Mục lục
Giải thích điều ước quốc tế qua thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế – những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Quy định về “Điều ước quốc tế” trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
- Những quy định mới liên quan đến “Điều ước quốc tế” trong Hiến pháp 2013 – TS. Ngô Hữu Phước
- So sánh “Điều ước quốc tế” và “Tập quán quốc tế”
- Áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế đối với các hiệp định đầu tư quốc tế – thực tiễn áp dụng và những kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
- Về vấn đề thực hiện Điều ước quốc tế theo Luật Điều ước quốc tế 2016 – TS. Trần Thăng Long
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu những nguyên tắc của việc giải thích điều ước quốc tế theo Công ước Vienna 1969 về Luật Điều ước quốc tế và vai trò của chúng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Bài viết cũng nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế của Tòa án Công lý quốc tế cũng như các cơ quan tài phán quốc tế khác. Dựa trên cơ sở các phân tích này, bài viết đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam trong việc củng cố lập luận của mình và chuẩn bị tốt tài liệu cho vụ kiện trọng tài hoặc vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ trong tương lai trước một cơ quan tài phán quốc tế trong tương lai.
1. Các quy tắc giải thích điều ước quốc tế theo Công ước Vienna 1969 và thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế
1.1. Những nguyên tắc chung của việc giải thích điều ước quốc tế
Nguyên tắc cơ bản của giải thích điều quốc tế (ĐƯQT) được quy định tại Điều 31(1) của Công ước Vienna 1969, theo đó việc giải thích trước hết cần phải dựa vào: (1) nghĩa chung nhất của các điều khoản; (2) bối cảnh ra đời; (3) mục đích và đối tượng và (4) thiện chí có nguồn gốc từ nguyên tắc pacta sunt servanda trong luật quốc tế.
– Nghĩa thông thường của các điều khoản
Một là,việc xác định được nghĩa thông thường của các điều khoản dựa trên sự phân tích về ngôn ngữ và hình thức ngữ pháp của chúng, kể cả việc phân tích các thì(tense). Trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Tòa đã phân tích riêng rẽ các từ “đảo đá” (rocks), “không thể” (cannot),“thích hợp” (sustain), “cho con người sinh sống” (human habilitation),“hoặc” (or) và “đời sống kinh tế riêng” (economic life of their own) nhằm làm rõ khái niệm “những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng”.[1]
Hai là,tất cả các ngôn ngữ chính của điều ước đều được xem xét và chúng có giá trị ngang bằng nhau. Trong trường hợp giữa các ngôn ngữ không giống nhau mà mà việc thi hành các Điều 31 và 32 Công ước Vienna 1969 không cho phép loại bỏ thì nghĩa nào phù hợp nhất với các văn bản đó sẽ được sử dụng, căn cứ vào đối tượng và mục đích của điều ước. Trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc,[2] khi xem xét phạm vi của ngoại lê theo Điều 298(1)(a)(i) của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước 1982), Tòa Trọng tài đã xem xét các bản khác nhau của điều ước, bên cạnh bản tiếng Anh để làm rõ nghĩa của điều khoản này, bởi lẽ bản tiếng Anh cho thấy sự không rõ nghĩa (ambiguity). Cuối cùng Tòa đã đi đến kết luận rằng, thuật ngữ “tranh chấp” (disputes) sẽ là phù hợp nhất thay vì thuật ngữ “hoạch định”(delimitation).[3]
Ngoài ra, việc giải thích còn dựa vào cách tiếp cận “tĩnh” hay “động”. Cách tiếp cận “tĩnh”(static)là xác định nghĩa của các điều khoản điều ước cũng như những hoàn cảnh xuất hiện vào thời điểm ký kết điều ước. Cách tiếp cận “động” là việc xác định nghĩa của các điều khoản căn cứ vào thời điểm nó được giải thích. Hiện nay, cách tiếp cận “tĩnh” được xem là một quy tắc căn bản, thể hiện qua thực tiễn giải quyết tranh chấp (GQTC) của Tòa Công lý quốc tế (International Court of Justice – ICJ) và được khẳng định trong phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện về phân định biên giới giữa Eritrea – Ethiopia, theo đó“Một điều ước nên được giải thích liên hệ với những hoàn cảnh tồn tại khi mà điều ước được ký kết”.[4] Điều này có ý nghĩa quan trọng khi giải thích những ĐƯQT được ký kết từ lâu trong lịch sử.
– Bối cảnh ra đời của điều ước
Các điều khoản của điều ước sẽ phải được giải thích trong bối cảnh ra đời của chúng và phải được xem xét trong một tổng thể (Điều 31(2) và (3)). Việc xem xét toàn bộ điều ước sẽ đặt ra trong trường hợp Tòa xem xét việc sử dụng cùng một thuật ngữ tại một nơi khác trong điều ước hoặc là việc sử dụng những cụm từ khác nhauvề một vấn đề nhưng chúng lại có cách thể hiện khác nhau.Vấn đề này cũng đặt ra trong trường hợp có những điều khoản khác của cùng một điều ước lại có kết quả quan trọng hoặc ảnh hưởng đối với vấn đề đang xem xét. Trong vụ kiện về quyền lưu thông và các quyền liên quan (Dispute Regarding Navigational and Related Rights),[5] ICJ còn dựa vào những điều khoản khác liên quan đến quyền đi lại trên sông San Juan để kết luận rằng việc sử dụng quyền đi lại của Costa Rica trên sông đã làm hạn chế đi quyền đi lại của các làng mạc dọc theo sông, bao gồm cả việc sử dụng của các tàu thuyền công vụ. Trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc, Tòa đã xem xét quá trình hình thành của khái niệm “quyền lịch sử” trong luật biển quốc tế cho đến trước khi Công ước 1982 ra đời và kết luận rằng lời văn và bối cảnh của Công ước đã bác bỏ các quyền lịch sử mà một quốc gia đã từng có trên những khu vực mà giờ đây trở thành các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác.[6]
Việc xem xét bối cảnh của việc ký kết ĐƯQT dựa trên các cơ sở sau:
(1) Tiêu đề của văn bản điều ước: Trong vụ kiện về các giàn khoan dầu khí giữa Mỹ và Iran (Oil Platform)s, Tòa ICJ đã giải thích ý nghĩa của từ “thương mại” (commerce)trong một điều ước song phương giữa Iran và Mỹ. Tòa đã xác định tiêu đề của điều ước này và cho rằng nó liên hệ một cách khá rộng đến “các quan hệ kinh tế”(economic relations),vì thế Tòa đã đề xuất một cách hiểu rộng hơn của thuật ngữ này trong vụ việc mà Tòa giải quyết.[7]
(2) Lời nói đầu và các phụ lục: Lời nói đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích ĐƯQT bởi lẽ chúng thể hiện tuyên bố của các bên về mục đích và đối tượng của điều ước đó.
(3) Các nghị định thư (protocol) của điều ước: Thường là văn kiện phụ thuộc vào ĐƯQT chính nhằm giải thích, cụ thể hóa, sửa đổi bổ sung hoặc quy định những biện pháp xúc tiến việc thực hiện một ĐƯQT.
(4) Vị trí của các từ, cụm từ: Cụ thể, cần xem xét vị trí của một từ cụ thể hoặc một cụm từ trong một đoạn, trong một điều khoản hoặc trong một tập hợp các điều khoản; vị trí của một điều khoản trong toàn bộ điều ước; xem xét đến chấm câu và cú pháp cũng như cấu trúc câu. Trong vụ kiện về tranh chấp biển, đảo và đất liền giữa El Salvador và Honduras (Land, Island and Maritime Frontier Dispute),[8] khi giải thích cụm từ “nhằm xác định tình huống pháp lý”(to determine the legal situation), ICJ đã lập luận rằng thuật ngữ “xác định” (determine)trong tiếng Anh và “determinar” trong tiếng Tây Ban Nha có thể được sử dụng để làm sáng tỏ khái niệm về xác định ranh giới, vì vậy, nếu áp dụng trực tiếp cho vấn đề “không gian biển”, nghĩa thông thường của nó sẽ được hiểu là bao hàm việc xác định toàn bộ các khu vực biển đó. Tuy nhiên, từ này phải được giải thích trong bối cảnh của nó, mục đích của động từ “xác định” (determine)không chỉ bao gồm việc xác định “không gian biển” mà còn bao gồm xác định tình trạng pháp lý của chúng.
Có hai loại văn bản dùng để xác định bối cảnh của điều ước, cụ thể là:
(i) Những thỏa thuận có liên quan đến ĐƯQT đã được tất cả các bên tham gia tán thành vào lúc ký kết, và
(ii) Những văn kiện do một hoặc nhiều bên đưa ra lúc ký kết điều ước và được chấp thuận là văn kiện có liên quan đến điều ước.[9] Những văn kiện này cần phân biệt với những văn kiện hợp thành điều ước như những phụ lục;nghị định thư hoặc văn kiện cuối cùng. Đồng thời, chúng cũng không phải là những văn kiện dự thảo chuẩn bị cho điều ước (travaux preparatoire).[10]
– Đối tượng và mục đích của điều ước
“Đối tượng” là những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước còn “mục đích” giải thích vì sao điều ước lại điều chỉnh những vấn đề đó.[11] Việc làm sáng tỏ mục đích và đối tượng thường căn cứ vào việc xem xét một điều khoản riêng biệt;[12] tiêu đề; lời nói đầu; loại điều ước;[13] toàn bộ hoặc những điều khoản căn bản của điều ước, ngoài ra còn có thể so sánh giữa điều ước liên quan với những điều ước khác cùng loại. Trong vụ dàn khoan dầu khí(Oil Platforms), ICJ đã so sánh Hiệp ước Hữu nghị giữa Mỹ và Iran với những điều ước về hữu nghị khác để sau đó xác định mục đích của điều ước.[14] Trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc, để làm rõ Điều 121(3), Tòa đã phân tích bối cảnh ra đời và mục đích và đối tượng của Công ước Luật biển 1982, bao gồm sự liên hệ giữa Điều 121(3) và mục đích của vùng đặc quyền kinh tế.[15]
– Tính thiện chí của các bên
Để xác định yếu tố này, các giai đoạn giải thích điều ước sẽ bao gồm một loạt các thao tác có tính liên hệ mật thiết với nhau và xuyên suốt. Việc xem xét sự thiện chí cần đảm bảo tính hợp lý. Chẳng hạn, việc giải thích các thuật ngữ “Trung Hoa Dân quốc” (the Republic of China)và Liên Xô (the Union of Soviet Socialist Republics)ngày nay cần phải hiểu theo nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (the People’s Republic of China)và Liên bang Nga (the Russian Federation)thì mới hợp lý, trong khi đó những cách hiểu khác có thể coi là không phù hợp với sự thiện chí.
1.2. Những căn cứ khác áp dụng cho việc giải thích điều ước
Những căn cứ khác sẽ được áp dụng khi mà các quy tắc ở trên chưa làm rõ nội dung của các điều khoản cần giải thích hoặc cơ quan GQTC thấy cần xác định rõ hơn nội dung thật sự của chúng. Theo Điều 31(3) và 31 (4) Công ước Vienna 1969, các cơ sở tiếp theo cho việc giải thích bao gồm:
a. Những thỏa thuận ký kết sau
Đây là những thỏa thuận có sau khi điều ước được ký kết nhằm mục đích giải thích hoặc việc áp dụng những điều khoản của điều ước và phải: (i) không được mâu thuẫn hoặc có ý định sửa đổi điều ước ban đầu và (ii) không có vị trí thấp hơn so với ĐƯQT cần giải thích.
b. Thực tiễn sau khi ký kết điều ước
Về nguyên tắc, bất kỳ hành động hoặc không hành động nào của các bên với mục đích nhằm thực hiện điều ước đều sẽ được xem xét khi giải thích điều ước. Các hành động/không hành động này có thể bao gồm các tuyên bố hoặc hướng dẫn chính thức, thông điệp ngoại giao, thông cáo báo chí, giao dịch biểu quyết về các nghị quyết của tổ chức quốc tế cũng như những hành vi lập pháp hoặc quyết định tư pháp của quốc gia ở trung ương lẫn địa phương.
“Thực tiễn sau này” của quốc gia phải tạo thành một chuỗi các hành vi hoặc bởi những tuyên bố chính thức và phải có tính nhất quán, phù hợp và thống nhất đủ để có thể nhận thức được khuôn mẫu của hành vi. Ngoài ra, hành vi của các bên phải gắn với việc thực hiện điều ước, cụ thể là việc thực thi các nghĩa vụ đặt ra trong điều ước. Việc giải thích điều ước dựa trên những thực tiễn sau này chỉ có giá trị inter segiữa những bên nào của điều ước có hành vi tiếp theo sau khi điều ước có hiệu lực mà không phải tất cả những bên ký kết của điều ước. “Thực tiễn sau này” cần phải được các bên trong điều ước liên quan chấp nhận, do đó những văn kiện nội bộ hoặc hành vi không được thông báo cho các bên khác biết sẽ không có giá trị.
c. Những quy tắc khác của luật quốc tế có liên quan
Khi giải thích điều ước còn có thể sử dụng đến một cơ sở quan trọng khác là những quy phạm của luật quốc tế có liên quan, cụ thể là các loại nguồn của luật quốc tế được liệt kê trong Điều 38(1) Quy chế Tòa án quốc tế, bao gồm:
d. Những điều ước khác mà có cùng mục đích hoặc điều chỉnh một vấn đề pháp lý tương tự.
Chẳng hạn, khi giải thích Công ước của châu Âu về Nhân quyền có thể xem xét đến những điều ước về nhân quyền cùng loại, ví dụ như Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, Công ước của LHQ về quyền trẻ em, Công ước của LHQ về Chống tra tấn…;
– Các quy phạm tập quán quốc tế chung;
– Các nguyên tắc chung của pháp luật (general principles of law). Ví dụ như nguyên tắc thiện chí là một nguyên tắc pháp luật chung và là một nguyên tắc của công pháp quốc tế theo đúng tinh thần của Điều 31(3)(c); nguyên tắc không hồi tố (non-retroactivity)đề cập tại Điều 28 của Công ước Vienna 1969. Ngoài ra, các ĐƯQT khác chứa đựng những quy tắc của luật quốc tế liên quan phải không được có vị trí thứ bậc thấp hơn so với ĐƯQT cần được giải thích. Những quy tắc này phải được sử dụng để giải thích điều ước giữa những bên mà ĐƯQT ràng buộc.
Một nghĩa đặc biệt thay vì nghĩa thông thường nếu được các bên chấp nhận (Điều 31(4))
Khái niệm “một nghĩa đặc biệt của điều khoản” bao gồm hai trường hợp. Một là,những điều khoản của điều ước mang nghĩa riêng biệt hoặc mang tính “kỹ thuật” xuất phát từ lĩnh vực đặc thù mà điều ước đó điều chỉnh. Trường hợp này thường xuất hiện trong những ĐƯQT chuyên ngành hoặc mang tính khu vực, ví dụ như các điều ước trong khuôn khổ châu Âu. Hai là,khi các bên nhất trí sử dụng một nghĩa riêng biệt nào đó thay vì nghĩa thông thường của điều khoản.
1.3. Các phương tiện bổ trợ giải thích điều ước quốc tế
Trong trường hợp nội dung giải thích có ý nghĩa mập mờ hay khó hiểu, hoặc việc giải thích lại dẫn đến một kết quả rõ ràng là phi lý hay không hợp lý, Điều 32 Công ước Vienna 1969 quy định về những phương tiện bổ trợ giải thích ĐƯQT, cụ thể bao gồm: (a) các tài liệu trù bị cho điều ước và (b) hoàn cảnh ký kết điều ước.
a. Các tài liệu phục vụ công việc chuẩn bị điều ước – tài liệu trù bị (travaux preparatoires)
Chúng bao gồm tất cả các loại tài liệu phục vụ cho việc ra đời của điều ước. Trong vụ Aegean Sea Continental Shelf,[16] trước lập luận của Hy Lạp rằng bảo lưu của họ đối với Công ước năm 1928 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế (TCQT) đã loại trừ thẩm quyền của Tòa vì theo bảo lưu này, việc giải quyết tranh chấp (GQTC) chỉ áp dụng đối với những vấn đề thuộc về thẩm quyền đối nội (domestic jurisdiction).ICJ sau đó đã xem xét các tài liệu trù bị cho việc Hy Lạp gia nhập Công ước này và đi đến kết luận rằng bảo lưu của Hy Lạp bao gồm hai yếu tố riêng biệt về những vụ việc liên quan đến quy chế pháp lý của lãnh thổ và về những vụ việc liên quan đến thẩm quyền đối nội. Qua đó, Tòa khẳng định thẩm quyền của mình đối với vụ việc. Những tài liệu này phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:
Một là, chúng phải là những tài liệu có thể được đánh giá một cách khách quan bởi cơ quan giải thích. Chúng bao gồm tất cả những tài liệu có liên quan đến điều ước sẽ được ban hành và tạo ra bởi các quốc gia đàm phán trong quá trình chuẩn bị cho điều ước đến khi nó được ký kết. Những tài liệu này có thể ở các dạng như dự thảo, ghi nhớ, bình luận, những tuyên bố hoặc quan sát mà các chính phủ chuyển cho nhau, văn thư ngoại giao giữa các bên đàm phán, các bản lưu trữ của các phiên đàm phán hoặc hội nghị, biên bản của ủy ban và các kỷ yếu… Ngoài ra các tài liệu này còn bao gồm các ghi chép về thay đổi của bản văn trong quá trình đàm phán, kể cả những từ chối thay đổi câu chữ… Bên cạnh đó, quá trình đàm phán hoặc trao đổi ngoại giao hay các đóng góp cá nhân của các nhà đàm phán hoặc đại biểu trong quá trình đàm phán cũng có ý nghĩa quan trọng.
Hai là, những tài liệu được xem xét phải được đưa ra trong quá trình đàm phán và có thể được tiếp cận bởi tất cả các bên đàm phán. Những tài liệu này bao gồm các tuyên bố, nhận định của từng chính phủ hoặc của cá nhân đại diện các quốc gia, các văn kiện lập pháp trong nước hay các giải thích đệ trình cho cơ quan lập pháp quốc gia trong quá trình phê chuẩn, nếu như chúng được đem ra giới thiệu trong quá trình đàm phán và được các bên đàm phán khác biết tới, ngoài ra chúng không còn phản ánh những ý kiến, quan điểm hoặc mong đợi mang tính đơn phương nữa. Trong vụ dàn khoan dầu khí (Oil Platforms), ICJ đã chấp nhận và xem xét những tài liệu đơn phương do phía Mỹ đưa ra[17] nhằm khẳng định một giải thích về hiệp định song phương về hữu nghị giữa Mỹ và Iran trước đó. Trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc, bên cạnh việc xem xét nội dung của điều khoản, bối cảnh ra đời, mục đích và đối tượng của Công ước, Tòa đã xem xét các tài liệu trù bị của Công ước để giải thích Điều 121(3) về quy chế pháp lý của đảo và đá và giải thích nội dung của khái niệm “những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng.[18]
Ba là, những tài liệu này phải trực tiếp có liên hệ đến điều ước đang xem xét, chúng phải là một phần của tiến trình đàm phán và phản ánh nội dung của điều ước. Ngoài ra, việc giải thích còn có thể dựa trên cơ sở những tài liệu khác có liên quan đến những điều ước trước đó hoặc những điều ước cùng loại. Giá trị của những tài liệu này tùy thuộc vào những yếu tố như sự vững chắc sự tiếp cận, sự liên hệ trực tiếp đến các điều khoản của điều ước liên quan, sự thống nhất với những phương thức giải thích khác và số lượng các bên tham gia vào tài liệu cũng như thời điểm mà những tài liệu này được đưa ra, chẳng hạn như được đưa ra ngay trước khi điều ước được thông qua…
b. Những hoàn cảnh ký kết điều ước
Đây được hiểu là hoàn cảnh thực tế hiện diện vào lúc điều ước được ký kết và bối cảnh lịch sử của điều ước nằm trong nhận thức của các bên ký kết. Khác với quy định tại Điều 31(2) của Công ước Vienna 1969, đây đơn giản chỉ là hoàn cảnh vào thời điểm ký kết điều ước và không phụ thuộc vào sự đồng thuận hay nội dung cơ bản của điều ước. Ngoài ra việc giải thích còn lưu ý đến các điều kiện về kinh tế, chính trị và xã hội của các bên ký kết và những điều kiện khác có ảnh hưởng đến quy chế pháp lý của từng bên, ví dụ việc xem xét một quốc gia là xuất khẩu hay nhập khẩu để xem xét ý chí của các bên trong việc mong muốn điều chỉnh bằng điều ước sẽ được ký.
c. Những phương tiện bổ trợ khác
Những phương tiện bổ trợ khác được hiểu là những vấn đề liên quan về nội dung hoặc hình thức cần được xem xét, ngoài những nguyên tắc hoặc kỹ thuật giải thích chung. Những tài liệu liên quan này bao gồm các tài liệu của các cơ quan độc lập, ví dụ như của Ủy ban Pháp luật quốc tế (ILC) và những công việc chuẩn bị của các điều ước tương tự hoặc cùng loại với điều ước cần được giải thích. Ngoài ra những thực tiễn sau này mà không phải của các bên liên quan hoặc không liên hệ đến việc áp dụng điều ước cũng như không tạo ra sự thỏa thuận của các bên (không thuộc quy định tại Điều 31(3)(c) Công ước Vienna 1969) đôi khi cũng có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của điều ước liên quan.
2. Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam hiện có một số tranh chấp với các nước trong khu vực liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, tiêu biểu nhất là với Trung Quốc. Việc giải quyết những tranh chấp này cần thực hiện không chỉ bằng những phương thức ngoại giao như đàm phán, trung gian, hòa giải mà có thể cần thiết phải sử dụng đến cơ chế pháp lý. Cần lưu ý rằng, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, những luận cứ nhằm phục vụ cho yêu sách của mình cũng như nhằm bác bỏ yêu sách của phía Trung Quốc phải dựa trên cơ sở những quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là các ĐƯQT và tập quán quốc tế có liên quan. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình là quan điểm nhất quán. Mặc dù vậy, vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 đã cho thấy giải quyết tranh chấp về giải thích và áp dụng bằng thủ tục trọng tài là một biện pháp khả thi, bên cạnh giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp truyền thống bằng Tòa án Công lý quốc tế. Do đó, nghiên cứu những quy tắc về giải thích ĐƯQT trong bối cảnh tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ là rất quan trọng.
2.1. Về luận cứ khẳng định chủ quyền
Đối với các vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ, Tòa ICJ sẽ ra phán quyết trên cơ sở xác định bên nào có lập luận và bằng chứng thuyết phục chứng minh sự đáp ứng nguyên tắc chiếm hữu thực sự (à titre de souverain).[19] Như vậy, vấn đề giải thích ĐƯQT cần tập trung vào những văn kiện sau:
(1) Thỏa ước Berlin năm 1885 giữa 13 quốc gia châu Âu và Mỹ giải thích tiêu chí của việc “chiếm hữu thực sự”. Chúng được coi là những quy phạm tập quán tập quán xác định nội dung của nguyên tắc này.
(2) Các ĐƯQT liên quan đến hai quần đảo, cụ thể, bao gồm Hiệp ước ngày 06/6/1884 (Hiệp ước Patenôtre), theo đó Pháp cam kết đại diện Việt Nam trong tất cả các mối quan hệ đối ngoại, tiếp nhận và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Hiệp định Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp ước Pháp – Thanh năm 1887 có thể sử dụng nhằm phản bác lập luận của một số học giả Trung Quốc cho rằng bằng Hiệp định này, Pháp đã trao quyền quản lý hai quần đảo này cho Trung Quốc.[20]
(3) Các Tuyên bố chính thức khẳng định chủ quyền của đại diện Việt Nam trước diễn đàn, hội nghị quốc tế. Những tuyên bố này góp phần khẳng định tính nhất quán, liên tục của các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các chính quyền Việt Nam. Tiêu biểu trong số nàycó thể kể đến là Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trước 51 đại biểu quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco;[21] Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm khẳng định hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 13/ 7/ 1971 tại Hội nghị ASPEC tại Manila; Tuyên bố tố cáo hành vi xâm chiếm của Trung Quốc tại kỳ họp thứ 2 của Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển (UNCLOS III) tại Caracas (20/6/1974-29/8/1974) của Việt Nam Cộng hòa; Văn bản của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc gửi Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật Biển nêu rõ quan điểm của Việt Nam đối với 2 văn bản do Philippines và Trung Quốc gửi lên Tổng Thư ký và Công hàm số 77/HC – 2011 của Việt Nam gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc…[22] Ngoài ra, các công hàm ngoại giao lưu hành tại Liên hợp quốc[23] cũng có giá trị khẳng định chủ quyền và sự chiếm hữu hòa bình, liên tục và thực sự theo các tiêu chí của nguyên tắc chiếm hữu thực sự.
(4) Các văn kiện chính thức giữa chính phủ và lãnh đạo hai nước về vấn đề giải quyết xung đột giữa hai bên liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Những văn kiện này là bằng chứng thể hiện sự không nhất quán và không thiện chí của phía Trung Quốc. Đơn cử như Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tháng 9/1975 rằng hai nước sẽ đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
(5) Các tài liệu có tính lịch sử – pháp lý khác mang tính nhà nước liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tài liệu này nhằm củng cố lập luận về yêu sách chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử. Đơn cử như Tuyên bố của Phó vương Quảng Đông năm 1898 trả lời chủ tàu Bellona và Himeji Maru về việc đòi nhà đương cục Trung Quốc bồi thường cho việc ngư dân Trung Quốc cướp tài sản hai chiếc tàu này khi chúng bị đắm tại Hoàng Sa.
2.2. Về bức Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958
Từ trước đến nay, phía Trung Quốc thường xuyên viện dẫn bức Công hàm này để cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để bác bỏ luận điểm đó, Việt Nam có thể sử dụng các luận điểm giải thích sau đây:
(1) Về tiêu chí xác định giá trị pháp lý của Công hàm. Căn cứ Điều 2(1)(a) Công ước 1969, Công hàm nói trên chỉ đóng vai trò như một tuyên bố thể hiện ý định hoặc tuyên bố đơn phương giải thích quan điểm. Cụ thể Công hàm chỉ thể hiện quan điểm của chính phủ Việt Nam Dân chủ công hòa là sẽ đề nghị các cơ quan công quyền của mình tôn trọng tuyên bố về chiều rộng lãnh hải của CHND Trung Hoa, do đó nó không thể có giá trị pháp lý ràng buộc như một cam kết quốc tế hay một điều ước.
(2) Về bối cảnh ra đời của văn kiện nêu trên, bức Công hàm được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép với Trung Quốc bằng việc tàu chiến của nước này đi lại trong eo biển Đài Loan, qua đó thể hiện sự ủng hộ đối với Trung Quốc. Do đó, Công hàm này chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị.
(3) Về giải thích nghĩa thông thường của điều khoản. Theo Công ước 1969, việc giải thích ĐƯQT cần phải dựa trên nghĩa thông thường được thể hiện trong điều ước. Ở đây, Công hàm chỉ đề cập đến việc tôn trọng tuyên bố về chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc mà không có bất kỳ từ ngữ nào thể hiện sự công nhận của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Cần phải nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự suy diễn nội dung của văn bản cần phải dựa trên ngữ nghĩa của văn bản đồng thời phải dựa trên hành vi thực tế sau này của các bên trong việc tôn trọng và thực thi những nội dung đó.
(4) Về việc viện dẫn nguyên tắc Nemo dat quod non habet(Một người không thể chuyển nhượng những gì mà họ không kiểm soát được): Đây là nguyên tắc tồn tại trong luật quốc tế từ thời cổ xưa và được khẳng định trong các vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển giao lãnh thổ trong thời kỳ phi thực dân hóa.[24] Nguyên tắc này sẽ sử dụng cho luận điểm rằng sau Hiệp định Geveva, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thực tế (de facto)nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, do đó chúng không thể là đối tượng đề cập đến trong Công hàm.
(5) Về giải thích đối với nguyên tắc lời hứa quân tử (estoppels):Đây là một nguyên tắc của luật quốc tế tồn tại từ lâu đời, có mục đích ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thái độ bất nhất của mình và vì vậy được hưởng lợi và cũng đồng thời gây thiệt hại cho quốc gia khác. Nói cách khác, một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc làm trước kia.[25] Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc “estoppels”cần phải thỏa mãn đầy đủ 4 tiêu chí: (1) tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) quốc gia viện dẫn“estoppel”phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) quốc gia viện dẫn “estoppel”cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó và (4) lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ.[26] Trong trường hợp của Việt Nam, các sự kiện cho thấy những tiêu chuẩn trên rõ ràng là không được thỏa mãn.
2.3. Về áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982
Việt Nam cũng có thể đưa vụ kiện ra trước một Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982. Để tiến hành khởi kiện và theo đuổi vụ kiện một cách hiệu quả nhất, Việt Nam nên xem xét việc những vấn đề sau đây:
(1) Về giải thích Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982: Nên tập trung vào việc giải thích các điều khoản liên quan đến: xác định đường cơ sở thẳng (Điều 7); khái niệm quốc gia quần đảo và quần đảo (Điều 46); đường cơ sở quần đảo (Điều 47); Chế độ pháp lý của các vùng nước quần đảo và vùng trời ở trên cũng như đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển đó (Điều 49); vùng đặc quyền kinh tế và chế độ pháp lý của cùng đặc quyền kinh tế (Điều 55 đến 59); đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế (Điều 60); các quyền đối với tài nguyên sinh vật (Điều 61 và 62); việc thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển (Điều 73); khái niệm thềm lục địa và chế độ pháp lý của thềm lục địa (Điều 76 đến điều 81); chế độ pháp lý của các đảo (Điều 121); GQTC quốc tế về biển, đặc biệt là về các quy định chung (Điều 279 đến 285); về các thủ tục bắt buộc dẫn tới các thủ tục bắt buộc (Điều 286 đến 296); về các giới hạn và ngoại lệ đối với việc áp dụng (Điều 297 đến 299).
Việc giải thích đối với những điều khoản này sẽ phục vụ cho lập luận của Việt Nam khi yêu cầu Tòa ra phán quyết tuyên bố về những nội dung sau:
Một là,đường cơ sở 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra trong đó đặt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phạm vi nội thủy bao bọc bởi đường cơ sở này là vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982.[27]
Hai là, tiêu chuẩn pháp lý của đảo và quần đảo theo giải thích của Trung Quốc là không đúng với Công ước Luật Biển năm 1982.[28]
Ba là, việc hạ đặt giàn khoan là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;[29]
Bốn là, những hành động gây hấn và gây thiệt hại làm cản trở hoạt động chấp pháp của các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam là trái với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.
(2) Về giải thích đối với các Phụ lục kèm theo Công ước, bao gồm Phụ lục VI (Quy chế của Tòa án quốc tế về luật biển); Phụ lục VII (Trọng tài). Đây là những quy định liên quan đến thủ tục GQTC bằng phương pháp hòa bình.
(3) Về giải thích đối với các tài liệu (travaux preparatoires) của các Hội nghị Luật biển thông qua các Công ước Luật biển năm 1958 và Công ước năm 1982. Đây là những cơ sở làm sáng tỏ nghĩa của các điều khoản, mục đích và đối tượng áp dụng của Công ước năm 1982.
(4) Việc giải thích đối với các Công ước La Haye 1 (1899) và La Haye 2 (1907) về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và Tòa Trọng tài thường trực quốc tế và Quy tắc Tố tụng của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế. Điều này phục vụ cho việc xác định thẩm quyền của trong việc thụ lý và giải quyết đơn kiện của Việt Nam
(5) Việc giải thích đối với Điều 298 Công ước Luật Biển năm 1982 về tuyên bố không áp dụng các phương thức GQTC theo quy định của Điều 287(1) Công ước năm 1982.[30] Điều này sẽ phục vụ cho việc bác bỏ quan điểm của Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực theo Tuyên bố của nước này ngày 25/8/2006, trên cơ sở đó xác định yêu cầu của Việt Nam là nằm ngoài phạm vi bảo lưu này, trái lại tập trung vào vấn đề giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển 1982.
(6)Việc giải thích đối với các văn kiện quốc tế khác Trung Quốc tham gia như Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC), các văn kiện thảo luận về Bộ quy tắc về quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC)… Những văn kiện này có mục đích nhằm làm rõ bối cảnh, mục đích của những xung đột, bất đồng và phương thức giải quyết hòa bình những xung đột, bất đồng đó.
Kết luận
Giải thích ĐƯQT là một quá trình phức tạp bao gồm việc vận dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là quá trình mà bên tiến hành giải thích (các bên tranh chấp và cơ quan GQTC) không chỉ đơn thuần phân tích ngữ nghĩa của điều khoản của ĐƯQT liên quan mà còn sử dụng kết hợp tất cả những yếu tố quan trọng xoay quanh việc đàm phán ký kết ĐƯQT đó. Giải thích chính xác nội dung của điều ước giúp cho các quốc gia tranh chấp tạo ra những luận cứ xác đáng, có cơ sở và phù hợp với luật quốc tế, đồng thời giúp cho họ chọn lựa, cân nhắc và sử dụng những văn kiện nào có lợi cho mình, bên cạnh việc bác bỏ những luận cứ của đối phương. Đối với Việt Nam, việc sẵn sàng về mặt pháp lý cho những vụ kiện liên quan đến luật quốc tế là hết sức cần thiết, trong đó có sự tính toán hợp lý và khoa học về những công cụ sẽ được sử dụng trong giai đoạn chuẩn bị vụ kiện và tiến hành tranh tụng.
CHÚ THÍCH
* TS. Luật, P. Trưởng Bộ môn Anh văn Pháp lý, giảng viên khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] PCA, Phán quyết của Tòa Trọng tài số.213-19 <http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf>, tr. 205-212.
[2] PCA, Phán quyết của Tòa Trọng tài, tlđd,tr. 92.
[3] Điều 298. Những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng Mục 2:
- a) i. Các vụ tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử,….
[4] Eritrea – Ethiopia Boundary Commission, PCA, 2007.
[5] .Case concerning the Dispute regarding Navigational and Related Rights (Costa Rica v Nicaragua), ICJ Reports, 2009.
[6] PCA, Phán quyết của Tòa Trọng tài, tlđd, tr. 103.
[7] Iran v United States (Preliminary Objection),ICJ Reports, 1996.
[8] Land, Island and Maritime Frontier Dispute, (El Salvador v Honduras, Nicaragua Intervening), ICJ Reports, 1992, para. 373.
[9] Khoản 2 Điều 31 Công ước Vienna 1969.
[10] Đây là các cơ sở nhằm giải thích điều ước bổ sung được quy định tại Điều 32.
[11] Isabelle Van Damme, Treaty Interpretation by the WTO Appellate Body, Oxford University Press, 2009.
[12] Ví dụ Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc 1945.
[13] Ví dụ điều ước về phân định biên giới hay điều ước về quản lý biên giới.
[14] Oil Platforms (Islamic Republic of Iran v. United States of America), ICJ Reports, 2003.
[15] PCA, Phán quyết của Tòa Trọng tài, tlđd, tr. 213-218.
[16] Aegean Sea Continental Shelf , (Greece v. Turkey), ICJ Reports, 1976.
[17] Bao gồm một ghi nhớ của Bộ Ngoại giao gửi cho Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc và một thông điệp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đệ trình một số điều ước cho Thượng viện Mỹ để xem xét phê chuẩn.
[18] PCA, Phán quyết của Tòa Trọng tài, tlđd, tr. 218-227.
[19] Đây là nguyên tắc quan trọng đã được áp dụng trong các vụ việc mà Tòa ICJ đã xét xử. Chẳng hạn các vụ Đông Greenland (Legal Status of Eastern Greenland (Denmark. v. Norway), 1933; vụ kiện chủ quyền các Minquiers and Ecrehos (France v. United Kingdom), 1953; vụ kiện về chủ quyền các đảoPulau Ligitan and Pulau Sipadan(Sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan)(Indonesia/Malaysia), 2002.
[20] Thực tế, Hiệp định này không phải là hiệp ước phân chia những đảo ở ngoài biển giữa toàn bộ nước Việt Nam và Trung Quốc mà chỉ ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam do Pháp quản lý với Trung Quốc.
[21] Trong đó nhấn mạnh “…vì cần phải thành thực lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Nguyễn Quốc Thắng, Hoàng Sa – Trường Sa, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 155.
[22] Các Công hàm này đã khẳng định “hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này”.
[23] Bao gồm các Công hàm phản đối Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa trong các năm 1988 và 1994 cũng như phản đối việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong năm 2014.
[24] Tiêu biểu như các Hiệp ước Bảo hộ giữa Vương quốc Anh với các vị Vua và Thủ lĩnh của vùng Calabar (the 1884 Treaty between Great Britain and the Kings and Chiefs of Old Calabar Case Concerning the Land and Maritime); các hiệp ước giữa Pháp với Morocco, Tunisia and Madagascar vào các năm 1885 và 1895; các hiệp ước giữa Vương quốc Anh, Bahrain và Qatar. Đồng thời, nguyên tắc này được thể hiện qua các phán quyết trong các vụ Las Palmas(Mỹ và Hà Lan); Ý kiến tư vấn của ICJ trong vụ Tây Sahara (Western Sahara); Vụ phân định biển và lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain (Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain) 2001;Vụ Boundary between Cameroon and Nigeria, 2002.
[25] Trong tiếng Anh tồn tại câu thành ngữ “one cannot at the same time blow hot and cold”.
[26] Từ Đặng Minh Thu (2007), “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc”, Thời Đại Mới, số 11 <http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm#_edn1>.
[27] Vấn đề này đã được giải quyết bởi Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982 trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines – Trung Quốc ngày 12 tháng 7 năm 2016.
[28] Đường cơ sở quần đảo theo Công ước Luật biển 1982 là đường nối các điểm ngoài cùng của các thực thể nhô ra xa nhất của quốc gia quần đảo đó. Bởi lẽ, một quốc gia ven biển không thể áp dụng cách xác định đường cơ sở như các quốc gia quần đảo. Thay vào đó họ chỉ có thể xác định đường cơ sở của từng đảo một trong quần đảo. Tương tự, các quy định của Công ước phải được giải thích theo hướng các đảo và các quần đảo xa bờ có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với điều kiện chúng phải những đảo lớn, thích hợp cho con người sinh sống và có đời sống kinh tế riêng. Trong trường hợp ngược lại, chúng chỉ có thể có lãnh hải tối đa là 12 hải lý.
[29] Vị trí mà giàn khoan Trung Quốc HD 981 vi phạm nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (chiều rộng 200 hải lý từ đường cơ sở) và phía trên thềm lục địa. Chiểu theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, các quyền đối với hoạt động lắp đặt xây dựng các công trình nổi trên biển được quy định rõ ràng là thuộc về quốc gia ven biển. Ngoài ra, với vùng thềm lục địa, Việt Nam có các quyền chủ quyền và tài phán đối với hoạt động tham dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.
[30] Theo Điều 298 của Công ước Luật Biển năm 1982, một quốc gia khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia Công ước hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó có thể đưa ra bảo lưu bằng văn bản tuyên bố quốc gia này không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp đối với: phân định lãnh hải (Điều 15); phân định vùng đặc quyền kinh tế (Điều 74); phân định thềm lục địa (Điều 83) và các tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử; về hoạch định ranh giới các vùng, hoặc các vụ tranh chấp cần phải được giải quyết theo đúng thỏa thuận song phương hoặc đa phương ràng buộc các bên; các hoạt động quân sự bao gồm hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay nhà nước hoặc thực thi pháp luật đối với các quyền thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán; những vấn đề mà Hội đồng bảo an đang thực thi theo Hiến chương LHQ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. [Trans: United Nations Charter 1945] .
- Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế năm 1969. [Trans: Vienna Convention on the Law of Treaties 1969] .
- Công ước về việc Cấm sử dụng quân sự hoặc các hình thức thù địch các kỹ thuật làm biến đổi môi trường năm 1976. [Trans: Convention on the Prohibition of Military or Any Other Hostile Use of Environmental Modification Techniques 1976] .
- Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. [Trans: United Nations Convention on the Law of the Sea 1982] .
- Công ước của OECD về Chống hối lộ các quan chức nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế năm 1997. [Trans: OECD Convention on Combating Bribery of Foreign Public Officials in International Business Transactions 1997] .
- Nguyễn Quốc Thắng, Hoàng Sa – Trường Sa, Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 1988. [Trans: Nguyen Quoc Thang, the Paracels – Spratlys, Tre Publishing House, 1988] .
- Từ Đặng Minh Thu, “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc”, Thời Đại Mới, 2007, số 11. [Trans: Tu Dang Minh Thu, “Sovereignty over the Paracels and Spratlys: an analysis of Vietnam and China’s arguments”, <http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm>] .
- Isabelle Van Damme, Treaty Interpretation by the WTO Appellate Body, Oxford University Press, 2009.
- Legal Status of Eastern Greenland(Denmark. v. Norway), ICJ Reports 1933.
- Minquiers and Ecrehos(France v. United Kingdom), ICJ Reports 1953.
- Land, Island and Maritime Frontier Dispute. [Trans: El Salvador v Honduras, Nicaragua Intervening] ICJ Reports1992.
- Iran v United States Oil Platforms (Preliminary Objection), ICJ Reports 1996.
- Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain, ICJ Reports 2001.
- Sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan(Indonesia/Malaysia), ICJ Reports 2002.
- Eritrea – Ethiopia Boundary Commission, Permanent Court of Arbitration, 2007.
- Case concerning the Dispute regarding Navigational and Related Rights [Costa Rica v Nicaragua] ICJ Reports, 2009.
- Philippines – China case, Award of the Arbitral Tribunal established under Annex VII UNCLOS, 2016.<http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf>.
Tác giả: Trần Thăng Long – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(101)/2016 – 2016, Trang 43-53