Về chế định rà soát hành chính trong pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ
Tác giả: TS. Trần Thăng Long – ThS. Nguyễn Văn Tuấn
TÓM TẮT
Tiến hành rà soát hành chính hàng năm để thu thuế chống bán phá giá hồi tố là một bộ phận quan trọng trong cơ chế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bài viết này đề cập một số nội dung cơ bản về chế định rà soát hành chính trong pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ, bao gồm: khái niệm, đặc điểm, quy trình, thủ tục và những khác biệt cơ bản của chế định này với điều tra chống bán phá giá.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý từ bản án VLM FOOD TRADING INTERNATIONAL, INC. V. ILLINOIS TRADING CO., 2013 WL 816103 (N.D.ILL.2013) của Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam – ThS. Trần Thanh Tâm & ThS. Võ Thành Vinh
- Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. Steven D. Schwinn
- Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Rà soát hành chính, Chống bán phá giá, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Cơ chế rà soát hành chính chống bán phá giá
1.1. Sơ lược về quy trình chống bán phá giá của Hoa Kỳ
Các biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ được triển khai tùy thuộc vào kết quả của một quy trình điều tra chống bán phá giá, nhìn chung có thể khái quát thành 03 bước chính theo trình tự như sau: (1) các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ tiếp nhận đơn kiện của “các bên liên quan”[1] hoặc tự quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và ra thông báo bắt đầu điều tra; (2) các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ tiến hành điều tra sơ bộ và ra quyết định sơ bộ, tiến hành điều tra cuối cùng và ra quyết định cuối cùng; (3) các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ tiến hành các thủ tục rà soát lại các quyết định trước đó.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn trong đó các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động rà soát lại một cách tự động hoặc theo yêu cầu của các bên về các kết luận cuối cùng của mình. Các thủ tục này bao gồm rà soát hành chính, rà soát chống lẩn tránh thuế, rà soát hoàng hôn… Bộ Thương mại Hoa Kỳ (Department of Commerce – DOC) tiến hành rà soát hành chính để tính toán mức thuế chống bán phá giá cuối cùng phải thu đối với các lô hàng đã đóng tiền ký quỹ hay đặt cọc thuế để làm cơ sở cho cơ quan hải quan Hoa Kỳ thu thêm hoặc hoàn trả lại cho bị đơn[2]. Trong khi đó, rà soát chống lẩn tránh thuế là để xem xét mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm gần giống hoặc các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ các quốc gia khác[3]. Rà soát hoàng hôn được DOC và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (International Trade Commission – ITC) tiến hành sau 5 năm[4] kể từ ngày công bố các biện pháp chống bán phá giá cuối cùng để xem xét có tiếp tục áp dụng lệnh chống bán phá giá thêm 5 năm nữa hay không.
1.2. Cơ chế rà soát hành chính chống bán phá giá của Hoa Kỳ
Đây là một giai đoạn quan trọng trong toàn bộ quy trình chống bán phá giá của Hoa Kỳ nhằm xác định mức thuế cuối cùng mà nhà xuất khẩu phải nộp vì hành vi bán phá giá cũng như xác định mức ký quỹ (hoặc đặt cọc) cho các lô hàng xuất sang Hoa Kỳ tiếp theo. Pháp luật Hoa Kỳ hiện có các quy định chặt chẽ về rà soát hành chính chống bán phá giá. Bên cạnh đó, để hướng dẫn việc thực thi và tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ về chống bán phá giá nói chung và rà soát hành chính chống bán phá giá nói riêng, Cơ quan quản lý thương mại quốc tế (International Trade Administration – ITA) trực thuộc Bộ thương mại Hoa Kỳ đã ban hành “Hướng dẫn tuân thủ và thực thi chống bán phá giá” (thường được gọi là Antidumping Manual) được cập nhật mới nhất năm 2009, đề cập toàn bộ quy trình chống bán phá giá cũng như dẫn chiếu các quy định pháp luật của Hoa Kỳ có liên quan. Trong đó, rà soát hành chính chống bán phá giá được đề cập chủ yếu ở các chương 21 và chương 22 của hướng dẫn này[5].
Hoa Kỳ cho rằng, biên độ phá giá được quyết định trong Lệnh Áp thuế chống bán phá giá ở giai đoạn điều tra ban đầu được tính toán dựa trên các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ trong giai đoạn trước đó. Như vậy, đây không phải là các lô hàng trực tiếp phải chịu thuế chống bán phá giá[6] và biên độ phá giá trong quyết định sơ bộ hoặc ở lệnh chống bán phá giá là biên độ phá giá chung. Chính vì vậy vấn đề đặt ra cho các cơ quan phụ trách là cần phải tính toán lại biên độ phá giá cụ thể cho từng lô hàng phải trực tiếp chịu các biện pháp chống bán phá giá. Có thể hiểu rà soát hành chính chống bán phá giá là một quá trình DOC tiến hành các thủ tục hành chính theo yêu cầu của các bên có liên quan trong vụ kiện chống bán phá giá để tính toán biên độ phá giá thực tế của sản phẩm nhập khẩu là đối tượng trực tiếp của các biện pháp chống bán phá giá.
Về cơ chế rà soát hành chính chống bán phá giá, có một số vấn đề sau:
– Thứ nhất, về trình tự thủ tục tiến hành rà soát hành chính chống bán phá giá.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, hàng năm, vào ngày làm việc đầu tiên của tháng kỷ niệm (anniversary month)[7], DOC sẽ đăng trên Công báo liên bang (Federal Register) thông báo về “Cơ hội yêu cầu rà soát hành chính chống bán phá giá” (Opportunity Notice). Trên cơ sở đó, tất cả các bên có liên quan (như nguyên đơn, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu) đều có quyền yêu cầu (phải bằng văn bản) DOC tiến hành thủ tục rà soát hành chính[8]. Đơn yêu cầu phải đề cập rõ lý do, đối tượng yêu cầu rà soát. DOC chỉ tiến hành rà soát các đối tượng cụ thể được đề cập trong đơn. Thời hạn cuối cùng để DOC nhận đơn là vào ngày cuối cùng của tháng kỷ niệm. Nếu ngày này trùng với ngày nghỉ (cuối tuần hay ngày nghỉ lễ hay ngày mà DOC không làm việc), thì thời hạn cuối cùng sẽ được dời sang ngày làm việc tiếp theo ngay sau đó. Sau khi nhận đơn, DOC sẽ đăng trên Công báo liên bang về việc tiến hành thủ tục rà soát hành chính và danh sách các doanh nghiệp mà DOC sẽ tiến hành thủ tục này. Đồng thời DOC cũng gửi đến các công ty trên yêu cầu cung cấp các thông tin xác thực phục vụ cho việc rà soát[9] (thường là các bảng câu hỏi do DOC chuẩn bị sẵn). DOC sẽ cho các doanh nghiệp từ 5-6 tuần để cung cấp các thông tin cần thiết, đồng thời DOC cũng có thể tiến hành thẩm tra[10], xác minh thêm về các doanh nghiệp, nghiên cứu đối chiếu cái tài liệu thu được, tổ chức nghe điều trần của các bên[11]. Trên cơ sơ các thông tin sẵn có, DOC ra thông báo về kết quả rà soát sơ bộ[12] của đợt rà soát và đăng trên Công báo liên bang kết quả này, trong đó xác định biên độ phá giá theo tính toán ban đầu của DOC đối với từng doanh nghiệp cụ thể, đồng thời khuyến khích các bên tranh luận thêm[13] để thuyết phục DOC trước khi cơ quan này ra quyết định cuối cùng. DOC có thời gian tối đa là 245 ngày (và có thể được gia hạn thêm tối đa 120 ngày) để ra quyết định sơ bộ tính từ ngày cuối cùng của tháng kỷ niệm. Sau khi ra quyết định sơ bộ, tính từ khi quyết định này được đăng trên Công báo liên bang, DOC có thời gian tối đa là 120 ngày (và có thể gia hạn thêm 60 ngày) để ra kết quả rà soát cuối cùng[14].
Theo trình tự này, DOC có một khoản thời gian tối đa là 1 năm 6 tháng để hoàn tất một đợt POR. DOC cũng có thể đình chỉ (một phần hoặc hoàn toàn) việc thực hiện thục tục rà soát hành chính nếu rơi vào một trong bốn trường hợp sau: (1) yêu cầu rà soát của (một phần hoặc tất cả) các bên có liên quan được rút lại; (2) DOC thấy cần thiết phải đình chỉ thủ tục rà soát đối với dạng rà soát do chính DOC tự khởi xướng; (3) DOC xác định không có hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong giai đoạn DOC dự định rà soát;[15] (4) không có thông tin về các hoạt động bán hàng có thể tin cậy được (bona fide sales) của của sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ ở giai đoạn DOC dự định rà soát[16]. Với việc đình chỉ rà soát hành chính, các sản phẩm nhập khẩu (nếu có) sẽ chịu mức thuế cuối cùng bằng với mức tiền ký quỹ.
Như vậy, sau đúng một năm kể từ ngày Lệnh áp thuế chống bán phá giá được DOC công bố, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ[17] thì các bên liên quan (bao gồm các doanh nghiệp nội địa có liên quan, quốc gia có liên quan (quốc gia có nền kinh tế thị trường), tất cả các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu sản phẩm chịu lệnh chống bán phá giá) được phép gửi đơn yêu cầu DOC xem xét tính toán lại mức thuế chính thức cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ khi có quyết định sơ bộ của DOC đến lúc đệ đơn hoặc từ khi có quyết định cuối cùng của DOC đến lúc đệ đơn. Căn cứ vào yêu cầu của các bên, DOC sẽ tiến hành tính toán biên độ phá giá các sản phẩm nhập khẩu trong giai đoạn được yêu cầu rà soát và ra quyết định áp đặt mức thuế chính thức cho các sản phẩm nhập khẩu trong giai đoạn này. Ngoài ra, DOC cũng có thể tiến hành rà soát hành chính chống bán phá giá để xem xét có hay không sự vi phạm thỏa thuận đình chỉ hoặc để quyết định có nên kết thúc thỏa thuận đình chỉ hay không[18]. Tuy nhiên, do thực tiễn chống bán phá giá của Hoa Kỳ ít có những thỏa thuận đình chỉ nên việc DOC tiến hành rà soát phục vụ mục đích này rất hiếm. Có thể thấy, khi tiến hành mỗi đợt rà soát hành chính, DOC sẽ không xem xét việc có nên dỡ bỏ thuế chống bán phá giá hay không mà chỉ thực hiện một công đoạn kỹ thuật để tính toán mức thuế chống bán phá giá đúng với thực tế bán phá giá của doanh nghiệp[19].
– Thứ hai, về mục đích của rà soát hành chính.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ[20] DOC tiến hành rà soát hành chính là nhằm:
Một là, đối với thu thuế chống bán phá giá, DOC hướng đến hai mục đích cụ thể: (a) đưa ra con số cuối cùng về tiền thuế chống bán phá giá mà từng nhà xuất khẩu phải trả tương ứng với sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nằm trong thời gian tiến hành rà soát hành chính; từ đó tạo cơ sở để CBP thu thêm thuế chống bán phá giá nếu số tiền thuế được DOC tính toán cao hơn mức tiền ký quỹ hoặc hoàn thuế (có kèm lãi suất) nếu số tiền thuế được tính toán nhỏ hơn mức tiền ký quỹ; (b) thiết lập một biên độ phá giá chung cho sản phẩm của mỗi nhà xuất khẩu và cũng là tỷ lệ tiền đặt cọc mới cho các lô hàng tiếp theo của nhà xuất khẩu đó sau khi các quyết định rà soát hành chính được công bố và sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến khi hoàn thành đợt rà soát hành chính tiếp theo.Hai là, đối với áp dụng thỏa thuận đình chỉ, DOC rà soát nhằm phát hiện vi phạm của các nhà xuất khẩu trong quá trình thực hiện các cam kết của thỏa thuận đình chỉ. Trên thực tế, DOC rất ít tiến hành rà soát hành chính vì mục đích này[21].
– Thứ ba, về ý nghĩa của giai đoạn rà soát hành chính.
Rà soát hành chính có những ý nghĩa riêng đặc trưng sau:
Một là, rà soát hành chính xác lập trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với nhà xuất khẩu do thực hiện hành vi “bán phá giá” sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ từ sau khi đã có các quyết định điều tra của cơ quan hữu quan nước này về cùng loại sản phẩm và xuất xứ trước đó. Các quyết định rà soát hành chính sẽ tạo cơ sở về pháp lý và định lượng để CBP thu trực tiếp thuế chống bán phá giá từ nguồn tiền ký quỹ của nhà xuất khẩu, cũng như định lượng số tiền đặt cọc phải thu tiếp theo đối với các lô hàng nhập khẩu đã đề cập.
Hai là, có thể xem rà sát hành chính là cơ hội để các bên (bên khởi kiện bán phá giá và bên bị kiện bán phá giá) biện hộ nhằm đạt được mức thuế chống bán phá giá có lợi nhất cho mình. Đối với bên khởi kiện (các doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ), rà soát hành chính nhằm thuyết phục DOC áp mức thuế chống bán phá giá cao cho nhà xuất khẩu nước ngoài. Đối với bên bị kiện, rà soát hành chính là nhằm thuyết phục DOC giảm mức thuế chống bán phá giá càng nhiều càng tốt. Cụ thể là sau giai đoạn điều tra ban đầu (bước 2 trong toàn bộ quy trình chống bán phá giá), đây sẽ là cơ hội tiếp theo để từng nhà xuất khẩu cung cấp các chứng cứ bảo vệ lợi ích của mình hay nói cách khác là cho họ cơ hội để yêu cầu giảm thiểu nghĩa vụ thuế và được hoàn tiền ký quỹ (được thành toán lãi suất)[22].
Ba là, các đợt rà soát hành chính cũng tạo ra cơ hội để các nhà xuất khẩu được DOC xem xét hủy bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá. Mục tiêu này có thể thể đạt được nếu trong 03 lần rà soát hành chính liên tiếp một nhà xuất khẩu được DOC tính toán biên độ phá giá mức thấp hơn 0,5%, chuẩn tối thiểu (de minimis net), được pháp luật Hoa Kỳ xác định là biên độ phá giá không đáng kể trong rà soát hành chính[23] và áp mức thuế chống bán phá giá bằng không (=0). Nói một cách khác, khi cả trong 03 lần rà soát hành chính liên tiếp mức thuế chống bán phá đối với nhà xuất khẩu được quyết định là bằng “không”, DOC sẽ xem xét hủy bỏ lệnh chống bán phá giá đối với nhà xuất khẩu đó[24].
Cuối cùng, các kết quả rà soát hành chính là căn cứ cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại ở nước xuất khẩu tính toán thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nhằm đạt mức ký quỹ phù hợp với chiến lược kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ. Nếu kết quả rà soát quy định mức ký quỹ chung cho các doanh nghiệp nước xuất khẩu thấp, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp mới sang thị trường Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hơn dựa trên sự cân đối về vốn.
2. Một số điểm khác biệt giữa rà soát hành chính và điều tra chống bán phá giá
Trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá (giai đoạn điều tra ban đầu), một phần trong hoạt động của các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ cũng là tiến hành thu thập thông tin, đánh giá, tính toán biên độ phá giá để từ đó quyết định mức thuế chống bán phá giá cho hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Về hình thức, các thủ tục rà soát hành chính do DOC tiến hành bao gồm các hoạt động tương tự mà cơ quan này tiến hành trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá[25] như: gửi bản câu hỏi đến các bên có liên quan, tiến hành xác minh thực tế nếu cần thiết, tổ chức phiên điều trần nếu có yêu cầu, tính toán biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá… Tuy nhiên, có những khác biệt nhất định trong các hoạt động này ở giai đoạn điều tra và giai đoạn tiến hành rà soát hành chính. Thậm chí, tồn tại rất nhiều khác biệt trong các thủ tục và cách phân tích của DOC[26]. Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, về chủ thể tiến hành
Nếu giai đoạn điều tra ban đầu cần có sự tiến hành của cả 2 cơ quan là DOC và ITC thì giai đoạn rà soát hành chính chỉ có một chủ thể tiến hành là DOC[27]. Điều này cũng đồng nghĩa với việc DOC có toàn quyền trong các quyết định ở giai đoạn rà soát hành chính mà không chịu ảnh hưởng từ bất cứ cơ quan nào khác. Cần khẳng định lại rằng rà soát hành chính chỉ là việc tính toán biên độ phá giá đối với các lô hàng nhập khẩu mà không xem xét lại về thiệt hại (hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng) đối với nền sản xuất nội địa[28]. Việc chỉ có một mình DOC tiến hành điều tra, đánh giá trong giai đoạn rà soát hành chính, ở khía cạnh tố tụng, sẽ giúp cho các bên có liên quan tập trung cung cấp các thông tin chứng cứ để thuyết phục DOC đưa ra các quyết định có lợi cho mình. Trong khi đó, ở giai đoạn điều tra ban đầu, xuất phát từ việc có 2 cơ quan cùng tham gia (ITC điều tra về thiệt hại, DOC điều tra về hành vi bán phá giá), các quyết định sơ bộ và quyết định cuối cùng của DOC trong giai đoạn này có mối liên hệ chặt chẽ với các quyết định của ITC.
– Thứ hai, về đối tượng tiến hành rà soát/ điều tra
Đối tượng mà DOC rà soát hành chính và đối tượng mà DOC điều tra trong giai đoạn điều tra ban đầu là hoàn toàn khác nhau. Trong giai đoạn điều tra ban đầu, đối tượng để DOC tiến hành điều tra là các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ ngày trước tháng các doanh nghiệp nội địa nộp đơn khởi kiện hoặc DOC bắt đầu tự điều tra bán phá giá[29]. Thực chất, các lô hàng này không bị áp thuế chống bán phá giá mà chỉ là đối tượng để DOC quyết định mức ký quỹ cho các lô hàng tiếp theo. Ngược lại, trong giai đoạn rà soát hành chính, DOC chỉ xem xét các lô hàng xuất sang Hoa Kỳ sau khi có quyết định điều tra sơ bộ và việc đánh giá các lô hàng này đi kèm với quyết định về mức thuế cụ thể đối với từng lô hàng được xem xét. Một điểm khác biệt nữa là trong giai đoạn điều tra ban đầu, diện đối tượng DOC tiến hành điều tra rộng hơn (gần như toàn bộ các lô hàng nhập khẩu). Trong khi đó, ở các kỳ rà soát, DOC chỉ tiến hành xem xét các lô hàng của các nhà xuất khẩu theo yêu cầu rà soát, và không xem xét các nhà xuất khẩu không có yêu cầu rà soát[30]. Có thể nói, điều tra ban đầu thực chất là điều tra bán phá giá đối tượng gián tiếp vì có nghĩa vụ khắc phục hậu quả đối với hành vi bán phá giá. Rà soát hành chính mới là điều tra bán phá giá đối tượng trực tiếp và phải khắc phục hậu quả đối do hành vi bán phá giá của mình gây ra. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất của rà soát hành chính so với điều tra ban đầu.
– Thứ ba, một số khác biệt đáng chú ý khác
+ Một là, về căn cứ tiến hành: Nếu điều tra chống bán phá giá được khởi xướng bởi chính DOC hoặc nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa) thì trong rà soát hành chính DOC chỉ phải tiến hành thủ tục này có khi yêu cầu của bị đơn (các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài bị áp thuế chống bán phá giá). Mặc dù DOC có thể tự tiến hành rà soát hành chính nhưng cơ quan này không buộc phải tự động rà soát hành chính theo định kỳ hàng năm. Có thể thấy, căn cứ tiến hành giai đoạn điều tra ban đầu bắt nguồn từ quyền lợi của phía Hoa Kỳ thì (thông thường) khởi nguồn của rà soát hành chính lại xuất phát từ yêu cầu đòi quyền lợi của các nhà xuất khẩu nước ngoài.
+ Hai là, về giá trị pháp lý của quyết định điều tra sơ bộ trong giai đoạn điều tra ban đầu và kết quả rà soát sơ bộ trong giai đoạn rà soát hành chính: Quyết định điều tra sơ bộ ngay lập tức sẽ buộc các nhà xuất khẩu (hoặc nhà nhập khẩu, tùy theo dạng hợp đồng) bắt đầu đóng tiền ký quỹ tương ứng cho các lô hàng xuất vào thị trường Hoa Kỳ kể từ thời điểm quyết đinh sơ bộ được công bố. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng kinh tế đến các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, không giống như quyết định điều tra sơ bộ, kết quả rà soát sơ bộ không có ảnh hưởng kinh tế. Các kết quả rà soát sơ bộ không làm thay đổi tỷ lệ ký quỹ hoặc nghĩa vụ thuế. Nó chỉ là một quyết định tạm thời với mục đích cung cấp các cơ hội cho các bên có liên quan góp ý về quyết định của DOC.
+ Ba là, về biên độ phá giá không đáng kể (de minimis margins): Việc quy định biên độ phá giá không đáng kể có ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Theo đó, nếu biên độ phá giá của sản phẩm nhập khẩu được DOC tính toán nằm trong mức được xác định thuộc biên độ phá giá không đáng kể thì dù sản phẩm nhập khẩu có được xác định là có bán phá giá, nước nhập khẩu vẫn không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá (trong đó có hình thức áp thuế chống bán phá giá). Trong giai đoạn điều tra ban đầu, Hoa Kỳ áp dụng biên độ phá giá không đáng kể ở mức dưới 2%[31]. Nghĩa là nếu DOC tính toán biên độ phá giá chung cho sản phẩm nhập khẩu bị điều tra đạt mức dưới 2% thì sẽ không áp dụng các biện phá chống bán phá giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn rà soát hành chính, như đã trình bày ở trên, biên độ phá giá không đáng kể được luật pháp Hoa Kỳ quy định là ở mức dưới 0,5%.
3. Kết luận
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay, đối với các nước được Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong các vụ kiện bán phá giá như Việt Nam, Trung Quốc… tỷ lệ bị áp lệnh chống bán phá giá sau giai đoạn điều tra ban đầu là là 100%. Từ đó, Hoa Kỳ tiến hành áp dụng các thủ tục để thu thuế chống bán phá giá, khoản thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu thông thường của hàng hóa. Chính vì vậy, đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, sau quá trình điều tra ban đầu và áp lệnh chống bán phá giá tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đối diện với việc DOC tiến hành các kỳ rà soát hành chính đối với 8 loại sản phẩm: phi lê cá da trơn; tôm nước ấm đông lạnh; lò xo không bọc, túi nhựa PE, mắc áp thép, tuabin điện gió, ống thép không gỉ chịu lực, ống thép dẫn dầu và nhiều khả năng sản phẩm tiếp theo sẽ là đinh thép (Hoa Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá từ tháng 6/2014)[32].
Kinh nghiệm thực tiễn từ vụ Cá da trơn và vụ Tôm nước ấm đông lạnh cho thấy, khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ hủy lệnh chống bán phá giá đối với các sản phẩm còn lại. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ buộc phải tính toán để thường xuyên đối mặt với các kỳ rà soát hành chính hàng năm như là đối mặt với một biện pháp bảo hộ thương mại tinh vi và chặt chẽ của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh hiện tại, Hoa Kỳ vẫn đang nổi lên là thị trường xuất khẩu hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc đối phó với các kỳ rà soát hành chính là một vấn đề nan giải và nhiều rủi ro khi mà mức thuế chống bán phá giá có thể thường xuyên thay đổi theo từng năm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có nhận thức thấu đáo về vấn đề này, từ quy trình kỹ thuật đến cách tiếp cận chung của DOC để chủ động đối phó với từng kỳ rà soát hành chính. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh phải chịu thiệt thòi do “thiếu hiểu biết” trong việc hợp tác cung cấp các chứng cứ mà DOC yêu cầu, để mất thời cơ yêu cầu hủy lệnh chống bán phá giá do đạt được 3 lần liên tiếp biên độ phá giá mức de minimis[34] hay đảm bảo được cấp quy chế tỷ lệ riêng biệt SR[33]…
Trên thực tế, việc DOC tiến hành rà soát hành chính chống bán phá giá với sản phẩm xuất khẩu của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng vào thị trường Hoa Kỳ đã bị nhiều nước (trong đó có Việt Nam) kiện ra WTO; các doanh nghiệp kiện quyết định của DOC ra Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) hay tòa phúc thẩm (CAFC) và đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Nguyên nhân là do trong các quy định và việc áp dụng của DOC có những bất cập như việc đối xử với nền kinh tế phi thị trường, áp dụng phương pháp quy về không (zeroing)… Tuy nhiên, chi phí cho các vụ kiện này thường rất lớn vì phải thuê luật sư nước ngoài trong khi lợi ích các doanh nghiệp đạt được hiện không nhiều như mong đợi[35] cũng là vấn đề cần được cân nhắc tính toán kỹ lưỡng dựa trên sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan hữu quan của nhà nước.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, P. Trưởng Bộ môn Anh văn Pháp lý, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
* Học viên Cao học luật quốc tế K.18, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ sản xuất các sản phẩm tương tự với sản phẩm bị kiện; công đoàn, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm tương tự sản phẩm bị kiện.
[2] Khác với phương pháp thu thế chống bán phá giá được định cho giai đoạn tương lai của nhiều nước (như Canada, Liên minh châu Âu…), Hoa Kỳ áp dụng cách thu thuế chống bán phá giá dựa trên cơ sở hồi tố (retrospective duty assessment system).
[3] Năm 2008, DOC đã khởi xướng rà soát chống lẫn tránh thuế sản phẩm lò xo không bọc của Việt Nam trên cơ sở điều tra gốc đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và áp mức thuế chống bán phá giá 116,31%.
[4] Do hiệu lực của lệnh chống bán phá chỉ có giá trị trong vòng 5 năm.
[5] Bản mới nhất được cập nhật ngày 13 tháng 10 năm 2009.
[6] Atidumping Manual, chương 21, footnote 1.
[7] Tháng mà lệnh áp dụng thuế chống phá giá (hoặc thỏa thuận đình chỉ) của DOC được công bố.
[8] 19 CFR 351.213.
[9] 19CFR 351.221 (b) (2).
[10] Xem thêm các hình thức thẩm tra thông tin của DOC tại 19 CFR 351.307.
[11] WHITE AND CASE LLP YKVN, “Luật chống phá giá của Hoa Kỳ: ngành thủy sản Việt Nam cần biết gì?”, YKVN- Anti-Dumping _2004 tr. 66.
[12] Kết quả rà soát sơ bộ không làm thay đổi tỷ lệ ký quỹ hoặc nghĩa vụ thuế. Nó chỉ là một quyết định tạm thời với mục đích cung cấp các cơ hội cho các bên có liên quan góp ý.
[13] 19 CFR 351.309 – Written argument.
[14] 19 CFR 351.213 (h) (1)(2).
[15] 19 CFR 351.213 d (1), (2), (3).
[16] Đây là trường hợp xuất phát từ án lệ tại Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) xét xử vụ công ty Windmill international PTE., LTD. (chuyên xuất khẩu tấm thép carbon từ Rumari sang Hoa Kỳ) kiện quyết định đình chỉ rà soát hành chính của DOC đối với công ty này giai đoạn từ 1/8/1996 đến 31/7/1997 (Xem thêm tại 63 RF 47232). Trong quyết định cuối cùng, CIT cho rằng DOC đã hành động đúng khi quyết định đình chỉ rà soát hành chính với lý do thiếu thông tin về hoạt động bán hàng có thể tin cậy được và bác đơn của công ty Windmill. (Vụ kiện Windmill Int›l Pte., Ltd. v. United States, 26 CIT 221, 222, 193 F. Supp. 2d 1303, 1305 (2002) ). Cụm từ bona fide với nghĩa như trên bắt nguồn từ quyết định của CIT trong vụ kiện PQ Corporation v. United States, 652 F. Supp. 724, 729 (CIT 1987).
[17] 19 CFR, § 351.213, b (1).
[18] US Antidumping Manual, Chương 21, mục I.
[19] Vũ Thị Phương Lan, Pháp Luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia 2012, tr. 194.
[20] 19 U.S.C § 1675 (a) (2)
[21] Ban hội thẩm của WTO trong vụ kiện DS382 cho rằng rà soát hành chính chống bán phá giá của Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích (1), xem thêm tại WT/DS382/R đoạn 7.83. Các vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam không có thỏa thuận đình chỉ, mặc dù 2 bên đã đàm phán về vấn đề này nhưng thất bại, xem thêm tại: Federal Register / Vol. 68, No. 120 / Monday, June 23, 2003 / Notices đối với Vụ kiện Cá da trơn.
[22] Lê Thị Ánh Nguyệt (2009), Pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ và tác động đối với Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 50-52.
[23] 19CFR 351.106 (c) (2).
[24] 19 CFR 351.222 (b) (1) (i).
[25] 19 CFR 351.221 (a).
[26] US Antidumping manual, Lời mở đầu chương 22, 2009.
[27] Hỏi đáp về pháp luật chống bán phá giá WTO-Hoa Kỳ-EU, VCCI, Hà Nội 2009, tr. 123.
[28] Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, hội đồng tư vấn về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cẩm nang kháng kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Hoa Kỳ, tr. 83.
[29] Tại quy định ở 19 CRF 351.204 (b) (1), pháp luật hoa Kỳ quy định đối tượng để điều tra chống bán phá giá là các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ liền trước tháng mà các doanh nghiệp nội địa gửi đơn yêu cầu điều tra hoặc DOC tự khởi xướng điều tra bán phá giá 04 quý liên tiếp đối với các nền kinh tế thị trường và 2 quý liên tiếp đối với nền kinh tế phi thị trường. Trong vụ kiện bán phá giá một số sản phẩm Phi lê cá đông lạnh của Việt Nam, DOC chọn các lô hàng nhập khẩu trong giai đoạn từ 01/10/2001 đến 31/3/2002 (2 quý liên tiếp) để điều tra.
[30] WHITE AND CASE LLP YKVN, “Luật chống phá giá của Hoa Kỳ: ngành thủy sản Việt Nam cần biết gì?”, YKVN- Anti-Dumping _2004, Chương 7.
[31] 19 U.S.C. § 1673b (b) (3).
[32] Xem thêm tại “Thống kê các vụ kiến chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đến 30/9/2014” nguồn http://chongbanphagia.vn/tonghopsolieu/20141010/thong-ke-cac-vu-kien-cbpg-doi-voi-hang-xuat-khau-viet-nam-tinh-den-3092014-0,.cập nhật ngày 11/2/2015.
[33] Theo VASEP, đây là trường hợp từng xảy ra đối với công ty Vĩnh Hoàn trong vụ Tôm nước ấm đông lạnh.
[34] Doanh nghiệp Việt Nam được nhận quy chế này sẽ được tính biên độ phá giá bằng bình quân gia quyền biên độ phá giá của các bị đơn bắt buộc mà không phải chịu biên độ phá giá chung toàn quốc áp dụng dựa trên việc đối xử với nền kinh tế phi thị trường, với tỷ lệ thường rất cao.
[35] Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, cho đến nay kết quả trên thực tế của vụ kiện Tôm 1 tại WTO không mang lại những lợi ích cụ thể, chủ yếu là để học tập kinh nghiệm.
- Tác giả: TS. Trần Thăng Long – ThS. Nguyễn Văn Tuấn
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03 (88)/2015 – 2015, Trang 74-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý