Hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN từ góc độ Việt Nam
Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Tú
TÓM TẮT
Hài hòa hóa pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào 31/12/2015 vừa là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập trong ASEAN, vừa là đòi hỏi nội tại của chính bản thân Việt Nam nhằm thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trên cơ sở phân tích những lợi ích, thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN, bài viết đề xuất bốn kiến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả tiến trình này.
Xem thêm:
- Hiện tượng chệch hướng thương mại từ quy tắc xuất xứ ưu đãi chặt chẽ: Tương lai của hàng dệt may ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh hội nhập – TS. Trần Thị Thuận Giang & ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
- Cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống – ThS. Hoàng Việt Hùng
- Thực thi hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN: Những vấn đề từ sự chồng chéo trong các cam kết bảo hộ đầu tư nước ngoài của Việt Nam – TS. Trần Việt Dũng
- Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – Tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương & ThS. Nguyễn Thị Thương
- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của ASEAN – ThS. Lê Minh Tiến
TỪ KHÓA: ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam.
1. Giới thiệu chung
Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và gần đây vừa ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) cũng như đang hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới rất quan trọng, như: FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam vẫn đặc biệt chú trọng đến hội nhập trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và xây dựng Cộng đồng ASEAN.[1]
Trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam tất yếu cũng chịu những tác động nhất định, cần phải được thay đổi, hoàn thiện thông qua việc hài hòa hóa pháp luật để đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập, đảm bảo nguyên tắc tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trở thành “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.[2] Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ hội nhập trong ASEAN. Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đặt ra vấn đề “tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật”, trong đó “đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế” mà Việt Nam là thành viên, nhất là “thực hiện các cam kết với ASEAN”.[3] Bên cạnh đó, để thực sự hội nhập có hiệu quả trong ASEAN, nhất là khi Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015, Việt Nam cần đạt được các mặt bằng chung trong ASEAN, bao gồm môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.[4] Nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu này, trong đó việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại được xem là trọng tâm.[5]
Ở góc độ ASEAN, Hiến chương ASEAN năm 2007 đã thiết lập các nguyên tắc chung cho Cộng đồng ASEAN, trong đó khẳng định việc tuân thủ: (i) pháp quyền, quản trị tốt, các nguyên tắc dân chủ; và (ii) các nguyên tắc thương mại đa phương và các cơ chế dựa trên luật lệ của ASEAN nhằm triển khai có hiệu quả các cam kết kinh tế và giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các rào cản đối với liên kết kinh tế khu vực.[6] Do đó, để xây dựng một ASEAN “thống nhất trong đa dạng” với nhiều hệ thống pháp luật, chính trị, văn hóa khác nhau,[7] vấn đề hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang được các chuyên gia pháp lý ASEAN nghiên cứu, đề xuất thông qua nhiều kênh khác nhau, như: Hội nghị Bộ trưởng pháp luật ASEAN (ASEAN Law Ministers Meeting: ALAWMM), Hội nghị quan chức pháp luật ASEAN (ASEAN Senior Law Officials Meeting: ASLOM), Chương trình chuyên viên pháp luật ASEAN (ASEAN Government Legal Officers Programme: AGLOP) và Diễn đàn pháp luật ASEAN (ASEAN Legal Forum: ALF)… Hội nghị Bộ trưởng pháp luật ASEAN lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội năm 2005 đã nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của việc hội nhập, hài hòa hóa pháp luật của các nước ASEAN. Hội nghị này đã đồng ý thành lập Nhóm công tác về hài hòa hóa pháp luật thương mại của các quốc gia thành viên, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực: trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ.[8] Chính vì vậy, trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN, vấn đề hài hòa hóa pháp luật đã được đề cao, đặc biệt trong các lĩnh vực: hải quan và tạo thuận lợi hóa thương mại, hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, bảo hộ đầu tư, di chuyển vốn, di chuyển lao động, thương mại điện tử…[9] Bên cạnh đó, các thành viên ASEAN cho đến nay đã ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangement: MRA) trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tiêu chuẩn kỹ thuật và dịch vụ nghề nghiệp.[10] Điều này cũng tác động tích cực đến quá trình hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN.
Như vậy, có thể khẳng định vấn đề hài hóa hóa pháp luật Việt Nam với các thành viên ASEAN khác vừa là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập trong ASEAN, vừa là đòi hỏi nội tại của chính bản thân Việt Nam. Bài viết phân tích những lợi ích, thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật, từ đó đưa ra các kiến nghị cho Việt Nam.
2. Hài hòa hóa pháp luật và lợi ích đối với Việt Nam
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong khu vực ASEAN nói riêng yêu cầu các quốc gia tham gia vào quá trình này, trong đó có Việt Nam, phải tiến tới sử dụng một “ngôn ngữ” chung, trong đó có pháp luật. Việc thu hẹp khác biệt về pháp luật giữa Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN để hướng đến một “ngôn ngữ” chung như vậy có thể được thực hiện thông qua một hoặc các hình thức sau:
Thứ nhất, “cấy ghép” pháp luật (legal transplantation): một quốc gia đơn phương chấp nhận và sử dụng quy định pháp luật của một quốc gia (hay một hệ thống pháp luật) khác;
Thứ hai, hài hòa hóa pháp luật (legal harmonisation): các quốc gia thống nhất các mục tiêu chung cần đạt đến; sau đó mỗi quốc gia có quyền tự sửa đổi, ban hành mới pháp luật trong nước của mình để đạt đến các mục tiêu chung đó;
Thứ ba, nhất thể hóa pháp luật (legal unification): các quốc gia thống nhất các quy định pháp luật áp dụng chung để thay thế các quy định liên quan trong pháp luật quốc gia.[11]
Thông qua các quá trình có mang tính hợp tác (hài hòa hóa và nhất thể hóa) hay đơn phương, không bắt buộc hợp tác (“cấy ghép”) nêu trên, khác biệt pháp luật giữa các quốc gia dần dần sẽ được giảm thiểu và tiến tới được hài hòa hóa theo nghĩa rộng.
Lịch sử lập pháp, lập quy của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã từng thực hiện “cấy ghép” pháp luật, cụ thể từ Trung Quốc, Pháp và Liên Xô trước đây.[12] Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, “môi trường” chính trị, văn hóa, xã hội và truyền thống pháp luật của Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn đa dạng và tương đối khác nhau. Trong khi đó, chưa một quốc gia nào trong 10 nước thành viên ASEAN có truyền thống pháp luật lâu đời với cả một hệ thống pháp luật hay ít nhất một ngành luật, chế định luật hoàn thiện, tiêu biểu để có thể làm đầu tàu trong ASEAN. Do đó, hình thức “cấy ghép” pháp luật trong ASEAN nói chung và đối với Việt Nam nói riêng trong bối cảnh ASEAN là không khả thi.
Bên cạnh đó, mặc dù ASEAN đang tiến tới liên kết cộng đồng với cả 3 trụ cột, gồm: kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội, hội nhập trong ASEAN chưa đạt tới mức (cũng như chưa theo hướng) hội nhập theo mô hình của Liên minh Châu âu (European Union: EU) ngày nay hay Cộng đồng châu Âu (European Community: EC) và thậm chí là Cộng đồng kinh tế châu Âu (European Economic Commuinity: EEC) trước đây. Cộng đồng ASEAN vẫn chủ yếu dựa vào nguyên tắc tham vấn và đồng thuận trong việc ra các quyết định,[13] chưa thiết lập được trật tự pháp lý (legal order) riêng của Cộng đồng hay ít nhất là nguyên tắc ảnh hưởng/áp dụng trực tiếp (direct effect) và quyền tối cao (supremacy) của pháp luật cộng đồng như EU đã và đang thực hiện.[14] Do đó, hiện nay chưa phải là lúc (và không thể) đề xuất, thực hiện việc nhất thể hóa pháp luật trong ASEAN.
Do đó, để đảm bảo tinh thần “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN,[15] việc tiếp cận theo hướng hài hòa hóa pháp luật các quốc gia ASEAN thông qua các cam kết mang tính bắt buộc trong ASEAN cũng như thông qua hợp tác tự nguyện giữa các quốc gia thành viên và cộng đồng pháp lý ASEAN là lựa chọn hợp lý nhất trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Ở góc độ Việt Nam, cách tiếp cận này đáp ứng cả yêu cầu từ bên trong và bên ngoài của quá trình hội nhập, hoàn toàn phù hợp với Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 như đã đề cập.
Về bản chất, vấn đề hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các thành viên ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật thương mại, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường – một trong ba khâu đột phá chiến lược của Việt Nam hiện nay.[16] Công việc hài hòa hóa này làm gia tăng tính dự đoán trước (predictability) và làm giảm tính không chắc chắn (uncertainty) của việc áp dụng pháp luật Việt Nam. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí giao dịch/ kinh doanh và rủi ro pháp lý ở Việt Nam. Ngoài ra, việc hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam theo các chuẩn mực pháp lý chung trong khu vực ASEAN (thậm chí của thế giới) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần với luật chơi chung của ASEAN (và thế giới), qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh hiệu quả không chỉ trên “sân nhà” mà cả “sân khách”. Quá trình này còn giúp quan hệ kinh tế cũng như quan hệ văn hóa – xã hội và an ninh – quốc phòng của Việt Nam càng ngày càng gắn kết với các thành viên khác trong ASEAN.
Tóm lại, hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập trong ASEAN. Để Cộng đồng ASEAN thực sự vận hành có hiệu quả, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, việc hài hòa pháp luật này cần phải được đẩy nhanh và mạnh hơn nữa thông qua cơ chế bắt buộc (chính thức) và cơ chế tự nguyện (không chính thức). Tham gia một cách tích cực và chủ động vào tiến trình này, Việt Nam sẽ thực hiện tốt các cam kết hội nhập trong ASEAN cũng như tận dụng có hiệu quả cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập đó phục vụ cho sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, dân chủ theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013.
3. Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam
Có thể khẳng định Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hài hòa hóa pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong ASEAN nói riêng. Các nỗ lực này đang gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
3.1. Thuận lợi
Quá trình hài hòa hóa pháp luật hiện nay của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, trong đó phải kể đến ba thuận lợi cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về nhận thức, Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN khác đều đồng quan điểm về tính cần thiết và tầm quan trọng của vấn đề hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN để phục vụ lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của cả Cộng đồng ASEAN. Về phía Việt Nam, quan điểm “chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN” và “chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế”[17] càng góp phần thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào quá trình hài hòa hóa này.
Thứ hai, về yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, với vai trò là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Việt Nam, yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, tạo động lực và giúp Việt Nam triển khai vấn đề hài hòa hóa pháp luật nhanh hơn, mạnh hơn và đồng bộ hơn và không chỉ giới hạn trong hội nhập ASEAN. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, rất nhiều Bộ luật và luật được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Hải quan năm 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, và sắp tới là Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)… Trong quá trình sửa đổi các luật, bộ luật quan trọng này, nhiều cam kết quốc tế và thông lệ quốc tế đã, đang và sẽ được nội luật hóa. Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường này tạo thuận lợi cho quá trình hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các quốc gia ASEAN khác.
Thứ ba, về việc gia nhập và tích cực tham gia, hợp tác với các thiết chế đa phương về pháp luật, bên cạnh việc tham gia đàm phán, ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tham gia vào hay hợp tác với nhiều thiết chế đa phương về pháp luật, như: Hội nghị LaHaye về tư pháp quốc tế (Hague Conference on Private International Law: HccH) vào tháng 4/2013, sắp tới là Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (The United Nations Commission on International Trade Law: UNCITRAL), Viện quốc tế về nhất thể hóa luật tư (:Institut international pour l’unification du droit privé: UNIDROIT), Tổ chức tư vấn pháp luật Á-Phi (Asian-African Legal Consultative Organization: AALCO), Ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc (Inernational Law Commission: ILC)…[18] Cần lưu ý rằng luật mẫu, các chuẩn mực hay thực tiễn pháp luật tốt mà các thiết chế đa phương này xây dựng, khuyến nghị được đánh giá là các chuẩn mực pháp lý chung của cộng đồng quốc tế, đa phần đã được trải nghiệm trong thời gian dài và được sử dụng làm cơ sở để cải cách thể chế kinh tế thị trường của nhiều quốc gia, trở thành động lực để nhiều nền kinh tế phát triển.[19] Khi gia nhập và tích cực tham gia, hợp tác với các thiết chế quốc tế về pháp luật này, Việt Nam tiếp cận được các chuẩn mực pháp lý chung mà nhiều nước ASEAN đang theo đuổi và cùng hướng tới. Điều này giúp Việt Nam thực hiện tốt công việc hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN.
3.2. Khó khăn
Mặc dù có các thuận lợi cơ bản nêu trên, quá trình hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân từ bên ngoài (khách quan) và bên trong (chủ quan).
3.2.1. Khó khăn từ bên ngoài
Như đã đề cập, các quốc gia thành viên ASEAN có các hệ thống pháp luật khác nhau; trong khi đó mặc dù ASEAN quyết tâm xây dựng một cộng đồng dựa trên quy tắc luật lệ (rules-based), việc đồng thuận thiết lập và áp dụng các luật lệ chung trong ASEAN còn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. ASEAN chưa có một thiết chế hữu hiệu như Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (Court of Justice of European Union: CJEU, trước đây là ECJ) để đảm bảo các luật lệ chung đó được tôn trọng và áp dụng ở tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, mặc dù nội bộ ASEAN có các cơ chế giải quyết tranh chấp nhưng chưa được áp dụng trên thực tế.[20] Ngoài ra, Cộng đồng ASEAN chưa có một hệ thống các thiết chế xây dựng các quy định pháp lý cho Cộng đồng như của Liên minh châu Âu (gồm: Nghị viện, Hội đồng bộ trưởng và Ủy ban châu Âu).
Bên cạnh các yêu cầu hài hòa hóa pháp luật ASEAN mang tính bắt buộc thông qua các cam kết, nhất là trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các quốc gia ASEAN cũng có nhiều nỗ lực trong hài hòa hóa pháp luật tự nguyện, đặc biệt là thông qua Nhóm công tác Kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN. Tuy nhiên, các nghiên cứu, đề xuất của Nhóm công tác này hiện tại chỉ dừng lại ở 4 lĩnh vực (trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ), diễn ra tương đối chậm, trong đó chỉ đang tập trung vào 2 lĩnh vực là trọng tài và mua bán hàng hóa quốc tế.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng bên cạnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hội nhập trong khu vực ASEAN thông qua Cộng đồng an ninh-chính trị, đặc biệt là Cộng đồng Văn – hóa xã hội đã và đang phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, nhất là các vấn đề liên quan đến người dân ASEAN như: công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án một quốc gia ASEAN, các vấn đề pháp lý phát sinh về hôn nhân, gia đình… Tuy nhiên, ASEAN chưa chú trọng đến các vấn đề đó. Điều này dẫn đến hệ quả là các yêu cầu, đề xuất về hài hòa hóa pháp luật liên quan đến hai Cộng đồng này chưa được quan tâm và triển khai đúng mức.
3.2.2. Khó khăn từ bên trong
Mặc dù hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam trong ASEAN được xác định vừa nhằm thực hiện các cam kết trong ASEAN, vừa đáp ứng nhu cầu nội tại tất yếu của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, quá trình hài hòa hóa này còn chưa được tốt do các khó khăn từ chính bên trong Việt Nam.
Các kết quả rà soát pháp luật Việt Nam và ASEAN của Bộ Tư pháp[21] trong giai đoạn 2009 – 2014 cho thấy về cơ bản hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong ASEAN. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc hài hòa hóa pháp luật Việt Nam với các quốc gia ASEAN khác không chỉ dừng ở các cam kết trong lĩnh vực thương mại, công nhận lẫn nhau trên cơ sở các văn kiện pháp lý của ASEAN. Việc hài hòa hóa đó cần được thực hiện thông qua việc thực hiện các khuyến nghị mang tính tự nguyện. Như đã đề cập, Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN đang đề xuất hài hòa hóa pháp luật trong bốn lĩnh vực, nhất là trọng tài và mua bán hàng hóa quốc tế.
Đối với hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế, mặc dù được khuyến nghị gia nhập Công ước Vienna năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods: CISG), đến nay Việt Nam vẫn chưa gia nhập. Một trong số các trở ngại đối với việc gia nhập Công ước CISG là quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 chưa rõ ràng trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội còn nhiều băn khoăn về danh nghĩa gia nhập (Chính phủ hay Nhà nước) và thẩm quyền quyết định gia nhập (Chính phủ, Chủ tịch nước hay Quốc hội; nếu Chính phủ hay Chủ tịch nước thì có phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến hay không)…[22] Về vấn đề trọng tài thương mại, mặc dù Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và chế định về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011) được xây dựng theo Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL (năm 1985, sửa đổi năm 2006) như khuyến nghị của Nhóm công tác, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này chưa tương thích với Luật mẫu của UNCITRAL.[23] Ngoài ra, nhiều ý kiến quan ngại việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài còn nhiều bất cập ở khía cạnh quy định pháp luật cũng như khía cạnh thực thi.[24]
Các ví dụ nêu trên cho thấy mặc dù đã có nhiều nỗ lực, vấn đề hài hòa hóa pháp luật Việt Nam trong ASEAN còn nhiều bất cập. Nguyên nhân của các bất cập này phát sinh từ hai yếu tố: (i) quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hài hòa hóa pháp luật, cụ thể gồm các bất cập trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; và (ii) năng lực cán bộ, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng cũng như thực thi pháp luật.
Thứ nhất, về khía cạnh quy định pháp luật, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (cũng như dự thảo mới nhất hiện nay của Luật sửa đổi) có nhiều điểm chưa phù hợp. Bên cạnh các quy định về trình tự, danh nghĩa ký kết điều ước quốc tế còn chưa hợp lý theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 như đã đề cập trong trường hợp gia nhập Công ước CISG, phải kể đến việc chưa có quy định rõ về thứ bậc cũng như vị trí của một điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia của Việt Nam và việc nội luật hóa điều ước quốc tế. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 quy định trong trường hợp pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên “có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”; và nếu “quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết” thì được áp dụng trực tiếp.[25] Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng quy định như vậy chỉ mang tính hình thức đối với bên ngoài, việc thực hiện trên thực tế ở trong nước rất khó khăn, thậm chí không khả thi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.[26] Chính Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đặt ra yêu cầu “xác định rõ quy trình, cơ chế “nội luật hoá” các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” và “nội luật hoá những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.[27] Tuy nhiên, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (cũng như dự thảo Luật sửa đổi hiện nay) chưa thể chế hóa được yêu cầu này.
Do đó, trên thực tế vì nhiều lý do, các cơ quan chủ trì khi xây dựng hồ sơ ký kết, phê duyệt hầu hết các điều ước quốc tế trong ASEAN đều có xu hướng đề xuất áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế này. Tuy nhiên, việc cơ quan nhà nước (tự mình hay theo yêu cầu của cá nhân, pháp nhân liên quan) áp dụng trực tiếp quy định của điều ước quốc tế như vậy là hầu như không thể.[28] Điều này góp phần làm cho quá trình hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam trong ASEAN chưa được tiến triển như mong muốn.
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, luật này quy định trách nhiệm tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến dự án, dự thảo; đảm bảo tính tương thích của dự án, dự thảo với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trong thẩm định.[29] Tuy nhiên luật này chưa quy định rõ trách nhiệm: (i) nghiên cứu các chuẩn mực pháp lý chung, các luật mẫu… có liên quan; và (ii) nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, Ủy ban hữu quan của Quốc hội đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về tính tương thích của dự án, dự thảo với điều ước quốc tế có liên quan.[30] Các bất hợp lý này cũng cản trở quá trình hài hòa hóa pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, nhất là trong việc tiếp thu các luật mẫu, các chuẩn mực pháp lý chung.
Thứ hai, về năng lực cán bộ, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật, có thể khẳng định năng lực cán bộ, chuyên gia nghiên cứu, xây dựng cũng như thực thi pháp luật còn thiếu và yếu, chưa có đủ điều kiện nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các luật mẫu, các chuẩn mực pháp lý chung có liên quan. Điều này dẫn đến thực tế là việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế liên quan trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh đa phần mang tính hình thức.
4. Một số kiến nghị
Có thể khẳng định hài hòa hóa pháp luật quốc gia với pháp luật khu vực ASEAN đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập và phát triển của Cộng đồng ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi giúp các quốc gia thành viên ASEAN cũng như công dân và doanh nghiệp ASEAN thực sự gần nhau hơn. Do đó, dù quá trình hài hòa hóa pháp luật Việt Nam với pháp luật các quốc gia thành viên khác của ASEAN còn gặp nhiều trở ngại, Việt Nam cần phải tích cực, chủ động hơn trong quá trình này. Cụ thể:
Thứ nhất, do cơ chế ra quyết định trong ASEAN và vấn đề thực thi các cam kết trong ASEAN còn có những hạn chế nhất định như đã phân tích, vấn đề hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN nên ưu tiên vào hướng tự nguyện, trên cơ sở các thỏa thuận phi chính thức nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng các luật mẫu, chuẩn mực pháp lý chung của thế giới. Việt Nam cần chủ động, tích cực trong vấn đề này, trong đó có việc tham gia tích cực, chủ động hơn vào các hoạt động của Nhóm công tác Kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam nên phối hợp tốt với các thành viên ASEAN khác để thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật ở các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội, hôn nhân gia đình, tương trợ tư pháp.
Thứ hai, bên cạnh HccH, Việt Nam cần nhanh chóng tham gia các thiết chế đa phương về pháp luật như UNCITRAL, UNIDROIT, AALCO… và các điều ước quốc tế về pháp luật nội dung trong lĩnh vực thương mại quốc tế . Nói cách khác, “hội nhập pháp luật” của Việt Nam cần được xem là một lĩnh vực hội nhập quan trọng song hành với hội nhập kinh tế, hội nhập an ninh – chính trị và hội nhập văn hóa – xã hội.
Thứ ba, về cơ sở pháp lý cho việc hài hòa hóa pháp luật, Việt Nam cần khắc phục các bất cập liên quan trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) cần quy định rõ thứ bậc và mối quan hệ của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong hệ thống pháp luật quốc gia[31] và yêu cầu nội luật hóa. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mới được Quốc hội thông qua chưa khắc phục được bất cập của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 trong việc quy định trách nhiệm nghiên cứu các chuẩn mực pháp lý chung, các luật mẫu… có liên quan của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục trong quá trình thực hiện. Yêu cầu hài hòa hóa pháp luật trong khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung cần được nghiêm túc đặt ra và thực hiện trong quá trình xây dựng, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật, pháp lệnh.
Thứ tư, việc nâng cao năng lực cán bộ, chuyên gia pháp lý am hiểu pháp luật quốc tế cần phải được hoàn thiện, đề cao. Các cán bộ, chuyên gia pháp lý này cần được tạo điều kiện để trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế một cách thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc trang bị các điều kiện kỹ thuật, cơ sở dữ liệu pháp luật quốc tế cho các cơ quan nhà nước cần được ưu tiên.
CHÚ THÍCH
* TS, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp. Bài viết được phát triển dựa trên tham luận của tác giả tại Hội thảo “Hài hòa hóa pháp luật trong xây dựng Cộng đồng ASEAN – những vấn đề đặt ra với Việt Nam qua kinh nghiệm từ EU” do Văn phòng Quốc hội và Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 16-17/7/2015.
[1] Xem: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 (Mục III.12).
[2] Điều 12 Hiến pháp năm 2013.
[3] Mục I.2.3 và Mục II.6 Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Mục II.2.6 ) cũng khẳng định một trong tám nhiệm vụ của cải cách tư pháp là tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp.
[4] ASEAN-6 gồm các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei.
[5] Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016.
[6] Điều 2.2(h) và 2.2(n) Hiến chương ASEAN.
[7] Điều 2.2(l) Hiến chương ASEAN.
[8] Joint Communique of the 6th ASEAN Law Ministers Meeting, Hà Nội, 19 – 20/9/2005.
[9] ASEAN Economic Community Blueprint.
[10] Simon Pettman, “Standards Harmonisation in ASEAN: Progress, Challenges and Moving Beyond 2015”, ERIA Discussion Paper Series, ERIA-DP-2013-30, 11/2013; Yoshifumi Fukunaga, “Assessing the Progress of ASEAN MRAs on Professional Services”, ERIA Discussion Paper Series, ERIA-DP-2015-21, 3/2015.
[11] Emanuela Carbonara and Francesco Parisi, “The Paradox of Legal Harmonization”, Public Choice, Volume 132, Issue 3-4, pp. 367 – 400.
[12] Phạm Trọng Nghĩa, “Về “cấy ghép” pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8(169), tháng 4/2010, tr. 18.
[13] Điều 20 Hiến chương ASEAN.
[14] Xavier Groussot, Nguyễn Thanh Tú, “Nguyên tắc quyền tối cao và thẩm quyền của tòa án trong pháp luật châu Âu”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 3/ 2006, tr. 43 – 53.
[15] Điều 2.2(l) Hiến chương ASEAN.
[16] Ba đột phá chiến lược của Việt Nam hiện nay là: (i) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định; (ii) phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; và (iii) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
[17] Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (Mục II.2 và III.3).
[18] Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao xây dựng đề án gia nhập các thiết chế này.
[19].Xem:.http://moj.gov.vn/htpl/ttc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=6516 (truy cập ngày 23/7/2015).
[20] 2004 ASEAN Protocol on Enhanced Dispute Settlement Mechanism (2010 Protocol to the ASEAN Charter on Dispute Settlement Mechanisms.
[21] Nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được giao theo Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 12/10/2009 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015.
[22] Ngày 26/6/2015, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức một cuộc họp về vấn đề này.
[23] Report of the Workshop on the Harmonization of the Trade Laws of ASEAN Member States (Arbitration and International Sale of Goods) (4th ASEAN Government Legal Officers Programme), Singapore, 11-12/32013.
[24] Báo cáo của Nhóm công tác đầu tư và thương mại do ông Fred Burke trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, ngày 09/6/2015.
[25] Khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Điều 7 dự thảo ngày 23/6/2015 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
[26] Xem thêm Điểm 2(a) và 2(c) Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 20/5/2015 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về dự án ý Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
[27] Mục II.6 và Mục III.1 Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
[28] Ngay chính EU hay Mỹ đều không áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế mà mình là thành viên. Xem: phán quyết Medellin v. Texas, 128 S.Ct. 1346 (2008) của Tòa án Tối cao Mỹ; phán quyết Develey v. OHIM Case C-238/06 P, [2007] ECR I-9375 của CJEU.
[29] Khoản 3 Điều 33 và khoản 3 Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; xem thêm khoản 1 Điều 34, khoản 2 Điều 39 và khoản 3 Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[30] Về nội dung thẩm tra, xem Điều 43 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Ttuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (khoản 3 Điều 65) đã khắp phục được vấn đề này.
[31] Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trước đây đã đưa vào yêu cầu việc phê chuẩn hay phê duyệt điều ước quốc tế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chủ tịch nước hay Chính phủ). Tuy nhiên, đề xuất này cuối cùng không được chấp nhận và hiện nay dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) chưa thể hiện được tinh thần này.
- Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Tú
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2015 (91) – 2015, Trang 65-72
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý