Mục lục
Nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế về quyền miễn trừ trong Luật hình sự (LHS) Việt Nam.
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
- Quy định về “Điều ước quốc tế” trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
- Những quy định mới liên quan đến “Điều ước quốc tế” trong Hiến pháp 2013 – TS. Ngô Hữu Phước
- So sánh “Điều ước quốc tế” và “Tập quán quốc tế”
- Áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế đối với các hiệp định đầu tư quốc tế – thực tiễn áp dụng và những kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
- Về vấn đề thực hiện Điều ước quốc tế theo Luật Điều ước quốc tế 2016 – TS. Trần Thăng Long
- Giải thích điều ước quốc tế qua thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế – những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
- Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế – TS. Ngô Hữu Phước
Xem thêm:
TÓM TẮT
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan và thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia hoặc cơ quan đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới thỏa thuận và xây dựng một số điều ước quốc tế quy định về quyền ưu đãi và miễn trừ, trong đó có quyền miễn trừ về hình sự. Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập một số điều ước quan trọng này. Vì vậy, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 liên quan đến quy định về quyền miễn trừ, chúng ta cần khảo sát quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để nội luật hóa các quy định này vào trong BLHS, thể hiện sự tôn trọng và thiện chí thi hành các điều ước quốc tế đó.
Trong một số điều ước quốc tế, các quốc gia thành viên thỏa thuận dành cho một số cá nhân hoặc tổ chức những quyền ưu tiên đặc biệt khi các chủ thể này thực hiện chức năng đại diện cho các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế tại một quốc gia khác. Luật quốc tế gọi đây là các quyền ưu đãi và miễn trừ. Mục đích của việc quy định quyền ưu đãi và miễn trừ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan đại diện và thành viên của các cơ quan đó thực hiện có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của họ với tư cách là đại diện cho một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế. Theo đó, các chủ thể này sẽ được hưởng một số quyền ưu đãi và miễn trừ như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nơi ở, trụ sở, hồ sơ, tài liệu, thư tín và túi ngoại giao…; quyền tự do thông tin liên lạc, quyền miễn thuế, lệ phí…; quyền miễn trừ tài phán về hành chính, dân sự, hình sự. Trong đó, quyền miễn trừ tài phán về hình sự (sau đây gọi là quyền miễn trừ về hình sự) là quyền đặc biệt mà quốc gia chủ nhà dành cho thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia; khi thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ quốc gia đó, họ có thể sẽ không bị điều tra, truy tố, xét xử theo luật hình sự của nước chủ nhà. Trong các điều ước quốc tế quy định về Quyền ưu đãi và miễn trừ, có một số điều ước tiêu biểu mà Việt Nam là thành viên như: Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946[1], Công ước Vienna về Ngoại giao năm 1961[2], Công ước Vienna về Lãnh sự năm 1963[3], Công ước Vienna về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát năm 1975[4]…
Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu về quyền miễn trừ về hình sự trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này và đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS liên quan đến quyền miễn trừ về hình sự sao cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
1. Quy định của một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền miễn trừ về hình sự
Khi ký kết hoặc gia nhập một điều ước quốc tế, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của điều ước này. Một trong những cách thức để tuân thủ quy định này là các quốc gia nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế đó trong hệ thống pháp luật của mình. Trong số các điều ước quốc tế quy định quyền miễn trừ về hình sự, Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập một số điều ước như Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc, Công ước Vienna n về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát, Công ước Vienna về Ngoại giao, Công ước Vienna về Lãnh sự. Theo quy định của các điều ước quốc tế trên, có thể phân thành ba nhóm đối tượng đượng hưởng quyền miễn trừ về hình sự như sau: (i) Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao; (ii) Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan lãnh sự; (iii) Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các phái đoàn của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và thành viên của các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia.
1.1. Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao
Công ước Vienna về Ngoại giao năm 1961 quy định quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao. Theo Công ước này, các đối tượng sau đây sẽ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự của nước tiếp nhận: (i) Viên chức ngoại giao (khoản 1 Điều 31); (ii) Các thành viên gia đình của viên chức ngoại giao cùng sống chung với người đó, nếu không phải là công dân nước tiếp nhận (khoản 1 Điều 37); (iii) Các nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện cũng như các thành viên gia đình cùng sống chung với họ, nếu không phải là công dân nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở nước này (khoản 2 Điều 37); (iv) Các nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện không phải là công dân nước tiếp nhận hoặc không có nơi cư trú thường xuyên ở nước này được hưởng những quyền miễn trừ đối với những hành vi trong khi thi hành chức năng của họ (khoản 3 Điều 37); (v) Viên chức ngoại giao có quốc tịch nước tiếp nhận hoặc có nơi cư trú thường xuyên ở nước này chỉ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự đối với những hành vi chính thức trong khi thi hành các chức năng của họ (khoản 1 Điều 38).
Ngoài các đối tượng nêu trên, những thành viên khác của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc những người phục vụ riêng cho các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao chỉ được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ trong phạm vi được nước tiếp nhận cho phép. Nước tiếp nhận phải thi hành quyền xét xử của mình đối với những người này sao cho không cản trở quá đáng việc thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện (khoản 4 Điều 37, khoản 2 Điều 38 Công ước Vienna về Ngoại giao). Như vậy, Công ước Vienna về Ngoại giao không quy định những thành viên khác của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc những người phục vụ riêng cho các thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao có quyền miễn trừ về hình sự, đồng thời cũng không cấm nước tiếp nhận cho phép các đối tượng này được hưởng quyền miễn trừ. Nếu nước tiếp nhận không cho các đối tượng trên được hưởng quyền miễn trừ thì có quyền xét xử những người này khi họ phạm tội, nhưng “không cản trở quá đáng việc thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện”[5].
1.2. Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan lãnh sự
Công ước Vienna về Lãnh sự năm 1963 quy định về quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan lãnh sự. Theo Công ước này, viên chức lãnh sự, nhân viên lãnh sự và viên chức lãnh sự danh dự được hưởng quyền miễn trừ về hình sự của nước tiếp nhận về các hành vi phạm tội thực hiện khi thi hành chức năng lãnh sự, trừ khi phạm tội nghiêm trọng[6]. Như vậy, phạm vi các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự trong Công ước Vienna về Lãnh sự năm 1963 hẹp hơn rất nhiều so với Công ước Vienna về Ngoại giao năm 1961. Hơn nữa, trong khi viên chức ngoại giao có thể được hưởng quyền miễn trừ về hình sự đối với tất cả các tội phạm tại nước tiếp nhận thì viên chức lãnh sự chỉ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự đối với các tội ít nghiêm trọng.
1.3. Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và thành viên của các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia
Trong Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc và Công ước Vienna về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát quy định thành viên của các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và thành viên của các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia được hưởng một số quyền miễn trừ tương tự như nhân viên đại diện ngoại giao. Để Liên hợp quốc có thể hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chức năng của mình và đạt được những mục đích đề ra, Điều 104 và 105 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 quy định: Liên hợp quốc được hưởng trên lãnh thổ của mỗi quốc gia thành viên quyền pháp lý cần thiết, trong đó có những đặc quyền và quyền miễn trừ ngoại giao; những đại biểu của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và những viên chức của Liên hợp quốc cũng được hưởng những đặc quyền và quyền miễn trừ này để họ có thể chấp hành một cách độc lập những chức năng của họ có liên quan đến Liên hợp quốc. Cụ thể hóa các quyền ưu đãi và miễn trừ này, các quốc gia đã thỏa thuận và ký kết Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946, trong đó quy định cụ thể về các quyền miễn trừ dành cho viên chức của Liên hợp quốc như sau: Người đại diện cho các tổ chức của Liên hợp quốc và người đại diện cho các tổ chức đến dự cuộc họp được triệu tập bởi Liên hợp quốc[7], trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình và trong hành trình đến và ra về từ cuộc họp sẽ được hưởng quyền miễn trừ về các loại tố tụng pháp lý (Điều 11); Các viên chức của Liên hợp quốc có quyền miễn trừ về tố tụng pháp lý đối với những lời nói hoặc văn bản và tất cả những hành vi được thực hiện bởi họ trong khả năng chính thức của họ (điểm a Điều 18); Tổng thư ký Liên hợp quốc, các trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng với người phối ngẫu và con chưa thành niên của họ được hưởng quyền miễn trừ tương tự như các phái đoàn ngoại giao, phù hợp với luật quốc tế (Điều 19); Các chuyên gia của Liên hợp quốc cũng được hưởng quyền miễn trừ cần thiết cho việc thực hiện độc lập chức năng của mình trong khoảng thời gian của nhiệm vụ như không bị bắt giữ hay giam cầm; được miễn trừ về tố tụng pháp lý đối với những lời nói hoặc văn bản và tất cả những hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ (Điều 22).
Bên cạnh quyền miễn trừ của các viên chức của Liên hợp quốc tại các quốc gia, thành viên của các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế phổ quát[8] cũng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự. Công ước Vienna về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát quy định các đối tượng sau đây được hưởng quyền miễn trừ về hình sự: trưởng đoàn và các thành viên của đoàn ngoại giao (Điều 30); thành viên gia đình của trưởng đoàn và thành viên gia đình của các thành viên đoàn ngoại giao, không có quốc tịch và không thường trú tại nước chủ nhà (khoản 1 Điều 36); nhân viên hành chính kỹ thuật của đoàn và thành viên gia đình họ, không có quốc tịch và không thường trú tại nước chủ nhà (khoản 2 Điều 36); nhân viên phục vụ của đoàn, không mang quốc tịch hoặc thường trú ở các nước chủ nhà được hưởng miễn trừ đối với hành vi thực hiện trong quá trình làm nhiệm vụ (khoản 3 Điều 36).
Như vậy, phạm vi quyền miễn trừ về hình sự của thành viên đại diện của Liên hợp quốc tại các quốc gia và thành viên của các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế được quy định trong Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc và Công ước Vienna về đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát tương đối rộng, tương tự như quyền miễn trừ về hình sự của thành viên các cơ quan đại diện ngoại giao theo quy định tại Công ước Vienna về Ngoại giao.
Quyền miễn trừ về hình sự là quyền đặc biệt mà các quốc gia dành cho nhau trong quan hệ quốc tế trên cơ sở thỏa thuận, có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và phù hợp với luật quốc tế. Đối tượng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự là thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia, nhưng mục đích của việc trao quyền này cho các đối tượng nói trên không phải nhằm làm lợi cho các cá nhân.[9] Vì vậy, trong trường hợp nhận thấy việc sử dụng quyền miễn trừ về hình sự là không cần thiết, bên cử đại diện (quốc gia hoặc tổ chức quốc tế) có quyền từ bỏ quyền miễn trừ về hình sự của các đối tượng nêu trên[10]. Việc từ bỏ phải rõ ràng và phải được thông báo bằng văn bản cho nước tiếp nhận.
Theo các văn kiện pháp lý quốc tế trên, thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, thành viên của các cơ quan lãnh sự, thành viên của phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế và thành viên của các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại các quốc gia được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ, trong đó có quyền miễn trừ về hình sự tại các quốc gia tiếp nhận. Vì vậy, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội tại các quốc gia này thì họ sẽ được hưởng quyền không bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo pháp luật của nước sở tại (trừ khi bên cử đại diện từ chối quyền miễn trừ). Quy định của các điều ước quốc tế nêu trên là căn cứ pháp lý để Luật hình sự tại các quốc gia thành viên quy định về quyền miễn trừ về hình sự dành cho các nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, và thành viên các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại quốc gia và thành viên các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền miễn trừ về hình sự và một số kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự
2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền miễn trừ về hình sự
Nội luật hóa quy định về quyền miễn trừ trong các điều ước quốc tế và Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993[11] đã có những quy định cơ bản sau đây phù hợp với các điều ước quốc tế nêu trên:
Thứ nhất, Pháp lệnh đã chỉ ra ba nhóm chủ thể được hưởng quyễn miễn trừ về hình sự là: (i) Quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao; (ii) quyền miễn trừ về hình sự dành cho viên chức lãnh sự; (iii) quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các đoàn đại diện của các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Thứ hai, Pháp lệnh đã quy định viên chức ngoại giao có quốc tịch Việt Nam hoặc có nơi cư trú thường xuyên ở Việt Nam sẽ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự đối với những hành vi chính thức trong khi thi hành các chức năng của họ.[12]
Thứ ba, Pháp lệnh đã quy định quốc gia cử đại diện có quyền từ chối quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của mình.[13]
Ngoài ra, Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ còn quy định quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ, các đoàn của tổ chức quốc tế và các thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ, trên cơ sở thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế đó (Điều 40-42 Pháp lệnh). Bên cạnh đó, Pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ cũng quy định: Các đoàn đại biểu các nước, thành viên của đoàn và những người cùng đi trong đoàn đến thăm, làm việc hoặc quá cảnh Việt Nam cũng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự theo quy định của Pháp lệnh này trên cơ sở có đi có lại, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế (Điều 46 Pháp lệnh).
So với các điều ước quốc tế có quy định về quyền miễn trừ về hình sự mà Việt Nam là thành viên và so với Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Việt Nam, BLHS Việt Nam năm 1999 đã quy định về quyền miễn trừ về hình sự dành cho người nước ngoài là thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam. Quy định này phù hợp với các điều ước quốc tế và Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Việt Nam. Tuy nhiên, BLHS năm chưa quy định về quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, thành viên các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên các đoàn đại biểu các nước đến thăm, làm việc hoặc quá cảnh Việt Nam. Đồng thời, BLHS Việt Nam năm 1999 cũng chưa quy định về quyền miễn trừ về hình sự dành cho công dân Việt Nam được cử làm đại diện ngoại giao cho nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa BLHS năm 1999 và Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ khi quy định về đối tượng được hưởng và nội dung của quyền miễn trừ về hình sự. Theo quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; nếu các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Như vậy, xét về hiệu lực pháp lý cũng như thời điểm ban hành thì trong trường hợp này, chúng ta cần áp dụng BLHS năm 1999 vì Bộ luật có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Pháp lệnh và BLHS ban hành sau Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ[14]. Tuy nhiên, quy định về quyền miễn trừ về hình sự trong Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán quốc tế so với quy định của BLHS năm1999[15]. Mà theo quy định của của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2001 của Việt Nam: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế” (khoản 1 Điều 6). Vì vậy, quy định của BLHS năm 1999 về Quyền miễn trừ cần phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc, Công ước Vienna về đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát, Công ước Vienna về Ngoại giao, Công ước Vienna về Lãnh sự, các điều ước quốc tế khác và tập quán quốc tế, nhằm đảm bảo sự nhất quán giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
2.2. Một số kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự liên quan đến quyền miễn trừ về hình sự
Qua sự so sánh và phân tích quy định về quyền miễn trừ về hình sự trong BLHS Việt Nam năm 1999 với một số điều ước quốc tế quy định về quyền miễn trừ mà Việt Nam là thành viên, chúng ta thấy có một số điểm chưa phù hợp giữa BLHS năm 1999 so với các điều ước quốc tế đó. Vì vậy, tác giả có một số kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung hai nhóm chủ thể được hưởng quyền miễn trừ về hình sự trong BLHS năm 1999. Cụ thể, Nhóm 1 là viên các phái đoàn của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên các phái đoàn của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam để phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc, Công ước Vienna về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát và điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Nhóm 2 là thành viên của các đoàn đại biểu các nước và những người cùng đi trong đoàn đến thăm, làm việc hoặc quá cảnh Việt Nam cũng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự theo quy định của Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ trên cơ sở có đi có lại, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Tuy nhiên, trong BLHS năm 1999, nhà làm luật không cần thiết liệt kê tất cả các chủ thể được hưởng quyền miễn trừ về hình sự mà chỉ cần nêu tiêu chí chung “Đối với người phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự (…)”. Việc họ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự dành cho thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các phái đoàn đại diện của các quốc gia tại các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các phái đoàn đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặcthành viên của các đoàn đại biểu các nước và những người cùng đi trong đoàn đến thăm, làm việc hoặc quá cảnh Việt Nam sẽ được dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật liên quan như Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ, các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo tập quán quốc tế.
Thứ hai, bổ sung đối tượng công dân Việt Nam và người nước ngoài thường trú tại Việt Nam được cử làm đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cũng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự đối với những hành vi chính thức trong khi thi hành các chức năng của họ để phù hợp với Công ước Vienna về ngoại giao và Pháp lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ của Việt Nam.
Thứ ba, khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 quy định: đối với người phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn xét trừ về hình sự thì theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc “tham gia”, vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Tác giả cho rằng từ “tham gia” được sử dụng trong khoản 2 Điều 5 này cần được chỉnh sửa. Bởi vì, theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Nhà nước có hai cách để trở thành thành viên của các điều ước quốc tế là “ký kết” và “gia nhập”[16]. Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ “tham gia” điều ước quốc tế trong khoản 2 Điều 5 BLHS Việt Nam hiện nay không phù hợp với Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nên khi sửa đổi BLHS năm 1999 nhà làm luật nên sử dụng thuật ngữ “gia nhập” thay cho từ “tham gia”.
Hiện nay, nhà làm luật đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo và lấy ý kiến sửa đổi BLHS năm 1999. Trong khoản 2 Điều 5 Dự thảo BLHS sửa đổi[17], Ban Soạn thảo đã kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 như sau: “Bộ luật hình sự không áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế. Trong trường hợp này, vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.” Tác giả cho rằng việc sử dụng từ “không áp dụng…” trong trường hợp này là không phù hợp với các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Bởi vì, một số điều ước quốc tế quy định: trong trường hợp nhận thấy việc sử dụng quyền miễn trừ về hình sự là không cần thiết, bên cử đại diện có quyền từ bỏ quyền miễn trừ về hình sự của các đối tượng nêu trên. Việc từ bỏ phải rõ ràng và phải được thông báo bằng văn bản cho nước tiếp nhận. Nếu bên cử đại diện đã tuyên bố rõ ràng về việc từ bỏ quyền miễn trừ về hình sự của nhân viên của mình thì bên nhận đại diện có quyền truy tố, xét xử hành vi phạm tội đó – nếu thấy cần thiết. Vì vậy, không nên khẳng định “Bộ luật hình sự không áp dụng…” mà nên quy định chung họ được hưởng quyền miễn trừ về hình sự như hiện nay.
Tóm lại, qua những so sánh, phân tích và đánh giá trên đây, tác giả kiến nghị nhà làm luật cần sửa đổi một số quy định liên quan đến quyền miễn trừ về hình sự tại khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, tập quán quốc tế và các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam. Tuy nhiên, trong BLHS không nên liệt kê chi tiết các đối tượng đượng hưởng quyền miễn trừ về hình sự mà nên đưa ra nguyên tắc chung: những người được hưởng quyền miễn trừ về hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Cụ thể, khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 nên được sửa đổi như sau:“Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- …..
- Đối với người phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ về hình sự theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
CHÚ THÍCH
* ThS. NCS, Giảng viên Khoa Luật hình sự, trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Việt Nam gia nhập ngày 06/4/1988.
[2] Việt Nam gia nhập ngày 26/08/1980.
[3] Việt Nam gia nhập ngày 08/09/1992.
[4] Việt Nam gia nhập ngày 26/08/1980.
[5] Khoản 2 Điều 38 Công ước Vienna về ngoại giao.
[6] Khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 43, khoản 2 Điều 58 Công ước Vienna về Lãnh sự.
[7] “Người đại diện” bao gồm tất cả các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các cố vấn, chuyên gia kỹ thuật và thư ký của đoàn (Điều 16 Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc).
[8] Theo Điều 1 của Công ước Vienna về đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát, “Tổ chức quốc tế có tính phổ quát” bao gồm Liên hợp quốc, cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các tổ chức tương tự mà thành viên và trách nhiệm đang ở trên một quy mô trên toàn thế giới.
[9] Trần Thị Thùy Dương, Nguyễn Thị Yên chủ biên (2013), Giáo trình Công pháp quốc tế (Quyển 1), Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, tr. 514.
[10] Xem: Điều 20, Điều 23 Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946; Điều 32 Công ước Vienna về Ngoại giao năm 1961; Điều 45 Công ước Vienna về Lãnh sự năm 1963; Điều 31 Công ước Vienna về Đại diện của các quốc gia trong quan hệ với các tổ chức quốc tế có tính phổ quát.
[11] Sau đây gọi tắt là “Pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ” hoặc “Pháp lệnh”.
[12] Điều 18 Pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ.
[13] Khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ.
[14] Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ ban hành năm 1993 trong khi BLHS ban hành năm 1999 và được sửa đổi năm 2009.
[15] Xem Mục 2.
[16] Khoản 1 Điều 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 quy định: “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.”
[17] Ban Soạn thảo BLHS sửa đổi, Dự thảo BLHS sửa đổi, phiên bản ngày 27/01/2015, website: http://moj.gov.vn/dtvbpl/Lists/Danh%20sch%20d%20tho/View_DetailChiTiet.aspx?ItemID=246, truy cập ngày 28/3/2015.
Tác giả: Vũ Thị Thúy – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2015 (90)/2015 – 2015, Trang 65-71
Trả lời