Mục lục
Bài viết: Hiệp định về tự do di chuyển thể nhân trong ASEAN và tác động đối với Việt Nam
- Tác giả: Phạm Thị Hiền – Nguyễn Tuấn Vũ
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(107)/2017 – 2017, Trang 28-34
TÓM TẮT
Bộ trưởng kinh tế ASEAN ký kết Hiệp định về Tự do di chuyển thể nhân (MNP) năm 2012, chính thức có hiệu lực ngày 14/6/2016. Hiệp định này là khuôn khổ pháp lý cho việc di chuyển thể nhân qua biên giới trong, từ đó góp phần thành lập một thị trường chung ASEAN. Bài viết phân tích những vấn đề pháp lý của MNP với bốn vấn đề cơ bản sau đây: (i) khái quát về AEC và di chuyển thể nhân; (ii) những nội dung cơ bản của MNP về di chuyển thể nhân; (iii) tác động của hiệp định trong việc thành lập một thị trường đơn nhất và tự do di chuyển con người; (iv) vấn đề đặt ra trong việc thực thi hiệp định đối với Việt Nam.
ABSTRACT:
ASEAN Economic Ministers signed the Agreement on the Movement of Natural Persons (MNP) in 2012, which has entered into force on 14 June 2016. MNP provides a legal framework to facilitate temporary cross-border movements of people engaged in the trade in goods, services and investment, thus contributing to the establishment of an ASEAN single market and production base. The authors discuss legal aspects of the MNP Agreement with four basic contents: (i) Outline the nature of the AEC and movement of natural persons in ASEAN; (ii) Legal issues of the MNP Agreement; (iii) The impact of MNP on the establishment of a single market and the free flow of natutal persons; (iv) Enforcement of this agreement in Vietnam.
TỪ KHÓA: di chuyển lao động có chuyên môn, hiệp định MNP, cam kết di chuyển thể nhân, di chuyển thể nhân,
KEYWORDS: movement of natural persons, free movement of skilled labor, ASEAN Economic Community, schedules of Commitments, agreement on the Movement of Natural Persons (MNP),
1. Khái quát về AEC và vấn đề di chuyển thể nhân
Trong khuôn khổ các văn bản pháp lý của AEC, MNP được ký kết bởi Bộ trưởng kinh tế ASEAN ngày 19/11/2012 và chính thức có hiệu lực ngày 14/6/2016 sau khi Philippines – quốc gia cuối cùng trong khu vực tiến hành phê chuẩn.[1] Hiệp định này hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN và xóa bỏ hầu hết các hạn chế về việc di chuyển thể nhân tạm thời qua biên giới tham gia cung cấp thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư. Nói cách khác, việc MNP đi vào thực thi trên thực tế sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy tự do dịch vụ và tự do di chuyển lao động có chuyên môn trong khu vực.
Bài viết cùng số Tạp chí
- Cộng đồng kinh tế ASEAN: những thách thức về thể chế cho sự vận hành
- Thực thi hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN: những vấn đề từ sự chồng chéo trong các cam kết bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt Nam
- Hiện tượng chệch hướng thương mại từ quy tắc xuất xứ ưu đãi chặt chẽ: Tương lai của hàng dệt may ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
- [BÀI ĐANG XEM] Hiệp định về tự do di chuyển thể nhân trong ASEAN và tác động đối với Việt Nam
- Vấn đề xác định thị trường liên quan trong bối cảnh tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
- Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – Tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam
- Pháp luật thuế nội địa Việt Nam trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN
- Nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng và công khai theo điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Bản chất pháp lý của thỏa thuận trước trong hợp đồng về việc trả một khoản tiền xác định khi có hành vi vi phạm hợp đồng
- Luật trẻ em năm 2016 và một số đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật về trẻ em
MNP không phải là công cụ pháp lý đầu tiên thúc đẩy hoạt động tự do di chuyển thể nhân trong khu vực. Trước đó, Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint) ra đời đã đặt ra các yêu cầu về tự do hóa đối với cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ là: phương thức 1 – cung cấp dịch vụ qua biên giới; phương thức 2 – tiêu dùng ở nước ngoài; phương thức 3 – hiện diện thương mại; phương thức 4 – hiện diện thể nhân. Nhằm thực hiện mục tiêu này, các quốc gia trong khu vực đã tiến hành ký kết Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS) ngày 15/12/1995 với mục đích từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Trên cơ sở các quy định của GATS trong WTO, AEC đã tiếp thu và xây dựng những quy định trong Hiệp định AFAS. Vì vậy, phương thức tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC và WTO là tương đối giống nhau. AFAS được xây dựng theo mô hình của GATS. Theo đó, các nước thành viên ASEAN phải xây dựng biểu cam kết trên nguyên tắc “chọn – cho” đối với các phương thức cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, các gói cam kết trong khuôn khổ hiệp định AFAS chỉ đề cập 3 phương thức 1, 2, 3 còn phương thức 4 được tách ra đàm phán riêng trong MNP vào năm 2012.
Quy định về Tự do di chuyển thể nhân trong ASEAN được xem là có sự tiếp thu các quy định về tự do di chuyển trong Liên minh châu Âu (EU), mô hình được đánh giá là rất thành công và đóng vai trò nền tảng cho sự vận hành của khối. Quyền tự do dịch chuyển thể nhân của EU được quy định tại Điều 45 Hiệp ước về Chức năng của Liên minh châu Âu và các án lệ của Tòa công lý châu Âu (ECJ), cho phép công dân của các nước thành viên EU tự do tìm kiếm việc làm tại một nước thành viên EU mà không cần xin giấy phép lao động; được cư trú tại một nước thành viên khác mục đích lao động kể cả khi đã hoàn thành công việc.[2] Họ cũng được hưởng sự đối xử bình đẳng với công dân các thành viên khác trong việc tiếp cận việc làm và các chế độ phúc lợi xã hội khác.[3] Cơ cấu tự do di chuyển thể nhân của ASEAN trong khuôn khổ MNP, dù có sự học hỏi từ EU, nhưng chỉ chấp nhận mức độ tự do hóa hạn chế và vì vậy tác động của nó đối với tiến trình hội nhập rất khác với EU. Vấn đề áp dụng và triển khai MNP tại các nước thành viên ASEAN cũng rất khác biệt.
2. Những nội dung cơ bản của Hiệp định về Tự do di chuyển thể nhân
2.1. Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định về Tự do di chuyển thể nhân
Về phạm vi điều chỉnh, MNP không điều chỉnh toàn bộ vấn đề “tự do di chuyển lao động”. Bởi lẽ, ngay từ lời mở đầu, MNP chỉ đặt mục tiêu điều chỉnh một phần vấn đề tự do di chuyển thể nhân liên quan đến một số đối tượng cụ thể được đánh giá là lao động có kỹ năng, có chuyên môn cao chứ không phải là tất cả lao động trên thị trường, cũng như không điều chỉnh vấn đề cho phép người lao động nhập cư. Hiệp định này sẽ áp dụng cho các biện pháp ảnh hưởng việc tạm thời nhập cảnh và tạm thời lưu trú của các thể nhân từ một nước thành viên vào lãnh thổ của một nước thành viên khác. Có nghĩa là hiệp định này sẽ không áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến các thể nhân tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường việc làm của một nước thành viên khác và cũng không áp dụng các biện pháp liên quan đến quyền công dân, quá trình cư trú hoặc việc làm trên cơ sở cư trú lâu dài. Việc di chuyển thể nhân và lưu trú lâu dài hoặc mục đích nhập cảnh lâu dài sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định này.
Về đối tượng điều chỉnh, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của MNP là:
(a) Khách kinh doanh/ khách thương gia
(b) Người di chuyển trong nội bộ công ty
(c) Các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng
(d) Các loại thể nhân khác có thể được quy định tại Danh mục cam kết cụ thể về tạm thời nhập cảnh và tạm thời lưu trú của thể nhân đến từ các nước thành viên.[4]
Đây là các đối tượng điển hình tương tự như các đối tượng được nêu trong Hiệp định GATS. Một số hiệp định thương mại khác ví dụ như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) còn mở rộng thêm hai đối tượng nữa là “nhà đầu tư” và “ người phục vụ hay người lắp đặt” (“installers and servicers” và “investors”).[5] Tuy nhiên, bản thân MNP chỉ quy định 4 đối tượng nêu trên, còn vấn đề di chuyển của “nhà đầu tư” được điều chỉnh bởi hiệp định Đầu tư toàn diện (ACIA) còn đối tượng “người phục vụ hay người lắp đặt” được bao hàm trong đối tượng “các loại thể nhân khác” theo Điều 2.2.d MNP.
Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Điều 1 MNP quy định hiệp định này điều chỉnh di chuyển thể nhân tham gia triển khai hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên. Đối với lĩnh vực dịch vụ, MNP điều chỉnh vấn đề di chuyển thể nhân trong tất cả các ngành dịch vụ. Khác với AFAS quy định lĩnh vực dịch vụ đặc biệt là dịch vụ tài chính và dịch vụ vận tải hàng không, hoặc một số đối tượng thể nhân khác là những “nhà sản xuất phụ trợ” còn thuộc sự điều chỉnh của Hiệp định Đầu tư toàn diện ACIA, MNP vẫn là Hiệp định có khả năng điều chỉnh toàn diện tới vấn đề di chuyển thể nhân trong các phân nhóm ngành dịch vụ. Đồng thời, cũng theo quy định của Điều 1, có thể thấy, MNP sẽ không điều chỉnh vấn đề di chuyển thể nhân của các nhóm ngành, lĩnh vực phi dịch vụ (sản xuất). Trên thực tế, năm 2011, Bộ trường Kinh tế ASEAN giao trách nhiệm xây dựng Hiệp định MNP cho Ủy ban điều phối ASEAN về dịch vụ. Đồng thời, các cam kết của các quốc gia cũng hoàn toàn không có cam kết liên quan đến tự do di chuyển thể nhân trong các lĩnh vực phi dịch vụ.
2.2. Thể nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định về Tự do di chuyển thể nhân
Như đã đề cập, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Điều 1 MNP quy định hiệp định này điều chỉnh di chuyển thể nhân tham gia triển khai hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên. Thể nhân có nghĩa là một tự nhiên nhân có quốc tịch một nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, không phải mọi thể nhân đều thuộc đối tượng chịu tác động của hiệp định này. Chỉ có 04 nhóm đối tượng được nêu tại Điều 2 được phép di chuyển từ một nước thành viên vào lãnh thổ của một nước thành viên khác khi thỏa mãn những điều kiện nhất định.
– Đối tượng nhóm (a) là khách kinh doanh/ khách thương gia: được định nghĩa là “một thể nhân tìm kiếm khả năng nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời trong lãnh thổ của một nước thành viên khác, người có các khoản tiền thù lao và hỗ trợ tài chính trong suốt thời gian chuyến thăm này có nguồn gốc từ bên ngoài nước thành viên khác đó”. Đối tượng này thường là đại diện của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư. Cũng có thể đối tượng khách kinh doanh chỉ là nhân viên của các pháp nhân này. Mục đích di chuyển của đối tượng này là đàm phán hợp đồng; thiết lập dự án đầu tư; thành lập các hình thức hiện diện thương mại cho pháp nhân cử đi hoặc đơn thuần chỉ là đi tham gia các cuộc họp tại quốc gia thành viên khác. Những đối tượng này tiến hành di chuyển và nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời theo quy định của MNP.
– Đối tượng nhóm (b) là người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng: không phải mọi cá nhân muốn cung cấp dịch vụ qua biên giới đều có quyền tự do di chuyển theo MNP. Căn cứ Điều 3 MNP thì thể nhân thuộc đối tượng “cung cấp dịch vụ theo hợp đồng” phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
(i) đối tượng này phải là nhân viên của một pháp nhân được thành lập trong lãnh thổ của một nước thành viên (đồng thời có thể phải thỏa mãn yêu cầu phải làm việc cho pháp nhân cử trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu của Biểu cam kết cụ thể);
(ii) bản thân pháp nhân quản lý cá nhân đó phải không có hiện diện thương mại trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác nơi mà các dịch vụ sẽ được cung cấp;
(iii) phải qua đào tạo và trình độ chuyên môn liên quan đến các dịch vụ được cung cấp.
Như vậy, để trở thành “người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng” và được quyền di chuyển theo MNP là không dễ dàng. Quy định này có khả năng tác động đến các cá nhân cung cấp dịch vụ đơn lẻ mà không thuộc quản lý của một pháp nhân nào, mong muốn được tự do di chuyển cũng sẽ không thể trở thành đối tượng áp dụng của hiệp định này. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn đưa nhân viên cung cấp dịch vụ qua quốc gia thành viên khác cũng thường phải cử giám đốc điều hành, nhà quản lý hoặc chuyên gia có trình độ chuyên môn chứ không phải được quyền cử bất kỳ một nhân viên nào không có trình độ chuyên môn đảm bảo.
– Đối tượng nhóm (c) là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (“Intra – corporate Transferee – ICT”): đối tượng này phải đáp ứng yêu cầu (i) thể nhân là nhân viên của một pháp nhân được thành lập trong lãnh thổ của một nước thành viên ASEAN; (ii) được chuyển việc tạm thời để cung cấp một dịch vụ thông qua một hiện diện thương mại và (iii) đã là nhân viên của một pháp nhân trong một khoảng thời gian có thể được quy định tại Biểu cam kết cụ thể. Đối tượng thứ hai là người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng thì pháp nhân quản lý của đối tượng này phải không có hiện diện thương mại tại quốc gia thành viên nơi dịch vụ được cung cấp. Khác với đối tượng thứ hai, đối tượng thứ ba để được thực hiện quyền di chuyển thì pháp nhân cử phải có hiện diện thương mại trong lãnh thổ nước thành viên. Thể nhân thuộc đối tượng này là Giám đốc điều hành (không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cung cấp dịch vụ) hoặc Nhà quản lý (không bao gồm những nhân viên chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để cung cấp dịch vụ) hoặc chuyên gia. Các đối tượng đáp ứng yêu cầu này có thể được chuyển việc tạm thời qua hiện diện thương mại của pháp nhân cử tại quốc gia thành viên khác.
– Đối tượng nhóm (d) là các loại thể nhân khác có thể được quy định tại Danh mục cam kết cụ thể về tạm thời nhập cảnh và tạm thời lưu trú của thể nhân đến từ các nước thành viên. Biểu cam kết cụ thể của các quốc gia thành viên đều chưa cam kết việc cho phép tự do di chuyển cho đối tượng nào ngoài 03 đối tượng phân tích ở trên.
Như vậy, MNP quy định cụ thể 04 nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của hiệp định. Mỗi nhóm đối tượng có các điều kiện nhất định và nếu thỏa mãn những điều kiện này thì các thể nhân có thể thực hiện những công việc nhất định đúng theo quy định của MNP. Trong đó, vấn đề cần lưu ý là MNP không cho phép việc di cư lâu dài đối với các đối tượng trên, đồng thời không cho phép di chuyển lao động không có kỹ năng ngay cả khi việc di chuyển chỉ là tạm thời.
2.3. Các cam kết về tự do di chuyển thể nhân của các quốc gia thành viên
Thông qua việc khảo sát biểu Cam kết tự do di chuyển thể nhân của các quốc gia thành viên, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề đáng lưu ý như sau:
Một là, các cam kết thực tế ở mức độ hẹp so với bốn loại đối tượng được nêu trong Điều 2.1 MNP. Hầu hết các cam kết tập trung vào khách kinh doanh (nhóm a) và người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (nhóm b). Tất cả các nước đều đã có cam kết về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và chỉ có 7 trong số 10 quốc gia có cam kết về di chuyển cho khách kinh doanh. Các quốc gia không có cam kết về di chuyển cho khách kinh doanh là Brunei, Myanmar và Singapore.[6] Đối với nhóm c là các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng chỉ có 03 quốc gia có cam kết tự do di chuyển với nhóm này đó là Cambodia, Philippines và Việt Nam. Không có quốc gia nào tiến hành cam kết đối với nhóm d là các loại thể nhân khác.
Như vậy, có thể thấy rằng dù MNP đã có quy định tự do di chuyển với 04 nhóm đối tượng nhưng trên thực tế cam kết của các nước trong khu vực AEC về tự do di chuyển thể nhân vẫn còn ở mức độ hạn chế. Với các nhóm đối tượng mà một quốc gia chưa tiến hành ký cam kết thì sẽ không thể được hưởng quyền di chuyển, tạm thời lưu trú tại quốc gia đó.
Hai là, số lượng các lĩnh vực cam kết có sự khác biệt nhau giữa các quốc gia thành viên. Trong số 154 phân nhóm ngành dịch vụ thì Brunei và Cambodia cam kết tới 153 nhóm ngành, trong khi Myanmar chỉ cam kết 59 nhóm ngành. Tính trung bình các quốc gia ASEAN đã có cam kết tự do di chuyển cho khoảng 110 phân nhóm ngành trên tổng số 154 phân ngành (chiếm tỷ lệ 72%). Điều này được đánh giá là có sự mở rộng hơn so với số lượng các phân nhóm ngành được điều chỉnh bởi AFAS (khoảng 80 phân nhóm ngành).
Ba là, về chiều sâu của các cam kết, ví dụ như thời gian lưu trú cho phép đối với từng nhóm đối tượng cũng có sự khác biệt giữa các nước. Điển hình như thời gian lưu trú tạm thời cho phép đối với nhóm đối tượng là khách kinh doanh được cam kết từ khoảng 30 ngày (Lào và Cambodia) hoặc 60 ngày (Indonesia và Philippines) đến 90 ngày (Malaysia, Thái Lan và Việt Nam). Thời gian lưu trú tạm thời đối với nhóm đối tượng là thể nhân di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là từ một tháng (Lào) đến ba năm (Brunei và Việt Nam), trong khi cam kết của Malaysia là không rõ ràng (“không vượt quá 10 năm”). Đối với nhóm đối tượng là người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, chỉ có 3 quốc gia có cam kết. Theo đó, đối tượng này được lưu trú không quá 90 ngày (Việt Nam), không quá 1 năm (Philippines), không quá 2 năm (Cambodia).[7]
Bốn là, các cam kết tự do di chuyển của Việt Nam được đánh giá là ở mức trung bình (108 phân nhóm ngành cho phép tự do di chuyển thể nhân) và thời gian được lưu trú tạm thời cũng đạt ở mức trung bình là 90 ngày đối với đối tượng thuộc nhóm khách kinh doanh và người cung cấp dịch vụ. Riêng đối với đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thì Việt Nam cam kết thời gian lưu trú cho phép khá dài (3 năm, cùng với Brunei là 2 quốc gia có cam kết dài nhất trong nhóm đối tượng này).
Thông qua việc đánh giá bảng cam kết tự do di chuyển thể nhân của các quốc gia, có thể thấy rằng, bản thân các doanh nghiệp khi có nhu cầu tiến hành quyền di chuyển thể nhân sang lãnh thổ quốc gia thành viên khác, ngoài việc tìm hiểu quy định chung của MNP còn phải xem xét cam kết cụ thể của từng quốc gia nơi thể nhân dự định di chuyển đến. Bởi lẽ, mỗi quốc gia thành viên không có cam kết như nhau mà mỗi quốc gia có một mức độ cam kết riêng. Theo dõi biểu cam kết của từng quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các điều kiện về đối tượng, về nhóm ngành và thời gian được phép tự do di chuyển tới quốc gia khác. Cũng cần lưu ý là ngoài nhóm đối tượng a, b, c theo Điều 2 thì thực tế đối với nhóm đối tượng d là các loại thể nhân khác hiện chưa có quốc gia nào có cam kết. Biểu cam kết của các quốc gia chính là văn bản mà doanh nghiệp cần chú ý để đưa ra các quyết định về di chuyển thể nhân của mình.
3. Tác động của Hiệp định về tự do di chuyển thể nhân tới Việt Nam
3.1. Đối với mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường đơn nhất ASEAN
AEC được thành lập với mục đích chính là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Chế độ quản lý dịch chuyển thể nhân tác động trực tiếp tới chính sách nhập cảnh và cư trú của các cá nhân (thể nhân) tham gia vào hoạt động thương mại dịch vụ và đầu tư của nước sở tại. Chủ đích của các quốc gia là tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân hướng tới tự do hóa thị trường lao động có kỹ năng của ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Thực hiện các cam kết của MNP, Việt Nam sẽ góp phần vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thị trường chung thống nhất trong tương lai.
3.2. Đối với mục tiêu tự do di chuyển con người và hoạt động đầu tư kinh doanh
Về cơ bản, tự do di chuyển lao động tạm thời có ba hình thức, bao gồm di chuyển lao động phổ thông, di chuyển lao động có tay nghề và di chuyển thể nhân trong nội bộ doanh nghiệp.[8] Đặc biệt EU đã rất thành công trong việc xây dựng một thị trường chung mà ở đó con người được tự do di chuyển, tự do làm việc trong EU, được hưởng các quyền của người lao động mà không bị phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch.[9] Khi đàm phán và ký kết MNP, các thành viên ASEAN đã tham khảo và học hỏi khá nhiều kinh nghiệm từ EU.[10] Để tạo thuận lợi hơn cho sự di chuyển của lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN, các thành viên còn ký kết 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về bằng cấp và trình độ của lao động có kỹ năng trong khu vực, bao gồm: kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, điều dưỡng, hành nghề y, nha sĩ, du lịch, kế toán kiểm toán và khảo sát. Thực chất, khi các thành viên ký kết MNP, mong muốn đặt ra chính là hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN. Như vậy, MNP và 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau chính là khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành một thị trường tự do hóa về lao động.
Hiện nay, ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại quan trọng và là động lực giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Nhìn từ khía cạnh đầu tư kinh doanh, MNP tác động đến Việt Nam theo hai hướng:
Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hoạt động thương mại trong nước.
Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan.[11] Khi mà giao lưu thương mại phụ thuộc rất nhiều vào việc xem xét và đánh giá thị trường đầu tư, với đối tượng điều chỉnh chủ yếu là thể nhân của các doanh nghiệp thì MNP tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của quốc gia thành viên cử chuyên gia của mình thiết lập các dự án đầu tư tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, khi các đối tượng là khách kinh doanh/ khách thương gia, người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng được tạo thuận lợi cho việc nhập cảnh vào Việt Nam thì các hoạt động thương mại trong nước sẽ trở nên sôi động hơn.
Thứ hai, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
MNP còn khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra các nước ASEAN nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường đầu tư kinh doanh; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.
4. Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Phê duyệt nội dung cùng ký MNP và biểu cam kết kèm theo. Đây là văn bản có giá trị thừa nhận sự ràng buộc của MNP đối với Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an, theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát, sửa đổi các quy định luật pháp trong nước, hướng dẫn việc thực thi cho phù hợp nội dung của MNP vào thực tiễn của Việt Nam. MNP đã có hiệu lực (ngày 14/06/2016), để triển khai việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong MNP, chúng tôi có một số ý kiến sau:
Thứ nhất, cần cải thiện hơn nữa tiến trình tự do hóa.
Theo MNP (Điều 7), các nước thành viên sẽ tiến hành thảo luận, đàm phán, rà soát và xem xét Biểu cam kết cụ thể trong khuôn khổ của MNP nhằm đạt được sự tự do hóa hơn nữa về di chuyển thể nhân. Cuộc thảo luận, đàm phán đầu tiên rà soát Biểu cam kết cụ thể sẽ diễn ra sau một năm kể từ ngày Hiệp định MNP có hiệu lực.
Những cam kết còn rất hạn chế của các quốc gia trong MNP chỉ là nền tảng ban đầu để các quốc gia triển khai xây dựng một thị trường tự do hóa di chuyển về lao động trong tương lai. Hiện tại, Biểu cam kết chung của Việt Nam rất hạn chế, chủ yếu cam kết về phương thức hiện diện thể nhân với những biện pháp liên quan đến nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các thể nhân thuộc nhóm người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người chào bán dịch vụ, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại và nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng. Ngoài ra, đối với những cam kết cụ thể thì chúng ta cũng chỉ cam kết hết sức hạn chế, liên quan đến các loại dịch vụ thiết yếu như xử lý nước thải, tư vấn kỹ thuật, kế toán, kiểm toán.[12]
Như vậy, để có thể tham gia sâu rộng vào “sân chơi” ASEAN thì các các quốc gia ASEAN cần tự nguyện cải thiện hơn nữa tiến trình tự do hóa di chuyển thể thân, với mục tiêu dài hạn là tạo ra một thị trường mà ở đó công dân ASEAN được tự di chuyển để tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, nhập cảnh và lao động. Do đó, yêu cầu đặt ra cho Nhà nước là cần phải xem xét, đánh giá và cân đối lại biểu cam kết cụ thể của mình, nhằm góp phần cải thiện hơn nữa tiến trình tự do hóa, hướng tới một thị trường tự do lao động năng động và hiệu quả.
Thứ hai, cần triển khai thực thi MNP
MNP là một cam kết quốc tế, mang tính ràng buộc đối với các quốc gia ký kết. Do đó, các quốc gia phải có nghĩa vụ thực thi, cả về mặt pháp lý lẫn thực chất, trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi. Nghĩa vụ này trước hết phải là nghĩa vụ minh bạch hóa về chính sách và pháp luật thực thi. Cụ thể:[13]
- Phải ban hành hoặc cung cấp cho thể nhân các nước ASEAN các tài liệu hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh và các vấn đề liên quan.
- Thành lập, duy trì các điểm liên lạc hoặc các cơ chế tương tự khác để đáp ứng các yêu cầu của thể nhân có quan tâm tới các quy định có ảnh hưởng đến việc nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời của thể nhân.
iii. Trong phạm vi có thể, quốc gia thành viên phải đưa ra một thời hạn có hiệu lực một cách hợp lý của các quy định mới ảnh hưởng đến việc nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời của thể nhân. Việc công bố này có thể được thực hiện dưới dạng điện tử sẵn có.
- Không muộn hơn 6 tháng, kể từ ngày MNP có hiệu lực, các quốc gia thành viên phải công khai các thông tin về yêu cầu đặt ra đối với thể nhân của quốc gia thành viên khác khi nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời trong khuôn khổ của MNP, bao gồm tài liệu hướng dẫn, biểu mẫu và tài liệu liên quan giúp cho thể nhân các quốc gia thành viên khác quen thuộc với những yêu cầu này. Ngoài ra, khi sửa đổi hoặc điều chỉnh các biện pháp nhập cảnh có ảnh hưởng đến việc nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời của thể nhân, thành viên phải đảm bảo thông tin được công bố hoặc đưa ra công chúng sớm nhất, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày sửa đổi hoặc điều chỉnh.
Để thuận lợi cho quá trình di chuyển của thể nhân, MNP cũng khuyến khích các quốc gia thành viên công nhận trình độ học vấn, kinh nghiệm, khả năng đáp ứng các yêu cầu, giấy phép hoặc chứng chỉ được cấp bởi một nước thành viên.[14] Đây là công tác được các quốc gia ASEAN ủng hộ và trở thành một động thái chung để hiện thực hóa việc tự do di chuyển lao động có tay nghề trong tương lai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, xuất phát từ lý do an ninh công cộng hay sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe của cộng đồng mà quyền di chuyển của thể nhân có thể bị hạn chế.[15]
Nhìn chung, MNP vừa mới có hiệu lực nên vấn đề hiện thực hóa các cam kết của từng thành viên sẽ không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện về chính sách và pháp luật, mà còn phụ thuộc chủ yếu vào tinh thần tự nguyện của từng quốc gia thành viên. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục xây dựng các cơ chế bổ trợ (ví dụ: cơ chế công nhận lẫn nhau, thủ tục đăng ký lưu trú…) để giúp quá trình triển khai MNP được hiệu quả.
CHÚ THÍCH
[1]* ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
.http://agreement.asean.org/home/index/4.html, truy cập ngày 16/9/2016.
[2].http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A12012E%2FTXT, truy cập ngày 8/9/2016.
[3].http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A12012E%2FTXT, truy cập ngày 8/9/2016.
[4] Điều 2 MNP.
[5] Yoshifumi Fukunaga, Hikari Ishido, Values and Limitations of the ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons, ERIA Discussion Paper Series, tr. 4.
[6].http://asean.org/asean-economic-community/sectoral-bodies-under-the-purview-of-aem/services/agreements-declarations/, truy cập ngày 6/9/2016.
[7] Yoshifumi Fukunaga, Hikari Ishido, Values and Limitations of the ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons, ERIA Discussion Paper Series, Tham khảo Table 1. Summary of National Commitments of the ASEAN MNP Agreement, tr. 8.
[8] Tereso S. Tullao, Jr – Michael Angelo A. Cortez, “Enhancing the movement of natural persons in the ASEAN region: Opportunities and constraints”, Asia-Pacific Research and Training Network on Trade Working Paper Series, No. 23, 2006, tr. 7.
[9] Phan Huy Hồng – Nguyễn Thanh Tú (2012), Quyền tự do kinh doanh theo pháp luật liên minh châu Âu và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 25.
[10] Xem thêm: International Labour Organization and Asian Development Bank, ASEAN Community 2015: Managing integration for better jobs and shared prosperity, 2014, tr. 89.
[11] Xem thêm: http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4484/Malaysia-dan-dau-khu-vuc-ASEAN-ve-dau-tu-vao-Viet-Nam-nam-2015, truy cập ngày 11/10/2016.
[12] Xem Cam kết cụ thể của Việt Nam trong MNP.
[13] Điều 8 MNP.
[14] Điều 13 MNP.
[15] Xem thêm: Điều 9 và 10 MNP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Huy Hồng – Nguyễn Thanh Tú, Quyền tự do kinh doanh theo pháp luật liên minh châu Âu và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012. [trans: Phan Huy Hong – Nguyen Thanh Tu, The right to freedom of enterprise under European Union law and Vietnam, National Politics Publishers, 2012]
- Yoshifumi Fukunaga, Hikari Ishido, Values and Limitations of the ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons, ERIA Discussion Paper Series.
- International Labour Organization and Asian Development Bank, ASEAN Community 2015: Managing integration for better jobs and shared prosperity, 2014.
- Tereso S. Tullao, Jr – Michael Angelo A. Cortez, “Enhancing the movement of natural persons in the ASEAN region: Opportunities and constraints”, Asia-Pacific Research and Training Network on Trade Working Paper Series, No. 23, 2006.
- Hiệp định Asean về Di chuyển thể nhân. [trans: ASEAN Agreement on the Movement of Natural Persons]
- Bộ Kế hoạch và đầu tư, “Malaysia dẫ đầu Khu vực ASEAN về đầu tư vào Việc Nam năm 2015” http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4484/Malaysia-dan-dau-khu-vuc-ASEAN-ve-dau-tu-vao-Viet-Nam-nam-2015, truy cập ngày 4/3/2017 [trans: Ministry of Planning and investment, “Malaysia is number one is ASEAN region to invest in Vietnam in 2015”], accessed on the 4/3/2017.
Trả lời