Mục lục
Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam
TÓM TẮT
Chính phủ Việt Nam phải đối diện nhiều khó khăn khi dung hòa giữa một bên là nghĩa vụ thực hiện các cam kết trong WTO và bên kia là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của người dân thông qua việc quản lý chất lượng của thực phẩm nhập khẩu. Bài viết trình bày đôi nét về những quy tắc mà Việt Nam cần tuân thủ khi xây dựng, áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu và đánh giá mức tuân thủ của Việt Nam đối với luật của WTO, cũng như hiệu quả của việc kiểm soát độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu.
Xem thêm:
- Thực trạng phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và một số kiến nghị – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ
- Sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp kiểm soát – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng – ThS. Lê Thị Hồng Vân
- Cần thí điểm thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm tại các thành phố trực thuộc trung ương – TS. Thái Thị Tuyết Dung
- Vấn đề quản lý thực phẩm biến đổi gene qua vụ EC – công nghệ sinh học trong khuôn khổ WTO và những vấn đề có liên quan của Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Quyền đảm bảo sức khỏe trong WTO – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Phân tích quy chế Amicus Curiae trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO – TS. Trần Việt Dũng
- Nhìn lại hai dịp Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO với vai trò bên đi kiện – “hành” và “học” – TS. Trần Thị Thùy Dương
- Vấn đề bảo vệ môi trường và hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng
TỪ KHÓA: An toàn thực phẩm, Tổ chức thương mại thế giới, WTO
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lượng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường của ta tăng lên nhanh chóng. Trong các sản phẩm đó, có thể kể đến nội tạng động vật. Một số người quan ngại trước tình trạng này, bởi “nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn; không tốt cho người tiêu dùng. Việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt, còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan”.[1] Quả thật, cơ quan chức năng đã bắt quả tang một số lô hàng nhập khẩu kém chất lượng. Chẳng hạn, năm 2009, 73 tấn tràng lợn đông lạnh nhiễm Coliforms và E.coli bị phát hiện khi được nhập vào Việt Nam.[2] Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ra Công văn số 1152/TTg-KTTH ngày 07/7/2010 về việc tăng cường quản lý sản phẩm đông lạnh nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngừng kiểm dịch nhập khẩu các loại nội tạng. Tuy nhiên, “các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cho rằng Việt Nam đã vi phạm quy định của Hiệp định SPS trong việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng”. Lý do là vì Việt Nam “chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào cho biện pháp tạm thời này mà vẫn duy trì nó trong thời gian quá dài”.[3] Một số Thành viên như Hoa Kỳ, EU đã tạo sức ép bằng việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, mật ong, rau, gia vị… xuất khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công văn số 79/BNN-HTQT đến Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh, gây nên những phản ứng nhất định của những người có quan điểm “nhập nội tạng động vật là phá sức khỏe dân”.[4]
Phải chăng việc tham gia vào WTO đã “bó tay” Chính phủ Việt Nam trong hoạt động hạn chế nhập khẩu thực phẩm có hại cho sức khỏe nhân dân?
Trên đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những khó khăn mà Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt khi phải dung hòa giữa một bên là nghĩa vụ thực hiện các cam kết trong WTO và bên kia là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của người dân thông qua việc quản lý chất lượng của thực phẩm nhập khẩu. Bài viết trình bày đôi nét về những quy tắc mà Việt Nam cần tuân thủ khi xây dựng, áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu (1) và đánh giá mức tuân thủ của Việt Nam đối với luật của WTO, cũng như hiệu quả của việc kiểm soát độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu (2).
1. Khung pháp lý của WTO liên quan đến bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam
Là Thành viên của WTO, Việt Nam phải tuân thủ hàng loạt nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ về tự do hóa thương mại, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, mặt khác, ta cũng cần áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu, gạt bỏ những thực phẩm có thể gây hại cho đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng. Có thể nói, tuy đa số các quy định của WTO đi theo hướng ràng buộc hoặc thúc đẩy các Thành viên mở cửa thị trường, tổ chức này vẫn thừa nhận quyền của các Thành viên, trong đó có Việt Nam, trong việc áp dụng các biện pháp hợp pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ sở pháp lý chủ yếu của quyền này là Điều XX của GATT, các quy định trong Hiệp định SPS và Hiệp định TBT. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này được đi kèm với những điều kiện khá chặt chẽ, nhằm hạn chế sự lạm dụng của các Thành viên để bảo hộ hàng nội địa.
1.1. Những điều kiện được đặt ra tại Điều XX của GATT
Điều XX của GATT đề cập những ngoại lệ chung mà “không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản” các quốc gia Thành viên WTO áp dụng. Trong đó, khoản (b) quy định các Thành viên được áp dụng những biện pháp để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật hay thực vật. Như vậy, dựa vào Điều XX(b) GATT, trên nguyên tắc, chúng ta có thể hạn chế việc nhập khẩu thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, cũng theo Điều XX, biện pháp hạn chế này phải thỏa mãn những điều kiện sau: (i) biện pháp này thật sự cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật hay thực vật; (ii) biện pháp này phải không tạo ra công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau; (iii) biện pháp này phải không tạo ra một sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.
Trên thực tế, việc tuân thủ các điều kiện trên không phải là dễ dàng.[5] Một trong những lý do, đó là khó khăn trong việc giải thích những cụm từ khóa trong điều luật: thế nào là “cần thiết”? Thế nào là “công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý”? Thế nào là “hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế”? GATT không cung cấp thêm chi tiết về các khái niệm này; muốn tìm hiểu nghĩa của chúng, cần nghiên cứu các án lệ phong phú của WTO.
Riêng xác định tính “cần thiết” của một biện pháp hạn chế thương mại đã là một bài toán phức tạp và trừu tượng. Tính cần thiết được xác định dựa trên nhiều yếu tố: tính chất của biện pháp, mức đóng góp của biện pháp cho mục tiêu được nhắm tới, các thông số khoa học, sự tồn tại của các biện pháp thay thế… Đối với Cơ quan phúc thẩm của WTO, “cần thiết” là phạm trù có ý nghĩa gần với khái niệm “không thể thiếu” hơn là “đóng góp vào”.[6] Ngoài ra, cũng cần ghi nhận:
– Tính cần thiết được đánh giá dựa trên mức đóng góp của biện pháp cho việc đạt mục tiêu được nhắm tới. Điều này khá phức tạp, bởi nhằm đạt được một mục tiêu, quốc gia thường áp dụng một chính sách tổng thể với nhiều biện pháp kết hợp. Khó có thể tách bạch hiệu quả của từng biện pháp, nhất là trong khoảng thời gian ngắn.[7] Bên cạnh đó, mức độ đóng góp của biện pháp cho mục tiêu được nhắm tới cần được xác định trong mối quan hệ biện chứng giữa mục đích và phương tiện. Để lựa chọn phương pháp xác định mức độ đóng góp, cần dựa vào tính chất của rủi ro, mục tiêu hướng tới, mức độ bảo vệ đang được tìm kiếm, cũng như tính chất, số lượng, chất lượng của bằng chứng tồn tại vào thời điểm phân tích.[8Trong đó, Điều XX(b) không yêu cầu phải số liệu hóa thiệt hại đối với cuộc sống và sức khỏe con người; thiệt hại này có thể tính bằng số lượng hoặc chất lượng.[9]
– Về các thông số khoa học và đánh giá rủi ro, theo Cơ quan phúc thẩm, khi xây dựng chính sách bảo vệ sức khỏe, Thành viên không bắt buộc phải dựa vào quan điểm khoa học của đa số. Thành viên có thể dựa vào nguồn thông tin khoa học mà vào thời điểm biện pháp được áp dụng đi khác với trào lưu chung nhưng vẫn có giá trị và được tôn trọng.[10]
– Một biện pháp sẽ được coi là “cần thiết” theo Điều XX(b) nếu không tồn tại biện pháp thay thế mà một Thành viên có thể được mong chờ áp dụng một cách hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu về sức khỏe của mình mà không vi phạm, hoặc vi phạm ít hơn, các quy định của GATT.[11]
– Đặc biệt, nếu các lợi ích được theo đuổi càng lớn, biện pháp được áp dụng càng dễ được coi là “cần thiết”.[12]
Nói cách khác, trước khi áp dụng một biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và có thể đi ngược lại các nguyên tắc của luật WTO, Việt Nam cần đánh giá tính “cần thiết” của biện pháp. Việc đánh giá này dựa trên sự cân nhắc nhiều yếu tố như: so sánh sự đóng góp của biện pháp vào việc đạt được mục tiêu với mức hạn chế thương mại; so sánh giữa các biện pháp có thể có sẵn cũng như rủi ro đi kèm với biện pháp được áp dụng. Quá trình đánh giá và cân bằng đòi hỏi phải cân nhắc tất cả các yếu tố, xem xét chúng trong quan hệ với nhau sau khi xem xét chúng riêng rẽ, nhằm đưa ra được một đánh giá tổng thể.[13]
Bên cạnh đó, để có thể viện dẫn Điều XX GATT, biện pháp của Việt Nam cũng không được tạo nên một “công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau”, hoặc tạo nên sự “hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế”.
Một biện pháp sẽ được coi là “công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý” khi tồn tại 3 yếu tố: (i) việc áp dụng biện pháp đó phải tạo nên một sự phân biệt – trong đó cần chú ý rằng bản chất và tính chất của sự phân biệt này khác với sự phân biệt bị cấm tại Điều I, III và XI của GATT;[14] (ii) về tính chất, sự phân biệt đối xử phải mang tính độc đoán và phi lý; (iii) sự phân biệt đối xử phải xảy ra giữa các nước có cùng điều kiện như nhau. Đặc biệt, thuật ngữ “các nước có cùng điều kiện như nhau” bao hàm sự so sánh không chỉ giữa các nước xuất khẩu, mà cả các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu.[15]
Khái niệm “phân biệt đối xử độc đoán và phi lý” và “hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế” có mối liên hệ chặt chẽ. Theo Cơ quan phúc thẩm của WTO, “hạn chế trá hình” bao gồm sự “phân biệt đối xử trá hình” trong thương mại quốc tế. “Hạn chế trá hình” có thể được coi là bao gồm những hạn chế dẫn đến sự phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý trong thương mại quốc tế, được thực hiện dưới danh nghĩa của một biện pháp mà về hình thức nằm trong phạm vi ngoại lệ ghi nhận tại Điều XX. Nói cách khác, những phân tích nhằm xác định liệu việc áp dụng một biện pháp cụ thể có dẫn đến sự phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý hay không cũng có thể được xem xét nhằm xác định sự tồn tại của “hạn chế trá hình” trong thương mại quốc tế. Cả hai đều nhằm đến mục đích tránh việc lạm dụng hoặc sử dụng bất hợp pháp những ngoại lệ quy định tại Điều XX.[16]
1.2. Những điều kiện quy định tại Hiệp định SPS và Hiệp định TBT
Là Thành viên của WTO, theo Hiệp định SPS, Việt Nam hoàn toàn có quyền thông qua hoặc thi hành những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động và thực vật.[17] Tuy nhiên, các biện pháp đó phải thỏa mãn những yêu cầu sau:
– Không được áp dụng để tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô căn cứ giữa các Thành viên có cùng điều kiện như nhau, kể cả các điều kiện giữa lãnh thổ của họ và lãnh thổ các Thành viên khác;[18]
– Không được áp dụng để tạo ra sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế;[19]
– Chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết để bảo vệ cuộc sống của con người, động và thực vật;[20]
– Phải dựa trên các nguyên tắc khoa học và không được duy trì mà thiếu căn cứ khoa học xác đáng. Trong trường hợp chứng cứ khoa học liên quan chưa đủ, Thành viên có thể tạm thời áp dụng biện pháp SPS trên cơ sở thông tin chuyên môn sẵn có, kể cả thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan cũng như từ các biện pháp SPS do các Thành viên khác áp dụng. Khi này, Thành viên phải thu thập thông tin bổ sung cần thiết để có sự đánh giá rủi ro khách quan hơn và rà soát các biện pháp SPS một cách tương ứng trong khoảng thời gian hợp lý.[21]
Là một Thành viên của WTO, Việt Nam được khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế, nếu có, để hài hòa các biện pháp SPS. Đương nhiên, khi sử dụng những tiêu chuẩn này, ta sẽ ít bị kiện ra trước WTO. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể sử dụng các biện pháp dựa trên những tiêu chuẩn cao hơn nếu có cơ sở khoa học, hoặc do mức bảo vệ mà ta coi là phù hợp theo các quy định tại Điều 5 Hiệp định SPS.[22] Hiệp định SPS cũng ghi nhận rằng nếu quốc gia xuất khẩu có thể chứng minh rằng các biện pháp mà họ áp dụng để kiểm soát sản phẩm đạt được cùng mức độ bảo đảm như biện pháp tại quốc gia nhập khẩu, quốc gia nhập khẩu có thể xem xét chấp thuận phương pháp SPS tương đương của quốc gia xuất khẩu.[23] Ngoài ra, Hiệp định SPS cũng đưa ra các quy định để đảm bảo tính hiệu quả, không gây phiền hà của thủ tục kiểm tra, thanh tra và thủ tục chấp thuận.[24]
Là Thành viên WTO, Việt Nam còn có nghĩa vụ minh bạch chính sách:[25] chúng ta phải cung cấp thông tin về các biện pháp SPS mới hay bị thay đổi cho Ủy ban SPS của WTO, thành lập điểm hỏi đáp chịu trách nhiệm trả lời mọi câu hỏi hợp lý từ các Thành viên có quan tâm cũng như cung cấp tài liệu liên quan đến các biện pháp SPS.[26]
Hiệp định TBT cũng đi theo logic tương tự với Hiệp định SPS: các Thành viên của hiệp định có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống hay sức khỏe con người, động thực vật. Tuy nhiên, các biện pháp đó không được tiến hành với cách thức có thể gây ra phân biệt đối xử một cách tùy tiện hoặc không thể biện minh được giữa các nước có điều kiện giống nhau, hoặc tạo ra các hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.[27] Hiệp định TBT cũng khuyến khích các quốc gia Thành viên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các thủ tục để xác định liệu các sản phẩm có hợp chuẩn hay không phải công bằng, không đem lại lợi ích một cách không công bằng cho sản phẩm nội địa. Hiệp định cũng khuyến khích các quốc gia công nhận các thủ tục của nhau để xác định tính hợp chuẩn của các sản phẩm. Là Thành viên của WTO, Việt Nam cũng phải tuân thủ nghĩa vụ minh bạch: thành lập đầu mối thông tin quốc gia, cũng như thông báo về các biện pháp mới hay các biện pháp được điều chỉnh cho Ủy ban TBT của WTO.
2. Đánh giá mức độ tuân thủ luật WTO và hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam
2.1. Đánh giá mức độ tuân thủ luật WTO
Sau khi trở thành Thành viên của WTO, Việt Nam cam kết tuân thủ mọi quy định của Hiệp định SPS mà không cần giai đoạn quá độ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm đồng thời tuân thủ các cam kết trong WTO, Việt Nam đã xây dựng các văn bản pháp luật, trong đó đặc biệt có thể kể đến Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Liên quan đến việc bảo đảm độ an toàn của thực phẩm nhập khẩu, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có một mục tại Chương VI về Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu.[28] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT Hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Bên cạnh đó, cũng có thể kể đến Quyết định số 147/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia đẩy nhanh thực hiện cam kết đối với Hiệp định về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đáp ứng nghĩa vụ Thành viên WTO.
Để thực hiện nghĩa vụ minh bạch thông tin trong WTO, từ khi tham gia tổ chức này đến tháng 5/2016, Việt Nam đã gửi cho Ủy ban SPS 80 thông báo về các biện pháp kiểm dịch động thực vật mà mình áp dụng. Từ khi gia nhập WTO đến năm 2012, chúng ta gửi cho Ủy ban TBT 35 thông báo về các biện pháp TBT. Chúng ta cũng cử ra đầu mối thông tin về các biện pháp SPS của Việt Nam tại WTO là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đầu mối thông tin về các biện pháp TBT là Tổng cục Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam trải qua kỳ rà soát chính sách thương mại tại WTO. Trong kỳ rà soát này, nhiều câu hỏi của các Thành viên xoay quanh các biện pháp SPS và TBT. Đặc biệt, các Thành viên WTO chất vấn Việt Nam về việc minh bạch hóa các luật, quy định về SPS và việc dừng kiểm dịch, nhập nội tạng động vật trắng. Tuy nhiên, chúng ta chưa từng bị kiện ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Câu hỏi đặt ra là, liệu ta có nguy cơ vi phạm các cam kết và quy tắc của luật WTO trong khi thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm? Theo một số chuyên gia, với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được đánh giá là tương đương hoặc thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta ít có nguy cơ vi phạm.[29] Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng nguy cơ này vẫn tồn tại. Đặc biệt, họ chỉ trích những bất cập của hai phương pháp chính mà Việt Nam áp dụng để kiểm soát an toàn thực phẩm: phương pháp kiểm tra trước khi cho vào thị trường và phương pháp dựa vào giấy chứng nhận lưu hành tự do (certificate of free sale, CFS).[30]
Phương pháp kiểm tra trước khi cho vào thị trường được quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Theo Nghị định, trừ một số trường hợp ngoại lệ, “tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định”.[31] Phương pháp này giúp bảo đảm tất cả thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam thỏa mãn các tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên việc kiểm tra “tất cả” các loại thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ kéo theo một chi phí lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, phương pháp này cũng không dựa trên sự đánh giá rủi ro. Bởi, khi một doanh nghiệp lần đầu tiên muốn nhập khẩu một loại thực phẩm vào Việt Nam thì thực phẩm này phải được kiểm tra, cho dù một thực phẩm giống hệt như nó do một doanh nghiệp khác nhập vào vừa được kiểm tra trước đó. Như vậy, để được đưa ra thị trường, sản phẩm nội địa chỉ cần được kiểm tra một lần. Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu sẽ bị kiểm tra nhiều lần, mỗi khi nó được nhập bởi một nhà nhập khẩu mới. Điều này có thể bị chỉ trích là vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử[32] và quy tắc theo đó các biện pháp SPS không được gây hạn chế thương mại hơn các biện pháp cần có để đạt được mức bảo vệ động thực vật “cần thiết”.[33]
CFS là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.[34] Các thương nhân nhập khẩu sản phẩm được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu phải nộp CFS để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật. Theo PGS. Claudio Dordi, việc áp dụng CFS, mặc dù chưa bao giờ bị kiện trước WTO, vẫn bao gồm một số rủi ro nhất định:[35]
Thứ nhất, áp dụng CFS có thể dẫn đến vi phạm quy tắc đối xử quốc gia được ghi nhận tại Điều III GATT, bởi: (i) việc áp dụng này hàm chứa sự phân biệt đối xử giữa các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa tương tự, vì chỉ có sản phẩm nhập khẩu bị yêu cầu phải có CFS; (ii) để được cấp CFS của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu, hàng nhập vào Việt Nam phải đạt chuẩn phù hợp với quy định pháp luật của quốc gia xuất khẩu. Do đó, trong trường hợp quy định pháp luật của quốc gia xuất khẩu khắt khe hơn quy định pháp luật của Việt Nam, hoặc xin CFS ở nước xuất khẩu khó khăn hơn xin giấy chứng nhận CFS tại Việt Nam, sẽ có sự phân biệt đối xử có lợi cho hàng nội địa. Chưa kể, nếu không có điều ước quốc tế giữa quốc gia xuất khẩu và Việt Nam về thừa nhận lẫn nhau đối với hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu còn phải thỏa mãn các tiêu chuẩn quy định trong pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, áp dụng CFS có thể dẫn đến vi phạm quy tắc đối xử tối huệ quốc được ghi nhận tại Điều I GATT. Bởi, các quốc gia xuất khẩu có các tiêu chuẩn khác nhau để cấp CFS. Việc đòi hỏi các sản phẩm tương tự từ các quốc gia xuất khẩu khác nhau phải có CFS của các quốc gia đó dẫn đến việc đòi hỏi các sản phẩm này phải thỏa mãn những tiêu chuẩn khác nhau để được đưa vào thị trường Việt Nam.
Thứ ba, áp dụng CFS có thể dẫn đến vi phạm Điều XI GATT, vì điều này cấm các biện pháp phi thuế quan hạn chế thương mại quốc tế.
Trong khi đó, việc áp dụng CFS khó có thể được biện hộ bởi Điều XX GATT. Bởi, trong trường hợp các quy định pháp luật liên quan đến cấp CFS ở nước ngoài khó khăn hơn ở Việt Nam, hàng nội địa có thể sẽ chỉ phải thỏa mãn những tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn tiêu chuẩn, điều kiện dành cho hàng nhập khẩu. Khi này, khó có thể chứng minh rằng biện pháp SPS liên quan – đòi hỏi CFS – là “cần thiết” để đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và cuộc sống con người. Đồng thời, biện pháp này cũng dễ bị coi là tạo ra sự “phân biệt đối xử độc đoán và phi lý” giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu tương tự, cũng như giữa các hàng nhập khẩu tương tự với nhau.
Thứ tư, áp dụng CFS có thể dẫn đến vi phạm Hiệp định SPS. Đơn cử, Điều 2.1 của Hiệp định này quy định các Thành viên có quyền sử dụng các biện pháp SPS “cần thiết” để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động thực vật. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, việc chứng minh sự “cần thiết” này là rất khó, khi tiêu chuẩn dành cho hàng nội địa thấp hơn hàng nhập khẩu.
Để giảm thiểu những rủi ro vi phạm luật WTO nói trên, Việt Nam cần tham gia một cách tích cực hơn vào quá trình hài hòa hóa các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế liên quan như Ủy ban Codex Alimentarius và Tổ chức quốc tế về Sức khỏe động vật (World Animal Health Organization), từ đó đóng góp và gây ảnh hưởng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Chúng ta cũng cần sử dụng tối đa các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường thỏa thuận để thừa nhận lẫn nhau về hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm giữa Việt Nam với các Thành viên khác của WTO.
Cũng cần chú ý rằng, để bảo đảm không phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa, đồng thời chứng minh yếu tố “cần thiết” của biện pháp SPS/ TBT, cần tăng các tiêu chuẩn áp dụng đối với hàng nội địa. Khi này, chúng ta sẽ không những bảo vệ tốt hơn sức khỏe, cuộc sống của người tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần làm tăng uy tín của thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2.2. Đánh giá hiệu quả của việc bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu
Cho dù dường như các biện pháp mà Việt Nam áp dụng tạo nhiều rào cản thương mại hơn mức cần thiết, trên thực tế nước ta đã và vẫn đang là trọng điểm nhập khẩu thực phẩm hết “date”,[36] rau củ Trung Quốc chứa chất độc vẫn tràn ngập ở các chợ,[37] thực phẩm bẩn vẫn tràn vào nội địa.[38]
Câu hỏi đặt ra là: tại sao tình trạng nhập khẩu thực phẩm bẩn, quá “date”, độc hại vẫn còn?
Một trong những lý do có lẽ là việc mặc dù luật quy định khá nhiều các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu khó có thể chặt chẽ, do chúng ta còn thiếu nhân lực, vật lực, trình độ khoa học – kỹ thuật chưa cao. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu đòi hỏi những phép đánh giá rủi ro khá phức tạp. Vì vậy, trên thực tế, khi hàng nhập khẩu đến biên giới, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra về an toàn thực phẩm chủ yếu chỉ xem xét tính phù hợp của các giấy tờ được yêu cầu với quy định được đưa ra: “Các thảo luận với Bộ Y tế cho thấy trong quá khứ không có đánh giá kỹ thuật về rủi ro nào thực hiện khi thực phẩm đóng gói đã chế biến được đăng ký, và trong tương lai gần cũng không có kế hoạch cụ thể về việc thực hiện sự đánh giá này… Quy trình kiểm soát khi có yêu cầu công nhận thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật rút cục sẽ chỉ gồm việc kiểm tra liệu giấy tờ cần thiết đã được bên yêu cầu công nhận nộp đầy đủ hay chưa. Riêng đối với các thực phẩm cần phải phù hợp với các quy định về an toàn thực phẩm như thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thì các ủy ban ad hoc gồm chuyên gia của 3 Bộ chính liên quan sẽ được thành lập nhằm nghiên cứu hồ sơ”.[39] Vấn đề này chỉ được giải quyết một cách rốt ráo nếu chúng ta đầu tư nghiêm túc vào nhân lực, vật lực, vào hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm để phục vụ mục đích đánh giá rủi ro, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, trước mắt, việc kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia phát triển nhằm thực hiện tốt hơn công tác đánh gia rủi ro cũng là một giải pháp nên cân nhắc.
Một yếu tố cuối cùng cần xem xét, đó là cho dù việc kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu chính ngạch có được siết chặt đến mấy đi chăng nữa thì thị trường Việt Nam vẫn tràn ngập thực phẩm độc, bẩn, nếu chúng ta không quản lý hiệu quả hoạt động buôn lậu qua biên giới.[40] Nhiều nguyên liệu, như salbutamol và các chất bảo vệ thực vật, hóa chất dùng để ngâm măng, bột tăng trọng cho trẻ em, hóa chất tẩm ướp thực phẩm, các thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không qua kiểm dịch, có trường hợp đang trong quá trình phân hủy… vẫn ồ ạt vào thị trường Việt Nam thông qua con đường nhập lậu.[41] Hiện tượng nhập lậu thực phẩm bẩn, độc này khó có thể quy cho việc tham gia vào WTO, và cũng khó có thể dùng luật WTO làm công cụ để đối phó. Cách đối phó hợp lý nhất có lẽ là tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Bộ, ban ngành, đặc biệt là của Ủy ban nhân dân các địa phương biên giới trong việc đấu tranh ngăn chặn nhập khẩu thực phẩm không an toàn.
Kết luận
Là Thành viên của WTO, một mặt Việt Nam phải tuân thủ luật của tổ chức này, đặc biệt là các quy tắc liên quan đến tự do hóa thương mại và không phân biệt đối xử. Mặt khác, WTO cũng quy định các ngoại lệ chung và đưa ra những quy tắc trong Hiệp định SPS, Hiệp định TBT nhằm công nhận quyền của các Thành viên, trong đó có Việt Nam, trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này, Thành viên WTO phải thỏa mãn những điều kiện khá chặt chẽ, như: biện pháp được áp dụng phải “cần thiết” để đạt mục đích được nhắm tới, không được tạo ra công cụ “phân biệt đối xử độc đoán và phi lýgiữa các nước có cùng điều kiện như nhau”, “hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế”, biện pháp được áp dụng phải dựa trên bằng chứng khoa học, phân tích rủi ro… Chỉ khi thỏa mãn được những điều kiện đó, ta mới tìm được điểm cân bằng cần thiết giữa nghĩa vụ tuân thủ các cam kết trong WTO và nghĩa vụ bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của con người. Để làm được điều này, Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực một cách hợp lý vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ sở kỹ thuật nhằm phục vụ hoạt động kiểm soát chất lượng thực phẩm, phân tích rủi ro. Đồng thời, chúng ta cũng cần tích cực tham gia vào hoạt động hài hòa hóa các tiêu chuẩn chất lượng, ký kết những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn, thủ tục kiểm soát giữa ta với các Thành viên WTO khác. Cuối cùng, để đạt mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu, do đặc điểm địa lý của đất nước, những cố gắng trên còn phải được kết hợp với nỗ lực trong hoạt động kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch, phòng chống nhập lậu thực phẩm kém chất lượng vào thị trường nội địa.
CHÚ THÍCH
*PGS. TS Luật học, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Xem Dân Việt, 11/01/2013, “Cho nhập nội tạng động vật: Phá sức khỏe dân”.
[2] Xem Công văn số 79/BNN-HTQT về việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 08/01/2013.
[3] Ibid.
[4] Dân Việt, 11/01/2013, “Cho nhập nội tạng động vật: Phá sức khỏe dân”.
[5] Trong đa số các vụ kiện được đem ra trước Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSU) của WTO, bên viện dẫn Điều XX bị tuyên bố vi phạm.
[6] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Hàn Quốc – Các biện pháp nhằm vào thịt bò, WT/DS169/AB/R, đoạn 161.
[7] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm trong vụ Hoa Kỳ – Xăng, tr. 21.
[8] Cũng cần ghi nhận rằng Ban hội thẩm sẽ có quyền quyết định phương pháp hợp lý để phân tích mức độ đóng góp của biện pháp nhằm đạt được mục đích nó theo đuổi. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, Vụ Brazil – Lốp xe tái chế, WT/DS332/AB/R, đoạn 146.
[9] Xem các báo cáo của Cơ quan phúc thẩm trong vụ Hàn Quốc – Các biện pháp nhắm vào thịt bò, đoạn 163 – 164; EC – Amiant, đoạn 172; Cộng hòa Dominica – Việc nhập khẩu và bán thuốc lá, đoạn 70.
[10] Xem các báo cáo của Cơ quan phúc thẩm trong vụ EC – Hormones, đoạn 194 và EC -– Amiant, đoạn 177 – 178.
[11] Báo cáo của Ban hội thẩm, vụ Thái Lan – Thuốc lá, đoạn 75.
[12] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hàn Quốc – Các biện pháp nhắm tới thịt bò, đoạn 162.
[13] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Brazil – Lốp xe tái chế, đoạn 182.
[14] Xem Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ – Xăng, tr. 23.
[15] Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ – Xăng, tr. 23 – 24.
[16] Xem thêm Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ – Xăng, tr. 25.
[17] Lời mở đầu của Hiệp định SPS: “Khẳng định rằng không Thành viên nào bị ngăn cấm thông qua hoặc thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật và thực vật”.
[18] Xem Lời mở đầu và Điều 2.3 Hiệp định SPS.
[19] Ibid.
[20] Điều 2.2 Hiệp định SPS.
[21] Điều 2.2 và 5.7 Hiệp định SPS. Về đánh giá rủi ro, xem bài của ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo, ““Đánh giá rủi ro” đối với kiểm dịch động thực vật trong khuôn khổ WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam”, kỷ yếu hội thảo Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 6/2016.
[22] Điều 3 Hiệp định SPS.
[23] Điều 4 Hiệp định SPS.
[24] Điều 8 và Phụ lục C Hiệp định SPS.
[25] Về nghĩa vụ minh bạch, xem thêm bài của TS. Lê Thị Minh Ngọc “Thực hiện nghĩa vụ minh bạch theo luật WTO – Nhìn từ khía cạnh bảo đảm an toàn thực phẩm và quyền được thông tin của người tiêu dùng”, kỷ yếu hội thảo Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 6/2016.
[26] Điều 7 và Phụ lục B Hiệp định SPS.
[27] Lời mở đầu và Điều 2.1, 2.2 Hiệp định TBT.
[28] Tại Chương VI, Điều 38 quy định các điều kiện mà thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ; Điều 39 đề cập vấn đề kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và Điều 40 quy định trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu.
[29] Xem United States Agency International Development, The government of Vietnam’s Implementation of the WTO Agreement on the Application of Sanitary and Phytosanitary Measures, 2007, tr. 18, http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/Pnadl727.pdf, truy cập ngày 30/5/2016. Cũng xem bài của ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo, ““Đánh giá rủi ro” đối với kiểm dịch động thực vật trong khuôn khổ WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam”, kỷ yếu hội thảo Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, 6/2016
[30] Xem Dordi (Claudio), “Food safety international law requirements and developing countries: the case of Vietnam”, http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2706283, truy cập 30/5/2016.
[31] Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
[32] Điều 2.3 Hiệp định SPS: “Các Thành viên phải đảm bảo rằng các biện pháp vệ sinh động – thực vật của họ không phân biệt đối xử một cách tùy tiện hoặc vô căn cứ giữa các Thành viên khi có các điều kiện giống nhau hoặc tương tự nhau, kể cả các điều kiện giữa lãnh thổ của họ và lãnh thổ các Thành viên khác”.
[33] Điều 5.6 Hiệp định SPS: “(…) khi thiết lập hay duy trì các biện pháp vệ sinh động – thực vật để có mức bảo vệ động – thực vật cần thiết, các Thành viên phải đảm bảo những biện pháp đó không gây hạn chế thương mại hơn các biện pháp cần có để đạt được mức bảo vệ động – thực vật cần thiết, có tính đến tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế”.
[34] Xem Điều 4 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
[35] Xem Dordi (Claudio), “Food safety international law requirements and developing countries: the case of Vietnam”, http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2706283, truy cập 30/5/2016.
[36] Xem Đức Phan, “Việt Nam đang là trọng điểm nhập khẩu thực phẩm hết “date”?”, An ninh thủ đô, 11/01/2015, http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/viet-nam-dang-la-trong-diem-nhap-khau-thuc-pham-het-date/590274.antd, truy cập 30/5/2016.
[37] Xem H.T., “Rau, củ trái cây Trung Quốc – Từ thực phẩm chứa chất độc hại đến chiến thuật “đội lốt” hàng Việt Nam”, http://tvnn.vn/47/-/journal_content/56_INSTANCE_Y7rZ/10157/162423;jsessionid=0A3EBFA992D7C20AB69B54FD7D7C1B5A?refererPlid=10450, (website của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh) truy cập 30/5/2016.
[38] Khánh Linh, Trà Giang, “Kiểm tra áng chừng, thực phẩm bẩn tràn vào nội địa”, http://laodong.com.vn/kinh-doanh/kiem-tra-ang-chung-thuc-pham-ban-tran-vao-noi-dia-412922.bld, truy cập 30/5/2016.
[39] Xem Dordi (Claudio), “Food safety international law requirements and developing countries: the case of Vietnam”, http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2706283, truy cập 30/5/2016.
[40] Lê Mỹ, “Thực phẩm bẩn và hóa chất không rõ nguồn gốc: Cơ chế để thực thi chế tài?”, Diễn đàn doanh nghiệp, 02/4/2016, http://enternews.vn/thuc-pham-ban-va-hoa-chat-khong-ro-nguon-goc-co-che-de-thuc-thi-che-tai.html, truy cập 30/5/2016.
[41] Trọng Đức, “Thực phẩm “bẩn”, hóa chất độc hại ồ ạt nhập lậu”, Người lao động,26/5/2016,http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-pham-ban-hoa-chat-doc-hai-o-at-nhap-lau-20160526222848824.htm, truy cập 30/5/2016.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO [trans: Reports of WTO dispute settlement panels and Appellate Body]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hoa Kỳ – Xăng, WT/DS4/AB/R [trans: AB report, US – Standards for reformulated and conventional gasoline, WT/DS4/AB/R]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ EC – Hormones, WT/DS48/AB/R [trans: AB report, EC – Measures concerning meat and meat products (hormones), WT/DS48/AB/R]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ EC – Amiant, WT/DS135/AB/R[trans: AB report, EU – Measures affecting asbestos and products containing asbestos, WT/DS135/AB/R]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Hàn Quốc – Các biện pháp nhằm vào thịt bò, WT/DS169/AB/R [trans: AB report, Republic of Korea – Measures affecting imports of fresh, chilled and frozen beef, WT/DS169/AB/R]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Cộng hòa Dominica – Việc nhập khẩu và bán thuốc lá, WT/DS302/AB/R [trans: AB report, Dominican republic – Measures affecting the importation and internal sale of cigarettes, WT/DS302/AB/R]
- Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm, vụ Brazil – Lốp xe tái chế, WT/DS332/AB/R [trans: AB report, Brazil – Measures affecting imports of retreaded tyres, WT/DS332/AB/R]
- Báo cáo của Ban hội thẩm, vụThái Lan – Thuốc lá, WT/DS371/R [trans: Panel report, Thailand – Customs and fiscal measures on cigarettes from the Philippines, WT/DS371/R]
* Bài báo [trans: Articles]
- Claudio Dordi, “Food safety international law requirements and developing countries: the case of Vietnam”, http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2706283, truy cập 30/5/2016.
- Trọng Đức, “Thực phẩm “bẩn”, hóa chất độc hại ồ ạt nhập lậu”, Người lao động,26/5/2016, http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-pham-ban-hoa-chat-doc-hai-o-at-nhap-lau-20160526222848824.htm, truy cập 30/5/2016 [trans: Trong Duc, “Dirty food, toxic chemicals smuggled massively into Vietnam”, Nguoi lao dong, 26/5/2016, http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuc-pham-ban-hoa-chat-doc-hai-o-at-nhap-lau-20160526222848824.htm, accessed on the 30/5/2016]
- Khánh Linh, Trà Giang, “Kiểm tra áng chừng, thực phẩm bẩn tràn vào nội địa”, http://laodong.com.vn/kinh-doanh/kiem-tra-ang-chung-thuc-pham-ban-tran-vao-noi-dia-412922.bld, truy cập 30/5/2016 [Khanh Linh, Tra Giang, “Approximate control, dirty food imported massively to the domestic market”,.http://laodong.com.vn/kinh-doanh/kiem-tra-ang-chung-thuc-pham-ban-tran-vao-noi-dia-412922.bld, accessed on the 30/5/2016]
- Lê Mỹ, “Thực phẩm bẩn và hóa chất không rõ nguồn gốc: Cơ chế để thực thi chế tài?”, Diễn đàn doanh nghiệp, 02/4/2016, http://enternews.vn/thuc-pham-ban-va-hoa-chat-khong-ro-nguon-goc-co-che-de-thuc-thi-che-tai.html, truy cập 30/5/2016 [Le My, “Dirty food and chemical substances of unknown origine: Which mechanism to implement a sanction?”, Dien dan doanh nghiep, 02/4/2016, http://enternews.vn/thuc-pham-ban-va-hoa-chat-khong-ro-nguon-goc-co-che-de-thuc-thi-che-tai.html, accessed on the 30/5/2016]
- Lê Thị Minh Ngọc, “Thực hiện nghĩa vụ minh bạch theo luật WTO – Nhìn từ khía cạnh bảo đảm an toàn thực phẩm và quyền được thông tin của người tiêu dùng”, kỷ yếu hội thảo Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, 6/2016 [trans: Le Thi Minh Ngoc, “Implementation of the obligation of transparency prescribed by WTO law – From the perspective of food safety and consumers’ right to information”, Legal aspects of food safety and the food safety guarantee mechanism, conference, Hochiminh city University of Law, June 2016]
- Đức Phan, “Việt Nam đang là trọng điểm nhập khẩu thực phẩm hết “date”?”, An ninh thủ đô, 11/01/2015,http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/viet-nam-dang-la-trong-diem-nhap-khau-thuc-pham-het-date/590274.antd, truy cập 30/5/2016 [trans: Duc Phan, “Vietnam – main destination of out-of-date food?”, An ninh thu do, 11/01/2015, http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/viet-nam-dang-la-trong-diem-nhap-khau-thuc-pham-het-date/590274.antd, accessed on the 30/5/2016
- Nguyễn Thị Thu Thảo, ““Đánh giá rủi ro” đối với kiểm dịch động thực vật trong khuôn khổ WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam”, kỷ yếu hội thảo Khía cạnh pháp lý về an toàn thực phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, 6/2016 [trans: Nguyen Thi Thu Thao, “Risk evaluation while applying SPS measures according to WTO law and the control of food safety in Vietnam”, Legal aspects of food safety and the food safety guarantee mechanism, conference, Hochiminh city University of Law, June 2016]
- H.T., “Rau, củ trái cây Trung Quốc – Từ thực phẩm chứa chất độc hại đến chiến thuật “đội lốt” hàng Việt Nam”,http://tvnn.vn/47/-/journal_content/56_INSTANCE_Y7rZ/10157/162423;jsessionid=0A3EBFA992D7C20AB69B54FD7D7C1B5A?refererPlid=10450, (website của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh) truy cập 30/5/2016 [trans: H.T., “Chinese vegetables and fruits – From toxic food to the strategy of using Vietnamese origine mention as a cloak”, http://tvnn.vn/47/-/journal_content/56_INSTANCE_Y7rZ/10157/162423;jsessionid=0A3EBFA992D7C20AB69B54FD7D7C1B5A?refererPlid=10450, (website of HCMC’s Center for Agricultural Consultancy and Support), accessed on the 30/5/2016]
- United States Agency International Development, The government of Vietnam’s Implementation of the WTO Agreement on the Application of Sanitary and Phytosanitary Measures, 2007,http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/Pnadl727.pdf, truy cập 30/5/2016
Tác giả: PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương*
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(103)/2016 – 2016, Trang 3-11
Nguồn: Fanpage Luật sư Online