Mục lục
Nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp hình sự và quyền tài phán phổ quát của quốc gia theo Công ước chống tra tấn năm 1984
- PLHS Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước quốc tế chống tra tấn về hỏi cung bị can
- Hoàn thiện một số quy định của BLHS theo Công ước về chống tra tấn
- Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia trong Nội luật hóa Công ước chống tra tấn
- Nội luật hóa quy định của công ước về chống tra tấn liên quan đến tài phán trong BLHS Việt Nam
- Phòng ngừa tội phạm dùng nhục hình ở Việt Nam khi gia nhập Công ước chống tra tấn
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội
- Cấm tra tấn và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn
TỪ KHÓA: Dẫn độ, Tương trợ tư pháp, Quyền tài phán, Công ước chống tra tấn, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2019, Tạp chí khoa học pháp lý,
TÓM TẮT
Bài viết làm sáng tỏ nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện quyền tài phán phổ quát của các quốc gia thành viên theo quy định của Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục năm 1984 và bảo đảm thực thi các nghĩa vụ này theo pháp luật Việt Nam.
Phân loại đã bước sang thế kỷ XXI với nhiều thay đổi, tiến bộ và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, quyền cơ bản của con người là một trong những vấn đề được thế giới quan tâm đặc biệt nhằm xây dựng một xã hội vì con người – mục tiêu cơ bản của mọi chế độ, nhà nước tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, cho đến nay, các hành vi tra tấn, hành hạ, dùng nhục hình, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người vẫn còn được sử dụng ở một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có chế độ quân sự độc tài.[1] Nạn nhân của hành vi tra tấn bị gây đau đớn nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần với mục đích để lấy lời khai, lời thú tội, lấy thông tin, hăm dọa hay phân biệt đối xử…
Nhằm xây dựng cơ sở pháp lý quốc tế để xác định tính nghiêm trọng của hành vi tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo và trừng phạt các cá nhân thực hiện những hành vi này, từ thập niên 70 của thế kỷ XX, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã đàm phán, thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục (Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment – CAT)[2] vào ngày 10/12/1984. CAT chính thức có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 khi quốc gia thứ 20 phê chuẩn.[3] Mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất của CAT là hướng tới việc loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội, đặc biệt là trong bộ máy cơ quan tư pháp hình sự của các quốc gia. Tính đến nay, đã có 154 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của CAT.
Từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948;[4] Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối đối xử về chủng tộc năm 1965;[5] Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966;[6] Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966;[7] Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại năm 1968;[8] Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác Apacthai năm 1973;[9] Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979;[10] Công ước về quyền trẻ em năm 1989;[11] Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000;[12] Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc lôi cuốn trẻ em tham gia xung đột vũ trang năm 2000…[13]
Tiếp tục tinh thần đó, ngày 7/11/2013, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã ký CAT và ngày 28/11/2014 Quốc hội đã ra Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn CAT và ngày 05/02/2015 Việt Nam đã nộp văn kiện lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc để trở thành thành viên của CAT. Việc phê chuẩn CAT là hành động cụ thể của quá trình hài hòa hóa và hội nhập pháp luật hình sự quốc tế của Việt Nam. Về phương diện pháp lý quốc tế, để thực hiện hiệu quả CAT, Việt Nam phải thực hiện một cách đồng bộ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong đó có nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện quyền tài phán nghiêm khắc đối với tội phạm tra tấn. Từ nhận thức trên, nhằm làm sáng tỏ nghĩa vụ hợp tác quốc tế của quốc gia theo quy định của CAT, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích làm sáng tỏ các nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện quyền tài phán phổ quát của các quốc gia thành viên được quy định từ Điều 3 đến Điều 9 của CAT cũng như nghĩa vụ thực thi của Việt Nam.
1. Nghĩa vụ dẫn độ
Về phương diện khoa học pháp lý, dẫn độ là một hình thức hợp tác tương trợ tư pháp giữa các quốc gia trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, quốc gia được yêu cầu chuyển giao người đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã bị Tòa án của quốc gia yêu cầu kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật cho quốc gia yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt.[14] Cơ sở pháp lý quốc tế để các quốc gia hợp tác dẫn độ người phạm tội cho nhau là các điều ước quốc tế đa phương về đấu tranh phòng, chống tội phạm được ký kết trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, ASEAN hoặc các điều ước quốc tế đa phương, song phương về tương trợ tư pháp hoặc tương trợ tư pháp về hình sự có quy định nghĩa vụ dẫn độ hoặc các hiệp định dẫn độ riêng biệt.[15] Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, quan hệ hợp tác dẫn độ giữa các quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc đặc thù như: nguyên tắc tội phạm kép,[16] nguyên tắc không dẫn độ công dân,[17] nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội chính trị[18] và nguyên tắc nhân đạo.[19]
Nhằm tạo cơ sở pháp lý quốc tế để các quốc gia hợp tác dẫn độ, CAT đã quy định ba nội dung sau đây:
Một là, yêu cầu các quốc gia phải coi hành vi tra tấn là tội phạm và là tội phạm có thể bị dẫn độ.
Cụ thể, Điều 4 CAT quy định các quốc gia phải đảm bảo rằng, mọi hành vi tra tấn (kể cả người thực hiện hiện hoặc đồng phạm) đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Đồng thời, các quốc gia thành viên phải coi hành vi tra tấn là tội phạm có thể bị dẫn độ theo bất kỳ điều ước quốc tế nào về dẫn độ nếu có giữa các quốc gia thành viên. Mặt khác, CAT yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết đưa những hành vi phạm tội này vào danh mục các tội có bị thể dẫn độ trong các điều ước quốc tế về dẫn độ sẽ được ký kết giữa họ với nhau.[20] Với quy định này, nếu quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu đã có cơ sở pháp lý quốc tế để dẫn độ thì phải coi các tội phạm tra tấn được quy định tại Điều 4 của CAT là tội phạm bị dẫn độ. Ngược lại, nếu chưa có cơ sở pháp lý quốc tế để dẫn độ, thì trong tương lai nếu đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ các quốc gia cần phải đưa các tội phạm về tra tấn được quy định tại Điều 4 của CAT vào danh mục các tội phạm có thể bị dẫn độ vào các điều ước quốc tế này.
Hai là, khuyến nghị các quốc gia thành viên có thể coi CAT là cơ sở pháp lý quốc tế để hợp tác dẫn độ cho nhau.
Theo CAT, nếu pháp luật của quốc gia thành viên quy định chỉ dẫn độ cho quốc gia khác trên cơ sở điều ước quốc tế về dẫn độ nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì có thể coi CAT là cơ sở pháp lý để dẫn độ đối với các tội phạm tra tấn. Trong trường hợp quốc gia thành viên không đặt điều kiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế về dẫn độ thì quốc gia đó phải công nhận các tội phạm tra tấn là những tội có thể dẫn độ giữa họ với nhau. Trong trường hợp này, điều kiện, thủ tục và thẩm quyền thực hiện việc dẫn độ sẽ do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.[21]
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, cơ sở pháp lý quốc tế để hợp tác dẫn độ là các điều ước quốc tế song phương và đa phương có quy định về dẫn độ. Tuy nhiên, CAT đã rất linh hoạt khi xây dựng quy định có tính khuyến nghị đối với các quốc gia thành viên. Theo quy định của CAT, các quốc gia“có thể coi CAT là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia trừng phạt nghiêm khắc đối với các tội phạm tra tấn.
Ba là, yêu cầu các quốc gia thành viên phải từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia yêu cầu.
Ngoài các quy định về nghĩa vụ hợp tác dẫn độ để trừng phạt những kẻ đã thực hiện tội phạm tra tấn, CAT còn quy định, quốc gia thành viên phải cam kết không dẫn độ nhằm bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia yêu cầu dẫn độ. Theo CAT,“không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, hay trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để tin rằng người đó có nguy cơ bị tra tấn”.[22] Chúng tôi cho rằng, quy định này nhằm mục đích bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của người bị yêu cầu dẫn độ nói riêng. Bởi lẽ, ngay cả khi người bị yêu cầu dẫn độ là người đã thực hiện hành vi phạm tội thì họ cũng phải được bảo vệ nếu quốc gia được yêu cầu có lý do để tin rằng người đó có nguy cơ bị tra tấn. Đây là quy định mang tính nhân đạo rất lớn nhằm góp phần loại trừ hành vi tra tấn trên thực tế. Tinh thần này đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948. Theo đó, Tuyên ngôn đã ghi nhận “không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”.[23] Công ước Quốc tế về Các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 tiếp tục ghi nhận và mở rộng quy định này. Theo Công ước này quy định thì “không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm…”.[24] Đồng thời, “những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người”.[25]
Vấn đề đặt ra là, quốc gia được yêu cầu dẫn độ sẽ dựa vào cơ sở nào để cho rằng, người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia yêu cầu dẫn độ? Để làm sáng tỏ quy định này, khoản 2 Điều 3 của CAT đã quy định: “để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có”. Như vậy, có thể hiểu rằng, quốc gia được yêu cầu dẫn độ sẽ từ chối dẫn độ cho những quốc gia vi phạm quyền con người một cách phổ biến, có hệ thống và đã được cộng đồng quốc tế liệt vào nhóm “quốc gia vi phạm quyền con người có hệ thống”. Việc công bố danh sách các quốc gia vi phạm quyền con người sẽ do các Ủy ban Giám sát việc tuân thủ và thực các điều ước quốc tế về quyền con người[26] và Hội đồng Nhân quyền quốc tế[27] thực hiện dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm, thực thi quyền con người tại các quốc gia trên thế giới.
2. Nghĩa vụ tương trợ tư pháp về hình sự[28]
Xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia nên quốc gia này không thể trực tiếp thực hiện các hoạt động như thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu; xác minh chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án; tìm kiếm và bắt giữ người đã thực hiện hành vi phạm tội; dẫn giải người làm chứng đang có mặt trên lãnh thổ nước khác nhằm mục đích giải quyết các vụ án hình sự ở nước mình. Do vậy, để thực hiện quyền tài phán hình sự nói chung và các hoạt động tố tụng hình sự nói riêng đối với các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thì các quốc gia phải tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia khác thông qua các hành vi, thủ tục cụ thể do các cơ quan tư pháp có thẩm quyền thực hiện. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của quốc gia được yêu cầu, thông qua cơ quan tư pháp có thẩm quyền và hoạt động đó được gọi là “Tương trợ tư pháp về hình sự”.[29] Hợp tác Tương trợ tư pháp về hình sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của các quốc gia thực hiện có hiệu quả các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy, có thể hiểu tương trợ tư pháp về hình sự chính là quan hệ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, trên cơ sở điều ước, nguyên tắc có đi có lại và pháp luật quốc gia, các quốc gia hỗ trợ, giúp đỡ cho cơ quan tư pháp có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Về mục đích, tương trợ tư pháp về hình sự nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước yêu cầu thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự nhằm điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Về phạm vi, tương trợ tư pháp về hình sự là lĩnh vực hợp tác bao gồm các hoạt động cụ thể trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước này có thể yêu cầu cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước khác tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; trao đổi thông tin. Trong trường hợp đặc biệt, nếu yêu cầu tương trợ để điều tra, truy tố, xét xử bị từ chối thì cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội nếu người này đang có mặt trên lãnh thổ của nước được yêu cầu.
Nghiên cứu các quy định về nghĩa vụ tương trợ tư pháp về hình sự của CAT, chúng tôi thấy rằng, Điều 9 của CAT yêu cầu các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về các thủ tục tố tụng hình sự kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết để quốc gia được yêu cầu tiến hành tố tụng nhằm mục đích xét xử những cá nhân đã thực hiện các tội phạm tra tấn. Đồng thời, các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự phù hợp với bất kỳ điều ước quốc tế nào về tương trợ tư pháp có thể có giữa các quốc gia này. Trên thực tế, hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự có thể được các quốc gia thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp có phạm vi rộng bao gồm tương trợ tư pháp về hình sự, tương trợ tư pháp về dân sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù[30] hoặc trong các hiệp định riêng về tương trợ tư pháp hình sự.[31]
3. Nghĩa vụ thực hiện quyền tài phán phổ quát
Nhằm mục đích không để lọt tội phạm, hầu hết các điều ước quốc tế song phương và đa phương về đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự hoặc điều ước quốc tế về dẫn độ đều ghi nhận nguyên tắc “Aut dedere Aut judicare – Không dẫn độ thì truy tố”.[32] Ví dụ, khoản 10 Điều 16 Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 quy định: “Nếu quốc gia thành viên nơi mà bị can phạm một tội mà điều này áp dụng đang cư trú không dẫn độ người này với lý do người đó là công dân của mình thì khi nhận được yêu cầu của quốc gia thành viên muốn dẫn độ sẽ phải chuyển ngay vụ việc này cho các cơ quan có thẩm quyền truy tố…” hoặc “Nếu một quốc gia từ chối dẫn độ để thi hành án với lý do người bị dẫn độ là công dân của mình thì quốc gia đó, theo đề nghị của quốc gia yêu cầu dẫn độ và phù hợp với các quy định của nội luật, sẽ xem xét việc thi hành toàn bộ hoặc một phần còn lại của hình phạt theo bản án của quốc gia yêu cầu” (khoản 12 Điều 16). Công ước về trừng trị khủng bố của châu Âu ngày 27/1/1977 cũng có quy định tương tự. Theo đó, “Khi một nước ký kết đã nhận được yêu cầu dẫn độ một người bị tình nghi phạm tội đang có mặt và được tìm thấy trên lãnh thổ nước mình nếu không dẫn độ thì không chậm trễ phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục hình sự” (Điều 7). Trong các hiệp định dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các quốc gia như Hàn Quốc (2003), Ấn Độ (2011), An-giê-ri (2010), Indonesia (2013), Hungary (2013), Nam Phi (2013), Tây Ban Nha (2014), Trung Quốc (2015), Cộng hòa Pháp (2016) đều có quy định nguyên tắc này. Theo đó, nếu việc dẫn độ bị từ chối chỉ trên cơ sở quốc tịch của người bị dẫn độ thì theo đề nghị của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu sẽ đưa vụ án ra cơ quan có thẩm quyền để truy tố. Nguyên tắc không dẫn độ thì truy tố cũng đã được Ủy ban pháp luật quốc tế ghi nhận là “nguyên tắc thẩm quyền tài phán phổ quát trong lĩnh vực hình sự”.[33] Vận dụng hiệu quả nguyên tắc này là một trong những giải pháp góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm triệt để và hiệu quả hơn.
Nghiên cứu CAT, chúng tôi thấy rằng CAT đã quy định nghĩa vụ thực hiện quyền tài phán phổ quát đối với tội phạm tra tấn tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7. Cụ thể, Điều 5 của CAT quy định, các quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội tra tấn khi: (i). hành vi phạm tội được thực hiện trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia hay trên tàu thủy hoặc máy bay đăng ký ở quốc gia đó; (ii). người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó; (iii). nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy thích đáng (khoản 1). Đồng thời, các quốc gia thành viên cũng phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm tra tấn trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình nếu quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi theo Điều 8 đến bất kỳ quốc gia nào nói ở khoản 1 điều này (khoản 2). Cần lưu ý rằng, CAT không loại trừ bất kỳ quyền tài phán hình sự nào được thực thi theo pháp luật quốc gia (khoản 3). Điều đó có nghĩa là, CAT chỉ bổ sung cơ sở pháp lý và nguyên tắc để xác định quyền tài phán đối với các cá nhân phạm tội tra tấn chứ không loại trừ quyền tài phán hình sự được quy định trong pháp luật hình sự của các quốc gia thành viên.
Tiếp đó, Điều 6 của CAT quy định các nội dung cụ thể để các quốc gia thành viên thực hiện quyền tài phán của mình đối với cá nhân thực hiện các tội phạm tra tấn. Theo đó, sau khi kiểm tra thông tin có được, nếu thấy rằng hoàn cảnh yêu cầu, thì bất kỳ quốc gia thành viên nào mà trên lãnh thổ của quốc gia đó, người bị tình nghi đã thực hiện hành vi phạm tội tra tấn đang có mặt, thì các cơ quan tư pháp có thẩm quyền phải bắt giam hoặc tiến hành những biện pháp pháp lý khác để bảo đảm sự hiện diện của người đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc dẫn độ cá nhân bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, để tránh tùy tiện trong quyết định các vấn đề liên quan đến xử lý người bị tình nghi, thì việc giam giữ và các biện pháp pháp lý khác phải tuân theo các quy định pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ có thể được duy trì trong một thời gian cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hay dẫn độ (khoản 1). Quốc gia mà người bị tình nghi đang có mặt phải tiến hành ngay việc điều tra sơ bộ sự việc (khoản 2) và phải nhanh chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho các quốc gia nói trên và cho biết có dự định thực thi quyền tài phán hay không (khoản 2).
Cuối cùng, Điều 7 của CAT quy định, quốc gia mà trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình phát hiện người được cho là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại Điều 4, sẽ phải chuyển vụ việc lên cơ quan thẩm quyền của quốc gia đó để truy tố, trong các trường hợp nêu tại Điều 5, nếu quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi (khoản 1). Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó phải quyết định tương tự như bất kỳ hành vi phạm tội thông thường nào có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật của quốc gia đó (khoản 2). Đồng thời, nhằm mục đích bảo vệ quyền của người bị tình nghị phạm tội, CAT quy định, bất kỳ người nào đang là đối tượng của quá trình tố tụng vì bất kỳ hành vi phạm tội tra tấn (được quy định Điều 4) phải được đối xử công bằng trong mọi giai đoạn tố tụng.
Đối với Việt Nam, thuận lợi cơ bản và quan trọng nhất để thực hiện CAT chính là vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã được thừa nhận và quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về tư pháp hình sự. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, quyền con người nói chung và quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, đặt biệt tại , khoản 1 và khoản 2 Điều 20. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về tư pháp hình sự nói riêng, trong đó có các quy định của pháp luật liên quan đến chống tra tấn nhằm thực thi CAT một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh Hiến pháp năm 2013, cho đến nay pháp luật về tư pháp hình sự của Việt Nam đã đầy đủ và đồng bộ để thực hiện CAT. Từ năm 2007, Việt Nam đã ban hành Luật Tương trợ tư pháp, năm 2010 đã ban hành Luật Thi hành án hình sự, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 cùng với các nghị định hướng dẫn thi hành các đạo luật đặc biệt quan trọng này.
Về lĩnh vực dẫn độ, cơ sở pháp lý hiện hành để Việt Nam hợp tác dẫn độ cho nước ngoài bao gồm Luật Tương trợ tư pháp năm 2007[34] và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.[35] Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013,[36] Luật Tương trợ tư pháp năm 2007[37] và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[38] là nguyên tắc “từ chối dẫn độ công dân” cho nước ngoài. Nguyên tắc này cũng được thể hiện nhất quán trong chính sách đối ngoại, trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.[39] Tuy nhiên, nhằm mục đích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 đã quy định cụ thể về cách thức xử lý trong trường hợp “Việt Nam từ chối dẫn độ công dân”. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người bị yêu cầu dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam.[40] Trên bình diện quốc tế, nguyên tắc “không dẫn độ công dân” đã trở thành thông lệ quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế về dẫn độ và được ghi nhận trong pháp luật quốc gia như Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia, Italia…[41] nhằm mục đích bảo hộ công dân.
Về lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện quyền tài phán phổ quát, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 đã chuyển hóa trọn vẹn tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và “nội luật hóa” các quy định của CAT. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tội “Dùng nhục hình” tại Điều 373. Nếu so sánh tội danh này với quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quy định này đã “nội luật hóa” CAT theo tinh thần Nghị quyết số 83/2014/QH13. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng hình phạt nhằm đảm bảo yêu cầu của CAT. Cụ thể, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù); bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật này cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4); bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận và quy định các vấn đề cụ thể sau đây nhằm bảo vệ, tôn trọng và tuân thủ quyền con người trong quá trình tiến hành tố tụng: (i) tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); (ii) bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10); (iii)bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11);[42] (iv) suy đoán vô tội (Điều 13); (v) bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; (vi) các quy định về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61; (vii) Việc hỏi cung bị can (Điều 183).[43]
Chúng tôi cho rằng, để thực hiện nghĩa vụ hợp tác dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và quyền tài phán phổ quát theo quy định của CAT, trong thời gian tới Việt Nam cần nghiên cứu, bổ sung cơ sở pháp lý để từ chối dẫn độ trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam có căn cứ để khẳng định rằng, người bị yêu cầu dẫn độ, tương tợ tư pháp về hình sự và thực hiện quyền tài phán phổ quát có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia yêu cầu vào Điều 35 khoản 1 nhằm “nội luật hóa” Điều 3 của CAT vào Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện điều kiện giam giữ trong các cơ sở tạm giam, các trại giam, và điều kiện sinh hoạt, học tập trong các trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, học tập. Bởi lẽ, điều kiện giam giữ, sinh hoạt trong các cơ sở tạm giam, các trại giam trong tình trạng quá tồi tệ cũng sẽ bị coi là cấu thành hành vi đối xử dã man, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và trong một số trường hợp sẽ cấu thành hành vi tra tấn (như cán bộ quản giáo khuyến khích hay để mặc cho tình trạng bạo lực xảy ra giữa các tù nhân, người bị tạm giam, tạm giữ…). Mặt khác, chúng ta cần tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và về quyền con người của những người bị tước tự do cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những cán bộ tiến hành tố tụng và đây chính là một trong các biện pháp chủ động, tích cực nhất trong việc phòng ngừa tra tấn. Trong thực tiễn, rất ít quốc gia mà pháp luật cho phép thực hiện các hành động tra tấn. Tuy nhiên, trên thực tế hành động tra tấn vẫn diễn ra chính là do người thực thi pháp luật thiếu hiểu biết hoặc có ý thức chấp hành pháp luật kém. Do vậy, cùng với các biện pháp xử phạt thì giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do sẽ góp phần giảm đáng kể hành vi tra tấn của các cá nhân có thẩm quyền thực thi pháp luật. Từ đó, chúng tôi cho rằng, cần nghiên cứu đưa nội dung về chống tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do vào chương trình giảng dạy của các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo luật và đào tạo cán bộ thực thi pháp luật ở mọi cấp ở Việt Nam. Đây chính là giải pháp có tính lâu dài và bền vững nhất trong việc hạn chế và loại trừ các hành vi tra tấn trên thực tế. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng cần xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn bắt buộc, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về những nội dung cơ bản của CAT cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam về chống tra tấn cho đội ngũ cán bộ quản giáo, cảnh sát điều tra, nhân viên an ninh, nhân viên dân sự và y tế làm việc trong các cơ sở giam giữ, giáo dục, cai nghiện tập trung… vì đây là những chủ thể có nhiều điều kiện và khả năng để thực hiện hành vi tra tấn nhất. Ngoài ra, cần xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các bộ quy tắc đạo đức cho những đối tượng đã nêu trong đó nhấn mạnh vấn đề cấm tra tấn và tôn trọng, bảo vệ các quyền con người của những người bị tước tự do. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan và cán bộ tiến hành tố tụng, đặc biệt trong các hoạt động điều tra và giam giữ. Trong đó, cần phải phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Tư pháp và của các Đại biểu Quốc hội, mở rộng các điều kiện cho phép các cơ quan thông tin đại chúng được giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ quan tư pháp, kể cả các cơ sở giam giữ nhằm đảm bảo thực thi CAT một cách toàn diện và hiệu quả nhất.[44]
CHÚ THÍCH
[1] Manfred Nowark, tham luận tại Hội thảo quốc tế Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, do Bộ Ngoại giao Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, Hà Nội, 6/6/2014. Trong đó, Giáo sư Manfred Nowark cho rằng có hơn 10% quốc gia trên thế giới vẫn còn sử dụng hình thức tra tấn.
[2] Viết tắt từ tên tiếng Anh của Công ước là: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment.
[3] Theo Điều 27, khoản 1 của CAT, CAT có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 20 được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
[4] Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981.
[5] Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981.
[6] Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.
[7] Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982.
[8] Việt Nam gia nhập ngày 4/6/1983.
[9] Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981.
[10] Việt Nam gia nhập ngày 19/3/1982.
[11] Việt Nam gia nhập ngày 20/2/1990.
[12] Việt Nam gia nhập ngày 6/9/2001 và bảo lưu Điều 5 khoản 1,2,3,4 liên quan đến dẫn độ.
[13] Việt Nam gia nhập ngày 6/9/2001.
[14] Ngô Hữu Phước, Dẫn độ trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, 2014, tr. 13.
[15] Về phương diện pháp luật quốc tế, các quốc gia có thể hợp tác để dẫn độ cho nhau các đối tượng phạm tội dựa trên cơ sở các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Các điều ước quốc tế song phương có thể là Hiệp định dẫn độ, Hiệp định tương trợ tư pháp, điều ước về đấu tranh phòng chống tội phạm có điều khoản quy định về nghĩa vụ hợp tác dẫn độ giữa các quốc gia thành viên. Các điều ước quốc tế đa phương có thể là Công ước về dẫn độ như: Công ước về dẫn độ của châu Âu năm 1957, Công ước về dẫn độ của Liên đoàn Ả Rập năm 1952, 1983; Công ước về dẫn độ của các nước châu Mỹ năm 1981… hoặc các điều ước quốc tế đa phương về đấu tranh phòng chống tội phạm, về tương trợ tư pháp có quy định về nghĩa vụ hợp tác dẫn độ như: Công ước không áp dụng những hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại năm 1968; Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tầu bay, ký tại Tokyo ngày 14/9/1963; Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tầu bay năm 1970; Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin năm 1979; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công ước Palecmo); Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003… hoặc 11 hiệp định dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước: Hàn Quốc (2003), Ấn Độ (2011), An-giê-ri (2010), Ô-xtrây-lia (2012), Căm pu chia (2013), Indonesia (2013), Hungary (2013), Nam Phi (2013), Tây Ban Nha (2014), XriLanca (2014), Trung Quốc (2015) và Cộng hòa Pháp (2016).
[16] Theo nguyên tắc này, nước được yêu cầu chỉ hợp tác dẫn độ cho nước yêu cầu nếu hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ đã thực hiện theo pháp luật hình sự của cả hai nước đều bị coi là tội phạm. Nguyên tắc tội phạm kép được hình thành trong thực tiễn hợp tác dẫn độ và là nguyên tắc không thể thiếu trong pháp luật quốc gia về tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ và các điều ước quốc tế về dẫn độ được ký kết giữa các quốc gia hoặc trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế điển hình như: Công ước về dẫn độ của châu Âu năm 1957 (Điều 2 khoản 1); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Uruguay năm 2000 (khoản 1 Điều 2); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Ấn Độ năm 2003 (khoản 2 Điều 2); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Hàn Quốc năm 2006 (Điều 2); Nguyên tắc tội phạm kép cũng là nguyên tắc tiên quyết được ghi nhận trong các Hiệp định Tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên năm 2002 (khoản 2 Điều 33); với Ba Lan năm 1993 (khoản 2 Điều 52); với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1998 (Điều 60); với Liên bang Nga năm 1998 (khoản 2 Điều 62); với Ukraina năm 2000 (khoản 2 Điều 50); với Mông Cổ năm 2000 (khoản 2 Điều 54)…
[17] Theo nguyên tắc này, quốc gia được yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của nước được được yêu cầu. Trong pháp luật luật Việt Nam đây là nguyên tắc có tính Hiến định được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 17) và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (điểm a khoản 1 Điều 35). Tuy nhiên, theo pháp luật của một số nước ở châu Âu, dẫn độ công dân cũng có thể được thực hiện nếu điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia có quy định với điều kiện là quốc gia yêu cầu phải có những đảm bảo về pháp lý đối với người bị yêu cầu dẫn độ như cam kết không phân biệt đối xử, xét xử công bằng, khách quan đối với người bị dẫn độ; không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị dẫn độ… Ví dụ, Điều 26 Hiến Pháp Italia quy định: “Dẫn độ công dân chỉ có thể được chấp nhận trong những trường hợp đã được dự liệu rõ ràng trong các điều ước quốc tế ”; Điều 16 khoản 2 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “không một công dân Đức nào có thể bị dẫn độ ra nước ngoài. Một nguyên tắc ngoại lệ có thể được áp dụng bởi luật dẫn độ để dẫn độ người đó cho một nước thành viên của Liên minh châu Âu hoặc một Tòa án quốc tế, trong chừng mực mà ở đó các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền được đảm bảo”; Điều 13 Hiến pháp của Cộng hòa Lituanie quy định: “nghiêm cấm dẫn độ công dân cộng hòa Lituanie cho nước khác trừ khi một Công ước quốc tế mà cộng hòa Lituanie là thành viên có quy định khác”; Điều 47 Hiến pháp Cộng hòa Slovenia quy định: “không một công dân Slovenia nào có thể bị dẫn độ hoặc giao nộp, trừ khi dẫn độ hoặc giao nộp được quy định trong điều ước quốc tế”; khoản 3 Điều 13 Hiến pháp Tây Ban Nha quy định: “dẫn độ công dân chỉ được thực hiện khi áp dụng một Hiệp ước hoặc nội luật, trên nền tảng của nguyên tắc có đi có lại”; khoản 2 Điều 2 Hiến pháp Hà Lan quy định: “dẫn độ công dân chỉ có thể xảy ra khi căn cứ vào một Hiệp ước mà Hà Lan là thành viên…”; khoản 3 Điều 27 Hiến pháp Bồ Đào Nha quy định: “dẫn độ công dân Bồ Đào Nha chỉ được phép thực hiện trong những điều kiện có đi có lại được thiết lập bởi một điều ước quốc tế, trong trường hợp khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức, và ngay từ khi cơ quan tư pháp có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu đảm bảo vụ việc sẽ được xét xử chính xác và công bằng”. Chính vì vậy, nhằm mục đích không để lọt tội phạm nên hầu hết các điều ước quốc tế về dẫn độ hoặc về đấu tranh phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc đều ghi nhận nguyên tắc “Aut dedere Aut judicare- không dẫn độ thì truy tố”. Nguyên tắc này cũng được Ủy ban pháp luật quốc tế ghi nhận là “Nguyên tắc thẩm quyền tài phán phổ quát trong lĩnh vực hình sự ”.
[18] Hầu hết sách báo, tài liệu và các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam đều gọi nguyên tắc này là “Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị”. Tuy nhiên, tội phạm là “hành vi” nên tội phạm không thể là đối tượng bị dẫn độ. Do vậy, chúng tôi đặt tên nguyên tắc này là “Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội chính trị”. Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội chính trị đã được quy định trong pháp luật của Vương quốc Bỉ từ năm 1830 và được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiệp ước dẫn độ giữa Pháp và Thụy Sĩ ngày 30/12/1832 và sau đó là các hiệp ước dẫn độ giữa Vương quốc Bỉ với Tây Ban Nha ngày 17/6/1870, với Pháp ngày 15/8/1874, với Đan Mạch ngày 25/3/1876… Nguyên tắc này đã được Viện luật quốc tế La Haye ghi nhận là một nguyên tắc của luật quốc tế về dẫn độ từ năm 1880. Theo nguyên tắc này, nếu hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ đã thực hiện theo pháp luật hình sự của nước được yêu cầu coi là “tội phạm chính trị”, tức là những hành vi xâm hại đến sự tồn tại của chế độ chính trị của một quốc gia. Xem thêm: http://www.ledroitcriminel.free.fr/la_science_criminelle/ les_science s_juridiques/introduction/vitu_meurtre_politique.html.
[19] Theo nguyên tắc này, nước được yêu cầu dẫn độ sẽ từ chối dẫn độ nếu việc dẫn độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người bị yêu cầu dẫn độ. Theo đó, nếu người bị yêu cầu dẫn độ là trẻ vị thành niên hoặc tuổi quá cao hoặc không đủ sức khỏe để thực hiện việc dẫn độ do bệnh tật, ốm đau… mà việc dẫn độ sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người đó thì nước được yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ (xem: Điều 4 của Hiệp định Mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc năm1990; Khoản 3 Điều 3 Quyết định khung về lệnh bắt châu Âu và thủ tục chuyển giao giữa các quốc gia thành viên năm 2002; Điều 5 Hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Canada năm 1971; khoản 2 Điều 9 Luật Dẫn độ Trung Quốc năm 2000…); hoặc từ chối dẫn độ nếu người bị dẫn độ đã bị kết án tử hình hoặc có thể bị kết án tử hình được quy định phổ biến trong các điều ước quốc tế về dẫn độ điển hình như Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 (Điều 11); Quyết định khung về lệnh bắt châu Âu và thủ tục chuyển giao giữa các nước thành viên năm 2002 (Lời nói đầu); Hiệp ước dẫn độ giữa Vương quốc Bỉ và Mỹ năm 1987 (Điều 6); Hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Mỹ năm 1971 (Điều 6); Hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Italia năm 1981 (Điều 3); Hiệp ước dẫn độ giữa Pháp và Canada năm 1988 (Điều 3); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Ấn Độ năm 2003 (Điều 8)…
[20] Điều 8 khoản 1 của CAT.
[21] Điều 8 khoản 2 của CAT.
[22] Điều 3 khoản 1 của CAT.
[23] Điều 5 Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948.
[24] Điều 7 Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
[25] Điều 10 Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
[26] Ủy ban về Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD – Committee on the Elimination of Racial Discrimination) được thành lập trên cơ sở Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và ăn hóa (CESCR – Committee on Economic, Social and Cultural Rights), được thành lập trên cơ sở Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966; Ủy ban nhân quyền (HRC – Human Rights Council), được thành lập trên cơ sở Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW – Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women), được thành lập trên cơ sở Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Ủy ban chống tra tấn (CAT), được thành lập trên cơ sở của CAT…
[27] Hội đồng quyền con người của Liên hợp quốc (UN Human Rights Council – HRC) là cơ quan mới được thành lập theo Nghị quyết số 60/251 ngày 3/4/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thay thế Uỷ ban quyền con người.
[28] Ngô Hữu Phước, Tương trợ tư pháp về hình sự trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, 2015.
[29] Thuật ngữ “Tương trợ tư pháp về hình sự” bằng tiếng Anh được gọi thông dụng là “multual legal assistance in criminal matter” và tiếng Pháp là “entraide judiciaire en matierre penale”.
[30] Như 13 Hiệp định tương trợ tư pháp có phạm vi rộng mà Việt Nam đã ký với các nước: Cộng hòa dân chủ Đức năm1980 (đã hết hiệu lực); Liên bang Xô viết năm 1981 (Liên bang Nga kế thừa); Tiệp Khắc năm 1982 (hiện nay Séc và Slovakia kế thừa Hiệp định); Cộng hòa Cu Ba năm 1984; Hungary năm 1985; Bungary năm 1986; Ba Lan năm 1993; Lào năm 1998; Liên bang Nga ký năm 1998; Ukraina năm 2000; Mông Cổ năm 2000; Bêlarút năm 2000 và Triều Tiên năm 2002.
[31] Như 05 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước: Đại Hàn dân quốc năm 2003; Algeria năm 2010; Ấn Độ năm 2007; Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland năm 2009 và Indonesia năm 2013 (chưa có hiệu lực).
[32] Đây là thành ngữ tiếng Latin, được ghi nhận trong Luật La Mã cổ. Xem thêm: Hugo Grotius, livre II, chap. XXI, par. III, : Le droit de la guerre et de la paix, par Hugo Grotius, nouvelle traduction par Jean Barbeyrac, Amsterdam, Pierre de Coup, 1724, Vol. I, p. 639 à 660.
[33] Tiếng Pháp: Le principe de compétence universelle en matière pénal, http://untreaty.un.org/ilc/documentation/french/a_cn4_599.pdf, truy cập ngày 18/9/2014
[34] Phần dẫn độ được quy định tại Chương 4 từ Điều 32 đến Điều 48.
[35] Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định một số quy định liên quan đến dẫn độ tại Chương XXXVI. Một số hoạt động hợp tác quốc tế từ Điều 498 đến Điều 506.
[36] Khoản 2 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”.
[37] Điểm a khoản 1 Điều 35 quy định:“1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam…”.
[38] Trong đó, tinh thần, nội dung “từ chối dẫn độ công Việt Nam và xử lý khi từ chối dẫn độ công dân Việt Nam” được quy định cụ thể từ Điều 498 đến 501. (của văn bản nào)
[39] Trong 11 hiệp định dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia từ trước đến nay đều quy định nguyên tắc “từ chối dẫn độ công”. Xem lại danh mục các hiệp định này tại footnote số 17.
[40] Xem các Điều 499 đến 501 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[41] Tuy nhiên, pháp luật của một số quốc gia quy định “có thể dẫn độ công dân cho nước ngoài” với những điều kiện rất chặt chẽ. Xem lại foonote số 19.
[42] Bên cạnh đó, Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 tại khoản 3 Điều 4 cũng đã ghi nhận nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải: “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Đồng thời, điểm i khoản 1 Điều 9 đã quy định: “Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật”.
[43] Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự đã giao Chính phủ bảo đảm kinh phí thực hiện quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can; Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 01/01/2017. Chậm nhất đến 01/01/2019 thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
[44] Xem thêm tập hợp các bài viết liên quan đến chủ đề: Pháp luật về chống tra tấn và những yêu cầu đặt ra trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam tại địa chỉ website: http://crights.org.vn/home.asp?id=109&langid=1, truy cập ngày 18/9/2014.
Tác giả: Ngô Hữu Phước* – Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2019 (123)/2019 – 2019, Trang 45-54