Giá trị pháp lý của UCP và tính độc lập của L/C
Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại
TÓM TẮT
Việc thanh toán qua L/C rất phổ biến trong thương mại quốc tế. Bài viết làm rõ giá trị pháp lý của UCP tại Việt Nam cũng như tính độc lập của L/C so với hợp đồng mua bán được thể hiện trong án lệ số 13/2017.
Xem thêm:
- Bình luận án lệ 12/2017/AL: Xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa – ThS. Huỳnh Quang Thuận
- Bình luận án lệ 04/2016/AL: Về sự ưng thuận trong giao dịch dân sự – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Ngô Thị Anh Vân
- Bình luận án lệ số 09/2016/AL – Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Bình luận án lệ 26/2018/AL: Thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với thừa kế mở trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2015 – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
TỪ KHÓA: Bình luận án lệ,
Án lệ số 13/2017
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 17/2016/KDTM-GĐT ngày 10/11/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên A (do ông Nguyễn Duy T làm đại diện theo ủy quyền) với bị đơn Công ty B; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Ngân hàng thương mại cổ phần E (do ông Hứa Anh K làm đại diện theo ủy quyền) và Ngân hàng N (do bà Nguyễn Thị V làm đại diện theo ủy quyền).
Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 34 và Đoạn 36 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
– Tình huống án lệ:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại Quốc tế) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định thư tín dụng (L/C) không bị mất hiệu lực thanh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng (L/C) bị hủy bỏ.
Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ:
– Điều 3 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (tương ứng với Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015);
– Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26-3-2002 của Ngân hàng Nhà nước về “Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”;
– Bản sửa đổi về quy tắc thực hành thống nhất tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại quốc tế.
Từ khóa của án lệ:
“Thư tín dụng”; “L/C”; “UCP 600”; “Tập quán thương mại quốc tế”; “Hợp đồng”; “Mua bán hàng hóa”; “Mua bán hàng hóa quốc tế”; “Hợp đồng bị huỷ bỏ”.
——-
NỘI DUNG ÁN LỆ
“[34] Như vậy, theo đơn đề nghị mở L/C của Bên mua và nội dung L/C đã phát hành thì L/C số 1801 là một giao dịch riêng biệt đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07-6-2011; được chi phối và áp dụng theo UCP 600. Theo quy định của UCP 600, Ngân hàng E với tư cách là Ngân hàng phát hành phải thanh toán khi xác định bộ chứng từ xuất trình là phù hợp tại Ngân hàng…
[36]…Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng phương thức thanh toán bằng L/C số 1801 là một phần không thể tách rời của Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07/6/2011; do vậy, khi hợp đồng này bị hủy toàn bộ thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; từ đó quyết định L/C số 1801 không còn hiệu lực thanh toán và Ngân hàng E không có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng N theo L/C nêu trên; đồng thời buộc Ngân hàng E phải trả cho bên mua số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với các quy định tại UCP 600”.
BÌNH LUẬN
1. Dẫn nhập
Trong năm 2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua được 10 án lệ (án lệ số 01/2016/AL đến án lệ số 10/2016/AL) trong đó án lệ 09 xuất phát từ đề nghị của phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và đã được giới thiệu trên Tạp chí này.[1] Vào tháng 12/2017, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua thêm 06 án lệ mới (án lệ số 11/2017/AL đến án lệ số 16/2017/AL) trong đó cũng có 01 án lệ xuất phát từ đề nghị của phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và đó chính là án lệ số 13/2017/AL (viết tắt là án lệ số 13) được bình luận trong khuôn khổ của bài viết này.
Đây là một trong các án lệ được Hội đồng thẩm phán thông qua một cách dễ dàng (không đòi hỏi phải thảo luận nhiều so với các án lệ khác) vì đã có sự chuẩn bị về cơ sở khoa học tại Hội thảo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, tại Phiên họp Hội đồng tư vấn án lệ ở Hà Nội cũng như tại Phiên họp thông qua án lệcủa Hội đồng thẩm phán. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau nghiên cứu tình tiết hình thành án lệ số 13: Công ty A (gọi tắt là Bên mua-Việt Nam) và Công ty B (gọi tắt là Bên bán-Nước ngoài) ký hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo phương thức thanh toán 98% L/C. Bên mua đã yêu cầu Ngân hàng E mở L/C số 1801 nhưng, sau khi nhận hàng, Bên mua đã kiểm tra và phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Do không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Bên bán, Bên mua khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh buộc Bên bán nhận lại lô hàng, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Ngân hàng E tạm ngưng thanh toán cho Bên bán số tiền 1.313.308,85 USD của L/C số 1801. Kế tiếp, Bên mua khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mua bán, đồng thời yêu cầu hủy bỏ L/C số 1801. Tại cấp sơ thẩm, Tòa án đã hủy bỏ hợp đồng mua bán, quyết định L/C số 1801 do Ngân hàng E phát hành không còn hiệu lực thanh toán (Ngân hàng E không có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng N theo L/C 1801 do Ngân hàng E phát hành) đồng thời tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho phép Ngân hàng E thanh toán cho Ngân hàng N trên cơ sở L/C số 1801. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã đình chỉ xét xử và bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành.
Trên cơ sở kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 17/2016/KDTM-GĐT ngày 10/11/2016 hủy Quyết định phúc thẩm và Bản án sơ thẩm. Cuối cùng, một số nội dung của Quyết định này được phát triển thành án lệ số 13. Thực tế, trong 17 án lệ được thông qua cho đến hết năm 2017, đây là Án lệ duy nhất liên quan đến thương mại quốc tế và cụ thể là liên quan đến thanh toán quốc tế bằng L/C (tín dụng thư). Ở khía cạnh pháp lý, án lệ số 13 làm rõ hai vấn đề đáng lưu ý sau: Ghi nhận giá trị áp dụng của UCP (tiếng Anh là The Uniform Customs and Practice for Documentary Credits, dịch sang tiếng Việt là Quy tắc và Thực hành thống nhất thư tín dụng) và nhất là khai thác tính độc lập của L/C so với hợp đồng mua bán.[2]
I. Ghi nhận giá trị áp dụng của UCP tại Việt Nam
2. Nội dung thể hiện việc áp dụng UCP
UCP là bộ các quy định về việc ban hành và sử dụng thư tín dụng hay tín dụng thư (L/C) và bộ quy định này được các ngân hàng, các bên tham gia thương mại áp dụng ở trên 175 quốc gia. Trên thực tế, bộ quy định này đã được Phòng thương mại quốc tế (ICC) tiêu chuẩn hóa thông qua việc xuất bản UCP năm 1933 và tiếp theo đó là cập nhật qua các năm.
Trong án lệ số 13, chúng ta thấy nội dung thể hiện việc áp dụng UCP 600. Cụ thể, tại đoạn 34 của Quyết định được phát triển thành án lệ số 13, chúng ta thấy nêu “áp dụng theo UCP 600”. Tương tự, tại đoạn 36 của Quyết định trên, được phát triển thành án lệ số 13 chúng ta thấy khẳng định “chưa đủ cơ sở và chưa đúng với các quy định tại UCP 600”. Như vậy, án lệ số 13 đã thừa nhận giá trị áp dụng của UCP 600 tại Việt Nam. Ở đây, án lệ ghi nhận giá trị áp dụng của UCP 600 nhưng vì như đã nêu Bộ quy định này được cập nhật thường xuyên nên những phân tích dưới đây cũng có nguyên ý nghĩa đối với các phiên bản khác nhau của UCP.
Câu hỏi đặt ra là trên cơ sở nào UCP được thừa nhận áp dụng tại Việt Nam? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng nhau xem xét bản chất pháp lý của UCP.
3. Một dạng tập quán quốc tế
UCP là bộ quy định trong thương mại quốc tế được Phòng thương mại quốc tế (ICC) tiêu chuẩn hóa. Ở khía cạnh pháp lý, “đây không là pháp luật của một nước”.[3] Trên thế giới, Bộ quy tắc trên được xác định là tập quán thương mại quốc tế. Ở Pháp, cả học lý và án lệ đều thừa nhận UCP là một loại tập quán thương mại quốc tế. Theo Marie Tilche: “Bản quy tắc này có giá trị như tập quán”[4] và Tòa phúc thẩm Versailles đã từng nhận định rằng: “Bản quy tắc và thực hành thống nhất về thư tín dụng do ICC ấn hành năm 1993 có giá trị như luật tập quán” .[5] Thực ra, trước đó, Tòa Thương mại Paris đã khẳng định “các quy tắc này không có cùng giá trị ràng buộc của luật nhưng nó thể hiện tập quán và, nhất là trong lĩnh vực thương mại, là nguồn của pháp luật với vai trò là chúng được áp dụng khi các bên không có thỏa thuận rõ ràng áp dụng chúng”.[6]
Tại Việt Nam, theo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, “tập quán thương mại quốc tế là thông lệ, cách làm lặp đi, lặp lại nhiều lần trong buôn bán quốc tế và được các tổ chức quốc tế có liên quan thừa nhận”[7]. Như vậy, để được coi là “tập quán thương mại quốc tế” thì những quy phạm phải được “lặp đi, lặp lại nhiều lần” và “được các tổ chức quốc tế có liên quan thừa nhận”. Bản nguyên tắc UCP nói trên thỏa mãn hai điều kiện vừa nêu. Thứ nhất, đó là những nguyên tắc lặp đi, lặp lại trong thực tế; thứ hai được Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thừa nhận. Trong thực tế, việc thừa nhận UCP là tập quán cũng được đề cập trong một số tài liệu ở Việt Nam[8] và Tòa án Việt Nam cũng đã thừa nhận bản nguyên tắc này là tập quán quốc tế. Chẳng hạn, liên quan đến một tranh chấp giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam, Tòa án đã áp dụng Điều 1, Điều 3, UCP 500 và trong phần Quyết định có nêu căn cứ là khoản 4 Điều 759 BLDS năm 2005 và khoản 1 và 2 Điều 5 Luật thương mại Việt Nam[9] và đây là những quy định ghi nhận khả năng áp dụng tập quán quốc tế mà chúng ta sẽ thấy ở đoạn sau.
Việc coi bộ quy tắc UCP là tập quán cũng phù hợp với BLDS 2015 vì khoản 1 Điều 5 BLDS năm 2015 (được nêu trong phần Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ trong án lệ số 13) khẳng định “tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”.
4. Trường hợp thỏa thuận áp dụng tập quán
Trong nhiều thư tín dụng (L/C), các bên có nêu áp dụng Bản quy tắc về thư tín dụng (UCP). Chẳng hạn, trong một thư tín dụng được mở vào tháng 8/2007 giữa người thụ hưởng là một công ty Việt Nam và người phải thanh toán là một công ty nước ngoài chúng ta có thấy nêu trong mục “quy phạm áp dụng” là “phiên bản mới nhất của Bản quy tắc về thư tín dụng”. Tương tự, trong một thư tín dụng được mở vào tháng 8/2007 với người thụ hưởng là một công ty Hồng Kông và người phải thanh toán là một công ty Việt Nam chúng ta thấy ở mục “quy phạm áp dụng” là “thư tín dụng này chịu sự điều chỉnh của UCP 500”. Trong vụ việc phát triển thành án lệ, L/C số 1801 với nội dung “L/C trả chậm mở theo UCP 600”. Điều đó có nghĩa là các bên liên quan đã thỏa thuận áp dụng UCP.
Khi các bên chọn tập quán như vừa nêu thì sự lựa chọn đó có ràng buộc các bên và cơ quan tài phán không? Một số văn bản hiện hành ghi nhận thỏa thuận của các bên về áp dụng tập quán quốc tế. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hàng hải năm 2015, các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng. Tương tự, theo khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại năm 2005, “các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Những quy định vừa rồi “rõ ràng” cho phép các bên chọn tập quán quốc tế. BLDS năm 2005 có hiệu lực tại thời điểm ban hành quyết định giám đốc thẩm là nguồn gốc của án lệ cũng “ngầm” cho phép sự lựa chọn này. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 769 BLDS năm 2005: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Ở đây chúng ta áp dụng pháp luật nơi thực hiện hợp đồng “nếu không có thỏa thuận khác” và khi các bên chọn tập quán quốc tế thì đây là một “thỏa thuận khác”. Điều đó có nghĩa là khi các bên chọn tập quán, theo BLDS năm 2005, chúng ta tôn trọng sự lựa chọn của các bên và hướng này được ghi nhận cụ thể hơn trong BLDS năm 2015 tại Điều 666 theo đó “các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này”. Thực tế, tại khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được nêu trong Quyết định là nguồn của án lệ số 13) cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm: Tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế ban hành”.
Với quy định trên, tập quán quốc tế có thể là nguồn điều chỉnh theo ý chí của các bên như trong vụ việc hình thành án lệ. Tuy nhiên, việc áp dụng tập quán mà các bên thỏa thuận là có điều kiện, bản thân sự thỏa thuận của các bên chưa đủ để được áp dụng tại Việt Nam. Cụ thể, Luật Thương mại có hiệu lực tại thời điểm ban hành quyết định là nguồn của án lệ nêu trên đã nêu rõ điều kiện là nếu “tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Luật Tổ chức tín dụng được nêu trong quyết định tạo lập án lệ số 13 cũng theo hướng này khi quy định “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm: Tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại quốc tế ban hành; tập quán thương mại khác không trái với pháp luật Việt Nam”. Điều kiện vừa nêu tiếp tục được duy trì trong văn bản khác như đoạn 2 Điều 666 BLDS năm 2015 theo đó “nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”. Quyết định giám đốc thẩm là nguồn của án lệ số 13 đã áp dụng tập quán UCP 600 để điều chỉnh quan hệ giữa các bên và Nội dung án lệ số 13 thừa nhận điều này chứng tỏ rằng UCP 600 (và đương nhiên cả những phiên bản trước đó của UCP) đã đủ điều kiện để áp dụng tại Việt Nam, tức không “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Thực ra, trước việc chưa có một quy định nào khẳng định rõ UCP không trái với với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điểm đóng góp của án lệ số 13 chính là khẳng định một cách chính thức rằng UCP đủ điều kiện được áp dụng ở Việt Nam khi các bên thỏa thuận áp dụng UCP. Việc khẳng định một cách danh chính rằng nội dung của UCP không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam tạo niềm tin cho những chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, nhất là vào loại công cụ thanh toán quốc tế đang được xem xét. Sở dĩ chúng tôi cho rằng việc khẳng định trong án lệ số 13 như trên tạo niềm tin cho những chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế vì khái niệm “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” đã gây quá nhiều hoang mang cho họ trong thời gian vừa qua khi có quá nhiều phán quyết trọng tài bị hủy hay không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam với lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.[10]
5. Trường hợp không thỏa thuận áp dụng tập quán
Có thể xảy ra trường hợp các bên không thỏa thuận án dụng UCP để điều chỉnh L/C và câu hỏi đặt ra là UCP đó có được áp dụng không? Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng “câu hỏi rất hiếm khi được đặt ra. Trong thực tế, việc thư tín dụng không viện dẫn tới quy định của ICC là rất ngoại lệ”.[11]
Theo pháp luật Việt Nam, tập quán quốc tế còn có thể là nguồn điều chỉnh khi các bên không thỏa thuận về vấn đề áp dụng. Bởi lẽ, theo khoản 4 Điều 759 BLDS năm 2005: “Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định tương tự đã tồn tại ở khoản 3 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Theo đó, “trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Khoản 2 Điều 5 BLDS năm 2015 (được nêu trong phần Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ trong án lệ số 13) cùng theo hướng vừa nêu với nội dung “trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
Với quy định trên, việc áp dụng tập quán quốc tế trong đó có UCP không đương nhiên mà là có điều kiện. Thứ nhất, chỉ khi vấn đề cần giải quyết không được Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định. Thứ hai, chỉ khi vấn đề cần giải quyết không được hợp đồng giữa các bên điều chỉnh. Thứ ba, việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.Thực tế, đối với điều kiện thứ nhất và thứ hai, chúng ta không gặp khó khăn. Đối với điều kiện thứ ba, chúng ta đã thấy tác động của việc án lệ số 13 vận dụng thực tế UCP giúp khẳng định UCP không trái với với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nên UCP sẽ được áp dụng ngay cả khi các bên không thỏa thuận áp dụng UCP.
II. Vận dụng tính độc lập của L/C theo quy định của UCP
6. Ghi nhận tính độc lập của L/C
Tín dụng thư hay thư tín dụng (L/C) không sinh ra vì nó mà sinh ra vì có một quan hệ khác và quan hệ khác đó thông thường là hợp đồng mua bán như trong vụ việc hình thành án lệ số 13. Điều đó có nghĩa là bên cạnh tín dụng thư luôn có một quan hệ khác và chúng ta quan tâm tới mối quan hệ giữa tín dụng thư và quan hệ khác này.
Trong vụ việc hình thành án lệ số 13, Tòa án cấp sơ thẩm theo hướng hai quan hệ này không thể tách rời nhau khi xét rằng “phương thức thanh toán bằng L/C trả chậm số 1801ILUEIB110002 do E – chi nhánh Đ phát hành ngày 07/7/2011 là một phần không thể tách rời của hợp đồng mua bán, L/C được lập trên cơ sở hợp đồng mua bán (điều khoản thanh toán tiền hàng bằng L/C là một phần không tách rời của hợp đồng mua bán). Theo Điều 8 của Hợp đồng, Bên mua và Bên bán thỏa thuận phương thức thanh toán là mở L/C trả chậm 90 ngày kể từ ngày xuất trình bộ chứng từ hợp lệ tại Ngân hàng N. Tại Tòa, Bên mua xác định việc thỏa thuận trả chậm 90 ngày kể từ ngày nhận hàng để có thời gian cho các bên yêu cầu tổ chức giám định kiểm tra về chất lượng hàng hóa và tìm ra phương thức giải quyết. Như phân tích trên, Hợp đồng mua bán hàng hóa đã bị hủy bỏ toàn bộ do Bên bán vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng, nên theo qui định tại khoản 1 Điều 314 Luật Thương mai thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do Bên bán chưa hoàn thành nghĩa vụ giao hàng nên Bên mua chưa có nghĩa vụ phải thanh toán tiền hàng cho Bên bán theo qui định tại khoản 1 Điều 314 Luật Thương mại. Nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của Bên mua chưa phát sinh nên nghĩa vụ của người bảo lãnh là Ngân hàng E cũng chưa phát sinh, tức làL/C trả chậm số 1801ILU cũng không thể được thanh toán cho người thụ hưởng là Bên bán”. Về phía mình, sau khi phân tích các quy định liên quan, cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam đã khẳng định tính độc lập của L/C so với hợp đồng mua bán và cả hai yếu tố này đã được phát triển thành án lệ. Thứ nhất, Hội đồng thẩm phán phủ nhận tính không thể tách rời hai giao dịch này với nhận xét “Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng phương thức thanh toán bằng L/C số 1801 là một phần không thể tách rời của hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07/6/2011; do vậy, khi hợp đồng này bị hủy toàn bộ thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; từ đó quyết định L/C số 1801 không còn hiệu lực thanh toán và E không có nghĩa vụ thanh toán cho N theo L/C nêu trên; đồng thời buộc E phải trả cho bên mua số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với các quy định tại UCP 600”; thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao khẳng định tính độc lập của tín dụng thư với nhận xét “theo đơn đề nghị mở L/C của Bên mua và nội dung L/C đã phát hành thì L/C số 1801 là một giao dịch riêng biệt đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07/6/2011; được chi phối và áp dụng theo UCP 600. Theo quy định của UCP 600, EX với tư cách là Ngân hàng phát hành phải thanh toán khi xác định bộ chứng từ xuất trình là phù hợp tại Ngân hàng”.
Hướng giải quyết của Hội đồng thẩm phán ghi nhận tính độc lập, tính riêng biệt của L/C là hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ, “sự độc lập là một trong những đặc tính khác biệt của cơ chế này, làm cho cơ chế này có đặc thù riêng của nó”[12] và, theo chuyên gia về ngân hàng, “tín dụng thư độc lập với hợp động nền tảng, điều đó thể hiện ngân hàng thanh toán cho bên bán khi bên bán đưa cho ngân hàng bộ tài liệu hợp lệ ngay cả khi một tranh chấp giữa bên bán và bên mua đang tồn tại” .[13] Hướng này thực chất cũng phù hợp với nội dung của UCP 600 đã được Hội đồng thẩm phán viện dẫn trong Quyết định tạo lập thành án lệ theo đó “về bản chất, tín dụng là một giao dịch riêng biệt với Hợp đồng mua bán và các hợp đồng khác là cơ sở của tín dụng” (Điều 4).
7. Mối quan hệ giữa hủy hợp đồng mua bán và L/C
Từ tính độc lập nêu trên, tranh chấp giữa các bên về hợp đồng làm phát sinh tín dụng thư không ảnh hưởng tới việc thực hiện thanh toán theo tín dụng thư. Ở đây, “nếu chứng từ phù hợp với điều kiện nêu trong tín dụng thư thì không quan trọng việc hợp đồng đã thực tế được thực hiện đúng hay không”.[14]
Trong vụ việc được phát triển thành án lệ số 13, Tòa án nhân dân tối cao đã thể hiện rõ đường lối trên khi xét rằng “Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng phương thức thanh toán bằng L/C số 1801 là một phần không thể tách rời của Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07/6/2011; do vậy, khi hợp đồng này bị hủy toàn bộ thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; từ đó quyết định L/C số 1801 không còn hiệu lực thanh toán và E không có nghĩa vụ thanh toán cho N theo L/C nêu trên; đồng thời buộc E phải trả cho bên mua số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với các quy định tại UCP 600”. Ở đây, cho dù hợp đồng mua bán (từ đó tín dụng thư được hình thành) bị hủy bỏ thì Ngân hàng phát hành L/C vẫn phải thanh toán và đây chỉ là hệ quả của tính độc lập giữa tín dụng thư và hợp đồng làm phát sinh tín dụng thư. Hướng như vậy không xa lạ trên thế giới vì, từ năm 2004,[15] một Tòa án của Pháp đã theo hướng “việc hàng hóa được giao không phù hợp (dẫn tới hủy hợp đồng mua bán) không cho phép ngân hàng từ chối thực hiện tín dụng thư, trừ khi xác định tồn tại một sự gian lận thực sự ảnh hưởng tới giao dịch”[16] (về vai trò của gian lận, xem ở phần cuối bài bình luận). Như vậy, Toà án nhân dân tối cao đã thừa nhận việc hợp đồng mua bán bị hủy bỏ không ảnh hưởng tới hiệu lực thanh toán của L/C và nội dung này đã trở thành án lệ ở Việt Nam. Thực ra, hướng này chưa rõ trong bộ quy định của UCP nhưng phù hợp với tính độc lập của tín dụng thư đã được khẳng định ở trên. Ở đây, “tính độc lập của tín dụng thư là một đặc tính phân biệt của cơ chế này và làm cho nó có đặc trưng riêng. Nó thể hiện việc không thể viện dẫn những cản trở từ quan hệ thương mại hay quan hệ tín dụng. Vì thế, nó không cho phép nhà nhập khẩu được viện dẫn việc không thực hiện tốt hợp đồng cơ sở”.[17]
Trong vụ việc trên, chúng ta thấy việc hợp đồng cơ sở bị hủy bỏ không ảnh hưởng tới việc thực hiện L/C. Thiết nghĩ, hướng tương tự cũng được áp dụng khi hợp đồng cơ sở như hợp đồng mua bán bị vô hiệu.
8. Mối quan hệ giữa biện pháp khẩn cấp tạm thời với L/C
Trong thực tiễn, rất phổ biến bên phải thanh toán theo L/C viện dẫn quan hệ cơ sở (như mua bán) để yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho phép ngân hàng thanh toán theo L/C. Đây là một phản ứng tự vệ tự nhiên của bên phải thanh toán nhưng việc này có trái với tính độc lập của L/C không?
Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy “trên cơ sở của tính độc lập của L/C”, cũng “cấm nhà nhập khẩu thực hiện các biện pháp tạm thời dừng việc thanh toán dựa vào việc không thực hiện tốt hợp đồng cơ sở”.[18] Để hiểu rõ hơn, chúng ta nghiên cứu một vụ việc đã được giám đốc thẩm tại Pháp (đã được giới thiệu trước Hội đồng thẩm phán để ủng hộ việc thông qua án lệ số 13). Cụ thể: Công ty Dahan đặt hàng đối với Công ty Confex với phương thức thanh toán bằng tín dụng thư; trên cơ sở yêu cầu của Dahan, Ngân hàng đã phát tín dụng thư và, sau khi xác định hàng hóa không phù hợp với đơn đặt hàng, Công ty Dahan đã được Chánh án Tòa thương mại ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Ngân hàng về khoản tiền trong tín dụng thư. Thực tế, Ngân hàng đã thanh toán tín dụng thư cho người thụ hưởng và Công ty Dahan đã khởi kiện Ngân hàng bồi thường thiệt hại. Để buộc Ngân hàng phải trả cho Công ty Dahan một khoản tiền bằng 2/3 khoản tiền mà Công ty Confex có thể phải gánh chịu trong vụ kiện mà Công ty Dahan đã tiến hành đối với Công ty Confex, Tòa phúc thẩm đã xét rằng Ngân hàng không được tự mình phán xét và có quyền tiến hành thủ tục cấp thẩm (rất gần gũi với biện pháp khẩn cấp tạm thời trong pháp luật Việt Nam) để phản đối biện pháp khẩn cấp tạm thời, rằng Ngân hàng đã làm người yêu cầu phát tín dụng thư (Dahan) mất cơ hội để thắng về nội dung này. Tuy nhiên, “Căn cứ Điều 1134 BLDS và Điều 3 UCP”, Tòa án tối cao Pháp đã xét rằng “Tòa phúc thẩm xác định như vậy là vi phạm các điều luật trên vì, trên cơ sở sự độc lập của hợp đồng về tín dụng thư so với hợp đồng cơ sở, biện pháp khẩn cấp tạm thời do người yêu cầu phát hành tín dụng thư không thể cản trở Ngân hàng thực hiện cam kết trực tiếpvà không hủy ngang đã xác lập với người thụ hưởng” [19]
Trong vụ việc hình thành án lệ số 13, bên mua đã yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho phía ngân hàng thanh toán. Trong đoạn 36 của Quyết định giám đốc thẩm và được phát triển thành án lệ số 13, chúng ta thấy ngay cả khi Tòa án quyết định hủy hợp đồng mua bán với hệ quả là “các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng” thì Tòa án cũng không thể “quyết định L/C số 1801 không còn hiệu lực thanh toán”. Điều đó có nghĩa là, trên cơ sở tính độc lập hay tính riêng biệt của L/C so với hợp đồng mua bán thì cũng không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để quyết định “Ngân hàng E không có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng N theo L/C”. Đây là điểm mà những người tham gia vào L/C cũng như cơ quan tài phán cần lưu tâm khi xử lý bất đồng giữa các chủ thể liên quan về L/C. Tuy nhiên, người nhập khẩu, người mua vẫn có thể được bảo vệ trước việc đối tác của mình không thực hiện đúng hợp đồng mua bán như “có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trên cơ sở trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng”.[20] Và để bảo vệ tốt nhất là chúng ta nên tìm hiểu kỹ đối tác của mình và lựa chọn đối tác có uy tín để không gặp khó khăn trong việc thực thi hợp đồng cũng như L/C.
9. Quan hệ về thẩm quyền tài phán với tính độc lập của L/C
Trong hợp đồng mua bán ở vụ việc hình thành án lệ số 13, các bên không có thỏa thuận trọng tài nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán. Thực tế, trong các hợp đồng như vậy, rất phổ biến các bên thỏa thuận tranh chấp hợp đồng mua bán được giải quyết tại trọng tài.
Đối với những trường hợp có thỏa thuận trọng tài đối với hợp đồng mua bán như nêu trên, trọng tài có thẩm quyền giải quyết cả quan hệ L/C không? Thực tế, đã có trường hợp các bên thỏa thuận chọn trọng tài cho hợp đồng cơ sở và trọng tài can thiệp vào cả quan hệ L/C. Đối với trường hợp như vừa nêu, đã có trường hợp Tòa án Việt Nam từ chối phán quyết trọng tài.[21]
Trong vụ việc hình thành án lệ số 13, vấn đề nêu trên chưa được đặt ra nên án lệ số 13 không có câu trả lời. Tuy nhiên, trước việc án lệ số 13 khẳng định tính độc lập hay tính riêng biệt của tín dụng thư so với hợp đồng cơ sở, chúng ta cần hiểu rằng cũng cần có tính độc lập về cơ quan tài phán đối với tín dụng thư và đối với hợp đồng cơ sở có tín dụng thư.
10. Gian lận: cơ sở từ chối thực hiện L/C
Với tính độc lập nêu trên, Ngân hàng phải thanh toán cho dù nghĩa vụ thanh toán không còn do bị hủy bỏ như trong vụ việc hình thành án lệ số 13. Đây là hệ quả rất cơ bản của tính độc lập của tín dụng thư và rất bất lợi cho bên mua.
Tuy nhiên, tính độc lập này có giới hạn của nó. Thực ra, “tính độc lập của tín dụng thư chấp nhận gian lận là ngoại lệ. Ngoại lệ này cho phép, một cách hạn chế, nhà nhập khẩu dừng thanh toán theo thư tín dụng và yêu cầu bồi thường từ những khoản tiền bị dừng thanh toán”.[22] Ở đây, “sự độc lập của thư tín dụng nhượng bộ khi có gian lận và quy định này hiện nay đã được nhiều người biết đến. Việc làm giả hay thiếu tính xác thực của các tài liệu gửi đến ngân hàng là dấu hiệu hình thành gian lận cho phép ngăn cản thực hiện tín dụng thư”. [23] Tại Pháp, trong một án lệ năm 2005, Tòa án tối cao Pháp đã xét rằng “sự gian lận cho phép người yêu cầu mở tín dụng thư phản đối việc thanh toán thực hiện bởi ngân hàng phát hành tín dụng thư”[24] và, theo chuyên gia về tín dụng thư, “giải pháp này là thuyết phục vì nó không cho phép người thụ hưởng tín dụng thư được nhận khoản tiền của tín dụng thư khi họ đã đưa ra những chứng từ có gian lận hay thiếu tính xác thực”.[25] Trong một án lệ năm 2008, Tòa án tối cao Pháp tiếp tục chấp nhận cho phép dừng việc thanh toán khi có sự gian lận và, để làm việc đó, Tòa án tối cao Pháp đã dựa vào quy định điều chỉnh hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Pháp và UCP 500[26]: Với án lệ này, “người yêu cầu mở tín dụng thư được phép yêu cầu áp dụng biện pháp dừng thanh toán khi có gian lận”[27] và “Tòa án tối cao Pháp đã khẳng định gian lận có thể vô hiệu hóa tín dụng thư nếu nó chưa được thực hiện. Tòa án tối cao Pháp thừa nhận rằng việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tiến hành trước khi thanh toán tín dụng thư. Vì vậy, ngân hàng không được thanh toán”.[28] Nội dung trên cho thấy “việc chỉ ra có gian lận kéo theo hệ quả làm đổ vỡ tính độc lập của tín dụng thư”.[29] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng “chỉ có gian lận liên quan đến tín dụng thư, đến việc mở tín dụng thư hay thực hiện tín dụng thư được xem xét”;[30] “sự gian lận ở đây được hiểu là sự không trung thực của tài liệu chứ không phải là do hàng hóa có vấn đề”.[31] Nói cách khác, “gian lận chỉ liên quan tới chứng từ. Ngược lại, hợp đồng mua bán được bảo đảm bởi tín dụng thư không thể được sử dụng trực tiếp cũng như gián tiếp để chứng minh sự gian lận”.[32] Trong vụ việc tạo thành án lệ số 13, phía Việt Nam có nêu “kết quả giám định thể hiện tỷ lệ bình quân nhân thu hồi hạt điều cho hai lần cắt mẫu hạt điều là 37,615 1bs/ 80kg (tỷ lệ này quá thấp so với điều kiện để từ chối gần 10 1bs). Trước sự việc gian lận thương mại đó…”. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán, không liên quan đến chứng từ nên không thể sử dụng để từ chối thực hiện L/C như trình bày ở trên và thực tế Nội dung án lệ số 13 cũng không theo hướng chấp nhận sử dụng thông tin trên để vô hiệu hóa việc thanh toán theo L/C.
Ở nước ta, trong nội dung án lệ số 13, chúng ta chưa thấy đề cập tới trường hợp có gian lận như nêu trên nên chưa có án lệ về nội dung này. Tuy nhiên, nếu có gian lận liên quan đến chứng từ như trình bày ở trên, Tòa án hay trọng tài cũng nên theo hướng trên để bảo vệ người yêu cầu mở tín dụng thư là nhà nhập khẩu Việt Nam. Để làm được việc đó, Tòa án nên khai thác các quy định trong UCP như Tòa án đã làm trong vụ việc hình thành án lệ số 13 (Tòa án Pháp cũng làm tương tự). Ngoài ra, để làm được như gợi ý nêu trên, Tòa án nên dựa vào khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015 theo đó “việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”..
CHÚ THÍCH
[1] Xem Đỗ Văn Đại, “Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 03/2017.
[2] Đỗ Văn Đại, Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2017 (xuất bản lần thứ ba), Bản án số 279 – 280.
[3] Jean – Baptiste Racine, “En matière de crédit documentaire, la fraude autorise le donneur d’ordre à pratiquer une saisie conservatoire”, Revue des contrats, 01 juillet 2009 n°3.
[4] Marie Tilche, “Crédit documentaire”, Bulletin des Transports et de la Logistique, 1997, art. 2716-25..
[5] Xem bản án của Tòa phúc thẩm Versailles, phòng số 12, ngày 28-2-2002, JCP. E. 2003, 396, số 15, p.467, note Jean Stoufflet.
[6] T. com. Paris, 8 mars 1976: RJ com. 1977, p. 72, note Le Guidec; DMF 1976, p. 558.
[7] Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[8] Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam – Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, phần số 20.
[9] Trong Bản án số 16/2008/KDTM-PT ngày 14/1/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Tòa án đã “Căn cứ vào khoản 4, Điều 759 Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; – Căn cứ vào khoản 1, khoản 2, Điều 5 Luật Thương mại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (về vụ việc này xem: Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2017, xuất bản lần thứ sáu, Bản án số 6-7).
[10] Xem Đỗ Văn Đại, Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2017, Bản án số 150-152 và Bản án số 223 – 224.
[11] Jean-Baptiste Racine, tlđd.
[12] Jamel Baccar, “L’insécurité du crédit documentaireet la réparation du préjudice de l’importateur”, Tạp chí Revue de Droit bancaire et financier, n° 4, Juillet 2011, étude 26 (phần số 38).
[13] Th. Bonneau, Droit bancaire, LGDJ 2013, phần số 763.
[14] Th. Bonneau, Droit bancaire, LGDJ 2013, phần số 764.
[15] CA Aix-en-Provence, 8 avr. 2004, n° 02/20526 : JurisData n° 2004-244107 ; DMF 2004, p. 499, obs. Ph. Godin; DMF 2005, Hors série n° 9, n° 130, p. 107.
[16] Xem Martin Ndendé, “Crédit documentaire”, Revue de droit des transports, n° 10, Octobre 2009, comm. 198.
[17] Jamel Baccar, tlđd, phần số 38.
[18] Jamel Baccar, tlđd, phần số 38.
[19] Cass. com., 7 oct. 1987: Bulletin 1987 IV N° 213 p. 159.
[20] Jamel Baccar, tlđd, phần số 54.
[21] Đỗ Văn Đại, Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam, sđd, Bản án số 206 – 207.
[22] Jamel Baccar, tlđd, phần số 39.
[23] Jean-Baptiste Racine, tlđd.
[24] Cass. com., 11 oct. 2005, pourvoi n°K 04-11.663, arrêt n° 1246 FS-P+B+I+R, Crédit Lyonnais c/ Sté Canara Bank International Division: Juris-Data n° 2005-030200.
[25] Jean Stoufflet, “Mise en oeuvre de l’exception de fraude dans le crédit documentaire réalisable par acceptation”, Tạp chí JCP E 1997, 1677.
[26] Cass. com., 16 déc. 2008, n° 07-18.729, FSP+B+R, Sté Mitex SGDT c/ Sté HSBC UBP: JurisData n° 2008-046301.
[27] Jean-Baptiste Racine, tlđd.
[28] Jamel Baccar, Tlđd, phần số 41.
[29] Stéphane Piedelièvre,“Crédit documentaire et mesures conservatoires”, Revue de Droit bancaire et financier, n° 3, Mai 2009, comm. 100.
[30] Jean-Baptiste Racine, Tlđd.
[31] Jamel Baccar, Sđd, phần số 39.
[32] Stéphane Piedelièvre, Tlđd.
- Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(115)/2018 – 2018, Trang 71-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý