Bảo đảm quyền tự do hiệp hội trong Luật Quốc tế và pháp luật của Đức: Một số góp ý cho dự thảo luật về hội của Việt Nam
TÓM TẮT
Hoạt động các hội và tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trong trong việc thiết lập trật tự xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của các nguồn lực xã hội. Việc thiết lập khung pháp lý để xác định quyền thành lập hội góp phần thúc đẩy sự vận hành của xã hội. Nhận thức được vai trò quan trọng của hội, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quy định pháp luật đầu tiên về quyền lập Hội năm 1957 (Sắc lệnh số 102/SL/L-004). Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã triển khai xây dựng Dự thảo Luật về Hội từ thập niên 1990. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau nên Dự thảo Luật về Hội vẫn chưa được thông qua. Hiện nay, Dự thảo Luật về Hội tiếp tục được Quốc hội triển khai trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bài viết phân tích chính sách pháp luật bảo đảm quyền tự do hiệp hội từ kinh nghiệm của Đức để từ đó có những đóng góp thực tế cho Dự thảo Luật về Hội đối với vấn đề liên quan.
Xem thêm:
- Cân bằng yếu tố quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lập hội của người dân trong dự thảo luật về hội từ kinh nghiệm của Vương Quốc Anh – TS. Đặng Tất Dũng
- Góp ý về định hướng xây dựng luật về hội và một số vấn đề khác – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm
- Bàn về quyền và nghĩa vụ của hội có đăng ký trong dự thảo luật về hội – TS. Lê Minh Hùng
- Địa vị pháp lý của hội trong hoạt động xây dựng pháp luật – TS. Đỗ Minh Khôi
- Quy chế pháp lý về tài chính, tài sản của hội trong dự thảo luật về hội – TS. Nguyễn Văn Vân
- Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo dự thảo luật về hội – ThS. Nguyễn Tú Anh
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Luật về Hội, Pháp luật, Pháp luật quốc tế, Quyền lập hội,
1. Quyền tự do hiệp hội trong pháp luật quốc tế
Quyền tự do hiệp hội là một quyền cơ bản của con người, được ghi nhận và bảo vệ trong luật quốc tế, được ghi nhận trực tiếp tại Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người năm 1948[1] và đặc biệt là Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.[2]
Điều 22, ICCPR quy định: “1. Mọi người có quyền tự do hiệp hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. 2. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát”.
Việt Nam, với tư cách là một thành viên của ICCPR[3] đã luôn ghi nhận quyền tự do hiệp hội trong các bản Hiến pháp của mình. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền tự do lập hội của công dân tại Điều 25. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã lần đầu tiên khẳng định sẽ “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.[4] Cam kết này ràng buộc Việt Nam phải thực thi các cam kết quốc tế trong mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, việc tìm hiểu các quy định của điều ước quốc tế hiện nay có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt đối với Việt Nam.
Theo quy định của ICCPR, quyền tự do hiệp hội gồm 3 nội dung cơ bản: (i) quyền thành lập hội; (ii) quyền gia nhập hội; (iii) tự do hoạt động, điều hành các hội.
Đối với quyền tự do thành lập và gia nhập hội Điều 22.1 ICCPR quy định: “Mọi người có quyền tự do hiệp hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”. Quyền tự do hội họp bao gồm 3 khía cạnh: (1) thành lập ra các hội mới; (2) gia nhập các hội có sẵn; (3) hoạt động, điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí. Trong đó, các quyền thành lập và quyền gia nhập các hội được coi là những quyền tự nhiên mang tính nền tảng của tự do hội họp. Pháp luật bảo đảm quyền tự do thành lập hội của mọi người tại các quốc gia theo hai thủ tục (i) thông báo hoặc (ii) cấp phép. Cùng với quyền thành lập hội, các cá nhân có quyền gia nhập và rút lui các hội. Các hội có quyền ngưng hoạt động và tự giải tán. Tuy nhiên, việc các cơ quan nhà nước ngưng hoạt động và giải tán hội phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật.
Đối với quyền tự do điều hành hội: nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ quyền tự do hoạt động, điều hành và quản lý của hội. Cụ thể, nhà nước không được can thiệp vào các quy chế hoạt động và quản lý của hội (quy chế, điều lệ của các hội phải được xây dựng bởi các thành viên), không can thiệp thay đổi việc bầu chọn ban lãnh đạo của các hội, cử người của mình vào ban lãnh đạo hội, yêu cầu các hội nộp kế hoạch hoạt động thường niên…[5]
Tuy nhiên, quyền tự do hiệp hội cũng có thể bị hạn chế. Theo quy định của Điều 22.2 của ICCPR thì “việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay quyền và tự do của người khác”.
Từ quy định trên của Công ước, có thể thấy nhà nước có thể giới hạn quyền tự do hiệp hội dựa trên các cơ sở sau:
Thứ nhất, việc hạn chế phải được quy định trong luật. Chỉ có luật/ đạo luật mới có thể giới hạn quyền tự do hiệp hội. Các văn bản dưới luật không thể giới hạn quyền tự do hiệp hội, mà chỉ có thể được ban hành để tổ chức, thực hiện các quyền do Hiến pháp và luật quy định.
Thứ hai, những vấn đề hạn chế phải cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội, bảo vệ các quyền và tự do của người khác. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp giới hạn đòi hỏi chỉ được thực hiện trong những bối cảnh cụ thể phù hợp với mục đích của giới hạn.
Như vậy, nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế đòi hỏi nhà nước phải có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng pháp luật về hội, với các quy phạm mang tính nguyên tắc về quyền lập và gia nhập hội, quyền hoạt động tự do và được bảo vệ khỏi những can thiệp phi lý, quyền tiếp cận các nguồn vốn và nguồn lực và quyền có cơ chế khắc phục hiệu quả đối với các hành vi vi phạm quyền tự do hiệp hội của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật về hội cũng sẽ phải bảo đảm thực thi quyền tự do hiệp hội không tổn hại cho xã hội và sự vận hành của nhà nước. Vấn đề đặt ra là đâu là ranh giới giữa quyền tự do hiệp hội và hạn chế cần thiết đối với quyền này để bảo đảm quyền tự do hiệp hội không bị bóp méo nhằm phục vụ những mục đích phi dân chủ. Vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm của Đức, một nước có truyền thống dân chủ nhưng cũng đã từng chịu tác động tiêu cực của những phong trào chính trị phản động trong lịch sử, là rất cần thiết.
2. Bảo đảm quyền tự do hiệp hội trong pháp luật của Đức
Sau thế chiến thứ hai, Đức phải xây dựng lại hệ thống pháp luật vì quản lý nhà nước đã chịu tác động sâu sắc từ chủ nghĩa phát xít. Các nhà lập pháp Đức đã nhìn nhận vai trò và tác động của các quyền tự do chính trị trong việc bảo đảm các giá trị dân chủ và trật tự xã hội.
Tự do hiệp hội được ghi nhận tại Điều 9 Đạo luật cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức, ban hành năm 1949 (Hiến pháp Đức) và tiếp tục được cụ thể hóa trong Luật về Hội (1964 sửa đổi năm 2007, 2015) và một số đạo luật liên bang khác.[6] Đức cũng đã là một trong những nước tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ICCPR.
Với sự hình thành của Liên minh châu Âu (EU), hệ thống pháp luật của Đức chịu sự chi phối trực tiếp của pháp luật khối. Hiện nay, Công ước về Nhân quyền của EU và các án lệ của Tòa án nhân quyền châu Âu (ECJ) là một phần cấu thành của pháp luật về hội của Đức.
Phạm vi các tổ chức thuộc sự điều chỉnh pháp luật về Hội tại Đức rất rộng, bao gồm cả các hội tôn giáo và các đảng chính trị. Các tổ chức hội, hiệp hội hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù có thể sẽ được điều chỉnh bởi luật của lĩnh vực liên quan. Đối với quyền tự do hiệp hội, Điều 9 của Hiến pháp Đức quy định: “1. Tất cả người Đức đều có quyền thành lập các công ty và các hội khác. 2. Các hội có mục đích hoặc hoạt động trái với pháp luật hình sự, hoặc nhằm chống lại thể chế hiến định hoặc chống lại tư tưởng hiểu biết quốc tế lẫn nhau đều bị cấm.”
Quy định tại Điều 9.1 Hiến pháp Đức được coi là nền tảng quan trọng nhất đảm bảo quyền tự do của người dân trong việc tụ họp với nhau trong các hội, hiệp hội thuộc sự điều chỉnh của luật tư. Nhà nước không tham gia vào các quyết định liên quan đến tổ chức, quá trình tìm kiếm quan điểm, và tiến hành hoạt động của hội. Đức chấp nhận quyền lập hội và tham gia hội ở mức độ rộng, tuy nhiên cũng thiết lập hạn chế mang tính hiến định đối với quyền này.
Điều 9.2 Hiến pháp đề ra một giới hạn là hoạt động và mục đích của hội không trái với pháp luật hình sự. Pháp luật đặc biệt nghiêm khắc đối với những hiệp hội có khả năng xâm hại các giá trị cốt lõi của nền dân chủ (như những hội có tôn chỉ hoặc cổ súy cho của chủ nghĩa phát xít).
Luật về Hội, văn bản luật chính điều chỉnh về hội của Đức[7] cho phép các cơ quan nhà nước cấm hoặc giải tán ngay lập tức các hội có mục tiêu, mục đích, hoặc hoạt động như quy định ở Điều 9.2 Hiến pháp. Cụ thể, Điều 3.1 của Luật về Hội của Đức quy định một hiệp hội có thể bị cấm hoạt động khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mục đích hoặc hoạt động của tổ chức này vi phạm các quy định của luật hình sự hoặc nhắm tới việc chống lại thể chế hiến định hoặc chống lại tư tưởng hiểu biết quốc tế; quyết định cấm hội liên quan phải mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc giải thể. Việc cấm phải đi cùng với tịch thu tài sản của hội.[8]
Điều 20.1.1 của luật này tiếp tục quy định bất kỳ ai duy trì sự tồn tại, liên kết tổ chức (hoặc là thành viên hiện hữu) của hội hoặc tuyên bố thay thế hội nhằm làm trái lệnh cấm được ban hành sẽ bị phạt tù tới 1 năm hoặc bị phạt tiền… Các Tòa án liên bang của Đức khi diễn giải Điều 9 của Hiến pháp đều khẳng định Điều 9.1 bảo đảm quyền tự do của con người trong việc kết hợp thành lập các hội trong khuôn khổ luật tư. Tuy nhiên, việc lập hội và tham gia hội chịu các giới hạn của Điều 9.2.[9]
Hội có thể yêu cầu Tòa án can thiệp hủy quyết định cấm của cơ quan nhà nước.[10] Nếu quyết định hành chính đã được thi hành thì Tòa án cũng có thể yêu cầu cơ quan hành chính phải khắc phục việc đã thi hành và cách thức khắc phục phù hợp.
Tại Đức, quyền tự do lập hội không chỉ áp dụng cho công dân. Người nước ngoài sinh sống tại Đức cũng có thể lập hội theo quy định của Luật về Hội. Khoản 1, Điều 1 Luật về Hội quy định “việc lập các hội là tự do” (quyền tự do lập hội). Các án lệ của Tòa án Liên bang của Đức cũng khẳng định hoạt động trong các hội là sự thể hiện việc tự do phát huy năng lực và tố chất cá nhân được đảm bảo bởi Điều 2.1 Hiến pháp. Bên cạnh các quy định luật quốc gia, Đức cũng áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước Nhân quyền châu Âu. Theo đó, “mọi cá nhân đều có quyền hội họp với người khác một cách tự do và hòa bình, và tự do liên kết với người khác; trong đó có cả quyền thành lập công đoàn để bảo vệ những quyền lợi của mình và quyền gia nhập công đoàn” (Điều 11).
Cần lưu ý là trong khuôn khổ hệ thống pháp luật của Đức, Tòa án sẽ là nơi tiếp nhận việc đăng ký thành lập hội. Tuy nhiên, việc đăng ký hoạt động không phải là một nghĩa vụ bắt buộc. Việc đăng ký thành lập hội được coi là một quyền tự do hiến định đương nhiên của con người theo Điều 9.1 Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp liên bang đã công nhận năng lực pháp lý của hội không đăng ký (BGHZ 50, 325, BGH NJW-RR 2003, 1265), mặc dù những hội như vậy được gọi là “hội không có năng lực pháp lý” theo Điều 54 Bộ luật Dân sự.[11] Hầu hết các công đoàn của Đức được tổ chức dưới dạng các hội không đăng ký. Trách nhiệm vật chất của hội có đăng ký cũng như hội không đăng ký chỉ giới hạn ở mức tài sản của hội (hội được coi là một pháp nhân). Vì vậy, về cơ bản sẽ không xem xét trách nhiệm vật chất của các hội viên. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định các biện pháp chế tài và trách nhiệm vật chất trong một số trường hợp đặc biệt (ví dụ những vi phạm Điều 9.2 của Hiến pháp).
3. Một số đề xuất cho việc xây dựng Luật về hội của Việt Nam
3.1. Về mục tiêu, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật về Hội
Cần xác định đây là đạo luật để bảo vệ và bảo đảm thực thi quyền tự do hiệp hội chứ không phải là đạo luật đơn thuần chỉ để quản lý hội. Luật về hội phải hướng tới mục tiêu khẳng định và bảo vệ việc thực thi quyền tự do hiệp hội, một quyền hiến định của hệ thống pháp luật quốc gia. Các tư tưởng và quy định của luật cần tuân thủ quy định và tinh thần của các cam kết quốc tế của Việt Nam (theo yêu cầu của Điều 12 Hiến pháp năm 2013).
Xuất phát từ định hướng này, Luật về Hội cần có một quan niệm về hội theo hướng bảo đảm việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực thi quyền tự do hiệp hội tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Liên quan tới đối tượng điều chỉnh của luật, theo quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật về Hội thì quyền lập hội chỉ thuộc về công dân và tổ chức Việt Nam, loại trừ các đối tượng là người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các nhóm này được điều chỉnh bởi các quy định riêng rẽ của Chính phủ.[12] Nếu nhìn nhận quyền tự do hiệp là quyền cơ bản của con người, pháp luật cần bảo đảm một cơ chế chung cho các đối tượng cá nhân, bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài lẫn người không quốc tịch. Có thể ghi nhận quyền tự do hiệp hội của người nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam hoặc quy định tương tự như luật của Đức. Theo đó, người nước ngoài có thể thực hiện quyền tự do hiệp hội của mình khi viện dẫn điều khoản luật về tự do hiệp hội của mọi cá nhân (mặc dù họ có thể có những yêu cầu đặc thù trong thủ tục đăng ký, điều kiện đăng ký hoặc nội dung hoạt động).
Cần công nhận tư cách pháp nhân của hội. Việc quy định chỉ có các hội đăng ký mới có tư cách pháp nhân là hạn chế quyền tự do lập hội của công dân. Để bảo đảm sự thuận lợi cho các hội, chúng tôi cho rằng Luật về Hội phân chia thành các hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân (những hội đơn giản như hội đồng hương, hội cựu sinh viên) thay vì “hội đăng ký” và “hội không đăng ký”. Học hỏi từ kinh nghiệm của Đức, Luật về Hội không nên xác lập tư cách pháp nhân của hội dựa trên yếu tố “đăng ký thành lập” mà nên xem xét tính chất của hội và nội hàm hoạt động của hội.
3.2. Về điều kiện thành lập, gia nhập hội
Điều kiện lập hội thường có các quy định liên quan đến: mục đích (phải hợp pháp), trụ sở và tài sản, điều lệ và thành viên. Từ kinh nghiệm của Đức, khi quy định điều kiện về thành viên cần lưu ý các vấn đề cụ thể như sau:
– Về quốc tịch, quyền lập hội đương nhiên thuộc về mọi công dân của quốc gia, trừ một số trường hợp luật định (chẳng hạn như công chức lực lượng vũ trang). Đối với quyền lập hội của người nước ngoài, có thể xem xét việc tách biệt người nước ngoài là người cư trú hợp pháp (được tự do gia nhập hội) và người không cư trú (tùy trường hợp).
– Về độ tuổi, luật có thể quy định phải đủ 18 tuổi mới có đầy đủ quyền thành lập và gia nhập hội, cho phép người chưa thành niên từ 16 đến 18 tuổi trở thành thành viên của các hội, với điều kiện đa số thành viên hội đồng quản trị của hội phải là người đã thành niên, có đủ năng lực để thực hiện giao dịch hợp pháp. Trẻ em dưới 16 tuổi có thể trở thành thành viên của một hội nếu quy chế của hội này cho phép và có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp, nhưng các trẻ em này có thể không được bầu cử hoặc biểu quyết tại phiên họp của hội.
3.3. Về thủ tục đăng ký, thành lập hội và cơ quan quản lý đăng ký hội
Thủ tục đăng ký thành lập hội cần đơn giản, rõ ràng, thuận tiện, nhanh chóng để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể hiểu và thực hiện. Ban vận động thành lập hội/ ban sáng lập chỉ cần nộp cho cơ quan đăng ký giấy đăng ký kèm theo các loại văn bản như: quy chế (điều lệ) hội, danh sách các thành viên sáng lập, địa chỉ văn phòng tạm thời của hội… Sau một thời hạn hợp lý do luật định, cơ quan đăng ký sẽ tiến hành đăng ký và sẽ chỉ không cho đăng ký nếu hội này có tôn chỉ, định hướng vi phạm nghiêm trọng tới chế độ dân chủ hoặc những nguyên tắc nền tảng của hiến pháp. Trong trường hợp này cơ quan đăng ký phải nêu rõ lý do của việc từ chối.
Nhìn chung, cả hai thủ tục thông báo/ đăng ký và thủ tục cấp phép đều đòi hỏi sự nhanh chóng. Việc chậm trễ đăng ký, cấp phép cho một hội có thể coi là sự vi phạm quyền tự do hiệp hội. Cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với đăng ký thành lập hội. Loại bỏ cơ chế cấp phép để tránh tình trạng “xin – cho” đồng thời đảm bảo việc nhà nước tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các điều kiện thực thi quyền tự do hiệp hội của người dân. Phù hợp xu hướng chung của cải cách hành chính, Việt Nam có thể quy định thủ tục đăng ký thành lập hội cho cơ quan nhà nước qua internet, hoặc nộp hồ sơ đăng ký tại một cơ quan nhất định tại địa phương (tương tự như ở Đức là Tòa án địa phương) thay vì chia thành nhiều cấp như của Dự thảo Luật về Hội hiện nay.
Hiện tại thẩm quyền cấp phép theo quy định của Điều 14 phân cấp thẩm quyền cấp phép cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ (cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước và liên tỉnh) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương) là không cần thiết. Theo chúng tôi, chỉ nên quy định một cơ quan chịu trách nhiệm là đầu mối quản lý việc thành lập và hoạt động của các hội.
3.4 Về các quyền của các hội
Các quyền quan trọng nhất của hội là quyền về tài chính, tài sản và về cơ cấu tổ chức, nhân sự.
– Về quyền sở hữu tài sản và chủ động về tài chính, nhìn chung, các hội có thể huy động từ các nguồn công – tư, nguồn đóng góp trong nước và quốc tế. Đối với hội không có tư cách pháp nhân (hội đơn giản), có thể quy định hội chỉ có thể có nguồn thu từ đóng góp của các thành viên.
Hội là các tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Luật có thể cho phép hội hoạt động kinh doanh hợp pháp để có nguồn thu và lợi nhuận nhằm triển khai các hoạt động để đạt được các mục đích mà hội đề ra. Tuy nhiên, phạm vi và hình thức hoạt động kinh doanh phải bị hạn chế và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
– Về quyền chủ động về nhân sự và tổ chức, luật có thể có quy định khái quát về bộ máy lãnh đạo hội như hội đồng quản trị, ban điều hành của hội. Các hội có thể có tổ chức trực thuộc, tổ chức thành viên, chi nhánh, trừ trường hợp hội không có tư cách pháp nhân (hội đơn giản) có thể không được thành lập chi nhánh ở địa phương. Pháp luật không nên can thiệp quá sâu vào cơ cấu tổ chức và nhân sự của hội.
– Về quyền tự do triển khai các hình thức hoạt động để thực thi nhiệm vụ của mình (phù hợp với quy chế của hội), cần bổ sung quy định quyền được khiếu nại nhằm xem xét lại quyết định của cơ quan nhà nước khi họ có hành vi vi phạm quyền tự do trong việc xác định nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đây là một khía cạnh quan trọng của pháp luật về hội để bảo đảm quyền tự do hiệp hội. Việc triển khai hoạt động liên quan sẽ liên quan tới việc thi các quyền tự do khác, như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại….
CHÚ THÍCH
[1]* PGS.TS, Luật học, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Điều 20 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948.
[2] Điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
[3] Việt Nam đã gia nhập ICCPR ngày 24/9/1982.
[4] Điều 12 Hiến pháp năm 2013.
[5] OSCE, Guidelines for freedom of Association, 2015 [http://www.osce.org/odihr/132371?download=true], truy cập lần cuối: 29/9/2016.
[6] Bao gồm: Hiến pháp năm 1949 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); Luật về Hội năm 1964, (sửa đổi, bổ sung 2007, 2015); Bộ luật Dân sự năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011); Luật về Đối xử công bằng năm 2006; Luật về Đại diện cấp liên bang của nhân viên năm 1974; Luật về Quyết định đồng thuận chung trong các ngành thép, quặng sắt và than đá năm 1951; Luật về Quyết định đồng thuận chung của người lao động năm 1976; Luật về Các tòa án lao động năm 1953; Luật về Các thỏa ước tập thể năm 1969; Luật hiến định liên quan đến Việc làm năm 1972; Luật về Hội đồng việc làm châu Âu năm 1996; Luật về Sự tham gia của bên thứ ba năm 2004; Luật Bảo vệ chống việc giải thể năm 1951. Xem http://www.legislationline.org/topics/subtopic/17/topic/1/country/28 (truy cập ngày 22/9/2016).
[7] Xem Jürgen Keßler – Các cấu trúc cơ bản và các cơ chế bảo hộ pháp lý trong pháp luật về hội của Đức. Kỷ yếu hội thảo “Pháp luật về hội của Đức và những gợi ý cho việc xây dựng Luật về Hội ở Việt Nam” do Đại học Luật Hà Nội và Viện Friedrich Ebert Stiftung tổ chức tại Hà Nội, ngày 06/4/2016. Các quy định của Đức liên quan tới tự do hiệp hội chủ yếu tại Luật về Hội, nhưng cũng có các luật chuyên ngành khác điều chỉnh vấn đề này. Những luật chuyên ngành giải quyết một cách xác đáng những vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực tự do hiệp hội, hạn chế việc quy định chung chung hoặc quá chi tiết, gây khó khăn trong quá trình thực thi quyền trên thực tế.
[8] Xem Jürgen Keßler, tlđd.
[9] Xem Jürgen Keßler, tlđd.
[10] Điều 42 Luật Tổ chức Tòa án Hành chính.
[11] Ðiều 54 Bộ luật Dân sự của Ðức quy định: “Ðối với các hội không có năng lực pháp lý thì áp dụng các quy định đối với công ty. Từ một giao dịch dân sự đựợc tiến hành nhân danh một hội đối với một bên thứ ba thì người làm việc đó chịu trách nhiệm vật chất cá nhân. Nếu nhiều người tiến hành thì những người đó chịu trách nhiệm vật chất với tư cách người mắc nợ tổng thể”. (Trích tài liệu Hội thảo Pháp luật về hội của Ðức và những gợi ý cho việc xây dựng Luật về Hội ở Việt Nam do Ðại học Luật Hà Nội và Viện Friedrich Ebert Stiftung tổ chức tại Hà Nội ngày 06/4/2016.)
[12] Điều 5 Dự thảo Luật về Hội.
- Tác giả: TS. Trần Việt Dũng
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(105)/2017 – 2017, Trang 49-54
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý