Mục lục
Bài viết: Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật Quốc tế và sự vận dụng vào lập luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Tác giả: Trần Thăng Long* – Hà Thị Hạnh**
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2013 (78)/2013 – 2013, Trang 49-57
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu nguyên tắc chiếm hữu thực sự chủ quyền đối với lãnh thổ dựa trên cơ sở các án lệ của Tòa án Công lý quốc tế và các thiết chế tài phán quốc tế khác. Bài viết phân tích những bằng chứng lịch sử và pháp lý do Việt Nam và Trung Quốc đưa ra nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của nguyên tắc này. Trên cơ sở đó, các tác giả đóng góp cho việc xây dựng cơ sở pháp lý và lập luận cho giải quyết tranh chấp này tại các cơ quan tài phán quốc tế trong tương lai.
ABSTRACT:
The paper firstly examines the principle of exercising effective control the sovereignty towards territory under international law basing on the jurisprudence of the International Court of Justice and other international tribunals. The authors then analyse historical and legal facts given by both Vietnam and China to insist that Vietnam’s claim of title to the Spratly and Paracel archipelagos satisfies all necessary elements of this principle. The findings in this paper serve as significant contribution to Vietnam’s arguments in the course of settling of territorial claim before international tribunals in the future.
TỪ KHÓA: Công pháp quốc tế, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ là một vấn đề truyền thống của luật quốc tế, trong đó chiếm hữu được coi là phương thức chủ yếu nhất và nguyên tắc chiếm hữu thực sự hiện nay được coi là nguyên tắc cơ bản để xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ.[1] Các phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ, trong đó chủ yếu là của Pháp viện thường trực của Hội quốc liên (PVTT) và sau này là của Tòa án Công lý quốc tế (TACLQT) đã tiếp tục làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm “chiếm hữu thực sự”. Những tiêu chuẩn pháp lý thỏa mãn nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” hiện nay là cơ sở lý luận để quốc gia chứng minh chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.
Bài viết này chỉ tập trung vào các tiêu chuẩn pháp lý của nguyên tắc chiếm hữu thực sự dựa vào những phân tích các án lệ của TACLQT và các thiết chế tài phán quốc tế khác, phân tích sự vận dụng những tiêu chuẩn đó để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[2] Trên cơ sở đó, các tác giả đóng góp cho việc xây dựng cơ sở pháp lý và lập luận cho giải quyết tranh chấp này tại các cơ quan tài phán quốc tế trong tương lai.
2. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế
2.1. Khái niệm lãnh thổ vô chủ
Vấn đề chiếm hữu đối với một lãnh thổ vô chủ được nêu ra bởi TACLQT trong vụ Western Sahara. Theo Tòa, những lãnh thổ mà ở đó tồn tại những cộng đồng người bản địa (tribes) hoặc những cộng đồng người có tổ chức về xã hội và chính trị thì không được coi là một lãnh thổ vô chủ.[3] Khái niệm “lãnh thổ vô chủ” thường bao gồm những vùng lãnh thổ hoàn toàn không có người ở hoặc thậm chí nếu có thì vẫn chưa tồn tại một tổ chức nhà nước nào ở đó. Trong bối cảnh thời kỳ xâm chiếm thuộc địa, theo quan điểm của luật gia phương Tây “lãnh thổ vô chủ” được hiểu là lãnh thổ chưa từng được đặt dưới sự cai quản của bất kỳ quốc gia nào, tiêu chí đó hợp pháp hóa những hành động chiếm cứ lãnh thổ bằng bạo lực làm thuộc địa của những nước này. Lập luận của thẩm phán Max Huber trong vụ Las Palmas[4] đã mở rộng khái niệm “lãnh thổ vô chủ”, theo đó phía Tây Ban Nha đã không tiếp tục thực thi các hành vi chủ quyền tại đây là bằng chứng cho việc từ bỏ chủ quyền của họ tại đây, do đó việc chiếm cứ của Hà Lan là sự thụ đắc đối với một lãnh thổ bị từ bỏ. Khái niệm “lãnh thổ bị từ bỏ” (terra delictio) được vay mượn từ luật dân sự, cho phép quốc gia tiếp theo có quyền tuyên bố chủ quyền trong trường hợp lãnh thổ liên quan trước đây thuộc về một quốc gia khác nhưng quốc gia này đã chấm dứt mọi hoạt động mang tính quyền lực nhà nước tại đây và không có ý định khôi phục lại chúng.
Tóm lại, “lãnh thổ vô chủ” được hiểu là vùng lãnh thổ không nằm trong hệ thống quản lý hành chính – nhà nước của bất kỳ quốc gia nào, hoặc trước đó thuộc về một quốc gia khác nhưng quốc gia này đã từ bỏ và không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền của mình ở đó.
2.2. Tính chất hòa bình của sự chiếm cứ
Tiêu chí “hòa bình” của sự chiếm cứ được hiểu là không trên cơ sở vũ lực và không gặp phải sự phản đối (protest) từ phía các quốc gia mà đặc biệt là các quốc gia liên quan đến phần lãnh thổ tranh chấp. Trong vụ Chamizal giữa Mỹ và Mexico vào năm 1911 liên quan đến sự thay đổi của dòng chảy sông Rio Grande là biên giới tự nhiên giữa hai nước, phía Mỹ đã đòi hỏi chủ quyền đối với phần nằm giữa đáy sông cũ và mới dựa trên lập luận của sự chiếm hữu hòa bình và không có gián đoạn. Phía Mexico đã chứng minh sự chiếm hữu của Mỹ là không thỏa mãn tiêu chí “hòa bình” vì họ đã liên tục phản đối vấn đề này và một hiệp ước ký bởi hai bên ghi nhận rằng có sự tồn tại của một tranh chấp đối với đường biên giới cần phải được giải quyết.[5] Trong vụ Eastern Greenland, Tòa đã nhấn mạnh “chủ quyền của Đan Mạch đã thể hiện từ lâu trong một chuỗi các hành vi có tính quốc tế và trong các điều khoản pháp luật mà nội dung của nó đã được nhiều nước liên quan biết tới và chưa bao giờ bị phản đối”.[6]
Việc phản đối (protest) một sự chiếm hữu phải được thực hiện bằng phương thức hòa bình, mà một trong những biểu hiện cụ thể là việc một bên tranh chấp đưa sự phản đối của mình ra trước Liên hợp quốc hoặc TACLQT hay sự phản đối thông qua con đường ngoại giao cũng được coi là thích đáng. Sự công nhận song phương liên quan đến lãnh thổ tranh chấp được coi là một bằng chứng quan trọng của sự chiếm hữu thực sự.[7]
2.3. Việc chiếm hữu một cách liên tục, không gián đoạn
Yêu cầu về sự chứng minh một “khoảng thời gian chiếm cứ thích đáng và liên tục” cũng là một tiêu chí quan trọng và có liên hệ mật thiết với tiêu chí “chiếm cứ hòa bình”, theo đó quốc gia tuyên bố chủ quyền phải chứng minh sự chiếm cứ của mình trên vùng lãnh thổ tranh chấp trong một thời gian đủ dài để có thể thực thi hiệu quả những hành vi chủ quyền. Trong vụ Minquiers and Ecrehos giữa Anh và Pháp, TACLQT đã xem xét lịch sử của khu vực này kể từ năm 1066 chủ yếu dựa vào những hành động gần nhất liên quan đến việc thực thi chủ quyền và vấn đề cai quản đối với các đảo và đá này cũng như xem xét các văn bản pháp luật được ban hành có liên quan đến chúng. Ngoài ra, trong vụ Right to Passage[8], TACLQT cho rằng trong một tranh chấp, một yêu sách, tình huống liên quan hoặc một điều ước quốc tế (ĐƯQT) cần phải được xem xét theo những điều kiện và quy tắc đang tồn tại vào thời điểm nó diễn ra mà không phải tại một thời điểm nào khác sau đó.
2.4. Hành vi thực hiện chủ quyền là hành vi của nhà nước
Trong các vụ phân xử của mình, TACLQT đã cho rằng hành vi thực hiện chủ quyền đối với lãnh thổ phải được thực hiện bởi nhà nước (a titre de souverain). Trong vụ Eritrea/Yemen[9] và các vụ sau đó như Minquiers và Ecrehos, Tòa giải thích rằng hành động của nhà nước liên quan đến lãnh thổ là “sự tuyên bố hoặc khẳng định chủ quyền với tư cách công… cũng như bằng những hành vi lập pháp”. Trong vụ Botswana/Namibia,[10] Tòa cho rằng, hành động của các công ty hoặc các tập đoàn được nhà nước cho phép thực hiện những hành vi chủ quyền nhà nước đối với lãnh thổ được coi là nhân danh nhà nước đó. Điều này phù hợp với tiêu chí về luật quốc tế áp dụng ở những giai đoạn từ thế kỷ XV trở đi khi mà hành động chiếm hữu của tư nhân nhưng dưới sự chỉ đạo và trao quyền của nhà nước được coi là “hành động của nhà nước”. Trong vụ tranh chấp đảo Sipadan và Ligitan Reef giữa Indonesia và Malaysia, Tòa cho rằng hành vi thực hiện chủ quyền cũng có thể được thực hiện bởi những cá nhân miễn là sau đó hành vi của họ được nhà nước công nhận. Cụ thể, Tòa nhấn mạnh rằng “những hành vi của cá nhân không thể đáp ứng được tiêu chí “hiệu quả” (effective) nếu như nó không được thực hiện trên cơ sở những văn bản chính thức của nhà nước hoặc thực hiện dưới quyền lực của nhà nước”. Tòa đã bác bỏ luận điểm của Indonesia về “chiếm hữu thực sự” với lý do ngư dân nước này từ lâu đã đánh bắt cá ở các vùng biển xung quanh đảo. Tòa đã xem xét các hoạt động của ngư dân Indonesia như hoạt động của cá nhân và “hoạt động của các cá nhân không thể được xem như chiếm hữu thực sự nếu những việc làm của họ không diễn ra trên cơ sở các quy định chính thức hoặc thuộc thẩm quyền của chính phủ”.[11]
2.5. Sự thể hiện một cách hiệu quả/thực sự hành vi chủ quyền
Đây có thể được coi là yếu tố quan trọng nhất. Tiêu chí này đòi hỏi quốc gia tuyên bố chủ quyền phải chứng minh rằng quốc gia mình đã thực hiện một loạt các hành động có tính quyền lực nhà nước trên phần lãnh thổ liên quan. Việc phát hiện và hành động chiếm cứ tiếp theo của quốc gia phát hiện nó mới chỉ là một yếu tố quan trọng đầu tiên nhằm tạo ra danh nghĩa pháp lý cho đòi hỏi về chủ quyền. Trong vụ Las Palmas, thẩm phán Max Huber đã chỉ ra rằng việc phát hiện chỉ có ý nghĩa thông báo cho các quốc gia rằng quốc gia chiếm hữu có lợi ích trước tiên trong vùng lãnh thổ và việc phát hiện này, để có thể có giá trị pháp lý, nó cần phải được củng cố bởi một sự chiếm hữu thực sự và trong một khoảng thời gian nhất định. Ông cho rằng “sự thể hiện thực sự, liên tục và hòa bình của các chức năng nhà nước trong trường hợp tranh chấp chính là tiêu chí đúng đắn và bản chất của chủ quyền lãnh thổ”. Sau đó, trong vụ Eritrea/Yernen, Tòa Trọng tài đã khẳng định “Luật quốc tế hiện đại về chiếm cứ lãnh thổ nhìn chung yêu cầu: một sự thể hiện về mặt quốc tế thẩm quyền và quyền lực đối với lãnh thổ, bởi sự thực hiện quyền tài phán và các chức năng của nhà nước và trên cơ sở hòa bình và liên tục”. Nguyên tắc về sự chiếm cứ hữu hiệu đã thay thế các học thuyết trước đó trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ về việc phát hiện và lưu lại bằng chứng tượng trưng.
Trong trường hợp các quốc gia liên quan đều đưa ra những bằng chứng cho thấy họ đã có thực hiện các hành vi chủ quyền đối với lãnh thổ tranh chấp thì vấn đề đặt ra là cần phải đánh giá về tính thuyết phục của những hành vi đó. Trong vụ Eastern Greenland, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền của mình đối với đảo này và đều có những hành động mang tính nhà nước đối với lãnh thổ tranh chấp. Phía Đan Mạch có nhiều thuộc địa (colonies) trên những phần khác của đảo Greenland đồng thời có những tô nhượng (concessions) tại phần phía Đông của đảo. Ngoài ra, những hiệp ước và đạo luật liên quan như tuyên bố về thiết lập chiều rộng lãnh hải cũng như chủ quyền của nước này đối với Đông Greenland hầu như đã được các nước khác công nhận. Một chi tiết nữa là phía Đan Mạch đã thực thi các hành động của mình cho đến tận năm 1931 mới có sự đòi hỏi chủ quyền của phía Na Uy. Trái lại, phía Na Uy cũng đã đưa ra những bằng chứng như việc trú đông của các đoàn thám hiểm tại đây hoặc việc xây dựng một trạm vô tuyến tại Đông Greenland. Tuy nhiên, hành động này đã gặp phải sự phản đối của phía Đan Mạch. PVTT đã xem xét những lập luận trên và cho rằng những hành động của Đan Mạch là thỏa đáng để xác định chủ quyền và có sức thuyết phục hơn là những hành động mà phía Na Uy đưa ra trong lập luận của mình. Trong vụ Minquiers and Ecrehous, những bằng chứng về chiếm hữu thực sự của phía Anh là khá rõ thông qua một hoạt những hành vi thực thi chủ quyền có tính hệ thống như hoạt động xét xử, điều tra tội phạm, xây dựng các công trình dân sự, thu thuế…[12]
2.6. Vai trò của những hành vi tiếp sau: sự công nhận, sự đồng ý (acquiescence) và sự từ bỏ (estopel)
Hành vi chiếm cứ và thực hiện chủ quyền tiếp theo của quốc gia có yêu sách về lãnh thổ còn được củng cố bởi chính hành vi của những quốc gia khác có liên quan đến vụ tranh chấp. Trong vụ Eastern Greenland, TACLQT đã nhấn mạnh, sự công nhận là một khẳng định về sự tồn tại của một tình huống thực tế cụ thể trong quan hệ quốc tế, thậm chí tình huống được chấp nhận là trái với những điều khoản trong điều ước; sự công nhận này có thể là hành vi chấp nhận ngụ ý (implied).
Sự không phản ứng (acquiescence) xuất hiện trong những tình huống đòi hỏi quốc gia liên quan cần phải có sự phản đối nhưng sự phản đối ấy đã không diễn ra[13] hoặc đã không diễn ra đúng vào lúc hoàn cảnh xuất hiện.[14] TACLQT trong vụ Libya/Chad giải thích rằng sự thừa nhận được hiểu là khi có một hoàn cảnh xuất hiện và cần phải có sự phản ứng thể hiện sự không đồng ý và khi mà một sự phản ứng như vậy không diễn ra, tình huống không thể hiện sự phản đối được hiểu như là sự chấp nhận đối với hoàn cảnh mới đó.[15]
Sự chấp nhận thực tế bằng hành vi (estopel) được hiểu là trường hợp một bên khi đã đưa ra một tuyên bố hoặc thể hiện sự đồng ý mà dựa vào đó, bên còn lại đã có những hành động tiếp theo sau, do đó phía bên đã đưa ra tuyên bố hoặc hành vi không thể vì thế mà thay đổi lại hoặc bác bỏ chúng.[16] Sự đồng ý này có ý nghĩa bằng chứng và có giá trị thể hiện sự công nhận hoặc thừa nhận về hành vi chiếm hữu lãnh thổ của một bên tranh chấp trước đó, dẫn đến khả năng không thể bác bỏ thực tế đó. Trong trường hợp hai quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ, bất kỳ sự chấp nhận nào của một bên sẽ là bằng chứng chống laị một sự phủ định về sau. Trong vụ Eastern Greenland, Tòa án đã lập luận rằng phía Na Uy đã chấp nhận các ĐƯQT ký với Đan Mạch, trong đó bao hàm cả đòi hỏi về chủ quyền của Đan Mạch đối với toàn bộ lãnh thổ Greenland, do đó Tòa đã bác bỏ những lập luận phản đối của Na Uy đối với chủ quyền của Đan Mạch liên quan đến vùng lãnh thổ Đông Greenland.
Vụ Temple of Preah Vihear (Cambodia và Thái Lan) thường được viện dẫn như một ví dụ kinh điển cho việc áp dụng nguyên tắc estopel trong thực tiễn. TACLQT đã dẫn một số sự kiện như việc phía Thái Lan đã yêu cầu một tấm bản đồ của phía Pháp trong đó thể hiện ngôi đền thuộc về Cambodia, ngoài ra còn đòi hỏi thêm một số bản sao khác của tấm bản đồ này. Tòa cũng viện dẫn một số hành động của phía Thái Lan cho thấy sự thừa nhận của nước này bao gồm một chuyến thái tử Thái Lan đến ngôi đền trong một cuộc viếng thăm cấp nhà nước. Trên cơ sở áp dụng nguyên tắc estopel, Tòa đã kết luận phía Thái Lan không thể phản đối chủ quyền của Cambodia đối với ngôi đền khi những hành động của phía Thái Lan cho thấy họ đã chấp nhận thực tế về vị trí và quy chế pháp lý của ngôi đền thuộc về người Pháp.
Ngoài ra, những hành động tiếp theo có liên quan cũng sẽ có ý nghĩa trong việc xác định chủ quyền như những cuộc tiếp xúc và trao đổi ngoại giao khác nhau, các ghi chép (records) và những bản đồ được vẽ. Trong vụ Burkina Faso/Mali, Tòa đã cho rằng các bản đồ được coi như những bằng chứng có thể xem xét đến và cùng với những loại bằng chứng thực tiễn khác, có giá trị thiết lập hoặc tái khẳng định những sự kiện thực sự. Trong vụ Cameroon v Nigeria, Tòa đã cho rằng, các bản đồ đi kèm với những điều ước thể hiện đường biên giới đã được phân định sẽ được coi như những bằng chứng quyết định.[17]
3. Lập luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở nguyên tắc chiếm hữu thực sự
3.1. Lập luận: quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thực sự là vô chủ cho đến thế kỷ XVII
Mặc dù đã phát hiện hai quần đảo này từ khá sớm, những bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra là Sách trắng của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), cũng như một số tài liệu nghiên cứu, tiêu biểu như Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải của Trung Quốc của Hàn Chấn Hoa và các sự kiện lịch sử liên quan đều không khẳng định rõ ràng cho luận cứ phát hiện đầu tiên đối với một lãnh thổ vô chủ. Chẳng hạn, những mô tả về các đảo đá và cát trên biển Đông trong Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220-265) chỉ là những hướng dẫn hàng hải chung chung mà không ám chỉ một cách rõ ràng về hai quần đảo tranh chấp; các nghiên cứu các bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí từ đời Hán đến đời Thanh đều chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng lưu ý, các phần địa lý chí đều có mục xác nhận đơn vị hành chính của Trung Quốc vào thời điểm đó là đến huyện Nhai, phủ Quỳnh Châu, tức là đảo Hải Nam. Ngoài ra, các bản đồ do phía Trung Quốc ấn hành, đặc biệt là vào thời nhà Thanh đều xác định cự Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và không nhắc đến địa danh Xisha qundao (quần đảo Hoàng Sa)[18]. Đây là những bằng chứng quan trọng khẳng định các quần đảo này chưa thuộc về phía Trung Quốc cho đến khi các chính quyền Việt Nam phát hiện và thiết lập chủ quyền, tại thời điểm nó vẫn còn là vô chủ.
Trong khi đó, những bằng chứng của Việt Nam cho ta thấy là quốc gia đầu tiên tuyên bố và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo, khi đó là một lãnh thổ vô chủ. Việt Nam có thể dựa vào các tài liệu như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư năm 1686, trong Hồng Đức Bản Đồ, Toàn Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn năm 1776 trong đó có sự mô tả cụ thể vị trí địa lý, khoảng cách của địa danh Bãi Cát vàng (Hoàng Sa) hoặc ghi rõ về những hoạt động chủ quyền tại đây như việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải thời chúa Nguyễn. [19]
3.2. Lập luận: việc chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoạt động nhân danh Nhà nước Việt Nam
Trong các tài liệu của mình, phía Trung Quốc đều nhắc lại rằng các ngư dân Trung Quốc đã đến các đảo trên biển đông vào mọi thời kỳ. Tuy nhiên, luận cứ này không đáp ứng được tiêu chí quan trọng của nguyên tắc chiếm hữu thực sự: hành vi mang tính nhà nước. Trong khi đó, Việt Nam có thể dựa vào những bằng chứng khá rõ ràng về sự tiếp nối của một loạt các “hành động nhân danh nhà nước” từ chiếm hữu cho đến quản lý và khai thác. Các hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải được thành lập ở thế kỷ XVII bằng những sắc chỉ nhà nước của các Chúa Nguyễn về hai đội này, trong đó quy định rõ về quân số, địa phương tuyển người, nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, kiểm tra, giám sát và lịch trình đi về, chế độ khen thường, đãi ngộ.[20] Ngoài ra, các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều ghi chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa vào thời kỳ đầu của các Chúa Nguyễn trong thế kỷ XVII.[21]
3.3. Lập luận: việc chiếm hữu là liên tục
Các bằng chứng của Việt Nam đều khẳng định tính tiếp nối, liên tục của việc chiếm hữu kể từ khi phát hiện, sau đó đặt dưới cai quản hành chính và thực thi chủ quyền từ thời các Chúa Nguyễn, tiếp đó là sự chuyển giao cho nhà Tây Sơn. Từ năm 1802, nhà Nguyễn đã thực hiện chủ quyền tại hai quần đảo một cách có tổ chức và mạnh mẽ hơn. Có thể sử dụng các bằng chứng như việc tiếp tục duy trì đội Hoàng Sa bằng sự kiện cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra khảo sát và đo đạc đường biển tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), tiếp tục khảo sát và đo đạc vào năm tiếp theo 1816 và sự tuyên dương các đội viên của đội này cho đến tận đời Vua Tự Đức.[22] Những hành vi tiếp nối chủ quyền này được thực hiện liên tục bởi các triều đại nhà Nguyễn cho đến khi thực dân Pháp hoàn tất việc chiếm đóng thuộc địa và đến khi Việt Nam tuyên bố độc lập.
Việt Nam có thể sử dụng những sự kiện chứng tỏ sự tiếp nối và chuyển giao quyền quản lý cho chính quyền đô hộ thực dân Pháp sau Hiệp ước ngày 06/6/1884, trong đó có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; sự kiện Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho Chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 14/10/1950. Việt Nam có thể sử dụng Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tại hội nghị San Francisco, trong đó nhấn mạnh “…chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.[23] Cần nhấn mạnh rằng, sự kiện đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc không ảnh hưởng đến tính tiếp nối liên tục về chủ quyền của Việt Nam, bởi lẽ từ năm 1954 đến 1975 trên thực tế hai quần đảo này nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH).[24] Chính quyền này sau đó đã củng cố chủ quyền của mình bằng việc đóng quân tại đây cho đến năm 1975 và sau đó nước CHXHCN Việt Nam đã giải phóng, tiếp quản chúng ngay sau khi đất nước thống nhất cho đến nay.
3.4. Lập luận: sự chiếm hữu của Việt Nam là hòa bình, được dư luận đương thời chấp thuận
Việt Nam cũng có thể sử dụng ngay những tài liệu từ phía Trung Quốc để làm rõ khái niệm “sự thừa nhận” trong vấn đề chiếm cứ lãnh thổ thực sự. Các tài liệu này đều không cho thấy Trung Quốc đã từng phản ứng đối với chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam trong suốt thế kỷ 18 – 19; không hề có một đòi hỏi nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Ngược lại, Trung Quốc đã chính thức thừa nhận chủ quyền của Việt Nam. Tiêu biểu là khẳng định trong Hải lục: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”; hoặc thư trả lời yêu cầu của các công ty Anh đề nghị chính quyền Trung Quốc có biện pháp đối với những biện pháp cướp bóc của ngư dân nước này đối với các tàu thuyền trên vùng biển Đông, trong đó có nhấn mạnh rằng “các đảo Paracels là các đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc cũng như không thuộc An Nam, rằng chúng không được sáp nhập vào bất kỳ quận nào của Hải Nam và không có nhà cầm quyền nào đảm trách việc cảnh sát trên đó”. Cuối cùng, các tài liệu khác do người nước ngoài viết như Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc họa đồ (1838)… là bằng chứng quan trọng khẳng định sự chiếm hữu thực tế của Việt Nam.[25]
Thêm vào đó, Việt Nam có thể chứng minh dư luận quốc tế đã không hề có phản ứng hay bác bỏ quyền chiếm hữu của mình kể từ khi bắt đầu xác lập chủ quyền cho đến khi có những tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là không có một quốc gia nào phản đối khi Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco (Mỹ) năm 1951. Tương tự, đã không có phản ứng đối với hai Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Trần Văn Lắm khẳng định hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 13 tháng 7 năm 1971 tại Hội nghị ASPEC (Manila) và Tuyên bố khẳng định hai quần đảo là lãnh thổ của Việt Nam của Phái đoàn VNCH ngày 30/3/1974 tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng kinh tế LHQ về Châu Á và Viễn Đông (ECAPE) (Colombo, Sri Lanka).
Trong suốt thời gian đô hộ, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền đồng thời phản kháng những hành động xâm phạm hai quần đảo như: phản kháng về việc chính quyền Quảng Đông có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa (tháng 12/1931 và tháng 4/1932); thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng tại các đảo chính trong quần đảo Trường Sa (tháng 7/1933), phản đối Nhật đặt một số quần đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.[26] Sau đó, với tư cách là thực thể quản lý và chiếm hữu hợp pháp hai quần đảo này sau Hiệp định Geneva, chính quyền VNCH đã có những phản ứng quyết liệt về mặt quốc tế trước hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, như Tuyên cáo lên án hành động xâm lược của Trung Quốc đối với phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó ngày 19/1/1974; Công hàm của chính phủ VNCH cho các thành viên ký kết Định ước Paris ngày 21/1/ 1974 đề nghị lên án và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ Việt Nam; tố cáo hành vi xâm chiếm của Trung Quốc tại kỳ họp thứ 2 của Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật biển (UNCLOS III) diễn ra tại Caracas (20/6/1974-29/8/1974). Cuối cùng, có thể kể đến là Sách trắng về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do chính quyền VNCH công bố ngày 14/2/1975.
Từ sau năm 1975 đến nay Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo cũng như có những hành động kiên quyết phản đối mọi vi phạm của phía Trung Quốc. Có thể viện dẫn nhiều phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với phía Trung Quốc như: phản đối về việc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông ngày 1/6/2002; phản đối việc dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa ngày 28/12/ 2006; phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa ngày 3/12/2007; phản đối của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam với đại diện Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay việc tập trận tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa ngày 2/10/ 2004…
3.5. Lập luận: tính thực sự trong việc chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Các phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ đã khẳng định tiêu chí “thực sự” có ý nghĩa quan trọng để khẳng định chủ quyền. Những bằng chứng mà phía Trung Quốc đưa ra đã không cho thấy sự “chiếm hữu thực sự” một “lãnh thổ vô chủ”. Trái lại, những bằng chứng của phía Việt Nam đã khẳng định việc thực thi trên thực tế, lâu dài và thực sự các hành vi chủ quyền. Cụ thể, Việt Nam có thể đưa ra những chứng cứ về các sự kiện từ thế kỷ thứ XVII, sau khi đặt chân lên hai quần đảo, nhà Nguyễn đã liên tục trong các năm 1834, 1835 và 1836 tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo, khai thác hải sản và hàng hoá; đặt bia đá trên quần đảo Hoàng Sa và xây chùa, trồng cây và cột trên đảo vào năm 1833; vẽ bản đồ; xây dựng miếu trong đó khắc ghi rõ thời gian (năm Minh Mệnh thứ 17, Bính Thân (1836)) và mục đích của việc đó là lưu dấu để ghi nhớ.
Những bằng chứng về tiếp tục các hành vi thực hiện chủ quyền trong khoảng thời gian Pháp cai trị tại Việt Nam có thể được sử dụng bao gồm việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào đế quốc Pháp; xây dựng một đèn biển ở quần đảo Hoàng Sa, tiến hành các cuộc tuần tiễu trong vùng biển hai quần đảo phản đối sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với một số đảo của quần đảo Hoàng Sa…[27] Sau đó, việc cho quân ra tiếp quản và một loạt các hành vi chủ quyền khác của chính quyền VNCH tại đây bao gồm việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam, thông báo về dự định tiến hành các cuộc khảo sát dầu lửa khu vực ngoài khơi bờ biển miền Trung, đối diện với quần đảo Hoàng Sa ngày 24/9/1973.[28]
Sau ngày 2/7/1976, nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo như: Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 12/5/1977; Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam khi Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 ngày 23/06/1994; việc công bố sách trắng về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo; ban hành Nghị định ngày 9/12/1982 tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội ngày 28/12/1982 sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Việc thông qua Luật biển ngày 02/7/2012 vừa qua là hành vi pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kết luận
Tranh chấp về chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ là một vấn đề tồn tại mang tính khách quan của luật quốc tế. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp, việc giải quyết bằng con đường tài phán quốc tế, cụ thể là bằng Tòa án công lý quốc tế hoặc trọng tài quốc tế là một phương thức mà các bên tranh chấp có thể tính đến bởi tính khách quan, chính xác và hiệu quả cũng như khả năng đảm bảo thực thi, đặc biệt là các phán quyết của TACLQT của Liên hợp quốc. Trong trường hợp vụ tranh chấp về lãnh thổ được các bên đồng thuận đưa ra giải quyết tại theo các cơ chế như trên thì nghiên cứu việc phân tích và sử dụng những tiêu chí về chiếm hữu thực sự là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi các bên phải chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ và vận dụng những phán quyết đã tồn tại cho lập luận của mình. Việt Nam đang khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc chuẩn bị cho vụ kiện quốc tế như trên cũng cần phải được tính đến.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem thêm, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh., Giáo trình Luật Quốc tế – quyển 1, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 244-247.
[2] Một bài viết rất đáng lưu ý về vấn đề này đó là bài viết của TS. Nguyễn Bá Diến “Áp dụng các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông” trên (www.nghiencuubiendong.vn). Bài viết trình bày những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế có liên quan trực tiếp đến vấn đề thụ đắc lãnh thổ, phương thức và các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ trong pháp luật quốc tế và một số giải pháp cho việc giải quyết vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
[3] Western Sahara, ICJ Reports, 1975; M F Lindley, The Acquisition and Government of Backward Territory in lnternational Law, London, 1926, tr. 11, 20-1; Westlake, Chapters on the Principles of International Law, London, 1894, tr. 141-2; Robert Jennings and Arthur Watts, Oppenheim’s Internatioizal Law, Oxford, 2008, tr. 687.
[4] Las Palmas (1928) 2 RIM, tr. 829, 846.
[5] Chamizal (Mỹ và Mexico) 5 AJIL 1911, tr. 782; Minquiers and Ecrehos, ICJ Reports, 1953, tr. 47, 106-8.
[6] Eastern Greenland (1933), PCIJ, Series AIB, No. 53.
[7] Malcolm N Shaw, International Law (Cambridge, 5th ed, 2003) tr. 427-8; M H Mendelson and S C Hulton, ‘The Iraq-Kuwait Boundary’, 64 BYIL, 1993, tr. 135, Malcolm N Shaw, tr. 444.
[8] Right of Passage, ICJ Reports, 1960, tr. 6, 37.
[9] Eritrea/Yemen (1969) 114 ILR, tr. 1.
[10] Case concerning Kasikili/Sedudu Island (Botswana v Namibia)(1999), ICJ Reports, tr. 1045, 1105.
[11] Sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan (Malaysia v Indonesia), ICJ Reports 2002.
[12] Xem Nguyễn Hồng Thao, Tòa án Công lý quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 229.
[13] Brownlie, Principles, tr. 157 và I. Mac Gibbon, ‘The Scope of Acquiescence in International Law: 31 BYIL, 1954, tr. 143.
[14] Land, Island and Maritinle Froiltier (El Salvador/Honduras) (1992), ICJ Reports, tr. 351, 577; Eritrea/Yemen, 114 ILR, tr. 1, 84.
[15] Territorial Dispute (Libya/Chad) (1994) ICJ Reports, tr. 6, 35.
[16] Temple of Preah Vihear (1962), ICJ Reports, tr. 6, 29; Cameroon v Nigeria (Preliminary Objections) (1998) ICJ Reports, tr. 275, 303; Eritrea/Ethiopia , at tr. 50.
[17] Frontier Dispute (Burkina Faso/Mali) (1986) ICJ Reports, tr. 554, 582; Cameroon v. Nigeria, đoạn 101.
[18] Báo Đất Việt, ‘Tham vọng phi lý của Trung Quốc mâu thuẫn với chính sử’, <http://baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201107/Tham-vong-phi-ly-cua-Trung-Quoc-mau-thuan-voi-chinh-su-2256145/> ; Trần Đức Anh Sơn, đề tài “Font tư liệu chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.
[19] Nguyễn Nhã, Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, luận án Tiến sĩ lịch sử, trường Đại học KHXHNV, 2002.
[20] Được thể hiện trong các tài liệu cổ như bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên hoặc Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội Các, hoặc Châu Bản triều Nguyễn .
[21] Vấn đề này được ghi chép rõ ràng trong các tài liệu cổ như Phủ Biên tạp lục năm 1776; Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) Đại Nam thực lục Tiền biên năm 1844; Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686); Ghi chép mô tả chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa trong Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sang Đàng Trong trên đường về nước; các ghi chép của các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite về quần đảo Trường Sa.
[22] Xem Nguyễn Quang Ngọc, ‘Đội Hoàng Sa- Lực lượng chuyên trách thực thi chủ quyền của Việt nam ở Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX’, <http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/doihoangsa-lucluong-nd-1e6cd5ff.aspx>; Nguyễn Quốc Thắng, Hoàng Sa -Trường Sa, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh., 1988, tr. 95 và 96; Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CAND, 1995, tr. 52.
[23] Nguyễn Quốc Thắng, Hoàng Sa – Trường Sa, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh., 1988, tr. 155.
[24] Đây có thể là một trong những lập luận nhằm khẳng định bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1956 không có giá trị pháp lý công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem thêm Nguyễn Bá Diến, “Về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 và vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 27 (2011), tr. 240-245.
[25] Xem Hoàng Trọng Lập (1996), Tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa và luật pháp quốc tế, Luận án phó Tiến sĩ Luật Học – Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 113
[26] Sách trắng Bộ ngoại giao nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam: Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1984, tr. 15.
[27] Xem Monique Chemillier Gendreau (1998), Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CTQG, tr.42; 229; Ủy ban biên giới quốc gia, Những vấn đề pháp lý liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển đông tr. 22, HN năm 2010
[28] Xem ‘Lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (Phân II)’, <http://hoangsa.danang.gov.vn/index.php/gi-i-thi-u/l-ch-s-ch-quy-n/161-l-ch-s-xac-l-p-va-th-c-thi-ch-quy-n>.
Trả lời