nam thời kỳ thế kỷ XV – XVIII.

Sự ảnh hưởng lẫn nhau cũng như sự tiếp nhận pháp luật và các giá trị pháp luật còn là hệ quả của sự gần gũi của các yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và lối sống của dân cư. Từ đó là sự tương đồng về văn hóa pháp lý, quan niệm và quan điểm về quản trị quốc gia, ý thức pháp luật và phương thức làm luật của các nhà cai trị. Ví dụ lịch sử vừa nêu trên khi nói đến pháp luật Việt Nam thời Nguyễn Gia Long và pháp luật nhà Thanh ở Trung Quốc là một minh chứng cho điều này. Theo đó, cả hai nền pháp luật đều coi tư tưởng pháp luật Nho giáo là căn cứ lý luận chỉ đạo nguyên tắc lập pháp, cả hai nền chính trị đều lấy sự kết hợp tư tưởng chính danh của Khổng Tử với cơ chế gia đình, gia tộc trong cai trị. Có ý kiến rất xác đáng cho rằng, Nguyễn Gia Long đã không sao chép một cách máy móc Bộ luật của nhà Đại Thanh mà đã tiếp thu nó trên tinh thần Nho giáo một cách chủ động để xây dựng nền văn hóa cai trị sánh ngang với triều đình phong kiến Trung Quốc [1].

Những thí dụ tương tự có thể tìm thấy trong mối ảnh hưởng của pháp luật Liên Xô đối với hệ thống pháp luật các nước XHCN trước đây bởi các nước đó có cùng hệ tư tưởng Mác – Lê nin và phương thức đào tạo pháp luật; sự tương đồng về chế độ chính trị và kinh tế là động lực mạnh mẽ nhất cho sự tiếp nhận pháp luật. Mối quan hệ gần gũi của pháp luật các nước Scandinavia như Thụy Điển, Na-uy, Đan Mạch, nhất là sự giống nhau nhiều mặt trong lĩnh vực pháp luật của các nước đó về thương mại, vận tải biển, về tài chính – ngân hàng là điều kiện tự nhiên của sự giao thoa pháp luật.

Trong sự tương tác pháp luật thì yếu tố tác động đáng kể phải kể đến ảnh hưởng của quá trình hỗ trợ về pháp luật (“Legal assistance”). Trong quá trình hoạt động hỗ trợ này, sự hướng tới lẫn nhau đã có thể thấy rất rõ từ hai phía: phía các chuyên gia pháp luật nước ngoài và phía các nhà làm luật, các chuyên gia pháp luật của nước được hỗ trợ.

Theo đó, các chuyên gia từ các nước hay tổ chức hỗ trợ pháp luật thường chia sẻ kinh nghiệm lập pháp của nước mình, mang đến cho nước sở tại những nguyên tắc, những chế định pháp lý nhằm cấy ghép vào hệ thống pháp luật hay các văn bản pháp luật của nước sở tại. Còn từ phía nước sở tại, cũng không hiếm các trường hợp các nhà lập pháp ở đó đã mong muốn được tiếp nhận một chế định của nước ngoài mà họ cho là cần thiết, thậm chí bê nguyên xi vào trong cơ thể pháp lý nước mình. Minh chứng cho điều đó là những thay đổi được coi là “chóng mặt” trong hệ thống tư pháp các nước Đông Âu sau Liên Xô sụp đổ, hoặc sự ra đời nhanh chóng của các thiết chế mới như Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp ở một số nước…

2. Những hình thức tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong thời đại ngày nay

2.1. Áp dụng quy phạm pháp luật xung đột

Nội dung chủ đạo của phương pháp áp dụng quy phạm pháp luật xung đột là tìm luật của một quốc gia để áp dụng cho việc điều chỉnh các giao dịch thương mại quốc tế trên cơ sở các quy phạm xung đột, tức là quy phạm gián tiếp dẫn chiếu tới luật quốc gia được áp dụng. Nhiều công ước quốc tế đã được ban hành làm cơ sở giúp các bên lựa chọn luật áp dụng, trong đó nổi bật nhất là Công ước Rome 1980 về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng, Quy tắc Rome (The Rome I Regulation) thay thế Công ước Rome năm 1980, Công ước La Haye năm 1955 về luật áp dụng cho mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước La Haye năm 1986 về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Liên Mỹ về luật áp dụng đối với các hợp đồng quốc tế, Luật Thương mại thống nhất của OHADA…

Xét về lý luận, sẽ là lý tưởng nhất nếu quốc gia có đầy đủ các quy phạm pháp luật để điều chỉnh tất cả các vấn đề nảy sinh trong các giao dịch thương mại quốc tế, hoặc chẳng hạn, nếu cộng đồng quốc tế hoặc khu vực có khả năng ban hành những điều ước quốc tế chung có khả năng bao quát mọi khía cạnh khác nhau của giao dịch quốc tế. Nhưng điều đó là không tưởng!

Xu hướng chung của Trọng tài thương mại quốc tế là biểu hiện cụ thể của học thuyết “Lex mercatoria” khẳng định một nguyên tắc lớn hơn là nguyên tắc về sự độc lập của các bên giao kết, thừa nhận quyền của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng.

Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam coi quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, trong đó có tự do thỏa thuận về luật áp dụng, là một trong những nguyên tắc cơ bản hàng đầu. Điều 14 Luật Trọng tài Thương mại của Việt Nam, Điều 1946 Bộ luật Tố tụng Dân sự Pháp và Điều 1054 Bộ luật Tố tụng Dân sự Hà Lan đều quy định rằng, trong trường hợp các bên không có lựa chọn về luật áp dụng thì Trọng tài quyết định áp dụng quy phạm được cho là thích hợp, tức là không đòi hỏi trọng tài viên phải tìm kiếm các quy phạm pháp luật xung đột của pháp luật trong nước. Nguyên tắc về quyền của các bên tự do lựa chọn luật áp dụng được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng là nguyên tắc nền tảng của các công ước quốc tế (Điều 3 Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng, phần 11 của Quy tắc Rome I thay thế cho Công ước Rome năm 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng, Điều 7 Công ước La Haye năm 1986 về luật áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa…).

Lựa chọn của các bên về luật áp dụng

Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng trước hoặc sau khi ký kết hợp đồng và sự lựa chọn ấy phải được thể hiện rõ ràng thông qua các điều kiện hợp đồng hoặc thông qua toàn bộ các tình tiết có liên quan đến hợp đồng. Thỏa thuận về luật áp dụng có thể là một điều khoản của hợp đồng, hoặc có thể được ghi nhận riêng một cách độc lập so với hợp đồng, cũng có thể bằng cách viện dẫn một văn bản khác, viện dẫn hợp đồng mẫu.

Khái niệm “luật áp dụng” cũng thường được sử dụng cho trường hợp khi các bên không chọn luật của một quốc gia cụ thể nào hoặc không chọn các điều ước quốc tế mà lại chọn áp dụng “các nguyên tắc pháp lý chung” hoặc “thông lệ thương mại quốc tế”. Thực chất, đây là biểu hiện của học thuyết “Lex mercatoria”, xem xét chủ yếu trên bình diện luật công bằng (ex aequo et bono). Theo học thuyết này, cơ sở để xác lập một trật tự pháp lý cho hoạt động kinh doanh quốc tế không thể là luật của một quốc gia hay các điều ước quốc tế, mà phải là các thông lệ thương mại quốc tế. Chính vì thế, Bộ Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế năm 1994, sửa đổi vào các năm 2004 và 2010 (PICC) đã ra đời. Ngoài ra, còn có một bộ quy tắc tương tự Bộ Nguyên tắc Hợp đồng Thương mại châu Âu (PECL) năm 1998, theo đó, các bên chỉ cần thỏa thuận rằng, họ sẽ áp dụng “các nguyên tắc pháp lý chung” thì Tòa án và Trọng tài có thể lấy căn cứ từ các nguyên tắc của Unidroit (PICC) hoặc PECL.

Như vậy, việc các bên được phép áp dụng luật của một quốc gia cho việc giải quyết tranh chấp thuộc quan hệ luật tư đã trở thành một nguyên tắc chủ đạo của tư pháp quốc tế, được Văn phòng thường trực về Tư pháp quốc tế (tiền thân của Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc) ghi nhận vào năm 1929 trên cơ sở kết quả giải quyết vụ tranh chấp giữa chính phủ Nam Tư và chính phủ Bra-xin về khoản vay tín dụng. Theo đó, “mọi hợp đồng, nếu như không phải là hợp đồng giữa các quốc gia với tính cách là chủ thể của Luật quốc tế, thì đều có thể tìm thấy căn cứ nằm trong pháp luật của một quốc gia nào đó”[2].

Việc lựa chọn luật áp dụng có thể là toàn phần hay từng phần đối với hợp đồng. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên có thể được xác định theo luật của một quốc gia này, còn trách nhiệm của các bên lại có thể được xác định theo luật của một quốc gia khác. Chẳng hạn, theo Điều 27 Bộ luật Dân sự Đức các bên có quyền lựa chọn luật cho cả hợp đồng hoặc theo từng phần của hợp đồng. Điều 1210 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga cũng có quy định tương tự. Công ước Rome năm 1980 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng và Quy tắc Roma I thay thế cho Công ước Rome năm 1980 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng cũng đặt ra khả năng áp dụng luật theo từng phần của hợp đồng.

Lựa chọn của cơ quan tài phán về luật áp dụng

Công ước Rome 1980 (Điều 4), Quy tắc Rome I thay thế cho Công ước Rome năm 1980 xác định rằng khi các bên không chỉ rõ luật áp dụng, tòa án và trọng tài được quyền áp dụng luật của quốc gia được coi là gần gũi nhất với các điều kiện của hợp đồng. Quy tắc này (còn gọi là Quy tắc về Luật thích hợp của Hợp đồng – “Proper Law of the Contract”) được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng. Theo đó, quốc gia được coi là gần gũi với hợp đồng chính là quốc gia mà bên thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đang cư trú. Tòa án và trọng tài cũng thường chú ý trước hết đến các yếu tố như: địa điểm trọng tài, ngôn ngữ của hợp đồng đã được sử dụng; địa điểm thực hiện hợp đồng; địa điểm tiến hành thanh toán và đồng tiền giao dịch; địa điểm hoạt động chính của các bên; tính ổn định và trình độ phát triển của hệ thống pháp luật, nhất là của các nguyên tắc pháp lý được áp dụng.

Nguyên tắc, hay còn gọi là công thức về luật gần gũi nhất là một bước đi xa hơn nguyên tắc truyền thống của thương mại quốc tế được xác lập theo Công ước Roma về Luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng (Điều 8). Theo đó, luật được ưu tiên lựa chọn là luật quốc gia của bên bán hàng. Tuy nhiên, vẫn có thể áp dụng luật quốc gia của bên mua hàng, nếu: a) Các cuộc thương thảo để đi đến giao dịch đã diễn ra ở quốc gia của bên mua hàng, hoặc b) Hợp đồng đã xác định rằng bên bán hàng phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng đến quốc gia của bên mua hàng, hoặc c) Hợp đồng đã được ký kết theo hướng thiên về thỏa mãn những điều kiện của bên mua hàng.

2.2. Hình thức tiếp cận lẫn nhau, tạo sự giao thoa của các chế định và quy phạm pháp luật của các quốc gia – hay còn gọi là sự tương tác của các hệ thống pháp luật

Theo hướng này, sự xích lại gần nhau giữa các hệ thống pháp luật được thực hiện bởi các “công cụ pháp lý” sau đây:

– Tạo ra một chế độ pháp lý chung hoặc có tính phổ quát cho đối tượng điều chỉnh của pháp luật mỗi nước (ví dụ: về đầu tư, về các sắc thuế…)

– Tạo ra một phạm vi và mức độ bình đẳng về các quyền của chủ thể quan hệ pháp lý (của các nhà đầu tư, của các thương nhân…) của các quốc gia liên quan

– Tạo ra những quy chuẩn giá trị (chuỗi giá trị) phổ biến (ví dụ, yêu cầu về hàng hóa, dịch vụ, môi trường…)

– Tạo mặt bằng trong các bảo đảm pháp lý (ví dụ, về chế độ hưu trí, các khoản trợ cấp…)

– Thừa nhận cho nhau các văn bằng (bằng đại học, chuyên gia…)

– Xác lập các thủ tục tương đương

– Hợp tác và tương trợ pháp luật

– Tạo ra không gian pháp luật chung (ví dụ, trong quá trình phối hợp nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục hoặc thông qua việc thừa nhận và áp dụng giá trị của các văn kiện, các công ước).

– Thực hiện sự bảo hộ pháp lý như nhau và lẫn nhau.

– Áp dụng chung các loại chế tài đối với các vi phạm tương ứng

Đây là những hình thức phổ biến nhất trong quá trình khắc phục sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật và hài hòa hóa các chuẩn mực pháp lý chung. Có thể gọi đây là quá trình tạo ra một loại “kết cấu hạ tầng pháp lý” giữa các quốc gia với nhau. Trong số đó, vai trò nổi bật đã và đang thuộc về các định chế pháp lý quốc tế, các tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), của EU, ASEAN và các tổ chức khu vực khác.

2.3. Áp dụng các văn bản pháp luật mẫu

Trong vài thập niên trở lại đây chúng ta có thể thấy sự gia tăng tỉ trọng của một loại văn bản mới phản ánh mối liên hệ của các hệ thống pháp luật. Đó là loại văn bản mang tính khuyến nghị, hay còn gọi là văn bản mẫu, được hiểu là những văn bản có mức độ pháp điển cao các quy phạm, các chế định pháp luật, nhưng chỉ có giá trị tham khảo không có hiệu lực bắt buộc đối với các quốc gia. Nó có thể là văn bản mẫu của Liên bang để nhà làm luật các bang trong cơ cấu Liên bang tham khảo; đó có thể là văn bản mẫu của tổ chức quốc tế hoặc khu vực để các quốc gia thành viên tham khảo như là những quy định mẫu, chuẩn áp dụng, Văn bản pháp luật mẫu cũng có thể do các cơ quan, tổ chức nghiên cứu xây dựng, phát hành và vì vậy mang tính học thuật.

Giá trị và ý nghĩa của các văn bản pháp luật mẫu đối với quá trình tương tác và xích lại gần nhau giữa các hệ thống pháp luật thể hiện ở khả năng định hướng của chúng cho nhà làm luật các quốc gia có quan tâm, là cầu nối giữa các quy phạm pháp luật quốc tế với pháp luật quốc gia, chúng chứa đựng khả năng trở thành tế bào mới của “cơ thể” pháp lý quốc gia.

Điều thú vị và khá thuận lợi cho quá trình “xâm nhập”, “cấy ghép” này là ở chỗ, đa phần các quy phạm mẫu, các văn bản mẫu xét về mặt cấu trúc của đối tượng điều chỉnh cũng như hình thức văn bản là rất gần, rất giống các văn bản do các quốc gia ban hành. Chẳng hạn, Công ước về Tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội, Bộ luật ứng xử của Người thi hành công vụ trong quá trình duy trì trật tự pháp luật. Công ước về Quan hệ lao động trong thực thi công vụ; các nguyên tắc cơ bản về chế độ độc lập của tòa án, các quy tắc tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động xét xử các vụ án vị thành niên, Hiến chương châu Âu về Tự quản địa phương…

Chủ thể ban hành các luật mẫu như vậy đa phần là các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tổ chức liên nghị viện, liên chính phủ và được các quốc gia tiếp nhận với tinh thần tự nguyện nhận về mình các nghĩa vụ xuất phát từ văn bản đó. Nội dung các văn bản mẫu này bao gồm các nguyên lý, quan điểm pháp lý đối với việc điều chỉnh nhóm quan hệ có liên quan; nhiều quy phạm mang tính định nghĩa, khái niệm, phạm trù. Cũng có trường hợp văn bản mẫu được xác lập như một loại “luật mẹ” mà “luật con” sẽ là các văn bản của các quốc gia thành viên với nhiều sự lựa chọn và bảo lưu khác nhau sau khi được nghị viện của các quốc gia thành viên phê chuẩn hoặc ban hành văn bản của mình.

Như đã nêu ở trên, văn bản pháp luật mẫu cũng có thể là sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu, của cá nhân các nhà nghiên cứu. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, những văn bản này đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận tại các quốc gia. Có thể nêu ví dụ về loại văn bản mẫu này như: Bộ luật Hình sự mẫu của Hoa Kỳ, một sản phẩm khoa học của Viện pháp luật Hoa Kỳ năm 1962; “Bộ luật chuẩn thế giới về thuế” do các chuyên gia thuộc Đại học Harvard xây dựng và giới thiệu năm 1992 với 591 điều, với nhiều khái niệm, nguyên tắc được xác định trong đó. Những văn bản như vậy đã có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động lập pháp của nhiều quốc gia Hiệp ước về hài hòa Luật Thương mại châu Phi (OHADA) được xem như một hình mẫu về một khu vực có sự gắn kết cao nhất hiện nay trong lĩnh vực luật thương mại.

2.4. Nhất thể hóa (Unification) pháp luật

Sự khác biệt hoặc sự đa dạng của pháp luật từng quốc gia – lực cản cho việc hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác – đã thôi thúc quá trình thống nhất hóa, nhất thể hóa pháp luật mà thực chất của nó là tạo ra các quy phạm, chế định pháp luật để hoặc xác lập phương thức điều chỉnh thống nhất cho một loại đối tượng thay vì các quy phạm hiện hữu của các quốc gia, hoặc tạo cơ sở cho việc tìm được điều chung giữa các quy định cùng loại trong pháp luật các nước có liên quan.

Nhất thể hóa pháp luật có 3 dạng tiêu biểu:

– Thứ nhất, về mặt phạm vi nhất thể hóa, đó là loại nhất thể hóa có liên quan đến những quốc gia liền kề, hoặc các quốc gia trong một tổ chức khu vực, hoặc là thành viên của tổ chức liên chính phủ.

– Thứ hai, về mặt đối tượng nhất thể hóa, đó có thể là sự nhất thể pháp luật nội dung, cũng có thể là nhất thể hóa luật thủ tục, ví dụ thủ tục xét xử tại tòa án hoặc trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.

– Thứ ba, về hình thức, kết quả của sự nhất thể thóa có thể được ghi nhận thông qua các hiệp định, các văn bản khuyến nghị, các hợp đồng mẫu v.v.

CHÚ THÍCH

* GS-TSKH, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng.

[1] Theo Phạm Ngọc Hường – Trung tâm NC Lịch sử, Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ – Trích từ: “khoavanhoc-ngon ngu.edu.vn”

[2] Jessup. Transnational Law – Storrs lecture on jurisprudence (Yale Law School, 1956, P.197).

  • Tác giả: GS.TS. Đào Trí Úc
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 – (86)/2015 – 2015, Trang 3-7
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Đường lối chính trị - pháp lí trong pháp luật về quốc tịch của các nước trên thế giới
Đường lối chính trị – pháp lí trong pháp luật về quốc tịch của các nước trên thế giới
Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới
Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới
Ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản trong lịch sử và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản trong lịch sử và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Đạo đức công vụ và mối quan hệ giữa đạo đức công vụ và pháp luật công vụ - Một số khía cạnh lí luận
Đạo đức công vụ và mối quan hệ giữa đạo đức công vụ và pháp luật công vụ – Một số khía cạnh lí luận
Chuyển hóa pháp luật trong thời đại toàn cầu hóa và liên kết quốc tế, khu vực
Chuyển hóa pháp luật trong thời đại toàn cầu hóa và liên kết quốc tế, khu vực
Tính ổn định của Pháp luật: Lí thuyết, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng cho Việt Nam
Tính ổn định của Pháp luật: Lí thuyết, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng cho Việt Nam

Chuyên mục: Công pháp quốc tế/ Quốc tế Từ khóa: Luật quốc gia/ Pháp luật/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015

Previous Post: « Về đơn kháng cáo phúc thẩm trong tố tụng dân sự
Next Post: Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng