• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quốc tế » Mua bán quyền phát thải khí nhà kính – khía cạnh pháp lý và thực tiễn

Mua bán quyền phát thải khí nhà kính – khía cạnh pháp lý và thực tiễn

02/05/2020 02/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Tính hợp pháp của hoạt động phát thải khí nhà kính
  • 2. Mua bán quyền phát thải khí từ góc độ pháp lý và thực tiễn
  • 3. Thuế carbon – sự lựa chọn hiệu quả hơn cho Việt Nam
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Mua bán quyền phát thải khí nhà kính – các khía cạnh pháp lý và thực tiễn triển khai

  • Tác giả: Hồ Thúy Ngọc
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 59-65

TÓM TẮT

Mua bán quyền phát thải khí nhà kính được nhiều quốc gia xem là một trong các giải pháp góp phần phát triển bền vững. Tuy nhiên, xét về bản chất, đây là hoạt động giúp các quốc gia thực hiện đúng cam kết quốc tế nhưng không giảm khí thải trong thực tế. Liệu đây có nên là sự lựa chọn của Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững nền kinh tế hay không? Bài viết sẽ phân tích các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của hoạt động này.

ABSTRACT:

Emission trading is considered among sollutions employed by countries for sustainable economic development. However, to the extent of essence, emission trading helps countries to perform their international commitments without emission reduction. Emssion is now treated as tradable goods. Is it a suitable option for Vietnam? The paper analyzes legal aspects and practices of emission tradings as well as provide suggestions for Vietnam.

TỪ KHÓA: khí nhà kính, quyền phát thải khí,

KEYWORDS: carbon/emissions, emissions rights,

Mua bán quyền phát thải khí nhà kính – các khía cạnh pháp lý và thực tiễn triển khai

Hoạt động sinh sống và sản xuất của con người, nhà máy, công ty… được coi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Khí nhà kính có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài được phản xạ từ bề mặt trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính liên tục xảy ra do các hoạt động nói trên diễn ra không ngừng và ngày càng gia tăng theo số dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh của con người, làm cho khí hậu trái đất nóng lên, dẫn tới nhiều thảm họa thiên nhiên. Khô hạn, nóng bức, cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy, băng tan… là những hiện tượng thời tiết thường xuyên xảy ra. Năm 2015, đợt nắng nóng đã tác động đến Pakistan, Ấn Độ (có nơi đến 45oC), châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi. Bắc cực ấm một cách bất thường, với nhiệt độ dao động giữa 0 và 2oC, tức là cao hơn 20oC so với bình thường.[1] Thực trạng này buộc các chính phủ phải tìm kiếm những giải pháp nhằm phát triển kinh tế theo hướng ngăn ngừa và giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu nói trên. Một trong các giải pháp đó là phải giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng nhiều cách như thông qua việc sử dụng công nghệ sạch hoặc chuyển nhượng quyền phát thải khí. Sử dụng công nghệ sạch đòi hỏi đầu tư lớn về trí tuệ và của cải vật chất nên không phải quốc gia nào cũng thực hiện được. Hiện có xu hướng các quốc gia khi chưa giảm được lượng phát thải như cam kết sẽ mua quyền phát thải từ các nước khác. Năm 1997, 39 nước phát triển đã ký kết Nghị định thư tại Kyoto về việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí CO2 thông qua việc thiết lập ba cơ chế mềm dẻo với nền tảng là mua bán các chứng chỉ giảm phát thải khí. Liệu phát thải khí làm ô nhiễm môi trường có phải là quyền của tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh không? Đâu là cơ sở pháp lý và thực tiễn cho hoạt động mua bán quyền phát thải khí nhà kính này? Có biện pháp nào hiệu quả hơn so với cơ chế mua bán quyền phát thải khí không? Đâu là sự lựa chọn tốt hơn cho Việt Nam? Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ những vấn đề nói trên.[2]

Bài viết cùng số tạp chí

  • Chất lượng của pháp luật trong nhà nước pháp quyền
  • Vai trò của cơ quan quản lý bầu cử trong nhà nước pháp quyền
  • Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay – Bài học từ nghiên cứu lịch sử và so sánh kinh nghiệm một số quốc gia châu Âu
  • Sự cần thiết ghi nhận quyền động vật và phác thảo luật bảo vệ quyền động vật tại Việt Nam
  • Chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Quyền sửa án của hội đồng xét xử giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam – Kinh nghiệm từ một số quốc gia
  • Chế định mặc cả nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Áp dụng nguyên tắc phòng ngừa nhằm kiểm soát nhập khẩu sinh vật ngoại lai trong bối cảnh tự do hóa thương mại
  • [BÀI ĐANG XEM] Mua bán quyền phát thải khí nhà kính – Các khía cạnh pháp lý và thực tiễn triển khai
  • Khái niệm công bằng trong nguyên tắc công bằng, hợp lý khi sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia
  • Bình luận bản án: Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Tính hợp pháp của hoạt động phát thải khí nhà kính

Khí quyển trái đất bao gồm hỗn hợp các chất khí có nồng độ khác nhau. Các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch đã sản sinh ra các chất gây ô nhiễm không khí như CO2, CO, CH4, NOx, SO2… Các chất khí này có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài làm cho nhiệt độ không khí tăng lên gọi là “hiệu ứng nhà kính”.[3] Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC. Khí nhà kính ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của trái đất, nếu không có chúng, nhiệt độ bề mặt trái đất trung bình sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng 33 độ C.[4]

Tính trên quy mô toàn cầu thì ngành công nghiệp, nông nghiệp và năng lượng xả khí thải ra không khí xấp xỉ nhau. Ở Việt Nam, hai lĩnh vực hiện đang có tỷ trọng phát thải lớn nhất là nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, phát thải từ năng lượng sẽ có xu thế tăng nhanh cả về tổng lượng cũng như tỷ trọng trong cơ cấu phát thải.[5]

Từ đó có thể thấy rằng các hoạt động xả khí thải này là một tất yếu của quá trình sản xuất thông thường.Vậy có thể coi các hoạt động trên là hợp pháp hay không? Xét từ cách tiếp cận về nhân quyền, theo đó “mỗi cá nhân đều có quyền hít thở không khí không gây hại cho sức khỏe của mình”[6] thì các tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất không thể có quyền xả khí thải tự do ra môi trường. Trên thực tế, các hoạt động xả khí thải được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật về môi trường ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn như Hoa Kỳ có đạo luật không khí sạch (Clean Air Act 1970) theo đó “Chính phủ sẽ ban hành các quy định xác định tiêu chuẩn phát thải cho từng nguồn phát thải và loại phát thải khí độc hại trong danh mục…”[7] Pháp có Đạo luật về Chất lượng không khí và sử dụng hợp lý năng lượng (Law on Air Quality and the Rational Use of Energy 1996) nêu rõ giới hạn trên của khí thải từ các cơ sở sản xuất là 50 micrograms/m3 và tối đa không quá 35 ngày/năm. Trong khuôn khổ khu vực như châu Âu có Luật Môi trường (EU Environmental Law) cho phép các cá nhân chịu tác động của khí thải từ các cơ sở sản xuất khởi kiện chính quyền sở tại khi không thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình.[8]

Việc kiểm soát việc phát thải khí nhà kính đã thực sự trở nên cấp bách và các chính phủ chính thức vào cuộc với việc ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC) của 155 quốc gia vào năm 1992 và Nghị định thư Kyoto năm 1997. Trong khuôn khổ quốc tế, Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu chỉ rõ các nước thành viên “đơn phương hoặc phối hợp, bảo đảm rằng toàn bộ các phát thải khí nhà kính tương đương carbon dioxide do con người gây ra không vượt quá lượng đã định của mình, được tính theo các cam kết hạn chế và giảm phát thải định lượng…”.[9]

Điều ước quốc tế gần đây nhất mới đạt được trong lĩnh vực này là Thỏa thuận chung Paris tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015.

Ngay cả Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, mặc dù tham gia Nghị định thư Kyoto và không bị bắt buộc phải giới hạn lượng khí thải gây ra nhưng vẫn ban hành các quy định kiểm soát hoạt động này. Ví dụ như Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về việc quản lý chất thải và phế liệu quy định đó chủ sở hữu nguồn thải khí công nghiệp thuộc danh mục phải được cấp Giấy phép xả khí thải. Chỉ có 6 loại nguồn khí thải (sản xuất phôi thép, nhiệt điện, xi măng, hóa chất và phân bón hóa học, công nghiệp sản xuất dầu mỏ, lò hơi công nghiệp) với lưu lượng lớn mới chịu sự kiểm soát của nhà nước. Thậm chí, trong Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015,Việt Nam đã cam kết giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% vào năm 2030.

Từ đó có thể thấy rằng, việc phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh nhìn chung được pháp luật các nước thừa nhận như tính tất yếu khách quan và là điều kiện để hoạt động sản xuất có thể diễn ra. Bản chất của việc phát thải khí nhà kính là quyền sử dụng tài nguyên môi trường, hay nói cách khác là quyền ô nhiễm môi trường tới mức xác định trước.[10] Không khí vốn được xếp vào nhóm hàng hóa công cộng, ai cũng có thể tiêu dùng loại hàng hóa này mà không phải trả tiền trực tiếp. Với tốc độ tăng nhanh chóng khí nhà kính xả vào bầu khí quyển làm trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, Nhà nước phải can thiệp, tác động vào quá trình quản lý loại hàng hóa này nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng.

2. Mua bán quyền phát thải khí từ góc độ pháp lý và thực tiễn

Trong thực tế, những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép có thể bán quyền phát thải khí cho những quốc gia đã tiêu dùng tối đa quyền này của mình.Vì carbonic là thành phần chủ yếu của các loại khí nhà kính nên giao dịch này còn được gọi là mua bán quyền phát thải carbon. Hình thái vật chất của quyền này trong giao dịch chính là các chứng chỉ giảm phát thải. Vấn đề đặt ra là việc mua bán quyền phát thải khí này được nhìn nhận từ góc độ pháp lý và thực tiễn như thế nào?- Xét từ góc độ pháp lý: Sự ra đời của Nghị định thư Kyoto với cam kết cắt giảm 5% lượng khí nhà kính so với mức năm 1990 từ năm 2008 đến năm 2012 của 37 nước công nghiệp phát triển và Liên minh châu Âu (EU) là cơ sở cho sự hình thành và phát triển thị trường buôn bán quyền phát thải khí. Xét ở cấp độ công ty, mỗi một công ty gây ô nhiễm sẽ có một hạn mức phát thải khí CO2 nhất định và công ty nào muốn sử dụng nhiều hơn hạn mức của mình thì phải bỏ tiền ra mua hạn mức của công ty khác. Hiệu ứng nhà kính là vấn đề mang tính toàn cầu nên việc giảm hiệu ứng nhà kính dù diễn ra ở đâu thì đều có tác dụng bảo vệ trái đất như nhau. Xét ở cấp độ quốc gia, mỗi chính phủ có mức xả khí tối đa trong một khoảng thời gian nhất định và tương ứng với mức này chính là quyền xả khí. Mỗi quyền xả khí thường tương đương với 1 tấn CO2.[11] Chính phủ nào không dùng hết mức xả khí tối đa này thì nhượng lại cho chính phủ nước khác. Về mặt lý thuyết, quốc gia nào xả nhiều khí thì phải mất tiền cho hành động này và có động lực tìm các phương án để giảm mức xả khí của mình cũng như nhu cầu mua quyền xả khí. Quốc gia nào xả ít khí thải ra môi trường thì phải được thưởng bằng cơ chế bán quyền xả khí chưa dùng hết này. Bên dư chỉ tiêu vừa kiếm được thêm tiền từ quyền xả khí của mình và bên dùng hết vẫn tiếp tục việc sản xuất bình thường của mình với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tái tạo. Các quốc gia lần lượt hợp pháp hóa cơ chế này. Quốc hội Mỹ phê duyệt cơ chế này vào năm 2009 mặc dù trước đó đã manh nha xuất hiện những hình thái tương tự như mua bán tín dụng chì trong xăng dầu hay mua bán Sulphur dioxide (SO2) năm 1990.[12] Cơ chế mua bán quyền phát thải khí được hợp thức hóa ở bình diện quốc tế với những nghiên cứu và hoạt động trên bình diện rộng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development – OECD) và Hội nghị của Liên hợpquốc về thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD)[13] vào đầu những năm 1990. Hai cơ chế thương mại hóa quyền phát thải khí trên bình diện quốc tế hiện nay là Nghị định thư Kyoto và Cơ chế thương mại quyền phát thải khí của EU (European Union Emissions Trading System – EU ETS).[14] Nghị định thư Kyoto đặt ra mức trần thải khí cho mỗi quốc gia thành viên thuộc nhóm nước phát triển nhưng không đặt ra mức tối đa cho các quốc gia thành viên đang phát triển. EU ETS yêu cầu mỗi quốc gia thành viên chuyển một phần quyền phát thải khí theo mức trần nói trên cho các quốc gia xả khí thải chính của EU.

– Xét từ góc độ thực tiễn: Hiện nay có 17 hệ thống mua bán quyền phát thải khí tại 4 châu lục, với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 12 bang và 7 thành phố. Giao dịch tại thị trường này chiếm tới 40% GDP toàn cầu.[15]

Nếu không có thị trường mua bán quyền phát thải này thì rõ ràng các công ty đã sử dụng hết quyền phát thải khí của mình sẽ không thể tiếp tục xả khí thải vào môi trường thông qua phần quyền chưa sử dụng hết của các công ty khác. Như vậy, vô hình trung, hoạt động ô nhiễm môi trường, thực tế, đang được hợp pháp hóa.Càng ngàymua bán quyền phát thải khí càng vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường. Merrick cho rằng mua bán quyền phát thải khí tạo ra ảo giác là giảm khí thải vào môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho các nền kinh tế gây nhiều ô nhiễm.[16] Bản chất không phải như vậy: Khí thải vẫn tiếp tục xả ra ở mức độ tối đa, chỉ khác nguồn xả thông qua cơ chế trao đổi.Ví dụ, ở EU, các nguồn xả khí thải có tín dụng xả hơn 130 triệu tấn CO2 so với thực tế có thể xả, cao hơn 2,1%.[17] Ngoài ra, mức xả khí thải ra môi trường được xác định một cách tương đối bởi các chính phủ chứ không phải thông qua đo lường thực tế. Vì thế, sai số thực tế lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới 10-30%.[18] Các nước giàu tiếp tục có cơ chế xả thải hợp pháp, và vì thế không còn nhiều động lực áp dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính. Mua bán quyền phát thải khí bị chỉ trích là một cách thiết lập trật tự kiểu mới giữa các chủ thể làm ô nhiễm môi trường với tác nhân điều khiểu chính là tín dụng xả thải.[19] Các quốc gia đều nhìn thấy lợi ích ngắn hạn của cơ chế này nhưng xét về dài hạn thì đây là sự vi phạm nghiêm trọng công bằng xã hội và an toàn môi trường. Mua bán khí thải không hề góp phần làm giảm các nguồn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không góp phần bảo vệ rừng mà chỉ là kéo dài việc công nghiệp phát thải khí vào môi trường càng lâu càng tốt.[20] Dữ liệu đã chứng minh trong một thập kỷ áp dụng cơ chế mua bán quyền phát thải khí, mức CO2 trong bầu khí quyển tăng khoảng 2ppm mỗi năm và con người vẫn chưa tìm ra nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.[21] Có thể thấy mua bán quyền phát thải khí bị coi là tiếp tay cho sự hủy diệt khi những nguồn xả khí khổng lồ tiếp tục hành vi hủy diệt của mình nhờ có tiền và nhờ thặng dư chỉ tiêu hủy diệt từ nguồn khác. Đó là còn chưa kể đến việc chủ sở hữu nhiều nguồn xả thải đã dối trá về sự thiếu hụt quyền xả khí thải của mình để mua nhiều hơn mức cần thiết và xả nhiều hơn mức họ đáng lẽ có thể kiểm soát được về mặt kỹ thuật. Ví dụ, khi EU yêu cầu thông tin về Ignalina, nhà máy điện nguyên tử tương tự nhà máy ở Chernobyl thì Lithuania đã báo cáo mức phát thải khí nhiều hơn mức thực tế cần thiết.[22]

Mục đích của các nhà làm luật trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế để thúc đẩy quá trình làm sạch không khí dường như đã thất bại. Khi hình thành cơ chế mua bán quyền phát thải khí, giá mua bán sẽ là tác nhân thúc đẩy các quốc gia thay đổi cơ cấu sản xuất để áp dụng công nghệ sạch và giảm bớt việc phải đi mua quyền này. Vậy thực tế, giá bán quyền phát thải khí có cao đủ để buộc các quốc gia làm như vậy không? Câu trả lời là không. Tháng 4/2006, giá một quyền phát thải khí CO2 trong EU ETS là khoảng 1€ trên một tấn CO2. Mức giá năm 2010 vào khoảng 80-100€ trên một tấn CO2.[23] Mức giá này gần như là không có giá trị gì với các chính phủ trong việc nỗ lực áp dụng công nghệ sạch. Tại sao lại xảy ra tình huống trái ngược với lý thuyết như vậy? Không giống như các thị trường hàng hóa và tài chính khác (vàng, dầu mỏ hay lúa mì), thị trường mua bán carbon không sinh ra để tạo lợi nhuận từ việc mua bán một hàng hóa hữu hình. Thị trường này hình thành bởi chính các chính phủ nhằm tìm cách hiệu quả hóa nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vậy khi mục đích này thất bại thì phương án tiếp theo là gì?

3. Thuế carbon – sự lựa chọn hiệu quả hơn cho Việt Nam

Thuế carbon là một loại thuế môi trường, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng trên cơ sở lượng CO2 phát thải của hàng hóa được sản xuất ra hoặc quy trình sản xuất được áp dụng. Đến tháng 2/2017, khoảng 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành thuế carbon.[24] Thuế carbon được áp dụng vào những hàng hóa/ quy trình sản xuất thâm dụng carbon như nhiên liệu hóa thạch nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Thuế carbon vừa tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa buộc các tổ chức cá nhân chịu thuế phải tìm kiếm các biện pháp làm giảm lượng CO2 phát thải từ hoạt động của mình, làm tăng tính cạnh tranh của các ngành công nghệ không carbon hoặc carbon thấp.

Thuế carbon xuất hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 90 ở các nước Bắc Âu (ví dụ sắc thuế này được ban hành ở Phần Lan vào năm 1990, Na Uy và Thụy Điển vào năm 1991, Đan Mạch vào năm 1992). Vào đầu những năm 2000, các nước bắt đầu chuyển hướng quan tâm tới cơ chế mua bán quyền phát thải khí thay vì thuế carbon vì những ưu điểm của cơ chế này (như đã phân tích ở trên). Cho tới cuối những năm 2000, đặc biệt là sau khi Thụy Sĩ ban hành thuế carbon năm 2008 thì một loạt các nước châu Âu cũng như các quốc gia phát triển khác đã học tập Thụy Sĩ như Úc, Nhật Bản. Đầu những năm 2010, lần đầu tiên các nền kinh tế mới nổi như Nam Phi, Mexico, Chile, Ấn Độ cũng quyết định áp thuế carbon thay vì sử dụng cơ chế mua bán quyền phát thải khí.[25] Thuế carbon và mua bán quyền phát thải khí đều chung một mục đích bảo vệ môi trường. Khác nhau cơ bản giữa hai biện pháp này là thuế carbon cố định mức thu trong khi mua bán quyền phát thải khí cố định mức tối đa khí thải ra môi trường. Thuế carbon có thể tránh được những nhược điểm của mua bán quyền phát thải khí đề cập ở trên.

Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa thuế carbon và thuế sử dụng nhiên liệu như thế nào? Liệu có xảy ra hiện tượng thuế chồng thuế không? Thuế sử dụng nhiên liệu được áp trực tiếp vào lượng nhiên liệu sử dụng còn thuế carbon được áp trực tiếp vào lượng CO2 thải ra. Sẽ có hiện tượng thuế chồng thuế khi đó vừa là nhiên liệu vừa thải CO2 như nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…). Vì vậy, các nhà làm luật phải dự liệu được khoảng giao thoa này để xây dựng những quy định đặc thù tương ứng.

Thực tiễn của 20 năm với các nỗ lực toàn cầu trong việc giảm khí thải thông qua cơ chế mua bán quyền phát thải khí nhưng lượng khí thải ra trên toàn cầu vẫn tăng, thậm chí còn tăng nhanh hơn so với năm 1990. Theo tác giả, trong bối cảnh này thì thuế carbon là giải pháp được cho là tối ưu hơn cả. Chính phủ hoàn toàn chủ động trong việc áp thuế, độc lập trong việc xác định mức thuế cũng như thời gian ban hành.

Thị trường mua bán quyền phát thải CO2 tại Việt Nam manh nha xuất hiện khi Việt Nam tham gia cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Kết quả tham gia CDM của Việt Nam rất đáng khích lệ khi đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án và số 11 thế giới về lượng tín chỉ.[26] Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hoạt động mua bán quyền phát thải khí ở Việt Nam chưa thể thực sự phát triển do thiếu cơ sở pháp lý cũng như cơ chế, nhân lực và vật lực để vận hành. Vì vậy, việc sử dụng thuế carbon với mức thuế suất đồng bộ gắn liền với mức phát thải/ lợi nhuận của doanh nghiệp được coi là sự lựa chọn hợp lý hiện nay.

CHÚ THÍCH

[1]  Nguyễn Khắc Nhẫn, Chiến lược năng lượng nào cho Việt Nam sau COP 21, ENSE3- Grenoble- INP 8/3/2016, 2016, tr. 3.

[2] Bài viết là kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu “Thương mại quyền phát thải khí” của Trường Đại học Ngoại thương.

[3] Đoàn Văn Điểm, Báo cáo đánh giá sự phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và lâm nghiệp ở Việt Nam – Đề xuất biện pháp giảm thiểu và kiểm soát, UNDP, 2011, tr. 3.

[4] Karl TR, Trenberth KE,“Modern Global Climate Change”, Science 302 (5651): 2003, 1719–1723.

[5]  Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Tùng Lâm, Hoàng Ngọc Hân , “Các nguồn phát thải và định hướng giảm phát thải khí nhà kính”, Tạp chí Môi trường, số 7/2014.

[6] Xem tại: Báo điện tử Clean air, http://legal.cleanair-europe.org/legal/france/, truy cập ngày 15/01/2018

[7] §7412 (d) (1) “The Administrator shall promulgate regulations establishing emission standards for each category of subcategory of major sources and area sources of hazardous air pollutants listed…”

[8] EU, Handbook on the Implementation of EC Environmental Legislation, 2008, tr. 183.

[9] Khoản 1 Điều 3 Nghị định thư Kyoto – Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1997.

[10] Commonwealth Government of Australia, Ecologically Sustainable Development: A Commonwealth Discussion Paper, AGP, Canberra, 1990, tr. 14.

[11]  Kill, Ozinga, Pavett and Wainwright, Trading Carbon: How it works and why it is controversial, FERN, UK, 2010.

[12]  Tamra Gilbertson and Oscar Reyes, Carbon Trading- How it works and why it fails, Dag Hammarskjold Foundation, Uppsala, 2009, tr. 21.

[13] OECD, Climate Change: Design a Tradable Permit System, OECD Observer, Paris, 1992.

[14] Tháng 10 năm 2003, EU thông qua cơ chế này bằng Chỉ thị mua bán quyền phát thải khí và trở thành cơ chế lớn nhất thế giới. Cơ chế này ở EU đã giúp cho khoảng 11500 nhà máy điện, nhà máy lọc dầu ở hơn 30 quốc gia gồm cả 27 quốc gia thành viên EU và Na Uy, Iceland và Lichtenstein – hơn nửa nguồn phát thải khí ở EU – hoạt động bình thường, xả khí bình thường trước sức ép giảm hiệu ứng nhà kính.

[15] International Carbon Action Partnership, Emission Trading Worldwide- Status Report 2015, 2016. tr. 24, 25.

[16] Merrick, Burying heads in the sandbag: helping the market bring climate catastrophe, Julian Cope Presents Head Heritage U-Know, 2009.

[17] EU Commission, Questions and Answers on the revised EU Emissions Trading System, 2008.

[18] Kill, Ozinga, Pavett and Wainwright, Trading Carbo: How it works and why it is controversial, FERN, UK, 2010, tr. 12.

[19] Michael F.Hordeski, Megatrends for Energy Efficiency and Renewable Energy, The Fairmont Press. 2010, tr. 200 – 201.

[20] Tamra Gilbertson and Oscar Reyes, Carbon Trading – How it works and why it fails, Dag Hammarskjold Foundation, Uppsala, 2009, tr. 15.

[21] Số liệu được cung cấp tại Earth System Research Laboratory tại địa chỉ https://www.esrl.noaa.gov/gmd/ccgg/trends/#mlo_growth.

[22] National Audit Office of the Republic of Lithuania, Evaluation of the allocation and trading scheme of greenhouse gas emissions allowances, 2007, tr. 11.

[23] Kill, Ozinga, Pavett and Wainwright, Trading Carbo: How it works and why it is controversial, FERN, UK, 2010, tr. 14.

[24] Partnership for Market Reainess, Carbon Tax Guide: A handbook for Policy Makers, World Bank, Washington, DC. License:Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO, 2017, tr. 5.

[25] Partnership for Market Reainess, Carbon Tax Guide: A handbook for Policy Makers, World Bank, Washington, DC. License:Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO, 2017, tr. 27.

[26] Nguyễn Thị Liễu , Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, Mã số TNMT.2018.05.01, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Commonwealth Government of Australia, Ecologically Sustainable Development: A Commonwealth Discussion Paper, AGPS., Canberra, 1990
  • Đoàn Văn Điểm, Báo cáo đánh giá sự phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và lâm nghiệp ở Việt Nam – Đề xuất biện pháp giảm thiểu và kiểm soát, UNDP, 2011 [trans: Doan Van Diem, Report on Emissions from Agriculture and Forestry in Vietnam – Suggestions of minimization and controlling, UNDP, 2011]
  • EU Commission, Questions and Answers on the revised EU Emissions Trading System, 2008
  • Tamra Gilbertson and Oscar Reyes, Carbon Trading- How it works and why it fails, Dag Hammarskjold Foundation, Uppsala, 2009
  • Michael F.Hordeski, Megatrends for Energy Efficiency and Renewable Energy, The Fairmont Press, 2010
  • IPCC, Contribution of Working group III to the fifth assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change, 2014
  • International Carbon Action Partnership, Emission Trading Worldwide – Status Report 2015, 2016
  • Karl TR, Trenberth KE, “Modern Global Climate Change”, Science 302 (5651): 1719–1723, 2003
  • Kill, Ozinga, Pavett and Wainwright, Trading Carbo: How it works and why it is controversial, FERN, UK, 2010
  • Nguyễn Thị Liễu, Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, Mã số TNMT.2018.05.01, Bộ Tài nguyên và Môi trường [trans: Nguyen Thi Lieu, Ministerial level Proposal, Theoritical and practical bases for Emissions Trading Market Development in Vietnam, Code: TNMT.2018.05.01, Ministry of Natural Resources and Environment, 2017]
  • Merrick, Burying heads in the sandbag: helping the market bring climate catastrophe, Julian Cope Presents Head Heritage U-Know, 2009
  • National Audit Office of the Republic of Lithuania, Evaluation of the allocation and trading scheme ò greenhouse gas emissions allowances, 2007
  • Nguyễn Khắc Nhẫn, Chiến lược năng lượng nào cho Việt Nam sau COP 21, ENSE3- Grenoble- INP 8/3/2016 [trans:Nguyen Khac Nhan, What Energy Strategy is for Vietnam after COP 21, ENSE3- Grenoble- INP 8/3/2016]
  • OECD, Climate Change: Design a Tradable Permit System, OECD Observer, Paris, 1992
  • Partnership for Market Reainess, Carbon Tax Guide: A handbook for Policy Makers, World Bank, Washington, DC. License: Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO, 2017
  • Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Tùng Lâm, Hoàng Ngọc Hân, “Các nguồn phát thải và định hướng giảm phát thải khí nhà kính”, Tạp chí Môi trường, số 7/2014.[trans: Nguyen Van Tai, Nguyen Tung Lam, Hoang Ngoc Han, “Emissions sources and Emissions Reduction Implications”, Environment Journal, No. 7/2014]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Bảo đảm tính thống nhất giữa BLLĐ với pháp luật thanh tra lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Hoàn thiện “Biện pháp khắc phục hậu quả” trong XPVPHC lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Kiến nghị sửa đổi “Kỷ luật lao động” theo dự thảo Bộ luật Lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NSDLĐ

Chuyên mục: Quốc tế Từ khóa: Công pháp quốc tế, Hồ Thúy Ngọc, Khí nhà kính, Quyền phát thải, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2018

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Áp dụng nguyên tắc phòng ngừa kiểm soát nhập khẩu sinh vật ngoại lai
Next Post: Khái niệm công bằng trong nguyên tắc công bằng hợp lý »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Hằng trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook
  • hà trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội
  • hoàng thư trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam pdf
  • Nguyễn Hồng Anh trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài pdf
  • Nghi Nguyễn trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam pdf

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng