Mở cửa thị trường thuốc lá trong thương mại quốc tế – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
TÓM TẮT
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải mở cửa cho thị trường thuốc lá thông qua việc cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan. Tuy nhiên, bởi vì thuốc lá có khả năng gây nhiều tác động tiêu cực đến tính mạng, sức khỏe con người nên WTO và các thiết chế thương mại khu vực đã thừa nhận quyền của các thành viên trong việc ban hành chính sách kiểm soát mặt hàng này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đã, đang và sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu, dỡ bỏ hạn ngạch đối với thuốc lá trong WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đặt Việt Nam trước không ít những thuận lợi và thách thức. Bài viết này nhằm phân tích thực tiễn mở cửa thị trường thuốc lá của một số thành viên WTO thông qua một số vụ kiện tiêu biểu được giải quyết tại Cơ quan giải quyết tranh chấp DSB của WTO; phân tích thực tiễn cam kết của Việt Nam và đề xuất một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong thời gian tới.
Xem thêm:
- Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại – ThS. Trần Thị Nguyệt
- [EBOOK] Giáo trình Luật Thương mại quốc tế pdf – Trường ĐH Luật Hà Nội
- Đề thi Luật Thương mại quốc tế – Tổng hợp
- Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Thương mại quốc tế
1. Tổng quan mở cửa thị trường đối với thuốc lá
Cũng giống như một số hàng hóa khác, thuốc lá không bị cấm sản xuất và không bị cấm tiêu dùng. Ở góc độ kinh tế, việc sản xuất thuốc lá tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra. Bên cạnh đó, việc kinh doanh thuốc lá mang lại một nguồn lợi nhuận đáng kể cho bản thân các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá và đồng thời mang lại nguồn thu cho chính phủ của các quốc gia thông qua việc thu thuế (ví dụ như thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thuốc lá, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá, thuế thu nhập cá nhân…). Do đó, trong quá trình các quốc gia thực hiện chính sách tự do hóa thương mại của mình, thuốc lá đều bị đưa vào danh mục cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan.
Tiêu biểu như trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các thành viên ASEAN[1] đã dần dần cắt giảm thuế nhập khẩu đối với thuốc lá có xuất xứ từ ASEAN xuống mức 0 – 5% từ năm 2012 đến nay.[2] Riêng Việt Nam, thuốc lá vẫn được duy trì Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL),[3] nhưng dưới áp lực của khối thì có thể muộn nhất là sau năm 2018, Việt Nam sẽ phải đưa mặt hàng này vào cắt giảm để tự do hóa toàn diện trong khu vực. Việc gia tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuốc lá (đòi hỏi phải được sự đồng thuận để đàm phán lại) có thể sẽ làm cho hoạt động kinh doanh thuốc lá chuyển hướng sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc-New Zealands, những nước đã có ký kết Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do FTA với ASEAN để hưởng ưu đãi thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá.[4]
Ngoài ra, trongKhu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc(ACFTA),thuốc lá đã được các quốc gia đưa vào nhóm nhạy cảm cao (HSL)[5] và sẽ chính thức cắt giảm xuống 50% vào năm 2018.[6] Hay trong đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương(TPP) – Hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ 21 – thì mặc dù vấn đề tự do hóa thương mại đối với thuốc lá đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các thành viên như Malaysia, Mexico, Peru và của các tổ chức về y tế trên thế giới như Viện sức khỏe cộng đồng (PHI)[7] hay Hiệp hội các Giới chức y tế quốc gia và vùng lãnh thổ (ASTHO),[8] các thành viên đã đưa ra một số cam kết nhất định. Nhìn chung, trong TPP, các ý kiến phản đối đều xuất phát từ lo ngại khi thương mại thuốc lá trở nên tự do toàn diện sẽ đẩy tình hình kiểm soát thuốc lá của các thành viên đến giai đoạn cực kỳ khó khăn, đối mặt với việc kiện tụng do vi phạm các cam kết, do đó thuốc lá cần được loại bỏ ra khỏi TPP. Cụ thể, Malaysia phải cam kết sẽ loại bỏ tất cả thuế quan đối với thuốc lá trong vòng 16 năm, Nhật Bản là 11 năm, Hoa Kỳ là 10 năm, còn New Zealand và Brunei là ngay lập tức.[9] Với Việt Nam, đối với nhóm nguyên liệu thuốc lá, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan trong hạn ngạch vào năm thứ 11 với lượng hạn ngạch 500 tấn, thuế suất ngoài hạn ngạch duy trì ở mức MFN đến năm thứ 20, đến năm thứ 21, thuế nhập khẩu đối với nhóm này về 0%. Trong khi đó, đối với nhóm sản phẩm thuốc lá thì thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.[10]
Theo WHO, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại bệnh tật và tử vong cho con người. Do đó, việc mở cửa thị trường thuốc lá sẽ làm tăng việc tiêu thụ thuốc lá và điều đó tất yếu đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.[11] Để đối phó lại vấn đề này, các hiệp định thương mại tự do ngày nay càng có xu hướng dùng các chính sách đối nội nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng.[12] Trên cơ sở đó, các quốc gia dùng chính sách kiểm soát được thuốc lá để theo đuổi mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người.
2. Chính sách kiểm soát thuốc lá – biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người trong WTO
Trong WTO, về nguyên tắc, khi một thành viên đã cam kết mở cửa thị trường đối với thuốc lá thì thành viên này phải có nghĩa vụ không gây cản trở việc xâm nhập thị trường của thuốc lá nhập khẩu từ các thành viên khác vào thị trường của mình trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc (Điều I GATT 1994); nguyên tắc áp dụng mức thuế trần (Điều II GATT 1994) và nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (Điều III GATT 1994). Cụ thể hơn, thành viên WTO phải (1) đối xử với thuốc lá thành phẩm và nguyên vật liệu sản xuất thuốc lá nhập khẩu từ một thành viên WTO không kém thuận lợi hơn sản phẩm tương tự đến từ bất kỳ nước nào khác (ngoại trừ một số ngoại lệ liên quan đến cam kết khu vực theo Điều XXIV GATT 1994, ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển); (2) không được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuốc lá vượt quá mức thuế trần đã cam kết trong WTO (ngoại trừ thuộc trường hợp tự vệ thương mại theo Điều XIX GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ thương mại khi nhập khẩu thuốc lá có sự gia tăng không lường trước được, với số lượng tuyệt đối hoặc tương đối, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước) và (3) đối xử thuốc lá thành phẩm và nguyên vật liệu sản xuất thuốc lá nhập khẩu từ một thành viên WTO không kém ưu đãi hơn đối với sản phẩm nội địa tương tự.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, GATT/WTO cho phép các thành viên có thể áp dụng biện pháp không phù hợp với các nguyên tắc trên nếu biện pháp này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua các ngoại lệ chung theo Điều XX(b) GATT 1994 với điều kiện là các biện pháp này không được theo cách tạo ra công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế.[13] Nói cách khác, các hiệp định của WTO tôn trọng quyền tự chủ của các thành viên trong việc đặt ra các quy định để điều chỉnh đối với vấn đề về sức khỏe cộng đồng một cách hợp lệ.[14]
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về chính sách thương mại nói chung và tranh chấp về mở cửa thị trường thuốc lá nói riêng liên quan đến ngoại lệ Điều XX(b) GATT 1994 cho thấy rằng để biện minh cho biện pháp bảo vệ cuộc sống của con người, sức khỏe, Thành viên WTO bị khiếu nại phải chứng minh một số yếu tố sau. Thứ nhất, biện pháp vi phạm này là thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều XX(b) GATT 1994. Thứ hai, biện pháp này là “cần thiết”để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người. Cần lưu ý rằng việc chứng minh tính “cần thiết”rất phức tạp, đòi hỏi phải được đánh giá dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó có tổng hòa của biện pháp vi phạm với các biện pháp khác và tác động của các biện pháp vi phạm đó đối với thương mại quốc tế bằng cách so sánh biện pháp vi phạm đó với các biện pháp khác có thể thay thế mà ít hạn chế thương mại hơn để đạt được các mục tiêu theo đuổi.[15] Cuối cùng, biện pháp này không được tạo ra rào cản thương mại trá hình.
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của WTO, tính từ 1995 đến nay, đã có 6 vụ kiện liên quan đến thuốc lá.[16] Nhìn chung, các vụ kiện này chỉ dừng lại giai đoạn gửi đơn yêu cầu tham vấn, chưa có một phán quyết và khuyến nghị nào được Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đưa ra. Do đó, việc giải thích các điều khoản của GATT và các hiệp định tương ứng của WTO về mở cửa thị trường thuốc lá và chính sách kiểm soát thuốc lá vẫn chưa thực sự rõ ràng và chưa thể dự đoán được gì vào giai đoạn này.
Ngoài ra, liên quan đến các biện pháp kiểm soát thuốc lá với tư cách là biện pháp ngoại lệ theo Điều XX(b) GATT 1994, từ GATT 1947 cho đến nay, GATT/ WTO giải quyết bốn vụ kiện.[17] Trong đó, có phán quyết trong vụ kiện Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá(DS10) và trong vụ kiệnHoa Kỳ – các biện pháp ảnh hưởng đến việc sản xuất và bán thuốc lá có vị đinh hương (DS 406).
2.1. Nội dung vụ kiện Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá (DS10)
Năm 1989, Hoa Kỳ đã khởi kiện Thái Lan vì quốc gia này vẫn duy trì biện pháp cấm nhập khẩu thuốc lá nhưng vẫn cho phép bán thuốc lá trong nước theo Đạo luật Thuốc lá 1966.[18] Hoa Kỳ cho rằng, thứ nhất, biện pháp hạn chế nhập khẩu này không phù hợp với Điều XI của GATT 1947 về “Loại bỏ các hạn chế định lượng”. Thứ hai, Hoa Kỳ khẳng định Thái Lan không thể biện minh cho việc cấm nhập khẩu thuốc lá của Thái Lan là cần thiết để phục vụ cho mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc một biện pháp như vậy là cần thiết để thực hiện mục đích đó theo ngoại lệ được cho phép trong Điều XX(b) GATT 1947.[19]
Thái Lan đã lập luận, việc hạn chế nhập khẩu là một phần của chính sách toàn diện để kiểm soát việc sử dụng thuốc lá của Thái Lan và được chứng minh bằng các mục tiêu bảo đảm cho sức khỏe cộng đồng. Do đó, một lệnh cấm nhập khẩu là biện pháp duy nhất có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà bất kỳ biện pháp nào khác, khi vẫn còn cho phép nhập khẩu thuốc lá đều không hiệu quả.[20] Bên cạnh đó, liên quan đến trường hợp ngoại lệ trong Điều XX(b) GATT 1947, Thái Lan khẳng định bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm cơ bản của Chính phủ. Do đó, mục tiêu chính của Đạo luật 1966 là để đảm bảo rằng thuốc lá được sản xuất với số lượng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.[21]
Tuy nhiên, Ban hội thẩm kết luận rằng việc Thái Lan cấm nhập khẩu thuốc lá nước ngoài nhưng vẫn cho phép bán thuốc lá nội địa không được coi là “cần thiết”theo Điều XX(b) GATT 1947. Nó chỉ là “cần thiết”khi và chỉ khi không tồn tại một biện pháp khác có thể thay thế nhưng vẫn tuân thủ Hiệp định GATT hoặc ít mâu thuẫn với Hiệp định GATT hơn. Và, trên thực tế, nếu tồn tại biện pháp ít mâu thuẫn đó, thì Thái Lan phải áp dụng một cách hợp lý để đạt được mục tiêu liên quan đến chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Thái Lan.[22]
2.2. Nội dung vụ kiện Hoa Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng đến việc sản xuất và bán thuốc lá có vị đinh hương (DS406)
Năm 2010, Indonesia đã khởi kiện Hoa Kỳ vì quốc gia này đã cấm thuốc lá đinh hương nhưng vẫn cho phép sản xuất kinh doanh thuốc lá có hương vị khác như bạc hà theo Mục 907(a)(1)(A) Đạo luật Quản lý thuốc lá gia đình 2009.[23] Indonesia cho rằng hành vi này của Hoa Kỳ đã vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia theo Điều III.4 và không được biện minh bởi ngoại lệ theo Điều XX(b) GATT 1994 bởi nó đã tạo ra một hạn chế trá hình thương mại quốc tế trong phạm vi ý nghĩa đoạn đầu tiên Điều XX dưới hình thức là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người.[24]
Trước những cáo buộc của Indonesia, Hoa Kỳ lập luận rằng Mục 907(a)(1)(A) thuộc phạm vi của Điều XX(b) GATT 1994 vì nó được ban hành nhằm bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người, xuất phát từ những rủi ro gây ra bởi hút thuốc lá và các sản phẩm này có thể khuyến khích thanh niên sử dụng và dẫn đến chứng nghiện hoặc có thể chết. Vì vậy, việc sản phẩm thuốc lá này không được phép bán tại Hoa Kỳ được biện minh theo Điều XX(b).[25]
Trong vụ kiện này, Ban hội thẩm đã kết luận Mục 907(a)(1)(A) đã tạo cho thuốc lá đinh hương sự đối xử kém thuận lợi hơn một sản phẩm tương tự có nguồn gốc trong nước (ví dụ như thuốc lá tinh dầu bạc hà),[26] do đó, vi phạm Điều III GATT 1994. Và, biện pháp cấm nhập khẩu thuốc lá đinh hương không phải là cần thiết theo Điều XX (b) GATT 1994.[27]
Trong hai vụ kiện tiêu biểu trên, cả hai thành viên WTO, với tư cách là bị đơn, là Thái Lan và Hoa Kỳ đều cố gắng chứng minh cho hành vi cấm nhập khẩu thuốc lá của mình là“cần thiết”để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người theo Điều XX(b) nhưng đều bị Cơ quan giải quyết tranh chấp bác bỏ. Cũng cần phải nói thêm rằng, từ GATT 1947 cho đến nay, chưa có quốc gia nào thành công khi vận dụng Điều XX(b) vào chính sách kiểm soát thuốc lá của mình.[28] WTO cũng thừa nhận không một quốc gia nào bị cấm việc ban hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động vật, cây trồng … nhưng không được tạo thành một phương tiện đối xử tùy tiện giữa các thành viên hoặc những hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.[29]
Cũng cần phải nói thêm rằng tương tự với Điều XX(b) Hiệp định GATT 1994, Hiệp định ATIGA tại Điều 8(c) khẳng định các thành viên được quyền áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử nếu như biện pháp đó là cần thiết để bảo vệ cuộc sống, và sức khỏe của con người. Hiệp định TPP cũng ghi nhận ngoại lệ chung này. Cụ thể, TPP cũng không ngăn cản các thành viên áp dụng hoặc thi hành các biện pháp “cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người”.[30]
Điều đặc biệt là chính sách mở cửa thuốc lá và biện pháp kiểm soát thuốc lá của thành viên WTO không chỉ bị khởi kiện ra Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO mà còn bị khởi kiện ra các tổ chức trọng tài thương mại quốc tế theo các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và thậm chí còn có thể bị khởi kiện tại tòa án quốc gia bởi các công ty thuốc lá. Do đó, các quốc gia khó có thể tránh khỏi các tranh chấp thương mại quốc tế này. Cách phòng vệ tốt nhất cho quốc gia và doanh nghiệp có liên quan là phải chuẩn bị thật chi tiết hồ sơ vụ kiện, bằng chứng khoa học khi theo đuổi chính sách bảo vệ tính mạng và sức khỏe của con người.
3. Thực tiễn chính sách kiểm soát mở cửa thị trường thuốc lá tại Tòa án Úc
Chính sách kiểm soát thuốc lá của một số thành viên đã bị thách thức tại WTO bởi các thành viên khác do vi phạm nghĩa vụ các hiệp định của WTO. Tuy nhiên, khi mà các hiệp định song phương và khu vực ngày càng phổ biến thì một chính sách kiểm soát thuốc lá còn có thể thách thức bởi các công ty thuốc lá, những đối tượng có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận từ ngành công nghiệp này. Có thể dẫn chứng bằng việc công ty thuốc lá Philip Morris Asia có trụ sở tại Hong Kong đã khởi kiện Chính phủ Úc lên Tòa án Tối cao Úc liên quan đến quy định về đóng gói sản phẩm thuốc lá của Đạo luật Bao bì trơn 2011 (Plain Packing Act).[31]
Trong vụ kiện, công ty Philip Morris Asia cho rằng:
– Theo quy định của WHO, kích cỡ của những hình ảnh đồ họa để cảnh báo về sức khỏe xuất hiện ở mặt trước của bao thuốc lá chỉ chiếm từ 30% đến 75%, trong khi Đạo luật Bao bì trơn lại bắt buộc các hình ảnh đồ họa cảnh báo sức khỏe phải bao trùm 90% gói thuốc lá.
– Các quy định về bao bì trơn đã vi phạm các quy định về quyền sử dụng nhãn hiệu dẫn đến việc tước đoạt, phá hủy những giá trị đầu tư trên thực tế và ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.[32]
– Biện pháp bao bì trơn đã vi phạm Điều 6 của Hiệp định về Xúc tiến và bảo vệ đầu tư (BIT) giữa Hong Kong và Úc về trưng dụng tài sản của nhà đầu tư, vi phạm Điều 2(2) của BIT về việc đối xử công bằng và bình đẳng đối với các khoản đầu tư của Philip Morris Asia[33] và vi phạm Điều 51(xxxi) Hiến pháp Úc về quyền hạn của Quốc hội trong việc trưng thu tài sản.
Từ đó, Philip Morris Asia khẳng định đóng gói bao bì trơn đã tạo ra một biện pháp bất hợp lý và phân biệt đối xử với việc đầu tư của họ mà đáng lý phải được bảo vệ theo Điều 2(2) BIT.
Chính phủ Úc lập luận như sau:
– Đóng gói bao bì trơn là một phần của chương trình mà nhà nước đang thực hiện để giảm việc hút thuốc cũng như tác hại của thuốc lá.
– Các nghiên cứu của nhà nước cho thấy việc ghi nhãn bao bì trơn sẽ làm tăng tác dụng của các thông điệp cảnh báo sức khỏe, giảm khả năng đánh lừa người tiêu dùng qua việc đóng gói và giảm sự hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá cho người lớn và trẻ em.[34]
– Việc sử dụng bao thuốc lá để hiển thị các cảnh báo về sức khỏe đã được chứng minh là làm gia tăng nhận thức về tác hại của thuốc lá và để chấm dứt hành vi hút thuốc.[35]
Trong vụ kiện này, Tòa án Tối cao đã bác đơn khởi kiện của Công ty thuốc lá Philip Morris Asia và ra quyết định ủng hộ cho việc thi hành luật bao bì trơn. Tòa án đã cho rằng Đạo luật Bao bì trơn có hiệu lực vì nó được ban hành không nhằm mục đích trưng thu tài sản, mà chỉ quy định về việc đóng gói cho các sản phẩm thuốc lá, vì thế không thể áp dụng Điều 51 Hiến pháp.
Mặc dù luật có quy định về quyền sở hữu trí tuệ của nguyên đơn và áp dụng biện pháp kiểm soát trên bao bì và trình bày trên các sản phẩm thuốc lá nhưng nó không mang lại lợi ích độc quyền hoặc lợi ích nào cho Chính phủ Úc hoặc cho bất kỳ người nào khác. Nó chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người mà nhà nước đang theo đuổi.
4. Chính sách kiểm soát thuốc lá của Việt Nam để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của con người trong thời kỳ hội nhập
Đối với Việt Nam, từ khi gia nhập WTO, chính phủ cũng đã cam kết phải dỡ bỏ ngay lệnh cấm nhập khẩu thuốc lá được duy trì từ năm 1990, cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 135% vào năm 2010 đối với thuốc lá điếu và 100%, vào năm 2012 đối với xì gà và chỉ được duy trì biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với thuốc lá nguyên liệu để quản lý số lượng nhập khẩu hàng năm.[36]
Đặc biệt, năm 2003, Việt Nam đã ký gia nhập Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO. FCTC là công ước quốc tế duy nhất thực hiện việc kiểm soát thuốc lá toàn cầu.[37] FCTC được đánh giá là khung pháp lý để các nước tham gia công ước ban hành một hệ thống các chính sách toàn diện về kiểm soát thuốc lá.[38] Trên cơ sở các khuyến cáo của FCTC, Việt Nam đã nội luật hóa các chính sách kiểm soát thuốc lá bằng các văn bản quy phạm pháp luật về giá bán lẻ thuốc lá, quy định về in cảnh báo trên bao thuốc lá bên cạnh các biện pháp vận động tuyên truyền để thực hiện chiến dịch kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Quan trọng nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá năm 2012, đây là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện kiểm soát thuốc lá trong thời kỳ chúng ta hội nhập.
Hiện nay, trong ASEAN cũng như trong ACFTA, Việt Nam vẫn chưa đưa thuốc lá vào cắt giảm thuế quan cho đến thời điểm hiện nay, còn trong WTO thì Việt Nam vẫn được duy trì mức thuế nhập khẩu khá cao để ổn định được thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, khi TPP chính thức được ký kết, Việt Nam có 16 năm để đưa thuốc lá đến giai đoạn tự do hóa toàn diện. Vì vậy, để thực thi đúng các cam kết gia nhập, Việt Nam cần tận dụng triệt để những ngoại lệ mà WTO cũng như TPP đã ghi nhận cho phép các thành viên được áp dụng trong công cuộc kiểm soát thuốc lá của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị cho các tình huống mà Chính phủ có thể bị khởi kiện tại tòa án quốc gia và các Cơ quan giải quyết tranh chấp về đầu tư hay tại WTO một khi chính sách kiểm soát thuốc lá của nhà nước ban hành bị đe dọa. Cần thống nhất về các số liệu giữa Bộ Y tế về những thiệt hại mà thuốc lá đã gây ra cho sức khỏe của con người và những số liệu về hoạt động thương mại của thuốc lá để từ đó có chính sách hợp lý. Đây là một yếu tố quan trọng có thể chứng minh cho chính sách kiểm soát thuốc lá của chúng ta có là “cần thiết”hay không như kinh nghiệm từ các tranh chấp đã xảy ra trong lịch sử.
Kết luận
Thuốc lá ngày càng được tham gia sâu rộng vào quá trình tự do hóa thương mại vì đã tạo ra những khoản lợi nhuận to lớn cho các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá và tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh WTO chưa có phán quyết rõ ràng về chính sách kiểm soát thuốc lá và đồng thời để đảm bảo cho thương mại được lành mạnh thì Việt Nam nói riêng và các thành viên WTO chưa thể mạnh dạn ban hành chính sách kiểm soát thuốc lá vì mục đích bảo vệ tính mạng sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Để thực hiện được điều này, Việt Nam phải vận dụng được những trường hợp đặc biệt mà các hiệp định thương mại cho phép để vừa thực thi đúng cam kết, vừa mang lại những lợi ích kinh tế cũng như bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Pháp luật Nhật bản, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** Luật sư, Công ty Luật TNHH Tín Nhiệm.
[1] Gồm có Brunei Darussalam, Cambodia, Indonesia, Lao PDR, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, and Vietnam. Xem thêm tại website: http://www.asean.org/asean/asean-member-states[Cập nhật ngày 21/12/2015] .
[2] Ví dụ, Brunei Darussalam, Malaysia đã cắt giảm xuống 0% từ năm 2012, Cambodia cắt giảm xuống 0% từ năm 2015. Xem thêm Phụ lục thuế quan của các thành viên ASEAN trong ATIGA tại website: http://www.asean.org/news/item/annex-2-tariff-schedules[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[3] Xem thêm tại Phụ lục 2 Biểu cắt giảm thuế quan giai đoạn 2016 – 2018 của Việt Nam để thực hiện ATIGA tại website: http://www.asean.org/images/2015/september/tarifs-schedule/Annex%202%20Tariff%20Schedules%20-%20Viet%20Nam%20AHTN%202012%202015-2018.pdf[Cập nhật ngày 25/12/2015] .
[4] Xem thêm http://aseanec.blogspot.com/2012/07/tobacco-tussles-reach-aec.html[Cập nhật ngày 20/12/2015] .
[5] Xem Danh mục HSL của Việt Nam trong ACFTA tại website: http://cb-asec-project.de/wp-content/uploads/2014/CD-RulesofOrigin/resources/Agreements/ACFTA/Revised%20Attachment%20Consolidated%201st%20&%202nd%20Packages%20PSRs%20-ASEAN%20version.pdf[Cập nhật ngày 25/10/2015] .
[6] Quy định tại mục 3(iii) Phụ lục 2 về Mô hình cắt giảm và loại bỏ thuế quan đối với các dòng thuế trong Danh mục nhạy cảm của Hiệp định về Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc. Trên thực tế, để thực thi cam kết tại Hiệp định này, Việt Nam đã ban hành Thông tư số 166/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính, các mặt hàng thuốc lá được quy định mức thuế suất nhập khẩu là 50% từ năm 2018.
[7] Xem thêm thông tin về tổ chức này tại website: http://www.phi.org/[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[8] Xem thêm thông tin về tổ chức này tại website: http://www.astho.org/[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[9] Xem thêm về các cam kết thuế quan cụ thể của các thành viên TPP đã được công bố tại Phụ lục 2-D: Tariff Elimination tại website: http://www.trungtamwto.vn/tpp/toan-van-hiep-dinh-tpp[Cập nhật ngày 25/12/2015] .
[10] Xem thêm tại Phụ lục 2-D: Tariff Elimination (Vietnam) của toàn văn Hiệp định TPP tại website: http://www.trungtamwto.vn/tpp/toan-van-hiep-dinh-tpp[Cập nhật ngày 25/12/2015] .
[11] WHO, WTO (2002), WTO Agreement & Public health – A joint study by the WHO and the WTO Secretaria, đoạn 125.
[12] Katie Hirono, Fiona Haigh, Deborah Gleeson, Patrick Harris and Anne Marie Thow (2015), Negotiating Healthy Trade in Australia – Health Impact Assessment of the Proposed Trans Pacific Parnership Agreement, tr. 1
[13] Đoạn mở đầu Điều XX GATT 1994.
[14] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R, đoạn 7.2
[15] https://www.wto.org/english/tratop_e/envir_e/envt_rules_exceptions_e.htm[Cập nhật ngày 23/12/2015] .
[16] Cụ thể,vụ kiện Peru – thuế đối với thuốc lá, Úc – một số biện pháp ảnh hưởng đến nhãn hiệu thương mại và các yêu cầu đóng gói thông thường (plain packaging) có thể áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá và đóng gói; Úc – một số biện pháp ảnh hưởng đến nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu khác về đóng gói thông thường áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá và đóng gói; Úc – một số biện pháp ảnh hưởng đến nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu khác về đóng gói thông thường áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá và đóng gói; Úc – một số biện pháp ảnh hưởng đến nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu khác về đóng gói thông thường áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá và đóng gói; Úc – một số biện pháp ảnh hưởng đến nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý và các yêu cầu khác về đóng gói thông thường áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá và đóng gói. https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_subjects_index_e.htm#selected_subject[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[17] Nhật Bản – hạn chế nhập khẩu thuốc lá từ Hoa Kỳ, báo cáo được thông qua ngày 11/6/1981 (L/5140 – 28S/100); Hoa Kỳ – Biện pháp ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, bán và sử dụng thuốc lá trong nước, báo cáo được thông qua bởi Hội đồng ngày 4/10/1994; Thái Lan – một số hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá, báo cáo của Ban hội thẩm được thông qua vào 7/11/1990.
[18] Xem thêm thông tin về vụ kiện này tại website: https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/90cigart.pdf[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[19] Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá, DS10/R-37S/200, đoạn 29.
[20] Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá, DS10/R-37S/200, đoạn 27.
[21] Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá, DS10/R-37S/200, đoạn 21.
[22] Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và thuế nội địa đối với thuốc lá, DS10/R-37S/200, đoạn 87.
[23] Xem thêm thông tin về vụ kiện này tại website: https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds406_e.htm[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[24] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R, đoạn 7.299.
[25] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R, đoạn 7.296.
[26] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R đoạn 7.306.
[27] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R đoạn 7.310.
[28] https://www.citizen.org/documents/general-exception.pdf[Cập nhật ngày 23/12/2015] .
[29] Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương, WT/DS406/R, đoạn 7.3.
[30] Xem thêm tại Chương 29 Hiệp định TPP được công bố tại website: http://www.trungtamwto.vn/sites/default/files/29._exceptions_chapter.pdf[Cập nhật ngày 25/12/2015] .
[31] Mục 19 (2b (ii)) và Mục 26 Plain Packing Act quy định: “không có bất kỳ nhãn hiệu và nhãn hiệu thương mại nào được xuất hiện bất kỳ chỗ nào trên các bao thuốc lá và mà phải sử dụngnhững hình vẽ cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, hình vẽ này phải chiếm 75% diện tích bề mặt của bao thuốc lá, phần còn lại được phủ màu nâu tối buồn tẻ”.
[32] Thông báo khởi kiện ngày 15/7/2011 của Công ty Philip Morris Asia gửi đến Chính phủ Úc.
[33] https://www.ag.gov.au/tobaccoplainpackaging[Cập nhật ngày 24/12/2015] .
[34] Các bằng chứng của các nghiên cứu này được công bố trong các báo cáo tại website: http://www.preventativehealth.org.au/[cập nhật ngày 24/12/2015] .
[35] http://www.tobaccofreekids.org/content/what_we_do/federal_issues/trade/ISDS_TFK_ACS_CAN_Fact_Sheet_May_2015.pdf[cập nhật ngày 26/10/2015] .
[36] Xem thêm cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, VNM48 đoạn 72, bảng biểu số 8(a), 10.
[37] http://www.who.int/fctc/about/en/[Cập nhật ngày 25/12/2015] .
[38] Ngô Quý Linh, “Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và vấn đề chống buôn lậu thuốc lá bằng chính sách thuế”,Tạp chí Khoa học pháp lýsố 2, năm 2004.
- Tác giả: ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt – ThS. Nguyễn Thị Th**
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016, Trang 73-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý