Mục lục
Bài viết: Bàn về các nguyên tắc pháp luật chung trong Luật Quốc tế
- Tác giả: Trần Thăng Long
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(115)/2018 – 2018, Trang 51-61
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu khái niệm và đặc điểm của các nguyên tắc pháp luật chung nhằm làm rõ bản chất, vị trí và mối tương quan giữa chúng với các loại nguồn của luật quốc tế, bài viết phân tích các vai trò quan trọng của chúng trong pháp luật quốc tế hiện đại và chứng minh qua thực tiễn áp dụng các nguyên tắc này của các cơ quan tài phán quốc tế. Bài viết kết luận đây cần được coi là một loại nguồn đặc biệt của pháp luật quốc tế. Chúng không chỉ có vai trò làm sáng tỏ và khẳng định nội dung của các quy phạm điều ước và tập quán quốc tế, được áp dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh khi không có sự tồn tại của hai loại nguồn trên mà còn có vai trò quan trọng trong sự hình thành các quy phạm của hệ thống pháp luật quốc tế.
ABSTRACT:
The article studies the concept, nature, position and relationship to other sources of international law of general principles of law. The article analyzes their important role in contemporary international law and demonstrates it through the analysis of practical application of these principles by international jurisdictions. The article concludes that these principles should be considered as a special source of international law. Not only do they serve as the means to clarify and affirm contents of the provisions of international treaties and customs and to solve legal gaps in situations when the existence of these sources is missing, but they also play an important role in the formation of the international legal system.
TỪ KHÓA: tập quán quốc tế, LUẬT QUỐC TẾ, nguồn, nguyên tắc pháp luật chung, điều ước quốc tế,
KEYWORDS: general principles of law, international law, sources, treaty, custom,
1. Khái niệm và đặc điểm của các “nguyên tắc pháp luật chung”
Các nguyên tắc pháp luật chung (general principles of law) được áp dụng thường xuyên trong thực tiễn trọng tài quốc tế trước đây và sau đó ở nhiều lĩnh vực. Khi mà hệ thống pháp luật quốc tế (PLQT) trở nên ngày càng phát triển, việc sử dụng các nguyên tắc này trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của các tòa án và trọng tài quốc tế đối với những lĩnh vực khác nhau của PLQT cũng ngày càng giảm đi.[1] Mặc dù vậy, các nguyên tắc pháp luật chung (NTPLC) vẫn được sử dụng như một loại nguồn đặc biệt góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế (QHQT), nhất là ở những lĩnh vực mà sự pháp điển hóa các quy phạm của PLQT còn hạn chế, chẳng hạn như luật tổ chức quốc tế và luật hình sự quốc tế. Đây cũng là một trong những loại nguồn của PLQT được nghiên cứu và tranh luận sôi nổi, xuất phát từ việc không có một định nghĩa thống nhất cũng như sự giải thích không rõ ràng về nội hàm của nó.[2]
Bài viết cùng số tạp chí
- Chức năng bảo hiến của Tòa án nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013
- Kiểm soát sự du nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại nhìn từ góc độ pháp lý
- Điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại
- Không yêu cầu và rút yêu cầu khởi tố đối với các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu
- Xã hội hóa hoạt động thi hành án hình sự tại một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam
- Bàn về quy định người tiêu dùng là tổ chức theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam
- [BÀI ĐANG XEM] Bàn về các nguyên tắc pháp luật chung trong luật quốc tế
- Nguyên tắc độc lập của thư tín dụng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng
- Giá trị pháp lý của UCP và tính độc lập của L/C
1.1. Khái niệm
Khái niệm “các nguyên tắc pháp luật chung” trong PLQT được đề cập tại hai Hội nghị La Haye 1899 và 1907, sau đó được chính thức ghi nhận tại Điều 38(1)(c) của Quy chế Pháp viện thường trực của Hội quốc liên (PCIJ), và được nhắc lại tại Điều 38(1)(c) của Quy chế Tòa án quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ). Trong khi chưa có văn bản nào chỉ rõ thế nào là “nguyên tắc pháp luật chung” hoặc những nguyên tắc nào là “nguyên tắc pháp luật chung (NTPLC)”, hiện có nhiều các quan điểm khác nhau về các nguyên tắc này.
Trong khoa học pháp lý quốc tế, khái niệm “các nguyên tắc chung của luật” được các học giả nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau. Theo quan điểm của Hersch Lauterpacht, các NTPLC là những nguyên tắc của pháp luật, bao gồm luật công và tư được hình thành từ kinh nghiệm thực tiễn của các dân tộc văn minh và được coi như những khái niệm hiển nhiên của thực tiễn xét xử có đặc điểm chung và căn bản.[3] Theo Cheng, đây là những nguyên tắc nền tảng của hệ thống pháp lý mà dựa vào đó PLQT sẽ được giải thích và áp dụng.[4] Theo Schesinger, các nguyên tắc này là cốt lõi của những tư tưởng pháp lý chung của tất cả các hệ thống văn minh.[5] Trong khi đó, tác giả Mosler khẳng định, các NTPLC là sản phẩm của sự công nhận chung trong bối cảnh pháp luật quốc gia (PLQG) và do đó, với đặc tính “quốc nội”, chúng không thể được áp dụng trong PLQT.[6] Tác giả Marija Đorđeska cho rằng, các NTPLC là những quy tắc có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của PLQT được tạo ra trên cơ sở sự tài phán và có tác dụng điều chỉnh những vấn đề khi không có quy phạm PLQT thống nhất và được áp dụng cho cộng đồng quốc tế một cách bình đẳng và phổ quát. Tác giả này cũng nhấn mạnh, trong PLQT hiện đại, khái niệm NTPLC cần được hiểu như những nguyên tắc được công nhận bởi các tòa án và trọng tài quốc tế.[7] Cuối cùng, theo Maria Panezi, các NTPLC là những nguyên tắc độc lập, được tạo ra bởi sự đồng thuận chung, là một bộ phận nền tảng và hệ thống của PLQT bao gồm các khái niệm quy chuẩn khác nhau mà trong đó các thẩm phán liên hệ tới chúng thông qua quá trình sáng tạo nhằm thúc đẩy sự nhất quán của PLQT.[8]
Tựu trung lại, các NTPLC theo quan điểm của các học giả thế giới có những nội dung cơ bản sau đây: (i) là một bộ phận của hệ thống PLQT; (ii) chúng ít nhiều có sự tồn tại một cách độc lập; (iii) chúng thúc đẩy sự sáng tạo bởi các thẩm phán; (iv) chúng có vai trò nền tảng của một hệ thống pháp lý; (v) chúng là những tư tưởng pháp lý; (vi) chúng có là một trong số ba loại nguồn và là một trong những yếu tố kết nối hệ thống PLQT.
Ở Việt Nam, các “nguyên tắc pháp luật chung” cũng được định nghĩa bởi nhiều học giả và giáo trình luật quốc tế và về cơ bản có những nội dung được hiểu tương đối giống nhau. Theo đó, các NTPLC được xem là các nguyên tắc pháp luật được ghi nhận trong PLQG, hoặc đây chính là những nguyên tắc của luật tự nhiên và luật thực định, hoặc đây cũng đồng thời là các nguyên tắc cơ bản của PLQT. Theo Giáo trình Luật Quốc tế của Đại học Luật Hà Nội thì các “nguyên tắc pháp luật chung” là những nguyên tắc áp dụng cho cả luật quốc tế và luật quốc gia” và “trong thực tiễn, nguyên tắc pháp luật chung chỉ áp dụng sau diều ước quốc tế (ĐƯQT) và tập quán quốc tế (TQQT) với ý nghĩa để giải thích hay là sáng tỏ nội dung của quy phạm luật quốc tế”.[9] Giáo trình Công pháp quốc tế của ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh coi các NTPLC “chính là các nguyên tắc được công nhận bởi đa số các hệ thống pháp luật trên thế giới mà Tòa án Công lý quốc tế (TACLQT) áp dụng để giải thích và làm sáng tỏ nội dung quy phạm luật quốc tế”.[10] Cách hiểu này nhấn mạnh đến vai trò của các NTPLC trong đời sống quốc tế. Trong khi đó, các tác giả Trần Văn Thắng và Lê Mai Anh cho rằng, các nguyên tắc này không phải là những nguyên tắc cơ bản của PLQT nhưng cũng không phải là những quy phạm pháp luật, mặc dù chúng phải là các nguyên tắc áp dụng chung cho cả hai hệ thống PLQT và PLQG, chúng đôi khi là những quy tắc kỹ thuật pháp lý.[11] Ở một góc nhìn khác, theo cuốn Thuật ngữ Luật Quốc tế do tác giả Đỗ Hòa Bình chủ biên thì đây là những nguyên tắc pháp lý thể hiện một cách tập trung và cô đọng nhất một quy phạm về cách thức ứng xử được các chủ thể của PLQT thừa nhận rộng rãi trong bất kỳ lĩnh vực nào của QHQT.[12] Cách giải thích này nhấn mạnh đặc điểm “quy phạm PLQT” mà không xác định chúng như là những nguyên tắc hình thành và cũng được áp dụng trong PLQG. Cuối cùng, theo tác giả Lê Văn Bính thì trong Quy chế tòa án quốc tế (Điều 38), có thể hiểu “các nguyên tắc chung của pháp luật” bao gồm “các nguyên tắc pháp luật chung của hệ thống PLQG; và các nguyên tắc và các quy phạm được công nhận chung của luật quốc tế”.[13]
Tuy nhiên, “các nguyên tắc pháp luật chung” hay còn gọi là “các nguyên tắc chung của pháp luật” cần phải được hiểu theo nghĩa là những nguyên tắc có nguồn gốc từ PLQG và có khả năng áp dụng cho cả hệ thống PLQT và PLQG, đồng thời, chúng có giá trị pháp lý ràng buộc như bất kỳ một quy phạm pháp lý quốc tế nào. Điều này được lý giải ở quan điểm PLQG đóng vai trò là xuất phát điểm của PLQT.[14] Khái niệm “pháp luật” trong thuật ngữ “các nguyên tắc pháp luật chung” được hiểu theo nghĩa chung nhất, bao gồm tổng thể các nguyên tắc và quy phạm có tính pháp lý, có tính ràng buộc và có mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống của một quốc gia cũng như trong QHQT, điều chỉnh và tác động đến hành vi của các chủ thể quan hệ pháp luật.
1.2. Đặc điểm
Thứ nhất, các NTPLC không thể được hiểu đồng nhất với các “nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế”. Về mặt lý luận, các nguyên tắc cơ bản của PLQT được hiểu là các tư tưởng chính trị – pháp lý mang tính chất chỉ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung đối với các chủ thể khi tham gia quan hệ PLQT.[15] Hệ thống các nguyên tắc cơ bản của PLQT được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 và nội dung của chúng được giải thích trong Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại Hội đồng LHQ về các nguyên tắc cơ bản của PLQT điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Nói một cách khác, đây là những quy phạm pháp luật cơ bản có tính chất jus cogen, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận rộng rãi để áp dụng điều chỉnh các QHQT.[16]
Mặc dù một số các nguyên tắc cơ bản của PLQT cũng đồng thời là những NTPLC (bao gồm nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) và đều có giá trị pháp lý trong việc điều chỉnh các QHQT, các NTPLC có bản chất, đặc điểm và nội dung khác với các nguyên tắc cơ bản của PLQT. Khác với các nguyên tắc cơ bản của PLQT có giá trị pháp lý và về cơ bản chỉ được áp dụng trong khuôn khổ PLQT, các NTPLC là những nguyên tắc có nguồn gốc từ PLQG, được thừa nhận và áp dụng bởi các hệ thống pháp luật khác nhau. Các nguyên tắc này là kết quả của một quá trình hình thành và áp dụng trong thực tiễn và được thừa nhận, sử dụng rộng rãi ở cả trong PLQT và PLQG, do đó các NTPLC phần lớn có tính chất kỹ thuật pháp lý. Việc đồng nhất giữa hai hệ thống nguyên tắc này là không phù hợp, bởi lẽ các nguyên tắc cơ bản của PLQT là kết quả của sự đấu tranh và thương lượng trong quá trình cùng tồn tại và phát triển của các chủ thể PLQT, chính vì vậy bên cạnh nội dung pháp lý, các nguyên tắc cơ bản của PLQT còn thể hiện rõ tính chất chính trị. Các nguyên tắc này có tính chất như là kim chỉ nam, đóng vai trò xuất phát điểm cho sự ghi nhận và vận hành của toàn bộ hệ thống PLQT, chúng thường được viện dẫn để giải quyết những vấn đề có tính chất quan trọng, sống còn giữa các chủ thể PLQT với nhau.
Thứ hai, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, các NTPLC tồn tại và được áp dụng trong PLQT và PLQG. Thực tiễn phân xử tranh chấp của TACLQT (ICJ) và Pháp viện Thường trực quốc tế (PCIJ) cũng đã cho thấy các “nguyên tắc pháp luật chung” cũng đồng thời được áp dụng tương tự trong PLQG. Chẳng hạn, trong vụ Nhà máy Chorzow giữa Đức và Ba Lan, Tòa PCIJ đã lập luận rằng nguyên tắc đã được áp dụng rộng rãi trong tiền lệ xét xử của các tòa trọng tài quốc tế và cả ở các Tòa án quốc gia, theo đó một bên không thể hưởng lợi bằng việc viện lý do rằng một bên đã không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình hoặc chưa áp dụng các biện pháp bồi thường, nếu như chính bên đó bằng hành vi trái phép của mình đã ngăn cản bên kia thực hiện các nghĩa vụ của họ, hoặc đưa vụ việc ra trước một Tòa án có thẩm quyền.[17] Lập luận này cũng đã được nhắc lại trong vụ Dự án Gabčíkovo-Nagymaros giữa Hungary và Slovakia. Trong vụ Ngôi đền Preah Vihear giữa Cambodia và Thái Lan, Tòa ICJ đã nhắc đến một nguyên tắc chung của pháp luật được áp dụng trong PLQG: nguyên tắc lời hứa quân tử (estoppels). Nguyên tắc này khẳng định rằng sự viện dẫn đến một sai sót sẽ không thể được chấp nhận như là một cơ sở nhằm loại trừ sự đồng ý nếu như bên viện dẫn điều đó đã góp phần tạo ra sự sai sót đó, hoặc đã có thể tránh được sai sót, hoặc là nếu trong những hoàn cảnh như vậy đã có thể làm cho bên này biết được về khả năng có sai sót.[18] Trong vụ Eo biển Corfu giữa Albania và Anh, Tòa cho rằng khi mà các chứng cứ trực tiếp khó thu thập, các chứng cứ gián tiếp có thể được chấp nhận, bởi lẽ điều đó đã được chấp nhận ở mọi hệ thống luật pháp nếu như không còn lý do để nghi ngờ nữa, chính vì thế, Tòa đã sử dụng các bằng chứng thông qua sự liên hệ với tình huống thực tế hoặc là các chứng cứ hoàn cảnh (circumstantial evidence).[19]
Bên cạnh Tòa ICJ, các NTPLC cũng được các thiết chế tài phán quốc tế khác khẳng định như một nguyên tắc được thừa nhận và áp dụng trong PLQG. Trong vụ kiện trọng tài giữa Argentina và Chile về đường biên giới,[20] Tòa đã cho rằng quyết định của Tòa có giá trị res judicata và ràng buộc pháp lý đối với các bên trong tranh chấp. Đây là một nguyên tắc nền tảng trong pháp luật của các quốc gia vốn thường xuyên được viện dẫn trong các án lệ và cũng là một nguyên tắc phổ quát và tuyệt đối của PLQT. Res judicata có nghĩa một phán quyết cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc đã được thông qua sẽ loại trừ những phán quyết sau này có sự mâu thuẫn về cùng một vấn đề.[21] Tương tự, nguyên tắc thiện chí (good faith) cũng được coi như một nguyên tắc của cả PLQT và PLQG.[22]
Thứ ba, các NTPLC được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là từ các quy định của PLQG. Các nguyên tắc này trước hết là những quy phạm “chung”, đóng vai trò là những quan điểm, tư tưởng pháp lý có tính khái quát, cô đọng nhất làm cơ sở cho sự hình thành, ghi nhận và thực thi các quy phạm PLQG. Ở nội dung này, các NTPLC có mối quan hệ mật thiết với các quy tắc của PLQG được hình thành và phát triển trong những lĩnh vực đặc thù như hợp đồng, giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại, việc áp dụng quyền tài phán… Các NTPLC, vì thế, có đặc điểm chung về nguồn gốc hình thành tương tự như các TQQT. Đặc biệt, các NTPLC có sự gắn bó rất chặt chẽ với các nguyên tắc của pháp luật dân sự La Mã (jus civil). Điều này thể hiện ở việc hầu hết các NTPLC có nguồn gốc từ tiếng latin. Cũng chính từ đặc điểm đa dạng về nguồn gốc hình thành cũng như trải qua một quá trình phát triển lâu dài, hiện không có một danh mục đầy đủ, trong đó liệt kê các NTPLC được thừa nhận và áp dụng trong thực tiễn PLQT ngày nay.
Chẳng hạn, nguyên tắc qui iure suo utitur, nemini facit iniuriam (việc sử dụng quyền của một người không được làm phương hại đến những người khác) là một nguyên tắc quan trọng trong luật La Mã cổ đại.[23] Trong khi đó, nguyên tắc cơ bản nullum crimen sine lege (tội phạm phải được quy định trong luật) không chỉ là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự quốc gia mà còn là nguyên tắc pháp lý của hệ thống luật hình sự quốc tế ngày nay. Tương tự, nguyên tắc về tính toán bồi thường thiệt hại phải dựa trên cơ sở của việc đảm bảo bù đắp các thiệt hại xảy ra và những lợi ích bị mất đi mà lẽ ra phải được hưởng do việc hủy hoại, sự gây thiệt hại hoặc tước đoạt đi những khoản lợi nhuận (darnnum ernergens và lucrum cessans) là một nguyên tắc của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort) và cũng được coi như một nguyên tắc áp dụng trong các vụ giải quyết tranh chấp quốc tế về tài sản và quốc hữu hóa.[24] Trải qua quá trình vận dụng trong QHQT, các NTPLC được hình thành và dần dần trở thành những quy tắc quan trọng của PLQT.
Cũng xem xét sự hình thành của các NTPLC trong PLQT, có thể khẳng định rằng chúng có sự liên hệ mật thiết với các tập quán của PLQT, thể hiện ở chỗ đều có nguồn gốc là những quy phạm PLQG và được áp dụng rộng rãi như là những quy tắc có tính bắt buộc. Mặc dù vậy, nếu TQQT là một loại nguồn không thành văn có giá trị pháp lý ngang với các ĐƯQT, các NTPLC có thể xem là một loại nguồn thứ ba nhưng không xếp cùng các phương tiện bổ trợ nguồn của PLQT.
Thực tiễn áp dụng PLQT cũng cho thấy hiện không có một tài liệu, văn kiện chính thức nào chính thức ghi nhận, tập hợp và xác định hệ thống các NTPLC. Tuy nhiên, các nguyên tắc này sẽ được xác định thông qua các tiêu chí: (i) việc thừa nhận và áp dụng rộng rãi của các quốc gia, thể hiện thông qua các hành vi pháp lý cũng như các văn kiện pháp lý quốc tế; trong trường hợp này, các NTPLC tồn tại đồng thời với những TQQT và giữa chúng có sự tương tác với nhau, các NTPLC có thể cũng chính là những TQQT; (ii) sự ghi nhận và áp dụng bởi TACLQT của Liên hợp quốc và các thiết chế tài phán quốc tế khác thông qua các phán quyết, nghị quyết xét xử hoặc kết luận tư vấn pháp lý của mình;[25] (iii) sự viện dẫn của các quốc gia trong quá trình giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn và yêu sách của nhau trong QHQT, và (iv) sự ghi nhận và phân tích trong các công trình nghiên cứu, các tác phẩm của các học giả danh tiếng về PLQT đã được thừa nhận trong khoa học pháp lý vốn được xác định như là những phương tiện để xác định các quy phạm PLQT.[26]
Thứ tư, về vị trí và vai trò trong hệ thống nguồn của PLQT, các NTPLC cần được xem như là một loại nguồn pháp lý mà không phải là một dạng phương tiện bổ trợ nguồn. Điều này dựa trên khả năng áp dụng của chúng trong thực tiễn giải quyết các vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia. Điều đáng nói là, từ trước đến nay, quan điểm của nhiều học giả của Việt Nam về khái niệm, vị trí, vai trò của các NTPLC là không thực sự rõ ràng và dường như coi các NTPLC là một loại phương tiện bổ trợ nguồn mà vai trò quan trọng của chúng là giúp cho việc giải thích và áp dụng các loại nguồn cơ bản của PLQT, ĐƯQT và TQQT. Những người ủng hộ quan điểm này sẽ coi NTPLC không phải là những quy phạm pháp lý đúng nghĩa và chỉ có thể được áp dụng nhằm giải thích và làm sáng tỏ nội dung của quy phạm PLQT. Do việc không đề cập vai trò áp dụng để giải quyết các vấn đề khi không có các quy phạm PLQT tương ứng hoặc không thống nhất, các NTPLC thực chất cũng được xem như một dạng phương tiện bổ trợ nguồn mà không phải là một loại “nguồn” đúng nghĩa.[27] Quan điểm khác dựa trên cách phân loại nguồn của PLQT, được định nghĩa như là những hình thức pháp lý ghi nhận sự tồn tại của các quy phạm PLQT, trong đó các NTPLC xếp vào nhóm các nguồn bất thành văn cùng với các TQQT.[28] Theo quan điểm của tác giả quan điểm này là có cơ sở và vì thế sẽ xem các NTPLC là một loại nguồn pháp lý, hay nói cách khác, là một hình thức chứa đựng các quy phạm pháp lý của PLQT ngày nay.
2. Vai trò của nguyên tắc pháp luật chung trong pháp luật quốc tế
Các NTPLC có vai trò khá quan trọng trong PLQT, thể hiện ở việc chúng được áp dụng để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong các lĩnh vực tương ứng của PLQT. Khác với các ĐƯQT và TQQT, các NTPLC không điều chỉnh trực tiếp, ngay từ đầu. Trái lại, chúng đóng vai trò là những nguyên tắc định hướng, chỉ ra cách thức chọn luật hoặc quy tắc cho việc áp dụng các quy phạm của PLQT và chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt. Vai trò này được thể hiện ở khía cạnh sau đây: (i) là cơ sở cho việc giải thích và áp dụng đúng đắn các quy tắc của PLQT; (ii) là cơ sở để xây dựng các quy phạm PLQT; và (iii) là phương tiện áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề không có quy phạm PLQT tương ứng để giải quyết.[29]
2.1. Là cơ sở cho việc giải thích và áp dụng đúng đắn các quy tắc của pháp luật quốc tế
Các NTPLC được vận dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của PLQT, bao gồm các lĩnh vực truyền thống của PLQT (như luật biển, luật ĐƯQT, luật ngoại giao và lãnh sự…) và những lĩnh vực mới như kinh tế quốc tế.
Trong luật ĐƯQT, nguyên tắc pacta sunt servanda chính là một nguyên tắc nền tảng. Tất cả các ĐƯQT được ký kết một cách hợp pháp, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng và nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của PLQT phải được các bên tự nguyện thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thiện chí. Các nguyên tắc này được sử dụng như những nguyên tắc của luật ĐƯQT nhằm xác định việc áp dụng ưu tiên trong trường hợp có các ĐƯQT được ký kết kế tiếp nhau về cùng một vấn đề. Cụ thể, nguyên tắc ưu tiên đối với cam kết gần nhất (lex posterior derogat priori) xác định ĐƯQT được ký kết sau sẽ được áp dụng trong trường hợp tất cả các bên tham gia ký kết điều ước trước cũng đồng thời là các bên ký kết điều ước sau. Điều ước trước chỉ có hiệu lực nếu nó phù hợp với điều ước sau. Trong khi đó, nguyên tắc priori in tempore in jus áp dụng trong trường hợp một số bên tham gia ký kết điều ước thứ nhất lại tham gia điều ước thứ hai về cùng một vấn đề. Cụ thể, điều ước thứ nhất sẽ ưu tiên áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia đã ký kết điều ước thứ nhất và các quốc gia đã ký cả hai điều ước, còn điều ước thứ hai sẽ áp dụng giữa các quốc gia ký kết cả hai điều ước và các quốc gia đã ký kết điều ước thứ hai. Nguyên tắc dành quyền ưu tiên cho các điều ước chuyên môn so với các điều ước chung (lex specialis derogat generali) quy định ĐƯQT chuyên môn sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp tất cả các bên tham gia ký kết điều ước trước cũng đồng thời là các bên ký kết điều ước sau. Cuối cùng, toàn bộ quá trình giải thích điều ước phải dựa trên sự thiện chí (good faith – bona fide). Để xác định yếu tố này, các giai đoạn giải thích điều ước sẽ bao gồm một loạt các thao tác có tính liên hệ mật thiết với nhau và xuyên suốt. Việc xem xét sự thiện chí cần đảm bảo tính hợp lý, nếu kết quả của việc giải thích không phù hợp hoặc bất hợp lý ở thời điểm hiện tại.[30]
Các quy tắc của luật ĐƯQT được coi là một trong những nguồn pháp lý mà các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO sử dụng trong các vụ việc trong khuôn khổ của tổ chức này. Các NTPLC chủ yếu được áp dụng trong quá trình giải thích ĐƯQT. Ví dụ, trong vụ EC – Sản phẩm sinh hoc (EC –Biotech Products) cơ quan phúc thẩm của WTO đã cho rằng những quy tắc khác của PLQT có liên quan, trong trường hợp này là Công ước về đa dạng sinh học và Nghị định thư về đa dạng sinh học sẽ không thể đem ra xem xét trừ khi tất cả các thành viên của WTO cũng tham gia những điều ước này. Do đó, các điều ước này sẽ không thể áp dụng đối với Hoa Kỳ là nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn các điều ước này. Đây chính là sự vận dụng của nguyên tắc một người chỉ bị ràng buộc với những gì mà anh ta cam kết (Res inter alios acta).[31] Trong vụ Hoa Kỳ – Tôm (US – Shrimp), cơ quan phúc thẩm của WTO đã đề cập đến nguyên tắc thiện chí như một NTPLC và là một nguyên tắc của công pháp quốc tế theo đúng tinh thần của Điều 31(3)(c) của Công ước Vienna 1969 để áp dụng giải thích điều XX của Hiệp định GATT. Trong vụ EC – Aircraft (AB), cơ quan phúc thẩm đã sử dụng nguyên tắc không hồi tố (principle of non-retroactivity) đề cập tại Điều 28 của Công ước Vienna 1969 như một NTPLC để giải thích khả năng áp dụng của các Hiệp định có liên quan của WTO.
Đối với các ĐƯQT về lãnh thổ và biên giới, nhìn chung nguyên tắc tôn trọng các đường biên giới đã tồn tại (uti possidetis) được áp dụng. Nguyên tắc uti possidetis được nhắc đến bởi Tòa án công lý quốc tế (TACLQT) trong phán quyết về đường biên giới giữa Burkina Faso và Mali năm 1986. Theo đó, các quốc gia mới giành được độc lập sẽ tôn trọng những đường biên giới đang tồn tại do các nước đế quốc đã vạch ra trước đây. TACLQT tuyên bố: “Không có nghi ngờ rằng nghĩa vụ tôn trọng các đường biên giới quốc tế đã tồn tại trong trường hợp kế thừa quốc gia xuất phát từ một quy tắc chung của PLQT, thể hiện dưới hình thức của nguyên tắc uti possidetis”.
Trong vụ tranh chấp về Ngôi đền Preah Vihear (Cambodia kiện Thái Lan) năm 1962, Tòa án công lý quốc tế đã xác định vào năm 1904 một đường biên giới đã được xác định giữa Cambodia (Pháp bảo hộ) và Siam (Thái Lan) thông qua một hiệp định, trong đó bản đồ biên giới xác định ngôi đền nằm về phía lãnh thổ của Cambodia. Phía Thái Lan sau đó đã nhận được bản đồ này mà không có phản đối và thậm chí năm 1930 một Hoàng tử Thái Lan đã thực hiện chuyến thăm ngoại giao cấp nhà nước đến khu vực tranh chấp khi đó đang do Pháp cai quản. Trên cơ sở đó, Tòa tuyên bố “…Thái Lan, bằng hành động của mình, không thể tuyên bố rằng họ đã không chấp nhận đối với nó”.
Trong giải quyết tranh chấp quốc tế, các NTPLC thể hiện vai trò kỹ thuật pháp lý của chúng thông qua các nguyên tắc về tố tụng. Chẳng hạn, nguyên tắc phán quyết của tòa có giá trị pháp lý ràng buộc các bên tranh chấp (res judicata) và không thể bị kháng cáo. Nguyên tắc này được hiểu một vấn đề mà một phán quyết cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc đã được thông qua, vì thế loại trừ những phán quyết sau này có sự mâu thuẫn về cùng một vấn đề. Nguyên tắc non ultra petita là một nguyên tắc đặc thù trong tố tụng dân sự và hành chính cũng như trong tố tụng quốc tế.[32] Theo đó một tòa sẽ không thể quyết định về những vấn đề ngoài những vấn đề mà tòa được yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, còn bao gồm những nguyên tắc quan trọng khác như nguyên tắc “một người không thể là thẩm phán trong vụ việc mà anh ta theo đuổi”,[33] hoặc nguyên tắc một bên tranh chấp không thể từ chối thừa nhận một sự thật hoặc thực tế mà bên đó đã chứng minh rõ bằng những hành động cụ thể (principle of estoppel).
Các NTPLC có vai trò quan trọng trong việc giải thích khái niệm “trách nhiệm pháp lý quốc tế”. Chẳng hạn, trong vụ Vùng Tây Ban Nha ở Morocco (Spanish Zone of Marocco) năm 1923, PCIJ đã kết luận: “Trách nhiệm pháp lý là một hệ quả tất yếu của một quyền. Tất cả các quyền của một chủ thể luật quốc tế đều liên hệ tới trách nhiệm pháp lý quốc tế. Trách nhiệm pháp lý dẫn đến nghĩa vụ thực hiện việc bồi thường nếu những nghĩa vụ được nói đến là không được thực thi”.[34] Trong vụ kiện nhà máy Chorzow (Chorzow Factory Case), Tòa án Thường trực quốc tế của Hội quốc liên (tiền thân của Tòa án quốc tế đã kết luận: “Một nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi là bất kỳ một sự vi phạm đối với một nghĩa vụ quốc tế nào đều sẽ dẫn đến việc bồi thường”.[35] Trong lĩnh vực môi trường, Tòa án công lý quốc tế trong các bản án của mình đã công nhận trách nhiệm bảo đảm sự cân bằng về sinh thái của trái đất là một lợi ích thiết yếu của mọi quốc gia và mục đích của chúng chính là sự bảo vệ cộng đồng quốc tế nói chung.[36]
2.2. Là cơ sở cho việc hình thành những quy phạm mới của pháp luật quốc tế
Thực tiễn áp dụng các quy định của PLQG dẫn đến sự ghi nhận chúng như những quy tắc PLQT tồn tại dưới dạng tập quán và từ đó làm cơ sở vật chất cho quá trình pháp điển hóa PLQT sau này. Việc áp dụng các NTPLC trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế có giá trị là cơ sở hình thành những quy phạm pháp lý trong những lĩnh vực truyền thống nhưng chưa có sự hoàn thiện về hệ thống quy phạm như trách nhiệm pháp lý quốc tế, quyền con người, đối xử với người nước ngoài, hoặc những lĩnh vực mới của PLQT như luật biển quốc tế hiện đại. Các NTPLC khi được áp dụng trong hoàn cảnh không có một quy phạm tương ứng hoặc thích hợp của PLQT có thể trở thành những tiêu chuẩn pháp lý đã được chứng minh thông qua việc xác định tính hợp lý, giá trị pháp lý ràng buộc và trở thành những quy tắc TQQT. Cần phải nói thêm rằng, các TQQT có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên các quy phạm ĐƯQT thông qua quá trình pháp điển hóa PLQT. Trong quá trình xây dựng các ĐƯQT, có rất nhiều các quy phạm tập quán được các nhà làm luật tập hợp và pháp điển hóa thành các quy phạm điều ước.[37]
Chẳng hạn như nguyên tắc công bằng đã được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp về phân định biển[38] và sau đó đã trở thành một nguyên tắc quan trọng để các quốc gia cũng như các cơ quan tài phán quốc tế dựa vào khi giải quyết vấn đề phân định biển giữa các quốc gia. Cũng trong vụ Phân định thềm lục địa Tunisia/ Libya, Tòa án công lý quốc tế đã cho rằng Tòa cần phải áp dụng nguyên tắc công bằng như là một phần của PLQT nhằm đi đến sự cân bằng giữa việc xem xét nhiều khía cạnh khác nhau mà Tòa coi là có liên hệ nhằm tạo ra một kết quả công bằng.[39]
Trong lĩnh vực luật ngoại giao và lãnh sự, nguyên tắc cơ bản của PLQT trong việc thực thi quyền bảo hộ chống lại một quốc gia đã có hành vi gây thiệt hại đối với công dân mình đã được phát triển trong vụ Mavrommatis vào năm 1924. Theo đó, Pháp viện Thường trực của Hội quốc liên (PCIJ) đã khẳng định Hy Lạp có quyền tiến hành các thủ tục tố tụng nhằm chống lại Anh do những hành vi xâm phạm đối với công dân của nước mình. Tòa đã viện dẫn quyền này như một nguyên tắc cơ bản của quyền bảo hộ công dân và không cần dựa vào bất kỳ một ĐƯQT, TQQT hay một án lệ nào.[40]
Trong vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế, nguyên tắc về trách nhiệm của quốc gia do những hành vi sai trái áp dụng đối với người nước ngoài đòi hỏi người nước ngoài bị vi phạm đó trước tiên phải áp dụng hết mọi biện pháp bảo vệ hiện có ở nước sở tại là kết quả của việc vận dụng quy tắc tương ứng của PLQG: việc sử dụng hết các biện pháp khắc phục sẵn có (exhaustion of local remedies) thể hiện trong vụ Ambatielos (Hy Lạp kiện Anh) năm 1956.[41] Đây cũng được coi là một nguyên tắc của luật đầu tư quốc tế.[42] Trong vụ Barcelona Traction (Bỉ và Tây Ban Nha) năm 1970, khi xem xét liệu Bỉ có thể kiện đòi thực hiện trách nhiệm pháp lý quốc tế cho những thiệt hại mà Tây Ban Nha đã gây ra đối với lợi ích của những cổ đông có quốc tịch Bỉ tại một công ty Canada hay không, Tòa án công lý quốc tế đã nghiên cứu các quy tắc của PLQG áp dụng đối với các công ty và cổ đông khi mà những vấn đề này không được đề cập trong PLQT. Sau khi nghiên cứu các quy định liên quan đến quyền của công ty và cổ đông, Tòa đã đi đến kết luận rằng chỉ có Canada, quốc gia mà công ty nói trên có quốc tịch, mới có tư cách khởi kiện đòi thực hiện trách nhiệm pháp lý quốc tế.[43] Trên cơ sở đó, trong vấn đề xác định thẩm quyền của quốc gia đối với công dân và pháp nhân mang quốc tịch của mình, việc xem xét các vấn đề về bồi thường thiệt hại do hành vi truất hữu, nguyên tắc về quốc tịch của pháp nhân là một trong những nguyên tắc của luật đầu tư quốc tế.
Cũng trong lĩnh vực này, nguyên tắc về trách nhiệm của quốc gia do những hành vi sai trái áp dụng đối với người nước ngoài đòi hỏi người nước ngoài bị vi phạm đó trước tiên phải áp dụng hết mọi biện pháp bảo vệ hiện có ở nước sở tại là kết quả của việc vận dụng quy tắc tương ứng của PLQG, thể hiện trong vụ Ambatielos (Hy Lạp kiện Anh) năm 1956.
2.3. Có thể được áp dụng nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề khi chưa có quy phạm pháp luật quốc tế tương ứng để giải quyết
Một vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ pháp lý đó là sự tồn tại của các khoảng trống pháp lý (legal gaps), đây được xem là trường hợp những vấn đề mà luật điều chỉnh không thích hợp, không rõ ràng hoặc không hoàn chỉnh.[44] Theo Lauterpacht, các NTPLC là một trong số những công cụ mà các thẩm phán quốc tế không chỉ được phép mà còn có nghĩa vụ phải sử dụng để khắc phục những khoảng trống pháp lý nhằm đảm bảo sự hoàn chỉnh của pháp luật.[45]
Các NTPLC có thể được vận dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong quan hệ quốc tế (QHQT), đặc biệt khi không có quy phạm pháp luật cụ thể để áp dụng. Điều này dẫn đến vấn đề liệu có hay không quan hệ thứ bậc giữa các loại nguồn pháp lý của PLQT. Khoa học luật quốc tế đã khẳng định rằng, trong số các loại nguồn của PLQT, các ĐƯQT và TQQT có giá trị pháp lý như nhau.[46] Mặc dù vậy, trong trường hợp một quan hệ xã hội cụ thể lại được điều chỉnh bởi cả quy phạm điều ước và quy phạm tập quán thì các quốc gia thường ưu tiên áp dụng quy phạm ĐƯQT. Điều này xuất phát từ những ưu thế rõ rệt của ĐƯQT so với TQQT. Trong khi đó, quan hệ giữa các NTPLC với ĐƯQT và TQQT hiện chưa được xác định cụ thể. Mặc dù vậy, các nguyên tăc pháp luật chung cần được xếp sau hai loại nguồn ĐƯQT và TQQT và không thể xem là một phương tiện bổ trợ nguồn.
Chẳng hạn, trong PLQT về lãnh thổ và biên giới quốc gia, các NTPLC có những tác động to lớn. Nguyên tắc tabula rasa (clean slate) cho phép các quốc gia mới thành lập được giải phóng khỏi những ràng buộc bởi các ĐƯQT mà quốc gia thuộc địa đã ký trước đây. Đồng thời, nguyên tắc này cũng cho phép các quốc gia mới kế thừa một cách có chọn lọc những ĐƯQT mà quốc gia thuộc địa (quốc gia để lại kế thừa) ký kết, trong đó có các điều ước về lãnh thổ. Vấn đề này được khẳng định lại bởi Tòa án trọng tài trong vụ tranh chấp biên giới biển giữa Guinee Bissau và Senegal năm 1989. Theo đó “một quốc gia sinh ra từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc có quyền chấp nhận hay không các ĐƯQT được quốc gia thực dân ký… Trong lĩnh vực này, quốc gia mới được hưởng sự tự do tuyệt đối”.
Mặc dù có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong QHQT, các NTPLC chỉ nên được áp dụng trong trường hợp không có các quy phạm ĐƯQT hoặc quy phạm tập quán sẵn có để điều chỉnh. Theo tác giả M. Shaw, khái niệm “những NTPLC” được đưa vào Điều 38(1) quy chế Tòa án Quốc tế như một loại nguồn được Tòa áp dụng để giải quyết những vấn đề chưa được điều chỉnh bởi PLQT (non liquet).[47] Điều này có thể được giải thích dựa trên tính rõ ràng, cụ thể và trực tiếp của hai loại nguồn trên, đặc biệt là nguồn ĐƯQT. Bên cạnh đó, các NTPLC thường được sử dụng bởi các cơ quan tài phán quốc tế trong các vụ tranh chấp và nội hàm của chúng lại cần phải được các cơ quan này xác định chính thức.
3. Kết luận
Các NTPLC cần được coi là một loại nguồn đặc biệt của PLQT. Chúng không chỉ có vai trò làm sáng tỏ và khẳng định nội dung của các quy phạm điều ước và TQQT, được áp dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh khi không có sự tồn tại của hai loại nguồn trên mà còn có vai trò quan trọng trong sự hình thành các quy phạm của hệ thống PLQT. Chính vì thế, cần phải có một sự xác định lại về vị trí, vai trò của hệ thống các NTPLC cũng như nghiên cứu việc áp dụng chúng trong thực tiễn một cách thấu đáo, đầy đủ hơn. Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn vận dụng các NTPLC có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các luận cứ pháp lý phục vụ cho việc đấu tranh ngoại giao và pháp lý các vấn đề về biên giới, lãnh thổ nhằm khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, trong đó bao gồm việc sử dụng cho các lập luận về yêu sách chủ quyền lãnh thổ, lập luận phản bác quan điểm và lập trường sai trái một số các bên.
CHÚ THÍCH
[1] Raimondo Uva, “General Principles of Law in the Decisions of International Criminal Courts and Tribunals, PhD Thesis, University of Amsterdam, http://hdl.handle.net/11245/2.52732, truy cập ngày 31/10/2017, tr. 12
[2] Maria Panezi, “Sources of Law in Transition: Re-visiting General Principles of International Law” http://www.anci.ch/_media/beitrag/ancilla2007_66_panezi_sources.pdf, truy cập ngày 31/10/2017.
[3] International Law Being the Collected Papers of Hersch Lauterpacht, (E. Lauterpacht ed.), The General Works, Volume I, p. 68-86 (definition of General Principles on p. 69-70).
[4] Cheng Bin, General Principles of Law as Applied by International Courts and Tribunals, reprinted, Cambridge 1987.
[5] Schlesinger Rudolf B., “Research on the General Principles of Law Recognized by Civilized Nations” 51 AM. J. INT”L L. 734, 739, 1957.
[6] Hermann Mosler, General Principles of Law, Encyclopedia of Public International Law, Elsevier, Amsterdam, 1999, p. 513, 516.
[7] Marija Đorđeska, “General principles of law – judicial theory or everyday practice of international courts?”, http://www.nowyjorkonz.msz.gov.pl/resource/3af82202-d042-4760-bce3-2c60dff95593:JCR, truy cập ngày 31/10/2017.
[8] Maria Panezi, tlđd.
[9] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb. Công an Nhân dân, 2012, tr. 29-30.
[10] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế, Quyển 1, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr. 155.
[11] Trần Văn Thắng, Lê Mai Anh (chủ biên), Luật Quốc tế – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, 2001, tr. 49.
[12] Đỗ Hòa Bình (chủ biên), Thuật ngữ Luật Quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2016, tr. 249.
[13] Lê Văn Bính, “Tiệm cận các quy phạm Luật Quốc tế”, Tạp chí Khoa học, Kinh tế/ Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), 24, 2008, tr. 95.
[14] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế, Quyển 1, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr. 71.
[15] Xem các Giáo trình Luật Quốc tế/Công pháp Quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[16] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tlđd, tr. 76.
[17] Case concerning the Factory at Chorzów (Poland v. Germany)
[18] Case concerning the Temple of Preah Vihear [Cambodia v Thailand], ICJ 1962.
[19] Corfu Channel, Merits, Judgment, ICJ Reports 1949, tr. 4
[20] Boundary Dispute between Argentina and Chile concerning the Frontier Line between Boundary Post 62 and Mount Fitzroy, http://legal.un.org/riaa/cases/vol_XXII/3-149.pdf, truy cập ngày 31/10/2017.
[21] Aaron X Fellmeth và Maurice Horwitz, Guide to Latin in International Law, Oxford, 2009.
[22] Case concerning the Loan Agreement between Italy and Costa Rica, para 14.
[23] Garner, Bryan (ed.), Black”s Law Dictionary, 8th edition, St. Paul, Thomson/West, 2004, p. 1750.
[24] Xem AMCO v. Republic of Indonesia case, Arbitration Tribunal, ILR, pp. 366, 504
[25] Chẳng hạn như các nguyên tắc pháp luật chung đã được Tòa án Cộng đồng châu Âu xác định như là một nguyên tắc của công pháp quốc tế, bên cạnh là những nguyên tắc chung của PLQG.
[26] Chẳng hạn như các tác phẩm kinh điển của luật quốc tế của các học giả hàng đầu như Lauterpacht, Oppenhaim, Tunkin…
[27] Xem thêm Trần Văn Thắng, Lê Mai Anh, tlđd, tr. 49.
[28] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tlđd, tr. 93.
[29] Xem thêm Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 29-30; Trần Văn Thắng, Lê Mai Anh, tlđd, tr. 49; Raimondo Uva, tlđd, tr. 48; Neha Jain, “Judicial Lawmaking and General Principles of Law in International Criminal Law”, Harvard International Law Journal, 2016, Vol. 57, p. 113.
[30] Xem Trần Thăng Long, “Giải thích điều ước theo Công ước Vienna 1969 về luật điều ước quốc tế và thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế – những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 7, 2016.
[31] Nguyên tắc này đã được thể hiện tại Điều 34 Công ước Vienna 1969 về luật điều ước quốc tế: Một điều ước không tạo ra nghĩa vụ hay quyền hạn cho một quốc gia thứ ba, nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó.
[32] Ronen, Yaėl, The Law and Practice of the International Court, Brill, 2006, p. 576.
[33] Nguyên tắc này được Tòa Công lý thường trực Hội quốc liên (PCIJ) tuyên bố trong vụ Biên giới Mosul (Mosul boundary case), PICJ, 1925, Series B, No. 12, 32.
[34] Spanish Zone of Morocco Claims (UK v. Spain) (1924) 2 R.I.A.A. 615.
[35] Factory at Chorzow (Germany v Poland) (1927) PCIJ series A No. 9
[36] Gabcikovo-Nagymaros (Hungary v. Slovakia), ICJ Reports1997.
[37] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tlđd, tr. 93.
[38] North Sea Continental Shelf, Judgment, ICJ Reports, 3.
[39] Tunisia/ Libya Continental shelfcase, ICJ Reports, 1982, tr. 18, 60.
[40] Mavrommatis case, PCIJ, 1924.
[41] Ambatielos Case (Greece v. UK) (1956) ILR 306.
[42] The International Institute for Sustainable Development, “Exhaustion of Local Remedies in International Investment Law”, 2017, https://www.iisd.org/sites/default/files/publications/best-practices-exhaustion-local-remedies-law-investment-en.pdf, ngày truy cập 31/10/2017.
[43] Barcelona Traction, Light and Power Company Ltd (Belgium v Spain) ICJ Reports, 1971, 3, 234.
[44] Jain, tlđd, p. 114; Malcolm N Shaw, International Law, Cambridge, 2003, p. 92
[45] Hersch Lauterpacht, The Development of International Law by the International Court, trong Jain, 1958, p. 114.
[46] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tlđd, tr. 152.
[47] M. Shaw, tr. 93.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đỗ Hòa Bình (chủ biên), Thuật ngữ Luật Quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2016 [trans: Do Hoa Binh (ed.), International Law Terms, National Political Publishing House, 2016]
- Lê Văn Bính, “Tiệm cận các quy phạm Luật Quốc tế”, Tạp chí Khoa học, Kinh tế/ Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội), 24, 2008 [trans: Le Van Binh, “Approaching international law norms”, Journal of Science, Ha Noi National University, Economics – Law 24, 2008]
- Cheng, Bin, General Principles of Law as Applied by International Courts and Tribunals, reprinted, Cambridge 1987
- Marija Đorđeska, “General principles of law – judicial theory or everyday practice of international courts?”, http://www.nowyjorkonz.msz.gov.pl/resource/3af82202-d042-4760-bce3-2c60dff95593:JCR, access on 31/10/2017
- Aaron X Fellmeth và Maurice Horwitz, Guide to Latin in International Law, Oxford, 2009
- Garner, Bryan (ed.), Black”s Law Dictionary, 8th edition, St. Paul, Thomson/West, 2004
- International Law Being the Collected Papers of Hersch Lauterpacht, (E. Lauterpacht (ed.)), The General Works, Vol. I, 68-86 (definition of General Principles on pg 69-70)
- Neha Jain, “Judicial Lawmaking and General Principles of Law in International Criminal Law”, Harvard International Law Journal , Vol. 57, 2016
- Hersch Lauterpacht, The Development of International Law by the International Court 166, 1958
- Hermann Mosler, General Principles of Law, Encyclopedia of Public International Law, Elsevier, Amsterdam, 1999
- Maria Panezi, “Sources of Law in Transition: Re-visiting General Principles of International Law”,.http://www.anci.ch/_media/beitrag/ancilla2007_66_panezi_sources.pdf, access on 31/10/2017
- Maria Panezi, “Sources of Law in Transition: Re-visiting General Principles of International Law”,.http://www.anci.ch/_media/beitrag/ancilla2007_66_panezi_sources.pdf, access on 31/10/2017
- Schlesinger, Rudolf B., Research on the General Principles of Law Recognized by Civilized Nations, 51 AM. J. INT”L L. 734, 739, 1957
- Trần Văn Thắng, Lê Mai Anh (chủ biên), Luật Quốc tế – Lý luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, 2001 [trans: Tran Van Thang, Le Mai Anh, (ed.), International Law – Theory and Practices, Education Publishing House, 2001]
- The International Institute for Sustainable Development, “Exhaustion of Local Remedies in International Investment Law”, 2017, https://www.iisd.org/sites/default/files/publications/best-practices-exhaustion-local-remedies-law-investment-en.pdf, access on 31/10/2017
- Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế, Nxb. Công an Nhân dân, 2012 [trans: Ha Noi Law University, Textbook on International Law, People”s Public Security Publishing House , 2012]
- Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế, Quyển 1, Nxb. Hồng Đức, 2013 [trans: Ho Chi Minh City University of Law, Textbook on Public International Law, Episode 1, Hong Duc Publishing House, 2013]
- Raimondo Uva, “General Principles of Law in the Decisions of International Criminal Courts and Tribunals, PHD Thesis, University of Amsterdam, http://hdl.handle.net/11245/2.52732, access on 31/10/2017
Trả lời