Mục lục
Phân tích quy chế Amicus Curiae trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO
Xem thêm:
- Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học” – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Vấn đề bảo vệ môi trường và hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng
- Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Quyền đảm bảo sức khỏe trong WTO – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Bàn về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính – TS. Lưu Quốc Thái
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định tại BLTTDS năm 2015 – TS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Giải quyết tranh chấp, Tổ chức thương mại thế giới, WTO, Tạp chí Khoa học pháp lý
Với việc gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã có đầy đủ tư cách để tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp (“GQTC”) của tổ chức thương mại thế giới. Việt Nam cũng đã khởi kiện và thành công trong vụ kiện về tôm đông lạnh trước Hoa Kỳ (DS 404). Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO vẫn còn nhiều quy chế mang tính kỹ thuật cần phải được tiếp tục nghiên cứu để chúng ta có thể vận dụng chúng một cách hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Một trong những vấn đề pháp lý phức tạp của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là quy chế báo cáo amicus curiae. Kể từ năm 1998, các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã bắt đầu tiếp cận báo cáo amicus curiae trong một loạt vụ kiện, đặc biệt trong những vụ liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người. Tuy nhiên, cho đế nay giá trị pháp lý của báo cáo amicus curiae trong thủ tục GQTC của WTO như thế nào và khả năng ảnh hưởng trực tiếp của báo cáo đối khuyến nghị GQTC tới đâu hiện vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Bản thân WTO cũng chưa có một văn bản quy định rõ ràng về vấn đề này.
Bài viết này sẽ làm rõ nội dung và tầm quan trọng của quy chế báo cáo amicus curiae trong khuôn khổ cơ chế GQTC của WTO, và những nguyên tắc hiện hành mà Cơ quan phúc thẩm và Ban hội thẩm đang áp dụng đối với báo cáo amicus curiae.
I. Khái quát quy chế amicus curiae
“Amicus curiae” là một thuật ngữ pháp lý có nguồn gốc từ tiếng Latin nghĩa là “bạn của tòa án”, mang nội hàm là [một] người, không phải là các bên tranh chấp, tự nguyện gửi ý kiến của mình cho Tòa án thông tin về những vấn đề pháp lý hoặc những vấn đề khác của vụ kiện để hỗ trợ Tòa giải quyết nội dung tranh chấp. [1] Quy chế báo cáo amicus curiae được áp dụng phổ biến trong hệ thống tư pháp của Anh từ thế kỷ XVII và sau đó được hầu hết các quốc gia theo hệ thống thông luật tiếp thu và áp dụng rộng rãi.[2] Tại Hoa Kỳ, các tòa án từ lâu đã công nhận và cho phép amicus curiae tham gia vào thủ tục tố tụng. [3] Báo cáo amicus curiae có thể dưới nhiều hình thức khác nhau – dưới dạng báo cáo pháp lý hoặc một báo cáo kỹ thuật liên quan tới vấn đề của vụ việc đang được tòa án thụ lý.[4] Amicus curiae đóng vai trò quan trọng trong nhiều vụ án kinh điển của pháp luật Hoa Kỳ, đặc biệt các vụ kiện về quyền dân sự và phá thai. [5]
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế quy chế amicus curiae cũng được công nhận và sử dụng bởi các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, các cơ quan tài phán quốc tế có chính sách đối xử với amicus curiae không giống nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố như bản chất và thẩm quyền của tổ chức quốc tế thiết lập tòa án, lịch sử của tổ chức, mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của tổ chức, những khó khăn trong quá trình thu thập bằng chứng và truyền thống pháp lý của vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Tòa án.[6] Chẳng hạn Tòa án công bằng quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) đều công nhận và chấp nhận sử dụng báo cáo amicus curiae trong thủ tục giải quyết tranh chấp, tuy nhiên chỉ giới hạn ở các báo cáo được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế liên chính phủ.[7]
Trong thương mại quốc tế, quy chế báo cáo amicus curiae hoàn toàn không được Ban hội thẩm của GATT[8] chấp nhận vì cho rằng chỉ các quốc gia tranh chấp mới được quyền tham gia và cung cấp các thông tin lien quan tới vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, các cơ quan giải quyết tranh chấp WTO đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận vấn đề quy chế amicus curiae. Năm 1998, các cơ quan GQTC của WTO đã lần đầu tiên công nhận báo cáo nàytrong vụ kiện Hoa Kỳ – Tôm (DS58)[9] và có khuyến nghị đối với báo cáo amicus curiae được thực hiện bởi các bên quan tâm nhưng không phải là chính phủ (tổ chức phi chính phủ – NGO). Sau đó, quy chế amicus curiae tiếp tục được áp dụng trong một loạt vụ kiện khác của WTO. Mặc dù vậy, cho đến nay WTO vẫn không có một văn bản chính thức ghi nhận về điều kiện và thủ tục áp dụng quy chế amicus curiae. Việc giải thích và áp dụng quy chế này hoàn toàn dựa trên thực tiễn GQTC của các cơ quan GQTC của WTO.
Cơ sở pháp lý cơ bản cho việc áp dụng quy chế amicus curiae trong cơ chế GQTC của WTO là Điều 13 Bản thỏa ước về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO (DSU). Theo quy định của Điều 13 DSU, mỗi Ban hội thẩm đều phải có quyền tìm kiếm thông tin và tư vấn kỹ thuật từ bất cứ cá nhân hoặc cơ quan nào mà Ban hội thẩm coi là phù hợp[10] và có thể tìm kiếm thông tin từ bất kỳ nguồn nào có liên quan và có thể tham vấn chuyên gia để nhận được những ý kiến về những khía cạnh nhất định của vấn đề.[11] Như vậy, Điều 13 DSU quy định rất rõ ràng về quyền của Ban hội thẩm trong việc tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật liên quan tới vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng điều khoản này lại không đề cập tới vấn đề báo cáo amicus curiae. Bên cạnh đó nội dung của quy định cũng mơ hồ vì từ “tìm kiếm” có thể được hiểu là Ban hội thẩm phải chủ động yêu cần cung cấp thông tin.[12] Vì vậy, có thể lập luận các báo cáo kỹ thuật của bên thứ 3, bao gồm cả báo cáo amicus curiae, không có giá trị tham khảo nếu Ban hội thẩm không chủ động trưng cầu. Một vấn đề pháp lý khác cũng rất quan trọng là liệu nội dung của Điều 13 DSU có bao trùm lên hoạt động xét xử của tất cả các cơ quan GQTC của WTO (cụ thể là Cơ quan phúc thẩm) vì nội dung của điều khoản này dường như chỉ đề cập tới Ban hội thẩm. Hay nói cách khác, Cơ quan phúc thẩm có thể dựa trên quy định của Điều 13 DSU để tiến hành trưng cầu thông tin khi xem xét vụ việc.
Như vậy, việc tìm hiểu quy chế amicus curiae trong thủ tục GQTC của WTO chỉ có thể được thực hiện thông qua các vụ kiện và thực tiễn xét xử của WTO. Phần sau của bài viết này sẽ tập trung phân tích một số một số vụ kiện điển hình tại WTO trong thời gian qua liên quan tới vấn đề diễn giải và áp dụng quy chế amicus curiae tại WTO.
II. Quy chế amicus curiae trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của WTO
(a) Vụ kiện Hoa Kỳ – Tôm
Như trên đã nêu vụ Hoa Kỳ – Tôm là vụ kiện đầu tiên mà cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã tiếp nhận và có ý kiến bằng văn bản về vấn đề báo cáo amicus curiae. Trong vụ kiện này Ban hội thẩm đã nhận được hai hồ sơ amicus[13] cung cấp bằng chứng khoa học và kỹ thuật liên quan đến bảo tồn rùa biển nhằm ủng hộ lệnh cấm thương mại của Hoa Kỳ đối với tôm nước ngoài được đánh bắt mà không sử dụng thiết bị loại bỏ rùa biển (turtle excluder devices – TEDs) nhằm bảo vệ loài rùa biển. Mặc dù ghi nhận hai hồ sơ amicus trên, Ban hội thẩm cho rằng việc chấp nhận và xem xét những hồ sơ này là không phù hợp với Quy chế giải quyết tranh chấp (DSU) bởi Ban hội thẩm không yêu cầu chúng.[14] Tuy vậy, Ban hội thẩm đã cho phép các bên tranh chấp sử dụng những hồ sơ amicus này trong phần đệ trình của họ nếu muốn.[15]
Hoa Kỳ khi kháng cáo khuyến nghị GQTC của Ban hội thẩm đã lập luận rằng Điều 13 của DSU cho phép Ban hội thẩm tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau và không hề quy định cấm Ban hội thẩm xem xét thông tin không được trưng cầu vì vậy việc từ chối chấp nhận báo cáo amicus curiae của Ban hội thẩm là có thể không đúng với tinh thần của DSU. Đối với vấn đề này các bên nguyên đơn (bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan) cho rằng lập luận của Hoa Kỳ là sai lầm vì các lý do sau: (i) Điều 13 không yêu cầu Ban hội thẩm phải xem xét những thông tin không được trưng cầu, và Hoa Kỳ đã sai khi cho rằng Điều 13 yêu cầu như vậy; (ii) Ban hội thẩm phải tuân thủ trình tự ba bước khi tìm kiếm thông tin: ra quyết định tìm kiếm thông tin kỹ thuật; thông báo cho một thành viên rằng thông tin này đang được tìm kiếm trong thẩm quyền của mình; và xem xét thông tin thu thập được (Trong khi đó cách diễn giải của Hoa Kỳ làm mất đi hai bước đầu); (iii) Phụ lục 3 DSU quy định Thủ tục làm việc của Ban hội thẩm, chỉ cho phép thành viên WTO là bên tranh chấp hoặc bên thứ ba được đệ trình bằng văn bản lên Ban hội thẩm; (iv) các bên tranh chấp cũng chịu thêm gánh nặng khi họ cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lời những đệ trình mà theo họ là có thể thu hút sự quan tâm của Ban hội thẩm.[16]
Về vấn đề này, Cơ quan phúc thẩm đã khẳng định quyền tham gia giải quyết tranh chấp WTO chỉ giới hạn cho thành viên WTO. Chỉ có thành viên là bên tranh chấp hoặc bên thứ ba mới có quyền đệ trình các vấn đề khiếu nại, lập luận và được xem xét bởi Ban hội thẩm. Tương tự, Ban hội thẩm chỉ có nghĩa vụ chấp nhận và xem xét hợp lý phần đệ trình của các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba. Việc chấp thuận hồ sơ amicus không phải là nghĩa vụ của Ban hội thẩm. Cơ quan phúc thẩm cho rằng quyền “tìm kiếm thông tin” của Ban hội thẩm theo Điều 13 bao gồm cả quyền chấp nhận, từ chối hay sử dụng hợp lý thông tin và tham vấn. Ngoài ra Cơ quan phúc thẩm cũng lưu ý rằng Điều 12.1 DSU cho phép Ban hội thẩm tách biệt hoặc bổ sung vào Thủ tục làm việc (working procedures) được quy định trong Phụ lục 3 DSU sau khi tham khảo ý kiến các bên tranh chấp nhằm “bảo đảm sự linh hoạt cần thiết cũng như chất lượng phán quyết mà không làm quá trình xét xử bị đình trệ”.[17] Thẩm quyền tìm kiếm thông tin theo quy định của Điều 13 DSU không hề ngăn cấm việc chấp thuận thông tin không được trưng cầu (có nghĩa là Bạn hội thẩm sai khi diễn giải rằng việc chấp nhận thông tin không được trưng cầu tư các nguồn phi chính phủ là không phù hợp với DSU), nhưng Ban hội thẩm có toàn quyền chấp thuận hoặc từ chối xem xét thông tin từ các nguồn khác nhau , bao gồm cả báo cáo amicus bất kể thông tin đó có được Ban hội thẩm yêu cầu hay không.[18]
(b) Vụ kiện Hoa Kỳ – Thép
Trong vụ kiện Hoa Kỳ – Thép (DS138)[19], Ban hội thẩm cũng không chấp nhận báo cáo amicus curiae. Trong báo cáo của mình Ban hội thẩm nhận định mình có quyền chấp nhận thông tin của báo cáo amicus curiae, nhưng đã từ chối chấp thuận vì báo cáo không được nộp đúng hạn.[20] Như vậy, Ban hội thẩm trong vụ kiện này đã khẳng định thẩm quyền tiếp nhận và chấp thuận báo cáo amicus curiae trên cơ sở Điều 13 DSU của Ban hội thẩm.
Tuy nhiên, vấn đề áp dụng quy chế amicus curiae trên cơ sở Điều 13 DSU tiếp tục được phân tích tại cấp phúc thẩm của vụ kiện này. Cụ thể, khi Hoa Kỳ gửi đơn yêu cầu phúc thẩm về nội dung của khuyến cáo của Ban hội thẩm thì Cơ quan phúc thẩm nhận được hai báo cáo amicus. EC với tư cách là một bên trong vụ tranh chấp đã phản đối các báo cáo amicus curiae và cho rằng chúng không thể được chấp nhận tại cấp phúc thẩm. Theo EC, Điều 13 DSU chỉ có thể được vận dụng tại cấp sơ thẩm (Ban hội thẩm) vì nó chỉ hạn chế ở mức xác định chứng cứ chứ không liên quan tới vấn đề diễn giải luật. Theo EC, Cơ quan phúc thẩm không có nghĩa vụ xem xét các báo cáo này. Về vấn đề này, Cơ quan phúc thẩm đã giải thích rằng cá nhân và tổ chức (không phải là thành viên WTO) không có quyền [đương nhiên] nộp các báo cáo trong thủ tục GQTC của WTO và Cơ quan phúc thẩm cũng không có nghĩa vụ xem xét các báo cáo của các đối tượng này.[21] Mặc dù vậy, Cơ quan phúc thẩm lại cũng khẳng định từ “hội đồng” (panels) trong Điều 13 DSU mang ý nghĩa bao gồm cả Ban hội thẩm và hội đồng xét xử của cơ quan phúc thẩm và như vậy Cơ quan phúc thẩm cũng có quyền tiếp nhận và xem xét các báo cáo amicus curiae tại cấp phúc thẩm nếu thấy cần thiết. [22] Ngoài ra, Điều 17.9 của DSU và Điều 16.1 của Thủ tục làm việc cho phép Cơ quan phúc thẩm áp dụng các quy tắc mang tính chất thủ tục không mâu thuẫn với bất kỳ quy tắc, quy định hoặc thủ tục nào của DSU hoặc các hiệp định của WTO, đối với giai đoạn phúc thẩm. Giải thích này của Cơ quan phúc thẩm chưa rõ ràng tuy nhiên nó đã khẳng định Cơ quan phúc thẩm có quyền tiếp nhận, xem xét và từ chối các báo cáo amicus curiae.
Mặc dù vậy, trong vụ kiện này, Cơ quan phúc thẩm đã không chấp nhận 2 báo cáo amicus curiae vì cho rằng không cần thiết phải xem xét chúng.[23]
(c) Vụ kiện EC – Amiăng[24]
Trong vụ kiện EC-Amiăng (DS135), các vấn đề được đề cập trong báo cáo amicus curiae đã được thấp thuận bởi Ban hội thẩm. Tại vụ kiện này, 4 trong số 5 báo cáo amicus curiae đã được Ban hội thẩm xem xét, báo cáo thứ 5 bị từ chối do không được nộp không đúng quy trình (mặc dù vậy Ban hội thẩm vẫn chuyển báo cáo đó cho các bên tranh chấp để họ tham khảo).[25]
Cơ quan phúc thẩm của vụ kiện EC- Amiăng cũng đã xem xét báo cáo amicus của tất cả các nguồn liên quan để cân nhắc tính chính xác và hợp lý của chúng. Sau khi trao đổi với các bên tranh chấp và bên thứ 3 liên quan, trên cơ sở quy tắc 16.1 của Thủ tục làm việc, Cơ quan phúc thẩm đã thông qua thủ tục bổ sung nhằm điều chỉnh hồ sơ amicus trong quá trình phúc thẩm[26]. Theo thủ tục bổ sung này, bất kỳ đệ trình amicus curiae tiềm năng nào đều phải nộp dưới dạng văn bản. Đoạn 3 quy định bảy điều kiện cụ thể, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu người nộp báo cáo phải “nêu rõ lý do tại sao Cơ quan phúc thẩm nên trao cho họ quyền đệ trình bằng văn bản trong phiên xét xử phúc thẩm, phù hợp với việc giải quyết thỏa đáng tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của thành viên WTO theo DSU và các thỏa thuận khác, cũng như xác định rõ cách thức mà người nộp đơn có thể đóng góp cho việc giải quyết tranh chấp mà không lặp lại những gì đã được trình bày bởi bên tranh chấp hoặc bên thứ ba”[27].
(d) Vụ kiện Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật Bản quyền[28]
Trong vụ kiện Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật Bản quyền, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã viết thư cho một công ty luật đại diện cho Hiệp hội Nhạc sỹ, Tác giả và Xuất bản Hoa Kỳ (American Society of Composers, Authors and Publishers – ASCAP) yêu cầu trả lời một số câu hỏi mà Ban hội thẩm gửi đến Hoa Kỳ. Công ty luật phúc đáp bằng văn bản cho Đại diện Thương mại, đồng thời gửi bản sao đến Ban hội thẩm. Sau đó Ban hội thẩm đã chuyển văn bản này đến các bên tranh chấp tham khảo.
Cả Hoa Kỳ (bị đơn) và EU (nguyên đơn) đều cho rằng lá thư không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào chưa được các bên đưa ra. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ nguyên tắc cho phép các tổ chức tư nhân được thể hiện quan điểm trước Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp WTO. Trong khi EU lập luận rằng theo cách diễn giải của Cơ quan phúc thẩm trong vụ Hoa Kỳ – Tôm, Ban hội thẩm chỉ xem xét những sự kiện khách quan và tư vấn kỹ thuật cung cấp bởi amicus curiae chứ không chấp nhận lập luận và diễn giải pháp lý của họ.
Trong báo cáo giải quyết tranh chấp của mình, Ban hội thẩm đồng ý với các bên rằng lá thư của luật sư chủ yếu lặp lại những thông tin đã biết, do đó thông tin của thư không được xem xét. Khuyến nghị của ban hội thẩm vụ kiện Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật Bản quyền đã xác lập một quy tắc mới đối với quy chế amicus curiae – nếu lập luận, thông tin trong báo cáo amicus curiae trùng hợp với nội dung của hồ sơ kiện của các bên tranh chấp thì báo cáo đó sẽ không được xem xét.
III. Phân tích và kết luận
Thông qua các vụ tranh chấp, các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã thiết lập một số quy tắc quan trọng cho việc áp dụng quy chế amicus curiae như sau:
Thứ nhất, các cơ quan GQTC (bao gồm Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm) có thẩm quyền xem xét báo cáo amicus curiae. Cơ sở pháp lý cho quy chế amicus curiae là quy định về quyền trưng cầu thông tin kỹ thuật theo quy định của Điều 13 DSU. Đối với thủ tục phúc thẩm, việc áp dụng quy chế amicus curiae của Cơ quan phúc thẩm còn dựa trên điều Điều 16.1 của Thủ tục làm việc. Ở đây cần lưu ý là Điều 16.1 không quy định về vấn đề này mà chỉ đặt ra các điều kiện đối với việc thiết lập các quy tắc mới cho thủ tục GQTC. Như vậy, Cơ quan phúc thẩm vẫn cần phải xem xét và làm rõ cơ sở pháp lý cho quy chế amicus curiae tại giai đoạn phúc thẩm. Các cơ quan GQTC của WTO có toàn quyền quyết định tiếp nhận, chấp thuận hoặc từ chối chấp nhận báo cáo amicus curiae trong mọi trường hợp.
Thứ hai, tất cả các cá nhân và tổ chức đều có thể đệ trình hồ sơ amicus, không bắt buộc phải là tổ chức đại diện cho chính phủ. Từ những phán quyết GQTC của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm có thể thấy phạm vị amicus curiae được chấp thuận trong khuôn khổ cơ chế GQTC của WTO là rất rộng và phong phú, bao gồm các cá nhân là chuyên gia có uy tín khoa học, các tổ chức NGOs, công ty luật và các quốc gia (bao gồm cả thành viên WTO hoặc quốc gia không phải là thành viên WTO). Tuy nhiên, cần lưu ý hiệp định giữa Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không cho phép IMF thể hiện quan điểm bằng văn bản trước Ban hội thẩm WTO. Như vậy, các báo cáo của các tổ chức này sẽ không được chấp nhận trong thủ tục GQQTC.
Thứ ba, các cá nhân và tổ chức mong muốn tham gia thủ tục GQTC của WTO với tư cách amici curiae có thể đệ trình, nhưng không có quyền yêu cầu hồ sơ của họ được chấp nhận và xem xét bởi các cơ quan giải quyết tranh chấp. Amicus curiae cũng không có quyền tham gia phiên điều trần của WTO để bảo vệ hoặc giải thích quan điểm của mình.
Thứ tư, nếu một thành viên WTO quan tâm tới một vụ kiện trong khuôn khổ WTO, nhưng không tham gia với tư cách là bên thứ 3 (có thể do không hoàn tất các thủ tục đăng ký hoặc không được tham gia theo quy định của DSU) và gửi thông tin tới cơ quan giải quyết tranh chấp thì thông tin đó sẽ bị coi là báo cáo amicus curiae. Cơ quan giải quyết tranh chấp có quyền chấp nhận hoặc từ chối báo cáo đó theo như quy tắc thông thường.[29]
Thứ năm, báo cáo amicus curiae phải phục vụ múc đích của từng giai đoạn GQTC. Cụ thể, báo cáo amicus curiae được nộp ở giai đoạn sơ thẩm phải nhắm tới mục đích cung cấp tình tiết khách quan và các vấn đề pháp lý của vụ việc;[30] trong khi đó đối với giai đoạn phúc thẩm nó chỉ hạn chế ở mục tiêu giải quyết vấn đề pháp lý của vụ việc.[31]
Thứ sáu, báo cáo amicus curiae không được lặp lại tình tiết khách quan hoặc lập luận đã được các bên trong vụ kiễn đưa ra. Cơ quan GQTC sẽ từ chối chấp nhận các báo cáo amicus curiae nếu phát hiện sự trùng lắp. Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp đính kèm báo cáo amicus curiae trong hồ sơ kiện của mình, thì báo cáo amicus sẽ trở thành một phần của hồ sơ kiện của bên liên quan và khi đó các cơ quan GQTC của WTO sẽ buộc phải xem xét và có ý kiến đối với nội dung lập luận của báo cáo amicus đó.
Nhìn chung, việc áp dụng quy chế amicus curiae trong thủ tục GQTC của WTO vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Ngoại trừ Hoa Kỳ luôn ủng hộ áp dụng quy chế này rộng rãi trong khuôn khổ cơ chế GQTC của WTO, các quốc gia khác không nhất quán về vấn đề này. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển nghi ngờ về tính hợp lý và hiệu quả của quy chế này trong khuôn khổ cơ chế GQTC của WTO. Họ cho rằng quy chế amicus curiae sẽ làm gia tăng gánh nặng cho tất cả các bên tranh chấp, đặc biệt là các nước đang phát triển vì phần lớn các NGO có khả năng chi trả cho việc thực hiện báo cáo amicus curiae đều ở những nước phát triển hoặc nhận tiền từ các nguồn tài trợ của các nước phát triển cho nên các báo cáo đó có thể sẽ thiên về bảo vệ lợi ích của các nước phát triển; cũng có nghĩa là ngoài những vấn đề được nêu bởi nước thành viên trong hồ sơ kiện các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối đầu với cả các vấn đề của cáo amicus. Tuy nhiên, sự hoài nghi này không thể loại bỏ hoặc phủ định thực tế về sự tồn tại của quy chế amicus curiae đã được các cơ quan giải quyết tranh chấp xác lập và xác nhận nhiều lần trong thực tiễn GQTC. Các quốc gia cần phải thích nghi với thực tế này. Hướng giải quyết tích cực nhằm loại trừ sự bất đồng này xây dựng niềm tin giữa các quốc gia. Các thành viên WTO (là các nước phát triển) và NGO cần thiết lập quan hệ và tăng cường hoạt động trao đổi thông tin với các nước đang phát triển và đặc biệt với NGO của các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động của họ; mặt khác NGO của các nước đang phát triển cũng cần phải tự hoàn thiện và phát triển năng lực của mình để có thể tham gia vào các hoạt động quốc tế.
* TS Luật học, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1]Bryan Bardner, Từ điển Black’s Law (6th Ed.) định nghĩa Amicus Curiae; cũng xem Walter Wood, Từ điển Trade Policy Terms (4th ed.), Cambridge Univeristy Press, (2003).
[2] Dinah Shelton, The Participation of Non-governmental Organizations in International Judicial Proceedings,’ American Journal of International Law 88, (1994), tr. 616.
[3] Green v. Biddle, 21 U.S. 1 (1823) dẫn chiếu tại Samuel Krislov,The Amicus Curiae: From Friendship to Advocacy, Yale Law Journal,Vol.72, 1962–1963, tt. 700–701. Tòa án liên bang Hoa Kỳ chính thức công nhận thực tiễn này trong vụ Green vs. Biddle (1823).
[4] Henry Gao, Amicus Curiae in WTO Dispute settlement: Theory and practice, China Rights Forum, (1) 2006, tr. 1.
[Trong khuôn khổ hệ thống pháp luật tố tụng của Anh] Báo cáo Amicus Curiae có những đặc tính sau:
(1) Chức năng chính của amicus curiae là làm rõ tình tiết khách quan, giải thích vấn đề pháp lý, và đại diện cho nhóm đương sự nhất định (như trẻ em).
(2) Một ‘amicus curiae’, khi giải quyết vấn đề về sự kiện khách quan hay pháp lý, không nhất thiết phải là luật sư.
(3) Một amicus curiae tuy không có quan hệ gì với nguyên đơn hay bị đơn nhưng vẫn có thể có lợi ích trong vụ tranh chấp […]
(4) Bởi vì việc cho phép sự tham gia của amicus curiae luôn được xem là vinh hạnh hơn là quyền, Tòa án ngay từ đầu đã bỏ qua định nghĩa chuẩn xác về phạm vi và điều kiện áp dụng cơ chế này. Nó không chỉ mở rộng thẩm quyền tư pháp mà còn tối đa hóa khả năng linh hoạt của hệ thống.
[5] Regan W. Simpson, The Amicus Brief: How to Write It and Use It Effectively, Chicago:American Bar Association,Tort and Insurance Practice Section, 1998.
[6] Gabrielle Marceau & Matthew Stilwell, Practical Suggestions for Amicus Curiae Briefs before WTO Adjudicating Bodies, Journal of International Economic Law, 2001, tr. 164.
[7] Xem Điều 34.2 Quy chế ICJ, Điều 82.1 Quy tắc ITLOS.
[8] GATT là hệ thống thương mại đa phương đầu tiên của thế giới (1947-1994) và là tiền thân của WTO.
[9] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ kiện Hoa kỳ – Hạn chế nhập khẩu một số loại tôm và sản phẩm tôm (“Hoa kỳ – Tôm”), WT/DS58/AB/R (1998).
[10] Điều 13.1, DSU
[11] Điều 13.2, DSU
[12] Petros C Mavroidis, Amicus Curiae Briefs Before the WTO: Much Ado About Nothing, Working Paper No 2/01 Jean Monnet Center NYU School of Law, (2002) [http://www.worldtradelaw.net/articles/mavroidisamicus.pdf] (tra cứu lần cuối 10/11/2012).
[13] Các báo cáo bao gồm (i) Báo cáo của Trung tâm bảo tồn hải dương (Center for Marine Conservation) và Trung tâm luật môi trường quốc tế (Center for International Environmental Law) và (ii) báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund for Nature).
[14] Ban hội thẩm cho rằng căn cứ vào điều 13 DSU, Ban hội thẩm có toàn quyền quyết định chấp nhận thông tin và cách thức chấp nhận thông tin, vì vậy việc chấp thuận các thông tin không do Ban hội thẩm yêu cầu từ các đối tượng không phải là thành viên WTO không phù hợp với quy định của DSU. Xem thêm tại: http://www.wto.org/English/tratop_e/dispu_e/dispu_ e.htm. (Truy cập lần cuối: 8/10/2012).
[15] Báo cáo giải quyết tranh chấp của Ban hội thẩm, vụ kiện Hoa Kỳ – Tôm, WTO Doc WT/DS58/R, đoạn 7.8.
[16] Gabrielle Marceau & Matthew Stilwell, Practical Suggestions for Amicus Curiae Briefs before WTO Adjudicating Bodies, Journal of International Economic Law 36, ( 2001), tr. 164.
[17] Hoa Kỳ – Tôm, WT/DS58/AB/R, xem ghi chú 9, đoạn 107.
[18] Hoa Kỳ – Tôm, WT/DS58/AB/R, xem ghi chú 9, đoạn 106-110.
[19] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ kiện Hoa Kỳ – Áp thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép cacbon chì và bitmut cán nóng nhập khẩu từ Anh (Hoa Kỳ-Thép), WT/DS138/AB/R, (1998).
[20] Như trên, đoạn 6.3.
[21] Như trên, đoạn 41.
[22] Như trên, đoạn 42.
[23] Như trên, đoạn 42.
[24] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ kiện EC – Biện pháp liên quan tới Ami-ăng và các sản phẩm chứa ami-ăng (“EC— Amiăng”), WT/DS135/AB/R, (2001).
[25] Năm Báo cáo bao gồm: (i) Báo cáo của GS. Collegium Ramazzini; (ii) Báo cáo của Liên hiệp Nghiệp đoàn Lao động Hoa Kỳ (American Federation of Labor) và Hiệp hội Các tổ chức công (Congress of Industrial Organizations ) – hai báo cáo này được EC sử dụng trong đơn kiện của mình nó bao gồm những lập luận khoa học và pháp lý phù hợp lợi ích của EC. (iii) Báo cáo của Mạng lưới phản đối Amiăng (Ban Asbestos Network ); (iv) báo cáo của Insituto Mexicano de Fibro–Industrias A.C. và Báo cáo của ONE (Only Nature Endures).
[26] Xem vụ kiện EC – Amiăng, WT/DS135/AB/R (2001), xem ghi chú 15, đoạn 110
[27] Thủ tục làm việc trong giai đoạn phúc thẩm (Working Procedure for the Appellate Review), WTO Doc WT/AB/WP/5 (2005), Rule 16(1).
[28] Báo cáo Ban hội thẩm, vụ kiện Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật bản quyền Hoa Kỳ (“Hoa Kỳ – Điều 110(5) Luật Bản quyền”),WT/DS160/R,(2000).
[29] Báo cáo cơ quan phúc thẩm, vụ kiện EC – Mô tả thương mại đối với cá mòi, WT/DS231/AB/R, (2002).
[30] Georg C. Umbricht, An “Amicus Curiae Brief” on Amicus Curiae Briefs at the WTO, Journal of International Economic Law (2001), p. 778.
[31] Vụ kiện EC – Amiăng, WT/DS135/AB/R (2001).
- Tác giả: TS. Trần Việt Dũng*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2013 (74)/ 2013 – 2013, Trang 33-38
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online