Mục lục
Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2014
Tác giả: TS. Võ Trung Tín
TÓM TẮT
Ngày 23/6/2014, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua, thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, với nhiều nội dung mang tính cụ thể hơn. Luật này có hiệu lực ngày 01/01 /2015. Bài viết giới thiệu một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2014 so với Luật Bảo vệ môi trường 2005.
Xem thêm:
- Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật Biển năm 1982 về lĩnh vực đánh bắt hải sản và bảo vệ môi trường – TS. Trần Thăng Long
- Pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý khu kinh tế trong việc bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế ở Việt Nam – ThS. Nguyễn Sơn Hà
- Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú& ThS. Lê Thị Ngọc Hà& ThS. Nguyễn Thị Nhung
TỪ KHÓA: Điểm mới của Luật, Bảo vệ môi trường, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Bố cục của Luật Bảo vệ môi trường 2014
Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sau đây gọi là Luật BVMT 2014) có 20 Chương, với 170 Điều. So với Luật năm 2005 (sau đây gọi là Luật BVMT 2005), Luật BVMT 2014 tăng 5 Chương và 35 Điều. Có thể tóm tắt những thay đổi chủ yếu về bố cục của 2 văn bản như sau:
– Nhiều chương của Luật BVMT 2014 được giữ nguyên nội dung các điều so với Luật BVMT 2005. Các nội dung cụ thể được diễn đạt lại, như: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương III. Bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (từ Điều 35 đến Điều 38); Chương VII. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ(từ Điều 65 đến Điều 79); Chương VIII. Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư(từ Điều 80 đến Điều 84); Chương IX. Quản lý chất thải (từ Điều 85 đến Điều 103); Chương X. Xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường (từ Điều 104 đến Điều 112); Chương XII. Quan trắc môi trường (từ Điều 121 đến Điều 127); Chương XIV. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường(từ Điều 139 đến Điều 143); Chương XVI. Nguồn lực về bảo vệ môi trường(từ Điều 147 đến Điều 155); Chương XVII. hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường(từ Điều 156 đến Điều 158).
– Nhiều Chương của Luật BVMT 2014 kế thừa các quy định của Luật BVMT 2005, có bổ sung một số nội dung, như: Chương II. Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường(từ Điều 8 đến Điều 34), bổ sung nội dung về Quy hoạch bảo vệ môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường; Chương V. Bảo vệ môi trường biển và hải đảo(từ Điều 49 đến Điều 51), bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường hải đảo; Chương VI. Bảo vệ môi trường nước, đất và không khí (từ Điều 52 đến Điều 64), bổ sung nội dung bảo vệ môi trường đất và không khí; Chương XI. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường (từ Điều 113 đến Điều 120), bổ sung nội dung Quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Chương XVIII. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường(từ Điều 159 đến Điều 162) vàChương XIX. Bồi thường thiệt hại về môi trường (từ Điều 163 đến Điều 167), được chỉnh sửa để phù hợp với Luật Thanh tra.
– Nhiều Chương trong Luật BVMT 2014được tách ra từ các Chương của Luật BVMT 2005 như: Chương XIII. Thông tin môi trường, chỉ thị môi trường, thống kê môi trường và báo cáo môi trường (từ Điều 128 đến Điều 138), được tách ra từ Chương X Luật BVMT 2005; Chương XV. Trách nhiệm của mặt trận tổ quốc việt nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường (từ Điều 144 đến Điều 146), được tách ra từ Chương XIII Luật BVMT 2005. Chương IV. Ứng phó với biến đổi khí hậu(từ Điều 39 đến Điều 48), là Chương mới hoàn toàn của Luật BVMT 2014.
– Đối với Chương XX. Điều khoản thi hành(từ Điều 168 đến Điều 170): Luật BVMT 2014 giữ nguyên nội dung so với Luật BVMT 2005, bổ sung Điều khoản chuyển tiếp áp dụng trong trường hợp Luật BVMT 2014 chưa có hiệu lực.
2. Nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2014
2.1. Các nội dung mới
– Luật BVMT 2014 dành hẳn một chương quy định về “Ứng phó với biến đổi khí hậu”
Việt Nam được biết đến như một trong những quốc gia sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.Chính vì thế, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực thực hiện những biện pháp nhằm chung tay chống lại biến đổi khí hậu, như ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngày 11/6/1992 (phê chuẩn ngày 16/11/1994), ký kết Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998 (phê chuẩn ngày 25/9/2002); ban hành hàng loạt chính sách và văn bản nhằm tạo cơ chế ứng phó và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chủ trương, giải pháp của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu được thường xuyên quan tâm, hoàn thiện, bắt nhịp kịp thời với những chuyển biến nhận thức, xu thế phát triển của vấn đề biến đổi khí hậu và tài nguyên, môi trường trên thế giới; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, gắn ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường với phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng phát triển bền vững. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân về ứng phó biến đổi khí hậu; tạo điều kiện thuận lợi để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách này bằng các quy định pháp luật cụ thể. Năm 2013, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) với những đánh giá đồng bộ về vấn đề biến đổi khí hậu và tài nguyên, môi trường, đã thông qua Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Đây là cơ sở quan trọng, mang tính định hướng trong việc tiếp tục hoàn thiện và luật hóa vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của nước ta.
Do vậy, việc Luật BVMT 2014 bổ sung Chương IV về “Ứng phó biến đổi khí hậu” là phù hợp. Chương này bao gồm các quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, mọi hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với ứng phó biến đổi khí hậu, đây là trách nhiệm chung không chỉ của các cơ quan nhà nước mà còn là của các tổ chức, cá nhân. Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Các khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone phải được quản lý; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường và thu hồi năng lượng từ chất thải[1] .
Luật BVMT 2014 đặc biệt chú trọng đến nội dung về phát huy vai trò của cộng đồng và đảm bảo sự lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, theo đó “Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đối khí hậu,… Cộng đồng có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu…”[2] . Trên thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu thường gắn liềnmô hình cộng đồng. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu phải được thực hiện từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng và làm lợi cho cộng đồng. Do đó,các quy định nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Chương này cũng dành một Điều quy định về hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu (Điều 48). Điều này phù hợp với những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà chúng ta là thành viên.
– Luật BVMT 2014 tách ra một chương quy định về “Thông tin môi trường, chỉ thị môi trường, thống kê môi trường và báo cáo môi trường”.
Thông tin môi trường được tách thành chương riêng, quy định cụ thể, để bảo đảm thực hiện tốt công tác thông tin môi trường. Thông tin môi trường và quyền tiếp cận thông tin môi trường là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị. Đây không phải là khái niệm mới, mặc dù vậy, ở Việt Nam hiện nay chưa có văn bản luật nào quy định thống nhất và đầy đủ về vấn đề này. Những quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường chủ yếu ở góc độ xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước, quyền tự do thông tin mang tính nguyên tắc, hơn là tính thực tiễn. Trong xu hướng phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường để tạo ra sự phát triển bền vững, quyền tiếp cận thông tin môi trường là một công cụ hữu hiệu trong việc tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân trong việc thực thi các quy định pháp luật môi trường[3] .
Đây là chương mới, được tách ra từ Chương X Luật BVMT 2005. Ngoài các nội dung được kế thừa, Luật BVMT 2014 quy định rõ hơn trách nhiệm cung cấp thông tin, quá trình thu thập, lưu giữ, khai thác và công bố thông tin, dữ liệu môi trường, yêu cầu lưu giữ và trách nhiệm lưu giữ dữ liệu môi trường; đồng thời bổ sung yêu cầu công khai thông tin về kế hoạch bảo vệ môi trường, kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, nội dung bộ chỉ thị môi trường địa phương và trách nhiệm xây dựng, quản lý; nội dung về chỉ tiêu thống kê môi trường và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Luật BVMT 2014 cũng quy định trách nhiệm báo cáo về công tác bảo vệ môi trường hàng năm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các các cấp quản lý nhà nước; quy định nội dung phần bảo vệ môi trường trong các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội hàng năm của các cấp chính quyền ở địa phương[4] .
2.2. Các nội dung sửa đổi, bổ sung
– Về phạm vi điều chỉnh:
Phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT 2014 gần như được giữ nguyên, nhưng được viết gọn lại, cô đọng và súc tích hơn. Điều 1 Luật BVMT 2014 quy định: “Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệmcủa cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường”. Việc bổ sung, đây là “trách nhiệm”chứ không đơn thuần là “quyền và nghĩa vụ”như Luật BVMT 2005 thể hiện sự quyết tâm trong công cuộc bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Đồng thời, việc bổ sung chủ thể là các “cơ quan”có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định quan điểm xuyên suốt, bảo vệ môi trường không là công việc của riêng ai[5] . Điều này cũng thống nhất với nguyên tắc đầu tiên của bảo vệ môi trường; “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”[6] .
– Về đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng của Luật BVMT 2014 được mở rộng nhằm đảm bảo các hoạt động bảo vệ môi trường được tuân thủ trên cả các vùng không gian thuộc chủ quyền quản lý của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 2 Luật BVMT 2014 quy định: “Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối tượng về không gian của pháp luật bảo vệ môi trường của các quốc gia nghiên cứu bao gồm: hành vi diễn ra trên lãnh thổ; hành vi diễn ra trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế; hành vi nằm ngoài lãnh thổ, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế nhưng có tác động thấy trước được đến các vùng thuộc phạm vi tài phán của pháp luật quốc gia[7] . Vì thế, việc mở rộng đối tượng áp dụng là phù hợp. Điều khoản này cũng bỏ nội dung “Người Việt Nam ở nước ngoài”do luật này chỉ quy định đối với tất cả các đối tượng có hoạt động trên phạm vi không gian chủ quyền của Việt Nam.
– Về giải thích từ ngữ:
Điều 3 Luật BVMT 2014 về giải thích từ ngữ đã bổ sung và bỏ bớt một số thuật ngữ. Trong đó, thuật ngữ “môi trường”được viết gọn hơn, coi con người là một thành phần của môi trường và tác động qua lại với các thành phần môi trường khác nhằm quy định rõ trách nhiệm ứng xử với môi trường của con người. Luật BVMT 2014 bổ sung thuật ngữ “Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường” để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Bổ sung các thuật ngữ “Sức khỏe môi trường”. “Công nghiệp môi trường”, “Hồ sơ môi trường”, “Quy hoạch bảo vệ môi trường”, “Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường”, “Kiểm soát ô nhiễm”, “Ứng phó với biến đổi khí hậu”,… là những thuật ngữ mới được đưa vào nhằm lý giải cho các nội dung được điều chỉnh mới trong các quy định tại điều khoản cụ thể ở những chương tiếp theo. Các thuật ngữ như “Đa dạng sinh học”, “Hệ sinh thái” không quy định lại vì đã được định nghĩa trong Luật Da dạng sinh học.
– Về các nguyên tắc bảo vệ môi trường
Các nguyên tắc bảo vệ môi trường là vấn đề còn gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi, Luật BVMT 2014 ghi nhận chính thức nguyên tắc “Đảm bảo quyền con người được sống trong một môi trường trong lành”bằng việc bổ sung vào Điều 4[8] là điều cần thiết. Quyền được sống trong một môi trường trong lành là quyền tự nhiên rất quan trọng của con người vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cùng với các tiêu chí dùng đánh giá chất lượng cuộc sống như thu nhập bình quân đầu người, hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên quyền này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hoạt động tác động đến chính môi trường, làm cho môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Nói một cách khác đi, chính con người đang tự tước đoạt chính quyền được sống trong điều kiện môi trường cho phép. Tuyên bố của Liên hợp quốc về Môi trường con người năm 1972 (Tuyên bố Stockholm) đã đưa quyền con người được sống trong môi trường trong lành thành một nguyên tắc của quan hệ giữa các quốc gia. Nguyên tắc số 1 của Tuyên bố Stockholm nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được sống trong một môi trường chất lượng, cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm long trọng bảo vệ, cải thiện cho thế hệ hôm nay và mai sau”[9] . Nguyên tắc số 1 của Tuyên bố của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển bền vững năm 1992 (Tuyên bố Rio de Janeiro) cũng khẳng định:“Con người là trung tâm của các mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”[10] . Cộng đồng quốc tế thừa nhận đây là quyền quan trọng hàng đầu, là mục tiêu hoạt động bảo vệ môi trường và các quốc gia đều ghi nhận quyền này trong các văn bản pháp luật của mình. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó, nhất là với tư cách quốc gia ký hai tuyên bố trên, có trách nhiệm biến quyền được sống trong môi trường trong lành thành nguyên tắc pháp lý. Điều này là sự tiếp tục cụ thể hóa Điều 50 Hiến Pháp 1992, Điều 14, Điều 43 Hiến pháp 2013.
Bên cạnh đó, Luật BVMT 2014 cũng bổ sung sự gắn kết giữa bảo vệ môi trường với ứng phó với biến đổi khí hậu cho phù hợp với việc thiết kế thêm 1 Chương mới vào Luật BVMT 2014 như chúng tôi đã phân tích ở trên.
– Về “Đánh giá môi trường chiến lược”:
Đối với “Đánh giá môi trường chiến lược”, Luật BVMT 2014 phân nhóm, làm rõ hơn và bổ sung các loại đối tượng phải lập báo cáo môi trường chiến lược. Ngay cả việc điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc đối tượng phải đánh giá môi trường chiến lược vẫn phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược. Đây là điểm khác biệt rõ nét mà Luật BVMT 2005 không quy định. Luật BVMT 2014 bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong khi lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và sự liên quan giữa lập chiến lược, quy hoạch với lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, theo đó “Kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch”. Nội dung của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của các chiến lược, quy hoạch cũng được quy định rõ hơn; làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thẩm định báo cáo môi trường chiến lược. Luật BVMT 2014 quy định cụ thể thời gian thực hiện các hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và bổ sung quy định về việc tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định[11] . Việc tiếp thu ý kiến thẩm định là nội dung hoàn toàn mới, giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát tốt hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
– Về “Đánh giá tác động môi trường”:
Luật BVMT 2014 xác định rõ 03 nhóm dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; khắc phục hạn chế vừa thừa và vừa thiếu của Luật BVMT 2005. Luật BVMT 2014 quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ dự án, đặc biệt quy định rõ những trường hợp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các trường hợp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là nội dung hoàn toàn mới, giúp nâng cao trách nhiệm của chủ dự án vì thực tế, có nhiều dự án sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án không triển khai dự án trong thời gian dài, hoặc thay đổi địa điểm thực hiện dự án; tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Luật BVMT 2014 quy định rõ hơn về tham vấn ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, những dự án không phải thực hiện tham vấn và cách thức tiến hành tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp của dự án cho báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật BVMT 2014 quy định chỉ có 03 cơ quan có chức năng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ chuyên ngành và Sở Tài nguyên và Môi trường (không ủy nhiệm cho các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện chức năng này như Luật BVMT 2005). Luật BVMT 2014 cũng bỏ quy định thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Tổ chức dịch vụ thẩm định[12] .
– Về “Cam kết bảo vệ môi trường”:
Luật BVMT 2014 không còn quy định “Cam kết bảo vệ môi trường”, thay vào đó là “Kế hoạch bảo vệ môi trường”. Về cơ bản, các quy định về “Cam kết bảo vệ môi trường” trong Luật BVMT 2005 vẫn được giữ lại. Luật BVMT 2014 bổ sung thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bên cạnh Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền). Luật BVMT 2014 cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận và trách nhiệm của cơ quan xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường[13] .
– Về “Bảo vệ môi trường nước, đất và không khí””
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật BVMT 2014 bổ sung các quy định mới về bảo vệ môi trường đất, quản lý chất lượng môi trường đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. Theo đó, bảo vệ môi trường đất là bảo vệ tài nguyên đất; mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; người gây ô nhiễm đất phải có trách nhiệm xử lý và phục hồi môi trường đất[14] . Những quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với bảo vệ môi trường đất, tạo nền tảng pháp lý để mở rộng các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đất. Luật BVMT 2014 cũng quy định mọi nguồn thải khí phải được kiểm soát và trách nhiệm giảm thiểu, xử lý khí thải của các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí[15] . Đây là nội dung được tách riêng, bổ sung cụ thể và nhấn mạnh hơn về bảo vệ môi trường không khí nhằm làm rõ các quy định pháp luật đối với thành phần môi trường này. Những yêu cầu về chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm không khí là cơ sở cho những hướng dẫn cụ thể về các nội dung bảo vệ chất lượng môi trường không khí, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường không khí và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
– Về “Quản lý chất thải”:
Luật BVMT 2014 kế thừa nội dung của Chương VIII Luật BVMT 2005 và có sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung yêu cầu quản lý chất thải để chi phối mọi hoạt động quản lý chất thải, quy định mọi loại chất thải phải được quản lý từ khi phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động giảm thiểu phát thải, tái chế, tái sử dụng chất thải được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; bổ sung nội dung “tái sử dụng chất thải”nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Luật BVMT 2014 quy định trách nhiệm của người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng và thải bỏ; quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất trong quản lý chất thải. Đối với quản lý chất thải nguy hại, để khắc phục những mặt trái trong quản lý chất thải nguy hại trong thời gian vừa qua, Luật BVMT 2014 đã quy định bổ sung các điều kiện hành nghề xử lý chất thải nguy hại[16] .
– Về “Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về bảo vệ môi trường”:
Đối với tráchz nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Luật BVMT 2014 tách trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường thành điều riêng và quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Trưởng. Luật BVMT 2014 bổ sung quy định các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật; hàng năm báo cáo Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Luật BVMT 2014 điều chỉnh chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có trong Luật Đa dạng sinh học và Luật Tài nguyên nước; bổ sung chức năng chủ trì và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.Luật BVMT 2014 tách trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong phòng chống tội phạm về môi trường[17] .
Để quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Luật BVMT 2014 tách phần này thành chương riêng để nhấn mạnh và có quy định cụ thể hơn. Luật BVMT 2014 quy định 01 Điều riêng về trách nhiệm và quyền của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nội dung chủ yếu là quyền được cung cấp thông tin, đối thoại, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, kiến nghị khởi kiện, được hưởng chính sách ưu đãi; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối việc đảm bảo những quyền trên. Luật BVMT 2014 cũng dành 01 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, trong đó quy định rõ hơn về quyền được cung cấp thông tin, đặc biệt là quyền yêu cầu cung cấp thông tin về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; bổ sung quyền được tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường, quy định cụ thể trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng dân cư, tổ chức đối thoại[18] .
– Về “Nguồn lực về bảo vệ môi trường”:
Về cơ bản, nội dung Chương này được kế thừa nội dung Chương XI Luật BVMT 2005. Tuy nhiên, để tạo nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực bảo vệ môi trường, Luật BVMT 2014 bổ sung, sửa đổi một số điểm mới như ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được bố trí từ nhiều nguồn chi khác nhau, bao gồm: sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, nguồn đầu tư phát triển bảo vệ môi trường công cộng, nguồn sự nghiệp khoa học và các nguồn chi hợp pháp khác; quy định cụ thể tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường; các nhóm nhiệm vụ chi từ sự nghiệp môi trường được quy định cụ thể hơn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; sửa đổi quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường theo hướng hỗ trợ thiết thực các hoạt động bảo vệ môi trường và theo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bổ sung thêm quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển khoa học công nghệ môi trường được ưu tiên; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lĩnh vực này[19] .
– Về “Bồi thường thiệt hại về môi trường”:
Luật BVMT 2005 bổ sung một nội dung rất quan trọng trong nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân, theo đó “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra”[20] . Đây là quy định mới so với Luật Bảo vệ môi trường 2005 nhưng được kế thừa từ Luật Bảo vệ môi trường 1993. Quy định này nhằm truy cứu đến cùng trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân gây ra tổn hại đối với môi trường; đảm bảo tuân thủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền là nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc này rất có ý nghĩa đối với việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường mà không phải lúc nào cũng thể hiện ngay hoặc lúc nào cũng có thể đánh giá được ngay. Đồng thời, đây là biện pháp răn đe, phòng ngừa quan trọng, không chỉ đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh.
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem các Điều 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 47 Luật BVMT 2014.
[2] Xem Điều 46 Luật BVMT 2014.
[3] Xem: Võ Trung Tín, Nguyễn Thị Hồng Phượng, Tiếp cận thông tin môi trường nhằm đảm bảo quyền con người được sống trong một môi trường không bị ô nhiễm trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2012.
[4] Xem các Điều 128-138 Luật BVMT 2014.
[5] Xem thêm Điều 6 Luật BVMT 1993, Điều 4 Luật BVMT 2005.
[6] Xem Khoản 1, Điều 4 Luật BVMT 2014.
[7] Bản thuyết minh chi tiết của Chính Phủ về xây dựng dự án Luật BVMT sửa đổi, Hà Nội, 2014, tr. 3.
[8] Xem thêm Khoản 2, Điều 4 Luật BVMT 2014.
[9] Xem: Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội – 2003, tr. 11.
[10] Xem: Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, Tlđd, tr. 31.
[11] Xem các Điều 13-17 Luật BVMT 2014.
[12] Xem các Điều 18, 20, 21, 23, 24 Luật BVMT 2014.
[13] Xem các Điều 32, 33, 34 Luật BVMT 2014.
[14] Xemcác Điều 59, 60, 61 Luật BVMT 2014.
[15] Xemcác Điều 62, 63, 64 Luật BVMT 2014.
[16] Xem các Điều 85 – 94 Luật BVMT 2014.
[17] Xem các Điều 141, 142 Luật BVMT 2014.
[18] Xem các Điều 145, 146 Luật BVMT 2014.
[19] Xem các Điều 147 – 155 Luật BVMT 2014.
[20] Xem thêm Điều 164 Luật BVMT 2014.
- Tác giả: TS. Võ Trung Tín*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2014 (83)/2014 – 2014, Trang 74-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời