Truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp làm ô nhiễm môi trường
Tác giả: TS. Trần Việt Dũng
TÓM TẮT
Truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) ngày nay không còn là vấn đề của luật quốc gia, mà chủ yếu phải được xem xét từ góc độ luật quốc tế vì các quốc gia có rất nhiều cam kết quốc tế liên quan tới cơ chế bảo hộ đầu tư nước ngoài. Nhà nước sẽ bị coi là vi phạm cam kết bảo hộ đầu tư và phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu tiến hành truất hữu (cho dù là trực tiếp hay gián tiếp). Tuy nhiên, đối với những trường hợp truất hữu do NĐTNN gây ô nhiễm môi trường, việc áp dụng quy tắc này sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ bởi những quy phạm của luật môi trường quốc tế. Nhà nước tiếp nhận đầu tư cần hiểu rõ yêu cầu của luật quốc tế đối với trường hợp này để có thể xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật phù hợp và hiệu quả.
Xem thêm:
- Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương & ThS. Nguyễn Thị Thương
- Một số vấn đề về quyền ban hành quy định bảo vệ môi trường của quốc gia tiếp nhận đầu tư – ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy & ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
- Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại – đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA) – Một số vấn đề cần lưu ý – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand – TS. Trần Việt Dũng
Trong đầu tư quốc tế, truất hữu (expropriation) được hiểu là việc nhà nước tước quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới các hình thức khác nhau như trực tiếp tịch thu tài sản – “truất hũu trực tiếp” (direct expropriation)[1] hoặc thông qua các quy định pháp luật hoặc các biện pháp hành chính gián tiếp làm nhà đầu tư nước ngoài bị mất một phần hoặc toàn bộ tài sản và /hoặc lợi ích kinh tế của dự án đầu tư – truất hữu gián tiếp (indirect expropriation). Truất hữu trực tiếp thường được xem xét tương đương như một hình thức quốc hữu hóa của nhà nước và hiện nay hiếm khi xảy ra.[2] Đa số các tranh chấp giữa nhàđầu tư nước ngoài và nhà nước trong những thập niên gần đây thường liên quan tớitruất hữu gián tiếp. Các bên tranh chấp thường có quan điểm rất khác nhau về tính hợp pháp của biện pháp truất hữu và đặc biệt là mức độ trách nhiệm của nhà nước đối với nhà đầu tư có tài sản bị truất hữu.
Luật đầu tư quốc tế bảo vệ quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khỏi các biện pháp truất hữu của nước tiếp nhận đầu tư thông qua việc dành cho họ quyền được yêu cầu bồi thường đối với giá trị tài sản bị mất mát.[3] Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, các quốc gia phải cạnh tranh để thu hút vốn đầu nước ngoài để phát triển kinh tế. Họ phải đưa ra các cam kết quốc tế đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt là không tiến hành truất hữu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp và từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp khi có tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề này. Qua thực tiễn pháp lý quốc tế, trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với những biện pháp truất hữu dần trở thành một “chuẩn mực” trong đầu tư quốc tế (thông qua các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế).
Bên cạnh đó, trong những thập niên gần đây, tác động của các hoạt động tiêu cực của con người đối với môi trường và mối liên hệ giữa môi trường, sức khỏe con người và sự thịnh vượng không bền vững đã nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Nhận thức được mối quan hệ này sẽ là nền tảng để khẳng định sự cần thiết và tính hợp pháp của các biện pháp hạn chế của chính phủ đối với các hành vi tác động tiêu cực tới môi trường. Một nguyên tắc quan trọng về bảo vệ môi trường được hình thành và ngày càng được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế là ai gây ra ô nhiễm môi trường thì phải chịu trách nhiệm và chi phí để bảo vệ và khôi phục môi trường – còn được biết như nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” (poluter pays principle).[4] Theo đó, cơ quan nhà nước có quyền quyết định buộc cánhân hay tổ chức gâyônhiễm hoặc gây thiệt hại cho môi trường phải chịutoàn bộ các chi phí cho việc khắc phục và cải thiện môi trường bị hủy hoạinày cho xãhội. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” tiếp tục được khẳng định trong Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển (1992): “Các cơ quan nhà nước phải nỗ lực xúc tiến việc quốc tế hóa các chi phí bảo vệ môi trường và triệt để sử dụng các công cụ kinh tế, với ý thức rằng người gây ô nhiễm về nguyên tắc phải chịu phí tổn của việc gây ô nhiễm”.[5]
Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả được coi là một nguyên tắc nền tảng của luật quốc tế về môi trường, được ghi nhậntrong nhiều điều ước quốc tế đa phương và khu vực trong lĩnh vực môi trường[6] . Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý quốc tế dường như chưa hoàn toàn ủng hộ việc vận dụng các quy định của luật môi trường để loại trừ trách nhiệm của nhà nước.[7]
Những vụ tranh chấp liên quan tới các biện pháp chế tài đối với vi phạm về quy định bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe luôn đặt ra những câu hỏi phức tạp về mối quan hệ giữa pháp luật đầu tư quốc tế và pháp luật bảo vệ môi trường/ sức khỏe con người. Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu nhà nước có bị buộc trách nhiệm pháp lý theo quy định của điều ước về bảo hộ đầu tư về hành vi hợp pháp căn cứ vào luật môi trường? Các cơ quan tài phán quốc tế sẽ đánh giá thế nào về tính pháp lý của biện pháp của nhà nước? Vấn đề xác định trách nhiệm của nhà nước trước nhà đầu tư nước ngoài và trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà đầu tư nước ngoài là rất phức tạp và cần được xem xét, phân tích đầy đủ.
1. Khung pháp lý quốc tế về đầu tư và vấn đề quyền thực hiện truất hữu của nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động kinh doanh gây tác hại cho môi trường, sức khỏe con người
Ngày nay vấn đề truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được xem xét từ góc độ luật quốc tế bởi các quốc gia có rất nhiều các cam kết quốc tế liên quan tới cơ chế bảo hộ đầu tư.
Các điều ước quốc tế về đầu tư trước hết quan tâm tới thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc đưa ra các bảo đảm đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm việc giao cho trọng tài quốc tế thẩm quyền xét xử bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư liên quan tới các vi phạm cam kết bảo vệ. Xu hướng này được thúc đẩy bởi chính sách đầu tư của các nước xuất khẩu tư bản với mong muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp nước mình ngoài biên giới quốc gia.[1] Chẳng hạn Hoa Kỳ luôn coi các hiệp định đầu tư song phương (BIT) và chế độ bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng quan trọng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế quốc tế của họ đối với các quốc gia và đặc biệt là với các nền kinh tế chuyển đổi.[2]
Theo thống kê của UNCTAD, hiện trên thế giới có trên 2.700 BIT và hầu hết các hiệp định đó (kể cả các BIT mà Việt Nam đã ký kết từ thời kỳ mở cửa) đều có điều khoản chống truất hữu và quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư nước ngoài.[3] Mặc dù ngôn từ của điều khoản có thể khác nhau nhưng nội dung của các điều khoản này thường sẽ có nội hàm rằng “tài sản của [các] nhà đầu tư của các bên ký kết [BIT] không bị truất hữu/ quốc hữu hóa hoặc là đối tượng của các biện pháp có ảnh hưởng tương đương với truất hữu và quốc hữu hóa […] ” hoặc“các biện pháp khác có ảnh hưởng tới việc tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản của nhà đầu tư [nước ngoài] ”.[4] Trong hai thập niên trở lại đây, một số quốc gia còn lồng ghép điều khoản chống truất hữu trong các hiệp định thương mại khu vực tự do (FTA) nhằm gia tăng sự bảo hộ lợi ích cho những doanh nghiệp của mình trong kinh doanh quốc tế.[5]
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ điển hình của một FTA theo mô hình này. Chương 9 của TPP (về đầu tư trong thương mại khu vực)đặt ra hai yêu cầu đối với bảo hộ đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, quốc gia tiếp nhận đầu tư phải bảo đảm đãi ngộ nhà đầu tư nước ngoài hoặc các khoản đầu tư nước ngoài (từ/ của các nước thành viên TPP) không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà họ dành cho nhà đầu tư của nước mình, hoặc nhà đầu tư của một nước khác không phải thành viên TPP trong các điều kiện tương tự.[6] Không những vậy, nước tiếp nhận đầu tư cũng phải bảo đảm các chế độ bảo hộ đầu tư theo “chuẩn mực quốc tế tối thiểu”, tức là mọi biện pháp đầu tư (bao gồm cả truất hữu/ quốc hữu hóa) phải được thực hiện theo một quy trình và hình thức được chấp nhận theo chuẩn mực quốc tế; có thể cao hơn cả mức đối xử được áp dụng cho nhà đầu tư trong nước. Thứ hai, chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phải cam kết không truất hữu hoặc quốc hữu hóa dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các biện pháp tương đương.
Điều khoản bảo hộ đầu tư của các BIT đặt chính phủ các quốc gia tiếp nhận đầu tư vào một “thế khó” khi họ phải xử lý vi phạm môi trường của nhà đầu tư. Vụ kiện Metalclad vs. Mexico (1997) là một ví dụ điển hình. Công ty của Mỹ đã đòi chính phủ Mexico phải bồi thường 90 triệu USD do những khoản thất thu khi chính quyền địa phương từ chối cấp giấy phép hoạt động cho nhà máy của họ bởi vì các kiểm tra địa chất cho thấy nhà máy của họ gây ô nhiễm nguồn nước.[7]
Tuy nhiên, cácđiềuước quốc tế về đầu tư không thể đượcáp dụng hoàn toànđộc lập tách rời các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia trong cácđiềuướckhác. Điều 31(3)(c) Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế quy định các điều ước quốc tế phải được diễn giải phù hợp “các quy định liên của luật quốc tế áp dụng trong quan hệ giữa các bên”. Như vậy, giải thích các nghĩa vụ của quốc gia tiếp nhận đầu tư trong hiệp định bảo về đầu tư có thể đòi hỏi phải cân nhắc tới các điều ước khác, các tập quán quốc tế, hoặc các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.[8] Học giả Philippe Sands đã phân tích như sau: “những người chịu trách nhiệm giải thích và áp dụng điều ước quốc tế về bảo hộ đầu tư nước ngoài cần phải tínhtớicác giá trị được phản ánh trong quy phạm pháp luật được hình thành bên ngoài phạm vi của điều ước quốc tế về hiệp định đầu tư.” [9] Như vậy, khi đánh giá trách nhiệm pháp lý của nhà nước (tiếp nhận đầu tư) theo điều ước bảo hộ đầu tư của nhà nước trong bối cảnh các quy định về y tế – sức khỏe và môi trường của quốc gia, cũng cần phải tìm hiểu các hướng dẫn từ tổ chức quốc tế đối với các điều ước về sức khỏe và môi trường liên quan.
Một số điều ước quốc tế đa phương đã đi một bước quan trọng trong việc công nhận vai trò của chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe bằng việc công nhận các ngoại lệ cho trách nhiệm của quốc gia khi biện pháp được áp dụng để nhằm các mục đích này. Cách tiếp cận mang tính “cân bằng lợi ích” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua việc hợp pháp hóa các biện pháp mang tính bảo hộ thương mại (trái với nghĩa vụ cơ bản của thành viên WTO) khi chúng được thiết lập để bảo vệ sức khỏe và môi trường là một ví dụ điển hình. Điều XX(b) Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) của WTO đã quy định ngoại lệ đối với các biện pháp hạn chế thương mại nhưng “cần thiết” để bảo vệ đồi sống và sức khỏe con người, động vật. Điều XX(g) GATT tiếp tục công nhận ngoại lệ đối với các biện pháp liên quan tới việc gìn giữ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu các biện pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước. Các điều ước đầu tư ít khi nào có những quy định rõ ràng và cụ thể về ngoại lệ như của WTO.
Các hiệp định thương mại khu vực thế hệ mới như TPP cũng đã có những quy định tương tự về vai trò của chính sách bảo vệ môi trường của quốc gia. Điều 9.15 của TPP khẳng định cho phép các quốc gia thành viên không bị cấm ban hành, duy trì hoặc thực thi các biện pháp đặc biệt đối với nhà đầu tư nếu các biện pháp đó đảm bảo cho hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của mình được thực hiện trên cơ sở phù hợp với các mục tiêu quản lý môi trường, y tế hoặc các mục tiêu quản lý khác. Điều 20.3 của Chương 20 trong TPP (về môi trường) tiếp tục “[…] thừa nhận tầm quan trọng của thương mại hỗ trợ lẫn nhau và chính sách và thông lệ về môi trường để cải thiện bảo vệ môi trường trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững.” Các quốc gia thành viên của TPP có quyền tự quyết và đưa ra quyết định liên quan đến: (a) các vấn đề về điều tra, truy tố, quản lý và tuân thủ; và (b) sự phân bổ nguồn lực thực thi pháp luật về môi trường liên quan đến pháp luật khác về môi trường được xác định để đạt mức ưu tiên của quốc gia.[17]
Một cách tổng quan, trong luật đầu tư quốc tế hiện đại chế định bảo hộ đầu tư nước ngoài trở nên chặt chẽvàcó phạm vi bảo hộ ngày càng rộng; nhà nước tiếp nhận đầu tư bị ràng buộc trách nhiệm bồi thường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khi giải thích hoặc áp dụng các điều khoản về bảo hộ đầu tư trong BIT phải tính tới vai trò quan trọng của luật pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe. Nói cách khác, nhà nước tiếp nhận đầu tư có thể cân nhắc tiến hành các biện pháp cần thiết, bao gồm cả truất hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu họ vi phạm nghiêm trọng những quy định về bảo vệ môi trường.
2. Điều kiện và yêu cầu trong thực hiện truất hữu trên cơ sở quy định của pháp luật môi trường quốc gia
Một trong những thách thức hàng đầu khi phân tích yêu cầu và điều kiện loại trừ trách nhiệm của nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài là luật quốc tế không có một chuẩn chung mang tính định lượng để cân bằng giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và lợi ích phi kinh tế của cộng đồng. Mối liên hệ và giá trị pháp lý của các điều ước quốc tế cũng không thật sự rõ ràng. Vìvậy, một khi mục tiêu của hai điều ước khác nhau thì khả năng dung hòa giữa chúng cũng sẽrất khóxác định
Ngoài ra, các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư thường được giải quyết bằng trọng tài và vì thế kết quả phân tích pháp lý của phán quyết ít khi được công khai. Tính bảo mật này làm cho việc tìm hiểu và tiếp cận một cách chính xác các thông tin về thực tiễn pháp lý liên quan tới các vụ khiếu kiện truất hữu nói chung là rất khó khăn. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan tới trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Từ đó, cách tiếp cận của cơ quan tài phán quốc tế đối với truất hữu gián tiếp liên quan tới hành vi gây tác hại cho môi trường và trách nhiệm của nhà nước thực hiện truất hữu cũng cởi mở và ít khắt khe hơn trước đây.
Cần nhận thức rằng luật đầu tư quốc tế không hoàn toàn “cấm” nhà nước tiếp nhận đầu tư thực hiện truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Biện pháp truất hữu (cho dù là gián tiếp hay trực tiếp) của nhà nước (tiếp nhận đầu tư)chỉ được coi là hợp pháp khi đảm bảo được bốn điều kiện:
(a) nhằm phục vụ lợi ích công cộng;
(b) được thực hiện một cách không phân biệt đối xử;
(c) được thực hiện theo thủ tục luật định;
(d) có thực hiện bồi thường cho đối tượng bị truất hữu tài sản.[18]
Như vậy, nước tiếp nhận đầu tư có thể thực hiện truất hữu thông qua các quy định pháp luật hoặc các biện pháp hành chính nhưng phải bảo đảmnhững điều kiện trên để được coi là hợp pháp. Mặc dù, về nguyên tắc nhà nước được mong chờ sẽ phải thực hiện bồi thường đối với truất hữu,[19] “luật quốc tế cũng chấp nhận nhà nước không phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại kinh tế là hậu quả của “quy định ngay tình” (bona fide) thuộc thẩm quyền giám sát đặc biệt của nhà nước”.[20] Như vậy, các biện pháp trất hữu xuất phát từ luật chống độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, sức khỏe, quản lý đất đai và tài nguyên có thể bị cạn kiệt…, sẽ có thể không dẫn tới bồi thường.[21]
Đối với bốn yếu tố nêu trên, ngoài việc chứng minh mục đích của quy định pháp luật hoặc biện pháp hành chính là hướng tới lợi ích công cộng (bao gồm cả bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, động thực vật, văn hóa …), vấn đề bảo đảm không phân biệt đối xử và quy trình thủ tục áp dụng theo luật định là hai điều kiện định lượng mà quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ. Trong vụ Metalclad vs. Mexico, một trong những lý do mà trọng tài ICSID đã xử chính phủ Mexico thua khi thực hiện truất hữu vì có sự vi phạm chế độ đãi ngộ quốc gia[22] (vụ việc liên quantới việc chính quyền địa phương tại Saint Louis de Potosi của Mexico đã từ chối cấp giấy phép xây dựng nhà máy trên cơ sở công ty này vi phạm luật môi trường, nhưng điều đó lại được nhìn nhận là bảo vệ một công ty xử lý rác khác trong nước là Rimsa vì họ cũng có hoạt động tương tự ở một bang khác).[23] Mặc dù không phủ nhận báo cáo tác động môi trường của dự án nhà máy xử lý chất thải của Metalclad, Hội đồng trọng tài ICSID vẫn cho rằng biện pháp không cấp giấy phép xây dựng nhà máy xử lý rác đối với Metalclad gây thiệt hại vật chất cho công ty này dẫn tới toàn bộ đầu tư của Metalclad bị thất thoát và buộc Mexico phải bồi thường khoảng 16.7 triệu USD và 6% lãi suất/năm từ ngày phát sinh tranh chấp cho tới ngày ra phán quyết[24] (mức yêu cầu bồi thường ban đầu của Metalclad là 90 triệu USD). Hội đồng trọng tài cũng nhấn mạnh việc Mexico đãkhông bảo đảm được một khung pháp lý dễ dự đoán dẫn tới nhà đầu tư bị thiệt hại. Hội đồng giải thích Metalclad “có quyền tin tưởng vào sự chấp thuận cấp phép của cơ quan liên bang của Mexico”[25] vìcông ty này“được hướng dẫn để có thể hiểu (và họ đã hiểu như vậy) rằng chấp thuận của chính quyền liên bang đối vớidự án sẽ dẫn tới sự chấp thuận cho phép xây dựng nhà mày tại tiểu bang”.[26] Cách phân tích trong phán quyến trọng tài này làmột vídụ giúp thấy rõ làm sao bên nguyên đơn có thể thắng thế trong khiếu nại liên quan tới sự ổn định và dễ dự đoán của hệ thống pháp luật nếu chứng minh được rằng họ dựa vào một số sự bảo đảm của cơ quan nhà nước. Vìvậy, nhà nước tiếp nhận đầu tư phải rất cẩn trọng trong việc thiết lập khung pháp lý đối với đầu tư nước ngoài. Đặc biệt các hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương phải thống nhất và bảo đảm tính minh bạch trong các thủ tục cấp phép và quản lý dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần bảo đảm biện pháp được áp dụng không dẫn tới vi phạm sự đãi ngộ công bằng và hợp lý (fair and equitable) giữa các nhà đầu tư.
Vụ kiện Methanex vs. Hoa Kỳlàmột vídụ khác liên quan tớitranh chấp về trách nhiệm bồi thường của nhà nước khi thực hiện một biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh một sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài. Methanex, một tập đoàn hóa chất của Canada, đã căn cứ vào quy định của NAFTA về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Hoa Kỳ tại trọng tài quốc tế theo quy chế UNCITRAL đối vớiquy định của bang California. Chính quyền của tiểu bang này, sau khi nghiên cứu về tác động môi trường và sức khỏe của xăng sử dụng MTBE (methyl tertiary butyl ether),[27] đã ra lệnh cấm sử dụng MTBE[28] và đồng thời cấm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạiđịa phươngsử dụng và phân phối khí methanol nhập khẩu để sản xuất MTBE. Lệnh cấm MTBE đã làm cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của Methanex trở thành bất hợp pháp. Methanex cho rằng chính quyền bang California áp dụng lệnh cấm này làphân biệt đối xử nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp nội địa sản xuất khí ethanol vì hai loại hóa chất này có thể sử dụng vào cùng một mục đích. Methanex đã bị mất toàn bộ thị phần tại Hoa Kỳ vào tay ngành công nghiệp sản xuất ethanol của Hoa Kỳ. Methanex coi lệnh cấm của tiểu bang California và sau đó là các bang khác là một hành vi truất hữu gián tiếp và yêu cầu bồi thường thiệt hại 970 triệu USD.[29] Chính phủ Hoa Kỳ thì cho rằng Methanex hầu như không đầu tư tài sản cố định tại Hoa Kỳ, ngoại trừ việc sở hữu một số cổ phần của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và mối quan hệ “thiện chí” của mạng lưới khách hàng, Vìvậy, lệnh cấm không thể bị coi là biện pháp tương đương với tước quyền sở hữutài sản của công ty này.
Hội đồng trọng tài khi xem xét bốn yếu tố liên quan tới truất hữu nêu trên đã chỉ ra rằng ethanol và methanol là hai sản phẩm khác nhau. Tại Hoa Kỳ không có doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự với Methanex, khiếu nại về vi phạm nguyên tắc đãi ngộ quốc gia không có cơ sở. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng cho rằng quyết định cấm của California được đưa ra dựa trên các báo cáo khoa học đáng tin cậy về tác động của MTBE đối với môi trường và sức khỏe con người và mục đích của chính quyền bang California là nghiêm túc, không vi phạm tiêu chuẩn đối xử công bằng và hợp lý với nhà đầu tư nước ngoài. Hội đồng cũng xác nhận các thủ tục của việc ban hành sắc lệnh này là minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật của Hoa Kỳ.[30] Phán quyết của Hội đồng trọng tài được ban hành năm 2005 đã khẳng định lệnh cấm nhập khẩu, sản xuất methanol và MTBE là hợp pháp, bác bỏ hoàn toàn các khiếu nại của Methanex và còn buộccông ty nàyphải trả tiền chi phí pháp lý cho chính phủ Hoa Kỳ tương đương 4 triệu USD.[31] Kết quả của vụ kiện này được coi là một bước quan trọng khẳng định quyền của nhà nước đối với việc thực hiện quy định của pháp luật môi trường.
Kết luận
Luật quốc tế từ lâu đãkhẳng định chủ quyền của quốc gia trong việc quản lý và định đoạt các tài nguyên trên lãnh thổ nước mình. Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp hợp pháp để thực hiện quyền kiểm soát và trừng phạt các hành vi ảnh hưởng tới môi trường của các chủ thể kinh doanh, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc cơ bản của luật môi trường có giá trị quan trọng trong lĩnh vực đầu tư. Xu hướng pháp luật quốc tế hiện nay đang dần coi trọng hơn những giá trị bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó đặc biệt là bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, sự cân bằng lợi ích kinh tế (của pháp luật đầu tư) và phi kinh tế (pháp luật môi trường) giữa các điều ước quốc tế cũng chưa được thống nhất. Vì lý do này, có lẽ các quốc gia đàm phán điều ước quốc tế về đầu tư phải làm rõ vai trò của các quy định bảo vệ môi trường trong quan hệ đầu tư. Sẽ là hoàn hảo nếu các điều ước quốc tế về đầu tư (BIT và FTA) quy định rõ trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư đối với bảo vệ môi trường và sức khỏe. Điều này sẽ giúp tạo cơ sở lập luận cho các cơ quan tài phán quốc tế khi xem xét tính hợp pháp của biện pháp truất hữu của nhà nước.
Để chính phủ có thể bảo vệ môi trường tốt hơn, cần thiết làm rõ những điểm sau đây:
– Các biện pháp môi trường hợp pháp không tạo ra một quyền yêu cầu bồi thường cho bất kỳ sự giảm giá trị nào của các khoản đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi các biện pháp bảo vệ môi trường;
– Các biện pháp môi trường hợp pháp bao gồm các biện pháp thực hiện theo nguyên tắc phòng ngừa;
– Chính phủ các quốc gia tiếp nhận đầu tư phải có quyền thiết lập các cơ chế bảo vệ môi trường đặc thùcủa mình khiđólà“cần thiết” để giảm bớt rủi ro môi trường.
Khi đánh giátính hợp pháp của biện pháp môi trường (tương đương truất hữu gián tiếp), cần phải loại bỏ yêu cầu các chính phủ chứng minh rằng một nguy cơ tổn hại được hỗ trợ bởi các bằng chứng khoa học “tốt nhất” hoặc “được công nhận rộng rãi nhất”. Chỉ cần việc áp dụng các phương pháp và trình tự khoa học hợp pháp chứng minh những khả năng tác động tiêu cựu của hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đối với môi trường là đủ.
Việc duy trì quyền được yêu cầu bồi thường đối với biện pháp môi trường tác động tới lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài có thể hạn chế khả năng chính phủ nước tiếp nhận đầu tư bảo vệ môi trường. Vì vậy, quốc gia cần khẳng định không thể bị buộc phải chi trả cho những thiệt hại đối với môi trường mà nhà đầu tư nước ngoài gây ra hoặc những quy định pháp lý nhằm bảo vệ môi trường nhưng có tác động tiêu cực tới dự án đầu tư. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” vốn đã được khẳng định trong luật quốc tế về môi trường cần trở thành một phần của luật đầu tư quốc tế./.
CHÚ THÍCH
*PGS. TS Luật học, Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh. Những vấn đề cần trao đổi với tác giả đối với bài viết này xin liên hệ qua email: tvdung@hcmulaw.edu.vn.
[1] Sornarjah M., The International Law on Foreign Investment, Cambridge University Press, 2010; Oni, A. ”Expropriation and Takings of Mineral Rights in Nigeria from an International Perspective: A Doctrinal and Legal Comparative with North America” (2009) [http://ssrn.com/abstract=1339396] (truy cập lần cuối 06/04/2013); Trần Việt Dũng, Đề tài nghiên cứu khoa học “Tước quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế: những vấn đề pháp lý và kinh nghiệm cho Việt Nam”, TrườngĐH Luật TP. Hồ Chí Minh (2014).
[2] Sornarjah M., tlđd, ghi chú 1, tr. 364.
[3] Sornarjah M., tlđd., ghi chú 1, tr. 412 – 413; cũng xem Oni, A. “Expropriation and Takings of Mineral Rights in Nigeria from an International Perspective: A Doctrinal and Legal Comparative with North America” (2009) [http://ssrn.com/abstract=1339396] (truy cập lần cuối 06/04/2013);Trần Việt Dũng, Đề tài nghiên cứu khoa học “Tước quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế: những vấn đề pháp lý và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh (2014).
[4] Nguyên tắc người gây ô nhiểm trả (polluter pays principle) được hình thành vào thập niên 1970 bởi Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD). Các nước thành viên OECD đã đồng ý rằng người gây ô nhiễm phải chịu các chi phí cho các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm của các cơ quan nhà nước để bảo đảm rằng môi trường tồn tại trong trạng thái chấp nhận được. Nói cách khác, chi phí của các biện pháp này cần được phản ánh trong chi phí của hàng hoá và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và / hoặc tiêu thụ. Xem Recommendation on Guiding Principles Concerning International Economic Aspects of Environmental Policies, OECD, C(72)128 (1972).
[5] Rio Declaration on Environment and Development, United Nations Conference on Environment and Development, U.N. Doc. AlCONF.151/5/Rev. 1 (1992);
[6] International Convention on Oil Pollution Preparedness, Response, and Cooperation, Single European Ac (1987) [sau này được thay thế bằng Hiệp ước Maastricht (1992) thành lập Liên minh châuÂu] ; Convention for the Protection of the Marine Environment in the Northeast Atlantic (1992), Điều 2(2)(b); Convention for the Protect of the Marine Environment of the Baltic Sea (1992), Điều 3(4); Helsinki Convention on the Protection and Use of Transboundary Watercourses and International Lakes (1992), Điều 2(5).
[7] Rahim Moloo, Justin Jacino, “Enviromental and Health Regulations: Assessing Liability Under Investment Treaties”, Berkley Journal of Int’l Law, Vol. 29, Issue 1 (2011)[http://scholarship.law.berkley.edu/bjil/vol29/iss1/1] (xem lền cuối 15/05/2016).
[8] Trần Việt Dũng, Đề tài nghiên cứu khoa học“Tước quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế: những vấn đề pháp lý và kinh nghiệm cho Việt Nam”,Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh(2014).
[9] Alan Larson (trợ lý bộ trưởng quan hệ kinh tế, kinh doanh nông nghiệp Hoa Kỳ), “Testimony before the House International Relations Committee,Subcommittee on International Economic Policy and Trade”, Washington, (1998), para 15được dẫn chiếu trongRahim Moloo, Justin Jacino, tlđd, ghi chú 7.
[10] UNCTAD, Recent Developments in International Investment Agreements, IIA Monitor No. 3 (2009) [www.unctad.org/iia] (xem lần cuối 15/5/2016).
[11] Ví dụ: BIT giữaĐức – Ba Lan (1989), Điều 4.2; BIT Úc – Việt Nam (1991), Điều 7.1; BIT Nhật Bản – Việt Nam (2003), Điều 9; BIT Việt Nam – Anh (2002), Điều 5; BIT Guinea–Ai Cập (1998), Điều 5.1; BIT giữa Israel–Estonia (1994), Điều 5.1.
[12] Xem Hiệp định FTA Hoa Kỳ – Úc (chương Đầutư), Hiệp định FTA Hoa Kỳ – Singapore (chương Đầu tư), Hiệp định TPP (chương đầu tư), NAFTA (chương Đầutư).
[13] Điều 14, Chương Đầu tư, Hiệp định TPP.
[14] Metalclad SEC filing, Apr. 1, 1997; Metalclad SEC filing, Nov. 20, 1998, [http://www.sec.gov/Archives/edgar/data/13547/0000013547-98-000023.txt] (xem lần cuối ngày 15/5/2016); Toàn bộ thông tin vụ kiện Metalclad vs MexicoICSID Case No. ARB(AF)/97/1 tại trang web ITALAW [http://www.italaw.com/cases/671] (xem lần cuối 20/5/2016); Award on the case Metalclad vs. Mexico (Case No. ARB(AF)/97/1) Thông tin tại trang dữ liệu các vụ việc được công bố các phán quyết được công khai của ICSID, [https://icsid.worldbank.org/ICSID/FrontServlet?requestType=CasesRH&actionVal=showDoc&docId=DC542_En&caseId=C155 ] (Xem lần cuối 20/5/2016).
[15] Campbell McLachlan, The Principle of Systemic Integration and Article 31(3)(c) of the Vienna Convention, 54 International & Comparative Law Quarterly, (2005), 279 – 291.
[16] Philippe Sands, Searching for Balance: Concluding Remarks, 11 N.Y.U. Environmental Law Journal, (2002), 202.
[17] Điều 20.3.5, Chương 20, Hiệp định TPP.
[18] Sornarajah M., tlđd, ghi chú 1, tr. 363; UNCTAD, “ Expropriation”, UNCTAD Series on Issues in International Investment Agreements II, 2012, tr. 111-116; Trần Việt Dũng, “Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 5(84), 2014.
[19] Trần Việt Dũng, “Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 5(84), 2014; cũng xem Sornarajah M., tlđd, tr. 412 – 414.
[20] Sedco vs. National Iranian Oil Co., Interlocutory Award 9 Iran-US Trib. Rep. 248 (1985).
[21] Sornarajah M., tlđd., ghi chú 1; Oni, A., tlđd, ghi chú 1;Christie G.C., “What Constitute a Taking of Property Under International Law”, 38 British Year Book on International Law, (1962), tr. 331 – 332.
[22] Jim Bryan, TechStocks.com discussion group, Metalclad Corp. (MTLC) (June 9, 1997) [http://www4.techstocks.com/~wsapi/investor/Subject-15440] (Xem lần cuối 20/5/216); cũng xem Award on the case Metalclad vs. Mexico (Case No. ARB(AF)/97/1) Thông tin tại trang dữ liệu các vụ việc được công bố các phán quyết được công khai của ICSID,[https://icsid.worldbank.org/ICSID/FrontServlet?requestType=CasesRH&actionVal=showDoc&docId=DC542_En&caseId=C155 ] (Xem lần cuối 20/5/2016).
[23] Jim Bryan, tlđd, ghi chú 21.
[24] Award on the case Metalclad vs. Mexico(Case No.ARB(AF)/97/1)[https://icsid.worldbank.org/ICSID/FrontServlet?requestType=CasesRH&actionVal=showDoc&docId=DC542_En&caseId=C155] (Xem lần cuối 20/5/2016).
[25] Award on the case Metalclad vs. Mexico, tlđd, ghi chú 24.
[26] Award on the case Metalclad vs. Mexico(Case No. ARB(AF)/97/1), ghi chú 24.
[27] Báo cáo của trường đại học UCLA cho thấy nhiều thành phố và khu vực như Santa Monica, Santa Clara County, và Lake Tahoe, phải đóng cửa hệ thống cấp nước vì bị nhiễm MTBE. Xem Award Methanex Corp. v. United States,Amended Statement of Defense of Respondent United States of America, at 15-18 (NAFTA Ch. 11) [http://www.state.gov/documents/organization/27063.pdf.] , truy cập ngày 20/5/2016.
[28] The MTBE Public Health and Environment Protection Act, 1997.
[29] Xem Award Methanex Corp.vs. United States,[http://www.italaw.com/sites/default/files/case-documents/ita0529.pdf] (xem lần cuối ngày 15/05/2016).; cũng xem Kara Kogerty,“Methanex v. United States: The Realignment of NAFTA Chapter 11 with Environmental Regulation”, Northwestern Journal of International Law & Business Vol. 27, Issue 3, 2007 [http://scholarlycommons.law.northwestern.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1661&context=njilb] ,truy cập ngày 18/5/2016.
[30] Xem Methanex Corp. vs. United States,ghi chú 29.
[31] Xem Methanex Corp. vs. United States, ghi chú 29.
Chia sẻ bởi: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam
Tác giả: Trần Việt Dũng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(99)/2016 – 2016, Trang 12-19