Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam
TÓM TẮT
SICC được ra đời nhằm phát huy những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài ở Singapore, đặc biệt khi Singapore vừa thông qua Công ước The Hague 2005 về Lựa chọn tòa án vào ngày 14/4/2016, được xem là tác nhân quan trọng nhằm khẳng định thêm vai trò của SICC với tư cách là cơ quan giải quyết tranh chấp công mang tính lựa chọn trong lĩnh vực tư pháp quốc tế. Sự ra đời của nó hứa hẹn sẽ đưa Singapore trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Xem thêm:
- Mở cửa thị trường thuốc lá trong thương mại quốc tế – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt & ThS. Nguyễn Thị Thu
- Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại – ThS. Trần Thị Nguyệt
- [EBOOK] Giáo trình Luật Thương mại quốc tế pdf – Trường ĐH Luật Hà Nội
- Đề thi Luật Thương mại quốc tế – Tổng hợp
- Vấn đề gia nhập Công ước Hague năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn Tòa án của Liên minh Châu Âu – Một số kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Xác định thế nào là “thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” trong thực tiễn xét xử – LS. Lê Hồng Sơn
- Học thuyết forum non conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Thương mại quốc tế, Tòa án, SICC, Singapore,
Singapore đã từ lâu được công nhận một cách rộng rãi như là trung tâm giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài số một của khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Số lượng các vụ việc được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC – được thành lập năm 1991) có sự gia tăng đột biến trong những năm gần đây.[1] Nhằm tiếp tục phát triển Singapore thành trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế của khu vực và trên thế giới, Singapore đã quyết định thành lập một cơ quan tài phán quốc tế bên cạnh SIAC là Tòa án Thương mại Quốc tế của Singapore (SICC).
Chiến lược phát triển đột phá này của Singapore mang nhiều ý nghĩa. Sự ra đời của SICC thể hiện tham vọng của của Singapore trong việc thiết lập một thiết chế đặc biệt nhằm “đón đầu” hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế theo phương thức do các bên lựa chọn, cũng như tiến hành “quốc tế hóa” và “xuất khẩu” hệ thống pháp luật Singapore ra bên ngoài. Cơ chế này cũng sẽ cạnh tranh với SIAC, quá đó nâng cao chất lượng của dịch vụ giải quyết tranh chấp do cả hai cung cấp. Cuối cùng, một điều cũng hết sức quan trọng đó là với các thiết chế tài phán quốc tế có uy tín, nó sẽ tạo ra một nguồn thu lớn cho nền kinh tế của quốc đảo, bao gồm không chỉ các khoản án phí, phí dịch vụ của cơ quan tài phán, mà còn cả phí dịch vụ cho luật sư tham gia tranh tụng và các dịch vụ bổ trợ khác.[2]
Bài viết này sẽ giới thiệu về cơ chế tài phán đặc thù của SICC, đồng thời phân tích những điểm đột phá trong tư duy pháp lý và định hướng phát triển hệ thống tư pháp của Singapore trong bối cảnh toàn cầu hóa
1. Quá trình hình thành
Ý tưởng hình thành nên SICC nhằm phát triển ngành dịch vụ pháp lý và mở rộng phạm vi sự ảnh hưởng, quốc tế hóa và “xuất khẩu” pháp luật Singapore được đưa ra bởi Chánh án Tòa án Tối cao Singapore vào năm 2013. Một câu hỏi lớn được đặt ra tại thời điểm đó là sự cần thiết của SICC trong khi Singapore đã có SIAC hoạt động khá hiệu quả.[3]
Cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự ra đời của SICC là ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án so với các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khác như trung gian, hòa giải hay trọng tài. Cụ thể, so với trọng tài, mặc dù Singapore đã có một Trung tâm Trọng tài Quốc tế (SIAC) quá nổi tiếng và hiệu quả, song việc giải quyết tranh chấp của SIAC vẫn có có những hạn chế so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án như phạm vi thẩm quyền hẹp trong khi các tranh chấp mang bản chất thương mại ngày càng phát triển đa dạng. Trong đó, có những loại tranh chấp SIAC lại không có thẩm quyền giải quyết như các loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp đặc biệt phát sinh liên quan đến hợp đồng, các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, các tranh chấp liên quan đến chế định ủy thác (Trust)… Bên cạnh đó, hạn chế của SIAC còn thể hiện ở những khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp có nhiều bên, cần ủy thác tư pháp ở nhiều quốc gia khác nhau, hoặc Công ước New York 1958 về Công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài mà Singapore là thành viên chưa mở rộng hiệu lực đến hầu hết các quốc gia…[4] Ngoài ra, tính khả thi của cơ chế tài phán của SICC còn dựa trên thuận lợi vốn có của Singapore, đó là uy tín về một hệ thống pháp luật thương mại chặt chẽ và thân thiện, đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, hệ thống tư pháp có vị thế đặc biệt trong hệ thống pháp luật (Singapore theo truyền thống Common law), sự tồn tại của một “hệ thống tư pháp trong sạch” hàng đầu thế giới.[5] Đặc biệt, vị trí địa lý của Singapore vô cùng thuận lợi cho vai trò trung gian giải quyết tranh chấp thương mại “xuyên quốc gia”…[6]
Những thành tố trên được xem như những nền tảng quan trọng bảo đảm tính khả thi cho dự án thành lập SICC. Chính phủ Singapore đã ra quyết định thành lập SICC vào ngày 05/01/2015. SICC được kỳ vọng sẽ cùng với các thiết chế tài phán quốc tế khác của Singapore như SIAC, SIMC đóng góp đưa Singapore trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp hàng đầu của khu vực và trên thế giới.
2. Thẩm quyền và vị trí của SICC trong hệ thống pháp luật Singapore
SICC được thành lập như là một bộ phận của hệ thống tòa án Singapore, trực thuộc Tòa Thượng thẩm – Tòa Tối cao Singapore. Thẩm quyền của SICC được điều chỉnh bởi mục 18D của Đạo luật về Bộ máy Tư pháp của Tòa án Tối cao năm 1969 (sửa đổi bổ sung gần nhất năm 2007),[7] Quy tắc 7, Quy định 110 của Bộ các Quy tắc Tòa án ban hành năm 1996 (sửa đổi gần nhất vào năm 2015 – sau đây gọi tắt là Quy tắc Tòa án).[8] SICC là một cơ quan tài phán với thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa trên ba yếu tố: (1) có liên quan đến “tính thương mại” và “tính quốc tế”; (2) có thỏa thuận lựa chọn SICC; (3) các bên không đem vụ việc ra để giải quyết bằng các hình thức khác như trọng tài hoặc có các bên liên quan đến đặc quyền khởi kiện nào đó. Cụ thể:
2.1. Vụ việc mang bản chất thương mại và quốc tế
– Tính “thương mại”của tranh chấp thuộc thẩm quyền của SICC thể hiện ở việc nó phát sinh từ các quan hệ với bản chất thương mại theo quy định điểm 2b Quy tắc 1, Quy định 110 Quy tắc Tòa án Singapore. Khái niệm này được sử dụng hầu như dựa theo khái niệm tại khoản 1, Điều 1 của Luật mẫu UNCITRAL 1985 về trọng tài. Đây là đạo luật được áp dụng trực tiếp tại Singapore theo mục 3 của Đạo luật về Trọng tài Quốc tế Singapore năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002. Theo đó, các tranh chấp thương mại mang bản chất thương mại bao gồm các giao dịch thương mại liên quan đến cung ứng hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ; hợp đồng phân phối; đại lý hoặc đại diện thương mại; cho thuê hoặc bao thanh toán; xây dựng; chuyển giao kỹ thuật, li-xăng; đầu tư, tài chính, ngân hàng hoặc bảo hiểm; liên doanh hoặc bất cứ hình thức hợp tác kinh doanh, công nghiệp; sáp nhập hoặc mua lại của một hoặc nhiều công ty; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt. Ngoài ra, các tranh chấp thương mại khác cũng thuộc thẩm quyền của SICC: tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cá nhân, các bên tuyên bố rõ ràng rằng vấn đề tranh chấp mang bản chất thương mại.
– Tính “quốc tế”của các tranh chấp được thể hiện ở khía cạnh các bên có địa điểm kinh doanh ở các nước khác nhau; hoặc không một bên nào có địa điểm kinh doanh tại Singapore; hoặc nghĩa vụ trong quan hệ thương mại được thực hiện phần lớn ở bên ngoài của nước mà một bên có địa điểm kinh doanh; hoặc nơi có mối quan hệ chặt chẽ với đối tượng của tranh chấp thương mại nằm ngoài nước mà một bên có địa điểm kinh doanh; hoặc thậm chí các bên đồng ý rõ rằng rằng đối tượng của tranh chấp liên quan đến hơn một nước.[9]
2.2. Thỏa thuận lựa chọn SICC cho việc giải quyết tranh chấp phải được lập thành văn bản
Sự thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Quy định về hình thức của thỏa thuận tương tự như thoả thuận lựa chọn trọng tài theo Điều 2A của Luật Trọng tài Singapore ban hành 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002.
2.3. Các bên không đem vụ việc ra để giải quyết bằng các hình thức khác hoặc có các bên liên quan đến các lệnh mang tính đặc quyền.[10]
Ngoài ra, SICC còn có thể phát sinh thẩm quyền đối với các vụ việc do Tòa Thượng thẩm chuyển qua mà không cần thiết phải có sự đồng thuận về thẩm quyền của các bên hoặc các điều kiện khác.
3. Thủ tục tố tụng
Không giống như Tòa án trong nước, SICC hình thành nên thủ tục tố tụng riêng bằng Hướng dẫn thực hành tố tụng của SICC ban hành ngày 01/01/2015. Các tranh chấp do SICC giải quyết bằng một hoặc 03 thẩm phán, bao gồm cả các thẩm phán quốc tế. Hiện nay, có tất cả 12 thẩm phán quốc tế, đến từ cả truyền thống dân luật lẫn thông luật, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, Áo, Pháp.
Để được SICC thụ lý, trước tiên nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh “tính thương mại’ và “tính quốc tế” của vụ việc trong tờ khai gửi cho Tòa án kèm theo thỏa thuận lựa chọn SICC, trừ trường hợp nguyên đơn có được “Giấy chứng nhận tiền tố tụng”, trong đó có thể hiện mục đích về tính thương mại và tính quốc tế của vụ tranh chấp. “Giấy chứng nhận tiền tố tụng” (a pre – action certificate)[11] được cấp phát để ghi nhận một số vấn đề mang tính thỏa thuận giữa các bên trước khi vụ kiện được bắt đầu tại Tòa án. Nó ghi nhận ý định của các bên về việc khởi kiện, về tính thương mại và tính quốc tế của vụ tranh chấp, xác định vụ tranh chấp có phải là một vụ “ngoại biên” – (offshore case) hay không, thỏa thuận về một số nội dung liên quan đến tố tụng như vấn đề xét xử kín, giữ bí mật thông tin liên quan đến vụ kiện hoặc niêm phong hồ sơ vụ án.
Luật sư nước ngoài có thể tham gia vào hoạt động tố tụng tại phiên Tòa của SICC nhưng phải tiến hành đăng ký dựa theo mục 36P Đạo luật về Nghề luật của Singapore[12] và chỉ đối với các vụ việc “ngoại biên” (offshore case): Đó là những trường hợp không có sự kết nối đáng kể đến Singapore khi pháp luật Singapore không phải là luật áp dụng cho các tranh chấp và đối tượng của vụ tranh chấp không được quy định bởi hoặc theo luật Singapore, hoặc các kết nối duy nhất giữa các tranh chấp và Singapore là sự lựa chọn pháp luật Singapore của các bên như pháp luật áp dụng đối với các tranh chấp. Chính vì “mối liên hệ” với Singapore không nhiều nên đối với các vụ việc này, SICC cho phép sự tham gia của luật sư nước ngoài và đặc biệt, trong các trường hợp này, SICC sẽ khá thoải mái và khách quan hơn trong việc ban hành các lệnh dành cho các bên dựa theo Quy tắc 30 (1) Quy định 110 Quy tắc Tòa án: lệnh về việc vụ kiện sẽ được xét xử thông qua camera, lệnh cấm về việc tiết lộ thông tin của vụ tranh chấp ra bên ngoài hoặc lệnh niêm phong Tòa bộ hồ sơ tranh chấp. Bởi lẽ, với các vụ việc thương mại có yếu tố nước ngoài, thông thường khi xét xử, Tòa án quốc gia thường có sự thiên vị cho các cá nhân, pháp nhân mang quốc tịch của quốc gia mình hơn so với các chủ thể mang quốc tịch nước ngoài hoặc bị rằng buộc bởi các nguyên tắc tố tụng dành cho Tòa án thông thường như xét xử công khai, xét xử trực tiếp với sự hiện diện của các bên tại Tòa… Nhìn từ góc độ tư pháp, đây là một cách tiếp cận mang tính hiện đại, đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các bên trong tranh chấp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Có thể thấy, các vụ có yếu tố nước ngoài được xem những đối tượng chính mà SICC hướng đến để thụ lý và giải quyết.
Có 03 trường hợp để dựa vào đó, SICC tuyên bố vụ việc thụ lý sẽ là vụ có yếu tố nước ngoài:
– Dựa vào Quy tắc 43(1) Quy định 110 Quy tắc Tòa án, các bên đưa ra giấy xác nhận ở giai đoạn tiền tố tụng tuyên bố rằng các bên có ý định xác định đây là vụ có yếu tố nước ngoài;
– Một bên nộp hồ sơ để tuyên bố đây là vụ có yếu tố nước ngoài dựa theo Quy tắc 35, Quy định 110 Quy tắc Tòa án. Hồ sơ này phải được nộp cùng với đơn khởi kiện (đối với nguyên đơn) hoặc bản giải trình đầu tiên (đối với bị đơn hoặc bên thứ ba). Điều này cũng được áp dụng tương tự cho thủ tục tuyên bố một vụ không phải là có yếu tố nước ngoài;
– SICC sẽ ra quyết định vụ việc là có yếu tố nước ngoài dựa theo “văn bản yêu cầu” được nộp theo Quy tắc 36, Quy định 110 Quy tắc Tòa án. Văn bản yêu cầu này có thể được nôp vào bất kỳ thời điểm nào bởi nguyên đơn, bị đơn, bên thứ ba hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Văn bản yêu cầu phải giải thích rõ và cung cấp đầy đủ yếu tố để chứng minh đây là vụ “có yếu tố nước ngoài”.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, SICC cho phép bên thứ ba được quyền tham gia vào hoạt động tố tụng theo Quy tắc 9(3) Quy định 110 Quy tắc Tòa án nếu chứng minh được sự liên hệ với vụ án đang được SICC bằng một số yêu cầu cụ thể. Điều này sẽ không được tìm thấy trong tố tụng trọng tài hay tố tụng dân sự thông thường của quốc gia.
Về luật áp dụng, pháp luật tố tụng Singapore không mang tính bắt buộc cho các phiên Tòa của SICC, trừ khi Quy tắc Tòa án của Singapore có quy định. Trong trường hợp này, các quy định của Đạo luật về Chứng cứ,[13] Quy tắc Tòa án và thông luật sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi quy tắc tố tụng của Singapore được áp dụng như Quy tắc tố tụng về chứng cứ thì SICC vẫn cho phép các bên cung cấp chứng cứ dựa theo pháp luật nước ngoài.[14] Bên cạnh đó, dựa trên yêu cầu, SICC ban hành lệnh, dựa vào Quy tắc 25(1) Quy định 110 Quy tắc Tòa án, cho phép các bên cung cấp bài bào chữa dựa trên các lập luận lấy từ cơ sở pháp lý trong pháp luật nước ngoài thay vì dựa vào chứng cứ. Điều này cho phép áp dụng đối với tất cả các vụ việc không phân biệt là có yếu tố nước ngoài hay không phải là có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, đối với các vụ việc được SICC thụ lý, các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng trên cơ sở các nguyên tắc của Tư pháp Quốc tế, đặc biệt là trong các vụ có yếu tố nước ngoài.
4. Hiệu lực phán quyết
Phán quyết của SICC sẽ có hiệu lực tương tự như phán quyết của Tòa Thượng thẩm, Tòa án Tối cao Singapore. Nó sẽ được quyền yêu cầu xin phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm, Tòa án Tối cao Singapore.[15] Tuy nhiên, các bên trong tranh chấp có quyền từ bỏ, giới hạn hoặc thay đổi quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm đối với các phán quyết của SICC, nhưng điều này phải được lập bằng văn bản và đệ trình lên Tòa Phúc thẩm. Có thể nói đây là quy định mang tính tiến bộ và “cởi mở” nhằm đáp ứng quyền tự định đoạt và thỏa thuận của các bên trong các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, với quy định này sẽ ít nhiều có sự ảnh hưởng đến bên thứ ba (có quyền và nghĩa vụ liên quan) và đôi khi sẽ là “cớ” để Tòa án một số nước cho rằng vấn đề này đã vi phạm “trật tự công cộng” về nguyên tắc hai cấp xét xử để từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của SICC.
Về hiệu lực quốc tế, phán quyết của SICC khi có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị tương tự như các phán quyết khác của Tòa án Tối cao Singapore. Theo đó, với cơ chế đăng ký trên lãnh thổ của các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung,[16] phán quyết SICC sẽ phát sinh hiệu lực thực thi dựa trên Đạo luật về Thực thi Phán quyết của Khối Thịnh vượng chung bao gồm các quốc gia Vương quốc Anh, Úc (bao gồm Liên bang Úc, các tiểu bang (New South Wales, Queensland, South Australia, Tasmania, Victoria, Western Australia, Australian Capital Territory, Norfolk Island, Northern Territory), New Zealand, Sri Lanka, Malaysia, Windward Islands, Pakistan, Brunei Darussalam, Papua New Guinea và Ấn Độ (ngoại trừ tiểu bang Jammu và Kashmir); và Hongkong theo Đạo luật về Thực thi phán quyết nước ngoài đối với Hongkong.[17]
Đối với các quốc gia theo truyền thống dân luật, phán quyết của SICC sẽ được công nhận và cho thi hành trên cơ sở các điều ước quốc tế. Ngay cả khi không có điều ước quốc tế, phán quyết của SICC cũng có thể được thực thi nếu việc yêu cầu được thực hiện. Về nguyên tắc, nội dung của phán quyết liên quan đến giải quyết tranh chấp sẽ không bị xem xét lại bởi vì các quốc gia dân luật, phần lớn theo thủ tục cấp phép, tức là chỉ xem xét lại khía cạnh pháp luật tố tụng liên quan đến phán quyết.[18] Các bên muốn chống lại phán quyết của SICC trên lãnh thổ của các quốc gia này chỉ có thể dựa trên một số vấn đề liên quan đến tố tụng mang tính đặc biệt như vấn đề “chính sách công”, hoặc vụ việc thuộc thẩm quyền tuyệt đối của các quốc gia hoặc xác định SICC không có thẩm quyền để thụ lý hoặc tồn tại một sự gian lận nào đó liên quan đến thẩm quyền của SICC.[19]
Singapore đã ký và thông qua Công ước Hague về Lựa chọn Tòa án năm 2005.[20] Sự ra đời của Công ước là một bước phát triển mạnh mẽ của tư pháp quốc tế toàn cầu, đề cao quyền tự định đoạt cơ quan tài phán là Tòa án nhằm giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực tư có yếu tố nước ngoài. Theo đó phán quyết của SICC sẽ được Tòa án của 28 quốc gia và EU là thành viên Công ước The Hague 2005 tôn trọng và đảm bảo việc công nhận và cho thi hành theo các điều kiện mà Công ước đặt ra. Ngoài ra nó còn được xem là hoạt động chuẩn bị cho Sinagapore để tham gia vào tiến trình đàm phán và thực thi thỏa thuận cho phép thi hành phán quyết giữa các nước trong khối ASEAN với nhau.
5. Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Có thể nói, sự ra đời của SICC là một bước đột phá của Singapore trong việc thiết lập một thiết chế độc lập và hiệu quả về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại quốc tế, làm đa dạng thêm “bộ công cụ” giải quyết tranh chấp mang tính lựa chọn cho các doanh nghiệp bên cạnh Trung tâm Trọng tài Quốc tế và Trung tâm Hòa giải Quốc tế. Với sự tiếp cận về tính thương mại mở rộng, sự hiện diện của đội ngũ thẩm phán quốc tế giàu kinh nghiệm và vai trò trung lập của SICC, sự linh hoạt trong việc cho phép sử dụng luật nước ngoài kể cả vấn đề pháp luật tố tụng trong các vụ việc “ngoại biên” – có yếu tố nước ngoài… sẽ làm cho SICC trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm giải quyết tranh chấp thương mại “xuyên biên giới” nhanh chóng và hiệu quả. Đây có thể được xem là mô hình mang tính phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh mỗi phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và Tòa án thông thường như hiện nay đều bộc lộ những hạn chế nhất định.
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài,mặc dù trong những năm gần đây, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài đã được sử dụng nhiều hơn, song số lượng các vụ việc được thụ lý hàng năm chưa tương xứng với tiềm lực cũng như thực tiễn tranh chấp thương mại.[21] Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có những nguyên nhân cơ bản như sau:
– Phạm vi thẩm quyền của trọng tài bị hạn chế trong các tranh chấp thương mại. Thực tế đôi khi các bên muốn tìm đến trọng tài nhưng phạm vi thẩm quyền của trọng tài bị hạn chế. Một số các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự hoặc lao động hoàn toàn có thể được giải quyết theo phương thức này nhưng lại bị hạn chế. Hơn nữa, những bước tố tụng theo nguyên tắc của thể thức Trọng tài vụ việc đòi hỏi các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để bàn thảo và thống nhất ý kiến cho toàn bộ tiến trình giải quyết từ lúc thành lập Hội đồng trọng tài cho đến việc áp dụng luật pháp…Điều này thật khó cho một khối lượng công việc như vậy đạt được kết quả nhanh chóng tại thời điểm khi mà các bên tranh chấp có thể đã có những mối bất hoà quá lớn không thể hàn gắn được nữa.
– Bên cạnh đó, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm vừa là một ưu điểm nổi bật nhưng cũng lại là một nhược điểm, đòi hỏi quá trình giải quyết tranh chấp phải hoàn toàn chính xác, không được phép phạm sai lầm vì các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo, kháng nghị. Điều này thực sự là một khó khăn nếu như phát hiện và muốn sửa chữa sai phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp.
– Ngoài ra, đối với phán quyết trọng tài, mặc dù pháp luật quy định phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, song khả năng thi hành trên thực tế là không cao bởi vướng nhiều yếu tố ở khâu thi hành án hoặc một vấn đề bức xúc hiện nay nữa là tình trạng hủy phán quyết trọng tài của Tòa án đã và đang gây tâm lý e ngại cho các bên khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.[22]
– Trọng tài là tổ chức phi Chính phủ nên phán quyết Trọng tài đưa ra không nhân danh Nhà nước. Điều này dễ dẫn đến lỗ hổng trong sự vô tư của Trọng tài viên khi ra phán quyết. Các nhà kinh doanh chưa tin tưởng lựa chọn Trọng tài viên bởi họ chưa tin tưởng vào tính độc lập, vô tư, khách quan của các Trọng tài viên. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà Trọng tài viên xét xử sai, không khách quan thì họ không biết dựa vào cơ chế nào để bảo vệ lợi ích của mình ngoài việc không thi hành phán quyết đó và khởi kiện vụ án lại từ đầu tại Tòa kinh tế.[23]
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, một số hạn chế có thể kể đến như:
– Số lượng các án về kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài mà các cơ quan Tòa án của Việt Nam thụ lý rất nhiều so với con số khiêm tốn của các trung tâm trọng tài. Song, chính vì thế, tình trạng tồn đọng án còn rất lớn, điều này sẽ làm kéo dài thời gian tiến hành tố tụng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các bên, uy tín doanh nghiệp ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
– Chưa có chương trình riêng để đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên trách trong từng lĩnh vực do các Tòa chuyên trách đảm nhận, trong đó có lĩnh vực kinh doanh thương mạị,[24] hoạt động bồi dưỡng chuyên sâu thực tế có diễn ra, song với số lượng vụ việc quá lớn của các Tòa cùng nhiều yếu tố khác, dẫn đến tình trạng hiệu quả còn vẫn chưa cao.[25] Điều này dẫn đến chất lượng của hoạt động xét xử các án kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài cũng bị ảnh hưởng lớn.
– Quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án nhằm giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài bị hạn chế, pháp luật chỉ cho phép trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định trong một số đạo luật chuyên ngành như Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Đầu tư… Điều này làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các đương sự trong hoạt động kinh doanh thương mại. Mặc dù, Bộ Luật Tố tụng Dân sự mới vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015,[26] vấn đề các đương sự được quyền lựa chọn Tòa án giải quyết đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được đề cập trong điểm c, khoản 1, Điều 470[27] và điểm a, khoản 1 Điều 472[28] song việc đề cập này chưa phải là nguyên tắc chung, cũng như chưa có cơ chế, quy định cụ thể để triển khai trên thực tế.
– Khi quy định về quyền lựa chọn Tòa án bên trên được triển khai, sẽ có thể xuất hiện những tranh chấp mà cả hai bên đương sự đều là phía nước ngoài và tham gia vào hoạt động tố tụng tại Việt Nam trên cơ sở lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết, trong khi ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động tố tụng tại Tòa án Việt Nam là tiếng Việt. Mặc dù pháp luật có quy định người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch,[29] nhưng đôi khi các bên lại mong muốn dùng ngôn ngữ mang tính phổ biến hiện nay là tiếng Anh để dễ dàng thể hiện được ý định của mình trong quá trình tranh tụng.
Với những hạn chế của cả hai phương thức giải quyết trên, sự ra đời của một cơ quan Tòa án như SICC được xem như là sự kết hợp mang tính dung hòa, khắc phục được những hạn chế và đồng thời sẽ phát huy được những ưu điểm của từng phương thức. Trong giai đoạn đầu có thể thiết lập Tòa án Thương mại Quốc tế thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh vì ở đây số lượng các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài nói riêng là tương đối lớn so với các nơi khác. Cơ quan Tòa án này sẽ trực thuộc Tòa án nhân dân Thành phố theo điểm b, khoản 1, Điều 38 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Sự ra đời của nó sẽ giải quyết được một số hạn chế của hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và Tòa án như hiện nay:
Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mô hình Tòa án thương mại độc lập sẽ có thẩm quyền mở rộng hơn, không chỉ đối với các tranh chấp thương mại mà còn có thể đối với các tranh chấp dân sự và lao động (trừ một số loại đặc biệt); hội đồng xét xử được chỉ định một cách độc lập thay vì mỗi bên tiến hành lựa chọn một trọng tài viên, rồi hai trọng tài được lựa chọn lại lựa chọn tiếp một trọng tài viên khác làm chủ tịch, nếu không sẽ do chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định, điều này dễ dẫn đến tâm lý e ngại cho các bên khi cho rằng phán quyết được tuyên bởi một hội đồng mà trong đó có ít nhất một người đã chống đối lại mình; bên thứ ba được quyền tham gia vào phiên tố tụng với tư cách như là nguyên đơn hoặc bị đơn; phán quyết được quyền kháng cáo nhằm khắc phục một số lỗ hổng trong quá trình xét xử sơ thẩm, phán quyết được tuyên nhân danh Nhà nước nên tính cưỡng chế thi hành mang tính bắt buộc cao…
Đối với tố tụng Tòa án, một Tòa án thương mại quốc tế độc lập như SICC sẽ đảm bảo được quyền tự do của các bên tranh chấp kinh doanh thương mại, từ quyền thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, được xét xử bằng ngôn ngữ mang tính phổ biến nhất trên thế giới là tiếng Anh, đến các quyền như được xét xử kín, không cung cấp thông tin vụ việc ra bên ngoài, niêm phong hồ sơ… để đảm bảo bí mật kinh doanh. Ngoài ra nó còn giúp hạn chế bớt tình trạng tồn đọng án cho cơ quan Tòa án nhân dân hiện nay, xây dựng được đội ngũ thẩm phán mang tính chuyên môn hóa cao từ đó chất lượng của hoạt động xét xử được nâng cao, hình thành nên những tiền lệ mang tính điển hình cho công tác xét xử của Việt Nam trong tương lai khi mà án lệ đang và sẽ được ghi nhận như là nguồn luật không thể thiếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, nó còn là giải pháp nhằm làm phong phú thêm các thiết chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của các bên trong điều kiện khi mà quyền tự do của con người nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng ngày càng được đề cao.
Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình mang tính hiệu quả như SICC, Việt Nam có rất nhiều việc cần làm. Đó là việc xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, tiên tiến, tiệm cận với những thông lệ thương mại quốc tế; tăng cường tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động lựa chọn Tòa án, công nhận và thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài như Công ước The Hague 2005; chuẩn bị và hoàn thiện về yếu tố con người, nhất là đội ngũ thẩm phán, trong đó yếu tố chuyên môn và ngoại ngữ là chìa khóa cho sự thành công của mô hình Tòa án này… Đặc biệt, trước nhất, cần xây dựng một hệ thống tư pháp mang tính đồng bộ, hiện đại, “trong sạch” để tạo tiền đề xây dựng lòng tin cho các bên trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Điều này được xem như là sự chuẩn bị cho Việt Nam trong bối cảnh khi mà Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị có hiệu lực tại Việt Nam và ASEAN sắp thông qua Hiệp định về Cho phép thi hành các phán quyết của cơ quan Tòa án lẫn nhau.
CHÚ THÍCH
* NCS. ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Theo Báo cáo của SIAC công bố ngày 25/2/2016, năm 2015 SIAC đã nhận mới 271 liên quan đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị tranh chấp là 6,23 tỷ đô la Singapore. Số liệu cho thấy năm 2015 tăng 300% so với 10 năm trước, có những vụ tranh chấp lên đến hơn 2 tỷ đô la Singapore. Theo Báo cáo của SIAC công bố ngày 25/2/2016, năm 2015 SIAC đã nhận mới 271 liên quan đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị tranh chấp là 6,23 tỷ đô la Singapore. Đây là số lượng cao nhất các vụ việc được xử lý và tổng giá trị tranh chấp cao nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động của SIAC. Nguồn: http://www.siac.org.sg/ (cập nhật ngày 28/3/2016).
[2] Vụ án đầu tiên do SICC thụ lý vào tháng 11/2015 giữa Công ty BCBC Singapore, một công ty con của Công ty Binderless Coal Briquetting của Úc và Công ty Bayan Resources TBK của Indonesia với giá trị tranh chấp gần 800 triệu USD. Nguồn: http://www.straitstimes.com/singapore/11b-dispute-is-first-case-heard (đăng tải ngày 21/11/2015, cập nhật ngày 19/4/2016).
[3] Xem Báo cáo của Uỷ ban SICC công bố tháng 11/2013.http://www.sicc.gov.sg/documents/docs/Annex%20A%20-%20SICC%20Committee%20Report.pdf , tr.3 (cập nhật ngày 28/3/2016).
[4] Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 156 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước New York 1958, thành viên gần nhất là Andora, gia nhập ngày 19/6/2015.
Nguồn:.http://www.uncitral.org/uncitral/en/uncitral_texts/arbitration/NYConvention_status.html (cập nhật ngày 28/3/2016).
[5] Năm 2008, Tổ Chức Tư Vấn Các Rủi Ro Kinh Tế và Chính Trị, gọi tắt là PERC đã đánh giá Singapore quốc gia có hệ thống tư pháp tốt nhất Châu Á; Năm 2010 Dự án Tư pháp Thế giới đánh giá Singapore nằm ở vị trí số một cho tư pháp dân sự trong số các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Judicial_system_of_Singapore#Ranking.
[6] Xem thêm quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Singaopore về tính khả thi của SICC tại http://thanhnien.vn/the-gioi/singapore-du-dinh-lap-toa-an-thuong-mai-quoc-te-468294.html đăng tải ngày 03/12/2013 (cập nhật ngày 30/3/2016).
[7] The Supreme Court of Judicature Act (Cap322, 2007 Ed.).
[8] The Rules of Court (R5, 2014 Ed).
[9] Theo điểm 2a Quy tắc 1, Quy định 110 Quy tắc Tòa án Singapore.
[10] Xem thêm quy định về các lệnh này tại Quy định 53 của Quy tắc Tòa án; và nội dung của các lệnh này tại: Peter Leyland and Gordon Anthony (2009), “The Remedies, Textbook on Administrative Law 6thEd”, Nxb. Oxford University Press, tr. 457.
[11] Theo Quy tắc 39 (1), Quy định 110 Quy tắc Tòa án.
[12] The Legal Profession Act (Cap 161, 2001 Ed.) được ban hành 1981 (sửa đổi, bổ sung gần nhất vào 01/06/2001).
[13] The Evidence Act (Cap 97, 1997 Ed) được ban hành năm 1893, sửa đổi bổ sung lần gần nhất năm 1997.
[14] Theo Quy tắc 23, 25 Quy định 110 của Quy tắc Tòa án Singapore.
[15] Singapore – Dispute Resolution Guide 2016
http://www.conventuslaw.com/report/singapore-dispute-resolution-guide-2016/ đăng tải thông tin ngày 17/01/2016 (cập nhật ngày 03/4/2016).
[16] Liên minh của các quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh.
[17] SICC, “Singapore International Commercial Court note on Enforcement of SICC Judgments”, nguồn:.http://www.sicc.gov.sg/documents/docs/SICC_Enforcement_Guide.pdf.
[18] Lê Thị Nam Giang, Tư pháp Quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Tp.HCM (tái bản lần 2), 2011, tr. 217.
[19] Mark Moedritzer and Kay C Whittaker (2013) “Enforcement of Foreign Judgments in 28 jurisdictions worldwide (France)”, nguồn:.http://www.eba-avocats.com/de/voe/EFJ2013_France.pdf tr.45, 46 (cập nhật ngày 28/3/2016).
[20] Công ước Hague về lựa chọn Tòa án được ra đờ ngày 30/6/2005 trong khuôn khổ Hội nghị Lahaye về Tư pháp Quốc tế. Tính đến thời điểm này, Công ước Hague 2005 đã có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ký và thông qua Công ước, 02 quốc gia đã ký nhưng chưa thông qua bao gồm, Ucraina và Hoa Kỳ. Trong đó, Singapore tham gia ký kết về việc gia nhập Công ước ngày 29/3/2015 và thông qua vào ngày 14/4/2016. Nguồn:.https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/?cid=98 (cập nhật ngày 28/3/2016);.http://www.straitstimes.com/politics/law-boosts-global-enforceability-for-rulings-on-civil-commercial-matters (cập nhật ngày 19/4/2016).
[21] Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được xem là trung tâm hoạt động nổi bật. Trong năm 2015, được xem là năm có số lượng vụ việc thụ lý nhiều nhất từ khi VIAC được thành lập là 146 vụ, với tổng giá trị tranh chấp là gần 1.260 tỷ đồng.
[22] .http://viac.vn/su-kien/so-ket-04-nam-thi-hanh-luat-trong-tai-thuong-mai-a446.html đăng tải ngày 15/9/2015 (cập nhật ngày 29/3/2016); Bài viết “Thi hành phán quyết trọng tài, khó vì… tòa án” http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/thi-hanh-phan-quyet-trong-tai-kho-vi-toa-an-139876.html đăng tải ngày 30/12/2015 (cập nhật ngày 19/4/2016).
[23] Lê Văn Sua, “Một số bất cập quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, kiến nghị hoàn thiện”,.Nguồn:.http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1887 (cập nhật ngày 19/4/2016).
[24] Trong chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp hiện nay, thẩm phán được đào tạo với một chương trình chung. Nguồn:.http://www.judaca.edu.vn/content/75-Hoat-dong-Dao-tao-Tham-phan.aspx (cập nhật ngày 30/3/2016).
[25] Trần Thu Hạnh, “Một số giải pháp nâng cao vị thế của thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự đáp sưng yêu cầu cải cách tư pháp”, Tạp chíLuật họcsố 25 (2009), tr. 99.
[26] Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
[27] Điểm c, khoản 1, điều 470: “Vụ việc dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam”.
[28] Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các bên đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó.
Trường hợp các bên thay đổi thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bằng thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam, thỏa thuận lựa chọn đó bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, hoặc Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài từ chối nhận đơn thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết.
[29] Điều 20 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Tác giả: TS. Phan Hoài Nam
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(98)/2016 – 2016, Trang 72-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý