Những khía cạnh pháp lý của quá trình toàn cầu hóa và liên kết khu vực
Tác giả: ThS. Vũ Thanh Hà
TÓM TẮT
Toàn cầu hóa là một quá trình diễn ra trong phạm vi toàn thế giới với sự tham gia của mọi quốc gia dân tộc vào trong một hệ thống kinh tế, xã hội thống nhất, với sự hình thành và vận hành một mối liên kết toàn cầu về thương mại, tài chính và các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tính chất và khả năng chi phối của các yếu tố quốc tế đối với yêu cầu về quản trị quốc gia, trong đó có việc cải cách thể chế và pháp luật.
Xem thêm:
- Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Mở cửa thị trường thuốc lá trong thương mại quốc tế – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt & ThS. Nguyễn Thị Thu
- Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại – ThS. Trần Thị Nguyệt
TỪ KHÓA: Thương mại quốc tế, Toàn cầu hóa
1. Nội hàm chủ yếu của khái niệm toàn cầu hóa
1.1. Những đặc điểm chủ yếu của toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa được coi là đặc trưng chủ đạo của thế kỷ XXI. Đó là một quá trình diễn ra trong phạm vi toàn thế giới với sự can dự của mọi quốc gia, dân tộc vào trong một hệ thống kinh tế, xã hội thống nhất; với sự ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành và vận hành nên mối liên kết toàn cầu về thương mại, tài chính và các hoạt động sản xuất kinh doanh – dịch vụ nhằm mang lại sự thịnh vượng chung cho các quốc gia, dân tộc và mọi cá nhân. Đó cũng chính là lý do dẫn đến tính chất và khả năng chi phối của các yếu tố quốc tế đối với yêu cầu về quản trị quốc gia, trong đó có yêu cầu về hoàn thiệnhệ thống pháp luật.
Quá trình toàn cầu hóa liên quan đếnvà chi phối hầuhết các lĩnh vực, không chỉ có các yếu tố kinh tế mà cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân. Trong số đó, những vấn đề được quan tâm hàng đầu là vấn đề hòa bình và an ninh, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống, bởi đây là những vấn đề quyết định kết cục của quá trình toàn cầu hóa và đời sống của cả cộng đồng quốc tế. Kế đó là các vấn đề về bảo vệ môi trường. Bức tranh chung của thế giới cho thấy môi trường tự nhiên đã thay đổi theo chiều hướng xấu. Theo các số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thì 15% thổ nhưỡng đã hoàn toàn bị biến dạng và 23% đang trong quá trình dẫn đến kết cục đó; trữ lượng nước ngọt sẽ cạn kiệt trong vòng 20-30 năm tới; bình quân hàng năm có tới 200 triệu tấn oxide lưu huỳnh và nitơ, hàng triệu tấn carbon dioxide được thải vào bầu khí quyển. Ngày càng có nhiều diện tích đất trở thành nơi không thể sống bình thường được cho con người; nhiều loại dịch bệnh lạ phát sinh; hàng trăm loài chim và động vật hoang dã bị biến mất; các hiện tượng thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra ở các khu vực khác nhau thế giới.[1]
Cùng với đó là sự thay đổi nghiêm trọng trong vấn đề dân số. Trong khi dân số chung của thế giới tăng nhanh chóng thì tại các nước phát triển tỉ lệ dân bản địa lại giảm mạnh, cùng với sự suy giảm dân số trẻ tuổi; nhiều vấn đề có tính toàn cầu liên quan đến y tế, văn hóa, các vấn đề như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế đang thách thức cả loài người.
Tất cả những vấn đề kể trên có chung một đặc điểm là tính toàn cầu của chúng và chỉ có thể được giải quyết bằng sự nỗ lực toàn cầu, của tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều đó đặt ra và đòi hỏi một tính chất và trình độ hoàn toàn mới đối với các hoạt động quản trị, điều hành trong từng quốc gia và trong phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, vấn đề hoàn thiện phương thức quản trị đã trở thành một trong những vấn đề đầu tiên của các vấn đề toàn cầu.
Toàn cầu hóa là một quátrình với nhiều phương diện, ẩn chứa những mâu thuẫn phát sinh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật của thế giới. Ở đó, không chỉ có các dòng chảy của tư bản với tính cách là động lực quan trọng của nó mà còn cả sự mở rộng với phạm vi chưa từng thấy của công nghệ thông tin, của sự bùng nổ thông tin, sự mở rộng nhanh chóng thị trường mà đáng chú ý nhất là không chỉ thị trường hàng hóa, dịch vụ, nhân lực mà còn là thị trường các ý tưởng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, liên quan đến cả lĩnh vực quan điểm, nhận thức, đạo đức và lối sống. Có thể khẳng định đó là dòng chủ lưu của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa tuyệt nhiên không phải là quá trình một chiều. Thế giới đã và đang chứng kiến những yếu tố “ngược chiều” trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, hệ tư tưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, văn minh. Đó là những hiện tượng thuộc mặt trái của toàn cầu hóa như chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia;[2] gia tăng tình trạng nhập cư hàng loạt từ các nước kém phát triển đến các nước phát triển. Các yếu tố được coi là nguyên nhân và điều kiện thúc đẩy những hiện tượng “phản toàn cầu hóa” này trước hết phải kể đến những gì đã và đang xảy ra do hệ quả của chính quá trình toàn cầu hóa như tình trạng phân hóa về kinh tế và về dân cư ở các nước chậm phát triển; quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông và công nghệ thông tin; sự theo đuổi các nguyên lý dân chủ ở những mức độ cực đoan nhất của nó đã dẫn đến sự “vỡ trận” cho những khả năng chính trị của chính các nước giàu có về kinh tế trong các quyết đáp trước nạn di cư tràn lan… Di cư tràn lan còn dẫn đến một hệ lụy khác về văn hóa và tư tưởng. Đó chính là vấn đề xung đột văn hóa, xung đột hệ tư tưởng giữa văn hóa và hệ tư tưởng đi theo những người di cư và văn hóa và hệ tư tưởng của quốc gia nơi họ nhập cư. Tuy nhiên, phạm vi và cường độ di cư đã và đang diễn ra ở đầu thế kỷ XXI này đã đẩy nó lên thành vấn đề toàn cầu.
1.2. Các chủ thể chính của quá trình toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa, như đã nêu ở trên, là một quá trình diễn ra khách quan. Tuy nhiên, ở những mức độ nhất định, vai trò của các chủ thể của quá trình đó cũng cần được đánh giá đúng mức. Toàn cầu hóa tạo ra hấp lực cho những chủ thể rất khác nhau nếu xét theo lợi ích, mục đích, động lực, vai trò và tác dụng.
a) Các quốc gia – chủ thể hàng đầu của quá trình toàn cầu hóa
Chính các quốc gia là chủ thể có ảnh hưởng thúc đẩy, quyết định phạm vi, tốc độ, tính chất của các nhân tố toàn cầu, thông quacácchính sáchđối nội vàđối ngoại của từng quốc gia. Thông qua cácthỏa thuận song phương vàđa phương, cácquốc giađã cùng hình thành vàthúcđẩy pháttriển cácchuẩn mực vànội hàmđánh giáhành vi (hành vi hợp pháphoặc hành viđược coi làkhông hợp pháp của các quốc gia với tính cách là chủ thể các quan hệ quốc tế. Thông qua các chuẩn mực pháp lý quốc tế ấy, một quá trình quốc tế hóa các hệ thống pháp luật quốc gia đã và đang diễn ra nhanh chóng và toàn diện; mặt khác, các quốc gia đã và đang có thể dựa trên những chuẩn mực pháp lý chung của mình để cùng đấu tranh chống các khuynh hướng và những biểu hiện không mong muốn của quá trình toàn cầu hóa như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (chẳng hạn, Nghị định thư về Phòng ngừa và chống buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, Công ước Vienna năm 1988 và Công ước Palermo năm 2000 của Liên hợp quốc về Chống rửa tiền, Công ước của Liên hợp quốc năm 2000 về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước liên châu Mỹ về Chống tham nhũng năm 1996…).
b) Các tổ chức và định chế quốc tế
Vai trò của các tổ chức và định chế quốc tế đối với quá trình toàn cầu hóa càng ngày càng trở nên quan trọng. Đó là Liên hợp quốc – định chế quốc tế lớn nhất hành tinh và các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)…Nhiều định chế quốc tế đã và đang đóng vai trò xác lập chính sách cho cả thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức, định chế quan trọng khác mà trên thực tế đó là những định chế đã làm thay đổi nhiều nội hàm của khái niệm chủ quyền quốc gia riêng rẽ với sự chuyển dịch các yếu tố của khái niệm đó vào tay các chế định “siêu chính phủ”, “phi chính phủ quốc tế”. Nhiều chuyên gia quốc tế học đã có lý khi cho rằng, bằng cách ấy, các quốc gia không chỉ làm thay đổi tính chất của chính sách quốc tế mà đây còn là con đường để mỗi quốc gia tự điều chỉnh lại đường lối, chính sáchđối nội trong phạm vi của mối tương tác giữa mức độ quốc tế và chủ quyền quốc gia.[3]
Thật vậy, quá trình toàn cầu hóa với vai trò ngày càng tăng của các định chế toàn cầu đã và đang đặt ra vấn đề về sự giao thoa giữa các chuẩn mực pháp lý trong tam giác quan hệ: pháp luật, các nguyên tắc và quy chuẩn phổ biến quốc tế – pháp luật quốc gia – pháp luật của các định chế quốc tế.
Trong mối quan hệ đó, mỗi quốc gia phải tìm cho được những điểm giao thoa hợp lý, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bởi lẽ, ở đây có thể xảy ra một sự trao đổi không cân xứng các chuẩn mực và giá trị và từ đó là sự bất cân xứng giữa hiệu quả và phản hiệu quả trong điều hành các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh việc ghi nhận những mặt ưu việt của việc tiếp nhập các yếu tố pháp lý quốc tế thì vẫn có những quan ngại về “tác dụng phụ” của quá trình đó, thậm chí là quan ngại về một “sự bành trướng pháp lý” trong phạm vi quốc tế.[4]
c) Các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia
Toàn cầu hóalàmột quátrình nhiều mặt, nhưng trước hết và trọng tâm vẫn là về mặt kinh tế mà chủ thể là các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia. Tính chất “xuyên quốc gia” này thể hiện không chỉ ở những hoạt động, quy trình quản trị, kinh doanh phi biên giới mà còn ở mức độ xuyên quốc gia của quá trình vận hành cơ chế quản trị của các thực thể pháp lý này; không chỉ thể hiện ở diện rộng của nó mà còn ở mức độ thẩm thấu sâu vào các mặt kinh tế, hành chính, pháp luật, vănhóa của mỗi nước.
Về bản chất, đây là những chủ thể chi phối thị trường thế giới và các nền kinh tế trên thế giới với quy luật chung phổ biến của thị trường. Điều đó sẽ tác động trước hết đến tốc độ và tính chất của quá trình “thị trường hóa” ở các nước đangphát triển vì đây là những quy luật không có ngoại lệ. Trong khi đó, ở nhiều nước, năng lực và cơ chế quản trị quốc gia, quản lý kinh tế chưa theo kịp với sự tác động của những quy chuẩn của kinh tế toàn cầu và xuyên quốc gia này nên đã không ít trường hợp gần như phó mặc cho sự điều khiển của các cơ chế siêu quốc gia này mà hệ quả là những đổ vỡ về kinh tế, xã hội, kể cả chính trị. Trên phạm vi toàn thế giới, tính chất thị trường của nền kinh tế toàn cầu cũng đang dẫn đến những hệ quả được gọi là mặt trái của nó. Nhưng khác với quy mô ở trong nước, đây là những yếu tố thuộc mặt trái có tính toàn cầu như sự giãn ra của mức độ giàu – nghèo giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, giữa các khu vực trên thế giới; làn sóng di cư bất hợp pháp, các tội phạm xuyên quốc gia như ma túy, buôn bán người, xâm phạm an ninh mạng, rửa tiền, trốn thuế mà gần đây Hồ sơ Panama (Panama Paper) phanh phui một loạt các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật quyền lực và giàu có trên thế giới là một điển hình chấn động toàn cầu. Vì thế, ở một ý nghĩa nào đó, các tổ chức hoạt động tội phạm xuyên quốc gia cũng được coi làmột loại chủ thể bấtđắc dĩ, phi chính thức của quá trình toàn cầu hóa.
Tính hai mặt này của toàn cầu hóa không làm giảm đi mà còn đỏi hỏi gia tăng sự tập trung chú ý và nâng cao năng lực điều hành, phối hợp nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu, cùng hành động trong việc kiểm soát xã hội trong từng quốc gia. Bước vào thềm của thiên niên kỷ mới, Liên hợp quốc đã đưa ra một Chương trình phát triển đặc biệt với tên gọi: “Toàn cầu hóa với gương mặt con người” với lời nhắn như sau: “Trong thế kỷ mới sự thách thức của toàn cầu hóa không phải ở chỗ là phải ngăn chặn sự phát triển của thị trường toàn cầu. Sự thách thức ở chỗ phải tìm cho được những quy tắc và định chế quản trị mang lại hiệu quả cao hơn trong phạm vi địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu với mục đích duy trì những ưu việt của các thị trường toàn cầu và đồng thời tạo ra một không gian cần thiết mà ở đó các nguồn lực con người, nguồn lực xã hội và nguồn lực tự nhiên được sử dụng không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì con người”[5] . Những nỗ lực đó cần hướng tới việc xác lập những hình thức pháp lý mới nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, tăng cường các cơ chế bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả các quyền của cá nhân và cộng đồng với vai trò của tất cả các chủ thể của quá trình toàn cầu hóa.
2. Những đặc trưng cơ bản của khu vực hóa
Quá trình liên hết giữa các quốc gia không chỉ diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà cả trong khuôn khổ các khu vực khác nhau trên thế giới. Khu vực hóalàsựliênkết vàliênminh của các quốc gia có chủ quyền trong phạm vi khu vực. Một mặt thì đây là một mức độ và hình thức biểu hiện của quá trình toàn cầu hóa, nhưng mặt khác, trong một mức độ nhất định, khu vực hóa được đặt ra như một phản ứng tự nhiên đối với quá trình toàn cầu hóa với những cường độ và tác động không mong muốn của nó như đã nêu ở trên với phương châm: “Tư duy toàn cầu, hành động khu vực” và vì mục tiêu “vì sự toàn cầu hóacông bằng”. Mục tiêuđócóthể đạtđược bằng những phương thức chủyếu sau đây:Một là,hợp tác và liên kết khu vực nhằm hỗ trợ cho các quốc gia và người dân của các quốc gia đó đủ khả năng để chống đỡ được sức ép của làn sóng toàn cầu hóa, trước hết là sức ép về kinh tế. Cụ thể hơn, nhờ mở rộng phạm vi của thị trường nội địa trên cơ sở liên kết khu vực mà các quốc gia có thể chống đỡ những biến động và tác động kinh tế từ làn sóng toàn cầu, tăng “sức nặng” của các nước nhỏ, yếu trong khu vực, bởi lẽ, khi phối hợp các nguồn lực, có chung quan điểm và mục tiêu phát triển thì các nước nhỏ sẽ có vị thế và sức nặng chính trị trong mối quan hệ với các định chế quốc quốc tế, nhấtlàđối với cácđịnh chếxuyênquốc gia.Hai là, liên kết khu vực hỗ trợ đắc lực cho các quốc gia trong việc đặt ra những điều kiện cần thiết cho việc tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa và những lợi ích toàn cầu như lợi thế về công nghệ, các phát minh, sáng chế, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng vốn đang ở trình độ thấp ở các quốc gia kém phát triển trong khu vực. Ba là,liên kết khu vực hỗ trợ đắc lực cho người dân ở mỗi nước trong khu vực gắn kết dễ dàng hơn với nền kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường toàn cầu.
Các liên minh khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Cộng đồng các quốc gia ASEAN; hoặc các hình thức liên kết khác như Liên minh về Hải quan và về một không gian kinh tế thống nhất giữa Liêng bang Nga và một số quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ; các diễn đàn như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), thỏa thuận thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về bản chất là những hình thức pháp lý của quá trình khu vực hóa nêu trên.
Liên kết và hợp tác khu vực ngày nay đang trở thành hiện tượng phổ biến.Tùy tình hình và điều kiện của mỗi khu vực mà các liên minh và quan hệ hợp tác khu vực được tiến hành dược những hình thức pháp lý tương ứng. Theo đó, có thể nêu những hình thức sau đây:
– Khu vực mậu dịch tự do,
– Liên minh hải quan,
– Thị trường thống nhất (thị trường chung),
– Cộng đồng kinh tế,
– Cộng đồng (liên minh) kinh tế và tiền tệ.
Những hình thức nêu trên đồng thời cũng là những giai đoạn, những cấp độ khác nhau, từ thấp lên cao, của quá trình liên kết và hợp tác khu vực. Theo đó, cộng đồng kinh tế và tiền tệ là hình thức cao nhất mà Liên minh châu Âu là một ví dụ.
Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC là một liên minh kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã được chính thức thành lập ngày 31/12/2015, là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN (hai trụ cột còn lại là Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN), AEC đang trải qua những bước hình thành và thực hiện những hình thức và giai đoạn pháp lý nêu trên. Theo Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II thì “Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập để thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong ‘Tầm nhìn ASEAN 2020’ nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có năng lực cạnh tranh cao, theo đó, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, dòng vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chệnh lệch kinh tế – xã hội được giảm bớt vào năm 2020”. Mục tiêu của AEC là hình thành một thị trường thống nhất và cơ sở sản xuất chung thông qua tự do lưu chuyển hàng hóa;tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển dòng vốn (đầu tư); tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Các biện pháp chính để có được một thị trường thống nhất bao gồm: hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm và quy chế, hoàn thiện và thống nhất các thủ tục hải quan và giải quyết tranh chấp thương mại, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển các kỹ năng thích hợp. Như vậy, AEC chính là sự nâng cấp, đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN như: Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định khung về Hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO), lộ trình hội nhập tài chính và tiền tệ ASEAN.
Như vậy, tính chất của một liên minh ở đây cho thấy AEC chưa phải là một cộng đồng thực sự như tên gọi của nó, bởi khác với EU, AEC không nhằm hình thành một tổ chức chặt chẽ, không có những cam kết cụ thể và chặt chẽ. Đây là một tiến trình hội nhập khu vực tương tự như những gì chúng ta đã thấy như Tổ chức hợp tác Thượng Hải với các thành viên Kazakhstan, Liên bang Nga, Tajikistan, Uzbekistan hoặc Liên minh Hải quan giữa Liên bang Nga và Belarus và các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ.
3. Xu hướng phát triển pháp luật quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết khu vực
Một trong những biện pháp của các quốc gia khi chủ động trở thành chủ thể của quá trình toàn cầu hóa và quá trình liên kết khu vực là hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quốc tế hóa bảo đảm sự phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế, bảo đảm kết hợp hài hoà lợi ích và vị trí độc lập của hệ thống pháp luật trong không gian pháp lý toàn cầu. Tuy nhiên, nếu thiếu đi những phương pháp cần thiết và khoa học, quá trình đó sẽ diễn ra một cách tự phát và bị động.
Thực chất của quá trình quốc tế hóa hệ thống pháp luật là một quá trình tiếp nhận, vay mượn các quy phạm và các chế định pháp luật của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Quá trình đó thường diễn ra dưới những hình thức phổ biến như tiếp nhận (vay mượn) pháp luật; hài hòa hóa pháp luật làm xích lại gần nhau giữa pháp luật của quốc gia mình với các hệ thống pháp luật khác; nhất thể hóa pháp luật. Có thể nói, đây là ba mức độ của quá trình quốc tế hóa pháp luật quốc gia theo thứ tự từ thấp và đơn giản đến caohơn vàphức tạp, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn. [6]
Tiếp nhận pháp luậtlàquátrình tiếp nhận một chiều một khối lượng lớn cácquy phạm, chế định phápluật từmột hoặc một sốquốc gia khác. Vídụ điển hình nhất của hình thức nàylàsựtiếp nhận luật La MãvàBộluật DânsựPhápmàhàng loạt quốc giađã làmtrong nhiều thế kỷ trước đây. Cao hơn vàđầy đủ hơn trong việc tiếp nhận phápluật làhình thức chuyển tiếp nộidung và phong cách của cả một hệ thống pháp luật trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật quốc gia. Hiện tượng pháp lý này diễn ra một cách phổ biến trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, theo đó, các nước thuộc địa đã bị động hoặc chủ động tiếp nhận hệ thống pháp luật của chính quốc. Trong thời đại ngày nay, dưới áp lực của sự chuyển đổi chế độ kinh tế – xã hội và chế độ chính trị, nhất là của nền kinh tế thị trường, một số nước XHCN trước đây thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu cũng sử dụng cách thức này trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật của họ. Tuy nhiên, đặc điểm chủ yếu nhất của sự tiếp nhận hoặc vay mượn pháp luật hiện đại này là ở chỗ không vay mượn, tiếp nhận pháp luật của một quốc gia cụ thể nào đó mà là sự cải tổ hệ thống pháp luật nói chung trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các hệ thống pháp luật phát triển, hiện đại nhất. Người ta còn gọi đó là quá trình “phương Tây hóa” hệ thống pháp luật.[7]
Hài hòahóaphápluậtlàquátrình chủ động làmxích lại gần nhau giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia trong tổng thể hoặc đối với từng chế định pháp luật trong ngành luật nhất định thông qua việc tiếp thu các quy định, chế định mới từ ngoài vào và loại bỏ những quy phạm, chế định không phù hợp của pháp luật trong nước nhằm loại trừ mâu thuẫn trong các quy phạm và chế định pháp luật tương ứng. Hài hoà hóa diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào các quốc gia có liên quan, nó có thể là quá trình đơn phương, song phương hoặc đa phương. Phương thức thườngđược sửdụng nhất của quátrình hàihòahóa pháp luật là đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi cần thiết trong một lĩnh vực nhất định của pháp luật quốc gia nhằm tạo ra sự tương thích và hài hoà cho các quy phạm và chế định pháp luật của các quốc gia có liên quan, chẳng hạn như xác lập chế độ hải quan (trong liên minh Hải quan). Theo GS-TS Đào Trí Úc thì những công cụ pháp lý sau đây là những công cụ phổ biến nhất trong quá trình hài hoà hóa pháp luật của các quốc gia:
– Tạo ra một chế độ pháp lý chung hoặc có tính phổ quát cho đối tượng điều chỉnh của pháp luật mỗi nước (ví dụ: về đầu tư, về các sắc thuế…);
– Tạo ra một phạm vi và mức độ bình đẳng về các quyền của chủ thể quan hệ pháp lý (của các nhà đầu tư, của các thương nhân…) của các quốc gia liên quan;
– Tạo ra những quy chuẩn giá trị (chuỗi giá trị) phổ biến (ví dụ, yêu cầu về hàng hóa, dịch vụ, môi trường…);
– Tạo mặt bằng trong các bảo đảm pháp lý (ví dụ, về chế độ hưu trí, các khoản trợ cấp…);
– Thừa nhận cho nhau các văn bằng (bằng đại học, chuyên gia…);
– Xác lập các thủ tục tương đương;
– Hợp tác và tương trợ pháp luật;
– Tạo ra không gian pháp luật chung (ví dụ, trong quá trình phối hợp nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục hoặc thông qua việc thừa nhận và áp dụng giá trị của các văn kiện, các công ước.);
– Thực hiện sự bảo hộ pháp lý như nhau và lẫn nhau;
– Áp dụng chung các loại chế tài đối với các vi phạm tương ứng
Đây là những hình thức phổ biến nhất trong quá trình khắc phục sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật và hài hòa hóa các chuẩn mực pháp lý chung. Có thể gọi đây là quá trình tạo ra một loại“kết cầu hạ tầng pháp lý” giữa các quốc gia với nhau.[8]
Nhất thể hóa pháp luật là quá trình đưa hệ thống pháp luật các quốc gia liên quan vào khuôn khổ các quy phạm thống nhất mà hình thức thực hiện chủ yếu nhất là các điều ước quốc tế. Theo đó, các quy phạm pháp luật được xác lập trong các điều ước quốc tế được đưa “nguyên xi” vào pháp luật của các quốc gia thành viên.Yêu cầu này được nói rõ trong Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG – Công ước Vienna 1980). Nhất thể hóa pháp luật có thể diễn ra trong phạm vi toàn cầu và trong các hình thức liên kết khu vực. Ngày nay, hình thức phổ biến nhất cho việc nhất thể hóa pháp luật là xác lập các luật mẫu, chẳng hạn như Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế của Liên hợp quốc năm 1985 là một mẫu mực, điển hình. Trong hướng này, vai trò đặc biệt quan trọng đã và đang thuộc về các định chế pháp lý toàn cầu và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng châu Á, Liên minh châu Âu, ASEAN và các tổ chức quốc tế và khu vực khác.
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, Công ty TNHH Aon Việt Nam.
[1] United Nations Environment Programe “Natural Allies: UNEP and Civil Society”, Nairobi, United Nations Foundation, 2004, tr. 154.
[2] “Countering the Changing Threat of International Terrorism”, Report from the National Commission on Terrirorism Pursuant to Public Law 277, 105thCongress, 2000, tr. Ii.
[3] Sakamoto Y. A,Perspective on the Changing World Order – Global Transformation. Tokyo, 2004, tr. 36. Talbott S. Globalization and Diplomacy// Foreign Policy, 2007, tr. 81.
[4] Tveriakova E.A, Sự bành trướng pháp lý: nghiên cứu lý luận và lịch sử, Luận án Tiến sĩ luật học, Novgorod, Liên bang Nga, 2002.
[5] “Globalization with a human face”, Human Development Report, 1999, tr.4.
[6] Đào Trí Úc, “Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sự và hiện đại”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(86), 2015, tr. 3-7.
[7] Internationnal Herald Tribute, 2004, Nov 19.
[8] Đào Trí Úc, “Những phương thức của việc tiếp nhận và xích lại gần nhau của pháp luật các quốc gia trong lịch sự và hiện đại”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(86), 2015, tr. 6.
- Tác giả: ThS. Vũ Thanh Hà
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý số 04(98)/2016 – 2016, Trang 65-71
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý