Khái niệm công bằng trong nguyên tắc công bằng, hợp lý khi sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia
TÓM TẮT
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến môi trường xuyên biên giới, điển hình là việc sử dụng chung nguồn nước sông Mekong, ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ phía Bắc do Trung Quốc xả thải, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới từ phía Nam do cháy rừng từ Indonesia. Tuy nhiên, những cơ sở để bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vì vậy, bài viết sẽ phân tích khái niệm công bằng trong nguyên tắc công bằng, hợp lý khi sử dụng nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, chứng minh nguyên tắc trên như một nguồn tập quán khi các quốc gia liên quan chưa ký kết các điều ước quốc tế, để từ đó đưa ra các kiến nghị tương ứng.
Xem thêm:
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm hàng hải theo quy định của Pháp luật Anh – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc & ThS. Trần Ngọc Hà
- Bàn về các nguyên tắc pháp luật chung trong Luật Quốc tế – TS. Trần Thăng Long
- Các nguyên tắc về kế thừa đối với lãnh thổ trong luật quốc tế – Thực tiễn áp dụng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
TỪ KHÓA: Bảo vệ môi trường, Nguyên tắc công bằng hợp lý,
Theo luật quốc tế hiện đại, quốc gia sở tại có chủ quyền đối với mọi nguồn tài nguyên nằm trong lãnh thổ của mình, đó là quyền khai thác, quản lý, bảo tồn… nguồn nước, không khí cũng như mọi tài nguyên trong lãnh thổ quốc gia và những quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền đó[1]. Tuy nhiên, khi xét đến việc sử dụng chung nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, người ta đặt ra câu hỏi: chủ quyền quốc gia đối với những nguồn tài nguyên này có còn tuyệt đối, riêng biệt – nghĩa là hoàn toàn dựa vào sự định đoạt của quốc gia sở tại – cho dù có ảnh hưởng đến quốc gia khác hay không?
Cụ thể, nguồn nước quốc tế (sông, hồ, nước ngầm quốc tế) hay tài nguyên không khí là những loại tài nguyên có thể mở rộng phạm vi sử dụng qua nhiều quốc gia, điều này cũng dẫn đến khả năng việc khai thác tài nguyên ở quốc gia này sẽ gây thiệt hại cho quốc gia khác. Ví dụ, Việt Nam gặp phải các vấn đề như việc Trung Quốc và các quốc gia khu vực sông Mekong xây đập làm giảm lưu lượng nước;[2] khói bụi công nghiệp từ Trung Quốc tràn sang phía Bắc[3] và khói mù do đốt rừng từ Indonesia gây ô nhiễm cho miền Nam.[4]
Vấn đề đặt ra là khi khai thác tài nguyên nước, không khí xuyên quốc gia, các quốc gia láng giềng chịu sự ràng buộc nào để không gây thiệt hại cho quốc gia khác?
Nhìn chung, cơ sở pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề khai thác, bảo tồn hai loại tài nguyên này còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới tham gia vào Công ước New York năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy, Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 và Hiệp định ASEAN về Khói mù xuyên biên giới 2002 (ASEAN Agreement on Transboundary Haze Pollution, viết tắt là AATHP). Do đó, quy phạm điều ước để giải quyết những vấn đề môi trường xuyên biên giới phát sinh trong quá trình khai thác, bảo tồn nguồn nước quốc tế, ô nhiễm không khí xuyên biên giới giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có liên quan còn thiếu vắng. Nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia được tác giả chứng minh như một nguồn tập quán có thể bổ khuyết cho sự thiếu vắng này.
1. Sự ra đời của nguyên tắc
Trước thập niên 50 của thế kỷ 20, vấn đề sử dụng nguồn nước quốc tế đã trở thành chủ đề tranh luận kéo dài của hai trường phái về chủ quyền quốc gia: trường phái dựa theo học thuyết chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối và trường phái theo học thuyết chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn. Trường phái dựa trên học thuyết chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối hướng đến việc bảo vệ quyền cho các quốc gia ở thượng nguồn. Theo đó, các quốc gia ở thượng nguồn cho rằng họ có toàn quyền định đoạt nguồn nước trong lãnh thổ của quốc gia mình, kể cả nguồn nước quốc tế mà không cần suy xét đến lợi ích của các quốc gia khác.[5] Trong khi đó, trường phái dựa trên học thuyết chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn lại hướng đến bảo vệ quốc gia ở hạ nguồn, ngăn cấm tuyệt đối bất kỳ hành vi sử dụng nguồn nước nào ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên.[6] Tuy nhiên, trên thực tế, trường phái theo thuyết chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối đã bị phản đối mạnh mẽ và hầu như không được công nhận.[7] Tương tự, trường phái theo thuyết chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn cũng gặp hạn chế khi bị cho rằng cản trở sự phát triển của quốc gia thượng nguồn, vì họ sẽ hầu như không được thực hiện hoạt động gì có thể ảnh hưởng đến dòng chảy. Do đó, có thể thấy cả hai trường phái này đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Sau những năm 1950, các nền tảng cho sự ra đời của luật quốc tế về quản lý nguồn nước đã hình thành[8] từ hàng loạt các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nguồn nước.[9] Trong đó, cách giải quyết được thống nhất áp dụng là các bên được sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung. Theo nguyên tắc này, tất cả các quốc gia liên quan đến vùng nước đều có quyền bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước chung và mỗi quốc gia phải tôn trọng chủ quyền và các quyền đối ứng của các quốc gia có nguồn nước khác.[10] Nguyên tắc công bằng và hợp lý thể hiện hai chức năng cơ bản. Thứ nhất, nguyên tắc này thiết lập mục tiêu cần đạt được (sử dụng nguồn nước công bằng và hợp lý), xác định tính hợp pháp của việc sử dụng nguồn nước xuyên biên giới. Thứ hai, nguyên tắc yêu cầu tất cả các yếu tố và hoàn cảnh (tự nhiên và kinh tế – xã hội, nhu cầu sử dụng nguồn nước và thực tiễn sử dụng nguồn nước của các quốc gia,…) được đưa vào đánh giá, xem xét việc có hay không việc sử dụng nguồn nước một cách công bằng và hợp lý.[11] Lợi thế của nguyên tắc này là đồng thời công nhận quyền của các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn nên được chấp nhận rộng rãi [12] và đã được ghi nhận trong khá nhiều điều ước quốc tế [13] và án lệ.[14]
Trong việc chống ô nhiễm không khí xuyên biên giới, nguyên tắc này cũng được thừa nhận tương tự. Theo nguyên tắc số 21 của Tuyên bố Rio:[15] “Phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các quốc gia có chủ quyền khai thác tài nguyên của mình theo những chính sách về môi trường và phát triển của mình, và có trách nhiệm bảo đảm rằng những hoạt động trong phạm vi quyền hạn và kiểm soát của mình không gây tác hại gì đến môi trường của các quốc gia khác hoặc của những khu vực ngoài phạm vi quyền hạn quốc gia”. Bên cạnh đó, nguyên tắc này còn được thừa nhận trong ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế liên quan đến tính hợp pháp của các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân năm 1996,[16] Điều 2.2 Công ước về Đánh giá tác động môi trường trong một bối cảnh xuyên biên giới năm 1991 (Công ước Espoo), Điều 2 Công ước về Ô nhiễm không khí tầm xa 1979,[17] Điều 3.1 Hiệp định AATHP.
Như vậy có thể thấy rằng, nguyên tắc công bằng hợp lý được hình thành và áp dụng trong cả hai vấn đề môi trường xuyên quốc gia là sử dụng nguồn nước quốc tế và chống ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ lâu đời và được áp dụng trong nhiều vụ việc cũng như được pháp điển hóa trong các quy phạm điều ước.
2. Khái niệm “công bằng” trong nguyên tắc công bằng, hợp lý
Bản chất của khái niệm “công bằng” trong nguyên tắc công bằng, hợp lý sử dụng nguồn tài nguyên xuyên quốc gia khá mơ hồ.Trong luật pháp quốc tế, “công bằng” thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa cho sự không thiên vị (fairness), hoặc công lý (justice) về cả phần hình thức và nội dung.[18] Trong khi hình thức biểu hiện của khái niệm “công bằng” liên quan đến các hoạt động thực tiễn trong việc khai thác tài nguyên của các quốc gia, thì nội dung của khái niệm “công bằng” hướng đến sự phân phối lợi ích, lẫn thiệt hại một cách công bằng.[19]
Khi xem xét vấn đề công bằng trong những lĩnh vực khác có sử dụng thuật ngữ này như vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu thì nội hàm của thuật ngữ của “phân chia công bằng” là quan trọng nhất với nhiều tranh cãi xoay quanh ba nội dung cơ bản:[20]
– Các quốc gia phải tính đến quyền của các quốc gia khác để giảm thiểu phát thải;
– Những đóng góp và chi phí để giảm thiểu phát thải cần được chia sẻ cho từng quốc gia theo năng lực tài chính;
– Những đóng góp giảm phát thải cần được phân bổ theo tỷ lệ trách nhiệm của quốc gia xả thải.
Điều 5.1 Công ước New York năm 1997 cũng quy định về việc sử dụng công bằng: “Các quốc gia chung nguồn nước, trong lãnh thổ của mình, phải sử dụng một nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng và hợp lý. Cụ thể, một nguồn nước liên quốc gia phải được các quốc gia chung nguồn nước sử dụng và phát triển nhằm đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững và đạt được lợi ích do nguồn nước mang lại, có tính đến lợi ích của các quốc gia chung nguồn nước liên quan, cùng với bảo vệ thích đáng nguồn nước đó”.
Qua nghiên cứu, tính công bằng gồm ba nội dung rất cơ bản là “sử dụng công bằng”, “sự tham gia công bằng” và “tính đến nhu cầu thiết yếu của con người”.
2.1. Sử dụng công bằng
Việc sử dụng “công bằng” là sử dụng và phát triển nhằm “sử dụng tối ưu”, nhưng “sử dụng tối ưu” đa phần được hiểu không đồng nghĩa với sử dụng đến mức đạt được mục đích tối đa, hiệu quả nhất hoặc thậm chí là sử dụng có giá trị nhất (về mặt kinh tế). Thông thường việc “sử dụng tối ưu” là nhằm đáp ứng được lợi ích tối đa có thể cho tất cả người dân và đạt được sự thỏa mãn lớn nhất có thể đối với tất cả các nhu cầu của họ và giảm thiểu tác động có hại tiềm tàng.
2.2. Tham gia công bằng
Trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế, khái niệm “sự tham gia công bằng” thừa nhận thực tế các quốc gia có quyền khai thác tài nguyên xuyên quốc gia như nhau, nhưng đồng thời có nghĩa vụ thực hiện những biện pháp bảo tồn tài nguyên và khắc phục hậu quả xảy ra.[21] Do đó, khái niệm về sự tham gia công bằng có liên quan trực tiếp tới nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý. Sự tham gia công bằng sẽ cho phép các quốc gia có quyền yêu cầu sự hợp tác của các quốc gia chung nguồn nước nhằm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ nguồn nước.
Có thể xem xét ví dụ sau đây: quốc gia A (ở thượng lưu) và quốc gia B (ở hạ lưu) cùng sử dụng một con sông quốc tế. Quốc gia A có ý định ngăn dòng, đưa thêm nước vào kênh rạch thủy lợi và thông báo cho quốc gia B về kế hoạch này. Trong thông báo này, A đảm bảo rằng việc gia tăng sử dụng nước là không đáng kể – chỉ một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trong tổng lượng nước – nhưng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho an ninh lương thực quốc gia A. Trong phúc đáp của mình, quốc gia B cho rằng thay vì lãng phí nhiều nước hơn cho kênh thủy lợi, quốc gia A nên đầu tư vào hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc mua lượng thực phẩm cần thiết từ quốc gia B. Trong khi quốc gia B thừa nhận rằng việc rút nước khỏi sông chỉ ở mức thấp vẫn ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho dân số ngày càng tăng nhanh, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng khu nghỉ dưỡng của họ dọc theo sông. Câu hỏi đặt ra là liệu A và B có sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất hoặc có lợi nhất không? Như đã trình bày ở trên, yêu cầu về “sử dụng tối ưu”, “sử dụng bền vững” không yêu cầu sử dụng tiết kiệm nhất (ở đây là sử dụng công nghệ tưới tiên tiến nhất theo lập luận của B), trong đó phải tính đến đều kiện kinh tế, xã hội của từng quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Trong ví dụ này, trên tinh thần hợp tác, A đã thiện chí thông báo cho B kế hoạch quy hoạch nguồn nước và B cũng công nhận rằng việc rút nước của A là không đáng kể, chỉ là mục đích sử dụng của hai quốc gia là khác nhau và việc sử dụng của A chỉ đơn thuần có khả năng ảnh hưởng đến B. Do đó, việc sử dụng nguồn nước của A có thể coi là hợp lý. Sau khi xác định rằng việc sử dụng nguồn nước quốc tế là hợp lý, các quốc gia A và B phải tranh luận tiếp tục về việc liệu nó có công bằng hay không. Ở đây, một lần nữa có thể thấy rằng, lập luận của B không hợp lý, bởi vì việc sử dụng tài nguyên nước dùng chung để nâng cấp các hoạt động du lịch dọc theo bờ sông sẽ không được coi là có giá trị cao hơn nhu cầu về thủy lợi của A.
Xét về mối tương quan giữa tính công bằng và tính hợp lý thì công bằng có tính ưu tiên hơn. Điều này có nghĩa là những gì có thể được coi là hoàn toàn hợp lý bởi một quốc gia có thể là không công bằng khi xem xét trong bức tranh toàn cảnh về toàn bộ nguồn nước và các nhu cầu và lợi ích khác nhau của các quốc gia sử dụng chung nguồn nước. Do đó, việc “sử dụng hợp lý” vẫn phải tuân theo sự phân bổ công bằng. Nếu việc sử dụng tài nguyên có thể hợp lý với quốc gia này nhưng có thể không công bằng với quốc gia khác thì được xem là không phù hợp với nguyên tắc này.
2.3. Nhu cầu thiết yếu của con người
Không một nhu cầu sử dụng nguồn nước quốc tế nào có thể ưu tiên hơn so với những nhu cầu khác. Tuy nhiên, giữa những nhu cầu cạnh tranh của các quốc gia thì yếu tố nào được xem là quan trọng nhất khi đánh giá tổng thể các yếu tố để xem xét sự công bằng?
Điều 10 Công ước New York năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy của Liên hợp quốc sử dụng thuật ngữ “nhu cầu thiết yếu của con người” và xem nó là yếu tố quan trọng nhất trong sử dụng nguồn nước. Nhu cầu thiết yếu của con người trong sử dụng nguồn nước thể hiện ở hai yếu tố: thứ nhất, để duy trì cuộc sống con người – nước để uống; thứ hai, nước cần thiết để sản xuất lương thực ngăn ngừa nạn đói. Như vậy, nhu cầu thiết yếu của con người chỉ đề cập những nhu cầu để ngăn ngừa tử vong do mất nước hoặc đói.[22] Cách tiếp cận này hẹp hơn so với Tuyên bố chung năm 2002 kèm theo Công ước của Liên hợp quốc năm 1966 về các Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội,[23] theo đó mở rộng hơn, nhu cầu thiết yếu của con người bao gồm nước uống, chế phẩm thực phẩm, vệ sinh cho cá nhân và hộ gia đình.[24] Ngoài ra, còn có một số văn bản ghi nhận quyền con người về việc đảm bảo nguồn nước cho sự sống như một quyền cơ bản: Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Điều 14 của Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Điều 24 của Công ước về Quyền trẻ em.
Năm 2002, Ủy ban về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc đã thông qua nhận xét chung về “quyền nước” nhằm mang lại sự rõ ràng hơn về ý định, ý nghĩa và nội dung của Công ước.[25] Theo đó, con người có quyền được cung cấp đủ nước để sử dụng cho mục đích sử dụng cá nhân và trong gia đình. Vì vậy, cần phải có đủ lượng nước an toàn để ngăn ngừa tử vong do mất nước, giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước và cung cấp cho tiêu dùng, nấu ăn, vệ sinh cá nhân. Ngày 28/7/2010, 122 quốc gia chính thức công nhận “quyền nước” trong Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc.[26] Vào tháng 9 cùng năm, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết công nhận các quyền con người đến nước và vệ sinh môi trường như là một phần của quyền có một tiêu chuẩn sống đầy đủ.[27]
Như vậy, việc cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người là quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố được xem xét để xác định việc sử dụng nước giữa các quốc gia có công bằng, hợp lý hay không.[28]
3. Kiến nghị
Đối với Việt Nam hiện nay, trong vấn đề sử dụng nguồn nước quốc tế, Hiệp định sông Mekong vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác và phân chia lợi ích công bằng giữacác nước trong lưu vực. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là hai nước đầu nguồn sông Mekong là Trung Quốc và Myanmar không tham gia ký kết hiệp định này và cũng không bị ràng buộc bởi bất cứ điều ước quốc tế đa phương toàn cầu nào về quản lý nguồn nước sông quốc tế mà chúng ta là thành viên. Đồng thời, các nước này liên tiếp xây dựng các đập thủy điện làm ảnh hưởng đến dòng chảy và tài nguyên của con sông tại khu vực hạ nguồn và Việt Nam là nước phải gánh chịu nhiều hậu quả bất lợi nhất. Theo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2010, hoạt động xây dựng đập thủy điện của các nước thượng nguồn sông Mekong làm giảm dòng chảy mùa khô, kết hợp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng hạn mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (mà chúng ta đã chứng kiến năm 2016). Ngoài ra, điều này còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/ năm xuống còn 7 triệu tấn/ năm. Thủy sản biển, nước ngọt và nuôi trồng đều bị ảnh hưởng với ước tính tổn thất ít nhất từ 500 triệu cho đến 1 tỉ USD mỗi năm.[29]
Khó khăn của Việt Nam là giữa Việt Nam, Trung Quốc không có điều ước nào điều chỉnh vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Đối với Indonesia, Việt Nam cũng gặp khó khăn khi khả năng áp dụng Hiệp định AATHP không cao.
Trên phương diện luật quốc tế, Việt Nam có thể thực hiện biện pháp sau để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức hội thảo, diễn dàn quốc tế về các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng sông Mekong và kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới; kêu gọi các quốc gia có liên quan và các nhà khoa học cùng tham gia để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm áp dụng nguyên tắc công bằng, hợp lý trong quản lý, sử dụng, bảo tồn sông quốc tế, kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới, thông qua đó đạt được nhận thức chung về lợi ích của việc hợp tác giữa các quốc gia. Kết quả của các hội thảo quốc tế này cũng là kênh thông tin quan trọng để tư vấn cho Chính phủ nhằm xây dựng các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các diễn biến bất thường có thể ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thứ hai, đưa ra sáng kiến về việc thành lập các tổ chức quốc tế phi chính phủ như Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi của ngư dân, nông dân dọc lưu vực sông Mekong, Hiệp hội Khí tượng ASEAN và giữa các quốc gia hữu quan như giữa Việt Nam – Trung Quốc… nhằm tập hợp sự quan tâm và tham gia của cư dân các nước có liên quan, thông qua đó tác động đến hành động của các chính phủ. Mặc dù Hiệp định sông Mekong đã lập ra tổ chức quốc tế liên chính phủ là Ủy hội sông Mekong, nhưng hai nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar không tham gia nên rất khó yêu cầu họ thực hiện sự hợp tác. Trong trường hợp này, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nói trên có thể phát huy tác dụng. Vì xét cho cùng, lợi ích chính trị của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng lợi ích của những người dân có cuộc sống phụ thuộc vào con sông đều giống nhau, đó là mong muốn xây dựng một cuộc sống ổn định, an toàn và phát triển.
Thứ ba, bằng con đường ngoại giao, kiên trì thuyết phục các quốc gia có liên quan, đặc biệt là các quốc gia ở vị trí thượng nguồn cùng tham gia ký kết Hiệp định Sông Mekong hoặc có thể ký kết một thỏa thuận song phương riêng với Việt Nam nhằm đạt được một lợi ích công bằng cho tất cả các bên trong đó đặc biệt là quy định chi tiết về nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia.
Thứ tư, từ góc độ luật quốc tế, các quốc gia có thể không cần phải chính thức ký kết các điều ước quốc tế với nhau, nhưng vẫn có thể bị ràng buộc bởi các quy phạm tập quán, với điều kiện quy phạm tập quán đó là quy tắc xử sự được thừa nhận rộng rãi; được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và được các chủ thể của luật quốc tế thừa nhận là những quy phạm mang tính bắt buộc[30] và nội dung của các quy phạm đó không được trái với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Như đã phân tích, nguyên tắc công bằng và hợp lý trong sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia được ghi nhận rộng rãi trong các điều ước quốc tế, các phán quyết của Tòa án Quốc tế và các văn kiện chính trị, ngoại giao giữa các quốc gia.[31] Đây là tiền đề quan trọng để xác định nguyên tắc này tồn tại như một chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận là tập quán quốc tế có giá trị bắt buộc đối với tất cả các nước có liên quan. Do đó, Việt Nam nên mạnh dạn sử dụng nguyên tắc này trong việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình tại lưu vực sông Mekong, yêu cầu chấm dứt hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới, thu thập các chứng cứ rõ ràng về thiệt hại xuất phát từ hành vi khai thác quá mức của các nước ở thượng nguồn, các hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới kết hợp thương lượng ngoại giao, không loại trừ khả năng đưa vấn đề ra trước các hội nghị quốc tế, tổ chức quốc tế.
CHÚ THÍCH
[1] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế (quyển 1), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2015, tr. 230.
[2] Dương Kim, “Tác động của đập thủy điện Trung Quốc tới sông Mê Kông”, Báo điện tử Thiên nhiên, truy cập ngày 01/8/2018.
[3] Minh Hiền, “Không khí ô nhiễm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam vào mùa đông”, Báo điện tử Vnexpress, truy cập ngày 01/8/2018.
[4] Hữu Công – Cửu Long, “Cháy rừng ở Indonesia gây hiện tượng mù khô tại Sài Gòn”, Báo điện tử Vnexpress, truy cập ngày 01/8/2018.
[5] United Nations – Economic and Social Commission for Western Asia, https://www.unescwa.org/absolute-territorial-sovereignty, truy cập ngày 12/8/2017.
[6] McCaffrey SC, The Law of International Watercourses, 2nd edn, Oxford University Press, 2007.
[7] Xem tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Mexico năm 1895 khi Hoa Kỳ sử dụng nguồn nước sông làm ảnh hưởng đến khu vực Rio Grande của Mexico. Trong đó, Hoa Kỳ bảo vệ thuyết chủ quyền lãnh thổ tuyệt đối và không chịu trách nhiệm trước Mexico về bất kỳ hành vi nào (dù gây ra thiệt hại cho Mexico) diễn ra trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng lập luận này của Hoa Kỳ lại bị chính lập luận của họ sau đó chống lại trong tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Cannada trong vụ Trail Smelter (1939–1941). Hoa Kỳ đặt câu hỏi liệu khói thải từ lò luyện kim ở Canada, nằm cách biên giới với Hoa Kỳ bảy dặm, có gây thiệt hại cho tiểu bang Washington hay không, và nếu có, lò luyện kim phải bồi thường bằng hình thức nào cũng như phải có những biện pháp nào nhằm ngăn ngừa những tác hại trong tương lai. Trọng tài vụ Trail Smelter phán quyết “không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để phát tán khói gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản và người dân của quốc gia khác; những thiệt hại phải thể hiện ở những chứng cứ xác thực và thuyết phục”.
[8] CB Bourne, The Primacy of the Principle of Equitable Utilisation in the 1997 Watercourses Convention, 35 Canadian Yearbook of International Law 215, 1997, p. 215.
[9] Ví dụ: Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan (những năm 1950); Áo và Đức (những năm 1950); Chile và Bolivia (những năm 1920).
[10] Rieu-Clarke, International Law and Sustainable Development: Lessons from the Law of International Watercourses, 2005, tr. 148.
[11] Rieu-Clarke, tlđd, tr. 148.
[12] A Tanzi and M Arcari, The United Nations Convention on the Law of International Watercourses: A Framework for Sharing, Kluwer Law International, 2001, tr. 136.
[13] Trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế, nguyên tắc này cũng được pháp điển hóa trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế có liên quan như: Công ước New York năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy của Liên hợp quốc, Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông MeKong năm 1995; Công ước về Bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế năm 1996; Công ước Bảo vệ sông Danube năm 1994; các điều ước song phương và đa phương khu vực như Hiệp định về Chất lượng nước các hồ lớn giữa Canada và Mỹ năm 1978; Hiệp định phân chia nguồn nước Pakistan (WAA) năm 1991; Nghị định thư sửa đổi về các Nguồn nước chia sẻ của Cộng đồng Phát triển Nam Phi năm 1995; Hiệp định về Khung hợp tác châu thổ sông Nile năm 2009, Điều 5 Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong…
[14] Tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước sông Meuse năm 1856 giữa Bỉ và Hà Lan. Hà Lan phản đối việc Bỉ chặn dòng chảy để dẫn nước vào kênh đào Campine, cho rằng biện pháp này gây ra thiệt hại bằng cách giảm khả năng lưu thông thuỷ của sông Meuse và tăng khả năng gây ngập lụt. Phán quyết của Pháp viện Thường trực quốc tế cho rằng hai quốc gia có thể cải tạo, mở rộng với điều kiện là các kênh rạch không vượt ra khỏi lãnh thổ và không làm ảnh hưởng đến lưu lượng nước. Xem: Permanent Court of International Justice, Series A/B, No. 70, Series C, No. 81.
Việc ủng hộ các quốc gia đều được hưởng quyền bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế tiếp tục được khẳng định bởi phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong vụ Gabcíkovo-Nagymaros. Theo đó, ICJ cho rằng hoạt động đơn phương của Cộng hòa Slovakia trên sông Danube, cho phép Slovakia (vào thời điểm bấy giờ là Tiệp Khắc) sử dụng từ 80% đến 90% vùng nước của sông xuyên biên giới cho lợi ích của mình, là một hành vi xâm phạm quyền cơ bản của Hungary trong việc chia sẻ công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế. Xem: Case Concerning the Gabcíkovo-Nagymaros Project (Hungary v Slovakia), date 25/9/1997, ICJ Reports 1997, pp. 78.
[15] Tuyên bố là kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển họp tại Rio De Janeiro từ 3 đến 14/6/1992.
[16] Xem vụ tranh chấp do thử vũ khí hạt nhân (Nuclear Test) giữa Úc/ New Zealand và Pháp 1973–1974(4 ), ICf Reports,1996, tr. 241-242. 53. Case Corfu Channel (United Kingdom of GreatBritain and Northern Irelandv. Albania), ICJ Reports 1949, tr. 22.
[17] Điều 2 Công ước về Ô nhiễm không khí tầm xa đặt ra nghĩa vụ chung cho các bên tham gia cố gắng giới hạn và trong chừng mực có thể, giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm không khí bao gồm ô nhiễm không khí xuyên biên giới.
[18] TM Franck, Fairness in International Law and Institutions, Clarendon Press, Oxford University Press, 1995, tr. 9.
[19] D Shelton, “Equity’ in Bodansky D, Brunnée J and Hey E”, The Oxford Handbook of International Environmental Law, Oxford University Press, 2007, tr. 640.
[20] L Ringius, “A Torvanger and A Underdal, Burden Sharing and Fairness Principles in International Climate Policy”, International Environmental Agreements: Politics, Law and Economics 1, 2002, tr. 17.
[21] Điều 8 của Công ước về Nguồn nước của Liên hợp quốc.
[22] Điều 10 Công ước New York năm 1997.
[23] Điều 11 Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc năm 1966 về các Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội quy định về quyền sống phù hợp và Điều 12 quy định về quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về sức khoẻ thể chất và tinh thần, là hai điều khoản có liên quan nhất – thừa nhận quyền được đảm bảo nước cho sự sống.
[24] UN, The Right to Water, International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, UN Doc E/C, 2002. C Blake, Normative Instruments in International Human Rights Law: Locating the General Comment, Centre for Human Rights and Global Justice Working Paper, 17 Nov 2008.
[25] United Nations Committee on Economic, Social and Cultural Rights, General Comment No. 15, 2002, para 2.
[26]United Nations, Resolution of United Nations General Assembly, Ref. A/64/L.63/Rev.1.
[27] Offce of the United Nations High Commissioner for Human Rights (OHCHR), UN united to make the right to water and sanitation legally binding, 01/102010.
[28] M Falkenmark and C Widstrand, Population and Water Resources: A Delicate Balance, Population Bulletin1992, tr. 01; PH Gleick, Basic Water Requirements for Human Activities: Meeting Basic Needs, 21 Water International, 1996, tr. 83.
[29] Trịnh Lê Nguyên – Trần Thị Thanh Thủy, “Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông và giải pháp ứng phó cho Việt Nam”, http://nature.org.vn/vn/2012/11/boi-canh-phat-trien-luu-vuc-song-me-kong-va-giai-phap-ung-pho-cho-viet-nam/, truy cập ngày 10/01/2018.
[30] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế (quyển 1), Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 151 – 152.
[31] Tập quán quốc tế này được thừa nhận trong một thời gian dài, ở cả trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế và ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Trong đó, tập quán quốc tế này được ghi nhận trong rất nhiều điều ước quốc tế như đã phân tích ở trên như: Công ước New York năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy, Hiệp định về Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 và Hiệp định ASEAN về Khói mù xuyên biên giới 2002, Công ước về Đánh giá Tác động Môi trường trong một Bối cảnh xuyên biên giới năm 1991, Điều 2 Công ước về Ô nhiễm không khí tầm xa 1979, Điều 194 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Bên cạnh đó, tập quán quốc tế này còn được ghi nhận trong các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến các tranh chấp về sử dụng tài nguyên xuyên quốc gia như: tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Mexico năm 1895 khi Hoa Kỳ sử dụng nguồn nước sông làm ảnh hưởng đến khu vực Rio Grande của Mexico, vụ Trail Smelter (1939–1941) – tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Canada, tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước sông Meuse năm 1856 giữa Bỉ và Hà Lan, phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong vụ Gabcíkovo-Nagymaros, tranh chấp Corfu Channel, tranh chấp do thử vũ khí hạt nhân (Nuclear Test) giữa Úc/ New Zealand và Pháp, 1973–1974. Ngoài ra, tập quán này được ghi nhận trong các thỏa thuận hay văn bản quốc tế mang tính chất khuyến nghị. Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và con người tổ chức tại Stockholm vào năm 1972 đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc phát triển luật môi trường quốc tế. Trong đó, nguyên tắc 21 và 22 của Tuyên bố Stockholm, kêu gọi các quốc gia xây dựng luật quốc tế về bồi thường cho các nạn nhân bị ô nhiễm xuyên biên giới và đảm bảo rằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ không gây ra gây ra thiệt hại cho môi trường của các nước láng giềng. Điều 15 Tuyên bố Rio đưa ra nguyên tắc “trong trường hợp có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược, thiếu sự chắc chắn đầy đủ về khoa học sẽ không được sử dụng làm lý do trì hoãn các biện pháp có hiệu quả về chi phí để ngăn ngừa sự thoái hoá môi trường”.
- Tác giả: ThS. Lê Minh Nhựt
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 66-73
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý